Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)




Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ


Đuốc Thiêng 96, tháng 8 năm 2008


Nguyên tác : sách "Les croisades vues par les arabes" - Thập tự dưới mắt người Ả rập.
Nhà Xuất bản: JC Lattès, Paris, 1983.
Tác giả : Amin Maalouf.
Trích dịch : Lạc Hồ.

Chương 51/3 : Quân Franj ăn thịt người (tiếp theo) (coi Đuốc Thiêng từ số 3)



Ngày 19 tháng 5 năm 1099, quân Franj vượt qua sông Nahrel Kalb, biên giới phía bắc của lãnh thổ Fatimides. Egypte đối phó ra sao?

Phòng thủ Jerusalem

Afdal ra lịnh củng cố phòng thủ Jerusalem mà bỏ rơi các thành phố của mình ở ven biển Méditerranée. Tất cả các thành phố nầy, trừ một, đều xin huề với quân Franj.

Thành phố đầu tiên xin huề là Beyrouth, ở cách sông Nahrel Kalb 4 ngày đường. Phái đoàn Beyrouth đến gặp quân Franj, hứa là sẽ cung cấp vàng, lương thực và hướng dẫn viên với điều kiện là đừng phá hoại mùa màng trong vùng lân cận Beyrhouth. Họ cũng nói thêm là Beyrouth sẽ bằng lòng chịu phục, nếu quân Franj chiếm được Jerusalem.

Chỉ có thành phố Saida, tức là Sidon ngày xưa dám chống cự, nhiều lần đưa quân đánh nhau. Quân Franj đối lại, phá tan các vườn cây ăn trái, cướp phá các làng xung quanh. Hai hải cảng Tyr và Acre, tuy rất dễ phòng thủ, nhưng cũng làm theo Beyrouth. Dân cư các thành phố trong xứ Palestine đều di tản nhiều ngày trước khi quân Franj đến. Quân Franj chẳng gặp sự chống cự nào đáng kể, và sáng ngày 7 tháng 6 năm 1099, dân thành Jerusalem nhìn ra xa thấy họ hiện ra trên ngọn đồi gần đền tiên tri Samuel và nghe tiếng họ hò reo. Đến chiều, thấy họ đóng trại dưới chân tường thành.

Trong thành Jerusalem, tổng chỉ huy quân Egypte là tướng Iftikhar ad Dawla, cũng đứng trên tháp canh David, nhìn xuống quân Franj. Từ nhiều tháng rồi, y đã chuẩn bị ngày bị quân Franj đến vây hãm. Mùa hè năm trước, khi Afdal đến đánh quân Turc, phá sập một khúc tường thành, thì nay đã tu bổ rồi. Y đã cho tích trữ nhiều lương thực, phòng khi bị vây lâu, để có thể chờ quân của Afdal, vì Afdal đã hẹn là sang tháng 7, sẽ kéo quân đến giải vây cho Jerusalem. Mới mấy ngày gần đây, y cho rải thuốc độc lên tất cả mọi nguồn nước, mọi giếng nước lân cận, không cho địch quân có nước dùng. Địch quân sẽ không dễ gì hành động dưới mặt trời gay gắt tháng 6.

Quân Franj kỳ quặc

Với Iftikhar, khởi đầu cuộc chiến, mọi sự đều thanh thông. Chắc chắn sẽ giữ được thành cho tới khi quân của Afdal đến cứu, vì trong thành có đông đảo các chiến sĩ người Ả rập, người Soudan, có công sự kiên cố vòng quanh suốt trên các đồi cao, các hào sâu. Bọn Tây phương kia từng có tiếng là can đảm, nhưng mà hành động của họ thấy là vô lý dưới mắt một chiến binh đầy kinh nghiệm như mình. Tưởng đâu là khi tới rồi, họ sẽ dựng đài cao di động, đặt máy bắn phá, đào hào xung quanh thành để ngăn chặn quân trong thành xông ra. Nhưng kỳ quặc thay, họ chẳng làm thế! Họ tổ chức diễu hành quanh bên ngoài tường thành, có các thầy tế lễ dẫn đầu, họ vừa diễu hành vừa hát vang vang, hát khan cổ rồi sau đó mới xông tới đánh phá các vách thành, mà lại chẳng có thang để leo lên! Afdal đã cho tin là quân Franj tấn công vì mục đích tôn giáo, nhưng cuồng tín kiểu nầy làm y ngạc nhiên. Chính mình y là người Hồi giáo ngoan đạo, nhưng hiện nay y chiến đấu ở Palestine, là để bảo vệ quyền lợi của Egypte, và tại sao phải dấu, vì quyền lợi cá nhân của y, sẽ được vinh thăng nay mai sau chiến công.

