Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)



Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng

Đuốc Thiêng 95, tháng 6 năm 2008
(Xin xem từ Đuốc Thiêng 74)



Sau biến cố ở Hội thánh Song Phú (Ba càng) nói trên, tôi gấp rút lo hồ sơ đi Vientiane (Ai Lao) truyền giáo. Vừa giúp văn phòng truyền giáo của Trưởng Ban Truyền Giáo Mục sư Phạm văn Năm ở Sài Gòn, vừa lo hồ sơ và học thêm tiếng Anh. Chờ đợi mấy tháng liền tưởng mọi chuyện dễ dàng, ngờ đâu phải đối diện thêm một số khó khăn khác. Trước tiên, trong hạng tuổi quân dịch, nhất là trong đất nước có chiến tranh, việc cứu xét xuất ngoại gặp một số hạn chế, phải vận động xin hết chỗ nầy tới chỗ khác mới xong, rốt cục chính phủ chỉ cho một mình tôi đi trước mà thôi, gợi ý sau khi ổn định mọi sự mới lập hồ sơ đem vợ con đi sau. Trong khi tôi đang đối diện với một vấn đề hết sức rắc rối, thì Mục sư Ông văn Huyên, lúc đó là Viện Trưởng Thánh Kinh Thần Học viện Nha Trang, khuyên không nên đi trong điều kiện như vậy, khi nào chính phủ đồng ý cho cả gia đình vợ chồng con cái xuất ngoại, đó mới chính là ý Chúa. Thế là Mục sư Đoàn văn Miêng, Hội Trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam và Ủy Ban Truyền Giáo của Tổng Liên Hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam phải đích thân gặp Thủ tướng chính phủ, lúc bấy giờ là Thủ tướng Trần Thiện Khiêm xin can thiệp và giúp đỡ.

Chẳng bao lâu, tôi có giấy phép xuất ngoại sang Vientiane cả gia đình vợ chồng và 4 con, hai trai hai gái. Nguyễn Thánh Đạo, con trai lớn lúc đó mới 9 tuổi, Nguyễn Thánh Ngôn 6 tuổi, Nguyễn Thị Xuân Hiền 4 tuổi và Nguyễn Thị Xuân Trang chưa đầy 2 tuổi còn bồng trên tay. Khi đến tòa đại sứ Laos xin visa đi Vientiane, lại gặp nan đề khác. Để có visa định cư ở Laos lâu dài, thủ tục đòi hỏi phải chờ đợi cứu xét ít nhất 3 tháng, nếu vậy thì các giấy tờ liên hệ khác sẽ hết hạn, phải làm hồ sơ lại, chưa biết khi nào mới xong, việc lên đường còn nhiều trắc trở. Tôi xin ý kiến của Ủy Ban Truyền Giáo. Sau nhiều ngày cầu nguyện xin ý Chúa, Ủy Ban Truyền Giáo và chúng tôi quyết định lấy visa du lịch đi Laos vì không thể chờ đợi lâu hơn được nữa. Loại visa nầy chỉ xin chưa đầy một tuần lễ thì có ngay. Tôi không hiểu sao lúc ấy họ chỉ ký cho gia đình tôi sang Laos theo diện du lịch thời hạn có 15 ngày thay vì 3 tháng như các nước hiện nay áp dụng. Sau thời hạn ngắn ngủi đó phải rời khỏi lãnh thổ của họ. Đây không phải là chuyện dễ dàng, ra đi như thế thật mạo hiểm. Chẳng lẽ đi truyền giáo mà chỉ có 15 ngày rồi trở về? Làm sao trong 15 ngày có thể xin thủ tục ở lại được? Bài toán không có đáp số. Con đường trước mặt quá chông gai. Trong khi đó, ở Laos, Ông Dương Quang Trung, đại diện Hội thánh Tin Lành Việt Kiều tại Vientiane điện cho Ủy Ban Truyền Giáo bảo nếu với loại visa du lịch như thế thì xin đừng đi, phải chờ cho đến khi nào có visa định cư rồi hẳn đến, vì không thể nào có cách gì xin ở lại truyền giáo với loại visa du lịch ấy được.

Vé máy bay đã mua sẵn từ trước. Ủy Ban Truyền Giáo quyết định tôi cứ đi, dù với visa du lịch ngắn hạn như thế, cứ sang đó lập thủ tục xin ở lại. Biết đây không phải là chuyện đơn giản dễ dàng, mọi người cầu nguyện thiết tha xin Chúa làm phép lạ cho chuyến đi của chúng tôi và việc chuyển từ diện du lịch sang diện định cư tại Laos không gặp trở ngại, đồng thời xin Chúa cho công tác truyền giáo của chúng tôi tại Laos được Chúa ban phước, đem nhiều thành quả tốt đẹp quy vinh hiển danh Chúa.

