Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)



Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng

Đuốc Thiêng 98, tháng 12 năm 2008



Vào lúc mờ sáng ngày 21-8-1975 gia đình chúng tôi tới phi trường Charles De Gaulle (Pháp) trên chuyến bay AF157 cất cánh từ sân bay Bangkok (Thái Lan) sau khi quá cảnh ở Beyrouth (Liban) chừng một tiếng đồng hồ. Bầu trời Paris vào mùa hè trong sáng, từng đám mây dầy đặc trắng xóa phủ kín khung trời, từ trên nhìn xuống như những lượn sóng biển chập chùng nhấp nhô lơ lửng vô tận, trải khắp bầu trời dưới ánh sáng ban mai của vầng thái dương lấp lánh chói lòi. Phi cơ sắp hạ cánh, nhìn qua cửa sổ, thành phố Paris, kinh đô ánh sáng rộng lớn rực rỡ ánh đèn lúc trời chưa sáng hẳn, trông xuống như cả bầu trời sao sáng trên vũ trụ bao la hạ thấp xuống tận thế giới loài người.

Lúc ấy, phi trường Charles De Gaulle vừa mới khánh thành chưa được bao lâu, vẻ mới mẻ khiến mọi người ngạc nhiên thích thú. Nhà ga Charles de Gaulle hình tròn, trông như lâu đài mang vẻ kiêu kỳ hiện đại sừng sững bao bọc bởi những phi đạo lên xuống không ngừng của các chuyến bay ngoại quốc và nội địa. Tất cả có 16 cửa ra vào, với hai tầng dành cho khách đến và đi, bên trên là parking 3 tầng đầy ắp xe đưa rước. Hành khách dập dìu từ sáng sớm đến tối mịt không đếm xiết. Từ xưa, Paris có một phi trường Orly nằm về phía nam và phi trường Bourget (chuyên chở hàng hóa) nằm về phía bắc của ngoại ô Paris không xa. Song vì quá tải, người ta cho xây thêm phi trường Charles De Gaulle, nằm về phía đông bắc, cách Paris 15 km. Ban đầu khi chúng tôi đến chỉ có một tòa nhà phi trường sân ga duy nhất. Ngày nay, Charles De Gaulle mở rộng gấp ba bốn lần. Người ta mở thêm Charles De Gaulle 2 với nhiều tòa nhà đón rước từ A đến F, với những parking nhiều tầng bên dưới đất như những căn hầm chứa hằng ngàn chiếc xe và thêm Charles De Gaulle 3 nữa, cả ba trải rộng lớn hơn cả thủ đô của một nước, với những phi đạo và đường xe chằng chịt như mạng lưới. Hành khách muốn di chuyển cần phải dùng xe buýt mới có thể đi từ sân ga 1 qua 2 hoặc 3 được. Việc đưa rước không phải là chuyện dễ dàng. Phải xác định là phi trường 1 hay 2 hay 3 và nếu phi trường 2 còn phải biết 2A, 2B, 2C, 2D, 2E hay 2F. Nếu ghé nhầm chỗ phải trả tiền parking trở ra rồi vào nơi khác lại phải tốn tiền parking thêm lần nữa. Vừa mất thì giờ, vừa mất tiền đậu xe lại vừa chậm trễ.

Lại một lần nữa không ai ra đón. Hội thánh Việt Kiều Paris hình thành từ năm 1973 do MS Daniel Bordreuil, cựu giáo sĩ từ Việt Nam về hưu quản nhiệm. Đầu tiên, Hội thánh sinh hoạt ở Boulogne Billancourt, ngoại ô Paris, sau dời về nhà thờ số 58 rue Madame, thuộc Paris quận 6, một nhà thờ của Hội thánh Cải Cách (Réformée) gần vườn Lục Xâm Bảo (Luxembourg). Lúc chúng tôi đến, Hội thánh Việt Nam đang sinh hoạt tại đây. Đa số tín hữu là người Việt Nam có quốc tịch Pháp hồi hương vào thời của Tổng thống Ngô Đình Diệm, một số khác là những sinh viên Việt Nam sang Pháp du học. Giáo sĩ Daniel Bordreuil quy tụ lại trên dưới khoảng chục gia đình, thành lập Hội thánh Việt Kiều, gây dựng niềm tin cho họ. Trước năm 1975, Hội thánh xin Tổng Liên Hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam quốc nội gởi một gia đình Mục sư sang quản nhiệm Hội thánh. MS Lê Cao Quý từ Đà Nẵng được sai phái qua Pháp, nhưng nhằm lúc chiến tranh tới hồi sắp kết thúc, tình hình bất ổn không thể ra đi. Hội Truyền Giáo thấy nhu cầu cần thiết đề nghị tôi từ Lào sang Pháp lo công việc Chúa. Thế là chúng tôi tới Paris.