Y vẫn biết là thành Jerusalem nầy không phải như các thành phố khác. Ở Egypte, người ta thường kêu là thành Iliya. Nhưng các thầy thông giáo, các quan chức, kêu là thành Al Quds, hoặc Beit el Maqdless, hoặc al Beit al Mouqaddas (lời dịch giả: kể ra cho hết như trên, là để quý vị dễ truy cứu với các văn kiện lịch sử của Egypte). Họ kể đây là thành thánh đứng thứ ba của Hồi giáo, sau hai thành La Mecque và Médine. Nơi thành nầy, một đêm xưa, Đức Chúa Trời đã dẫn Tiên tri Mohamed của họ, đến gặp Môise, và Giêsu, con của Marie. Từ ngày đó, với tất cả mọi người hồi giáo, Jerusalem là thành thánh trong lịch sử tôn giáo của họ, và rất nhiều người hành hương đến Jerusalem, để thờ lạy nơi đền alAqsa, nổi tiếng vì mái đền hình bán cầu dát vàng nổi bật trên các mái nhà hình vuông trong thành phố.

Iftikhar thấy quân Franj cứ đều đều diễu hành mỗi ngày quanh thành, nhìn thấy thì bực mình, thì y yên trí, vì diễu hành đâu có ăn nhằm gì đến chiến sự. Nhưng khi cuộc vây hãm bước qua tuần lễ thứ nhì, y bắt đầu lo sợ. Địch quân đã kết liễu việc dựng hai đài tấn công bằng gỗ, vừa lớn vừa cao. Đầu tháng 7, hai đài hoạt động, có thể đưa hàng trăm chiến sĩ tới ngang mặt thành. Từ trong thành, mọi người đều lo ngại khi nhìn thấy dáng hai đài cao kia.

Iftikhar đã ra lịnh, nếu đài ấy tiến tới gần thành, trước hết là phải bắn tên như mưa. Nếu đài tiến tới gần hơn nữa, thì dùng lửa grégeois, tức là lấy dầu lửa trộn với diêm sinh (soufre), đổ trong vò, châm lửa, rồi ném vào quân địch. Chiến thuật nầy đã giúp quân Iftikhar đẩy lui nhiều đợt tấn công trong tuần lễ thứ nhì tháng 7, mặc dầu thập tự quân đã tìm cách chống lại lửa nầy, bằng cách che chở đài bằng da thú vật mới lột ra, quết đầy dấm.

Jerusalem thất thủ

Trong buổi nầy, có tin đồn là quân cứu viện của Afdal đã lên đường. Thập tự quân lo sẽ bị hai mặt tấn công, bèn ra sức đánh thành.

Sử gia Ibn al Athir của chúng ta chép : "Quân Franj có hai đài di động, một ở Siôn, phía bắc Jerusalem, một ở phía nam Jerusalem. Quân ta đã đốt cháy đài phía bắc, quân lính trên đài đều chết hết. Nhưng vừa đốt xong, thì có lời kêu cứu từ phía nam, vì địch quân đã lọt vô đưọc. Đúng ra, thành bị mất là từ phía bắc, một buổi sáng ngày thứ sáu".