Thế là chiều ngày 13 tháng 8 năm 1974, tôi và gia đình được Ông bà Mục sư Phạm văn Năm dùng xe tư gia đưa chúng tôi ra phi trường Tân sơn Nhất bay sang Laos với tư cách giáo sĩ truyền giáo. Tháp tùng chuyến tiễn đưa còn có Bà Sophie, trưởng nữ ông bà Mục sư Phạm văn Năm, Ông Trần văn Bào, nhạc gia chúng tôi từ Long Xuyên và Nguyễn Hồng Dân, em út tôi từ Vĩnh Long đến. Buổi đưa tiễn tuy đơn sơ, nhưng thật cảm động. Trên tờ Thánh Kinh Nguyệt San của Hội thánh Tin Lành Việt Nam lúc đó, có lẽ vì tin trễ, nên trên trang báo phát hành vào tháng 7-8/1974 chỉ đăng vỏn vẹn tấm hình vợ chồng chúng tôi chụp ở phi trường với hàng chữ: "Mục sư Nguyễn văn Bình và bà đang chuẩn bị lên đường truyền giáo tại Ai Lao".

Vương quốc Lào, còn gọi là Ai Lao hay Laos, rộng khoảng 237.000 km2, nằm lọt giữa các nước Thái Lan, Miến Điện, Trung Hoa, Việt Nam và Campuchia, dân số rất ít, khoảng độ 4 triệu người lúc tôi đặt chân đến. Con sông Cửu Long (Mékong) chảy từ thượng nguồn ở Trung Hoa xuyên qua Miến Điện (Birmanie), đổ vào Lào trước khi chảy qua Thái Lan, Cao Miên và Việt Nam rồi ra biển theo 9 cửa ở vùng biển Việt Nam. Bốn thác nước trên sông Cửu Long tạo thành 3 lưu vực tập trung dân cư đông đúc từ Bắc chí Nam gồm Luang Prabang, Vientiane (Vạn Tượng) và Champas-sak. Luang Brabang là đế đô của vương quốc Lào, còn thủ đô hành chánh và kinh tế là Vạn Tượng (Vientiane). Cánh đồng Chum ở bình nguyên Xiêng Khoang được coi là nơi tiền sử của dân tộc Lào, vì tại đây người ta đã tìm thấy những cái chum bằng đá đựng xác người được xác nhận có từ những thế kỷ trước Tây lịch. Ngoài ra còn có một số thành phố quan trọng khác như Savanakhet, Paksé. Lào thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, nóng bức, nhiều núi non và rừng rậm chiếm 75% đất đai, chỉ có chừng 5% đất trồng trọt và canh tác.

Như Việt Nam, vương quốc Lào nhiều năm nằm dưới sự đô hộ của Pháp từ năm 1893, tổ chức thành vương quốc, có vua đóng đô ở Luang Prabang, còn người Pháp có thống đốc ở Vientiane. Cuộc kháng chiến chống Pháp cũng như cuộc chiến tranh Quốc Cộng sau nầy do lực lượng Pathet Lào lãnh đạo, có sự trợ giúp của Cộng sản Việt Nam. Tháng 2-1973, chính phủ quốc gia Lào và Pathet Lào thỏa thuận về Hiệp định vãn hồi hòa bình, tái lập Liên Hiệp tại Lào, hai tổ chức thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc, mỗi bên đều có đại diện trong chính phủ. Sau biến cố 30-4-1975, ngày 2-12-1975, Pathet Lào chính thức lên nắm quyền thành lập nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào, do đảng Cánh Mạng Nhân Dân Lào lãnh đạo.

Lào là một vương quốc có nhiều phức tạp cả về văn hóa lẫn sắc dân. Có nhiều dân tộc sống ở Lào như: Người Tày, thiên di từ miền Trung Tây của Trung Hoa đến Đông Nam Á khoảng từ giữa thế kỷ 7 đến thế kỷ 13, sống rải rác ở các nước như Thái Lan, Miến Điện, Tây Bắc Việt Nam và Lào. Tại Lào, họ sống tập trung ở cả Hạ Lào và Thượng Lào. Ở các tỉnh phía Bắc có người Lu, có người Tày Trắng, người Tày Đen, người Tày Đỏ, tùy theo màu sắc quần áo của phụ nữ mặc mà người ta phân biệt như vậy. Ngoài ra còn có người Tày Neua. Ngày nay, người ta gọi chung những người Tày đó là "Lào Lùm".

