Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)



Xứ Do Thái hồi Chúa Giê-xu sinh ra - Mai Đào

Tác-giả: Roger CARATINI
Sách: Jesus, de Bethléem à Golgotha, ấn bản 2003, nhà xuất bản L'Archipel, Paris
Trích dịch: Mai Đào
(Xem từ Đuốc Thiêng 86)

Đuốc Thiêng 98, tháng 12 năm 2008




Báo cáo lên hoàng đế.

Cuối năm 750 (lịch Rô ma), hoàng đế Auguste triệu Marcellus về Rome, và tới nơi, Marcellus đưa báo cáo. Báo cáo trước hết vê tình hình nóng bỏng ở xứ Judée, cả về hai mặt chính-trị và tôn giáo, từ ngày vua mới Archelaus lên cầm quyền. Tiếp theo, bên lề báo cáo là chuyện vui về một con trẻ kỳ diệu đã làm xôn xao dân chúng ở Jerusalem, phần vì điều kiện sanh lạ đời, -sanh bởi một cô gái đồng trinh-, phần vì những "phép lạ" con trẻ đã làm.

Hoàng đế nghe rồi phá lên cười: "Hay lắm, hay lắm, kể thêm nữa ta nghe về con trẻ đó, để ta được thay đổi cái đầu, suốt năm cứ phải nghe báo cáo từ các tổng trấn,các toàn quyền, anh thì xin lập thêm thuế mới, anh thì xin thêm quân lính, ôi chao. Nào, kể đi". Hoàng đế lim dim mắt ngồi nghe những chuyện do Matthias thuật lại, nào chuyện rồng ở trong hang, chuyện cây dừa cúi xuống cho Marie hái, v.v. rồi Marcellus kể thêm vài chuyện do chính Joseph kể khi mình đến thẩm vấn ở Ga-li-lê:

-Lúc ra đi, bước vào sa mạc dẫn từ bờ biển xứ Judée đến xứ Egypte, Joseph tính rằng sẽ đi thật xa, càng xa càng tốt, nên y đi vào thật sâu trong sa mạc, từ làng này qua làng khác, chẳng ngủ nơi nào quá một đêm.Tới một làng gần đường đi Hérapolis, làng này có một đền thờ. Và cũng như hầu hết mọi làng ở Egypte, quản lý đền thờ này là một thầy tế lễ khá khôn ngoan quỷ quyệt..

-Này Marcellus, ở Đông phương, thầy tế lễ nào cũng quỷ quyệt hết. Phải kêu chúng là kẻ cắp, kẻ cướp, cả trong xứ Egypte, cả trong xứ Judée. Nào, anh tế lễ này sắp đặt chuyện lừa đảo ra sao?

-Thưa hoàng đế, dân trong làng, và trong cả vùng nữa, tin lời y nói rằng trong những tượng thần khổng lồ ở đền thờ, có một con quỷ nhập vào. Con quỷ này truyền cho y những mạng lịnh và ý muốn của nó.

-Ta đánh cuộc với anh, rằng những yêu cầu của con quỷ, là phải nộp tiền, nộp cúng cho nó, nếu không thì tai hoạ lớn sẽ xẩy ra. Phép lạ trên con thầy tế lễ.

-Dạ đúng thế. Có điều kỳ quặc, là thầy tế lễ này có đứa con trai 3 tuổi.Suốt ngày, nó nói những câu chẳng đâu vào đâu, rồi hễ có ai la nó, thì nó cổi quần áo ra hết, lăn trên đất, ném đá vào người qua lại gần đền thờ, một ngày bốn năm lần, thành ra dân chúng ngán đem lễ đem cúng đến đền thờ.

-Ha ha, ngồi đây ta cũng đoán ra vẻ mặt của anh tế lễ này. Vì con nó lên kinh mà thâu nhập nó giảm sút.

-Một bữa kia, khi đứa nhỏ này đang lên kinh, thì vừa lúc Joseph, Marie và con đi ngang đền thờ. Họ cũng bị đứa nhỏ ném đá. Marie sợ đá trúng con mình, bèn lấy khăn phủ lên mình con.

-Rồi sao?

-Đứa con thầy tế lễ giựt cái khăn ra, trùm lên đầu mình, thì cơn kinh hết ngay lập tức, đứa con hoàn toàn trở lại bình thường. Thầy tế lễ hoan hô phép lạ, đem cái khăn đặt bên tượng thần.

-Ta đoán được vì sao. Anh tế lễ này bảo mọi người là hãy rờ vào khăn để được phước, và muốn rờ vào, phải cúng tiền. Quả là thằng kẻ cướp. Còn bố mẹ đứa con mới sanh có được nó chia chác gì không?

-Thưa không. Họ thật thà lắm, chồng là thợ mộc già, vợ là gái trẻ đồng trinh hay thẹn, họ đặt tên con là "Jesus", theo ngôn ngữ Hê–bơ–rơ, Jesus nghĩa là Đấng Cứu chuộc. Họ nhứt quyết rằng đứa nhỏ này là con của Đức Giê hô va, Chúa duy nhứt của họ; và đứa nhỏ này sẽ cứu nhân loại khỏi tội lỗi.

