Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)




Đời Chẳng ai ngờ - Vinh Bằng


Đuốc Thiêng 97, tháng 10 năm 2008



Ngoài công tác truyền giáo như trên, Hội thánh Việt Kiều tại Ai Lao còn chú trọng đến văn hóa và xã hội. Qua Hội Hoàn Cầu Khải Tượng, Hội thánh bảo trợ cho trường Việt Kiều tại Vientiane, hằng tháng trả lương cho tất cả giáo viên ở trường từ lớp Một tới lớp Năm, đồng thời liên lạc với những người đỡ đầu ở khắp nơi trên thế giới, nhất là ở Hoa kỳ, Canada, Úc vận động gởi tiền bạc, quà biếu hoặc tặng vật cho những học sinh nghèo. Hội thánh cũng được trường dành đặc biệt giờ giáo lý dạy Kinh thánh cho học sinh các lớp. Nhà tôi đảm trách việc dạy giáo lý cho trường, còn các con tôi bắt đầu đi học. Khi còn ở Việt Nam, những tưởng đến Lào chúng sẽ có cơ hội học tiếng Pháp, như đã biết từ trước, nào ngờ đúng vào lúc chúng tôi tới, bộ giáo dục của chính phủ liên hiệp Lào bắt buộc các trường phải dạy tiếng Lào, thành thử các con tôi tạm thời đến học ở trường Việt Kiều để khỏi mất thời gian, đồng thời cho kịp thích ứng với môi trường mới. Trường rất gần nhà thờ, chỉ đi bộ băng ngang qua một công viên khá rộng và vài con đường thì đến nơi. Hội Hoàn Cầu Khải Tượng cũng cung cấp thuốc men cho phòng y tế tòa Đại sứ Việt Nam để phân phát cho Kiều bào tới khám bệnh. Nhờ công tác văn hóa xã hội nầy, Hội thánh dù nhỏ nhưng tầm ảnh hưởng rất lớn mạnh đến môi trường truyền giáo.Mọi việc tạm ổn. Đến lúc chúng tôi phải bắt tay vào việc học tiếng Lào. Hội Hoàn Cầu Khải Tượng sẵn sàng giúp trả lương giáo sư dạy tiếng Lào cho chúng tôi. Nhờ vậy chúng tôi không phải đến trường mỗi ngày, song có giáo sư đến tận nhà theo thời khóa biểu hướng dẫn chúng tôi học. Cô giáo là một tín hữu Tin Lành, sinh ra ở Lào trong gia đình Việt Nam, nói tiếng Việt rất chuẩn, còn tiếng Lào thì rất giỏi, do vậy việc học của chúng tôi không gặp khó khăn. Ban đầu, học từ và câu căn bản nhằm giao tiếp với người Lào, rồi học cách đọc chữ và tập viết tiếng Lào. Nhìn chữ Lào ngoằn ngoèo ta có cảm giác rất khó học, nhưng việc kết cấu câu nói lại tương tự như tiếng Việt Nam. Tỉ như khi chúng ta hỏi: "Có không?", người Việt Nam trả lời hoặc là "có" hoặc là "không", còn khi trả lời "không có", lúc đó chỉ việc đảo lộn hai chữ "có" và "không" với nhau thì thành câu trả lời rồi. Tiếng Lào cũng tương tự như thế. "Mi" (có), "bo" (Không). "Mi bo?" (có không?). Ta trả lời hoặc có "mi" hoặc không "bo" hay "bo mi" (không có). Thế là chúng tôi bập bẹ nói tiếng Lào chút ít khi đi chợ hay tiếp xúc với người Lào. Dù vậy, để nói được tiếng Lào cần phải có thời gian dài cho việc học. Điều nầy lại không đến với chúng tôi, vì chỉ mấy tháng sau đó, chúng tôi lại phải rời Lào sau biến cố tháng 4-1975 ở Việt Nam. Vì vậy việc học tiếng Lào dang dở không tới đâu cả.

