Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)

Truyện ngắn: Quanh ta ngậm ngùi - Bà Lê Văn Bắc

Đuốc Thiêng 100, tháng 04 & 06 năm 2009


Mặt trời ngả về tây, ánh vàng toả trên các ngọn cây thông xanh và lung linh như những chùm hoa dưới ánh nắng chiều nhập nhoạng. Đàn chim bay thành hình chữ V ngang qua trước mặt anh Phụng đều đặn, nhịp nhàng. Xa xa thoang thoảng dưới chân trời ửng một vùng đỏ ối. Dodge City mùa xuân rồi đấy ư? Sao haihàng cây bên đường chưa xanh lá? Sao nắng xuân chẳng vàng hơn? Sao không trung vẫn còn hơi lạnh của mùa đông?

Dưới hiên nhà, anh Phụng ngồi trầm ngâm nhìn quang cảnh tĩnh mịch cuả buổi chiều tà lòng buồn da diết. Nơi anh ngồi cách đó không xa, trên cành cây, tiếng kêu thảm thiết của một con chim gáy cô đơn làm quang cảnh càng thêm thê lương. Chim cũng như người, cần có đôi có cặp, có sự bình yên, vui vẻ. Con người cũng vậy.

Đêm tối dần, đến nỗi các vì sao cũng không đủ ánh sáng. Anh Phụng buồn bã ngó lên bầu trời tối đen, lặng lẽ. Bốn bề vắng lặng, một chút âm thanh vẫn không có. Lòng anh tan nát, điều anh lo sợ đã không tránh được. Đó là sự cô đơn. Anh đưa mắt nhìn vào bóng đêm ở quanh anh, rồi đứng lên bước vô nhà vào phòng. Gian phòng chìm trong bóng tối. Anh cố  mường tượng, gợi lại trong anh hình ảnh  sau cùng của người vợ yêu dấu đã ngủ yên trong Chúa.

Những tháng ngày êm vui đâu còn nữa.
Em đến đâu ở đó có tiếng cười,
Nay chốn xưa vẫn đông đủ mọi người.
Em đi mất nhà trở nên vắng lạnh
Có ai ngờ cuộc đời em quá ngắn.
Những buồn vui em trả hết cho người.
Tiếc thương em muôn đời anh vẫn nhớ.
Tạm biệt em! Nơi Vĩnh Hằng ta gặp lại!

Đêm đã về khuya, những hạt sương đêm càng thắm sâu vào lòng trong khung cảnh đìu hiu lắng đọng. Gió đêm nay xao xát thổi, tâm hồn anh bay về chốn xưa, nơi quê hương Mỹ Tho hiền hoà của hơn 40 năm về trước. Thấp thoáng trong anh cái ngày xưa, xa lắm... khi hai vợ chồng anh còn trẻ, sinh hoạt thờ phượng Chúa trong Ban Thanh Niên tại Hội Thánh Tin Lành Mỹ Tho, nơi gói gọn quá nhiều buồn vui, thăng trầm không sao quên được. Những kỷ niệm còn đậm nét đến nỗi dù thức hay ngủ, anh không thể nào xua đuổi chúng ra khỏi tâm trí anh... Và đêm nay hơn bao giờ hết, ký ức dịu dàng sống dậy trong từng mỗi thanh âm, rõ ràng...

----------------------------------

Mỹ là con thứ nhì trong một gia đình có 6 chị em. Còn anh Phụng là con trai út gồm có 9 anh chị em. Hai gia đình nầy rất thân nhau, cùng kính yêu Chúa hết mực. Thân sinh anh Phụng cũng như thân sinh chị Mỹ đồng một tâm tình đi khắp nơi truyền bá Tin Lành, hai ông không quản ngại gian khổ hầu đem sự cứu rổi đến cho mọi người.

Ông bà Giáo sĩ Douglas đặc trách Thanh niên lúc đó và là giáo sĩ toàn khu vực Tiền Giang. Trong những buổi thờ phượng của Thanh Niên và những sinh hoạt thanh niên thường xuyên ông bà huấn luyện về tư cách, phẩm hạnh, đời sống  thanh niên Tin Lành thích hợp theo lời Kinh Thánh dạy dỗ khác với người đời.Những chủ đề: Thế nào là yêu Chúa? Dâng hiến, hôn nhân trong Chúa, Dâng mình hầu việc Chúa...