Tôi mượn điện thoại từ phi trường gọi cho giáo sĩ Daniel Bordreuil hỏi lý do tại sao không thấy giáo sĩ hay tín đồ nào ra đón, mới biết với diện tị nạn từ Thái Lan, không cần ai ra đón cả, cơ quan tị nạn sẽ có xe rước đưa về trung tâm tạm cư trong thời gian 15 ngày, sau đó phân phối đi những trại tị nạn ở các tỉnh lo mọi thủ tục giấy tờ, nuôi ăn học ít nhất 6 tháng mới ra mướn nhà ở, đi tìm việc làm hội nhập vào xã hội Pháp. Quả đúng như vậy, chờ đợi ở phi trường không lâu, chúng tôi được xe đưa về tạm trú ở trung tâm tị nạn Herblay, ngoại ô Paris, thuộc tỉnh Oise, cách Paris khoảng chừng 15 km. Trung tâm nằm ngoại ô thành phố, nhà cửa thưa thớt, vài cửa tiệm nhỏ mở cửa buôn bán không thấy gì rộn rịp tấp nập cả. Bốn bề yên lặng. Bên kia đường, một cánh đồng nhỏ, vài hàng táo hoang dọc theo bờ đất, trái xanh nhiều lắm. Người tị nạn tha hồ hái ăn, không ai ngăn cấm gì. Về sau tôi mới biết, người Pháp thích trồng cây ăn trái, cây kiểng trong vườn, trái rơi rụng ngập đất, song ít khi nào họ ăn, trái lại họ thường ra siêu thị mua rau trái dù giống như vậy, nhưng tin là đã được khử trùng bảo đảm vệ sinh. Một số nhà có trái cây nhiều lại rất ngon, bỏ thì tiếc, đôi lúc đem cho bạn bè, hoặc làm mứt cho những bữa ăn sáng. Thường các bữa điểm tâm của người Pháp rất nhẹ, không nặng như người Anh, chỉ bánh mì quét bơ, ăn với mức trái cây, đôi khi có thịt jambon, hay các loại paté, với một tách cà phê đen hay một ly sữa lạnh là đủ. Ăn riết rồi cảm thấy ngon hơn buổi sáng đi ăn tô phở. Trung tâm tiếp đón ở đây rất chu đáo với những phòng ngủ dù bình dân, nhưng đối với người tị nạn, được vậy quả là một tiện nghi không thể đòi hỏi gì thêm. Mỗi ngày sáng, trưa, chiều được dọn ăn đầy đủ đúng giờ, đồ ăn dư dật. Ai nấy tỏ vẻ vui mừng sung sướng, trẻ con vui đùa chạy nhảy hồn nhiên. Vài người lại tỏ ra ưu tư không biết rồi tương lai mình sẽ như thế nào trên đất khách quê người. Riêng chúng tôi luôn cảm tạ ơn Chúa được Ngài dành cho cơ hội mới trước mặt để phục vụ Ngài.

