Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)



Kéo các ngươi đến cùng ta - MS Trần Hữu Thành

Đuốc Thiêng 98, tháng 12 năm 2008



Nay nhờ cậy Chúa, chúng ta cùng học câu Kinh Thánh: "Khi ta đã được treo lên khỏi đất, ta sẽ kéo mọi người đến cùng ta." (Giăng 12:32).

Nơi Chúa Jêsus bị đóng đinh có sự hiện diện của những tên lính La mã, những thầy thông giáo và những thầy tế lễ. Những người nầy ở đây không phải tỏ lòng thương mến Chúa Jêsus, nhưng họ hiện diện ở đây để nhạo báng Chúa và thách thức Ngài. Họ bảo Chúa "hãy xuống khỏi cây thập tự thì họ sẽ thấy và tin."

Thật ra, họ đã thấy Đức Chúa Jêsus làm nhiều phép lạ để cứu bao nhiêu người khỏi bịnh và Ngài cũng đã khiến cho ba người chết được sống lại. Nhưng họ cứng lòng và không tin. Nay họ đòi Chúa làm phép lạ khác, là phép lạ "tự cứu lấy mình khỏi thập tự giá" thì họ mới tin. Chúa không làm phép lạ theo ý của họ. Họ mắng nhiếc Ngài. Ngài nhịn họ. Ngài đã không sai 10 đạo thiên sứ tiêu diệt họ. Có người hỏi: "Tại sao Chúa Jêsus không chịu làm phép lạ để tự cứu mình khỏi thập giá?". Tại vì Đức Chúa Jêsus yêu mến tội nhân, yêu mến Quý vị và tôi, Ngài bằng lòng chịu tất cả sĩ nhục đắng cay để hoàn tất sự cứu rỗi cho Quý vị và tôi. Cho nên, Ngài đã nhịn nhục cho đến hơi thở cuối cùng trên thập giá.

Nếu Ngài bước xuống khỏi thập giá, thì Ngài đã không chết. Nếu Ngài không chết, thì Ngài đã không chết thay cho chúng ta phải chết và chết đời đời trong Hỏa ngục. Ô, Chúa Jêsus đã không tự cứu Ngài để cứu Quý vị và tôi. Chúa Jêsus bằng lòng chịu chết để Quý vị và tôi được sống. Cảm tạ ơn Chúa.

Nhưng khi nghe Đức Chúa Jêsus phán: "Khi bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo các ngươi đến cùng Ta," Ngài muốn kéo Quý vị và tôi đến thập tự giá với Ngài. Quý vị bằng lòng không? Ngài kéo Quý vị và tôi đến thập tự giá để làm gì? Thứ nhất là để chúng ta nhận rõ và tin rằng Ngài "chết vì tội chúng ta." (1 Côr 15:3). Kế đến, Ngài giải thích: "Nếu hột giống lúa mì kia... chết đi thì kết quả được nhiều. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất đi, ai ghét sự sống mình trong đời nầy thì sẽ giữ lại đến sự sống đời đời." (Gi. 12:24-25). Như vậy, Chúa Jêsus muốn kéo Quý vị và tôi đến thập tự để cùng chết với Ngài!

Chết với Đấng Christ bằng cách nào? Thánh Phao lô giải thích là: "Tôi đã bị đóng đinh vào thập giá với Đấng Christ," (Galati 2:20). Câu Kinh Thánh nầy dạy rằng con người cũ của Quý vị và tôi phải bị đóng đinh vào thập giá và phải chết với Chúa Jêsus. Đừng để cho con người cũ của chúng ta sống nữa. Vì "ai ghét sự sống mình trong đời nầy thì sẽ giữ lại đến sự sống đời đời." (Gi. 12:24-25).

Con người cũ tức là con người tội lỗi chúng ta phải chịu chết với Chúa tại thập tự giá. Đặc tính con người cũ ra sao? Đặc tính con người cũ là: "gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng." (Ga. 5:19-21). Điều Kinh thánh đề cập trước tiên ở đây là gian dâm.

a. Gian dâm:

Nói về gian dâm thì Chúa Jêsus dạy rằng khi Quý bà thấy đàn ông hoặc Quý ông thấy đàn bà mà "động tình tham muốn" (Ma 5:28) thì trong lòng đã phạm tội gian dâm.

