Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)

Xứ Do Thái khi Chúa Jêsus khởi sự công tác - Mai Đào

Đuốc Thiêng 102, tháng 05 năm 2010


Tác-giả: Roger CARATINI.
Sách: Jesus, de Bethléem à Golgotha, ấn-bản 2003, nhà xuất-bän L’Archipel, Paris.
Trích-dịch: Mai-Đào.

Giới thiệu sách.

Khi đọc tên của sách "Jesus,de Bethléem à Golgotha", nghĩa là: "Chúa Jesus, từ Bết-lê-hem đến Gô-gô-tha", ta biết ngay đây là tiểu sử đời Chúa Jesus khi ở trần gian. Ðã có hàng trăm cuốn làm việc này, nhưng đặc điểm của sách này, là tác-giả kể lại nhiều khúc của lịch-sử dân Do thái tù thời Áp ra ham, giúp chúng ta nhớ lại nhiều sự cố xa xưa.

Chương 9: Người tiền-phong

Thời-gian: từ tháng 12 năm 27 đến tháng 1 năm 28 S.C.(năm 781 lịch Rô-ma)

Toát-yếu chương 9

Các thế-lực tôn-giáo và chánh-trị ở Jerusalem trước lúc Chúa Jesus khởi-sự công-tác:

1. Caïphe, từ năm 18 S.C. kế-vị Annas trong chức thầy tế-lễ cả;

2. Pilate, từ năm 26 S.C. kế-vị Valerius Gratus trong chức tổng-trấn;

3. Công-hội Sanhédrin.

Hiram đưa Marcellus đi nghe Jean Baptiste ở làng Bethabara, trên bờ sông Jourdain (31 tháng 12 năm 27 S.C.).

Jean Baptiste làm báp-tem ở Bethbara trong nước sông Jourdain (1 tháng 1 năm 28 S.C.).

Chúa Jesus từ Capharnaum tới, được Jean làm báp-tem  cho, rồi sau đó Chúa vào đồng vắng, ma-quỉ đến cám-dỗ (ngày 2 tháng 1 năm 28).

Như Marcellus ghi trong nhật-ký, Tibère lên ngôi hoàng-đế ở Rome (Rô-ma), vào năm 767 lịch Rô-ma.  Chúa Jesus  nhận báp-tem là vào năm thứ 15 của triều-đại Tibère (coi Lu-ca 3:1-22), và sau đây là lời Roger CARATINI kể chuyện.

Tuân thủ Luật Pháp

Toàn đế-quốc Rôma sống trong thanh-bình, và giữa không-khí thanh-bình này, có ai đâu để ý đến một thành-phố ở đông-phương, thành-lập đã cả ngàn năm rồi, mang một tên khá kỳ- quặc, là Jerusalem. Ðiểm kỳ-quặc, là cách sống của thành-phố này không giống như mọi thành-phố khác. Thành-phố người ta có vua, có dân, có nhiều quảng-trường, có nhiều đền-thờ. Jerusalem thì khác hẳn: chỉ có một đền thờ. Ðây là một đền thờ, có thành-phố bao bọc xung quanh, và dân chúng của thành phố sống chỉ để phụng-sự đền thờ. Hàng ngày, họ đến tràn ngập các sân trong sân ngoài của đền thờ, nói là đến để phục-vụ, ai cũng nói là tới để làm việc cho đền thờ. Việc hàng ngày, là cầu-nguyện. Việc hàng tuần, là giữ lễ Sa-bát. Việc hàng năm, là giữ 7 lễ thánh.

Ngày nào họ cũng phải tuân theo cả đống cả đàn những thể-thức về nghi-lễ, những điều cấm-kỵ phải giữ cho đúng. Có không biết bao nhiêu đội kiểm-soát coi họ làm đúng hay không, gồm những thầy tế lễ, thầy dạy luật, thầy thư ký; con số những kiểm-soát-viên này cao hơn là tổng-số thợ-thuyền, thương-gia, công-chức và binh-lính. 

Những người của Ðức Chúa Trời này, họ chỉ sống cho Luật-Pháp, sống trong Luật-Pháp. Họ không lo an-ninh, vì an-ninh của xứ Giu-đê đã có quan tổng-trấn Rô ma và quân-đội Rô ma lo. Họ dạy các trẻ nhỏ, ngay từ thủa còn thơ, rằng việc tuân-thủ Luật-Pháp là điếu quan-trọng nhứt, quan-trọng hơn cả kính-trọng mẹ mình; rằng việc học kinh Torah là cao-quý và thanh-cao hơn cả lời cầu-nguyện, hơn cả việc bảo-quản Ðền thờ. Vào thời đó, người được trọng-vọng hơn hết, là thầy rabbi tên là Hillel, người thánh số một của Jerusalem, các vua và các thầy tế lể thượng-phẩm đều cúi rạp trước mặt thầy. Thầy Hillel là Chủ-tịch mãn đời của công-hội Shandérin, là tác-giả của bản "Luật-lệ vàng" (Règle d’or), tức là luật đạo-đức của người Do-thái, viết bằng thể phủ-định (forme négative), mọi câu luật đều bắt đầu bằng ba từ: "Ngươi không được...", bản Luật-lệ vàng này tính đến hôm nay đã gần trăm tuổi.