Mấy ngày ở đây, chúng tôi được bạn bè tới trước hướng dẫn đi xe lửa ngắm cảnh thành phố Paris. Quả là thành phố nguy nga, mang nét cổ kín, nhưng vô cùng lộng lẫy. Giòng sông Seine uốn khúc băng qua thành phố, từ đầu nầy sang đầu kia, với hàng chục chiếc cầu bắc ngang cho xe cộ qua lại. Hai bên bờ nhà cửa lâu đài hùng vĩ, vững chắc như thạch bàn, trông đẹp đến lạ lùng. Những chiếc tàu chở khách thập phương ngắm cảnh qua lại nhộn nhịp khơi động giòng nước, thấp thoáng vài kẻ lang thang trên bờ ngắm nhìn bâng quơ cho quên ngày tháng. Bên cạnh giòng sông, tháp Eiffel sừng sững cao ngất, một kỳ quan mà du khách nào cũng muốn tới, triệu triệu người tới leo lên với độ cao hơn 300m. Bốn chân tháp có 4 cửa nườm nượp khách lên xuống bằng xe điện kéo. Cũng có đường dành cho khách muốn đi bộ thử sức dẻo dai của mình. Ít có người lớn tuổi nào dám đi bộ như thế. Tôi có đi một lần và hứa rằng sẽ chẳng bao giờ có lần nào khác nữa. Mệt lắm, chân nhấc lên không nổi, dù chỉ đi lên đến tầng một. Người ta xếp hàng chờ đợi lên tháp dài lê thê đến nỗi tưởng chừng như không thể nào tới phiên mình được. Tháp có ba tầng cho du khách viếng. Tầng một có bưu điện, có nhà hàng. Tầng hai đa số bán đồ kỷ niệm, cũng có cửa tiệm bán đồ ăn nhanh và tầng ba chót vót, túm lại rất hẹp. Tầng một và tầng hai có lối đi xung quanh được bao bọc bằng hàng rào lưới sắt cao và vững chắc. Từ trên nhìn toàn cảnh Paris trải rộng tứ phía đôi mắt nào cũng phải ngạc nhiên đến lạ lùng. Có dịp lên tháp Eiffel vào buổi tối, quang cảnh rực rỡ làm sao. Khung trời Paris quả là kinh đô ánh sáng. Ngồi trong nhà hàng ở tầng một, ăn một dĩa beefsteak, hay nhâm nhi tách cà phê nhìn xuống dọc giòng sông Seine, những chiếc bateau mouche (tàu chở khách du lịch viếng Paris) qua lại với những ánh đèn rực rỡ khiến ta cảm thấy thật vui nhộn.



Đuốc Thiêng 98

1 Trái Tim của Phúc Âm - ĐTPÂ
2 Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu - TĐ Nguyễn Đình Liễu
3 Thơ: Hạnh phúc đêm đông - Trần Nguyên Lam Bửu
4 Thơ: Mục đồng gặp Chúa - Linh Quyền
5 Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta - Quyền Linh
6 Kéo các ngươi đến cùng ta - MS Trần Hữu Thành
7 Thơ: Đêm xưa ấy - Bình Tú Ngọc
8 Đường đến thiên đàng - Nguyễn Đình Bùi Thị
9 Thơ: Thương cảm - Võ Chánh Tiết
10 Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
11 Xứ Do Thái hồi Chúa Giê-xu sinh ra - Mai Đào
12 Thơ: Tiếng chuông ngân - Emmanuel
13 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
14 Em tôi - Bà Lê Văn Bắc



Xe cộ trên đường như mắc cửi, chuyện kẹt xe xảy ra hằng ngày như cơm bữa. Các xa lộ đổ vào Paris nhằm giờ cao điểm có khi bị kẹt dài hằng chục cây số. Dưới đất còn có Métro, loại xe điện ngầm hằng chục, hằng trăm thước sâu dưới lòng đất, có khi băng qua dưới lòng sông Seine. Nhìn bản đồ métro, xe điện ngầm qua lại khác nào đường xe trên mặt đất, chằng chịt trên dưới như mắc cửi. Thế giới dưới lòng đất cũng có sạp báo, cũng có quán cà phê, sáng rực như một thành phố nhiều tầng. Hằng ngày có từ 3 tới 4 triệu người dùng métro đi làm hay đi ngoạn cảnh Paris. Nhằm giờ cao điểm, cứ hai ba phút, tuyến đường nào cũng vậy, đều có một chuyến métro đi qua, dừng từng trạm cho người lên xuống. Người dùng phương tiện métro đi làm đảm bảo được đúng giờ, không như lái xe trên đường phố. Ngoài ra, trong thành phố còn có nhiều ga xe lửa từ bốn phương đổ về nườm nượp khách từ các nước hay trong nước. Kẻ đi người đến đầy ắp mỗi ngày. Nổi tiếng nhất có gare Lyon, gare Austerlitz, gare de l'Est, gare du Nord dành cho khách các nước và trong nước. Cũng có gare Montparnasse, gare Saint Lazare đi các tỉnh và các vùng phụ cận Paris. Ngày nay, với loại xe lửa TGV tốc độ trên 300 km/giờ, di chuyển từ Paris đi các nước lân cận hay các tỉnh nhanh và tiện lợi không kém gì máy bay. Nếu thử hai người đi Bruxelles (Bỉ), một đi xe lửa và một đi máy bay, khởi hành tại Paris. Người đi xe lửa tới gare du Nord lên xe ngay, chỉ 1h15 phút sau là tới Bruxelles, trong khi người đi máy bay phải từ Paris lấy taxi ra phi trường, làm thủ tục lên máy bay, qua giai đoạn xét giấy tờ, rồi còn chờ đợi đúng giờ phi cơ cất cánh, tới nơi còn phải di chuyển vào thành phố, rốt cục người đi phi cơ tốn nhiều thì giờ hơn, lại còn trễ hơn người kia cả tiếng đồng hồ để được gặp nhau tại Bruxelles.