Thời gian gần 7 năm trong sự được đào tạo và huấn luyện các bạn trẻ độc thân trong thanh niên trong đó có chị Mỹ là người tích cực nhất trong mọi sinh hoạt trong ban.

Sự nhạy cảm của một người con gái mới lớn lên trong khuôn khổ gia đình tin kính Chúa, chị Mỹ rất nhiệt thành cho công việc Chúa giữa thanh niên, làm cho Ban Thanh Niên ngày càng khắn khích, hiệp một sinh hoạt mạnh mẽ và Hội Thánh các bậc phụ huynh vui mừng nhìn thấy con em siêng năng trong công việc Chúa góp phần tích cực.

Sau khi học xong bậc Trung Học, anh Phụng lên Sàigòn vào năm 1965 học riêng sinh ngữ Anh qua các trường Khôi Nguyên, Hội Việt Mỹ, Lê Quí Đôn. Cuối tuần anh Phụng về lại Mỹ Tho cùng đi thờ phượng Chúa với gia đình, với ban Thanh Niên và gặp lại Mỹ. Sau đó anh chọn Mỹ, hai người yêu nhau. Tình yêu là điều quan trọng của mỗi đời người. Một tình yêu đứng đắn trong Chúa sẽ là một gia đình  hạnh phúc, họ hỗ trợ nhau, giúp đở nhau trong mọi hoàn cảnh.

Hai năm sau tốt nghiệp bằng Anh ngữ, anh Phụng được tuyển chọn  làm thông dịch viên cho An Ninh Quân Cảnh Mỹ. Rồi anh Phụng chị Mỹ làm lễ Thành Hôn tại nhà thờ Nguyễn Trãi Mỹ Tho vào năm 1968. Vợ chồng anh Phụng lên Sàigòn chung sống.
Khi đứa con trai đầu lòng chào đời, anh Phụng thật vui sướng với tình thương phụ tử nẩy nở thêm một cách kỳ diệu trong cuộc sống vợ chồng anh. Một người vợ cảm thông, hiểu biết như Mỹ là giòng nước mát tưới vào niềm tin cho chồng để anh phấn đấu cho tương lai. Sự hiểu biết nầy không phải do sách vở hay tác động bên ngoài, mà là sự cảm nhận bên trong do Chúa ban cho, mà hằng mấy chục năm qua vợ anh vẫn thế.

Rồi cuộc sống với thời gian bắt đầu những khó khăn lần lượt tiếp nối với vợ chồng anh sau 30.4.1975. Chiến tranh không còn, đất nước chuyển sang giai đoạn mới, mọi người tiếp tục lao vào vòng chảy cuộc đời. Vợ anh với tấm lòng nhân hậu, toát lên đức tính thuần khiết, chuẩn mực, luôn cố gắng hết sức hầu tạo một mái ấm gia đình với đồng lương giáo viên rất khiêm nhượng của chị Mỹ.

Lớp lớp thời gian cứ mãi miết trôi. Bốn mùa cứ thay nhau luân chuyển, nhưng giòng đời cứ vội vã trôi đi tất cả những sinh vật hiện hữu trong cuộc sống.

Nhiều năm trôi qua cùng bầy con càng ngày càng đông. Gia đình anh càng khó khăn hơn. Vợ chồng anh rất kiên trì và kiên trì mỗi ngày. Nhiều lúc quá khó khăn, anh Phụng buồn lo, than vãn hoàn cảnh thiếu thốn mà vẫn không có một người tiếp trợ, mặc dầu các anh chị rất giàu. Thấy vậy vợ anh khuyên:

-Chuyện đời là vậy, cuộc đời không có tuyệt đối đâu. Vì thế chúng ta không nên chấp nhất quá về tình cảm, phải nhìn nó với ánh mắt màu hồng thì ta sẽ thấy đời không phải là bể khổ. Con người mà có tình yêu thì người tỉ phú đều mong cả.