-Cứu nhân loại là công tác vô cùng vĩ đại, mà đây lại chỉ có mỗi một vị bất tử ra tay. Chúng ta đây có cả mấy chục thần, mà có đủ đâu nào. Còn chuyện dỗ trẻ con nào nữa, kể ta nghe.

-Thưa hoàng đế, đấy đâu phải là chuyện ngụ ngôn bịa đặt. Những điều tôi báo cáo, chính tôi đã đi kiểm chứng từng chỗ. Ngày sau đó, Joseph đến môt làng khác. Nơi đây có một phụ nữ, người ta nói là bị quỷ ám. Quỷ không cho phụ nữ này mặc quần áo, không cho ở trong nhà, bắt ngày đêm đi ở nghĩa địa, đứng trước các đền thờ, đứng ở ngã ba, ngã tư, ném đá vào người đi đường. Khi Marie mẹ của Jesus đến, thấy vậy, động lòng thương, nắm tay phụ nữ này thì quỷ liền ra khỏi. Sau đó đến một làng khác, tôi không nhớ tên làng, trong làng đang có lễ cưới, mọi người vui vẻ, thì chợt có tai hoạ. Lý do là có một bọn thầy pháp không được mời đến dự lễ cưới, họ gieo vạ cho cô dâu, đột nhiên cô dâu thành câm và điếc, phải nằm liệt giường. Khi Marie vào trong phòng cô này, mùi thơm từ thân Marie thấm vào cô dâu, cô này đột nhiên lành hết câm hết điếc, đứng lên hát một bài ca ngợi Đức Chúa Trời. Thưa hoàng đế, chưa hết.. -Ta đoán là anh sẽ kể đến những người cùi (hủi).

-Thưa hoàng đế, đúng thế, nhưng sao hoàng đế nói trúng?

-Bởi vì đây là chuyện chuyên môn đặc biệt của các thầy pháp bên Đông phương. Họ đuổi quỷ, chữa người mù sáng mắt, chữa người bại đi đứng được, chữa lành người cùi, nhiều người nói thế, nhưng ta, ta cho rằng họ diễn trò. Khi ta còn cai trị ở Egypte, ta đã đem treo cổ một anh thầy thuốc dởm. Này Marcellus, anh đừng làm như những bọn người Đông phương, họ nhìn đâu cũng thấy quyền phép siêu nhiên.

Lý thuyết về vũ trụ

Marcellus không chịu, vì tuy cũng đồng ý với hoàng đế là không tin chuyện quyền phép siêu nhiên, nhưng nghĩ rằng những vụ chữa lành kỳ lạ kia phải có một nguyên nhân hợp lý, mà hiện nay người ta chưa biết. Y trình bầy quan điểm của mình.

-Thưa hoàng đế, khi có nguyệt thực xẩy ra, thì xưa kia hầu hết mọi người kể cả vua chuá, đều cho rằng đây là hành động của một quyền lực vô hình, hoặc là do một con rồng thổi tắt mặt trăng, v.v. Kế sau, các chiêm tinh gia khôn ngoan đã đưa ra những giả thuyết mới, không dựa vào các quyền lực siêu nhiên; hồi còn trẻ hoàng đế cũng như tôi đã học hết mọi lý thuyết ấy rồi có phải không ?

-Ờ, ờ, ta nhớ ra rồi. Hồi đó ta thích nhứt là lý thuyết của học giả Anaximandre, gốc ở Milet, vùng Tiểu-Á, đưa ra cách đây 5 hay 6 thế kỷ. Theo lý thuyết này, thì Trái Đất bay trong không gian, chẳng có gì chống đỡ, ở vòng ngoài trái đất là nhiều bánh xe rỗng, bên trong chứa đầy lửa, chúng bay vòng quanh trái đất. Vỏ ngoài bánh xe này có nhiều lỗ thủng, ánh lửa ở trong chiếu ra không gian qua những lỗ thủng này, người ở trái đất nhìn lên thấy toàn là dĩa tròn, kêu dĩa nhỏ là sao, dĩa lớn là mặt trăng, mặt trời. Khi lỗ lửa bị bít, thì có nhật thực, nguyệt thực, bị bít hết thì là nhật nguyệt thực toàn phần, và không phải là toàn phần nếu chỉ bị bít một ít thôi.

-Thưa hoàng đế, tôi không biết gì về lý thuyết này, nhưng nghe thiệt là hấp dẫn.

-Thế mà có nhiều người tin đấy, cho đến khi có các chiêm tinh gia suy nghĩ về giáo -thuyết Pythagore, cả quyết rằng mặt trời và mặt trăng là những trái cầu đầy lửa xoay quanh trái đất, khi nào một trái cầu ấy đứng chen giữa trái đất và trái cầu kia, thì có nhật thực hay nguyệt thực.

