Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)



Em tôi - Bà Lê Văn Bắc

Đuốc Thiêng 98, tháng 12 năm 2008



Những ngày chớm đông. Trên đất nước Hoa Kỳ này có bốn mùa rõ rệt. Ở thành phố Dodge City này không biết có ai quan tâm đến chuyện bây giờ là cuối thu hay đầu đông. Thu Lang cuộn tròn trong chiếc khăn len ấm áp, lờ mờ nghĩ ngợi. Thu Lang muốn vùng dậy ra khỏi phòng với gương mặt làm vẻ tươi tắn, đến sở để mọi người thấy nàng khoẻ mạnh và yêu đời. Nhưng nàng vẫn không dứt ra được khỏi hoài niệm ký ức.

Hôm qua là ngày cách đây mười tám năm, Thu Lang xuống thuyền vượt trùng dương để đến một chân trời xa lạ bỏ lại quê hương, người mẹ già dấu yêu không ngày gặp lại. Không khí Giáng sinh tràn ngập khắp thành phố. Khu phố chuyên bán đồ giáng sinh nườm nượp người mua sắm đủ các món đồ chơi cho trẻ em.

Trời đông lạnh lắm. Giáng sinh chỉ còn một tuần lễ nữa, nhưng Thu Lang chẳng còn tâm trí đâu chuẩn bị. Nàng chợt thấy cuộc đời sao vô vị quá, hệt như những khi Thu Lang đối mặt với khủng hoảng gia đình. Những lúc ấy, Thu Lang nghĩ về ba má. Thu Lang nhìn ra ngoài trời thốt lên nho nhỏ: "Ba má ơi! Con biết ba má đang ở cõi Vĩnh Hằng. Con tin như vậy và cũng chính ba má cho con niềm tin đó. Nhưng con nhớ ba má quá!" Im lặng và Thu Lang khóc, khóc mãi đến nỗi ngủ quên lúc nào không hay...

...Nhiều đêm tôi thầm mơ, nghe khúc Thần ca năm xưa. Nhẹ ngân trong không gian đêm Chúa GiêSu sinh ra. Trời tuyết sương phủ trắng, ánh sao long lanh ngời sáng. Máng chiên rọi nguyên hào quang. Đón Chúa giáng sinh trần gian.

Người chăn canh bầy chiên, nghe khúc Thần ca trên cao. Lòng còn đương hoang mang. Thiên sứ báo tin vui sao. Nhờ ánh sao chỉ lối. Các vua băng qua rừng núi. Bê Lem ta vội tìm tới. Tôn vinh Ngôi Hai Chúa Trời.

Dư âm tiếng ca vang khắp. Trời đầy ánh sao. Vinh danh Chúa Cha, trên khắp từng trời rất cao. Hoà bình cho thế giới. Hạnh phúc cho loài người.

Dù bao năm dần qua, như khúc Thần ca năm xưa. Còn như vang không gian, trong tiếng gió xa êm đưa. Mùa sáng sao rực rỡ, đêm vui tưng bừng trần thế. Thiết tha tâm hồn tưởng nhớ. Chúa Con Trời giáng sinh đêm xưa!



Thu Lang thức giấc bởi tiếng hát êm dịu ngọt ngào của người ca sĩ qua nhạc thánh "Khúc Thần ca năm xưa" của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm. Giữa đời sống nhộn nhịp trên xứ người, chỉ một bài ca cũ, một dòng nhạc Giáng sinh quen thuộc bất chợt nghe đâu đó, bỗng đem Thu Lang vượt thời gian trở về ngày tháng cũ, những ngày tháng tóc bom bê (bombé) tung tăng cấp sách đến trường, rồi tuổi dậy thì bắt đầu ươm mộng.

Mùa giáng sinh lại về, tất cả rực rỡ, hân hoan báo tin cho mọi người biết mùa Nô-ên đang đến và những tờ lịch của một năm sắp phải ra đi. Nhưng hôm nay, cảnh rộn rịp tươi vui ngoài phố làm Thu Lang tủi thân. Thu Lang buồn vì giữa lúc thiên hạ nô nức đón mừng Chúa ra đời mà nàng lại ngồi yên trong phòng vắng lạnh lẽo. Buồn! Thu Lang muốn khóc để bao nỗi khổ được tuôn ra. Nhưng nàng không khóc được. Thu Lang bỗng nghe hơi lạnh của gió đông chạy luồn trong tâm hồn, nàng buồn miên man nhớ lại những mùa Giáng sinh trên quê hương Việt Nam đang sống lại trong lòng nàng rõ hơn bao giờ hết...



