Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)

Phát Triễn Và Bảo Tồn Thực Vật - Dr. Trương Hoàng Lâm

Đuốc Thiêng 101, tháng 07 & 09 năm 2009


1/ Đặc tính của thực vật

Thực vật và động vật có một sự khác biệt hoàn toàn. Thú là thú và cây là cây mặc dầu tế bào động vật và tế bào thực vật có nhiều sự giống nhau thí dụ cả hai đều có màng tế bào, nhân tế bào và chất tế bào. Nhưng tế bào thực vật có thành tế bào rất vững chắc cấu tạo bằng xenluloz, đó là cái khung ngoài, quy định hình dạng tế bào; thực vật không có bộ xương làm điểm tựa cho nên mỗi tế bào phải tự có một tính chất vững vàng, ngoài ra bên trong tế bào có một khoảng trống, đó là không bào (Vakuole; vacuole) có chứa chất dịch (Zellschaft) tạo một áp lực vào khung biến tế bào giống như 1 trái banh trương ra. Tế bào thực vật có lạp thể (Chloroplast) chứa diệp lục (Chlorophyll) để sản xuất ra O2 qua hiện tượng quang hợp.

Theo kết quả nghiên cứu người ta biết rằng cây sống tự dưỡng (autotroph) bằng cách nhận các chất vô cơ, CO2, nước v.v... để tạo thành chất có ích cho mình như carbo-hydrat để sản xuất đường, bột, xenluloz; còn thú vật sống dị dưỡng (heterotroph) nhận mở, nước, chất hữu cơ, chất đạm, carbohydrat từ bên ngoài và tạo ra chất nuôi tế bào.

Cây gắn liền với một nơi nhất định trong lúc con thú có thể luôn luôn di động. Phản ứng của cây đối với môi trường xung quanh có vẻ tiêu cực nhưng con thú với tất cả giác quan của nó rất nhạy cảm với thay đổi môi trường sống. Sự phân biệt nầy giữa thực vật và động vật có rất nhiều ngoại lệ: thí dụ các loài thú như bọt biển (Schwamm; éponge), thủy mẫu (Polyp; polypen), nhuyển thể lại sống cố định ở một nơi; các loài cây như bào tử động (Zoosporen), giao tử (Gameten) lại sống di động như thú. Đặc biệt là tảo lông roi (Euglena) sanh sống ở nước ngọt, hình thoi, hình điếu xi gà hay hình oval, một sợi tiên mao dài giống như roi mọc lên từ vách cổ họng hình lọ nằm ở phần cuối cơ thể. Khi có ánh sáng Euglena sử dụng diệp lục tố của mình để sản xuất carbohydrat. Trong bóng tối nó sống dị dưỡng nhận thức ăn từ bên ngoài; các nhà khoa học không biết tảo lông roi là thú hay cây.

Theo tính toán mỗi năm cây xanh qua quá trình quang hợp đã chuyển hoá được 170 tỷ tấn cacbon có trong CO2 của không khí và 68 tỷ tấn nước tạo thành 115 tỷ tấn chất hữu cơ (tính theo số lượng khô). Đó là nguồn thức ăn cho tất cả các loài động vật và con người.

Cũng nhờ quá trình quang hợp mà cây xanh đã tạo ra mỗi năm 123 tỷ tấn khí O2 mà các loài sinh vật tiêu dùng qua hô hấp. Celuloz của thực vật là chất xơ trong con người thúc đẩy bao tử va ruột vận động cho tiêu hoá.

Thực vật cũng giữ vai trò then chốt với nhân loại như là nguồn nhiên liệu (than đá, dầu hỏa, khí đốt), nguồn nhiên liệu cho kỹ nghệ (gỗ xây dựng, gỗ củi, giấy, hoá chất, thực phẩm, dược phẩm v.v...).

Nếu không có cây xanh thì Trái Đất chỉ là bãi sa mạc hoặc một bãi núi lạnh lẽo, hiu quạnh, nơi đó không một loài động vật nào có thể sinh sống được. Vậy thực vật phải được tồn tại mãi mãi để các sinh vật có thể nhờ đó mà bền vững.

2/ Sinh sản hữu tính và sinh sản vô tính

Hiện nay thực vật bao phủ và trang  điểm Trái Đất với một màu xanh đẹp đẽ. Các cây cỏ phát triển rất dễ dàng qua 2 cách:
Trong sinh sản hữu tính một tế bào đực nhập với 1 tế bào cái để tạo thành một tế bào thụ tinh. Phấn hoa ở bộ phận đực được truyền sang vào noản (Samenanlage; ovule) của bông để từ đó mầm được phát triển.