Lúc nầy, Iftikhar đang ở trong tháp David, tháp nầy là một pháo đài tám cạnh, rất kiên cố, nền của pháo đài được hàn bằng chì, có thể cố thủ được nhiều ngày, nhưng Iftikhar biết là đã thua rồi. Địch quân đã chiếm được khu Do thái, mọi phố đầy xác chết, và hiện nay là chiến trận đã lan tới bên ngoài Đền lớn. Đến trưa, không còn chiến dấu gì nữa ở trung tâm thành phố, cờ màu trắng của Fatimides chỉ còn bay trên tháp David và Iftikhar ra sức cố thủ, mặc dầu biết là không hy vọng.

Đột nhiên quân Franj ngưng tấn công, và một sứ giả của họ tiến tới. Sứ giả nầy đưa thơ của Saint Gilles, tổng chỉ huy quân Franj, đề nghị là sẽ để cho Iftikhar và toàn thể quân sĩ ra đi thong thả, nếu chịu nộp tháp David. Iftikhar ngần ngừ, vì đã nhiều lần quân Franj không giữ lời hứa và chắc gì Saint Gilles không làm như mấy người Franj trước kia. Sứ giả tả vẽ về Saint Gilles, là một người già 60 tuổi, tóc bạc, ai cũng kính nể; nghe vậy Iftikhar tin lời, xin hàng.



Đuốc Thiêng 96

1 Thuốc của tâm linh - ĐTPÂ
2 Diễn văn khai mạc Đại Hội Tin Lành Việt Nam Âu Châu lần 24 - MS Nguyễn Văn Bình
3 Thơ : Giờ này mình xa nhau - Vân Giang
4 Tất cả vì vinh hiển Đức Chúa Trời - MS Nguyễn Văn Bình
5 Miên man mùa thu - Nguyễn Đình Bùi Thị
6 Thơ : Chỉ có Giê-xu - Thu Thảo
7 Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
8 Thơ : Khuyên tin thờ Chúa - Bình Tú Ngọc
9 Xứ Do Thái hồi Chúa Giê Xu sinh ra - Mai Đào
10 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
11 Kỷ niệm một mùa hè - Bà Lê Văn Bắc
12 Nhật ký chuyến đi Âu Châu - MS Lê Cao Quý
13 Thơ : Đừng lo lắng - Tú Ngọc Phô
Sử gia Ibn al Athir chép : "Quân Franj giữ lời hứa, để choIftikhar và quân sĩ ra đi lúc trời tối, đi về tới hải cảng Ascalon. Nhưng về dân chúng, rất nhiều người bị giết, trong suốt một tuần lễ, họ giết những người hồi giáo, nơi đền hồi giáo al Aqsa, họ giết hơn 70 ngàn người".

Sử gia Ibnal Qalanissi không đưa con số, vì không thể kiểm chứng, nhưng cũng viết "Rất nhiều người bị giết. Quân Franj dồn người Do thái vào trong nhà hộ, rồi thiêu sống hết. Họ hủy diệt cả những di vật các thánh, phá mộ Abraham."

Trong số những đền đài bị quân Franj phá, có đền hồi giáo Omar, đền nầy được dựng lên để kỷ niệm vua Omar Ibnal Khattab, vua nầy là người kế vị thứ nhì của Tiên tri Mohamed,và vua nầy đã giải phóng thành Jerusalem năm 638 khỏi tay người Rôma.

