Chuyện & Thơ -> Chuyện Hay Ý Đẹp

Chuyện Hay Ý Đẹp - quyển 5

Mục sư Nguyễn Văn Bình

  • 1. Thành thật sẽ được trọng dụng
Hoàng tử nước Ba Tư xưa, sau nhiều ngày bạo bệnh cho vời tất cả quần thần bệ kiến bên giường, thổ lộ :

- Nầy các khanh, trẫm lâm bệnh không biết sống chết thể nào. Trẫm muốn biết các khanh nghĩ trẫm có phải là vị vua tốt không? Các khanh cứ thẳng thắn phô bày, đừng sợ chi cả. Hãy nói ra sự thật, trẫm sẽ thưởng cho các khanh mỗi người một viên ngọc quý.

Cơ hội ngàn năm một thuở, quần thần mỗi người đua nhau tâng bốc nhà vua. Người thì nói vua là một minh quân xuất chúng, người thì nói vua là người tài ba lỗi lạc, người thì nói vua là người đức độ hơn người, ai cũng hết lời ca tụng tám mỹ vua cả. Song có một quần thần yên lặng không tỏ bày gì. Vua nhìn thấy liền hỏi :

- Khanh không ý kiến gì về trẫm sao?

- Tâu bệ hạ, thần nghĩ sự thật không thể đổi bằng ngọc ngà được, vì thế thần im lặng.

- Tốt, vậy thì trẫm hứa là sẽ không tặng ngọc ngà gì cho khanh cả, khanh hãy mạnh dạn nói sự thật về trẫm đi!

- Tâu bệ hạ, nếu được bệ hạ cho phép, thần xin nói: Thần nghĩ bệ hạ dù là vua nhưng vẫn là người. Hễ là người thì chẳng ai là thập toàn cả. Bệ hạ có những khuyết điểm và tật xấu như tiêu xài quá độ, phung phí ngân sách vào việc xây cất dinh thự to lớn và đeo đuổi chiến tranh khiến muôn dân khổ cực vì sưu cao thuế nặng, bá tánh lầm than mà bệ hạ không nghĩ gì tới. Nghe thế, vua yên lặng suy nghĩ không nói gì trong giây lát. Bỗng ngẩng đầu lên, vua ra lệnh :

- Hãy tặng mỗi người nói tốt về ta một viên ngọc quý, còn kẻ vừa nói thật về ta từ nay sẽ được bổ nhiệm giữ chức tể tướng để cùng ta đồng trị sơn hà.

Bữa sau, các quần thần trở lại ra mắt vua than phiền những viên ngọc quý vua tặng hôm trước đều là những viên ngọc giả. Vua phán :

- Đúng vậy, ý ta muốn tặng những viên ngọc giả ấy cho những lời giả dối dua nịnh của các khanh, còn ai chân thật không dua nịnh sẽ được trọng dụng.
(LC).

  • 2. Muốn lãnh đạo phải có tình yêu
Một vị vua Đông phương xưa không con nối ngôi, trước khi băng hà cho niêm yết tuyển chọn người kế vị ngai vàng. Từ quan quân hay thần dân ai muốn kế vị vua, tự do đến ghi danh để được vua thẩm vấn.

Mỗi ngày dân chúng thập phương lần lượt vào yết kiến mong được tuyển chọn, song chưa người nào được vua hài lòng cả.

Có một chàng thanh niên nọ nghe tin muốn thử thời vận một lần cho thoả chí, nhưng vì nghèo quá không đủ cơm ăn áo mặc, không tiền bạc lộ phí lên đường, mà quyết tâm ra mắt vua cho được. Anh tới nhà bà con thân thuộc xin cứu giúp đồ ăn, tiền bạc và quần áo chuẩn bị cho hành trình.

Thấy khá đủ, anh liền lên đường. Sau hơn một tháng cực nhọc, anh nhìn thấy cung điện nhà vua hiện ra trước mặt. Lặng lẽ ngồi xuống đồi cỏ nghỉ ngơi một chút cho tỉnh táo hầu chuẩn bị tinh thần cho cuộc gặp gỡ. Bỗng anh thấy một lão ăn mày tóc rối, áo quần rách rưới lê bước nặng nề tới ngửa tay xin anh bố thí. Cầm lòng không đậu, anh liền cởi chiếc áo ấm bên ngoài của mình mặc cho lão, đổi lấy chiếc áo rách rưới dơ bẩn của lão mặc vào mình, và lấy đồ ăn trao cho lão.