Bộ phận thụ tinh của cây có hột là bông, bông có thể là đơn phái chỉ có hoa đực còn hoa cái ở một cây khác hoặc lưỡng phái vừa có bộ phận đực và bộ phận cái ở cùng. Thí dụ cây đơn phái là cây khổ qua, dừa, bắp, thủy tùng (Eibe, if), liểu (Weide, saule), cây lưỡng phái đó là cây thông (Kiefer; pin), cây bí (Kürbis; courge), dưa leo (Gurke; concombre) v.v...

Sự thụ phấn là truyền phấn hoa vào nuốm (Narbe; stigmate) hoa cái của các loài thực vật hạt kín (Bedecktsamer; Angiosperme), sau đó phấn qua vòi (Griffel; style) để vào bầu nhụy (Fruchtknote; ovaire) và gặp tế bào trứng (Eizelle; ovule) để thụ tinh, từ đó mầm được phát triển lớn lần lần. Đối với các thực vật hạt trần (Nacktsamer; gymnosperme) phấn vào thẳng bộ phận không che kín của noản (Samenanlage; ovule). Thực vật hạt trần gồm các loài thuộc họ thủy tùng, họ bạch quả (Ginkgo), họ trắc bá (Zypresse), họ cây lá kim.

Phấn có thể vào một cái hoa (sự tự thụ phấn) hoặc vào các hoa cái của nhiều cây cùng loài (sự thụ phấn chéo), trung gian sự thụ phấn chéo có thể là gió ở ngủ cốc, thông, côn trùng ở cây ăn trái, cải dầu (Raps, colza) hay nước ở rong biển (Seegras, varech), thực vật thủy sinh (Wasserpflanzen, plantes aquatiques).

Có nhiều cách sinh sản vô tính như:

Phân chia: một cây mẹ mọc dính chung với 4-6 cây con xung quanh. Sau khi tách ra người ta có nhiều cây con mới, có thể trồng riêng rẻ nhưng với khoảng cách 30 cm.

Mầm non (Ausläufer; rejeton): các cây con đứng gần cây mẹ, xuất phát từ rễ-bò ngay trên mặt đất, đầu mọc rễ, ở đó mọc mầm nhỏ và ra lá; sau đó rễ tiếp tục bò ngang, mọc rễ và mọc mầm, thí dụ dâu đất (Erdbeere; fraise), xa trục thảo (Weißklee; trèfle blanc), cây hạ khô (Gunsel; bugle). Nhiều loại cây có rễ-bò dưới mặt đất, chia ra nhiều rễ nhỏ khác, từ mỗi cuối rễ có một mầm non mọc ra khỏi mặt đất thí dụ cỏ gà (Quecke; chiendent), hoa diên vĩ (Schwertlilie; iris), linh lan (Maiglöckchen; muguet), măng tây (Spargel; asperge). Ở mỗi cuối rễ mọc ra một củ thí dụ khoai tây; qua mầm non, các củ được cung cấp thức ăn cho đến khi chúng đâm lá và rễ.

Lá chiết (Ableger): từ bờ rìa của lá mẹ mọc nhiều chồi non; khi có lá và rễ chúng rớt xuống và mọc vào đất.

Củ con: nhiều củ con mọc quanh củ mẹ thí dụ củ hoa tulip, hoa thược dược (Dahlie; dahlia).

Ngoài sinh sản vô tính trong thiên nhiên còn có sinh sản vô tính nhân tạo tức là do con người làm ra thí dụ phương pháp ghép cành (Propfung; greffe): gốc ghép là thân mẹ và cành ghép là thân con, cả hai sống chung với nhau nhưng rất tiếc thỉnh thoảng không thành công. Người ta có 2 cách ghép đôi khác giống:

Ghép đôi đường kính không tương đồng (Propfung; greffe en fente): đây là phương pháp làm trẻ các cây ăn trái đã già để có được nhanh mùa hái trái, nhanh hơn là trồng một cây mới. Gốc ghép thúc đẩy phát triển cành ghép: người làm vườn cắt ngang cây mẹ, chẻ một đường và lấy vỏ ở một đoạn ngắn sao đó ấn cành ghép đã được cắt cho vừa với đoạn cắt ở cây mẹ và bịt chổ ghép bằng lớp vỏ của thân cây, cuối cùng thoa vào một loại nhựa cây để trám vết ghép chống khô và sự thâm nhập của vi trùng gây bịnh.