Chiều nay, gió trở mình trên những vòm lá biêng biếc, mơ màng như những đám mây trôi dật dờ trên nền trời xanh. Bỗng tiếng người anh cả của Thu Lang cười la lên: "Thiên sứ bay xuống sông bây ơi!". Đó là một kỷ niệm mà Thu Lang không bao giờ quên, lúc đó Thu Lang lên tám. Đêm 24 lễ Giáng Sinh, Thu Lang đóng vai thiên sứ báo tin mừng "Chúa vào đời" cho mấy người chăn chiên trong một vở kịch ngắn. Có lẽ mừng vì áo mới, chiếc áo đầm trắng tuyệt đẹp. Thu Lang bước trên cầu lên bờ, luýnh quýnh thể nào trợt ngay xuống nước. Người anh cảvừa nhảy xuống sông vớt nàng lên vừa cười nói như thế trong khi Thu Lang khóc nhiều lắm, lúc đó cả nhà quýnh quáng la hoảng hốt.

Thu Lang là con gái út của ông bà Tám, một gia đình hết mực kính yêu Chúa gồm chín anh chị em. Thu Lang sống giữa tình thương yêu cưng chìu của cha mẹ và anh chị. Từ nhỏ cho đến lớn, Thu Lang chưa từng bị ba má rầy la hay mắng một câu.

Mỹ Tho, Thu Lang đã bắt đầu bước vào đời bằng một thời mực tím, sống động và đẹp đẽ ở nơi đây. Giờ đây trước mắt nàng, hiện lên hình ảnh quê hương Việt Nam và thành phố Mỹ Tho tha thiết mặn nồng. Những năm xa nhà, xa quê hương Thu Lang nhớ quá! Sự tái hiện tuổi thơ của người con xa xứ trong khung cảnh một thành phố hiền hoà, ở đó có buội chuối, cây xoài, cây mít, cây dừa... dòng sông bến nước... bao hình ảnh gợi nhớ, nung nấu lòng nàng một ngày về mà nàng không thực hiện được. Thu Lang nhớ bốn câu thơ lúc còn Tiểu Học, nàng cùng các bạn thường đọc rồi cười tít mắt:

Hỏi bài em không thuộc
Hỏi bút em không mang
Chiều về không nói được
Thầy ôm trời lang thang

Có một điều rất thật, là các học trò làm thầy cô buồn không ít. Những ngày làm cho thầy cô vui rất hiếm hoi. Đến khi Thu Lang đã làm cô giáo rồi mới thấm thía điều nầy. Hoài niệm nào cũng mang theo thứ ánh sáng êm dịu của nét đẹp xưa. Và như thế, thời gian cứ âm thầm trôi đi, trôi mãi bên ba má thân thương cùng đạm bạc trong nghề gỏ đầu trẻ của nàng.

Ba của Thu Lang thật khiêm tốn, hiền hoà, nhân ái, vui tính thương yêu tất cả mọi người. Ba của nàng hễ tiếp xúc với bất cứ ai, thì người đó sớm muộn gì cũng tin nhận Chúa. Đời sống của ông Tám là ba nàng rất công bằng, bởi con người đi qua, ánh sáng để lại. Ông đã hi sinh quãng đời vàng son của mình để đưa dắt nhiều linh hồn về với Chúa. Những trang sử gia đình còn lưu giữ như là chứng tích của một thời tận hiến, mà người đã tạo điều kiện cho ba nàng hoàn thành nhiệm vụ cho Chúa là má nàng.

Thời gian cứ bình lặng trôi qua sau ngày 30.4.75. Đất ngước tuy đã hoà bình rồi, quê hương đã không còn tiếng súng, nhưng lòng người còn ly tán hơn cả trong thời chiến tranh. Những đêm buồn lòng Thu Lang ngổn ngang khi nghĩ đến ngày mai... Thì đau đớn thay, ba của nàng, chỗ dựa tinh thần của nàng đã ra đi vĩnh viễn về với Chúa vào mùa thu 1989. Lúc nầy, Thu Lang bình tĩnh đón nhận tin khắc nghiệt đến với nàng. Và nếu không ai sẽ là người phải lo cho ba nàng trong lúc nầy. Cuối cùng, chỉ một mình người con gái út lo cho ba mồ yên mả đẹp, mặc dầu các anh chị của Thu Lang rất giàu, trong khi Thu Lang phải vay vàng lo đám cho ba nàng.