Sau khi tới cổng ghi danh, lúc đầu thấy gã trai trẻ nghèo nàn ăn mặc rách rưới dơ dáy người gác cổng có ý đuổi đi, song cuối cùng chấp nhận cho anh ghi danh dẫn vào ở khu chờ đợi. Hai ngày sau, anh được lệnh vào yết kiến nhà vua. Sau khi thi lễ, anh ngước đầu lên, ngạc nhiên vì thấy vua chính là người ăn xin hôm nọ. Anh tâu :

- Ô, vua chính là người ăn xin tôi gặp mấy hôm trước trên đồi sao?

Vua đáp :

- Chính ta là người ăn xin đó!

- Tại sao vua phải làm người ăn xin như thế?

- Ta muốn thử xem những người đến đây xin kế vị ta có phải là kẻ hết lòng yêu người không! Ngày nào ta cũng lên đồi đó, nhiều kẻ sang trọng đi qua nhưng từ chối ta. Ngươi là kẻ có lòng yêu thương ta, đã chia phần cho ta. Vậy từ nay, ngươi hãy ở lại trong cung với ta.
(LC).


Xem những chuyện khác



  • 3. Chẳng ai nghe ai
Một cụ già từ mé sông đi lên gặp một cụ già khác bạn mình tay vác cần câu, tay xách chiếc thùng nhỏ đi xuống hướng về mé sông.

Cụ đi lên hỏi :

- Anh đi đâu đó? Anh đi câu phải không?

Cụ đi xuống trả lời :

- Không! Tôi đi câu!

Cụ đi lên bộc bạch :

- Vậy mà tôi tưởng anh đi câu chứ!

  • 4. Giả nhân gặp cọp giả
Một anh nọ thất nghiệp lâu ngày tìm việc mãi chưa ra. Đọc báo thấy sở thú trong thành phố cần người gấp, anh liền tới xin việc và được chấp thuận.

Viên quản đốc sở thú giao việc cho anh, nói :

- Vừa rồi con khỉ làm trò trong chuồng bỗng dưng bị chết, khách viếng thăm nhiều quá mà kiếm khỉ khác thay thế chưa kịp, vậy anh mặc bộ áo da khỉ nầy vào, đi tới đi lui trong chuồng, ngoài sân, thỉnh thoảng anh leo lên cây, chuyền vài vòng ngoạn mục giống như khỉ thiệt cho du khách tới xem giải trí.

Lúc đầu anh lo ngại, nhưng vì cần tiền anh chấp nhận. Anh ra sân chuồng nhào lộn, đi tới đi lui vẫy tay chào du khách, người ta vỗ tay tán thưởng vì thấy con khỉ thật khôn ngoan, lại nghe được tiếng người, ai bảo làm gì nó làm nấy. Hứng chí, anh nhảy đu trên cành cây, chuyền từ nhánh nầy qua nhánh khác, nhún nhún đu đưa, du khách càng hứng thú vỗ tay khuyến khích.

Thình lình cành cây gãy, anh bị rớt xuống chuồng cọp kế cạnh. Muốn leo hàng rào phóng ra nhưng chưa kịp thì một con cọp to tướng phóng tới. Biết thế nào cũng bị cọp xé, sợ quá anh kêu lên :

- Chết tôi rồi! Cứu tôi với!

Con cọp xì một tiếng, kê vào tai khỉ nói :

-La nhỏ chút cha nội! Coi chừng thất nghiệp hết cả đám đấy!

Thì ra cọp cũng là cọp giả!

  • 5. Thương con mẹ bỏ chì vào túi
Người mẹ nọ có 3 người con gái, đứa nào cũng hiếu kính và thương mẹ hết lòng. Ba người con gái chia nhau luân phiên rước mẹ về nuôi mỗi người một tháng. Tháng nầy người nầy, tháng nọ người kia. Họ cam kết với nhau phải nuôi mẹ cẩn thận, cung cấp đồ ăn đầy đủ, không được làm cho mẹ buồn cũng như không được cho mẹ ăn thiếu thốn sụt ký.

Trước khi rước mẹ về, các đứa con đều cân mẹ trước. Nếu tới phiên khác mà mẹ sụt ký thì người nuôi sẽ bị khiển trách. Bà mẹ không muốn làm việc ấy, nhưng vì các con bà phải chìu vậy. Trong số ba con, đứa gái út lại nghèo, ăn uống thiếu thốn. Bà biết thế nào cũng bị xuống ký, và thế nào con út mình cũng bị hai chị la mắng. Thương con út quá, bà liền nghĩ cách khi lên cân, bà bỏ chì vào túi và trong lai áo quần cho thêm nặng, cả hai chị lấy làm lạ vì người em út nghèo mà nuôi mẹ tử tế quá.