Hội Thánh TLVN tại Pháp -> Bài giảng

Bình an thật

Mục sư Nguyễn Văn Bình


Bình an là điều ai cũng muốn và tìm kiếm. Mỗi lần Tết đến, người Việt Nam chúng ta thường hay gởi thiệp chúc Tết với câu chúc 'an khương thịnh vượng' hoặc khi gặp gỡ trong những ngày Tết đều không quên 'chúc bình an' hay 'kính chúc bình an' cho nhau. Có nhà còn viết trên tờ giấy đỏ mấy chữ : 'Xuất nhập bình an' dán trước cửa cầu mong cho mọi hành trình đi đứng, ra vào trong suốt tân niên được yên ổn, an bình.

Người Trung Hoa khi đưa tiễn người nhà hoặc bạn thân đi xa, thường hay tặng bức tranh với hình vẽ một cái 'bình' đặt trên 'yên' con ngựa đang sải bước hàm nghĩa chúc 'thượng lộ bình yên'. Người Do thái mỗi khi gặp nhau đều chúc 'shalom' bình an cho nhau. Đức Chúa Giê Xu khi từ cõi chết sống lại, hiện ra với các môn đồ, Ngài êm dịu phán cùng họ : 'Bình an cho các ngươi' (Giăng 20 :21). Các môn đồ và các tín hữu xưa nay có thói quen cầu nguyện và chúc bình an cho nhau. Phaolô viết thư cho con cái Chúa tại La mã, ông vừa cầu nguyện vừa chúc : 'Vậy xin Đức Chúa Trời của sự trông cậy, làm cho anh em đầy dẫy mọi điều vui vẻ và mọi điều bình an trong đức tin' (Rô 15 :13). Tại Giáo Hội Nghị đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội ở Giêrusalem ra quyết nghị gởi cho các Hội thánh thi hành, khi cử Giuđe và Sila đại diện cầm bức thư và quyết nghị ấy lên đường, họ đã không quên 'kính chúc bình an' cho hai đầy tớ Chúa ấy (Sứ 15 :29) . Đi đến đâu, hai ông đều được Hội thánh tiếp đón nồng hậu và khi hai ông từ giã đi nơi khác, họ thành tâm chúc cho hai ông 'thượng lộ bình an' (Sứ 15 :33).

Giacơ khởi đầu bức thư gởi cho các tín hữu thuộc mười hai chi phái Do thái sống tản lạc rải rác ở các nước của đế quốc La mã rộng lớn đang bị thử thách khó khăn bằng 3 chữ 'Chúc Bình An' (Giacơ 1 :1).

Có thể nói không riêng gì người Việt Nam chúng ta, mọi người trên thế giới khi viết thư hay khi gặp nhau đều 'chúc bình an' cho nhau cả. Vậy, bình an có nghĩa gì ? Căn nguyên của bình an đến từ đâu ? Và làm sao chúng ta được bình an ? Đây là ba câu hỏi cần thiết phải được trả lời để chúng ta chẳng những trong những ngày Tết mà trọn cả cuộc đời tìm được bình an đích thực cho bản thân mình.

I. Ý Nghĩa bình an thật

A. Nghĩa sai

Tự điển Việt Nam của Lê văn Đức cắt nghĩa bình an là 'mạnh giỏi, yên lành, không tai nạn trắc trở'. Hán Việt Tự điển của Nguyễn văn Khôn nói bình an là 'yên ổn, không có tai nạn, phẳng lặng, không có gì đáng lo sợ'. Trong khi đó, tự điển của nhà xuất bản khoa học Hà nội cũng lặp lại tương tự, bình an là 'yên lành, không gặp điều gì tai hại, rủi ro'. Đa số những định nghĩa trên cho thấy đó chỉ là bình an ngoại tại chứ chưa đề cập tới bình an nội tâm. Ngoại cảnh dù có mạnh giỏi, phẳng lặng, yên ổn, không gặp điều gì tai hại, rủi ro cũng chưa chắc có bình an. Danh vọng càng cao lại càng gian nan, càng giàu có tiền bạc tài sản, người ta càng có khuynh hướng lo lắng, sợ sệt nhiều hơn. Bên ngoài như nước hồ thu, nhưng có thể bên trong bị khuấy động như biển nổi ba đào trong những ngày bão tố.