Thành tích nầy của vua Omar, về sau được người Ả rập luôn luôn ca tụng, để nêu sự khác biệt thái độ người Arập với thái độ quân Franj. Hôm đó, vua Omar tiến vào thành, ngồi trên con lạc đà trắng nổi tiếng, và thượng phụ cơ đốc trong thành, gốc Grec, đến gặp vua. Vua Omar cam kết rằng sẽ không động gì đến tánh mạng và tài sản của mọi người dân trong thành, rồi yêu cầu đưa mình đến thăm nơi thánh của đạo cơ đốc. Họ đưa vua Omar đến thăm nhà thờ Qyama, nhà thờ mộ Chúa Giêsu. Đang khi thăm, thì đến giờ cầu nguyện của người hồi giáo. Vua hỏi giáo chủ là sẽ trải thảm ra chỗ nào để vua cầu nguyện. Thượng phụ nói là trải ra chỗ nào nơi mộ Chúa cũng được. Vua Omar trả lời : "Nếu tôi làm thế, thì ngày mai dân hồi giáo sẽ muốn chiếm luôn chỗ nầy, vì họ nói Vua Omar đã cầu nguyện nơi nầy". Vua Omar đem thảm ra trải ở bên ngoài. Vua Omar đã tính đứng, vì nơi vua trải thảm, về sau lập lên đền hồi giáo mang tên Omar, đền còn cho tới ngày nay. Các chủ tướng quân Franj, than ôi, chẳng rộng lượng như thế, họ chào mừng chiến thắng bằng cách tàn sát tàn ác không thể tưởng tượng, phá tan phá nát thành phố mà họ nói rằng họ đến để bảo vệ.

Ngay cả với những người cùng một tôn giáo với họ, họ cũng không tha.

Việc thứ nhứt của quân Franj khi tiến vào nhà thờ mộ Chúa là đuổi ra khỏi nhà thờ nầy, tất cả những linh mục dùng nghi lễ đông phương. Những người nầy là gốc grec, géorgie, arménie, copte, syrie, đã từ xa xưa họ hành lễ theo thể thức nầy, không có ai phản đối gì. Thấy quân Franj hành động quá ư ngược ngạo, các hàng chức sắc trong giáo hội đông phương chống lại; trước đây, khi quân turc đến xâm lăng, họ đem dấu đi cây thập tự đã treo Chúa Giêsu khi Ngài chết. Nay quân Franj muốn coi cây thập tự ấy, các giáo chức không chịu cho coi. Quân Franj không ngần ngừ gì, bắt ra tra tấn những tu sĩ lo việc cất giấu thập tự, tra tấn cực khổ đến nỗi phải khai ra, quân Franj liền cướp đi di vật thánh quý nhứt ấy.

Khi quân Franj hoàn tất cuộc tàn phá Jerusalem, giết những người hồi giáo cuối cùng còn ẩn náu đây đó, cướp hết mọi tài sản, thì quân binh của Afdal đang tiến qua vùng Sinai để đến cứu Iftikhar. 20 ngày sau khi Iftikhar đầu hàng, mới thấy quân của Afdal ló mặt ở Palestine. Afdal có trong tay gần 30 ngàn binh sĩ, nhưng Afdal nghĩ rằng như thế chưa đủ để tiến công quan Franj . Phần khác, tiếng đồn về quân Franj vừa dũng cảm, vừa quá tàn ác làm cho Afdal chùn tay. Y bèn đóng quân lại trong vùng lân cận cảng Ascalon, và gởi một phái đoàn đến Jerusalem để dò xét ý định của quân địch. Sử chép rằng phái đoàn vô Jerusalem được tiếp kiến một hiệp sĩ cao lớn, tóc dài, râu dài, tên là Godefroi de Bouillon, chủ tướng mới của thành Jerusalem. Phái đoàn đưa thơ của Afdal, trong thơ Afdal trách quân Franj không giữ lời cam kết, và đề nghị thảo luận chuyện quân Franj rút ra khỏi vùng Palestine. Để trả lời, quân Franj gom nhau lại cấp tốc tiến về phía cảng Ascalon. Họ tiến mau lẹ, đến nỗi họ tới Ascalon trước cả phái đoàn thương thuyết đang trở về báo cáo với Afdal. Ngay từ cuộc giáp chiến đầu tiên, sử gia Ibnal Qalanissi chép "Quân đội Egypte bỏ chạy, rút vào trong cảng Ascalon, cả Afdal cũng thế. Gươm quân Franj đã thắng gươm quân hồi giáo, họ giết hết chẳng trừ ai, cả quân binh, cả dân sự trong thành, khoảng một vạn người bị giết, trại quân bị cướp phá". Vài ngày sau cuộc thảm bại nầy, Abou Saad cầm đầu một đoàn người lánh nạn đến Bagdad kêu than (coi Đuốc Thiêng số 90, tháng 08/2007, lời kêu gọi khai chiến).