Ở trên vùng cao nguyên, còn có dân tộc gốc Mon-Khmer, hậu duệ của dân tộc sống lâu đời tại đây trước khi có người Tày thiên di tới. Người Tày gọi họ là "người Kha", có nghĩa là "nô lệ", tỏ vẻ khinh thị, coi họ như một dân kém văn minh. Ngày nay, dân tộc Mon-Khmer còn được gọi là người Lào Thượng hoặc "Lào Thơng". Họ sống chung trong các làng xã như một cộng đồng miền núi, ít quan tâm tới chính trị.

Ngoài ra, còn một số sắc tộc khác sinh sống tại Lào, nguyên là thổ dân gốc từ Tây Tạng và Miến Điện, gọi là "Lào Xưng" thiên di đến vùng Thượng Lào vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, sống chuyên về trồng cây thuốc phiện, bao gồm dân tộc Hmong, Yao, Mon. Dân Hạ Lào gọi người Hmong là "người Mèo", có nghĩa là "dã man", khiến cho người Hmong căm tức không vui.

Tại Lào còn có rất đông cộng đồng người Trung Hoa, riêng người Việt Nam sinh sống tại Lào vào khoảng 30 ngàn người.

Chung quanh Vientiane (Vạn Tượng) còn có một số người Thái Đăm (Thái Đen) từ Việt Nam tới, sống chen chúc trong vài làng ven đô lên đến vài ngàn người.



Đuốc Thiêng 95

1 Những gì không rúng chuyển - ĐTPÂ
2 Thơ: Chúa toàn năng - Trần Nguyên Lam Bửu
3 Uy quyền của Đức Chúa Giê Xu - MS Nguyễn Văn Bình
4 Thơ: Loài người quý nhất - Trần Nguyên Lam Bửu
5 Phải chăng đạo Tin Lành là đạo bỏ ông bỏ bà - H4
6 Hồn ở đâu bây giờ? - Bình Tú Ngọc
7 Nhớ cha - H4
8 Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
9 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
10 Xứ Do Thái hồi Chúa Giê-xu sinh ra - Mai Đào
11 Đêm nhớ về quê cũ - Bà Lê Văn Bắc
12 Thơ : Tất cả vì vinh hiển Đức Chúa Trời - Trần Nguyên Lam Bửu
13 Đọc truyện ngắn của Bà Lê Văn Bắc - Nguyễn Đình Bùi Thị
14 Đôca ngày nay - H4
15 Ước ao của tôi - Bình Tú Ngọc




Người Lào chính cống hầu hết theo Phật Giáo Tiểu Thừa, một giáo hội coi như quốc giáo được chính phủ tôn kính và giúp đỡ về mọi mặt, kể cả việc xây cất chùa chiềng. Chỉ tại thủ đô Vientiane thôi, người ta nói có đến 99 ngôi chùa, chùa nào cũng nguy nga, lộng lẫy, khuông viên rộng lớn hằng mấy mẫu tây. Nhưng các dân tộc ít người khác, đa số theo đa thần, thờ bái vật giáo, bùa phép mê tín dị đoan. Người Kha ở vùng Thượng Lào đa số chống Phật giáo, cương quyết giữ độc lập với niềm tin đa thần giáo của mình. So với các dân tộc các nước chung quanh, người Lào được coi là dân tộc hiền hòa, đơn sơ, không đòi hỏi, cầu an, ít quan tâm tới thương mại, do đó, nền kinh tế Lào đa số nằm trong tay của các ngoại kiều như Trung Hoa, Thái Lan, Việt Nam. Họ ăn uống rất đạm bạc, chỉ có sôi nếp với "tầm sụm", là món ăn truyền thống gồm đậu đũa, hoặc đu đủ, đăm chung với mắm cá và ớt thật cay, hoặc sang trọng hơn thì có "lạp" có lòng bò, gan bò, thịt bò, trộn với gạo rang làm thính, rau húng, rau răm v.v... nêm nếm vừa miệng, ăn chung với sôi nếp, có món chấm lấy từ ruột non bò, là món ăn truyền thống mà khách ngoại quốc rất ưa thích. Món "Khầu Lạm" nướng chín thành xôi từ ống nứa gồm nếp với nước cốt dừa, ăn chung với đùi gà nướng cũng là món đặc sản rất ngon.