B. Nghĩa đúng

Do đó, bình an thật phải là bình an nội tâm, thứ bình an mà dù bên ngoài không yên ổn, không phẳng lặng, dù chiến tranh, tai nạn, trắc trở, đau ốm, nghèo túng dồn dập xảy đến, nhưng thâm tâm vẫn thường lạc, tâm hồn vẫn thư thái không sợ hãi lo lắng. Đó mới là bình an thật, bình an trọn vẹn, chính là thứ bình an loài người tìm kiếm và cần có.

Trong một cuộc triễn lãm tranh vẽ tại một thành phố kia với chủ đề 'bình an', các họa sĩ khắp nơi đã gởi về hàng trăm bức tranh tham dự rất đẹp, diễn tả những cảnh bình an mà họ nghĩ ra. Ban giám khảo gồm những họa sĩ lừng danh. Sau cùng, họ đã chọn ra được hai bức tranh tiêu biểu nhất. Bức tranh thứ nhất vẽ cảnh mặt trời chiếu thẳng xuống mặt nước phẳng lặng trải dài bên những rặng cây xanh tươi tốt đứng yên chẳng chút lay động, trông thật an bình. Bức tranh thứ hai, họa sĩ vẽ một cảnh bão tố, cây cối xơ xát, nằm la liệt trên đất, cảnh vật hoang tàn, bầu trời đen tối, sóng biển cuồn cuộn dâng lên đập mạnh vào tảng đá ven biển, nước bắn tung toé ầm ầm. Nhưng bên trong hốc đá, có một con chim mẹ nằm bên các chim con trong tổ không chút sợ hãi gì. Kết quả, bức vẽ thứ hai được giải nhất vì ban giám khảo cho như thế mới lột tả hết ý nghĩa của sự bình an. Thứ bình an giữa giông bão mới là bình an thật.

Tại làng nhỏ kia, ngày nọ, một cơn động đất thình lình xảy đến, ai nấy hoảng sợ kêu la thất thanh. Tuy nhiên, có một bà lão vẫn bình yên, ngồi trước cửa ngắm nhìn trời nghiêng đất lở, không một chút sợ hãi. Cơn chấn động vừa qua, ai nấy đều lấy làm ngạc nhiên tới chất vấn :

-Thưa bà, bí quyết của bà là gì ? Chúng tôi muốn biết điều gì đã giữ bà bình thản như thế trong khi đất rung chuyển dưới chân chúng ta ? Bà không sợ sao ?

Bà lão đáp cách đơn giản :

-Không, tôi không sợ. Tôi chỉ mừng là tôi có một Thượng Đế mạnh đủ để làm rung chuyển cả thế giới !

Bình an thật và đúng nghĩa là bình an cho dù bão tố, động đất hay bất cứ hoàn cảnh bi ai nào xảy đến, ta vẫn không hề sợ sệt hay nao núng, trái lại tâm hồn vẫn tươi tỉnh, thỏa vui và hy vọng.

II. Căn nguyên của bình an thật

A. Không do loài người

Kinh thánh lời của Đức Chúa Trời mặc khải cho biết, bình an không đến từ loài người, vì loài người vốn dĩ phạm tội gây nên sự sợ sệt, bất an cả ở ngoại cảnh lẫn trong tâm hồn. Kinh thánh phán : 'Những người ác chẳng hưởng sự bình an bao giờ, Đức Giêhôva phán vậy' (Ês 48: 22). 'Họ không biết đường bình an, trong đường họ đi không có sự công nghĩa, họ tự làm những lối quanh queo, ai đi trong đó thì chẳng biết sự bình an' (Ês 59: 8). Một lần kia, Đức Chúa Giê Xu đứng trước thành Giêrusalem khóc, lý do vì người Do thái không biết làm cho mình bình an. Ngài than : 'Ước gì ít nữa là ngày nay, ngươi đã hiểu biết sự làm cho ngươi được bình an' (Lu 19 :42). Loài người không có sự bình an, lại không biết làm cho mình bình an. Người ta đi tìm bình an trong vô vọng, trong mê tín dị đoan, bói toán, đồng bóng. Đã sợ sệt mà đi bói toán, xem quẻ, cầu hỏi đồng cốt chẳng những không đem lại bình an, trái lại càng gây thêm lo sợ. Một số người khác nghe theo những lời đồn đại hoặc chỉ dẫn mê tín của người đời đi tìm sự bình an nhưng không tìm được gì cả.


