Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)



Giêrusalem, 4000 năm lịch sử- Lạc Hồ

Nguyên tác: sách "Les croisades vues par les arabes" - Thập tự chinh dưới mắt người A rập. Nhà Xuất bản: JC Lattès, Paris, 1983
Tác giả : Amin Maalouf
Trích dịch : Lạc Hồ
(coi Đuốc Thiêng từ số 3)

Đuốc Thiêng 98, tháng 12 năm 2008




Chương 51/4 : Hai ngàn ngày trước tripoli



Tripoli thất thủ.

Sử-gia Ibn al-Qalanissi chép: "Quân Franj đem toàn lực ra tấn công Tripoli, đẩy nhiều đài di-động đến sát tường thành. Khi dân trong thành thấy quân Franj tiến lại cách quá dũng mãnh, họ mất hết can đảm, vì họ hiểu rằng mất thành là cái chắc. Lương thực trong thành đã cạn, mà đoàn chiến-thuyền Egypte chờ mãi không thấy. Tội nghiệp cho họ, Đức Chúa Trời đã quyết-định đoàn chiến-thuyền bị gió ngược, Ngài muốn vậy".

Hai bên đánh nhau kịch liệt, rồi ngày 12 tháng 7 năm 1109, quân Franj chiếm được thành. Sau 2000 ngày chiến đấu, thế là chấm dứt số phận thành-phố của các thợ vàng thợ bạc, của các thư viện, của các thuỷ thủ gan dạ, các chiến binh can đảm, nay bị tàn phá hết. Thư-viện Darem-Ilm chứa 100 ngàn cuốn sách, bị cướp rồi bị đốt hết, chúng nói là sách "phản-giáo", phải diệt cho hết. Tài sản trong thành bị quân Franj cướp, dành riêng cho vua Baudoin những thứ vua thích, phần còn lại chia ba, một phần về tay quân thành Gênes, 2 phần về tay con trai tướng Saint-Gilles. Đa-số dân trong thành bị bán làm nô lệ, những người còn sót lại bị bóc lột hết, và bị đuổi đi nơi khác. Trong số này, nhiều người đi đến hải cảng Tyr. Về phần Fakhr el-Moulk, anh này về ở ngoại ô thủ đô Damas, và sẽ chết già ở đấy".

Còn đoàn chiến thuyền Egypte thì ra sao? Ibn al-Qalanissi viết: "Họ đến Tyr 8 ngày sau khi Tripoli thất thủ, mọi chuyện đã xong, vì Trời đã muốn phạt dân thành Tripoli như thế".

Tiến đánh Beyrouth.

Sau Tripoli, quân Franj nhắm đến Beyrouth. Tháng 2 năm 1100, 5 ngàn dân thành Beyrouth ra sức chống cự, liên tiếp đốt cháy các đài di động. In al-Qalanissi chép: "Quân Franj chưa hề phải đối phó với sự chống trả mãnh liệt như thế, từ trước chẳng có, mà về sau cũng chẳng có". Quân Franj không tha, sau khi chiếm được thành ngày 13 tháng 5, họ giết hết mọi người. Giết để làm gương.

Tiến đánh Saïda.

Qua mùa hè, quân Franj tiến đánh hải-cảng Saida, tức là Sidon xưa dưới thời người Phê-ni-xi. Saida có tường thành vững chắc đặc biệt, trong lịch sử tường này bị phá đi, xây lại nhiều lần, đến nay ta còn thấy những phiến đá khổng lồ chọi với sóng biển Địa-trung. Dầu vậy, dân trong thành hồ hởi lúc quân Franj bắt đầu cuộc chiến, nay chẳng được lâu, họ mất hết chí chiến đấu. Họ gởi đại diện tới xin đầu hàng để được sống, vua Baudouin chấp thuận, và thành này đầu hàng ngày 4 tháng 12 năm 1110. Lần này không có tàn sát, dân trong thành ồ ạt tản cư tới Tyr và Damas, lúc này đã đông nghẹt người tản cư.