Nói đến đây, chị Mỹ nhìn ra sân vắng nói tiếp:

-Tất cả những gì chúng ta kiếm được trên thế gian nầy, đều không đem theo được khi nhắm mắt xuôi tay. Có chăng là chúng ta được vinh hạnh về với Chúa sau khi qua đời, đó mới là điều phước hạnh. Đạo lý làm người ta không bao giờ học hết đâu. Người không thể vì tình, cây không thể vì rễ. Tạ ơn Chúa bù lại chúng ta có sáu đức con ngoan hiền, yêu mến Chúa đó sao.

Tuy nhiên, không phải ai ở vào hoàn cảnh của chị Mỹ, cũng có thể tự mình vượt qua được những hụt hẳng trong lòng. Điều tự nhiên của con người là ước mơ cuộc sống tốt đẹp, hy vọng mọi việc vui vẻ, may mắn sẽ đến với mình, nhưng chắc chắn không phải ai cũng đón được nụ cười của số phận.

Vợ anh, một trái tim yêu thương, vị tha lúc nào cũng có của người Cô đốc. Có những lúc trái tim ấy cũng dằn dặt, thổn thức, cũng sẵn sàng, khẳng khái, cương quyết, biết lẽ phải để chìu nhau mà sống. Đây là tiểu khúc trên bước đường đời của vợ chồng anh mà thôi. Vì thế , chị Mỹ không buồn. Gió từ đâu bay đến. Nước mưa từ đâu rơi xuống. Chúng ta không tránh được đâu.

Để giải quyết cho hoàn cảnh khó khăn của gia đình, anh Phụng cùng ba đứa con là Hoà, Thảo, Nghĩa vượt biển. Đến đảo Galang sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cả. Anh Phụng vui mừng tạ ơn Chúa đã dìu dắt bốn cha con anh đến nơi bình yên. Anh Phụng nhớ ngày ra đi, nhìn vợ cùng 3 đứa con ở lại lòng quặn đau như dao cắt. Anh biết ở lại quê nhà, cuộc sống vợ con không biết ra sao? Chắc khó khăn cực khổ lắm. Nhưng anh Phụng có niềm tin, hy vọng một ngày nào đó không xa, gia đình anh sẽ được đoàn tụ nơi đây.

Năm 1993, anh cùng ba con được định cư sớm hơn mọi người, nhờ ơn Chúa ban phước vì anh là thông dịch viên cho Cao Uỷ tại Galang. Giữa vùng trời bao la trên xứ người, cuộc sống đầy đủ, anh nhớ vợ con quá! Tuy nhiên,với nhịp độ nghiệt ngã trên đất khách quê người cuốn hút anh vào vòng xoáy của cuộc sống, anh cùng các con cực lực làm việc hầu có cuộc sống thoải mái khi vợ con qua.

Tạ ơn Chúa! Ngài là Đấng nhân từ đầy lòng thương xót, chị Mỹ cùng 2 con nữa đã được đặc biệt cứu xét cho định cư sang My õsau một năm. Không có sự vui mừng nào bằng. Ngày đầu tiên bước vào căn nhà mới, chị Mỹ không cầm được nước mắt, nghẹn ngào nói:

-Trãi qua nhiều tháng năm xa cách gian nan, bây giờ gia đình mình được Chúa ban phước trùng phùng nơi đây, em hết sức vui mừng cảm tạ ơn Chúa xiết bao! Trên quê nhà, nhờ Chúa xót thương, mỗi lần ngã quỵ, Chúa đở em tiếp tục đứng lên. Mọi việc đều do sự an bài của Chúa.

Anh nhớ Mỹ Tho những ngày mưa đổ thật buồn. Đêm huyền ảo, lấp lánh như ngàn trân châu trải dài trên sóng nước Cửu Long. Nơi thành phố nầy, cả thời xuân trẻ, vợ anh vắt sức mình, nhẫn nại nuôi chồng con với đồng lương giáo viên khiêm nhường đến kỳ lạ, miễn trừ những cái bất hạnh rập rình đâu đóù trong đời.