Có một điều phải nói, người Việt ở Lào diễn tả tiếng Việt theo cách nói của người Lào nghe thật dễ thương, là lạ làm sao. Họ chế biến câu nói theo khuôn mẩu của người Lào khiến ta thấy có cái gì mang sắc thái đột phá mà người Việt ở quê nhà hoặc bất cứ nơi đâu đều không có. Cả trong tự điển tiếng Việt cũng không hề biết tới. Tỉ như khi ăn món gì ngon, thay vì nói "ngon quá hay ngon lắm", họ nói: "ngón ngon", kéo dài chữ đầu một chút rồi mới nói chữ sau, thanh âm phát ra khiến ta có cảm giác món ăn thật tuyệt vời. Cũng như khi nói một chiếc xe hay một cô gái đẹp, người Việt ở Lào nói: Chiếc xe "đép đẹp", hay chị hôm nay "đép đẹp", vần điệu phát ra dễ thương, dễ mến làm sao! Khi làm việc mệt nhọc, họ cảm thấy "mết mệt" hoặc "đứ đừ". Lúc đi đường xa, họ than "xá xa", lúc vui quá họ mừng rỡ thốt lên "vúi vui", lúc no quá lại nói "nó no", khi ngọt quá, thì nói "ngót ngọt", khi cay quá thì kêu lên "cáy cay", gặp người ốm yếu, thì mô tả "gấy gầy", người cao nghều nghệu thì "cáo cao", người thấp bé thì "lún lùn", giàu có thì nói "giáu giàu", còn nghèo lại nói "nghéo nghèo"... Người Việt ở Lào thêm dấu sắc ở chữ đầu để diễn tả một điều gì tăng nhiều hơn lên, trong khi người Việt ở quê nhà trái lại, thì dùng "không dấu" hay thêm "dấu huyền" ở chữ đầu có ý diễn tả một cái gì bình thường, tàm tạm, không thể đạt tới mức cao hơn hay thấp hơn được. Tỉ như ngon ngon, beo béo, cay cay, cao cao, ngăn ngắn, nong nóng, lành lạnh, hoặc lập lại ngay chữ đó, thấp thấp, gầy gầy, lùn lùn... cũng đều có nghĩa như thế.

Tết ở Lào "vúi vui" nhưng đối với những người mới tới Lào lần đầu thì "sớ sợ". Tết không tổ chức vào đầu năm âm lịch như bên ta, nhưng trễ hơn mấy tháng. Một trong những phong tục ngày Tết Lào có "Hốt nạm", nghĩa là "xối nước". Người Lào theo Phật giáo, cứ Tết đến đều có tục nấu nước thơm bằng cách nấu bông thơm hay đổ dầu thơm vào nước mang tới chùa xối vào các tượng Phật gọi là "tắm Phật" cho sạch bụi bặm dơ bẩn bám vào trong năm qua, rồi lấy nước rữa tượng đó xối lên đầu các Phật tử để lấy phước. Phong tục lễ nghi nầy dần dần khuếch đại thành phong tục dân gian, dân chúng xối nước nhau cả bình, cả thùng, có khi lấy vòi nước phun ướt hết cả người lẫn quần áo. Loại nước dân gian đó dĩ nhiên không phải nước thơm gì cả, chỉ là nước thường thôi. Đôi khi họ còn bỏ màu xanh đỏ vào nước, chở cả thùng to trên xe mui trần chạy qua khắp đường phố, gặp ai cứ xối vào khiến quần áo mặt mày tèm lem màu mè kỳ dị thật khó coi, một số cô gái lâm vào tình cảnh nầy vừa "vúi vui" vừa "thén thẹn". Nhiều người đi đường vì không muốn áo quần bị uớt hay bị nước màu làm hoen ố, cố tránh khi đi xe đạp hay xe gắn máy gặp phải xe vượt ngang qua xối nước, bị té thương tích "đáu đau", vài trường hợp làm chết người. Tôi biết phong tục như thế, nên cố gắng hạn chế tối đa ra đường trong mấy ngày Tết. Thế nhưng vì công việc cấp bách của Hội thánh bắt buộc phải lái xe gắn máy ra đi. Tôi tìm những đường nhỏ, mong không bị "hốt nạm" dọc đường. Thế nhưng đầu đường nào, góc hẻm nào cũng có người đứng chặn giữa đường chực sẵn đổ nước. Lúc đầu tôi cố tránh, nhưng thấy không còn lối nào tránh cho khỏi, đành phải dừng xe lại cho họ đổ xối xả từ đầu tới chân, áo quần ướt cả họ mới chịu thôi. May mà lúc đó Vientiane trời nóng hừng hực, nóng không chịu nổi, "hốt nạm" vừa mát lại áo quần cũng mau khô, chừng năm mười phút thấy như không còn ướt nữa. Vừa về tới cửa nhà, thấy mấy đứa con tôi khóc nức nở. Té ra có một số người bên ngoài xô cửa vào, nào thùng, nào sô, ùa rượt chúng nó vào tới phòng khách xối nước ào ào khiến ướt cả nhà và mình mảy, chúng hoảng sợ không biết tai họa gì sẽ xảy đến cho chúng.