Khởi đầu thánh chiến.

Chỉ trong khoảng 17 tháng, 3 thành phố nổi tiếng nhứt của thế giới Ả-rập bị chiếm, bị tàn phá, dân cư bị giết, bị lưu đày, mọi chức sắc phải tản cư, các đền hồi giáo bị phá hại, xúc phạm. Có lực lượng nào đây chăng, để ngăn quân Franj tiến tới chiếm Tyr, Alep, Damas, Caire, Mossoul, và cả Bagdad nữa? Có còn ý chí kháng chiến hay không? Trong giới lãnh đạo, chẳng còn. Nhưng mầm của cuộc thánh chiến, (tiếng arabe kêu là jihad), bắt đầu phát sinh trong dân chúng. Lâu nay, từ-ngữ này chỉ dùng để nói suông trong các diễn văn, nay sẽ thành sức mới trong dân chúng. Đã 13 năm, bọn quân Franj sỉ nhục chúng ta quá chừng, nay là lúc phải đứng lên rửa nhục. Đó là đại ý lời kêu gọi của một tu-sĩ nhỏ ở Alep, nhỏ chức và cũng nhỏ người, nhưng không nhỏ tiếng nói, tên là Abdou-Fadl Ibn al-Khachab (từ nay, để tiện cho các độc giả, sẽ chỉ kêu là Khachab). Độc giả còn nhớ 12 năm trước, anh al-Harawi đã đến thủ đô Bagdad gây náo động, kêu gọi thánh chiến, nhưng không thành công, vì quốc vương lơ là. Lần này hành động của al-Harawi được Khachab tái diễn, và thành công rực rỡ, chúng ta sẽ thấy trong chương sau.



Chương 51/5 : Tu Sĩ Kháng Chiến



Khachab gây náo động.

Thứ sáu 17 tháng 2 năm 1111, Khachab dẫn đồng bọn đến Bagdad, uà vào đền hồi-giáo của sultan (quốc vương). Bọn người rất đông này là dân thành Alep, trong số này có một tu-sĩ dòng hachémite, thuộc dòng dõi của tiên tri Mahomet.

Theo sử gia Qalamissi, họ ùa vào, tới chỗ đài giảng dạy, đuổi giảng viên ra, đập bể đài, kêu la rầm rĩ, vừa khóc vừa kể những nỗi khổ do quân Franj gây ra cho người hồi-giáo, đàn ông bị giết, đàn bà và trẻ em bị bắt làm nô lệ. Thấy hành động của họ ngăn trở không cho các tín đồ cầu nguyện, ban quản-trị đền thờ dỗ cho họ yên bằng cách nhân danh quốc vương, hứa với họ là sẽ đưa quân đi đánh bọn Franj, và đánh tất cả những kẻ ngoại-giáo.

Những lời hứa suông không làm họ thoả lòng, thứ sáu sau đó, họ lại biểu tình, lần này ở đền thờ của chủ tịch thành phố. Lính canh bị họ gạt ra bên, họ đập bể đài giảng dạy dầu đài này rất đẹp, có khắc những câu kinh Coran; tệ hơn nữa, họ chửi rủa luôn cả tiên tri Mahomet, gây lộn xộn cả thành Bagdad. Họ làm cho Moustazhir, chủ tịch thành phố nổi giân,vì họ gây rối luôn cho vợ y, bà này là em gái quốc vương, đi tham quan thành phố Ispahan nay trở về Bagdad, có đoàn tùy tùng đông đảo và lịch sự đi cùng, bị đoàn biểu tình ngăn trở. Moustazhir ra lịnh bắt đoàn biểu tình bỏ tù hết, nhưng quốc vương ngăn lại, còn ra lịnh phải thành lập quân-đoàn đi đánh quân Franj. Quốc vương rất lo ngại cho tình hình, từ khi được tin quân Franj đã chiếm hải cảng Saida, lại còn bắt dân thành Alep phải nộp tiền cống và chịu đủ thứ nhục nhã.