Sau khi chôn cất ba xong, chỉ còn lại hai mẹ con, ngôi nhà vắng vẻ lạ lùng. Hình dáng, nụ cười, tiếng nói... đâu đâu cũng in hình bóng ba. Len lén nhìn má, Thu Lang quay nơi khác chùi nước mắt. Tôi nghiệp má quá! Nhưng đến một ngày kia, sau khi ba nàng về nước Chúa không lâu, mà vuốt tóc nàng, giọng rắn rỏi nói:

-Má muốn con đi ra nước ngoài sống đi con!

Ngạc nhiên, Thu Lang nhìn má nàng hỏi lại:

-Tại sao má muốn con ra nước ngoài sống? Con đi rồi ai lo cho má? Ba mới mất mà, làm sao con đi cho được.

Ngưng giây lát, Thu Lang khóc nói trong nước mắt:

-Con không đi. Con ở lại với má.

Nói xong, Thu Lang đứng lên đi ra trước sân trong khi nước mắt tuôn dài trên má. Nhưng câu chuyện đi ra nước ngoài làm Thu Lang thắc mắc, suy nghĩ mãi nhiều tháng. Một hôm, sau buổi cơm chiều, Thu Lang cười hỏi:

-Con vẫn không hiểu vì sao má muốn con đi xa hả má?

Bà Tám nhìn con gái rồi quay sang nơi khác nói giọng buồn buồn:

-Con phải đi! Khi má về với Chúa rồi, con không ở yên trong căn nhà nầy đâu?

Thu Lang vẫn không hiểu vì sao má nàng lại nói như vậy. Thu Lang vẫn không muốn đi xa, nàng muốn ở lại bên người mẹ hiền dù khó khăn gian khổ gì nàng cũng cam chịu. Khi má nàng về với Chúa lúc đó tính sau. Nhưng bà tám thúc giục mãi và khuyến khích nàng nên đi sớm, Nhiều lúc Thu Lang cười nói với bà Tám:

-Má à! Má thử nói: "Lang đừng đi con, ở lại với má! Má nói chơi thôi."

Bà Tám lắc đầu nói:

-Không, con nên đi. Má rất vui lòng Lang à!

Thật, bà Tám rất can đảm. Mặc dầu Thu Lang là nguồn an ủi, nguồn tiếp trợ duy nhất của bà. Nhưng bà biết trước, cuộc sống sau nầy khi bà nằm xuống, nên bà giấu đi sự buồn đau để con gái yên lòng ra đi.

Sự cứng cỏi của má, Thu Lang đành chịu thua. Tình cảm dồn nén bấy lâu nay khi Thu Lang nhìn vào đôi mắt của má dõi theo nàng từng ấy năm dài. Và cứ thế, nước mắt Thu Lang rơi mãi không dứt. Lầu đầu tiên trong đời Thu Lang cảm thấy mình sắp thiếu vắng đôi bàn tay ấm áp.

Mây chiều vần vũ bên hông nhà, lòng Thu Lang chùn xuống. Một luồng gió mát lọt qua khe cửa. Bà Tám kêu lạnh. Thu Lang lấy chiếc áo máng gần đó choàng lên người bà Tám mà nước mắt chảy dài xuống môi mặn chát. Cả bầu trời sụp tối trong bóng chiều nhập nhoạng mênh mang bí mật. Sương đã bắt đầu rơi. Một làn mây trắng đang lướt nhẹ bay về phía trước.



Thu Lang còn nhớ hôm nàng từ biệt má để xuống thuyền vượt trùng dương ra nước ngoài, nàng khóc thật nhiều thương má từ nay cô đơn một mình. Bức thư Thu Lang viết nhờ má trao lại các anh chị dặïn dò, nhắn nhủ, gửi gắm, không biết các anh có thực hiện đúng như lòng Thu Lang mong muốn hay không? Thu Lang đã thấy sẽ là một điều đáng nhớ nhất trong đời nàng: "Con sẽ được Chúa gìn giữ tới nơi bình an, má tin chắc như thế". Bà Tám nghẹn ngào trao cho Thu Lang chiếc áo thân quen để con gái thấy nó nhớ đến bà và cầu nguyện. Thu Lang cầm chiếc áo thân yêu của má áp vào lòng nói: "Vĩnh biệt quê hương. Vĩnh biệt má. Xin Chúa luôn ở cùng má con".