Kinh Thánh cũng dạy rằng: "Mọi người phải kính trọng sự hôn nhân, ...vì Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ dâm dục cùng kẻ phạm tội ngoại tình." (Hêbơrơ 13:4).

b. Buồn giận:

Giận là một tình cảm của con người. Có thể nói rằng trong vòng chúng ta ai cũng có lần đã giận. Sau khi giận, có lần nghĩ lại thấy mình giận có lý, có lần giận không biết mình giận có lý hay không? Có lần giận, nghĩ lại thấy mình vô lý. Dù cho chúng ta ở vào trường hợp nào thì xin nhớ Lời Chúa dạy rằng: "...em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn." (Êphêsô 4:26). Tại sao lời Chúa dạy chúng ta "đương cơn giận, chớ phạm tội?" Tại vì khi "đương cơn giận" chúng ta dễ phạm tội. Vì lúc đó chúng ta dễ nóng nảy, dễ nói những lời bất cẩn và nhất là dễ gây ra những điều tội lỗi. Cho nên, là con dân của Chúa, mỗi chúng ta phải cầu nguyện xin Chúa giải cứu mình thoát ra khỏi cơn giận càng sớm càng tốt. Vì vậy Đức Thánh Linh nhắc nhở Quý vị và tôi rằng: "... chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn." Nghĩa là thôi đi, đừng giận nữa. Thế mà tiếc thay con dân của Chúa có người sao mà cứ giận hoài, mà lại giận dài, giận dai, rõ ràng là người nầy đang ở trong tình trạng nguy hiểm, người đó đang ở trong tình trạng dễ phạm tội với Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta chấm dứt những cơn giận càng sớm càng tốt.



Đuốc Thiêng 98

1 Trái Tim của Phúc Âm - ĐTPÂ
2 Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu - TĐ Nguyễn Đình Liễu
3 Thơ: Hạnh phúc đêm đông - Trần Nguyên Lam Bửu
4 Thơ: Mục đồng gặp Chúa - Linh Quyền
5 Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta - Quyền Linh
6 Kéo các ngươi đến cùng ta - MS Trần Hữu Thành
7 Thơ: Đêm xưa ấy - Bình Tú Ngọc
8 Đường đến thiên đàng - Nguyễn Đình Bùi Thị
9 Thơ: Thương cảm - Võ Chánh Tiết
10 Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
11 Xứ Do Thái hồi Chúa Giê-xu sinh ra - Mai Đào
12 Thơ: Tiếng chuông ngân - Emmanuel
13 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
14 Em tôi - Bà Lê Văn Bắc



c. Cãi lẫy, bè đảng:

Cãi lẫy, bè đảng cũng là đặc tính của con người cũ. Chúa rất buồn nếu trong Hội Thánh của Chúa có những sự cãi lẫy với nhau. Có người nói rằng tôi cãi cho ra lẽ phải mới được. Nhưng sự thật thì cãi lẫy không ra lẽ phải, mà càng cãi càng giận hờn nhiều hơn mà thôi. Muốn cho ra lẽ phải, thì chúng ta phải ngồi lại với nhau và học Lời Chúa rồi tìm cầu ý Chúa mới tìm thấy lẽ phải.

Tại đây chúng ta thấy Kinh Thánh đề cập đến "cãi lẫy" thì liền sau đó có chữ "bè đảng." Tại sao vậy? Tại vì người ưa cãi lẫy thường hay tìm người về phe mình nên gây bè kết đảng. Phao lô dạy rằng: "Hỡi anh em, tôi khuyên anh em coi chừng những kẻ gây nên bè đảng.... Phải tránh xa họ đi." (Ro-ma 16:17). Kinh thánh dạy phải tránh xa kẻ gây nên bè đảng, thế thì chính mình chúng ta nhớ không nên làm kẻ gây nên bè đảng.

Khi cãi lẫy, bè đảng người ta thường hay nói xấu người khác. Đây là điều không nên.

Trong Hội Thánh không nên có sự cãi lẫy, bè đảng, còn trong gia đình thì sao? Trong gia đình chúng ta cũng phải nhờ cậy Chúa tránh cãi lẫy và tránh bè đảng. Chúng ta hãy tưởng tượng nếu trong gia đình mà con cái cãi lẫy với cha mẹ, cha mẹ cãi lẫy với con cái, chồng cãi lẫy với vợ, vợ cãi lẫy với chồng rồi tìm cách kéo đứa con nầy bên phe cha, kéo đứa kia bên phe mẹ, thì gia đình đó làm sao hạnh phúc được? Vì vậy mà Lời Chúa dạy mỗi chúng ta "...phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chìu nhau, dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh." (Êphêsô 4:2-3). Được như vậy, dù cho gia đình chúng ta có nghèo nhưng vẫn vui và có phước trong Chúa.