Một ngày sau khi chúng tôi đặt chân tới Pháp, đại diện Hội Truyền giáo đến thăm và báo tin cho biết sau 15 ngày chúng tôi không đi tỉnh như những người khác, nhưng sẽ xuất trại tạm cư về Paris đảm trách công việc Hội thánh. Hội có nhờ Ông bà Lê Hoàng Ân, con trưởng nam của Ông bà Mục sư Lê văn Trầm, làm việc trong tòa tỉnh Essonnes mướn cho gia đình chúng tôi một chung cư 5 phòng ở thành phố Evry, cách Paris khoảng 30 km. Đó là chung cư Pyramide xây cất chưa xong, với nhiều tầng cao lên xuống xếp theo dạng pyramide của Ai Cập trông thật hùng vĩ, nguy nga, đối ngang siêu thị rất lớn nhộn nhịp buôn bán mỗi ngày, có chiếc cầu bắt trên cao nối từ chung cư qua siêu thị cho người qua lại mà không phải băng qua đường xe cộ nguy hiểm. Công trình xây cất chưa xong, ít nhất 3 tháng nữa mới hoàn tất giao chìa khóa cho người đến ở. Hội đề nghị sắp xếp cho gia đình chúng tôi tạm trú nơi tư gia tín hữu. Thế là chúng tôi dọn về Villejuif ở đó suốt 3 tháng. Tháng đầu ở một nhà và hai tháng sau ở một nhà khác. Tình cảnh đổi thay khiến chuyện học hành của con cái có nhiều bất tiện. Trước chỉ đi bộ đưa rước, bây giờ phải đón xe buýt rước đưa chúng đi học sáng chiều. Đầu tháng tháng 12-1975 chúng tôi chính thức dọn về ở Evry. Thế là được an cư lạc nghiệp, an tâm lo chuyện Hội thánh và công việc Chúa.

Trước kia, Hội thánh Việt Kiều Paris có khoảng 10 gia đình, đến cuối năm 1974 số đó thưa dần. Mục sư Daniel Bordreuil dù hết lòng chăm sóc nhưng cũng chẳng còn có cách gì hơn. Tiếp nối chức vụ của ông, chúng tôi cậy nhờ ơn Chúa vừa gây dựng, vừa truyền giáo. Hằng tháng, chúng tôi đều có tổ chức buổi truyền giảng cho kiều bào tại nhà thờ một lần. Nhờ vậy tinh thần truyền giáo của con cái Chúa được dứt dấy.