Ghép đôi đường kính tương đồng (Kopulieren; greffe à l´anglaise): người làm vườn cắt xéo gốc ghép và cành ghép, để hai loại cây vào sao cho đúng với đường cắt, bịt chỗ ghép bằng lớp vỏ của thân cây và thoa nhựa cây vào vết trầy.

Sự phát triển của thân con, trổ bông sớm hay muộn, trái nhiều hay ít, khả năng đối kháng chống bệnh tất cả đều tùy thuộc vào gốc mẹ. Bằng phương pháp ghép, một cây táo có thể mang nhiều loại táo khác nhau cũng như một cành hạnh đào ghép vào 1 gốc hồng dại cho nhiều bông rất đẹp, loài bông hồng qúy trên một gốc hồng dại.

Một phương pháp khác của sinh sản vô tính là phương pháp giâm cành (Steckling; bouturage): nhiều cây cảnh trồng trong nhà hoặc cây lớn như liểu, cây bụi có thể giâm cành; người ta cắt một nhánh nhỏ và giâm xuống đất ướt, từ đó nhánh sinh rễ. Đối với cây phong lữ (Geranium; geranium), cây vãn anh (Fuchsie; fuchsia), cúc đại đóa ( Chrysantheme; chrysanthème) đây là vấn đề rất dễ. Phương pháp ghim cành (Senker): cắt từ cây cẩm chướng (Nelke; oeillet) một cành nhỏ gần mặt đất, nhưng cắt phân nửa, uống cong và chôn xuống đất bằng một khúc gỗ hình nĩa, sau thời gian ngắn cành ghim mọc rễ, lúc đó người ta có thể cắt khúc đó và đem trồng nơi khác.

Sự hiểu biết về sinh sản vô tính đã được áp dụng trong canh nông, lâm nghiệp và làm vườn với mục đích phát triển thực vật để có thể sản xuất trong thời gian ngắn một số cây con, các cây nầy có cùng chung tánh chất như cây mẹ, rất cần thiết trong kinh tế (khẩu vị, độ lớn, hình thể và cách thức nấu của củ khoai tây), tính chất nầy có thể giữ nguyên trong các thế hệ sau; phương pháp sản xuất vô tính rất đơn giản nhưng chỉ tạo ra một số nhỏ cây con; sau một thời gian lâu tính chất di truyền trở nên cằn cổi, vi khuẩn ở cây mẹ có thể truyền sang cây con.

Ngược lại sinh sản hữu tính có thể tạo ra một số lớn cây con, phương pháp rất đơn giản, đa dạng trong di truyền và lai giống chọn lọc cũng dễ dàng nhưng thời gian phát triển lâu dài, nhiều lúc kết quả không như mong muốn. Điều quan trọng ở sinh sản hữu tính là sự thụ phấn và kết trái. Hột trong trái có thể tích trử lâu dài để tạo ra cây con. Tùy theo phương pháp và nơi tồn trử mà hột giống có khả năng ra cây con sau một thời gian cất giữ lâu dài. Theo tài liệu, hột của cây lạt (Rosskastanie; marron) có thể sống lâu 15 tháng, hột cây lật (Esskastanie; châtaigne) sống lâu 9 tháng, hột chanh: 16 tháng, hột dừa: 16 tháng, hột cà phê: 22 tháng, hột sồi (Eiche; chêne): 3 năm, hột cải: 19 năm, hột sà lát: 20 năm, củ hành: 22 năm, hột cà rốt: 31 năm, hột đậu Hoà lan (Erbse; pois): 31 năm, hột luá mạch (Gerste; orge): 32 năm, luá mạch đen (Roggen; seigle): 32 năm, hột lúa mì (Weizen; blé): 32 năm, bắp: 32 năm, thuốc lá: 39 năm, khoai tây : 200 năm v.v... Cây có hột xuất hiện trên Trái Đất đã hơn 4.000 năm từ lúc Đức Chúa Trời tạo dựng thế gian (Sáng thế Ký 1:12).