Thu Lang thì thầm mắt dõi theo bóng đen khuất dần trong màn đêm.

Thu Lang hiểu trong thâm tâm của người mẹ là luôn mong đứa con gái út của bà thành công trên đường đời. Má nàng là sự bắt đầu của một tình mẹ vĩ đại nhất. Trong những lúc gần gũi bên mẹ. Thu Lang nhận thấy má nàng rất quí yêu con cái, rất cao thượng và rất tự trọng. Má nàng luôn cam chịu mọi thử thách, khó khăn, đau khổ trong cuộc sống sắp tới khi thiếu vắng đứa con gái nầy.



Đuốc Thiêng 98

1 Trái Tim của Phúc Âm - ĐTPÂ
2 Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu - TĐ Nguyễn Đình Liễu
3 Thơ: Hạnh phúc đêm đông - Trần Nguyên Lam Bửu
4 Thơ: Mục đồng gặp Chúa - Linh Quyền
5 Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta - Quyền Linh
6 Kéo các ngươi đến cùng ta - MS Trần Hữu Thành
7 Thơ: Đêm xưa ấy - Bình Tú Ngọc
8 Đường đến thiên đàng - Nguyễn Đình Bùi Thị
9 Thơ: Thương cảm - Võ Chánh Tiết
10 Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
11 Xứ Do Thái hồi Chúa Giê-xu sinh ra - Mai Đào
12 Thơ: Tiếng chuông ngân - Emmanuel
13 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
14 Em tôi - Bà Lê Văn Bắc




Những ngày tàu của Thu Lang lênh đênh trên mặt biển, cộng thêm một tháng nơi hoang đảo cực khổ biết dường nào. Nhưng Thu Lang tin chắc Chúa sẽ giúp đở, giữ gìn, bao phủ nàng. Cảm tạ ơn Chúa đã nghe lời cầu xin của nàng. Chúa đã nhậm lời đưa một chiếc tàu của Mỹ cứu giúp và đưa cả đoàn người trên tàu gồm 75 người đến đảo Galang. Và đã ban phước cho nàng gặp lại gia đình người anh thứ Chín đã vượt biển trước nàng 3 năm. Cám ơn Chúa một sự đoàn tụ hiếm có. Tại đây, thiếu thốn mọi bề, nhưng Thu Lang cùng tất cả mọi người đều chấp nhận để rồi lần lượt cũng sẽ được ra đi định cư ở nước thứ ba. Sau đó, Thu Lang kết hôn với một thanh niên cùng đi chung chiếc tàu với nàng.

Lần lượt gia đình anh Chín được định cư sang Mỹ tại tiểu bang California, sau đó sang tiểu bang Kansas. Đến tháng 4 năm 1993, Thu Lang cùng chồng định cư tiểu bang Kansas cho đến nay. Những ngày đầu đặt chân trên đất nước xa lạ nầy, Thu Lang không sao ngủ được. Cảnh lạ, người lạ nhất là không cùng chung một ngôn ngữ... làm Thu Lang bỡ ngỡ, lo lắng vô cùng.

Đến năm 1995, người chị thứ tám của Thu Lang ở Denver, Colorado trở về quê hương thăm má, trở qua Mỹ chị cho Thu Lang biết tin tức về má, làm nàng rất đau lòng. Vì quá nhớ thương Thu Lang, đồng thời quá lâu không nghe tin tức, má nàng ngã bệnh mấy tháng liền. Đến khi biết được Thu Lang đến đảo bình an và gặp lại anh thứ chín của mình, má nàng vui mừng và tạ ơn Chúa, hết bệnh sau đó. Má nói với chị:

-Má buồn nhớ em con quá, má ngồi tại đi-văn (divan) nầy may tay từng miếng vải hình tam giác nhỏ thành hình những chiếc áo gối cho đở buồn. Bây giờ má thấy hiu quạnh quá: "Vì là gái sinh ngoại tộc mà con!". Vì vậy má bảo em con phải đi ra nước ngoài, má biết em con xa má, má rất buồn khổ, cô đơn, nhưng có Chúa an ủi má!