Tết Lào vừa qua không bao lâu, biến cố 30-4-1975 lại xảy đến tại Việt Nam và đương nhiên cũng ảnh hưởng tới Lào. Người Việt ở Lào tâm trạng hoang mang sợ hãi. Họ đối diện với một thứ tương lai mờ mịt chưa bao giờ thấy. Ai nấy hầu như âm thầm tìm đường vượt biên qua Thái Lan dù chưa biết ở đó làm gì và rồi đi đâu. Tòa Đại sứ Việt Nam đóng cửa, việc tìm một chiếu khán (visa) qua Thái Lan không phải dễ, tốn kém nhiều tiền bạc lắm. Đường phố Vientiane ngày càng đậm nét u buồn dưới mắt người Việt.

Không ai muốn lìa khỏi thành phố thân yêu dáng vẻ hiền hòa với bao kỷ niệm không hề quên, thế mà ngày nào cũng thấy vắng bóng một số người. Họ lặng lẽ ra đi. Một số con cái Chúa cũng sắp xếp hành trang cho một ngày nào đó vượt qua bên kia bờ sông Mékong đến Thái Lan. Nhà thờ từ từ vắng người. Dù vậy, còn nhiều con cái Chúa chưa có lối thoát, vừa đi làm việc vừa chuẩn bị bán bớt đồ đạc hầu có tiền cho việc sẵn sàng ra đi bất cứ lúc nào cơ hội mở ra. Chúng tôi đang hồi bị thử thách. Con đường trước mặt dường như rất hẹp. Tiền bạc không có, phương tiện cũng không. Ở lại hay ra đi lúc bấy giờ chỉ còn chờ đợi thời gian thuận tiện và do sự dìu dắt của Chúa. Một con cái Chúa lập nghiệp lâu năm ở Lào, có đất đai nhà cửa đề nghị tặng chúng tôi vài công đất canh tác nếu trường hợp không đi được phải ở lại. Một bà tín đồ với một đứa con trai có tiệm bán tạp hóa ở Vientiane trước khi rời nhà ra đi mời chúng tôi đến giao nhà và tiệm tạp hóa nói là để cho chúng tôi ở lại có phương tiện hầu việc Chúa. Thế nhưng thời sự dầu sôi lửa bỏng lúc đó không ai có thể bảo đảm được điều gì.