3/ Bảo tồn các loài thực vật

Trước khi đề cập đến thực vật chúng ta nên nhìn kỷ hiện trạng của một vài loài động vật như thế nào:
Bò rừng Châu Âu (Đức: Wisent; Pháp: Bison) đã bị giết rất nhiều vì săn bắn, tàn phá rừng và sự phát triển chăn nuôi các loài bò nhà; vào cuối thời kỳ Trung cổ số bò rừng Châu Âu biến mất đến lúc phải báo động, tổng số bò vào thế kỷ 19 trong tình trạng nguy ngập. Vào năm 1923 không một con nào sống trong thiên nhiên. Trong 56 con ở nhiều vườn thú khác nhau người ta chọn các con thích hợp cho nuôi giống, năm 1952 nhiều con đầu tiên đã được thả ra trong thiên nhiên; chỉ có bò rừng đồng bằng Bison bonasus là được cứu; quê hương mới của chúng là khu rừng Bialowieza (giữa Ba lan và Nga Trắng): ngày hôm nay là 800 con. Tại Kaukasus và Baltikum bò rừng cũng được du nhập, nhiều nhóm được nuôi dưỡng tại các công viên thú và vườn thú. Tổng số ngày hôm nay khoảng 3.000 con, tình trạng tổng quát được xem là còn bị đe dọa nặng.

Chim thằng chài (Eisvogel; martin-pêcheur) sống khắp Châu Âu, Cận Đông, Đông Nam Á. Vào mùa đông chúng di cư đến Bắc Phi Châu, bán đảo Á Rập, Nam Dương. Tại Châu Âu chúng bị đe dọa vì sự điều hoà và làm thẳng bờ sông, ao hồ, làm khô các vùng đầm lầy, nước bị ô nhiễm, thức ăn trở nên hiếm. Các bờ sông được thiết kế kỷ thuật lại nên không có bờ dốc thẳng đứng đề chúng làm hang đào ổ, các du khách đến quấy rầy nơi sinh sống của chúng. Nhiều tổ chức bảo vệ đã điều hoà trở lại các sông ngòi, giữ gìn các nơi khai thác đá sỏi và làm ổ nhân tạo cho chúng, nhiều chim thằng chài đã quay trở lại vùng sinh sống cũ và nuôi tạo nhiều chim con.

Ó cá (Fischadler; balbuzard pêcheur) hiện nay tại Đức trở nên hiếm vì cảnh quang bị tàn phá, đường xá được xây dựng nhiều hơn nên môi trường sống bị phân chia nhỏ ra và du khách quấy rầy. Biện pháp: cảnh quang phải giữ rộng lớn, dòng nước không bị ô nhiểm và tránh phá rối gần nơi chúng ở.

Chim bách thanh lưng đỏ (Neuntöter; pie-grièche écorcheur) không tìm đựơc môi trường sống vì vùng canh nông đã được qui phân điền địa (Flurbereinigung; remenbrement agricole) (xem Đuốc Thiêng số 82, 4/2006) và công viên cùng vườn tược được dọn dẹp sạch sẽ, vả lại chim bách thanh tự nó cũng trở nên hiếm. Nó chỉ có thể tiếp tục sống nếu có sự bảo vệ các lùm bụi và hàng rào chắn gió cùng các bụi cây có gai ngoài đồng. Chim bách thanh thường treo các thú bị giết như chuột, sâu bọ vào các ngọn gai để dự trữ thức ăn.  

Ếch xanh (Laubfrosch; grenouille verte) khó tồn tại trong môi trường sống hiện nay vì nước ao, hồ đã bị hủy diệt và ô nhiểm nên trứng không nở được. Vậy các ao, hồ, hầm chứa nước phải được chăm sóc và gìn giữ, các ao, hồ trong vườn cần được sáng lập.

Cú diều (Uhu; Grand Duc d´Europe) trở nên hiếm vì thiếu thức ăn do cảnh quang bị chia xẻ ra nhiều mảnh nhỏ, đường xá mở rộng, canh nông phát triển; nơi sanh đẻ cũng khó tìm (nóc nhà củ, vựa rơm, tường xụp đổ, nóc nhà thờ). Cánh của chúng khi bay xoè ra rất rộng nên thường hay đụng dây điện; cánh quạt phát điện cũng gây trở ngại. Chúng thường hay bị xe lửa cán vì ăn các thú bị chết ở đường rầy và cũng trở thành nạn nhân như các thú ấy. Các nhà bảo vệ chim đã nuôi chim cú diều và thả ra trong thiên nhiên nhưng cú diều phải chấp nhận nơi sống mới của mình.