Chúng ta nhớ lại rằng Tancrède cầm đầu quân Franj đã chiếm Antioche, và sau đó đem quân đi đánh thành Alep. Thành Alep xin hàng, Tancrède bắt họ phải nộp cống hàng năm 20 ngàn đồng dinars, phải để Tancrède chiếm 2 pháo đài kế bên Alep, phải nộp 10 con ngựa đẹp nhứt, để tỏ dấu hiệu là chịu phục, phải dựng thập-tự trên nóc đền hồi-giáo, v.v. Tiểu vương Redwan, chủ thành Alep, muốn được yên thân, nhất nhất tuân theo những lời Tancrède yêu cầu, làm cho dân chúng trong thành rất tức giận, người tức giận hơn cả là Khachab. Khi Khachab thành lập phái đoàn để đi Bagdad cầu cứu, Redwan không đồng ý, vì không muốn lôi thôi, sợ rằng Tancrède sẽ làm khổ mình khi thấy quân Bagdad tới gần. Tuy nhiên, Radwan cũng để cho phái đoàn ra đi, tính thầm rằng phái đoàn sẽ chẳng gặt hái được gì, bởi vì trước đây đã có bao nhiêu phái đoàn tới Bagad cầu cứu mà phải về tay không.

Quân thánh chiến lên đường, nhưng không tranh chiến.

Nhưng lần này, tiểu vương Readwan tính lầm. Sau cuộc biểu tình của Khachab, quốc vương Bagdad ra lịnh cho tướng Mawdoud, tỉnh trưởng thành Mossoul, phải đem ngay một đoàn quân hùng hậu, đi tiếp cứu thành Alep, ra lịnh cho các chủ thành lân cận phải đem quân đến tham gia.



Đuốc Thiêng 98

1 Trái Tim của Phúc Âm - ĐTPÂ
2 Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu - TĐ Nguyễn Đình Liễu
3 Thơ: Hạnh phúc đêm đông - Trần Nguyên Lam Bửu
4 Thơ: Mục đồng gặp Chúa - Linh Quyền
5 Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta - Quyền Linh
6 Kéo các ngươi đến cùng ta - MS Trần Hữu Thành
7 Thơ: Đêm xưa ấy - Bình Tú Ngọc
8 Đường đến thiên đàng - Nguyễn Đình Bùi Thị
9 Thơ: Thương cảm - Võ Chánh Tiết
10 Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
11 Xứ Do Thái hồi Chúa Giê-xu sinh ra - Mai Đào
12 Thơ: Tiếng chuông ngân - Emmanuel
13 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử- Lạc Hồ
14 Em tôi - Bà Lê Văn Bắc










Khachab trở về Alep báo tin cho Redwan. Redwan vẫn cầu cho Khachab đừng thành công, nay giả bộ vui mừng, lại tuyên bố là sẽ tham gia thánh chiến. Nhưng đến tháng 7, khi có tin là quân của Mossoul đã tiến đến gần Alep, Redwan hoảng sợ. Y sai đóng chặt hết mọi cổng thành, bắt giam Khachab và đồng bọn những kẻ hăng hái nhứt, sai quân đi tuần khắp vòng thành, ngăn không cho dân chúng tiếp xúc với quân Mossoul.

Những diễn tiến tiếp theo cho thấy là y có lý. Đoàn quân Mossoul bị thiếu lương thực, vì Bagdad không gởi lương thực đến kịp như đã hứa, họ phải đi cướp lương thực ở vùng ngoại ô Alep. Rồi có bất hoà giữa tuớng Mawdoud và các tướng khác, đoàn quân Mossoul tự tan rã, chẳng đánh được trận nào.

