Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)




Ân tứ Thánh Linh - Mai Đào


Đuốc Thiêng 97, tháng 10 năm 2008



Mở đầu

Một ông chủ vườn nói : Ta đi trồng cây. Cây mọc lên tươi tốt, một thời gian sau, sanh ra nhiều trái.

Quý độc giả muốn biết đó là trái gì. Xin trả lời: "Trái đó là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ" (Galati 5:22).

Quý vị sẽ nói: Biết rồi mà, đấy là trái của Thánh Linh. Ông chủ vườn, là Thánh Linh, cây là mỗi tín đồ.

Rất đúng, quý vị nói rất đúng. Mời quý vị thảo luận với chúng tôi: Do đâu mà cây tín đồ sẽ sanh được nhiều trái, và là trái tốt?

Thánh Linh trồng cây

Muốn cho cây phát triển tốt, hầu sẽ sanh trái tốt, thì việc trước nhứt của chủ vườn là tạo điều kiện thuận lợi cho cây. Thí dụ như trồng cây lúa, là thứ cây quen thuộc với chúng ta. Việc trước nhứt, là chọn địa điểm tốt, sau đó là dẫn nước, bỏ phân bón, làm cỏ, v.v., như câu phương ngôn "nhứt nước, nhì phân, ba cần, bốn giống".

Với cây tín đồ,Thánh Linh cũng làm như thế. "Nước, phân, cần, giống, v.v." tức là những điều kiện thuận lợi Thánh Linh đem lại cho cây tín đồ, có nhiều. Hôm nay chúng ta đặc biệt chú ý đến 6 điều kiện kể ra trong sách Ê sai 11: 2, là "khôn ngoan, thông sáng, mưu toan, mạnh sức, hiểu biết, và kính sợ Đức Chúa Trời".

Chúng ta sẽ thảo luận từng điểm. Ta sẽ không nhất thiết phải kể điểm nào là quan trọng hơn điểm nào, mà chỉ kể ra theo thứ tự trong câu Kinh Thánh nói trên.

Khôn ngoan

Khôn ngoan, phải chăng là biết cách xử thế "vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc..., ở cho hiệp ý nhau, ..." (Rôma 12:15,16) ? Đúng là người tín đồ cần khôn ngoan như thế; nhưng ý nghĩa của khôn ngoan trong câu nầy, còn hơn thế nữa. Đây là một ân tứ siêu phàm do Thánh Linh ban cho để nhận biết những điều thiêng liêng từ trời, hiểu về Đức Chúa Trời cách sâu sa, mặn mà và mật thiết. Chẳng những hiểu mà còn nếm, nếm để thưởng thức những điều thiêng liêng đó. Thánh Linh ban ân tứ nầy cho chúng ta để "Khá nếm thử coi Đức Chúa Trời tốt lành dường bao!" (Thi thiên 34:9). Được ân tứ nầy, ta sẽ chẳng ngần ngại mà coi tất cả mọi thú vui của đời còn thua xa việc phụng sự Chúa. Ta sẽ nói rằng "Lạy Chúa, linh hồn con thiết tha mong ước gặp Ngài, mong ước đến đỗi hao mòn" (Thi thiên 84:2) và "một ngày trong hành lang Đền Chúa hơn là một ngàn ngày sống ở nơi khác" (Thi thiên 84:10). Thánh Linh ban cho ta ân tứ nầy làm kinh nghiệm thuộc linh, nhưng muốn được, phải lìa xa những ham muốn bậy bạ về xác thịt.

Thông sáng

Ân tứ nầy giúp ta hiểu kỹ càng những lẽ thật về đức tin. Phaolô nói: "chúng ta nhận lấy Thánh Linh, hầu được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời" (I Côrinhtô 2:12) và "Đức Chúa Trời đã dùng Thánh Linh để bày tỏ những sự đó cho chúng ta" (I Côrinhtô 2:10) những điều đó là "điều mắt người chưa từng thấy, tai người chưa từng nghe, và lòng người chưa từng nghĩ đến, nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn những điều ấy cho những ai yêu mến Ngài" (I Côrinhtô 2:9).

Nhờ ân tứ nầy, đức tin sơ khởi của ta sẽ được vững chắc hơn. Ta sẽ lần lần đọc Kinh Thánh, thấy những lẽ thật chứa trong đó. Có khi một câu ta đọc đi đọc lại nhiều lần mà vẫn chưa hiểu, rồi bỗng dưng đùng một cái lời dạy dỗ bùng ra. Bùng ra và soi sáng đến tận cùng, giãi bày hết chân lý chứa đựng trong câu đó, từ đó đối với ta chân lý ấy thiệt là rành mạch và trở thành nguyên tắc sống của ta, thành nguyên lý hoạt động của đời ta. Được như thế, hỏi rằng có phải do ta suy nghĩ mà được không? Không, đấy chính là Thánh Linh soi dẫn.

Mưu toan

Bạn đã đặt chơn vào đường hẹp dẫn đến sự sống, không ngó đến đường khoảng khoát dẫn đến nẻo chết (Mathiơ 13:14). Đó là khôn ngoan.