Trên đây là một vài thí dụ trong nhiều trường hợp của các loài thú bị đe doạ. Các loài thực vật cũng gặp nguy hiểm nhưng bằng cách khác.

a/ Bị đe dọa do sưu tầm hoặc lặt bẻ: nhiều loại hoa chẳng những đẹp vì màu sắc mà còn đẹp vì hình thể thí dụ hoa lan hài (Frauenschuh; sabot de Venus), hoa tulip dại (Wilde Tulpe; tulipe sauvage), hoa anh thảo (Alpenveilchen; cyclamen), ở đây xin chú ý là củ rễ vừa có chất thuốc làm xổ vừa có chất độc làm động kinh có thể gây chết; hoa bối mẫu (Schachblume), hoa hình cầu (Trollblume), cẩm chướng ngủ tuần (Pfingstnelke), hoa anh thảo vàng (Schlüsselblume; primevère), hoa mẫu tử (Edelweiss; edelweiss); hoa mẫu tử được gây giống bán trong tiệm nhưng du khách đi chơi vùng núi Alpen vẫn hái nhổ đem về trồng làm kỷ niệm; hoa hổ nhỉ thảo (Steinbrech; saxifrage) mọc giữa những tản đá vùng núi Alpen cũng có số phận như hoa mẫu tử.

Đối với hành động sưu tầm, lặt bẻ chánh quyền địa phương cần phải bảo vệ chặc chẽ vùng có hoa mọc, hình phạt nặng cho những ai phạm tội.

b/ Bị đe dọa do thay đổi môi trường sống: nông dân dùng phân bón để tăng phát triển cỏ cho bò ăn nhưng phân bón tiêu diệt cây bạch đầu ông (Küchenschelle; pulsatille). Vậy nông dân không nên dùng phân bón và thỉnh thoảng gặt cỏ để cỏ có cơ hội mọc mạnh thêm trở lại.

Nhiều nơi người ta làm khô đầm lầy để lấy đất hoặc thiết kế bờ hồ, ao hay sông làm cho hoa diên vĩ (Schwertlilie; iris), vị kim đầm lầy (Sumpfdotterblume) trở nên hiếm. Tốt nhất là nên giữ nguyên trạng các đầm lầy, che chở các ao, hồ hoặc gầy dựng thêm nơi có nước, thiên nhiên hóa trở lại các bờ sông, suối. Để tăng năng xuất cỏ nông dân làm khô đồng cỏ ướt hoặc đào mương tháo nước hoa hình cầu (Trollblume) cũng biến mất. Nông dân là người thù của hoa kỵ phu lam (Herbstzeitlose; colcique) vì người ta dùng thuốc hóa học để trừ nó vì hoa nầy rất độc đối với gia súc. Muốn che chở hoa người ta không nên cho đàn súc đến gần cây nầy và chấp nhận nó.

Đây là một vài thí dụ cho thấy các loài hoa bị đe dọa vì con người. Số lượng các loài thực vật lẫn thú vật đang bị giảm sút hoặc có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo tồn, phục hồi và phát triển. Liên hiệp Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên IUCN (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources) công bố Sách Đỏ (Red Book) Quốc Tế liệt kê những loài qúy hiếm hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng tại từng vùng hay quốc gia. Đức quốc có Sách Đỏ cho nước Đức và từng tiểu bang. Việt Nam cũng có Sách Đỏ, phần Động vật và phần Thực vật. Để đánh giá tình trạng các loài trong Sách Đỏ người ta chia 5 cấp đánh giá: 1/Đang nguy cấp, Endangered (E) (đang bị đe dọa tuyệt chủng). 2/Sẽ nguy cấp, Vulnerable (V) (có thể bị đe dọa tuyệt chủng). 3/Hiếm, Rare (R) (có thể sẽ nguy cấp). 4/Bị đe dọa, Threatened (T) (bị đe dọa). 5/Biết không chính xác, Insufficiently known (K) (nghi ngờ và không biết chắc chắn vì thiếu thông tin).