Tin Lành được truyền đến Lào sớm hơn ở Việt Nam 9 năm, khởi đầu từ năm 1902, do các giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo Anh Em ở Thụy sĩ cử sang. Họ hoạt động đa số ở vùng Hạ Lào, có trung tâm truyền giáo tại Paksé và 2 trung tâm khác nữa. Công cuộc truyền giáo tuy có phần khó khăn, nhưng Chúa cho từ từ có rất nhiều người tin Chúa, ảnh hưởng rất lớn. Họ cũng đã dịch toàn bộ Kinh thánh ra tiếng Lào giúp cho nhiều người tiếp cận được với lời Chúa, giúp cho cửa truyền giáo rộng mở thêm hơn.

Ở Thượng Lào, Hội Truyền giáo Bắc Thái Lan thuộc hệ phái Trưởng Lão đưa giáo sĩ sang Luang Prabang truyền giảng cho người Kha, đưa đắt hàng trăm người Kha tin Chúa. Hội truyền giáo Hải ngoại, hậu thân của Hội Truyền Giáo Trung Hoa Lục Địa, năm 1951 cũng cử giáo sĩ đến giảng Tin Lành cho Hoa kiều sống ở Lào. Về sau, hội nầy cũng hiệp tác với Hội truyền giáo Anh Em của Thụy sĩ truyền giáo cho những dân tộc ít người trong khắp vùng Hạ Lào, gặt hái nhiều kết quả khả quan.

Dù Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp (CMA) do Mục sư AB Simpson thành lập với khải tượng truyền bá Phúc Âm toàn cầu đã gởi giáo sĩ đến Việt Nam từ năm 1911 rao giảng Tin Lành thành lập Hội thánh khởi đầu từ Đà Nẵng (Quảng Nam) và lan rộng lần đến các tỉnh thành khác khắp các vùng Bắc Trung Nam Việt Nam, có trường Kinh thánh, có Kinh thánh dịch xong ra tiếng Việt, nhưng mãi đến năm 1929, Hội nầy mới khởi đầu gởi giáo sĩ đến Lào. Năm 1929, giáo sĩ G.E Roff được cử đến Luang Prabang học tiếng, mở trung tâm truyền giáo ở đó. Hội cũng gởi giáo sĩ đến Vientiane năm 1931 mở trung tâm truyền giáo tại đây rồi sau đó mở thêm một trung tâm nữa ở Xiêng Khoang.

Khi các giáo sĩ bắt đầu nói được tiếng Lào, họ mời các giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo Anh Em của Thụy sĩ từ Hạ Lào đến cộng tác truyền giảng Tin Lành ở Vientiane, đặc biệt là ở Luang Prabang, nhờ vậy thu gặt được một số thành quả đáng khích lệ, có một số người tin Chúa. Ông Chao Souvanaphalom là một trong những trái đầu mùa tin Chúa tại Luang Prabang. Năm 1934, ông Saly Kounthapanya sau khi tiếp nhận tình thương cứu rỗi của Chúa, ông hăng say ra đi truyền bá Tin Lành, đưa dắt được một số người tin Chúa. Dân chúng trong vùng thấy cuộc đời ông biến đổi lạ lùng, nên rất chú ý tới Tin Lành. Về sau ông trở thành Mục sư đầy ơn, giữ chức vụ Hội Trường Hội thánh Lào trong nhiều năm. Tôi hân hạnh được gặp ông vài lần, có dịp tâm tình với vị lãnh đạo tiền phong của Hội thánh đầy ơn ấy, lúc đó ông đã hưu hạ sống tại Vientiane, nhưng cũng góp phần phục vụ Chúa trong nhiều lãnh vực. Ông vui vẻ, cởi mở, yêu thương mọi người. Lúc tôi gặp khó khăn khi biến cố 1975 xảy ra ở Việt Nam và ở Lào, ông an ủi và khích lệ tôi cứ ở lại Lào, ông và Hội thánh Lào hứa sẽ giúp đỡ và bảo trợ cho tôi tiếp tục phục vụ Chúa giữa người Việt Nam và người Lào. Chẳng bao lâu sau đó, ông bị gọi đi học tập cải tạo, tôi thật xót xa khi nghe tin ấy, không biết tuổi già ông có thể có đủ sức chống chọi với khổ nạn của sự đày ải không. Tôi cũng có dịp gặp cụ G.E Roff, vị giáo sĩ tiền phong của vương quốc Lào tại tư gia của cụ ở Vientiane. Với tuổi trạc 80 lúc đó, cụ vẫn còn vóc dáng của một người khỏe mạnh, hoạt bát, khiêm nhường đầy ơn. Cụ kể về quá khứ truyền giáo ở Lào với nhiều khó khăn gai góc. Có những người Lào tiếp nhận Chúa, nhưng khi trở về nhà họ bị gia đình bắt bớ buộc phải bỏ đạo. Họ áp lực cho đến khi nào người ấy bỏ đạo mới thôi. Dù vậy công việc Chúa vẫn phát triển. Chúa cho mở được trường Kinh thánh ở Vạn tượng, ở Xiêng Khoang đào tạo người phục vụ Chúa. Lúc tôi ở Lào thì Mục sư Seng Pao Thao làm Hội trưởng, số tín đồ tại vương quốc Lào lúc ấy trên dưới 15.000 người, đa số là người Hmong. Nhiều nhà thờ Tin Lành được thành lập rải rác khắp vương quốc Lào. Công việc Chúa đang trên đà phát triển.