Bạn đã thâu tóm những sự mầu nhiệm về Nước Trời (Êphêsô 3:4; Thi thiên 119:104, 34, 130, 144).

Đó là thông sáng.

Nay trên đường bạn đi, bạn gặp khó khăn, thí dụ như trước mặt gặp dòng sông. Bạn sẽ làm gì? Sẽ chờ có thuyền nào xuôi đến, nhờ chở qua sông ? Sẽ gom quần áo đội lên đầu, bơi qua ? Sẽ đốn cây để đóng thuyền? Sẽ đi xuôi theo bờ, biết đâu chẳng gặp cầu? v.v.

Đây là mưu toan, hoặc kêu là mưu lược (1). Và Thánh Linh mưu toan cho ta. Đấy là Thánh Linh trả lời ta khi ta hỏi: "Lạy Chúa, con phải làm gì?" (Công vụ 9:6 ). Ngài giữ tay ta lại cho khỏi làm việc cách hấp tấp, nhẹ dạ và nhứt là khỏi hành động do kiêu căng, là điều tối kỵ trong đời sống thiêng liêng. Kẻ nào tự tán tụng mình, lo làm cho mình sáng danh, thường thường không dùng lời cầu nguyện mà hỏi ý Đức Chúa Trời; trong thực tế, kẻ đó chẳng kể Đức Chúa Trời Chúa Cha trên trời soi sáng cho mình trong mọi việc. Hãy nhớ rằng: "mọi ơn điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống" (Giacơ 1:17). Hãy coi Chúa Giê Xu kìa: Ngài nói: "Con chẳng tự mình làm việc gì được, chỉ làm điều chi mà Con thấy Cha làm" (Giăng 5:19). Chúng ta tài giỏi hơn Chúa Giê Xu chăng?



Đuốc Thiêng 97

1 Tôi phải làm gì để được cứu rỗi - ĐTPÂ
2 Thơ : Chúa yêu con - Emmanuel
3 Phierơ - Mục sư Nguyễn Văn Bình
4 Thơ : Vết chân trên cát - Vũ Quý Hảo
5 Hình ảnh Ðức Chúa Trời - Mục sư Vũ ngọc Văn
6 Ân tứ Thánh Linh - Mai Đào
7 Thơ : Mau về sống cảnh hiển vinh - Trần Nguyên Lam Bửu
8 Đời Chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
9 Cầu Nguyện không nói ra được - Mỹ Khanh Fleckner
10 Xứ Do thái hồi Chúa Giê Xu sanh ra - Mai Đào
11 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
12 Xây nhà tình thương - Nguyễn Đình Bùi Thị
13 Ngày xưa nỗi nhớ - Bà Lê Văn Bắc
Chúa Giê Xu ngắm xem Chúa Cha, coi là mẫu mực cho công tác của mình; chính Thánh Linh chỉ cho Ngài biết ý muốn của Chúa Cha. Và Ngài làm theo, cho nên "Ta hằng làm sự đẹp lòng Cha" (Giăng 8:29).

Ai muốn sống cho đúng là con cái Đức Chúa Trời, chỉ cần áp dụng phương thức nầy, dầu có khi thấy phương thức nầy ngược với sự khôn ngoan của loài người. Có khi sự khôn ngoan của trần thế chỉ rằng phải làm theo hướng nầy, hướng kia, nhưng sự khôn ngoan của đời có giới hạn. Con cái Đức Chúa Trời sẽ nắm được hướng đi đúng do ân tứ mưu lược của Thánh Linh.

Mạnh sức

Thánh Linh đã mưu lược, tính toán cho ta rồi. Ta biết được ý muốn của Chúa, rằng phải làm gì để đẹp lòng Chúa. Nhưng chưa đủ. Biết rồi còn phải làm. Vì cớ bản chất con người từng sa ngã, chúng ta thường thiếu sức để hoàn thành điều Chúa yêu cầu. Một ân tứ nữa của Thánh Linh, là Ngài cho ta mạnh sức, nhứt là trong những lúc khó khăn. Có những người lao chao, thối lui khi gặp thử thách. Thử thách là chuyện không thể tránh, đôi khi còn là cần thiết nữa, và khi Chúa muốn trao trách nhiệm lớn cho ta, thì thử thách cũng lớn theo. Nhưng đừng sợ (Giăng 16:33). Giống như các sứ đồ xưa kia trong ngày lễ Ngũ tuần, (Công vụ 2:) Thánh Linh sẽ ban cho chúng ta "sức mạnh từ trên cao" để chúng ta hoàn thành ý muốn của Chúa Cha, để bắt chước các sứ đồ "vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời người ta" (Công vụ 4:19), để chịu nổi nghịch cảnh ta sẽ gặp khi ta càng tới gần Chúa Cha. Bởi thế, Phaolô khẩn khoản cầu thay cho các tín hữu yêu dấu ở thành Êphêsô, cho họ được "nên mạnh mẽ trong lòng nhờ Thánh Linh" (Êphêsô 3:16). Thánh Linh sẽ nói với ta, như Chúa đã nói với Môise khi Chúa giao cho Môise trách nhiệm đi giải cứu dân Ysơraên khỏi ách của Pharaôn: "Ta sẽ ở cùng ngươi" (Xuất 3:12).