Hai năm sau, tướng Mawdoud lại kéo quân tới vùng này để đánh quân Franj, tụ tập được quân của nhiều thành trong vùng, trừ thành Alep, vì Redwan không tham gia. Bởi thế họ không đóng quân gần Alep, mà lần này, họ đóng ở bên thành Damas, sửa soạn tấn công Jerusalem. Chủ thành phố Damas là Toghtekin, anh này này giả bộ vui mừng vì quốc vương ra lịnh cho mình tham gia thánh chiến, nhưng trong bụng y cũng nghĩ như Redwan, lo cho số phận mình, lại sợ rằng Mawdoud sẽ chiếm thành Damas của mình. Y tính chuyện giết Mawdoud.

Một sử gia ở Damas ghi như sau: "Ngày 2 tháng 10 năm 1113, Mawdoud đi vô đền thờ để cầu nguyện mỗi ngày như thường lệ, cùng đi có tướng Toghtekin, tướng này đi trước cùng với đông đảo quân sĩ, tay cầm khí giới sáng ngời, rất uy nghi, tướng Mawdoud đi sau, được dân chúng hoan hô. Khi mọi người đến sân trong, một người ra từ đám đông tới gần Mawdoud, làm bộ như cẩu nguyện và xin tiền, đột nhiên rút dao đâm Mawdoud hai nhát vào giữa rốn. Mawdoud chết vài giờ sau đó".

Ai giết Mawdoud, ngay lúc sắp tiến công quân Franj? Toghtekin kết tội Redwan, nhưng đa số dân chúng đều cho rằng Toghtekin là chủ mưu.

Theo sử-gia Athir, ngay cả Baudouin, vua Franj ở Jerusalem, cũng bất bình khi nghe tin này, gởi thơ cho Toghekin, có câu "Quốc gia nào mà giết tướng của mình ngay trong đền thờ, thì bị tiêu diệt là đáng lắm". Và quốc vương Mohammed ở Bagdad, khi nghe tin này, đã hét lên vì giận dữ, cho rằng đây là chuyện nhục nhã cho cho chính mình. Quốc vương bèn ra lịnh cho tất cả các chủ tỉnh ở vùng Syrie phải tham gia cuộc thánh chiến, phải đem quân tới,kể cả Alep và Damas cũng phải tham gia. Kết quả là được một đoàn quân đông hàng vạn, có nhiều tướng lãnh kinh nghiệm.

Muà xuân năm 1115, đoàn quân này kéo tới trung tâm vùng Syrie, có chuyện bất ngờ làm ai nấy sững sờ. Địch quân là quân Franj, cầm đầu là vua Baudouin, đấy là chuyện dĩ nhiên. Nhưng bên cạnh Baudouin, lại có quân của Toghtekin ở Damas. Lại có cả quân từ các thành phố Alep, Tripoli, Antioche nữa. Té ra chính các lãnh tụ hồi giáo ở vùng Syrie lại lo ngại quân của đế quốc Perse sẽ đến chiếm đất của mình, dưới chiêu bài thánh chiến. Sau vài tháng, đoàn quân của Bagdad lặng lẽ rút về, quốc vương Mohammed thề rằng sẽ chẳng bao giờ tính chuyện đánh quân Franj nữa. Và quốc vương giữ lời.

Quân Franj thất bại.

Trở lại năm 1110, quân Franj chiếm được hải cảng Saida, thế là chiếm được gần hết bờ biển, chỉ trừ ra hai thành Ascalon và Tyr. Vua Baudouin muốn nhân dịp đang thắng thế, muốn chiếm luôn 2 thành này, nhưng thất bại, chúng ta sẽ nghe kể sau đây.

Quân Franj thất bại.

Trở lại năm 1110, quân Franj chiếm được hải cảng Saida, thế là chiếm được gần hết bờ biển, chỉ trừ ra hai thành Ascalon và Tyr. Vua Baudouin muốn nhân dịp đang thắng thế, muốn chiếm luôn 2 thành này, nhưng thất bại. Ascalon nổi tiếng vì trồng củ hành đỏ, kêu là hành "ascaloniens", về sau đọc trẹo đi, là "échalote". Nhưng Ascalon quan trọng nhứt về mặt quân sự, mỗi khi quân Egypte đi tấn công Jerusalem đều tập trung ở đây đã rồi mới xuất phát.