Tại vương quốc Lào, người Việt định cư cũng khá đông, tập trung nhiều nhất ở Vientiane, ở Paksé, số khác ở tại Savanakhét và Luang Prabang và một ít ở rải rác trong các tỉnh thành, làng mạc khác. Nhiều người sống tại đây rất lâu đời, có những người di cư từ Bắc Việt, một số khác đến từ Miền Trung hoặc miền Nam Việt Nam. Có người làm công chức từ thời Pháp thuộc, rồi ở lại coi đây như quê hương của mình, có người đến Lào kinh doanh, buôn bán lập nghiệp. Người Việt Nam một số làm ăn rất thành công ở Lào, đời sống có vẻ sung túc thoải mái.

Từ năm 1932 đã có một số Việt Kiều tin Chúa ở Lào rồi. Về sau lại có một số tín đồ từ Việt Nam tới, lần hồi số tín hữu tăng nhiều thêm, nhất là tại thủ đô Vientiane. Nhu cầu nuôi dưỡng thuộc linh cho anh em tín hữu và công tác truyền bá Phúc âm cho cộng đồng người Việt rất cấp thiết, nên năm 1962, Ủy Ban Truyền Giáo và Tổng Liên Hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam cử ông bà Mục sư Nguyễn Hậu Nhương, một nhà truyền giáo lâu năm trên miền thượng du Việt Nam đầy ơn và kinh nghiệm đến Lào. Ông bà là giáo sĩ đầu tiên trong lịch sử Hội thánh Tin Lành Việt Nam. Trong khi các Mục sư lên miền Cao nguyên Việt Nam giảng Tin Lành cho các sắc tộc thiểu số được gọi là Mục sư truyền giáo, hoặc vị Mục sư được gởi qua Pnom Pênh (Nam Vang) ở Cao Miên chăn dắt Hội Thánh Việt Kiều tại đó được gọi là Mục sư quản nhiệm Hội thánh, thì Mục sư đến Lào, một xứ ngoài Việt Nam, được gọi là giáo sĩ, vì chẳng những quản nhiệm Hội thánh Việt Kiều tại Vientiane, chăm sóc tín hữu Việt Nam tại Paksé hay Savanakhet, toàn thể nước Lào mà còn truyền giáo cho người Thái Đăm (Thái Đen), cũng còn có chương trình truyền giáo cho người Lào nữa. Ông bà Mục sư Giáo sĩ Nguyễn Hậu Nhương đã tạo được một nhà thờ Tin Lành Việt Kiều tọa lạc ở số 36 đường Pnom Pênh, Vientiane, cất theo kiểu truyền thống Việt Nam, chứa được khoảng hơn 100 người, với một tư thất có đủ phòng ốc cho gia đình Mục sư rất tiện nghi và một khuông viên rộng rãi, đẹp đẽ. Số tín hữu thờ phượng Chúa mỗi Chúa nhựt khoảng 60 người. Mục sư còn mở được một Hội thánh Tin Lành cho người Thái Đăm ở làng Hong Seng có nhà thờ được xây cất và một nhóm tín hữu khác tại làng Nong Boua Thong. Ông bà còn vận động Hội Hoàn Cầu Khải Tượng Thế Giới đài thọ lương bổng cho các giáo viên trường Việt Kiều tại Vientiane và bảo trợ các em học sinh trường nầy. Sau 11 năm hầu việc Chúa tại Lào, ông bà Mục sư giáo sĩ Nguyễn Hậu Nhương trở về Việt Nam hưu hạ. Ủy Ban Truyền Giáo và Tổng Liên Hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam cử tôi tới Lào truyền giáo, nối tiếp chức vụ giáo sĩ của người tiền nhiệm.