Họ rất là đông, có thể là 20 ngàn, những kiểm-soát-viên việc thi-hành Luật-Pháp. Toàn-thể xứ Giu-đê, và nhứt là ở Jerusalem, không ai thoát được tay họ, cứ phải răm-rắp tuân theo mọi lời cấm-đoán họ đưa ra. Xưa kia, vào thời Môi-se, những người được dành vào việc tôn-giáo là những người thành-viên của chi-phái (bộ tộc) Lê-vi, đứng đầu họ là Aaron (A-rôn), anh của Môi-se, nhờ vị-thế này mà A-rôn giữ chức-vụ cao nhứt là chức thầy tế lễ thương-phẩm, đảm-nhận những việc quý nhứt, tỉ như việc dâng của tế lễ. Về sau, vua David đặt một người tên là Zadok (Xa-đốc) vào chức thầy tế lễ thượng-phẩm, rồi từ đó cho đến lúc này, dòng Zadok chiếm độc-quyền, những người chi-phái Lê-vi chỉ được trao những chức-vụ phụ-tá.

Những kiểm-soát-viên này nằm dưới quyền công-hội Shandérin.

Công-hội Shandérin

Công-hội này có từ thời Môi-se.Công-hội này vừa là Hội-đồng thành-phố của thị-xã Jerusalem, vừa là Toà án của quốc-gia Do-thái, có nhiều thẩm-quyền: hoặc là Toà án thường để xử những việc thông thường, hoặc là toà Thượng-thẩm khi có người chống án, hoặc là Toà án tối-cao để xử những việc quan-trọng liên-quan đến tôn-giáo. Khi xử những việc tôn-giáo, Công-hội có một Chủ-tọa và 70 thành-viên, nhóm lại nơi khuôn-viên thánh của Ðền thờ, nơi này có cửa mở rộng ra trước "sân người ngoại đạo".

Thành-viên Công-hội được tuyển trong 5 loại người phục-vụ Chúa sau đây: các thầy tế lễ thượng-phẩm cả cũ cả mới; các đại-diện của 24 từng lớp quý-phái tế lễ A-rôn, những người này đều thuộc về phe Sa-đu-sê; các thầy thư-ký; các thầy dạy luật, hầu hết được tuyển trong phe Pha-ri-si; các "trưởng-lão", do hai phe thoả-thuận nhau đề-cử ra. 

Chủ-toạ Công-hội thường là thầy tế lễ thượng-phẩm đương tại-chức, phụ việc bên cạnh có một thầy phó-tế. Công-hội có thẩm-quyền xử những vụ hình, tuyên án phạt, có khi phạt phải tử-hình, chết bằng cách bị ném đá, hoặc bị đốt (đóng đinh trên thập-tự-giá là kiểu phạt hoàn-toàn của người Rôma), nhưng thi-hành án tử-hình phải do chính lịnh của quan tổng-trấn Rôma.
Trật-tự công-cộng lúc này là trong tay Valerius, vị tổng-trấn này nắm quyền suốt 11 năm cho đến năm 779 lịch Rôma (năm 26 S.C.), thì người kế-vị là Ponce Pilate (Phi-lát). Trật-tự tôn-giáo nằm trong tay Caïphe (Cai-phe), thầy tế lễ thượng-phẩm, lên kế-vị thầy Annas (An-ne) từ năm 771 lịch Rôma (năm 18 S.C.). Trong dân chúng lúc này không mấy người quan-tâm đến việc trông chờ Ðấng Mê-si; có chăng là ở các vùng hẻo-lánh, như những tu-viện ở ven Biển Chết, tu-viện phái Esséniens, nơi đây ta còn nhớ cuộc đối thoại xẩy ra vài tháng trước khi Chúa Jesus sanh ra, đối-thoại giữa tu-sĩ Banos với Marcellus. (coi chương 5, Ðuốc Thiêng số 92, Dec 2007).