Những bài giảng khác

Bất tri chủ nghĩa - Mục sư Nguyễn Văn Bình











Một người kia làm ăn phát tài như diều gặp gió, giàu có tiền rừng bạc biển, nhà cửa sang trọng, ruộng đất cò bay mỏi cánh, thế mà tâm hồn bất an, lo lắng sợ sệt không dứt, đến nỗi ăn ngủ không yên, tiều tụy thấy rõ. Người ta đề nghị ông tìm cho được chiếc áo của một người có tâm hồn bình an về mặc ắt sẽ có bình an. Ông đưa cho gia nhân số tiền rất lớn đi tìm mua chiếc áo ấy. Các gia nhân đi tìm nơi đền vua, trong vòng các quan quyền, người sang trọng, cả đến những nhà đạo cao đức trọng dò hỏi, nhưng nơi đâu cũng đều phát lộ không ít thì nhiều sự lo lắng bất an. Cuối cùng họ gặp một tiều phu, ngày ngày mình trần trùi trụi vác rìu vào rừng đốn củi kiếm sống qua ngày, vừa đi vừa ca hát ra bộ sung sướng lắm. Về nhà ăn uống qua loa khi nằm xuống thì ngủ một giấc cho đến sáng, không hề lo lắng sợ sệt gì. Gia nhân mừng lắm bèn hỏi mua chiếc áo của anh ấy mới hay người tiều phu suốt đời chưa hề có chiếc áo mặc vào thân. Thế mà vẫn thỏa vui, sung sướng, bình an.

Người ta kể chuyện về hoàng đế Auguste của đế quốc La mã (63TC-14SC) có tật mất ngủ chỉ vì thiếu bình an. Một cận thần cho hay có một người kia nợ nần như chúa chổm, nhưng ngủ rất dễ, hễ nằm xuống giường liền ngủ say như chết. Hoàng đế sai người đến nài nỉ mua chiếc giường ấy về mong tìm được giấc ngủ cho mình. Nhưng hoàng đế làm một điều vô ích. Từ khi chiếc giường được mang về, hoàng đế bao đêm nằm đó nhưng vẫn không hề ngủ được. Vì bình an đâu phải đến từ vật chất hay loài người.

B. Đến từ Chúa

Kinh thánh cho biết bình an đến từ Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hóa và đến từ Đức Chúa Giê Xu Đấng Cứu Thế của nhân loại. Lời Chúa luôn luôn nhắc đi nhắc lại, Đức Chúa Trời là nguồn của sự bình an như các câu Kinh thánh sau đây : 'Nguyền xin Đức Chúa Trời bình an ở với anh em hết thảy. Amen !' (Rô 15:33). 'Đức Chúa Trời bình an sẽ kíp giày đạp quỉ Satan dưới chơn anh em' (Rô 16:20). 'Hãy làm đi, thì Đức Chúa Trời bình an sẽ ở cùng anh em' (Phil 4:9). 'Đức Chúa Trời bình an, là Đấng bởi huyết giao ước đời đời mà đem Đấng chăn chiên lớn là Đức Chúa Giê Xu chúng ta ra khỏi từ trong kẻ chết' (Hê 13:20). 'Nguyền xin Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn' (I Tê 5:23).

Bình an chẳng những đến từ Đức Chúa Trời, nguồn của sự bình an, nhưng cũng đến từ Đức Chúa Giê Xu Đấng Cứu Thế, Ngài được mệnh danh là Chúa bình an, như câu Kinh thánh sau đây: 'Ngài được xưng là Đấng lạ lùng, Đấng mưu luận, là Đức Chúa Trời quyền năng, là Cha đời đời, là Chúa bình an' (Ês 9:5). Vì thế, khi các môn đồ bối rối lo âu đối với tương lai, Chúa Giê Xu làm yên lòng họ bằng lời hứa: 'Ta để sự bình an lại cho các ngươi, ta ban sự bình an ta cho các ngươi, ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi' (Giăng 14:27). 'Sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và bởi Đức Chúa Giê Xu Christ' (I Cô 1:3).

Một trận cuồng phong đang gào thét dữ dội quanh một căn nhà giữa cánh đồng nọ. Ba đứa trẻ cùng với mẹ và bà nội chúng phải ngồi trong một căn phòng tối om và lo sợ ngôi nhà bị cuốn đi bất cứ lúc nào. Cậu bé Walter thỏ thẻ chuyện trò với bà nội một lúc rồi bỏ chạy mất. Mẹ cậu lần mò đi tìm và cuối cùng thấy cậu đang ngủ mê trong phòng mình.

