Hội Thánh TLVN tại Pháp -> Bài giảng

Bất tri chủ nghĩa

Mục sư Nguyễn Văn Bình


Một trong những chủ nghĩa cổ xưa nhất trong lịch sử nhân loại phải kể đến chủ nghĩa bất tri hay được gọi là bất tri chủ nghĩa.

Bất tri chủ nghĩa là gì? Nguồn gốc phát xuất từ đâu hay bắt đầu hiện hữu khi nào? Và thái độ của Chúa đối với bất tri chủ nghĩa ra sao?

I. Ý nghĩa chữ bất tri chủ nghĩa

Ý nghĩa đơn giản nhất của chữ bất tri là không biết (Bất=không, Tri=biết). Thế nhưng nó mang một ý nghĩa khác hơn những gì mà chữ nầy mô tả, vì nó không đề cập tới sự ngu dốt, vô tri, mù tịt về một vấn đề nào đó, trái lại, bất tri chủ nghĩa là một chủ nghĩa mà trong đó người ta hiểu biết quán thông, rõ ràng và chính xác, nhưng vì một lý do nào đó, người ta phủ nhận mình đã biết và nói rằng mình không biết.

II. Nguồn gốc phát sinh chủ nghĩa bất tri

A. Do Cain đề xướng

Cha đẻ của bất tri chủ nghĩa không ai khác hơn là Cain (Sáng 4:). Kinh thánh chép rằng, Ađam và Êva, tổ tông loài người sau khi phạm tội bất tuân mạng lệnh Thượng Đế, bị đuổi ra khỏi cảnh vườn Êđen, sinh được hai con trai. Đứa lớn tên Cain và đứa em tên Abên. Một ngày kia, sau một cơn tức giận, Cain xông tới giết em mình rồi đem giấu xác một nơi nào đó. Đức Chúa Trời hiện đến cùng Cain và hỏi:

-Em ngươi đâu?

Cain thưa rằng:

-Tôi không biết !

(Sáng thế ký 4:9).

Cain đáp: "Tôi không biết !", không có nghĩa là Cain không biết em mình đang ở đâu, nhưng thực tế, Cain biết rất rõ nơi em mình đang nằm, vì chính tay mình đã giết em, đem chôn giấu xác em, thì lẽ nào Cain không biết. Cain trở thành người đầu tiên sáng chế ra Bất Tri Chủ Nghĩa.

B. Từ các thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong dân Do thái

Từ thời Cain, Bất Tri Chủ Nghĩa cứ phát triển theo sự thăng trầm của dòng lịch sử nhân loại trải suốt 4000 năm. Cho tới đầu kỷ nguyên Tây lịch, Bất Tri Chủ Nghĩa được phái Pharisi, phái Sađusê, gồm các thầy tế lễ cả, các thầy thông giáo và các trưởng lão trong dân Do thái làm sống lại mạnh mẽ. Có thể nói, đầu lịch sử con người, Cain đề xướng chủ nghĩa bất tri, đến đầu kỷ nguyên Tây lịch, các thầy tế lễ cả, các thầy thông giáo, các trưởng lão trong dân Do thái đã làm hồi sinh chủ nghĩa nầy với số người đông hơn.

Cain, người sáng lập Chủ Nghĩa Bất Tri nói: "Tôi không biết" (Sáng 4:9), 4000 năm sau, các thầy tế lễ, các thầy thông giáo, các trưởng lão trong dân Do thái thuộc phái Pharisi và phái Sađusê nói: "Chúng tôi không biết" (Ma 21:27). Nghĩa là vào thời điểm đó, đồ đệ của Bất Tri Chủ nghĩa ở số nhiều.

Mathiơ 21:23-27 kể lại rằng, một ngày kia, Đức Chúa Giê Xu vào đền thờ Giêrusalem đuổi những kẻ buôn bán và những kẻ đổi bạc làm ô uế nơi thờ tự tôn nghiêm, thì hôm sau khi Ngài trở lại, các thầy tế lễ, các trưởng lão trong dân kéo nhau đến gặp Đức Chúa Giê Xu chất vấn Ngài:

-Bởi quyền phép nào mà Thầy làm những sự nầy, và ai đã cho Thầy quyền phép ấy?