Vientiane hôm nay buổi sáng trời thật đẹp. Vầng thái dương chiếu rạng sáng ngời. Khí trời nóng hừng hực. Như thường lệ hằng tuần, giáo sĩ G. Wood đem xe tới chở tôi đi đánh tenis tại sân chơi trong thành phố. Khi đã thấm mệt, chúng tôi ngồi giải khát, giáo sĩ G. Wood hỏi:



Đuốc Thiêng 97

1 Tôi phải làm gì để được cứu rỗi - ĐTPÂ
2 Thơ : Chúa yêu con - Emmanuel
3 Phierơ - Mục sư Nguyễn Văn Bình
4 Thơ : Vết chân trên cát - Vũ Quý Hảo
5 Hình ảnh Ðức Chúa Trời - Mục sư Vũ ngọc Văn
6 Ân tứ Thánh Linh - Mai Đào
7 Thơ : Mau về sống cảnh hiển vinh - Trần Nguyên Lam Bửu
8 Đời Chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
9 Cầu Nguyện không nói ra được - Mỹ Khanh Fleckner
10 Xứ Do thái hồi Chúa Giê Xu sanh ra - Mai Đào
11 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
12 Xây nhà tình thương - Nguyễn Đình Bùi Thị
13 Ngày xưa nỗi nhớ - Bà Lê Văn Bắc
-Ông có biết đêm nay, tất cả giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo Ai Lao sẽ rời Lào qua Thái Lan không?

Câu hỏi làm tôi kinh ngạc:

-Vậy sao? Tôi chưa biết.

Ông nhìn tôi, hỏi:

-Thế ông có muốn cùng đi với chúng tôi không?

Một tia hy vọng loé lên. Mấy ngày nay tôi cầu nguyện xin Chúa cho có phương tiện ra đi, nay cơ hội đến bất ngờ. Tôi chấp nhận ngay.

Trở về nhà, chúng tôi tức tốc sắp xếp việc điều hành nhà thờ. Cử người giữ cơ sở. Gấp rút từ giã một số con cái Chúa , rồi chiều đó chúng tôi mỗi người một túi xách, tới cửa khẩu Thà Đừa, cách Vientiane khoảng gần 10 km, tôi không nhớ chính xác. Sau khi làm thủ tục xong, chúng tôi lấy phà vượt giòng Mékong sang Nong Khai (Thái Lan). Đoàn giáo sĩ không đi Bangkok ngay đêm đó, nhưng ở lại Nong Khai theo chương trình riêng của họ. Giáo sĩ G.Wood mua vé xe bus đưa cả gia đình tôi đến Bangkok trước. Xe chạy suốt đêm, bừng tỉnh dậy đã đến Bangkok. Ai nấy đều mệt nhoài. Nhờ giáo sĩ G.Wood báo tin, Hội Truyền Giáo cử người tới tận bến xe đón chúng tôi về trụ sở (Guest Home) Bangkok tạm nghỉ. Guest Home mấy ngày nay do tình hình Việt Nam, các gia đình giáo sĩ nhiều nơi trở về đông lắm. Vì vậy, ngày hôm sau chúng tôi phải dời đến khách sạn Liberty nằm ngay trong thành phố Bangkok tạm trú.

Bangkok trời nóng nực không thua gì Vientiane. Xe cộ chạy nhộn nhịp. Kèn xe inh ỏi. Lúc bấy giờ chưa có một trại nào được thiết lập đón tiếp người tị nạn. Ai nấy phải tìm kiếm phương tiện riêng sinh sống. Ngày ngày người người lũ lượt kéo tới Cơ quan Liên Hiệp Quốc lo về người tị nạn (HCR) để được giúp đỡ. Một số có thân nhân ở Pháp được giấy tờ bảo lãnh đi rất nhanh. Họ tới nườm nượp xem coi có danh sách niêm yết đi Pháp chưa? Riêng chúng tôi chưa được Hội Truyền Giáo phân bổ đi nên phải chờ đợi.