Sáng hôm sau, bà nội hỏi cậu bé làm sao có thể ngủ được giữa lúc mọi người đang gặp nguy hiểm như thế ?

Cậu bé đáp:

-Ủa, chính bà nội đã bảo với cháu là Đức Chúa Trời nguồn của sự bình an và Chúa Cứu Thế là Chúa bình an sẽ chăm sóc gìn giữ chúng ta và cháu tưởng rằng cháu có thể đi ngủ như thường chứ !

III. Phương pháp nhận bình an thật

Vì bình an đến từ Đức Chúa Trời và đến từ Đức Chúa Giê Xu, nên chúc bình an chưa đủ, bởi chúc bình an chỉ là cầu mong, chỉ là niềm hy vọng, chưa trở thành hiện thực. Để nhận được bình an thật, ta phải đặt niềm tin vào Chúa và hết lòng nhờ cậy Ngài như lời Đức Chúa Giê Xu phán dạy : 'Lòng các ngươi chớ hề bối rối, hãy tin Đức Chúa Trời và hãy tin ta nữa' (Giăng 14 :1).

Tin Đức Chúa Trời và tin Đức Chúa Giê Xu có nghĩa là phải mở lòng ra mời Chúa làm chủ cuộc đời mình, giao thác cuộc đời mình trong bàn tay yêu thương và toàn năng của Chúa. Khi đó, 'Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở cùng anh em' (Phil 4 :9). Khi có Chúa ở cùng chúng ta, thì tự nhiên chúng ta có bình an, vì Chúa bình an ở đâu, thì bình an cũng ở đó. Và 'sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Giê Xu Christ' (Phil 4 :7). Do đó, bình an chỉ có khi bất cứ ai mở lòng tiếp nhận Đức Chúa Trời và Chúa Cứu Thế làm Chúa và chủ cho cuộc đời mình. Không có Chúa chẳng thể nào tìm được bình an đích thực cho đời sống, một bình an cả ngoại tại lẫn nội tâm. Tiến sĩ Jacob Chamberlain, một giáo sĩ tiền phong ở Ấn độ đã kể lại rằng, trong khi ông đang giảng cho một nhóm người Ấn độ đến tắm ở sông Hằng (Gange), con sông mà người Ấn độ gọi là sông thánh, có một người đàn ông ghé nghe ông giảng. Ông nầy đã từng bò bằng hai đầu gối và cùi tay nhiều dặm đường để đến sông Hằng tắm, với ước mong tìm sự tha thứ tội lỗi và bình an cho tâm hồn. Sau khi cầu nguyện với thần Gunga, linh hồn khốn khổ nầy đã trầm mình xuống sông, nhưng khi trồi lên khỏi mặt nước, cảm xúc tội lỗi trong ông vẫn không có gì thay đổi. Sự sợ hãi, sự chết vẫn ám ảnh lòng ông. Rồi khi nghe giáo sĩ Chamberlain kể câu chuyện kỳ diệu về Chúa Cứu Thế xuống trần chịu chết trên thập tự giá gánh tội cho loài người, cứu vớt tội nhân, ban sự cứu rỗi và bình an đời đời cho người nào bằng lòng tin Ngài, với niềm hy vọng mới, người đàn ông đứng thẳng lên, hai tay nắm lại với nhau, la lên :

-Ô, đó là điều tôi có cần : Sự tha thứ và sự bình an.

Chẳng bao lâu, vị giáo sĩ đã đưa ông ấy đến tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê Xu. Từ đó cuộc đời ông được biến đổi. 'Mọi sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới' (II Cô 5 :17). Ông được Chúa tha thứ và ban cho bình an, không còn bối rối và sợ hãi như trước nữa.

Chúc bình an chỉ là hình thức cầu mong. Người chúc bình an chưa chắc có bình an và người được chúc bình an cũng không vì thế mà có bình an. Bình an thật chỉ có khi nào chúng ta có Đức Chúa Trời bình an và Đức Chúa Giê Xu, Chúa bình an ngự trị cuộc đời. Vậy, hãy tin Đức Chúa Trời và hãy tin Đức Chúa Giê Xu để được ban cho bình an thật giữa cõi hồng trần đầy phong ba bão táp, khổ đau và bạo động nầy.