Đây là một câu hỏi gài bẫy, rất sâu và độc mà họ đã bàn trước với nhau nhằm tấn công Đức Chúa Giê Xu đưa Ngài vào thế nguy hiểm. Nếu Đức Chúa Giê Xu trả lời chính Ngài được giao phó cho quyền ấy, thì họ sẽ lên án Ngài chiếm quyền của giáo hội, vốn là quyền chỉ có họ mới được hành xử như thế mà thôi. Nội tội danh nầy cũng đủ đưa ra tòa án tuyên phạt ngồi tù hoặc xử tử rồi. Nếu Đức Chúa Giê Xu bảo Ngài lấy quyền của Đức Chúa Trời thì họ sẽ tố cáo Ngài lộng ngôn, tự xưng mình là Đức Chúa Trời, đáng tội chết. Và chắc chắn họ kéo Ngài ra pháp đình tuyên án tử hình ngay. Song Đức Chúa Giê Xu biết mưu ác họ, Ngài không trả lời ngay mà hỏi vặn lại họ một câu:

-Ta cũng sẽ hỏi các ngươi một điều, nếu trả lời được, thì ta cũng sẽ nói cho các ngươi bởi quyền phép nào mà ta đã làm những việc đó.

Đức Chúa Giê Xu hỏi:

-Phép báp têm của Giăng bởi đâu? Bởi trên trời hay bởi người ta?

Họ bàn riêng với nhau. Nếu chúng ta đáp: Bởi trên trời, thì người sẽ nói với chúng ta rằng, vậy sao không tin lời người ấy? Còn nếu đáp: Bởi người ta, thì chúng ta sợ thiên hạ, vì thiên hạ đều cho Giăng là Đấng tiên tri đến từ Đức Chúa Trời (Ma 21:25-26). Vì hai mặt sợ như thế, nên họ đáp:

-Chúng tôi không biết !

Họ trở thành đồ đệ Bất Tri Chủ Nghĩa của Cain. Biết mà nói mình không biết.

III. Chủ trương của Bất Tri Chủ Nghĩa

Bất Tri Chủ nghĩa có những chủ trương rất dễ nhận diện sau đây:

A. Phủ nhận sự thật

Bất Tri Chủ Nghĩa thường phủ nhận sự thật. Cain biết sự thật, nhưng không dám nói sự thật, trái lại che giấu sự thật bằng lời nói dối của mình. Các thầy tế lễ, các trưởng lão trong dân Do thái biết rõ phép báp têm của Giăng từ đâu tới, biết rõ quyền phép thiên thượng của Đức Chúa Giê Xu, nhưng phủ nhận sự thật mình biết, vì lý do hèn nhác, vì sợ sự chống đối của người khác. Dù với bất cứ lý do nào đi nữa, không nói sự thật hay phủ nhận sự thật đều trở thành đồ đệ của Bất Tri Chủ Nghĩa. Người ta thường nghĩ "sự thật mất lòng" cho nên đôi lúc không dám nói sự thật. Người ta cũng nghĩ, nói thật trong một số trường hợp nào đó có thể có hại, vì thế đôi lúc nói dối cho qua chuyện, để được yên thân. Hoặc nghĩ "thẳng mực tàu, đau lòng gỗ" bởi vậy nói quanh co không nhắm vào sự thật hầu xoa dịu phần nào vết thương của người khác.


Những bài giảng khác

Bình an thật - Mục sư Nguyễn Văn Bình











Làm một điều gì đó khi người ta hỏi tới thì sừng sộ chối quanh. Tất cả những hình thức tương tự như vậy chính là chủ trương của Bất Tri Chủ nghĩa, một chủ nghĩa nói dối, phủ nhận sự thật dù sự thật sờ sờ trước mặt.