Mấy ngày sau, Xuân Trang, đứa con gái mới vừa 3 tuổi bệnh nặng quá phải đưa vào bệnh viện Bangkok chữa trị. Thấy ở lại Bangkok trong lúc nầy chỉ tốn kém cho Hội Truyền giáo, lại chưa biết phải chờ đợi bao lâu, chúng tôi đề nghị tạm thời trở lại Ai Lao tiếp tục cai quản Hội thánh, nâng đỡ tinh thấn anh em tín hữu còn ở lại. Thế là chúng tôi trở về Vientiane vừa lo công việc Chúa, vừa chờ đợi.

Chúa cho Hội thánh vẫn tiếp tục sinh hoạt. Con cái Chúa vẫn một lòng thờ phượng Chúa. Tình thương của con cái Chúa trong hoàn cảnh khó khăn lại khắng khít hơn. Đức Chúa Trời luôn gìn giữ và cung cấp nhu cầu cho chúng tôi trong lúc cần thiết nhất. Hội thánh Vientiane vẫn cung lương như trước, dù anh em phải cố gắng dâng hiến nhiều hơn. Bà Nguyễn thị Đính, một con cái Chúa sống tại đảo Tahiti, thuộc một quần đảo của Thái bình dương, thỉnh thoảng gởi tiền qua nhà băng về cứu giúp. Một trăm đôla lúc ấy ở Lào có giá trị lớn lắm, người ta có thể ăn bảy tô phở chỉ trả có một đôla. Tình thương giúp đỡ của bà chúng tôi hằng ghi khắc mãi. Nhờ tiền cứu giúp của bà mà chúng tôi có thể giúp cho một con cái Chúa lo thủ tục giấy tờ và xe cộ đến được Bangkok để từ đó sang Pháp. Về sau, chúng tôi có gặp bà khi sang Pháp du lịch và đôi lần gặp bà ở California (Hoa kỳ) khi bà sang định cư ở đó.

Một buổi chiều nọ, nắng vàng còn le lói chiếu những tia cuối cùng trên đỉnh nhà thờ, thấy cánh cổng vẫn còn mở, ông A.F Tumiwa, người Nam Dương (Indonésia), giám đốc cơ quan truyền giáo Á Châu có trụ sở tại Vientiane, tôi đôi lần có dịp gặp gỡ trong các buổi tiếp tân quốc tế và tại văn phòng riêng, ông bà sắp rời Lào trong mấy ngày tới, dừng xe bước vào hỏi: -Tới lúc nầy mà Mục sư còn ở lại đây chưa đi sao? Coi chừng quá trễ đấy!

Tôi thổ lộ:

-Chưa biết đi đâu? Vả lại tài chánh lúc nầy không cho phép.

Ông không nói gì, bước ra, mở cửa xe sau lên, đem tặng chúng tôi một gói tiền 200.000 Kíp (tiền Lào) nói là giúp gia đình Mục sư tạm sống trong những ngày khó khăn tại Lào để hầu việc Chúa. Tôi cảm tạ ơn Chúa vô cùng và nhớ mãi tình thương của một người Nam Dương (Indonésia) đối với chúng tôi. Về sau, khi qua Thái Lan, tôi có gặp lại ông bà vài lần, được ăn chung với nhau, thật nồng ấm tình thương.