Năm 1111, Baudouin đem quân đến diễu võ dương oai phía ngoài tường thành Ascalon. Chủ thành là Chams al-Khilafa, thấy vậy sợ quá, không dám tỏ vẻ chống cự, chấp thuận nộp cống 7 ngàn dinars cho Baudouin. Dân chúng trong thành cho rằng nộp cống như vậy nhục nhã quá, họ cử phái đoàn qua Egypte, yêu cầu truất phế viên chủ thành quá hèn nhát này. Chủ thành nghe tin này, sợ bị truất phế, bèn không thần phục Egypte nữa, đuổi đi các viên chức của Egypte đã đặt ở Ascalon, ra mặt xin thần phục quân Franj. Baudouin liền sai 300 quân mình đến chiếm giữ Ascalon.

Dân trong thành thấy vậy, họ âm mưu nổi loạn, thầm bàn tính trong các đền hồi-giáo, và một ngày tháng 7 năm 1111, khi Chams cưỡi ngựa đi ra, bị họ dùng dao giết chết. Các cận vệ của Chams cũng đồng tình với họ, phen này họ tấn công đồn quân Franj, 300 quân Franj bị giết hết. Kể từ đấy, trong suốt 40 năm, họ thoát khỏi bị quân Franj đô hộ.

Đánh thành Tyr.

Sau thất bại này, Baudouin kéo quân đi đánh hải cảng Tyr. Thành phố này có tường thành rất vững chắc, ba mặt là biển, ai cũng nói là không thể thua trận được. Trong thành đầy những người tản cư, những người này đóng vai rất quan trọng trong cuộc chống lại quân Franj. Sử gia Qalanissi ghi lại như sau, lời sử ia chắc hẳn đến từ nhân chứng hàng đầu: "Quân Franj dựng môt đài di-động, đài này có một cây trụ đột phá, rất công-hiệu, lúc đầu đến đánh phá tuờng hành, nhiều chỗ đã lung lay, gần sập. May mắn là trong thành có một cựu chiến binh đầy kinh nghiệm, sắp đặt nhiều sợi giây sắt chụp vào đầu cây trụ đột phá, kéo dằng co với quân Franj, làm đài di-động bị lao chao, muốn đổ. Sau cùng, quân Franj sợ đổ đài di-động, phải phá bỏ cây trụ đột phá".

Sau đó quân Franj lại tấn công bằng đài di động, lần này cây trụ đột phá dài tới 60 cu-đê (khoảng 20 mét), đầu trụ là quả sắt nặng hơn 20 livres (khoảng 10 kilô). Cựu chiến binh nói trên cũng thay đổi chiến thuật. Theo lời Qalanissi: "Họ khéo léo đặt những cây đà vươn ra, rồi từ đó đổ lên đầu quân Franj những thùng chứa đầy cứt người cứt thú vật, quân Franj bị hôi thối, ngừng xử dụng trụ đột phá. Rồi dân trong thành lấy thùng đựng đầy củi khô, sậy khô, họ đổ dầu vào, châm lửa, quăng lên nóc đài di động. Lửa đốt cháy nóc đài, lan xuống các từng duới, quân Franj lo chữa cháy mé chảng kịp, phải bỏ chạy. Quân trong thành nhân dịp xông ra, thâu được một số lớn võ khí. Quân Franj mất hết ý chí chiến đấu, họ đốt luôn cả trại họ đã dựng và rút lui". Ngày mà dân thành Tyr đánh bại quân Franj sau 133 ngày chiến đấu, là ngà 10 tháng 4 năm 1112.

Trong nhân dân Ả -rập, một nhuệ khí mới nổi lên từ sau hai cuộc kháng chiến thành công ở Ascalon và Tyr. Nhất là ở Alep, nơi đây Khachab sẽ lãnh đạo dân thành đứng lên. Nhưng trước khi đến được mức này, Alep trải qua nhiều chuyện lao đao, ta sẽ nghe trong bài sau.