Về phái Esseniens

Một buổi chiều kia, khi Hiram thết tiệc Marcellus trong biệt-thự của mình, đang mời Marcellus ăn món chim quốc quay lửa do tay một đầu bếp Rôma, Marcellus nói với Hiram:

-Hiram ơi, hồi đó ta chẳng hiểu gì về thái-độ của mấy thầy tu Esséniens. Lúc đó ta mới đặt chân lên đất Palestine, ta là người ngoại-đạo trăm phần trăm, nên thấy hành-động của họ vừa lạ-lùng, vừa khó hiểu. Nhưng sau 28 năm, ta đã nhận ra rằng đức-tính luân-lý của họ vượt xa chúng ta, hơn cả những người grec (Hy-lạp) thuở xưa.

-Thưa tướng-công, hơn chỗ nào?

-Người Rôma chúng ta có thể có những cử chỉ anh-hùng, tỉ như khi bị ai đưa dao dọa giết, thì vươn cổ ra luôn, như thể Cicéron. Chúng ta dạy nhau những đức-tính như phải yêu nước, phải tin-kính, phải can-đảm, nhưng chẳng thường-trực "phải" 24 giờ trên 24, vì đấy đâu phải là mục-đích duy-nhứt của đời sống. Ðàng này phái Esséniens chỉ quan-tâm một chuyện, họ đặt quan-trọng hơn hết mọi chuyện khác, là luôn luôn phải lo chuyện đạo-đức, và luôn luôn nghĩ đến điều họ gọi là "sự cứu-rỗi". Họ chẳng có lòng tham, bởi vì mọi tài-sản của họ đều để làm của chung, chẳng còn phân-biệt ai giàu, ai nghèo. Họ chẳng mê, chẳng ghen, bởi vì họ nhất-trí rằng phụ-nữ chỉ gây rối cho đời sống họ, trong các cộng-đồng của họ chẳng thấy phụ-nữ. Họ chẳng thắc-mắc về sự chết, bởi vì họ tin rằng linh-hồn là bất-diệt, rằng mỗi người là một chiến-trường trong đó đối-nghịch nhau hai nguyên-tắc, một bên là điều Thiện, là Ðức Chúa Trời, bên kia là điều Ác, là ma-quỷ. Họ chẳng sợ phải chết, bởi vì họ coi chết là được giải-cứu, làm cho linh-hồn họ bứt được những giây xác-thịt vẫn ràng-buộc họ, họ được hân-hoan bay lên trời, và nếu khi ở dưới đất họ đã sống đời công-bình, thì từ nay họ sẽ sống đời đời sung-sướng. 

-Tướng-công nói thế với ý nghĩ gì?

-Ta muốn nói rằng sắp-sửa thấy tan-rã mọi quan-niệm từ xưa nay về tổ-quốc, về luật-pháp, về sức mạnh, về quyền-thế, rằng hiện nay nhân-loại đang tìm-kiếm một cách nhìn mới về số-phận mình. Nhưng muốn làm vậy, thì phải xuất-hiện những tiên-tri loại mới, tức là những người trung-gian mới giữa Ðức Chúa Trời và con người, một Ðấng Mê-si mới, như hồi xưa dân Ysơraên đã có những tiên-tri. Nhưng đã từ nhiều thế-kỷ chẳng thấy tiên-tri nào; trong khi đó, đã từ 100 năm hay 150 năm, thấy xuất-hiện trong vòng dân Do-thái những bản văn về tận-thế, rao-truyền một sứ-mạng mới. Hiram ơi, anh còn nhớ hay không, gần 30 năm trước,khi chúng ta ở Sa-ma-ri đã từng thảo-luận chuyện này, hồi đó tôi mới từ Damas tới. (coi chương 2, Ðuốc Thiêng số 87, Fev 2007).

-Thưa tướng-công, tôi vẫn nhớ kỹ. Tôi còn nhớ rằng đã đọc mấy câu trong bài thơ của A-sáp làm, sắp trong Thi-thiên 74:9  "Chúng tôi chẳng còn thấy các ngọn cờ chúng tôi, không còn đấng tiên-tri nữa, và giữa chúng tôi cũng chẳng có ai biết đến chừng nào..."

Chờ đợi hay không chờ đợi tiên tri?

-Ờ, ờ, ta cũng nhớ mang máng mấy câu này. Nhưng anh hãy nhớ kỹ quan-niệm của ta: Ta đây Marcellus, ta chẳng tin Kinh-Thánh của anh, chẳng tin rằng trên trời có một Ðức Chúa Trời Ngài vẫn quan-tâm đến những chuyện con người làm hàng ngày ở dưới đất.

-Tại sao thế?

-Tại vì, nếu có Ðức Chúa Trời như thế, thì Ngài đã chẳng để các tạo-vật của Ngài thực-hiện tràn-lan những tội ác khắp chốn như hiện nay.

-Nhưng... nhưng tướng-công vừa nói đến những tiên-tri...