Chẳng bao lâu sau, Hội Truyền giáo báo tin cho chúng tôi biết phải qua Thái Lan gấp để chuẩn bị thủ tục sang Pháp lo công việc Chúa cho người Việt tại Pháp. Vì từ khi biến cố việt Nam xảy ra, có nhiều Mục sư đã đến Hoa kỳ rồi, song ở Pháp và Âu Châu chưa có Mục sư Việt Nam nào tới cả. Bây giờ tôi phải đi. Vậy là một lần nữa chúng tôi lên đường qua Bangkok. Song việc ra đi lần nầy có muôn vàn khó khăn nguy hiểm. Dù chúng tôi có chiếu khán (visa) sang Thái Lan, nhưng cánh cửa ra đi chính thức bị chính quyền Pathet Lào phong tỏa. Muốn đến Thái Lan trong lúc nầy chỉ còn con đường là dùng thuyền vượt biên ngang qua sông Mékong mà thôi. Một số người chết chìm hoặc bị bắn tử thương khi băng qua con sông định mệnh đó. May thay, trong Hội thánh, có một thanh niên can đảm, tìm người cùng anh đưa gia đình chúng tôi sang sông bằng loại ghe máy cực mạnh. Chỉ cần ghe vọt qua quá nữa sông là thuộc địa phận Thái Lan rồi. Để dễ dàng cho việc vượt sông mà không bị phát giác, họ đề nghị chia ra làm hai toán, phát xuất từ hai địa điểm khác nhau. Một thanh niên dắt một mình tôi đi riêng. Ngồi uống cà phê ở một quán lụp xụp ven sông không xa bến phà Thà Đừa bao nhiêu để chờ đợi cơ hội, nhưng đợi mãi không thể nào xuống ghe được vì lính Pathet Lào canh gác nghiêm ngặt quá. Trong khi đó, nhà tôi do anh thanh niên tín đồ hướng dẫn ở một điểm khác đã may mắn qua được bên kia sông rồi. Trở về thấy tôi vẫn chưa đi được, anh gấp rút đưa tôi đến một địa điểm khác an toàn hơn và lần nầy anh cũng thành công. Ghe máy vút nhanh qua sông như chỗ không người. Sóng nước trắng xóa. Lính gác ở quá xa lại bất thần không thể nào trở tay kịp. Thế là tôi tới Thái Lan bình yên. Anh tín đồ hướng dẫn tôi tới gặp lại nhà tôi và các con tại một khách sạn ngay bên bờ sông Nong Khai mà anh đã mướn giúp ở đó. Hết thảy chúng tôi vui mừng lớn tiếng ngợi khen ơn bảo bọc của Chúa. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh xong, chúng tôi lên xe bus suốt đêm đi Bagkok. Ở thời điểm nầy, Thái Lan vẫn chưa có trại nào mở ra đón tiếp người tị nạn. Các nhà thờ Tin Lành hay Công giáo nỗ lực giúp đỡ phân phát quần áo, vật dụng cần thiết, một số người thiếu thốn cũng được trợ giúp một ít tiền bạc. Những người Việt ở Lào Liên Hiệp quốc chưa cứu xét việc giúp đỡ cứu trợ, viện lẽ Lào chưa có chuyển biến gì giống Việt Nam nên có lắm người gặp khó khăn. Riêng tôi, có hộ chiếu Việt Nam, lại còn mang theo căn cước Việt Nam do đó có sự trợ giúp của Liên hiệp quốc chút ít. Ngày ngày, tôi lo vận động đó đây tìm phương tiện giúp đỡ anh em tạm sống chờ đợi đến nước thứ ba. Tôi gõ cửa Hội Hoàn Cầu Khải Tượng Bangkok, ông Sakda Phapoom, từng là giám đốc Hoàn Cầu Khải Tượng ở Lào đang ở đó cũng giúp ít mùng mền, tiền bạc cho mấy gia đình mới tới. Tôi cũng giới thiệu con cái Chúa đến các nhà thờ Tin Lành nhờ sự giúp đỡ tạm thời. Dù chật hẹp, chúng tôi cũng đón một gia đình con cái Chúa từ Lào đến tạm trú với chúng tôi tại khách sạn Liberty. Vừa là người tị nạn, vừa giúp người tị nạn, hai tháng tại Bangkok quả là những tháng ngày thể hiện tình thương của những người tản lạc nơi xứ lạ quê người. Tại đây tôi có dịp tiếp xúc với một số người tị nạn, giúp đỡ họ khi có nhu cầu về tâm linh lẫn vật chất. Thật là những ngày phước hạnh đầy kỷ niệm không sao quên được.