Abou Saad kêu gọi. Nhắc lại là ngày thứ sáu 19 tháng 8 năm 1099, Abou Saad cùng đồng bọn tới Bagdad, vô đền thờ (hồi giáo) lớn lúc giữa trưa, là lúc các tín đồ từ bốn phương kéo về đông nghẹt để làm lễ ramadan. Trong kỳ lễ nầy, suốt một tháng, mọi người đều phải kiêng ăn từ sáng sớm đến tối. Nhưng Abou Saad cố tình ăn cho mọi người thấy, y liền bị phản đối ầm ĩ, và có toán lính kéo đến để bắt kẻ vi phạm luật lệ. Abdou Saad thong thả đứng lên, hỏi mọi người rằng sao họ quá quan tâm đến thế về một chuyện vi phạm nhỏ, mà họ lại hoàn toàn thờ ơ về người hồi giáo bị giết cả hàng vạn, về nơi thánh bị tàn phá. Khi họ im lặng để nghe, Abdou Saad thuật lại Jerusalem bị tàn phá cách nào, sử gia Ibnal Athir chép "những người trong đoàn lánh nạn khóc, và cả đám đông nghe rồi cũng khóc".

Abdou Saad rời khỏi đám đông, bước vô cung điện tiểu vương Bagdad, lúc nầy tiểu vương tên là al Moustazhir billiah. Tiểu vương al Moustazhir billiah có giúp gì được Abdou Saad và đoàn tùy tùng không? Không. Tại sao? Khi hướng về Bagdad để kêu gọi thánh chiến, Abdou Saad có lý, vì thời gian nầy, Bagdad là trung tâm của một đế quốc rộng lớn theo hồi giáo, bao gồm nhiều sắc dân. Nhưng thực tế quá phũ phàng: tiểu vương al Moustazhir chẳng có quyền hành. Y có tiếng là vua của đế quốc, nhưng thực ra là vua bù nhìn. Quyền hành của y giới hạn trong cung điện hoàng gia, chỉ vỏn vẹn trên một đội lính phòng vệ và vài trăm hoạn quan. Quyền hành ở trong tay tướng Barkyaruq, anh nầy là người Turc, chẳng nói được tiếng Arabe, và lúc nầy, Barkyaruq đang ở chiến trường phía bắc xứ Perse, đánh nhau với anh ruột mình là Mohammed. Abdou Saad tay không rời khỏi Bagdad 1 tháng sau, chẳng được gặp Baryaruq.

Về cuộc chiến tranh anh em kể trên: vài tháng sau, Mohammed thắng, tiến vô Bagdad. Nhưng chẳng được lâu. Tháng giêng năm 1100, y thua chạy, Barkyaruq chiếm lại Bagdad. Cũng chẳng được lâu, vì 2 tháng sau, y bỏ chạy, nhưng một năm sau, tháng 4 năm 1101, y trở lại đánh bại anh mình. Y giữ Bagdad được 5 tháng thôi, vì đến tháng 9 năm 1101, y bị 2 người anh em liên minh đuổi y đi, tưởng rằng phen nầy là hết thời Barkyaruq. Nhưng không phải. Vài ngày sau, y trở lại, nhưng chỉ được ít ngày; qua tháng 10, y bị đánh bật ra. Đến tháng 12, mấy anh em thỏa thuận cho y trở về Bagdad. Tính ra trong thời gian 30 tháng, Bagdad đổi chủ 8 lần, cứ khoảng 100 ngày là đổi chủ. Và trong thời gian nầy, những kẻ xâm lăng (tức là quân Frankj) bình tĩnh củng cố các thành phố họ đã chiếm được. Sử gia Ibn al Athir than : "Các sultan không hòa hiệp với nhau, thành ra quân Franj chiếm được mọi nơi".

(coi phần sau, chương 51/4 : Quân thù chiếm đóng: từ năm 1100 đến năm 1128)