B. Biết mà làm như không biết

Chủ trương nòng cốt trung tâm điểm của Bất Tri Chủ Nghĩa chính là biết mà làm như mình không biết. Nhìn mọi tạo vật chung quanh, nào bầu trời bao la với muôn ngàn tinh tú, hàng triệu thiên hà, nhìn đồi núi nhấp nhô cao vút, sông ngòi uốn khúc ngoằn ngoèo, biển cả mênh mông xanh biếc tận chân trời, những rừng cây bát ngát xanh um, chim muông bay lượn, muôn thú đủ loại trên núi, trên đồng ruộng, trên sân nhà, trên cây, dưới sông, dưới biển, loài người hàng tỉ sinh hoạt trên địa cầu, ai ai cũng đều nhận biết không thể nào tự nhiên mà có được như thế, song phải có một Đấng chủ tể cao cả, quyền năng tạo dựng ra. Thế mà họ vẫn làm như mình không biết có Đấng Tạo Hóa. Tệ hại hơn nữa họ còn phủ nhận Ngài, chống đối Ngài, mạt sát Ngài, bắt bớ, tàn diệt những kẻ thờ phượng Ngài.

Một số được nghe biết giữa lúc nhân loại đắm chìm trong tội lỗi phải gặt lấy án phạt sự chết đời đời, thì với tình thương vô bờ vô bến, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài từ trời giáng thế lâm phàm làm người, chịu chết trên thập tự giá gánh thế tội cho chúng sinh. Ai tin Ngài sẽ được tha tội, được cứu ra khỏi sự chết vào hưởng phước hạnh vĩnh cửu trên thiên đàng vinh hiển phước hạnh. Họ đã biết lễ Giáng sinh, biết lễ Phục sinh, thậm chí dự các lễ ấy hàng năm, biết không tin Chúa và thờ phượng Ngài sẽ bị diệt vong đời đời kiếp kiếp, nhưng họ vẫn làm như mình không biết gì đến sự cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giê Xu.

Một số người khác thuộc trong vòng những người thừa nhận mình tin Chúa, biết rõ mạng lệnh Chúa truyền phải tuân thủ, phải làm theo, "chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình", nhưng làm ngơ như mình chẳng từng hay biết mạng lệnh của Chúa. Hạng người nầy thường bỏ qua không làm theo lời Chúa dạy mà còn dám hãnh diện xưng mình là môn đồ của Chúa là đằng khác. Biết mà làm như mình không biết, chính là chủ trương của Bất Tri Chủ Nghĩa. Người nào sống như thế là tự mình đăng ký vào hàng ngũ của Bất Tri Chủ Nghĩa rồi.

IV. Thái độ của Chúa đối với Bất Tri Chủ Nghĩa

Thái độ của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê Xu đối với Bất Tri Chủ Nghĩa như thế nào? Đọc Kinh thánh, ta thấy Chúa có hai thái độ sau đây:

A. Chúa hình phạt

Chúa hình phạt Bất Tri Chủ nghĩa và những người theo chủ nghĩa đó. Khi Cain nói với Đức Chúa Trời: "Tôi không biết" dù Cain đã biết, thì Đức Chúa Trời tuyên bố án phạt của Ngài nghịch cùng ông. Ngài phán: "Bây giờ, ngươi sẽ bị đất rủa sả, là đất đã hả miệng chịu hút máu của em ngươi bởi chính tay ngươi làm đổ ra. Khi ngươi trồng tỉa, đất chẳng sanh hoa lợi cho ngươi nữa, ngươi sẽ lưu lạc và trốn tránh trên mặt đất" (Sáng 4:11-12). Người ta lấy làm lạ khi nhìn lên bản đồ thế giới, thấy nơi nào loài người biết Đức Chúa Trời mà chối bỏ Ngài, làm như mình không biết, trái lại đi thờ tà thần, thờ ma lạy quỉ, thờ loài người thọ tạo, hoặc phủ nhận Ngài, thì những nơi đó nghèo nàn, đói kém, hoa màu không đủ nuôi sống. Một số còn nói, nếu thật sự có Thượng Đế, và Thượng Đế yêu thương nhân loại, tại sao Thượng Đế để cho nhân loại đói kém, bệnh tật, lưu lạc, chết chóc như thế? Họ quên rằng, chính họ tự chuốc vào mình những hình khổ do trở mặt cùng Đấng Tạo Hóa, thay vì tin Chúa để trở thành con cái Ngài, họ lại trở thành đồ đệ của Chủ Nghĩa Bất Tri. Ông tổ của chủ nghĩa nầy cũng còn phải than : "Cain thưa cùng Đức Giêhôva rằng: Sự hình phạt tôi nặng quá mang không nổi. Nầy, ngày nay, Chúa đã đuổi tôi ra khỏi đất nầy, tôi sẽ lánh mặt Chúa, sẽ đi lưu lạc trốn tránh trên đất, rồi xảy có ai gặp tôi, họ sẽ giết đi" (Sáng 4:13-14). Thật ra loài người không phải tuyệt vọng như thế, vì Đức Chúa Trời mở ra cho nhân loại một con đường. Bất cứ ai nhìn biết Ngài, ăn năn tội lỗi, trở về tiếp nhận Chúa Giê Xu làm Chúa và Chủ cuộc đời, tức khắc được tha tội, được dời qua Nước Sáng Láng của Chúa. Lời Chúa phán: "Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời" (Giăng 3:16). "Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài" (Giăng 1:12),"hầu cho họ từ tối tăm mà qua sáng láng, từ quyền lực của quỉ Satan mà đến Đức Chúa Trời, và cho họ bởi đức tin nơi ta được sự tha tội, cùng phần gia tài với các thánh đồ" (Sứ 26:18).