Chị trở qua Mỹ chị nghẹn ngào nói với em:

-Nhìn những chiếc áo gối công phu của má, chị không cầm được nước mắt. Chị biết má nhớ em nhiều lắm và những lời má nói ở trên, má quyết định bảo em phải đi dù biết rằng má khổ đau tột cùng, nhưng phải hi sinh cho con.

Hôm đầu tiên ngủ trên giường êm nệm ấm, mặc đầu trên quê nhà Thu Lang đã trải qua, nhưng hôm nay sao lòng nàng tẻ nhạt cô đơn quá. Tiếng xe ngoài đường âm thầm nối đuôi nhau suốt đêm gợi thêm cho Thu Lang thêm lo âu, cả đêm Thu Lang không ngủ được dù đã thắm mệt, bên cạnh chồng nàng đã ngủ ngon. Mấy căn nhà bên cạnh cũng tắt đèn gần hết.Nàng nhớ nhà, nhớ ba má, nhớ người thân và cảm thấy hối hận. Nếu không vì lời má, thì giờ nầy Thu Lang ngủ yên bên cạnh má, không lo lắng, không cô đơn.

Đêm bỗng dài vô tận, nhịp đồng hồ từng tiếng tíc tắc vọng đều trở nên lạnh lùng buồn bã. Thời gian cứ trôi qua đều đặn, nuối tiếc gì trong khoảng không tĩnh lặng, mơ mộng gì giữa tiếng hư vô. Bao năm tháng trên đảo, tuy thiếu thốn, cực khổ, đôi khi không đủ no lòng, nhưng cũng đọng lại trong tim nàng những kỷ niệm khó quên. Ngoài kia, mưa tuyết lại rơi, những giọt mưa gõ nhịp đều đều trên mái tôn che trước hiên nhà càng làm Thu Lang buồn thêm.

Thoáng xa, thoáng gần trong không gian im ẳng có tiếng chim sẻ lích chích kêu khẽ, tai nghe mà tâm trí nàng nhớ má quá. Giờ nầy má đang làm gì hả má? Chắc nhớ con lắm. Con cũng vậy, con đang nhớ và nghĩ về má đây.

Nhưng cuộc đời vốn không đẹp như lòng người mong muốn. Thu Lang vốn tính an phận, hoà nhịp với cuộc sống mới, không phàn nàn hay nuối tiếc dĩ vãng. Bản chất thực tế và giản dị, suốt cuộc đời chỉ lo cho chồng. Thật ra hạnh phúc gia đình nào cũng có những lúc êm đềm, sóng gió cùng những khi vui buồn, phức tạp. Những nét sâu đậm để nhớ, khó phai mờ và dễ dàng tha thứ cho nhau mỗi lúc giận hờn là những gì mình biết sống cho nhau và tất cả vì nhau. Thu Lang vẫn biết như thế, song chồng nàng không phải là người dễ dàng thuyết phục, dễ dàng phục thiện và dễ dàng cho người thân xây dựng. Anh ấy là thành phần cá biệt, luôn không hài lòng với những gì mình đang có. Như người tàn tật mơ được lành lặn. Kẻ chột ước sáng cả hai mắt. Người có đủ hai mắt mong được đôi mắt đẹp. Người đẹp một thì muốn hai. Hoa khôi cả làng thì mong đẹp nhất nước. Họ là những khát vọng không bao giờ thoả mản của con người. Anh ấy không hiểu rằng tất cả chúng ta đều được sinh ra để yêu. Đó là nguyên lý sinh tồn và cũng là cứu cánh duy nhất, mà người đàn bà sẽ không là tôi tớ hay vật sở hữu của người đàn ông mà họ yêu thương.

Tình yêu là điều quan trọng của mỗi đời người. Một tình yêu đứng đắn sẽ khiến hai người giúp đỡ lẫn nhau, hỗ trợ trong công việc như trong hạnh phúc gia đình sau nầy. Bao năm sống chung. Thu Lang chỉ chuốc lấy những xót xa ê chề đã khắc từng ly trong trí nhớ nàng, lờ mờ như khu vườn trong những lớp mưa xoá sạch. Nhiều lúc Thu Lang thì thầm thưa với Chúa:

-Chúa ôi! chung quanh con đầy ước mơ, nhưng sao bóng tối vẫn giăng đầy. Chúa dạy con tình yêu cần nhiều bao dung, mà sao đời con lắm ngang trái đến vậy?