Hiện nay có rất nhiều chương trình phục hồI các loài thú qúy hiếm từ biện pháp tái định cư đến gây giống và bảo tồn tạI các vườn bách thú. Riêng về thực vật nhiều vườn thực vật đã được thành lập với mục đích:

-công cộng: giới thiệu các loài cây cho sinh viên và công chúng
-không công cộng: sưu tầm, chăm sóc, phối hợp và điều hoà với các chương trình khác
-sưu tầm trong vườn thực vậ cho giảng dạy và nghiên cứu, lai giống (canh nông và nghề làm vườn)
-chia xẻ gánh nặng cho các loài hoa dại như chụp ảnh, phát triễn và trao đổi, tài liệu di truyền cho bảo tổn (phát triễn và  tái định cư).

Hiện nay tại Đức nhiều vườn thực vật nổi tiếng bảo tồn rất nhiều cây, thí dụ:

Vườn thực vật Berlin-Dahlem có 24.000 loài
Vườn thực vật München: 14.000 loài
Vườn thực vật Göttingen: 14.000 loài
Vườn thực vật Halle: 12.000 loài
Vườn thực vật Dresden: 10.000 loài
Vườn thực vật Mainz: 8.500 loài              
Vườn thực vật Münster: 8.000 loài
Vườn thực vật Stuttgart: 5.000 loài

Các loài thực vật gồm: thực vật hạt kín, thực vật hạt trần, rêu, dương xĩ, xương rồng, thực vật thủy sinh, cây ăn sâu bọ, cây họ thơm v.v...

4/ Hãy nhìn các loài hoa ngoài đồng

Chúng ta hãy nhìn các loài hoa ngoài đồng, chúng làm đẹp thế gian của Đức Chúa Trời. Chúng không làm gì cho sự đẹp đẻ của chúng. Đó là do Đức Chúa Trời tạo nên. Chúng ta hãy nhìn các loài chim đang bay, nhìn các hoa diên vĩ (Lilien; iris) đang nở, cả hai không bao giờ nghĩ đến ngày mai vì Đức Chúa Trời đã lo cho chúng (Ma-Thi-ơ 6:28-30). Chúng ta hãy nhìn các người khác đang đứng gần hay đứng xa chúng ta, mỗi người đều được Chúa thương xót. Chúa đã hoàn thành tất cả cho họ kể cả anh và tôi, chúng ta chỉ sống và làm theo lời của Đức Chúa Trời thì chúng ta trở thành con của Ngài (Rô-Ma 8:14) và chúng ta bước đi bởi đức tin vào Ngài (II Cô-Rinh-Tô 5:7).

5/ Tài liệu tham khảo


1. Đặng Mộng Lân, Nguyễn Quang Anh và c.t.v.: Tự điển môi trường và phát triển bền vững. NXB: Khoa học và Kỷ thuật, 2001
2. Dolder, Willi und Dolder-Pippke, Ursula: Bedrohte Tiere. Parragon Books Ltd
3. Duden: Biologie. Duden PAETEC, Berlin, 2008
4. Flindt, Rainer: Biologie in Zahlen 5.Auflage, Spektrum Akademischer Verlag, 2000
5. Laux, H. E.: Geschützte und bedrohte Pflanzen. Wiss. Verl.-Ges., 1988
6. Lê quốc Hưng: Thiên nhiên và thế giới động vật. NXB: Phụ Nữ, 2004
7. Linder: Biologie. Schroedel Verlag, Hannover, 2003
8. Phạm Thu Hoà: Đời sống động vật. Tập một. NXB: Trẻ, 2008 



Đuốc Thiêng 101

01 Càng nhiều càng tốt - ĐTPÂ
02 Thơ: Kỷ niệm Đại Hội Tin Lành Âu Châu- Đức Huy
03 Thơ: Đại Hội Tin Lành Âu Châu Hòa Lan - Đức Huy
04 Kiếp phù sinh - TC Hừng Đông
05 Phục vụ Chúa - Mục sư Nguyễn Văn Bình
06 Cao đẹp tình Cha - Nguyễn Đình Bùi Thị
07 Tình mẫu tử - Bà Lê Văn Bắc
08 Thơ: Phụng sự Chúa - Đức Huy
09 Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
10 Tiểu sử Thánh Ca - Fanyia
11 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
12 Xứ Do Thái khi Chúa Jêsus khởi sự công tác - Mai Đào
13 Đức Giêhôva là Đấng chăn giữ tôi: Tôi sẽ chẵng thiếu thốn gì - MSNC Lê Văn Thể
14 Cục gạch - Thanh Nguyên
15 Phát triễn và bảo tồn thực vật - Dr Trương Hoàng Lâm
16 Tin Tức - Vinh Bằng