-Thưa hoàng đế, tôi cũng học như thế, khi đọc sách của Platon. Tôi cũng nghĩ như Platon, rằng con người càng ngày càng hiểu biết rành rẽ hơn, rồi sẽ đưa những lý thuyết sát nút hơn, cho đến khi vũ trụ chẳng còn bí mật nào nữa đối với loài người.

-Đúng thế, con người sẽ mỗi ngày một biết nhiều hơn, kỹ hơn. Rồi đây các bịnh tật, các vụ điên khùng, và cả sự chết nữa đều sẽ theo hướng đó. Và cũng vì thế mà cách đây 25 năm, ta cho đóng đinh một người Arménie tự xưng là thầy pháp, anh này khoác lác rằng chữa lành được bịnh cùi, chỉ cần anh ta rờ vào da.

-Thưa hoàng đế, chỉ khoác lác thôi mà sao bị phạt nặng như thế?

-Ta chẳng khi nào phạt nặng mà thấy vui trong lòng. Ta bắt buộc phải phạt nó, để làm gương, và để bảo vê quân binh của ta. Có một binh sĩ bị ngứa ngáy chân tay, anh thầy pháp này đến chữa, trước hết anh ta rờ toàn thân một người cùi, rồi sau đó dùng tay mình thoa lên tay và chân binh sĩ kia, làm binh sĩ ấy bị mắc bịnh cùi. Nếu không đóng đinh nó, thì nó sẽ làm cho hết cả đoàn quân bị cùi. Nhưng thôi, trở lại chuyện phép lạ, anh còn chuyện nào nữa về đứa trẻ sơ sanh mà là Cứu Chúa kia?

-Thưa hoàng đế, còn chuyện thiệt hay, nhưng hơi dài.

-Thời gian của ta cũng như vũ trụ, nằm trong tay ta, cứ kể đi.

Jesus chữa lành người cùi.

-Thưa hoàng đế, tôi bắt đầu bằng chuyện chữa lành một phụ nữ cùi, như hoàng đế đã đoán. Gia đình Joseph đi đến một làng nọ, Marie muốn tắm cho đứa trẻ. Họ gặp một bà làm nghề giặt mướn nơi phố chợ, thấy bà này đang coi một chậu lớn đầy nước và quần áo.Marie ngỏ ý muốn mượn cái chậu để tắm cho con. Bà này, ta tạm kêu là bà Hai, thấy Marie có vẻ mệt, bèn bảo Marie: "Chị ngồi nghỉ mệt đi, để tôi giúp chị, tôi sẽ đổ nước thơm vào chậu này tắm cho con chị". Bà Hai tắm đứa nhỏ xong, trao đứa nhỏ lại cho Marie, nhưng chậu nước còn để đó, chưa đổ đi. Một thiếu nữ lại gần, trên mình đầy vết trắng bịnh cùi. Nó vô tắm trong chậu nước thơm còn dư, bao nhiêu vết trắng bịnh cùi tiêu tan hết, da nó trở nên hồng hào, hết bịnh. Dân chúng ở chợ thấy vậy, hô lên rằng Joseph và con trai là thần thánh, không phải người thường, chỉ cần có mặt là chữa được cô gái kia.

Thưa hoàng đế, phần tiếp theo còn ly kỳ hơn nữa. Sau đó, Joseph và gia đình cùng với các người hầu lên đường đi tiếp. Cô gái được chữa lành, ta tạm kêu là cô Ba, xin đi theo hầu hạ để tỏ lòng biết ơn, được Joseph chấp thuận. Chiều lại, họ đến một lâu đài của một lãnh-tụ người Egypte. Ông này tiếp họ, cho họ ngủ nơi ngôi nhà dành cho khách quý. Dọn chỗ nằm xong xuôi, cô Ba đến chào bà chủ nhà nơi phòng của bà, thấy bà này đang khóc, liền hỏi nguyên do. Bà chủ trả lời rằng nỗi rầu của mình quá lớn, lớn đến nỗi chẳng muốn kể. Cô Ba nói rằng cứ kể ra đi, biết đâu có thể giúp bà. Nói đi nói lại chập lâu, bà chủ nói: "Tôi kể ra, nhưng em giữ kín nhé, đừng kể lại cho ai hay. Ông chủ chồng tôi là chúa của nhiều thành phố trong vùng này, rất có quyền thế.Tôi là vợ ổng đã nhiều năm mà không có con, nhưng mới 2 ngày nay tôi sanh được một bé trai. Điều khốn khổ, là mới sanh ra nó đã mắc bịnh cùi. Chồng tôi liền ra lịnh hoặc là tôi kiếm người nuôi nó ở một xứ xa, không có ai biết về ổng, hoặc là giết nó đi, bằng không ổng sẽ không nhìn tôi nữa". Cô Ba bèn kể chuyện mình đã được chữa lành nhờ tắm nước dư sau bé Jesus, và cũng nói thêm rằng bé Jesus cùng cha mẹ đang ngủ nơi nhà khách. Bà chủ mừng quá, hôn cô Ba, sai đặt tiệc đãi gia đình Joseph, rồi hôm sau, lấy nước thơm tắm bé Jesus, sau đó đem con mình nhúng vào châu nước dư. Đứa con lành ngay tức thì, mọi vết cùi tiêu tan hết.Bà chủ hôn cô Ba, cám ơn Marie, ca tụng Đức Chúa Trời, hôn bé Jesus, và nói: "Phước thay là cha mẹ em ; em tẩy sạch mọi người bằng nước em tắm".