Những tháng năm trên quê hương cũng như trên đất khách, vợ chồng  anh sống rất hạnh phúc bên cạnh các con ngoan hiền rất hiếu hạnh. Thật ra gia đình nào cũng có lúc êm đềm, thăng trầm... Nhưng với lòng kính yêu Chúa, mọi người sống cho nhau và vì nhau, chan hoà thân ái. Vợ anh thường bảo:

-Đó là nếp sống lâu dài của gia đình con cái Chúa. Tình thương và nghĩa cử ở đời lúc nào cũng phải có. Hạnh phúc không là hoa quả mà người ta đem đến cho mình. Muốn có một mái ấm gia đình chỉ khi nào chúng ta đặt hết niềm tin yêu vào Chúa mà thôi. Khôn dại đều chôn ba tấc đất. Giàu sang chưa chín một nồi kê.

Nghe vợ nói thế, anh Phụng cảm động nói với tất cả lòng:

-Anh rất cám ơn em, tình yêu, tâm hồn nầy không phải ai cũng có được. Em rất cao quý! Đời sống em lúc nào cũng trong sáng.
Thật ra cả đời chị Mỹ không có một tài khoản nào, suốt cuộc đời vì chồng vì con. Thời gian trôi qua rất nhanh, vợ chồng anh đã gần 60. Các con đã trưởng thành, có cơ ngơi hẳn hòi, lần lượt tung cánh bay ra khỏi tổ ấm. Vợ anh với mái tóc đẹp đen nhánh thuở nào nay điểm màu bạc...

---------------------------

Anh Phụng u buồn nhìn ra trước sân nhà, ánh trăng lung linh ve vuốt từng cây lá khiến anh nhớ cách nay hơn một năm vào buổi trưa Chúa nhật, sau khi đi nhà thờ về, vợ chồng anh ngồi trên chiếc ghế xích đu trước hiên nhà nhìn thấy con chim trống đứng trên cành cây nhìn xuống con chim mái chết dưới đất kêu lên những tiếng kêu thảm thiết mà buồn thương. Nhìn  lên bầu trời ánh trăng dìu dịu, anh cảm thấy bơ vơ lạc lõng, buồn thương  với ước mơ cùng vợ trở về quê hương sống những ngày cuối đời, bình yên, vui vẻ hầu việc Chúa khi hưu trí. Nay đã không còn nữa rồi.

Rồi Mỹ ngã bệnh, một chứng bệnh nan y mà khoa học đều bó tay. Tang tác bao trùm lên căn nhàvốn bình yên, phước hạnh. Anh Phụng khóc như chưa lần nào được khóc khi bác sĩ báo cho anh rõ, vợ anh không còn bao lâu nữa. Anh nhìn ngoài trời tối đen, lạnh lùng như kéo dài thêm nỗi buồn ngập sầu trong lòng. Anh thấy trời đất quay cuồng, đảo lộn. Từ bấy lâu nay kể từ khi vợ bệnh, anh Phụng chưa hề nghĩ đến điều nầy, bây giờ thì sự thật quá đau lòng. Anh nhắm mắt lại để chống chọi với nỗi đau thương quá lớn nầy... Chúa ôi! Con phải làm sao đây?

Anh quỳ gối cầu nguyện hầu vơi đi nỗi sợ hãi, nhưng gương mặt vợ anh lại ẩn hiện trước mắt và cái chết đang gần kề bên vợ anh, xót xa, đau đớn làm anh hụt hẳng. Anh khóc vì không còn nuôi một chút hy vọng nào. Các con, các dâu, các cháu túc trực bên giường đầy nước mắt trước giờ phút cuối cùng  của người mẹ hiền kính đã tận tuỵ lo cho các con suốt cả cuộc đời. Bỗng đứa con trưởng kêu lên:

-Ba! Mẹ mở mắt kìa!

Mọi người nhìn lại, chị Mỹ đưa đôi mắt yếu ớt nhìn lướt qua các con cháu thân yêu, rồi dừng lại nhìn chồng. Ôi! Đôi mắt nói lên tất cả nỗi lòng của một người vợ, người mẹ, người bà không sao diễn tả được. Không dằn được xúc động, anh Phụng vội chạy ngoài phòng khách ôm mặt khóc nức nở. Đây là dấu ấn ân tình không sao anh quên được. Sinh ly tử biệt không ai tránh được, anh Phụng vẫn biết thế, nhưng sao lòng anh đau đớn quá!