Tại nhà thờ Rue Madame Paris quận 6, có một chuyện thật xảy ra khiến ai nấy vừa vui mừng vừa cảm động. Bà Phan thị Ba, một con cái Chúa lâu năm ở Quảng Nam (Việt Nam), làm việc nhà cho Ông bà Trần văn Chương, đại sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn (Hoa kỳ). Vì bất đồng gì đó với bà Chương, bà bị sa thải và bị áp lực đuổi về Việt Nam. Khi thất thế bơ vơ nơi xứ lạ, may bà gặp một phóng viên báo chí người Hòa Lan mướn bà nấu ăn và làm việc nhà, với số lương khá hơn trước nhiều. Đầu năm 1975, nhà báo người Hòa Lan thuyên chuyển tới Paris làm việc, bà Phan thị Ba được ông tin cậy cùng đi với ông ấy qua Paris giúp việc cho ông. Bà không biết tiếng Pháp, lại không được đi thờ phượng Chúa mỗi Chúa nhựt. Nỗi buồn không được thờ phượng Chúa khiến bà sầu não, mỗi khi Chúa nhựt tới, bà một mình ngồi sụt sùi khóc. Đời của một người tin kính Chúa không gì đau đớn bằng xa cách nhà Chúa, không được thờ phượng Chúa, không được thông công với các thánh đồ. Bà van xin chủ làm sao tìm cho bà một nhà thờ Việt Nam để bà thờ phượng Chúa, bằng không bà không thể nào vui sống được. Người chủ rất tốt với bà, ông điện thoại hỏi hết nhà thờ nầy đến nhà thờ khác, song chẳng một ai biết ở Paris có nhà thờ Việt Nam nào cả. Mấy tháng trôi qua, niềm thất vọng bao trùm đời bà. Thình lình có người báo cho ông chủ tin vui. Họ đã tìm thấy địa chỉ của nhà thờ Việt Nam ở số 58 rue Madame, Paris quân 6. Tới ngày Chúa nhựt, chủ cấp tốc đưa bà đến nhà thờ Việt Nam, ngờ đâu từ nhà nơi bà ở đến nhà thờ chỉ cách có vài con đường, gần đến nỗi chỉ lội bộ 5 phút là tới. Thế mà mấy tháng rồi bà ngồi khóc than tìm kiếm nhà thờ. Bà vui mừng không kể xiết. Từ đó, Chúa nhựt nào bà cũng đến thờ phượng Chúa. Suốt mười mấy năm ở Paris, bà sát cánh với Hội thánh, trung tín thờ phượng hầu việc Chúa. Mỗi cuối tuần, hầu như tuần nào cũng vậy, bà còn xuất tiền riêng mua nào thức ăn, nào thịt cá, nào trái cây đem đến nhà Mục sư nhóm họp thanh niên nấu nướng ăn uống, thông công vui vẻ. Từ khi nhà báo người Hòa Lan rời khỏi Paris thuyên chuyển nơi khác, bà đến ở gần chúng tôi ít lâu. Khi biết tin con gái bà đến được Hoa kỳ, bà rời Pháp về Mỹ sống bên con cháu vui hưởng tuổi già. Tôi có vài lần sang San Diego (California) được bà tiếp đón vui vẻ. Nay, bà trên 95 tuổi rồi, nhưng được ơn thương xót của Chúa vẫn còn mạnh khỏe minh mẫn.

Ngoài việc chăm sóc Hội thánh, chúng tôi còn họp tác với Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp (CMA), Hội Truyền Giáo Anh Em Thụy sĩ cùng các Hội thánh Á Châu như Trung Hoa, Lào, Kampuchia tổ chức trung tâm tại Boulogne Billancourt đón tiếp và cứu trợ người tị nạn. Chúng tôi vận động tiền bạc, áo quần, vật dụng cần thiết, truyền đạo đơn, Kinh thánh đến thăm các trại tị nạn chào đón và phân phát cho họ. Trước lễ giáng sinh 1975, Hội thánh quyết định dời về địa điểm mới ở số 10 rue Danton của thành phố Kremlin Bicêtre, giáp giới Paris quận 13. Nhà thờ rất đẹp, có sân rộng đủ chỗ cho khoảng 10 chiếc xe đậu, rất hiếm có nhà thờ tiện nghi như thế. Mỗi Chúa nhựt, chúng tôi đem xe tới các trại tạm cư chung quanh Paris đón người tị nạn tới nhà thờ thờ phượng Chúa, có khi thứ bảy, chúng tôi đón họ về nhà, tổ chức ăn uống, sinh hoạt cộng đồng và ra sân thể thao tham gia các trận túc cầu giao hữu. Hằng trăm người nhờ vậy được biết Chúa và tin Chúa. Hội thánh mỗi ngày đông đúc hơn. Chúng tôi cũng dành thì giờ viếng thăm các trại tị nạn ở các tỉnh xa, chiếu phim, truyền giảng cho họ. Nơi nào chúng tôi đến đều được tiếp đón nồng hậu. Chúa cho công tác truyền giáo thu đạt nhiều thành quả tốt đẹp.