-Marcellus, chuyện anh kể thiệt là hay. Và về cô Ba, thì sau đó số phận ra sao?

-Thưa hoàng đế, sau đó cổ lấy chồng, chồng là một con la. Marcellus vừa cười vừa trả lời.

-Ha ha, anh khéo đặt chuyện diễu, ta cười bể bụng.

-Thưa hoàng đế, tôi đâu dám diễu, đấy là chuyện thật. Đầu đuôi câu chuyện như sau. Joseph ở lại đó hai ba ngày, rồi lên đường đến một làng khác.Họ trọ nơi nhà một đôi vợ chồng không có con. Người vợ tâm sự với Marie rằng không có con vì cớ chồng bất lực, làm gì cũng chẳng được. Sáng sớm hôm sau,Joseph sửa soạn lên đường,thì bà vợ cản lại. Bà vợ yêu cầu ở lại chung vui, và giải thích với nét mặt đỏ vì thẹn, rằng đêm qua ông chồng hết bịnh bất lực, ôm bà vợ cả đêm. Vì cớ đó, bà vợ mở tiệc lớn chiều nay, và khẩn khoản Joseph ở lại cùng ăn mừng, bà này cho rằng được phước là nhờ vợ chồng Joseph và bé Jesus có mặt. Joseph vui lòng ở lại dự tiệc, sáng hôm sau mới lên đường.

-Được, cũng là một phép lạ nữa. Nào kể đi ta nghe chuyện cô Ba lấy con la.

Người lấy súc vật làm chồng.

Chuyện lấy con la như sau. Sáng ra, sau bữa tiệc linh đình, mọi người còn say ngủ, Joseph hối mọi người lên đường, họ đi suốt ngày về phía đông.Chiều lại, khi mặt trời sắp lặn, họ thấy cùng đi một đường với họ, có ba phụ nữ ra từ một nghĩa địa gần đó, vừa đi vừa khóc. Marie thấy vậy, bảo cô Ba: -Em hãy đi mau đến chào họ, hỏi họ có chuyện gì buồn mà khóc dữ vậy".

Thay vì trả lời cô Ba, họ hỏi lại: "Mấy người từ đâu đến, và đi đâu, mặt trời sắp lặn rồi". Cô Ba trả lời rằng bọn mình là lữ-khách, đang tìm chỗ ngủ qua đêm. Họ liền mời ngay bọn Joseph về trọ đêm ở nhà họ, nói rằng nhà họ khá rộng, đủ chỗ cho vợ chồng Joseph và con, với bọn tuỳ tùng. Họ hối thúc: Đi ngay theo chúng tôi, đi mau lên vì mặt trời sắp lặn, mà vào mùa này, phải về tới nhà trước khi trời tối. (lời chú thích của dịch giả: ở vùng này, không có hoàng hôn với mặt trời từ từ lặn như ở Việt nam, nhưng trời đang sáng rực vụt tối sầm lại, như thể buông màn trên sân khấu).

Nhà của ba phụ nữ này là một căn nhà rộng rãi, có đồ đạc lịch sự đắt tiền. Xuyên qua đâý, họ dẫn bọn Joseph ra phía sau, tới một căn nhà lớn hơn, vẫn vừa đi vừa khóc. Nhìn vào căn nhà lớn này, họ thấy một con la, lông bóng mượt, mắt sáng ngời, trên lưng phủ một cái mền tơ thêu vàng, con la đang ăn hột mè (vừng) trong tay một bà đứng tuổi. Ba phụ nữ ào vô nhà, ôm cổ con la, hôn nó, vuốt ve nó không ngớt. Cô Ba hỏi họ: "Con la này là thế nào?". Ba phụ nữ nức nở trả lời: "Em trai út chúng tôi đấy", rồi kể sự tình của họ. Cha của ba phụ nữ này rất giầu, chết đi để lại tài sản lớn, nhà cửa rộng rãi như bọn Joseph thấy khi bước vô. Ba phu nữ này tính chuyện cưới vợ cho em trai, Tin này đưa ra, các cô gái trẻ trong vùng tranh giành nhau để được cưới. Để giành nhau, các cô nhờ tay những thầy pháp đổ vạ cho nhau. Chẳng biết các thầy pháp đổ vạ cách nào, đổ vạ lên ai, nhưng một buổi sáng kia, em trai biến đâu mất, mặc dầu các cửa ngõ vẫn còn khoá chặt. Trên giường em trai, thấy nằm một con la đang ngủ. Cả nhà đi tìm kiếm khắp vùng, chẳng thấy em trai đâu, hỏi hết các thầy pháp bà đồng đều chẳng có kết quả. Họ đành kết luận rằng con la là em trai,và cũng từ đó, mỗi ngày họ ra nghĩa địa tới mộ cha, cầu cho em trai.