Và vợ anh mãn nguyện thở hơi cuối cùng, rất thảnh tơi, bình yên về thiên quốc, nơi không có buồn phiền, lo lắng, không đau thương, không cách biệt... chỉ có tình thương! Các con oà lên khóc kêu “mẹ, mẹ ơi”! Thật đau buồn. Anh Phụng gục đầu bên xác vợ nước mắt chảy dài.

Nắng chiều bên ngoài như tắt hẳn. Gió hất tung đầy trời. Thời gian và không gian như ngưng động.

------------------------------

Chiều hôm nay tại nhà quàn, chị Mỹ bình thản trong chiếc áo quan, chiếc áo cuối cùng của một đời người. Đời người như  áng mây, nhưng không có áng mây nào tụ mãi mà không tan đâu! Anh Phụng chôn chân đau buồn nhìn vợ nằm im lìm, bất động mà lòng tan nát. Các con đứng chung quanh khóc rấm rứt rồi từ biệt mẹ. Đứa con út của anh chị đến nhìn mẹ, hai tay ôm mặt mẹ cúi xuống hôn, nước mắt chảy dài, bịn rịn không muốn rời xa. Nhìn cảnh ấy không ai ngăn được nước mắt. Thật đau đớn thay, trong khi mọi người đang hân hoan để đón mừng Cứu Chúa Giáng sinh, thì anh Phụng và các con cháu nuốt lệ tiễn đưa chị Mỹ về nước Chúa.

-------------------------------

Hôm nay ngày 23 tháng 12 năm 2008, trên đất nước Hoa Kỳ, trên con đường ảm đạm đưa chị Mỹ ra nghĩa trang, tạm gởi xác nơi phần mộ. Trong cơn buốt giá của mùa đông, lòng mọi ngưới càng thêm tê tái. Giờ đây anh Phụng thật sự tạm ly biệt người vợ yêu dấu của anh. Nước mắt chảy dài, anh cắn môi nuốt những giọt nước mắt vào lòng, trái tim tan vỡ, tiếc thương không ai chia xẻ được.

Trời hôm nay mây mù giăng khắp lối,
Như lòng anh đau đớn khóc thương em.
Từng câu kinh lẫn tiếng hát êm đềm,
"Mặt đối mặt" hẹn ngày ta gặp lại!


--------------------------------

Ngồi trong phòng kỷ niệm, khi chung quanh không còn ai, anh Phụng khóc. Trong đời người có những điều hối tiếc, điều hối tiếc của anh Phụng là không rõ bệnh tình của vợ. Nếu biết trước anh sẽ nghỉ sở dài hạn hơn để ở nhà chăm sóc vợ. Tội nghiệp vợ anh, đến lúc gần giờ phút xa chồng xa con xa cháu mà vợ anh vẫn an ủi các con "bệnh mẹ sẽ khỏi thôi, các con đừng lo lắng". Không ngờ vợ anh ra đi quá nhanh.

Đêm nay, anh Phụng tâm hồn lướt qua niềm thương nhớ lại vợ anh, người đàn bà có giá trị với anh. Vợ anh đẹp nết lại đẹp người, luôn biểu lộ sự dịu hiền, cần sự che chở của chồng và luôn kính yêu chồng. Vợ là một diễn viên xuất sắc trong vai "hiền thê và từ mẫu". Vừa hoàn tất, vợ anh không nán lại để chồng con tán dương và trả công mà lặng lẽ ra đi. Vợ anh cũng thể hiện phong cách hầu việc Chúa qua sự dâng hiến rất trung tín. giúp đở người thân trên quê nhà, là tấm gương sáng cho các con noi theo.

Tâm hồn dàn trãi xa vắng. Bên khung cửa sổ là cả một thế giới sâu thẳm. Bao kỷ niệm còn in trên từng đồ vật, từng nơi, từng chỗ, đâu đâu cũng thấy hình bóng vợ. Thế nên mỗi lúc đêm về, khi các vì sao vương lên lấp lánh trên bầu trời thì anh hầu như sống với kỷ niệm.