B. Chúa không đáp lời

Chẳng những Chúa hình phạt Bất Tri Chủ Nghĩa, nhưng Ngài còn khép kín những mầu nhiệm không tỏ ra cho họ, Ngài không trả lời những yêu cầu của những kẻ ấy. Ta thấy, khi các thầy tế lễ và những trưởng lão trong dân Do thái chấp nhận Chủ Nghĩa Bất Tri, và trả lời với Chúa Giê Xu: "Chúng tôi không biết" (Ma 21:27), thì Chúa Giê Xu đáp: "Ta cũng không bảo cho các ngươi bởi quyền phép nào mà ta làm những điều nầy" (Ma 21:27). Những ai biết mà nói mình không biết thì đừng mong Chúa tỏ ra cho biết điều gì liên quan tới những sự mầu nhiệm của Chúa. Cũng vì thế mà biết bao nhiêu người mệnh danh trí thức ngày nay vẫn còn sống trong u mê lầm lạc, tăm tối của tội lỗi, như Đức Chúa Giê Xu đã nói: "Vì Cha đã giấu những điều nầy với kẻ khôn ngoan, người sáng dạ, mà tỏ ra cho những con trẻ hay" (Ma 11:25). Có thể nhìn theo một khía cạnh khác, đối với những người mệnh danh là tín đồ Đấng Christ, nếu biết rõ mạng lệnh Chúa mà làm ngơ như mình không biết, thì là một thảm họa, những lời cầu xin của những người đó làm sao Chúa đáp lời được. Chúa không đáp lời các thầy tế lễ và các trưởng lão trong dân Do thái là một lời cảnh cáo cho những ai, dù là tín đồ Đấng Christ mà sống với Chủ Nghĩa Bất Tri, biết mà làm như mình không biết. Những người nầy cần phải khóc lóc ăn năn, như Phierơ, biết rõ Thầy mình nhưng chối không biết người đó là ai vì sợ liên lụy. Nhưng sau đó, Phierơ "đi ra và khóc lóc đắng cay" (Ma 26:75) với lòng ăn năn thống hối cho nên được Chúa trọng dụng sau nầy.

Vậy, hỡi những ai đang sống với Chủ Nghĩa Bất Tri hãy mau mau rời bỏ chủ nghĩa tai hại nầy. Hãy quay về với Chúa, ăn năn thống hối, xin Chúa tha thứ, hầu thoát khỏi án phạt của Chúa, trái lại được Chúa tiếp nhận làm con cái Ngài, được hưởng những phước hạnh phong phú của Ngài cả đời nầy lẫn đời sau. Chúa đang mở rộng vòng tay yêu thương chờ đón mỗi chúng ta. Hãy mau rời bỏ Chủ Nghĩa Bất Tri, hãy trở về với Tình Yêu Đời Đời của Chúa.