Đuốc Thiêng 98

1 Trái Tim của Phúc Âm - ĐTPÂ
2 Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu - TĐ Nguyễn Đình Liễu
3 Thơ: Hạnh phúc đêm đông - Trần Nguyên Lam Bửu
4 Thơ: Mục đồng gặp Chúa - Linh Quyền
5 Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta - Quyền Linh
6 Kéo các ngươi đến cùng ta - MS Trần Hữu Thành
7 Thơ: Đêm xưa ấy - Bình Tú Ngọc
8 Đường đến thiên đàng - Nguyễn Đình Bùi Thị
9 Thơ: Thương cảm - Võ Chánh Tiết
10 Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
11 Xứ Do Thái hồi Chúa Giê-xu sinh ra - Mai Đào
12 Thơ: Tiếng chuông ngân - Emmanuel
13 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
14 Em tôi - Bà Lê Văn Bắc










Cô Ba cảm động khi nghe thuật chuyện, rồi nói với ba phụ nữ: "Các chị hãy tin cậy nơi Đức Chúa Trời thì các chị sẽ được qua nỗi khổ cấp kỳ, sự cứu đang ở trong nhà này". Ba phụ nữ ngạc nhiên. Cô Ba bèn kể họ nghe chuyện mình được sạch bịnh cùi cách nào, và căn dặn: "Bé Jesus chính là thần cứu khổ, có thể cứu khổ cho các chị, vậy hãy đến nài xin với Marie, tôi cũng sẽ nài xin với Marie để thấy lại em trai các chị".

Bọn Joseph còn đang đứng chờ trước cửa, màn đêm đã xuống, mặt trăng tròn chiếu ánh vàng rực trên sa mạc xung quanh. Ba phụ nữ mời bọn khách vô nhà, quỳ xuống trước Marie, vừa khóc vừa nói: "Bà Marie đầy ơn phước ơi, xin thương xót những kẻ hầu này. Gia đình chúng tôi không có chủ nữa, vì cha chúng tôi đã chết, quyền chủ gia đình thuộc về em trai chúng tôi, nhưng nó bị đổ vạ, biến thành con la này. Xin thương xót chúng tôi, cứu khổ chúng tôi". Marie động lòng thương, đặt Jesus lên lưng con la, nói: "Bé Jesus con ơi, do quyền năng ẩn trong con, hãy cứu gia đình này, làm cho con la trở lại người thanh niên lúc trước". Con la tức khắc trở thành một thanh niên vừa cao vừa lớn, khoẻ mạnh, nghiêng mình chào Marie, chào mẹ mình và các chị mình. Họ hôn Jesus và nói: "Phước thay là Marie mẹ cậu".

Hoàng đế Auguste nghe Marcellus kể xong, cười lăn lộn, nói:

-Câu chuyện này chắc kết thúc là một cuộc hôn nhân.

-Thưa hoàng đế đoán đúng quá. Để cám ơn cô Ba, nhờ cô giới thiệu mà được lại em trai, ba phụ nữ quyết định cưới cô Ba cho em. Lễ cưới linh đình kéo dài 10 ngày, vì nhà họ giầu, và đấy là chuyện cô gái có chồng con la.

-Nhờ anh, ta được giờ phút vui quá vui. Những chuyện ngủ đứng này, ai thuật lại cho anh?

-Thưa hoàng đế, chuyện này tràn trong dân gian. Có thể là chẳng có sự thật lấy một li.

-Và những chuyện về sao thần chiếu sáng chuồng bò ở Bethlehem, chuyện các nhà bác học từ xứ xa tới thăm, ...thật hay không thật?

-Thưa hoàng đế, tôi chẳng biết, nhưng theo ý tôi, khoảng hai ba năm nưã, sẽ chẳng còn ai nhắc đến.

-Ta cũng nghĩ thế. Nào bây giờ ta nói chuyện cai trị. Theo báo cáo từ Damas, thì Archélaus tự phong cho mình làm vua xứ Giu-đê, không chờ ta quyết định, anh này thật là gan to. Chắc hẳn nó biết rằng cha nó trước khi chết đã để lại chúc thư, chúc thư ấy chỉ riêng ta có. Và chắc hẳn nó cũng hiểu rằng cái đất nước mà cha nó cầm quyền rắn chắc, chẳng phải để lại cho nó hưởng hết, mà còn những người khác nữa cũng là kế tự, họ để yên cho nó nắm hết sao? Họ cắn xé nhau ra sao? Coi báo cáo đây này ta nhận đuợc từ Damas, kể chuyện xứ Do thái quá ư lộn xộn, ta tóm tắt trong một câu, là họ cắn xé nhau trong biển máu của ba ngàn người chết. Nghề của gia đình Hérode mà, đâu có gì lạ.