-Hi ram ơi, đối với ta, tiên-tri chỉ là một người sáng-suốt hơn một chút, can-đảm hơn một chút so với đồng-loại, khuyến-khích đồng-loại đừng thất-vọng. Người cần có tiên-tri là những người khốn-khổ, hèn-yếu, họ cần nhờ tiên-tri để có can-đảm tranh-đấu sống còn. Thế mà anh có thấy không dân Do thái, từ khi họ đi lưu-đầy ở Babylone trở về, nghĩa là chung-chung đã 500 năm, họ đâu có khổ-sở hơn những dân nhược-tiểu khác ở Ðông phương... Và Rôma cai-trị họ, là cai-trị cách nhẹ tay. 
-Dầu vậy, Hérode vẫn là bạo-chúa.

-Phải, nhưng bạo-chúa này đã tái-thiết một Ðền thờ lớn hơn, đẹp hơn Ðền thờ do Sa-lô-môn xây xưa kia; bạo-chúa này nặng tay là với những người giàu, người lớn, nhưng nhẹ tay với những kẻ nhỏ, kẻ nghèo ; dân-chúng đâu có khổ bao nhiêu, tôn-giáo được bảo-vệ, Ðức Giê-hô-va được tôn-trọng hơn bao giờ hết.

-Thế còn về vụ tiểu-vương Archélaus thảm-sát 3000 người ly-khai, tướng-công nghĩ sao? 

-Hiram ơi, Rôma không có trách-nhiệm trong chuyện này, và hơn nữa, hồi đó Rôma đã phạt Archélaus, cách-chức nó. Chuyện này xẩy ra đã 21 năm, bây giờ là năm 780 lịch Rôma (năm 27 SC), hoàng-đế Tibère trị-vì đã được 15 năm, anh có thể kể ra chăng từ vụ thảm-sát đó đến nay có một vụ xách-nhiễu nào do Rôma gây ra không? Ngày nay, ở phía đông Ðế quốc (Rôma), xứ Giu-đê sống trong thái-bình của Rôma, giống như xứ Gaule (tên nước Pháp hồi đó) ở phía tây. Một điều duy-nhứt gây phàn-nàn cho người Do-thái, là phải đóng thuế nặng, nhưng là chuyện chung cho hết thảy mọi thần-dân trong toàn Ðế-quốc. Ðóng thuế nặng, nhưng đáp lại, Ðền thờ được bảo-vệ, được tôn-trọng, đường-xá khắp xứ được an-ninh, ngay cả trong các vùng núi ở Ga-li-lê cũng chẳng còn kẻ cướp đường. Dân-chúng chẳng còn ai bị đói, đều ăn uống no-nê. Quan tổng-trấn lo cho không có rối-loạn, đối-nghịch, lo thi-hành tất cả án phạt do công-hội Shandérin đề ra để phạt những ai vi-phạm luật Torah. Anh còn muốn gì nữa, Hiram? Bây giờ mà có tiên-tri, thì hỏi tiên-tri đòi gì nữa?   

-Có thể là đòi tự do.

-Người Do-thái còn muốn tự-do thứ nào? Tự-do được bị cai-trị bởi một vua Hérode nữa, hay một Archélaus nữa?       
                                       ---
Muốn tự-do thứ nào, Hiram trả lời ra sao, mời quý độc-giả theo rõi trong số báo sau. 


Đuốc Thiêng 102

01 Kho tàng vô giá - ĐTPÂ
02 Thơ: Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời - Tam Hải Trình Hữu Lân
03 Kinh Thánh là gì ? - Thánh Thơ Công Hội
04 Kinh Thánh nói về tái lâm và tận thế - Mục sư Nguyễn Văn Bình
05 Điều gi là quan trọng nhất trong cuộc đời - Bình Tú Ngọc
06 Thơ: Đi với Chúa - Tuyết Vân
07 Đấng ban sự sống - Mục sư Trần Hữu Thành
08 Thơ: Ấm áp - Võ Chánh Tiết
09 Tiểu sử Thánh Ca: "Vì Giê-xu sống" - Fanyia
10 Thơ: Cẩn thận làm theo lời Chúa - Trần Nguyên Lam Bửu
11 Phục vụ Chúa - Mục sư Nguyễn Văn Bình
12 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
13 Xứ Do Thái khi Chúa Jêsus khởi sự công tác - Mai Đào
14 Phân loại thực vật - Dr Trương Hoàng Lâm
15 Tôi là mẹ - Bà Lê Văn Bắc
16 Tin Tức 1/2: Tin Vắn Khắp Nơi & Việt Nam và Hải Ngoại - Vinh Bằng
17 Tin Tức 2/2: Hội Thánh Paris và Giáo Hạt Pháp & Liên Quan tới Đuốc Thiêng - Vinh Bằng