Mỗi lần than thở cho số phận thì Thu Lang liền lấy quyển Kinh Thánh ra đọc, suy gẫm để được an ủi, để vơi đi nỗi buồn đau trong tâm hồn. Và ngày lại ngày, nỗi buồn làm tổ trong lòng nàng. Trước bầu trời xám xịt, Thu Lang ngồi khâu trong im lặng. Trong buổi chiều đông rét mướt, nàng đang khâu những mùa đông đời mình.

Cảm tạ ơn Chúa, Ngài luôn dìu dắt, nâng đở, quan phòng Thu lang trong những lúc đau khổ nhất. Ai cũng có một đời để sống. Nỗi bất hạnh nào rồi cũng nguôi ngoai. Vết thương nào rồi cũng lành với thời gian. Tuy nhiên có một nỗi bất hạnh sao bao nhiêu năm dài vẫn còn đó là nỗi bất hạnh không được nhìn mặt má trong giờ phút cuối cùng má về an nghỉ trong nước Chúa. Đó là điều làm nàng ân hận mãi không nguôi.

Gió chiều quấn quít theo nhau chạy qua thềm. Hương dạ lý ngọt ngào, thơm ngát xua đuổi giùm nàng những chuyện không may sống bên chồng. Tâm hồn thoáng chốc thơ thới, nhẹ lâng, Và nàng bỗng nhớ Mỹ Tho vào đông...

Chiều nay thành phố Doge City không tĩnh lặng. Chiều cuối tuần, chiều của sự sum họp gia đình. Những đứa bạn của con đang vui sướng, chúng bàn với nhau về đưa mẹ của chúng nó đi sắm Nô Ên cho bửa ăn nửa đêm. Má ơi! Con bước vội ra khỏi sở, môi cắn chặt. Con thì thầm gọi má ơi mà nước mắt chảy dài.

Trời buốt giá, cái lạnh của mùa đông như đồng cảm. Dòng xe vẫn đi, có ai biết được nỗi buồn của con không má ơi!



Bầu trời Denver hôm nay xám đục, sắp có tuyết hay mưa. Cây cối hai bên đường gầy khô trơ cành trụi lá, co ro, dựa dẫm vào nhau cho đở đi cơn gió rét. Mặc dầu trời buốt giá, nhưng những gia đình con cái Chúa vẫn phải vượt đường dài để đến dự lễ Giáng Sinh. Quang cảnh nhà thờ Việt Nam nơi tôi hầu việc Chúa thật tưng bừng rộn rịp, nơi đây tôi đã tìm lại hình ảnh Nô-ên trên quê nhà. Lòng tôi thấm đượm một nỗi buồn man mác . Bao nhiêu kỷ niệm xa xăm về mùa Giáng sinh sống lại đầy vơi trong lòng tôi. Giờ đây những ký ức lại nẩy nở rõ ràng hơn nữa. Tôi buồn, một nỗi buồn không sao diễn tả được.

Mỗi người Việt Nam tị nạn hình như đều mang tâm hồn hoài cảm tìm ẩn. Dù họ may mắn thành công trên đường xây dựng sự nghiệp, vẫn mang nỗi sầu xa xứ, thương xót quê hương trong cảnh gia đình ly tán nhất là vào dịp Tết hay lễ Giáng Sinh.

Quê hương là nơi ta sinh ra, ai cũng biết, nhưng quê hương yêu dấu đến chừng mực nào thì có lẽ chỉ có những người đi xa mới hiểu. Như người em gái út của tôi là Thu Lang. Ở đây có những buổi cơm cuối tuần ngon miệng, tôi thường nói với các cháu :

-Ngày nào mình còn ăn cơm, còn nhìn thấy những hạt gạo. Ta phải tạ ơn Chúa đã ban phước cho ta được sống trên một đất nước mạnh giàu nhất thế giới. Ta phải hãnh diện, phải nhớ mình là người Việt Nam. Riêng tôi vẫn không quên được những lời ân hậu, những nghĩa cử cao đẹp, những việc làm chân thành đượm tình bè bạn trong Chúa, những ngày lận đận, những bửa cơm thanh đạm nhưng chất chứa biết bao ân tình.