Nội dung báo cáo - Đám tang Hérode đại vương

Với Archélaus, mọi sự diễn biến khá tốt đẹp cho y vào lúc cha y chết, là mùa xuân năm 750 lịch Roma. Chúng ta đã nghe rằng Hérode đại vương trước khi chết, đã cho nhóm lại tất cả các trưởng lão Do thái nơi trường đua ở Jéricho, dặn trước quân lính là tàn sát hết khi mình chết. Nhưng vua chết rồi, họ được thả ra về hết,do lòng nhân ái của bà Salomé, em gái vua Hérode. Nơi phòng nhóm của thành phố, bà Salomé mời nhóm lại đông đủ giới quân nhân, tướng tá, sĩ quan, binh sĩ, rồi tuyên đọc lời trối của vua Hérode gởi cho họ. Vua tỏ lòng biết ơn họ đã trung thành và yêu mến mình trong suốt đời mình trị vì, và nay yêu cầu mọi người cũng tiếp tục phụng sự một kiểu đó với vua mới là Archélaus, được chỉ định tiếp tục sự nghiệp. Sau đó, tướng Ptolémée, người giữ ấn của Roma, cũng đọc một chúc thư nữa chỉ định Archélaus, nhưng nói thêm rằng phải chờ quyết định của hoàng đế Auguste, thì Archélaus mới thật sự là vua.

Ptolémée mới dứt lời, tứ phía có tiếng reo ầm ỹ: "Vạn tuế vua Archélaus", rồi các quân nhân tuyên thệ trung thành với vua mới, chúc vua mới sống lâu và trị vì lâu dài. Sau đó, Archélaus tổ chức đám tang Hérode đại vương thật linh đình như cha mình đã dặn. Xác vua Hérode mặc áo hoàng bào, đầu mang vương miện, tay cầm gậy vàng, nằm trong quan tài dát vàng đầy ngọc thạch, đưa từ Jéricho đến pháo đài Hérodion để chôn ở đấy, theo như lời di chúc. Theo sau quan tài là tất cả các con các cháu, gia đình gần xa, theo sau nữa là các quân nhân gồm các đạo quân nhiều quốc tịch, tất cả đều mặc quân phục long trọng như đi chiến đấu, nào quân Thrace, nào quân Germains, nào quân Alamans, nào quân Gaulois, sau cùng là 500 gia nhân bưng đội nhang và thuốc thơm.

Archélaus lên ngôi giết 3 ngàn người

Đám tang xong rồi Archélaus mở tiệc lớn đãi dân chúng, sau đó y lên Đền thờ.Suốt dọc đường đi, dân chúng hô lớn "Vạn tuế vua Archélaus". Vua đến quảng trường trước Đền thờ, lên ngồi ngai vàng, đọc diễn văn cám ơn mọi cảm tình nồng nhiệt, sau đó tiếp tất cả đại diện các gia đình lớn ở Jerusalem. Những người này tới tấp đưa ra đề nghị này khác, khi nghe vua nói rằng sẽ làm cho họ dễ thở hơn là dưới tay vua Hérode. Kẻ thì xin giảm thuế. Kẻ thì xin tha những tù nhân bị vua cha giam giữ từ lâu. Archélaus hứa là sẽ xem xét hết, và sẽ chấp thuận hết.

Tuy nhiên không khí hồ hởi lúc đầu xẹp xuống, khi vua mới từ chối không chịu phục hồi danh dự cho Giu-đa nguời Sariphée, và cho Matthias, con của Margalothe. Hai người này trước đây đã bị vua Hérode giết với đồng bọn. Và những yêu cầu khác của dân chúng, chẳng được thực hiện bao nhiêu. Dân chúng tưởng đâu được dễ thở hơn nhiều, nay họ thất vọng, chỗ nào cũng có lời chê trách vua mới. Nay đã gần đến lễ Vượt-qua (Pâques), những người Pha-ri-si yêu cầu vua phục-hồi danh-dự cho những người bị vua Hérode giết ở trường đua Jéricho, yêu cầu truất phế Joazar, là người do vua Hérode đặt vào chức vụ thầy tế lế cả, nay họ yêu cầu đặt người khác xứng đáng hơn.

Archélaus không chấp thuận, y sai một viên tướng trả lời họ đại khái như sau:

"Đừng nói chuyện trả thù, vì những người bị giết ở trường đua là do lỗi của họ, đã có hành động khinh miệt uy quyền của vua, họ đáng chết là theo luật lệ. Mà dầu sao đi nữa, hãy để yên mọi sự, vì nay vua Archélaus sửa soạn đi Roma để xin hoàng đế Auguste xác-nhận mình là vua. Sau đó, khi vua trở về, sẽ bàn luận, hiện nay đừng hành động như những kẻ phá rối, đừng gây nổi loạn phạm luật".

Những người chống đối không chịu, họ la hét rầm rĩ, nói rằng họ không chịu chờ đợi, rằng phải xử công bình cho những bạn họ bị giết. Chẳng cần phải là tâm lý gia, ai cũng dư biết ràng lễ Pâques sắp tới sẽ rất là lộn xộn, vì sẽ có rất đông người Do thái kéo về Jerusalem. Những bạn hữu của Judas và Matthias ngồi đông chật ở quảng trường trước Đền thờ và cả trong Đền thờ, họ nhứt quyết không nhúc nhích nếu chưa được như ý.

