Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)

Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Mai Đào

Đuốc Thiêng 102, tháng 05 năm 2010


Nguyên tác : sách "Les croisades vues par les arabes" - Thập tự dưới mắt người Ả rập.
Nhà Xuất bản: JC Lattès, Paris, 1983.
Tác giả : Amin Maalouf.
Trích dịch : Lạc Hồ.               
(coi Đuốc Thiêng từ số 3)

Chương 51/6: Mưu loạn này khác ở Damas

Chiếm lại Edesse.

Ngày thứ bẩy 23 tháng 12 năm 1144, Zinki chiếm được Edesse, thủ đô của 1 trong 4 quốc gia Franj ở đông phương, ôi sung sướng thay, mở màn cho thời đại phe hồi giáo chinh phục lại quê hương mình khỏi tay bọn xâm lăng.

Cuộc chiến ở Edesse được một chứng nhân thuật lại. Người này là Aboul-Faraj Basile, một giám mục cơ đốc giáo, gốc dân Syrie. Chính tay y đã tham gia đắc lực vào cuộc phòng thủ Edesse chống lại Zinki. Dầu vậy, y có cảm tình với quân hồi giáo hơn là với đoàn người Franj đang "bảo vệ" thành. Ðúng ra lúc này, khi Zinki đến vây thành, thì lực lượng "bảo vệ" thành không có mặt. Bá tước Jocelin, chủ tướng quân Franj, chủ thành Edesse, đã kéo hết quân đi ăn cướp các thành phố ở ven bờ sông Euphrate, lúc này là tháng 11 năm 1144, và chính vì biết lợi thế này mà Zinki đến vây thành Edesse.

Aboul-Faraj kể: "Ngày 30 tháng 11, quân của Zinki kéo đến, chúng đông như sao trên trời, dựng trại khắp nơi xung quanh Edesse. Trại của Zinki dựng ở phía bắc, đối diện ngay với nhà thờ Confesseurs. Việc phòng thủ thành do sức toàn thể dân chúng, gồm thợ giày, thợ mộc, thợ may, lái buôn, hợp sức với các tu sĩ, vi như trên đã nói, chẳng có mặt quân binh. Cầm đầu việc phòng thủ là giám mục người Franj (người Pháp), với phụ tá là 2 giám mục người địa phương, một người gốc Arménie, một người gốc Syrie (tức là Aboul-Faraj).

Zinki không ngừng kêu gọi dân trong thành ra hàng, y nói: "Hỡi những người khốn nạn kia, các anh há chẳng biết là hết hy vọng rồi sao ? Sao không lo cho được sống sót chính mình các anh, vợ con các anh, lo cho còn của cải ? Các anh muốn thành phố này bị tàn phá hết sao, chẳng còn dân cư sao?"

Khi thấy quân Zinki ra sức đào hố để đánh sập tường thành, Aboul-Faraj đề nghị viết thơ cho Zinki, để xin ngưng chiến. Giám mục người Franj đồng ý, viết thơ rồi đem ra đọc trước cho dân chúng nghe, thì một người lái buôn hàng tơ giựt thơ và xé nát. Khi Zinki hay tin này, y vẫn kêu gọi thêm nữa: "Các anh muốn ngưng chiến mấy ngày, để chờ quân đến cứu, ta cũng cho ngưng, để coi có ai tới cứu không. Nếu không có ai, hãy đầu hàng, thì còn được sống".

Có ai cứu không? Bá tước Jocelin đã được tin là Edesse bị Zinki vây hãm, nhưng không dám về đối đầu. Y đóng quân ở Tell Bacher, chờ viện quân từ Antioche và Jerusalem đến.

Aboul-Faraj kể tiếp: "Quân của Zinki đã khoét thủng chân tường thành phiá bắc, chúng đặt vào đấy rất nhiều cây khô, nhiều gỗ, đổ mỡ, đổ dầu lên, rồi đốt cho sập tường thành. Khi tường thành bị sập, chúng ào vô giết dân chúng, không tha ai, số người bị giết khoảng 6 ngàn người. Khi toán phòng thủ xin hàng, Zinki tha những người gốc Syrie và Arménie, cho họ được ra đi thong thả. Với những người gốc Franj, thì y sai lột hết mọi của cải trong mình, lột quần áo, rồi xiềng chân tay, giải về thành Alep; một số bị giết, khoảng 100 người".

Zinki chết.

Sau chiến thắng ở Edesse, Zinki sắp đặt để đánh các thành kế cận, nhưng không có chiến tháng nào đáng kể, rồi y chết khi đang vây đánh thành Jaabar. Tháng 6 năm 1146, y đem quân vây thành này, tưởng là chỉ cần vài ngày là chiếm được, không ngờ sau 3 tháng vẫn chưa xong. Tháng 9 năm này, một bộ hạ của y, tên là Yarankach, gốc người Franj, dùng dao giết y khi đang ngủ, rồi trốn vào thành Jaabar.

Zinki chết rồi, các chủ tướng từng cộng tác với y nay rút quân về, hoặc đóng lại nơi một pháo đài đây đó để chờ thời. Và thời cơ mới bắt đầu với con trai thứ nhì của Zinki, tên là Noureddin, chúng ta sẽ nghe trong chương sau. 


Đuốc Thiêng 102

01 Kho tàng vô giá - ĐTPÂ
02 Thơ: Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời - Tam Hải Trình Hữu Lân
03 Kinh Thánh là gì ? - Thánh Thơ Công Hội
04 Kinh Thánh nói về tái lâm và tận thế - Mục sư Nguyễn Văn Bình
05 Điều gi là quan trọng nhất trong cuộc đời - Bình Tú Ngọc
06 Thơ: Đi với Chúa - Tuyết Vân
07 Đấng ban sự sống - Mục sư Trần Hữu Thành
08 Thơ: Ấm áp - Võ Chánh Tiết
09 Tiểu sử Thánh Ca: "Vì Giê-xu sống" - Fanyia
10 Thơ: Cẩn thận làm theo lời Chúa - Trần Nguyên Lam Bửu
11 Phục vụ Chúa - Mục sư Nguyễn Văn Bình
12 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
13 Xứ Do Thái khi Chúa Jêsus khởi sự công tác - Mai Đào
14 Phân loại thực vật - Dr Trương Hoàng Lâm
15 Tôi là mẹ - Bà Lê Văn Bắc
16 Tin Tức 1/2: Tin Vắn Khắp Nơi & Việt Nam và Hải Ngoại - Vinh Bằng
17 Tin Tức 2/2: Hội Thánh Paris và Giáo Hạt Pháp & Liên Quan tới Đuốc Thiêng - Vinh Bằng