Em tôi, một phụ nữ yếu đuối, nhưng những điều em làm như gởi quà về cho gia đình, cho các đầy tớ Chúa và Hội Thánh là những nơi đã in dấu gót chân miệt mài của ba chúng tôi đưa dắt nhiều linh hồn về cho nhà Chúa, cho các gia đình cô nhi quả phụ của đầy tớ Chúa em đều góp phần không phải là nhỏ.

Em tôi có tấm lòng yêu thương mọi người, kể cả những người bạn ngoài đời sẵn sàng giúp đở nhiều về mọi mặt.

Những việc làm cùng lời nói ân hậu của em không phải bất cứ ai, người giàu có, có địa vị nào cũng có thể làm được. Nó phải phát xuất từ một tình yêu cao thượng và tấm lòng nhân ái. Tôi không đủ lời về em tôi sự hy sinh của em đều đáng quí.

Qua việc làm của em, tôi nhận ra rằng: "Tình yêu là lẽ sống". Quá đơn giản, quá bình thường nhưng đôi khi ta lại chẳng nhận ra. Nhưng rồi một ngày kia, mọi người đều nằm xuống và trên đời chẳng có ai tưởng nhớ đến mình nữa và lúc đó chúng ta sẽ được tiếc thương trong chốc lát để rồi mãi mãi bị quên lãng theo năm tháng. Nhưng tình thương dù ngắn ngủi thế nào cũng là đủ. Tình thương bao giờ cũng theo quy luật tự nhiên có vay có trả. Thương người để được người thương. Ngôi nhà thờ là nơi quy tụ tình thương và chỉ có tình thương mới có ý nghĩa và tồn tại vĩnh viễn. Vì tình thương là sợi dây tâm linh kết hợp con người với nhau và cũng là liều thuốc mầu nhiệm hàn gắn được những mất mát đổ vở trong đời người.

Mặc dầu trong cuộc sống bận rộn nơi xứ người, nhưng lòng người xa quê hương cứ vào dịp Nô-ên về, mọi người hầu như ngậm ngùi nghĩ về những ngày Giáng sinh nơi quê nhà. Nhưng rồi, cuộc sống lâu ngày cũng thành quen dần. Vì ngày đón mừng Chúa vào đời đúng vào giữa mùa đông lạnh lẽo. Tôi nhớ những mùa Giáng sinh trên quê nhà, nhớ những đêm dạo chơi ngắm đèn ngôi sao, cùng những dây kim tuyến lấp lánh... nay chỉ còn là kỷ niệm.

Ngoài trời những bông tuyết bay lất phất trên những cành cây trụi lá. Một chập, tuyết ngưng rơi, không gian như lắng đọng giữa một vùng đồi núi mênh mông quạnh quẽ. Một chút nắng hiếm hoi rọi lên những chùm bông tuyết lấp lánh trên những hàng cây thông đu đưa trong gió, một vẻ đẹp làm tê tái lòng người.

Thắm thoát đã hơn 18 mùa Giáng sinh rồi. Tôi nhìn mênh mông ra sân vắng. Trời đã về chiều, ánh vàng đã khuất sau dãy núi Rocky, xa xa đèn thành phố rực sáng. Thoang thoảng trong gió, trong trời đất và trong nhà thờ tiếng hát dễ thương của Khải Huyền, đứa cháu nội của tôi làm lòng tôi dâng tràn cảm xúc:

-"Ngày xưa sông núi xinh tươi con người đang sống an vui bên Chúa Trời. Thời gian man mác êm trôi bỗng người xa Chúa nên tội tràn nơi nơi. Chúa đã hứa ban Con Ngài yêu dấu sinh nơi dương thế u sầu. Huyết thánh nhuốm trên địa cầu để cứu bao người đang thương đau...



Nhìn phố xá đầy ánh đèn đủ sắc mừng đón Chúa Jêsus giáng trần đêm nay như mời gọi, lòng tôi cảm thấy ấm áp vô cùng. Bên ngoài nhà thờ, gió rít từng cơn. Đêm vẫn trải dài đều vào trần gian những bước êm và chậm... Tuyết vẫn bay bay...