Archélaus sợ rằng phong trào chống đối sẽ lan rộng, bèn sai một trung đội cận vệ đến giải-tán đám chống đối, trục xuất họ ra khỏi Đền thờ. Phe chống đối sách động dân chúng theo mình, nhào đến giết gần hết bọn cận vệ, chỉ có viên chỉ huy trưởng và vài binh sĩ trốn thoát.

Những bạo động kiểu này, Archélaus từng nghe cha mình nói rằng không thể để yên không trừng phạt, cho nên dù là y còn trẻ và ít kinh nghiệm, y quyết tâm dẹp bọn chống đối này, bằng cách sai đến Đền thờ rất đông quân lính, phải một mặt giết hết những kẻ chống đối, không cho thoát ra ngoài Đền thờ, một mặt phải ngăn chặn không cho bên ngoài vô tiếp cứu. Kết quả là trong Đền thờ có ba ngàn kẻ chống đối bị giết; bên ngoài Đền thờ, những kẻ chống đối phải bỏ trốn lên vùng núi, và những kẻ ủng hộ đều sợ, chẳng ai dám theo lên vùng núi.

Marcellus nói:

-Thưa hoàng đế, đây là chuyện quan trọng, ví chúng ta phải đối chọi với những kẻ cuồng tín, họ sẵn sàng chết vì lý-tưởng, chẳng có gì ngăn họ được. Còn về Archélaus, thì ai cũng ghét y; một mặt thì những người Pha-ri-si quá khích ghét vì cớ chuyện con đại bàng bằng vàng; một mặt thì những thanh-niên Do thái ghét vì y đã giết 3 ngàn thanh niên; mặt khác, những người Do thái ngoan đạo ghét y, vì y cưới một phụ nữ không phải là dân Do thái, phụ nữ này là bà Glaphyra, con gái vua xứ Cappadoce.

Hoàng đế hỏi: Theo ý anh, thì ta nên làm gì?

-Xin truất phế y, và đày y đến một chỗ xa xứ Do thái để y không thể tổ chức được chống đối, thí dụ đày qua Tây-phương, đến xứ Gaule. -Rồi đặt ai làm vua thế y?

-Thưa hoàng đế, hoàng đế là chúa của cả thế giới. Không cần đặt ai làm vua nữa. Đổi xứ Do thái thành ra một tỉnh của Rô ma, đặt một người Rô ma trung-thành làm tỉnh trưởng.

-Nói thì dễ, nhưng mà…

-Thưa hoàng đế, Archélaus sẽ chẳng dám chống lại,vì chính y cũng bắt đầu nhận ra rằng mình bất lực trong việc cai trị xứ Do thái. -Không phải ta sợ gì Archélaus. Ta ngán toàn dân Do thái, với những thầy tế lễ, thầy thông giáo, các trưởng lão, các thành viên hai đảng chính mà anh thường kể ta nghe là họ rất mạnh, là đảng Sa đu sê và đảng Pha ri si. Đối với tất cả những người Do thái này, đất Palestine là đất thánh, đất của Đức Chúa Trời đã lập ra cho con cháu Ap-ra-ham. Nếu ngày mai, ta ra chiếu chỉ rằng vùng đất Palestine đang ở dưới chế độ bảo hộ, nay trở thành đất thuộc địa, thì chỉ sang ngày mốt, tất cả mọi anh Do thái sẽ quên đi hiềm khích chính-trị, sẽ liền tay với nhau, và chỉ trong 48 giờ, mọi người dân Rô ma ở đó sẽ bị cắt cổ hết, 3 hay 4 sư đoàn lính của ta ở đó cũng không thể ngăn cản họ được. Tệ hơn nữa, là họ sẽ kêu quân Parthes đến giúp họ, hiên nay quân Parthes chỉ chờ có thế. Chúng ta sẽ chẳng có thể chống lại quân Parthes, vì hiện nay quân chúng ta còn đang bận giao tranh với quân Germains ở trên hai chiến trường sông Rhin và sông Danube.

-Thưa hoàng đế, hoàng đế lo ngại như thế là đúng lắm. Tuy nhên, nếu cứ để chuyện lộn xộn về tôn giáo nổi phồng mãi lên, sẽ làm yếu đi việc cai trị của chúng ta, và quân Parthes sẽ thừa cơ…

-Ấy đấy, chính là chuyện ta ngắm đã từ lâu, và ta cũng đồng ý với anh, là làm cách nào để xứ Giu-đê trở thành một tỉnh của Rô ma, như thể trước đây vua César đã làm xứ Gaule trở thành một tỉnh Rô ma. Muốn được như thế, trước hết phải kéo về với ta phe các thầy tế lễ, để nhờ họ phủ dụ những kẻ cuồng tín, bọn này rất đáng sợ vì mới đây quảng trường Đền thờ chìm trong biển máu, là tại bọn cuồng tín này. Rồi cũng phải kéo về với ta nữa, là Công hội Sanhédrin, cùng với các lãnh tụ những đại tộc ở Jerusalem, những người này đều mong cho Jerusalem bình an thái hoà, dẫu chỉ là để họ được thảnh thơi buôn bán.