Xin Quý vị nhớ, việc đóng đinh người cũ vào thập tự giá không phải sự tùy ý các tín hữu, có cũng được, không cũng được; nhưng mà là điều bắt buộc. Vì chính Chúa Jêsus phán: "Ai yêu sự sống mình thì phải mất." (Gi. 12:25).

Nhưng việc đóng đinh và vứt bỏ bản chất xác thịt trong chúng ta rất khó khăn! Cho nên chúng ta phải cầu xin Chúa giúp đỡ chúng ta thực hiện điều nầy.

Thí dụ: Chúa dạy chúng ta phải vui mừng, nhịn nhục, tha thứ cho ai đó. Quý vị nghĩ những điều nầy có dễ làm theo không? Rất khó. -Thưa Chúa, trong vụ nầy con phải, người kia quấy rõ ràng mà Chúa. Thưa Chúa, việc nầy con phải làm cho ra lẽ mới được. Nhưng Chúa phán: "Ta đã tha thứ cho con nhiều tội lỗi rồi."

-Thôi, được, Chúa dạy con tha thứ thì con vâng lời Chúa, con bỏ qua. Nhưng thưa Chúa từ nay về sau con không nhìn mặt người nầy nữa. Như vậy phải là tha thứ không? Nhiều lần chúng ta đã trả giá, kèo nài với Chúa. Tại sao? Tại vì trong việc giết người cũ, người cũ trong chúng ta bị đau. Tại sao đau? Tại vì con người cũ chúng ta chưa chết, nếu chết rồi thì không còn biết đau! Nhưng Chúa dạy: "Ai yêu sự sống mình thì phải mất." Để cho chúng ta khỏi bị hư mất, Chúa Jêsus kéo chúng ta đến thập giá của Ngài để người cũ chúng ta cùng chết với Ngài.

Xin nhớ lại khi học về Lễ Báp tem, chúng ta được dạy rằng: "nếu chúng ta đã cùng chết với Đấng Christ, thì chúng ta tin rằng mình cũng sẽ sống lại với Ngài." (Rô ma 6:8).

Thưa Quý vị, hôm nay qua Lời Chúa, chúng ta biết rằng chúng ta có bản chất người cũ, là tánh xác thịt, là lòng ghen ghét là tánh giận hờn, là thường hay nói hành, là sự nóng giận. Chúa bảo Quý vị và tôi hãy đến thập tự giá để đóng đinh những tánh xác thịt trên thập giá với Ngài. Những thứ nầy phải chết chớ không thể nuôi dưỡng chúng trong đời sống theo Chúa của chúng ta nữa.

Quý vị nghĩ sao? Quý vị thấy yêu Chúa hơn, hay Quý vị thấy yêu những tánh xác thịt của mình hơn?

Thưa Quý vị, Chúa Jêsus bằng lòng chết trên thập giá để làm vinh hiển Danh Đức Chúa Cha và để cứu vớt Quý vị và tôi. Quý vị muốn học theo Chúa làm vinh hiển Danh Đức Chúa Trời không? Quý vị muốn làm "sự sáng của thế gian" (Ma 5:14), để dẫn đưa nhiều người khác đến với Chúa không? Nếu muốn, chúng ta phải đóng đinh bản ngã của mình trên thập giá với Chúa Jêsus.

Muốn đóng đinh những điều nầy trên thập giá thì chúng ta phải làm sao? Điều Quý vị phải làm là vào phòng riêng của mình, quỳ gối xuống và với tất cả lòng thành thưa với Chúa rằng: "Chúa ôi, con có những tánh xác thịt không đẹp lòng Chúa. Con xin dâng lên cho Chúa. Xin Chúa đem những tánh xác thịt nầy đóng đinh trên thập giá. Xin Chúa dẹp bỏ những tánh nầy cho con, để con sống đẹp lòng Chúa làm sáng Danh Ngài và có ích cho người khác. Con cảm tạ ơn Chúa. Con cầu xin nhơn Danh Đức Chúa Jêsus Christ. A-men.

Cầu xin Chúa cảm động lòng Quý vị và tôi trong sự quyết tâm giao phó tội lỗi cho Chúa và sống đẹp lòng Ngài. A men.