Đêm đã khuya lắm. Quang cảnh đêm khuya thật hoang vắng. Anh Phụng vẫn nằm trên giường nhìn lên ảnh vợ. Anh buồn lắm! Chẳng bao giờ nữa, chẳng bao giờ còn thấy hình dáng  dễ thương của vợ. Bây giờ có còn chăng chút dư âm của những ngày xưa trên quê nhà cũng như trên đất khách. Chút dư âm đó, có lúc tưởng chừng như còn, vẫn còn tiềm ẩn trong lòng anh và hiện diện một cách rõ ràng khi anh nhớ đến vợ.

Bấy nhiêu hình ảnh, bấy nhiêu nỗi niềm, rất nhanh chóng thi nhau làm tê tái lòng anh, cho dù là khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng đối với anh là niềm hạnh phút. Trăng tàn vẫn chiếu ngoài sân. Anh ngước nhìn bầu trời xám đen, những ngôi sao trên trời kia lấp lánh như những hạt kim cương.

Trên trời có vạn vì sao,
Xin cho tôi biết sao nào của em.


Em ơi! Chắc em đang vui vẻ trên nước vĩnh hằng. Anh tin như vậy và chính em cho anh biết điều đó là niềm tin của em. Nhưng anh nhớ em quá! Giá mà anh có thể đến đó cùng em. Em đã để lại cho anh những dấu ấn ân tình, lòng anh không sao quên được. Vắng em, anh tìm nguồn an ủi nơi các con, các cháu, nhưng khó quá! Vì nơi nào, chung quanh anh cũng thấy ngậm ngùi...

Anh vẫn ngồi đan một nỗi buồn,
Bên bờ gió tạt với mưa tuôn.
Em xa xôi quá làm sao với,
Biết đến bao giờ trông thấy nhau.


Cảm tạ ơn Chúa. Ngài biết sự yếu đuối, sầu khổ của anh. Trong cơn đau buồn, anh Phụng được an ủi nhiều vì Chúa luôn ở bên cạnh.

Đêm nay lại một ngôi sao rơi, không biết nó đi về đâu. Bỗng ngôi sao chợt sáng lên, nhưng nó không tan vào hư vô, nhưng có thể ở chỗ vĩnh hằng. Dù thời gian có trôi đi, đi mãi, nhưng đối với anh, Mỹ là hình ảnh của vợ anh, người phụ nữ thuần tuý Việt Nam tuyệt vời.

Mùa Xuân xứ người đang về. Gió Xuân không ấm áp mà lại buốt giá...
Gió Xuân! Xin đừng thổi nữa - Lòng tôi lạnh lắm gió Xuân ơi!

-----------------------------

Kính thưa quí Mục sư và Ban Chấp Hành các Hội Thánh.

Kính thưa quí thông gia.

Các bạn hữu cùng tất cả các anh chị em trong Chúa và trong thân tộc.

Trước hết, tôi xin cảm tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho tôi một người đàn bà có đồng đức tin, có phảm hạnh đạo đức. Biết vâng phục chồng và yêu thương các con hơn chính bản thân mình cho đến suốt cuộc đời. Trong đời sống vợ chồng, nhà tôi đặt tình yêu là điều cao trọng và quí giá hơn mọi vật trên đời, vì hôn nhân là do Đức Chúa Trời thiết lập.

Trãi qua hơn 40 năm sống với sự vinh nhục, thăng trầm trong gia đình và xã hội, nhà tôi vẫn một mực kính trọng chồng với một tình yêu không điều kiện, hiền hậu không ganh tị, không hận thù, không gian ác, để được sự bình an trong cuộc sống theo lời Chúa dạy.

Nhà tôi sống ở Mỹ hơn 14 năm, đã được cộng đồng Việt Nam nơi đây quí mến và Hội Thánh Mỹ quí trọng qua sự siêng năng cũng như cung cách thờ phượng, hầu việc Chúa. Một điều đặc biệt là bản tính và trang phục của dân tộc tính nhà tôi không chút mãi mai bị đồng hoá.

Với sự  luyến tiếc của chồng, các con, các cháu và thân bằng quyến thuộc, chúng tôi tổ chức lễ tưởng nhớ nầy để bày tỏ tình thương với người quá cố qua một số hình ảnh của buổi lễ an táng tại Hoa Kỳ thật trang trọng đầy ơn phước Chúa mà người Mỹ cũng như cộng đồng Việt Nam thật cảm động.