-Vậy hoàng đế sẽ phát động phương sách nào?

-Hiện nay thì chưa có đề án nào, trừ ra việc gởi thêm một hay hai tiểu đoàn quân đến đấy để phòng hờ, và cứ mặc kệ Archélaus cai trị, ta coi chừng nó. Trong thời gian đó, ta sẽ triệu tập những vị trưởng lão có uy tín nhứt ở Jerusalem, kêu họ về Rô ma họp với ta. Ta sẽ vỗ về họ để họ liên kết với ta, chờ khi Archélaus làm quá bậy, ta sẽ yêu cầu họ đồng ý cho ta hủy bỏ chế độ bảo hộ, đặt xứ Palestine thành một tỉnh của đế quốc.

-Chuyện này cần phải có thời gian …

-Không ngại chuyện này, vì thời gian sẽ làm việc cho ta, và cho đế quốc Rô ma. Chưa từng có ai cai-trị được xứ Giu-đê, ngoại trừ Hérode, nhưng Hérode đã phải áp dụng phương pháp độc tài, và phần khác, dân Do thái chịu đựng y, vì y vừa là vua, vừa là thầy tế lễ cả của họ. Ta sẽ đặt một người làm tổng trấn xứ Giu-đê, nhưng đặt ai, ta kiếm chưa ra. Khi nào kiếm ra, và tuỳ theo tình thế, ta sẽ lưu đày Archélaus. Hiện nay thì cứ để y đấy, y là lá chắn cho ta chống lại bọn thầy tế lễ và thấy thông giáo cứ lăm le chiếm quyền hành.

-Thưa hoàng đế, đúng là phải làm như vậy. Cứ để cho các giáo phái chống lại Đền thờ, nhưng phải cấm họ tuyệt đối không được xen vào đường lối chính trị của chúng ta đối với nước Perse (Ba -tư) và những vương quốc Ả rập đang hình thành ở biên giới chúng ta.

-Những giáo phái đáng lo như thế sao? Đặt một hai tiểu đoàn là đủ cho họ cụt vòi rồi.

-Thưa hoàng đế, chuyện không phải đơn giản như vậy. Có nỗi nguy hiểm về mặt chính trị, nhưng nặng hơn về mặt tinh thần. Những kẻ cầm đầu sách động đang nuôi trong dân chúng một phong trào chống đối trong một tình trạng tinh thần tôn giáo căng thẳng, mà về mặt này, mấy tiểu đoàn cũng chẳng làm gì được.

-Có bao nhiêu giáo phái?

-Có 4 giáo phái. Có 2 giáo phái chỉ hpạt động về mặt chính trị, là giáo phái Pha–ri-si và giáo phái Sa-đu-sê. Thứ ba, là giáo phái Esséniens, hồi đầu năm tôi đã có gởi báo cáo về họ. Thứ tư, là giáo phái Zélotes.

-Ờ, ta nhớ là hồi tháng 2, anh có gởi báo cáo về phái Esséniens. Anh không nói gì nhiều, và trong báo cáo có kể đến một anh Banos. Anh nói là phái Esséniens không đáng lo,vì họ chỉ chủ trương sống đời đạo đức trong sạch để đón Đấng Mê-si-a. Nhưng chưa thấy anh báo cáo gì về phái Zélotes. Bọn này thế nào? Và anh nói đến tình trạng tinh thần tôn giáo ở xứ Giu đê, là có nghĩa gì?

-Phái Zélotes mới thành lập gần đây, đứng đầu là anh Judas de Gamal, còn kêu là Judas Ga-li-lê, và anh Sadduq, một người Pha-ri-si.Chủ thuyết của bọn này như sau đây: đuổi người Rô ma đi khỏi vùng Palestine,vì là dân ngoại giáo, tức là dân ô uế, có mặt ở Xứ Thánh là làm ô uế Đất của Đức Chúa Trời, và nhứt là bắt dân Do thái tuân theo luật pháp mình, mà dân tuyển của Đức Chúa Trời chỉ phải tuân theo luật Môi-se mà thôi. Chủ thuyết này đang lan rộng trong giới bình dân, lan cả đến giới trung lưu.

-Đúng như anh nói, ta phải coi chừng. Và anh có sẵn sàng lại đi qua xứ Do thái coi chừng giúp ta không? Mới đây anh nói là chỉ muốn ở lại Rô ma để viết sách, có phải vậy không?

-Thưa hoàng đế,tôi muốn thế, và đã đem về từ xứ Do thái một mớ sách cổ để nghiên cứu. Nhưng xin tuân lịnh hoàng đế.

Tám ngày sau đó, vì cớ mùa đông đã bắt đầu, Marcellus không thể dùng đường biển, mà phải theo chân đội kỵ-sĩ bưu-chính, bước tới xứ Do thái đang lúc Jerusalem sôi sục, sôi sục chẳng những vì sắp đến lễ Vượt-qua, mà còn vì tình hình chính trị, là chuyện chúng ta sẽ thấy trong chương sau.