Nhờ sức mạnh của Đức Chúa Trời, chúng ta trở nên mạnh. Đấy là sức mạnh của những người tử đạo. Thế gian lấy làm lạ sao lại có người can đảm như thế, họ nghĩ rằng sức mạnh ấy là do cá nhân kẻ tử đạo, đâu biết rằng sức mạnh ấy ra từ Đức Chúa Trời.

Hiểu biết

Do ân tứ hiểu biết, ta có cách nhìn khác về những vật do Đức Chúa Trời tạo ra. Có thể nhìn những vật xung quanh ta bằng nhiều cách khác nhau. Người vô tín không nhìn sự sáng tạo giống như người con dân Chúa. Người vô tín nói rằng vũ trụ không biết ra từ đâu ; người tín hữu biết rằng vũ trụ đầy những sự trọn vẹn ra từ bàn tay Đức Chúa Trời. Do ân tứ hiểu biết nầy, ta biết rằng đến cuối cuộc đời, chúng ta sẽ hân hoan trở về với Chúa Cha và ta biết làm cách nào để trở về đến nơi đến chốn, đồng thời biết lìa xa những ý nghĩ tối tăm của kẻ đi sai lạc.

Kính sợ Đức Chúa Trời

Ân tứ rất quý giá nầy có hai phần: kính và sợ.

Nhờ ân tứ kính, ta biết rằng đối với Đức Chúa Trời ta phải có thái độ ra sao: một mặt, vì Ngài là Đấng Toàn năng cao cả, Chúa tể trời đất muôn vật, chúng ta thờ lạy Ngài, kính trọng Ngài, vinh danh Ngài; mặt khác vì Ngài là "Cha chúng ta ở trên trời", ta yêu thương Ngài, trìu mến Ngài, tin cậy Ngài. Hai mặt nầy không chống nhau, nhưng bổ sung nhau. Thánh Linh sẽ dạy chúng ta hòa hợp hai mặt nầy cách nào. Cũng như trong Đức Chúa Trời, yêu thương và công bình không chống nhau, trong chúng ta là con cái Ngài, có hòa với nhau cách kỳ diệu lòng kính mến vô bờ làm ta quỳ gối xuống trước sự oai nghi của Ngài và lòng yêu thương êm ái đẩy chúng ta lao mình vào bàn tay nhân từ đầy phước hạnh của Cha trên trời; chính Thánh Linh sẽ cân bằng hai tình cảm nầy trong chúng ta.

Ân tứ kính còn sanh thêm một trái: làm cho những ai rụt rè trở nên dạn dĩ. Có những người rụt rè mỗi khi bước ra "ăn nói"; Thánh Linh sẽ làm cho họ khắc phục nhược điểm nầy, nếu họ nghe theo Thánh Linh. Họ sẽ được Thánh Linh phù hộ: "Thánh Linh giúp cho sự yếu đuối của chúng ta, vì chúng ta chẳng biết sự mình phải xin đặng cầu nguyện cho xứng đáng; Thánh Linh cầu khẩn thay cho chúng ta, Ngài cầu thế cho chúng ta theo ý Đức Chúa Trời" ( Rôma 8:26-27).

Tại sao nói sợ Đức Chúa Trời là một ân tứ? và lại nói rằng Đức Chúa Con được đầy dẫy sự sợ Đức Chúa Trời?

Bởi vì có hai cách sợ Đức Chúa Trời: cách thứ nhứt, là chỉ lo rằng Ngài phạt, vì cớ tội đã phạm. Cách thứ nhì, là vì sợ Chúa mà ta tránh không phạm tội, e rằng làm Chúa buồn lòng; đấy là cách sợ của con đối với cha, sợ vì yêu cha. Cách nầy gây ra lòng thờ kính và sợ cách nầy là điều thánh thiện.

Kết luận

Có người sẽ hỏi "những ân tứ nói trên đâu phải dành cho chúng ta, mà theo Kinh Thánh, là dành cho chồi, cho nhành của Ysai mà!". Ta hãy cùng nhau suy nghĩ: chồi nầy, nhánh nầy chỉ về ai? Chỉ về Chúa Giê Xu. Và những điều dành cho Chúa Giê Xu, cũng là dành cho chúng ta, người tín đồ. Tại sao? Ta hãy đọc Giăng 1:12: "Nhưng hễ ai nhận Ngài, thì .... trở nên con cái Đức Chúa Trời".

Và khi ta đã thành con cái Đức Chúa Trời rồi, thì ta được Đức Chúa Trời ban gì cho? "Đức Chúa Trời đã chẳng tiếc ban cho chúng ta chính Con của Ngài, thì Ngài há chẳng ban cho chúng ta luôn mọi sự với Con ấy sao?" (Rôma 8:32).

Muốn có những ân tứ nầy, chỉ cần làm theo Mathiơ 7:7. Nào, mời quý vị quỳ gối xuống.