Thay mặt gia đình, tôi xin chân thành cảm tạ quí Mục sư, Ban Chấp Hành các Hội Thánh, thông gia, bạn hữu cùng anh chị em trong Chúa khắp nơi đã gửi điện văn, tràng hoa đến chia buồn nhất là anh rễ của tôi là Mục sư Lê Văn Bắc đã cử hành lễ an táng làm cho buỗi lễ rất trang trọng và tâm tình gia đình chúng tôi được an ủi nhiều.

Một lần nữa, chúng tôi xin cám ơn quí vị và thân hữu đã đến tham dự lễ tưởng nhớ của gia đình chúng tôi.
Chồng Nguyễn Văn Phụng và các con đồng cảm tạ.
 
Những lời cảm tạ của anh Phụng trên đây để tỏ lòng sâu xa với những vị đã đến dự buổi lễ tưởng nhớ vợ anh được tổ chức tại Việt Nam sau khi vợ anh về với Chúa cùng thân bằng quyến thuộc khắp nơi. Đang khi viết lại bối cảnh cuộc đời của em tôi và Mỹ, lòng tôi bùi ngùi. Trên đường từ Dodge City trở về Denver sau khi nhà tôi làm lễ an táng xong thì trời đã xế chiều. Tôi khóc thương tiếc người em dâu, lòng buồn lắm mỗi khi nghĩ đến em tôi hình dáng, lời nói cùng tiếng khóc khi nhắc đến người vợ đã yên nghỉ trong nước Chúa. Mặc dầu tử biệt sinh ly  là điều không ai tránh khỏi.

Qua nỗi niềm em bày tỏ cho chị một bài học là "Hãy quí những gì còn ở bên cạnh ta" để rồi không hối tiếc, không ân hận.
Tôi thầm nguyện Chúa cho em tôi, cho các cháu, hãy trung tính như Mỹ hầu gặp lại vợ, mẹ và bà nơi thiên quốc. Đó là tâm nguyện của Mỹ trước giây phút lâm chung.

Em ơi! Chúng ta vào đời, ra đi không do chúng ta quyết định. Em buồn vì mất Mỹ, một người vợ hiền mà em yêu thương lắm. Bây giờ mới chính là lúc Mỹ của em vui vẻ bên Chúa, thoát khỏi sự đau đớn về thể xác và đang mĩm cười nhìn em và các con cháu. Vậy em hãy vui lên như lời Chúa phán: "Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin Ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống và tin Ta thì không hề chết" (Giăng 11:25,26).

Đêm khuya dần, tuyết bên ngoài vẫn còn đang rơi, dãy núi Rocky trắng xoá, sừng sững trên bầu trời xanh đen, mây vần vũ quanh dãy núi... thật buồn.

Thương gửi về người em trai và các cháu. 



Đuốc Thiêng 100

01 Thiên đàng - ĐTPÂ
02 Hát nói: Ngày phán xét - Trần Nguyên Lam Bửu
03 Chúa Giê-xu chịu thương khó - Quyền Linh
04 "Các ngươi phải yêu nhau" - H4
05 Thơ: Cảm tạ Chúa Giê-xu - Linh Quyền
06 Áp-ra-ham theo lời Chúa gọi - Mục sư Trần Hữu Thành
07 Tiểu sử Thánh ca - Fanyia
08 Thơ: Lời Chúa - Đức Huy
09 Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
10 Thơ: Hè về - Đức Huy
11 Đọc "Biển rộng hai vai" của Lữ Thành Kiến - Nguyễn Đình Bùi Thị
12 Quanh ta ngậm ngùi - Bà Lê Văn Bắc
13 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
14 Xứ Do Thái khi Chúa Jêsus khởi sự công tác - Mai Đào
15 Đuốc Thiêng - Người bạn đồng hành đáng yêu - Bình Tú Ngọc
16 Vài nét về Hội Đồng Giáo Hạt Pháp lần thứ 21 - TĐTN Trương Đức Huy
17 Tin Tức - Vinh Bằng