TIN LÀNH VIỆT NAM PARIS & PHÁP
"Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời." (Giăng 3:16)
Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)
Nhật ký chuyến đi Âu Châu - MS Lê Cao Quý
Đuốc Thiêng 96,
tháng 8 năm 2008
Nhận lời mời tham dự và giảng cho Hội Đồng lần thứ 24 của
Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu
Châu từ ngày 25 đến ngày 30/7/2008 tại
Thụy sĩ, lời mời của ông bà Mục sư Nguyễn Văn
Bình làm Chủ Lễ Thành Hôn
cho Út Nữ Nguyễn Thị Xuân Lan ngày
12/7, giảng cho Hội Thánh Paris Chúa nhật 13/7,
tôi đáp chuyến bay VN 533 của Vietnam Airlines đi
Pháp, rời phi trường Tân Sơn Nhất lúc
23:05 ngày 09/7/2008 đến Phi trường Quốc tế Charles De
Gaulle (CDG) lúc 6:15 (giờ địa phương) ngày
10/7/2008.
Sau hơn 12 giờ trên chiếc Boeing 777 lịch sự và
rộng rãi tôi có thể ngủ,
không thấy mệt mỏi, nên tưởng như VIỆT NAM -
PHÁP không xa như những lần đi trước. Mục sư
Nguyễn Văn Bình đã hân hoan
chào đón tôi tại Sân bay CDG.
Tiếc một điều, lần nầy, nhà tôi không đi
cùng nên tôi cảm thấy buồn buồn!
Mục sư Bình đưa tôi về nhà
riêng của ông số 5 Villa du Maine, 77186 Noisiel,
France. Dầu khách về dự Lễ Thành Hôn
khá đông nhưng ông bà Mục sư
đã ưu ái dành cho tôi một
phòng riêng. Trưa nay được ăn phở, chiều ăn cơm,
các món ăn Miền Nam ngon không thua
gì ở Sài gòn! Bà Mục sư rất
khéo nội trợ nên ai nấy đều khen ngợi. Trong bữa
cơm chiều mọi người đều thích món canh chua!
Ông Mục sư đố mọi người làm sao có thể
nấu canh chua VN mà chỉ cần 2 thứ nguyên liệu?. Ai
nấy đều chịu thua! Ông vui vẻ trả lời: 1/ Cua, 2/ Chanh (Cua,
Chanh là Canh Chua) cười. Tại xứ nầy ai cũng sợ
lên cân, béo phì! Ms.
Bình nói : Tôi đã
có một phương pháp chắc chắn ai muốn
lên cân, xuống cân bao nhiêu
cũng được, không cần dùng thuốc men,
máy móc hoặc tập thể dục. Tất cả đều
hân hoan xin ông chỉ giúp phương
pháp đó. Ông bảo: Xin cho tôi
một cái cân, ai muốn lên cân
xin bước lên cái cân. Ai muốn xuống
cân xin bước xuống khỏi cái cân, muốn
lên thì cứ lên, muốn xuống
thì cứ xuống, có gì khó
khăn đâu! Thật không ngờ ông bạn
cùng khóa của tôi 46 năm trước nay
đã gần thất thập mà còn hài
hước đến thế! Có lẽ vì vui tính như
vậy nên ông bà đã phục vụ
Chúa tại Thủ đô nầy 33 năm! Chắc Ms.
Bình đã dùng phương thuốc
Châm ngôn 17:22 (Ai muốn, có thể
tìm phương thuốc nầy trong Kinh Thánh). Dầu
mùa hè nhưng thời tiết Paris rất thích
hợp với tôi, ban ngày 17-22 độ C, ban
đêm hơi se lạnh. Bây giờ tôi mới sực nhớ
khi rời VN mình quên mang theo chiếc áo
ấm!
Một ngày qua tại Paris, chiều nay đến Nhà Thờ tập
Lễ cho hai Cháu Phan Phụng Khánh và
Nguyễn thị Xuân Lan để ngày mai cử hành
Lễ Thành Hôn tại ngôi Giáo
đường Lutherian của người Pháp tại Quận 13 Thủ đô
Paris. Ngôi Thánh đường cổ kính nầy
đã được xây dựng từ năm 1888.
Ngày 12/7 ngày sinh của tôi
trùng ngày Thành Hôn của hai
cháu Phụng Khánh - Xuân Lan.
Nhà Gái lo liệu thật chu đáo!
Ông bà Mục sư Nguyễn Văn Bình mời
tôi làm Chủ Lễ, giảng Lễ và
hành Lễ. Mục sư Đặng Ngọc Minh hướng dẫn chương
trình. Tôi giảng đề tài SỰ MẦU
NHIÊÏM CỦA HÔN NHÂN
và cử hành Lễ theo nghi thức Hôn Phối
của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Tín
hữu Việt - Pháp tham dự đông đúc, ngồi
chật Nhà thờ. Tiệc cưới tổ chức tại Nhà
hàng sang trọng của người Hoa, cách
Nhà Thờ không xa lắm! 5 giờ chiều về đến
nhà, tôi mệt đừ ngủ lăn. Gia đình
đánh thức tôi dậy lúc 10 giờ
đêm nhưng trời vẫn còn sáng. Mọi người
vui vẻ hát "Mừng sinh nhật", mời tôi thổi
đèn sinh nhật 67 và cắt bánh Lễ, chụp
hình. Ai nấy đều vui vẻ, nhất là các
cháu bé trong gia đình nói
tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Mỹ thật là
huyên náo!
Chúa nhật đầu tiên trong hành
trình Âu Châu tôi dậy
lúc 5 giờ sáng (11 giờ sáng VN) vội
vàng gọi điện thoại về thăm nhà, đồng thời
thông báo cho nhà tôi biết
diễn tiến Lễ Thành Hôn hôm qua
và tôi đang chuẩn bị hầu việc Chúa với
Hội Thánh Paris. Hội Thánh thờ phượng
Chúa thật đông và vui vẻ.
Chúng tôi về nhà gần 6 giờ chiều ăn tối
nghỉ ngơi, sau đó đi bộ ra bờ hồ xem pháo hoa
chào mừng ngày Quốc Khánh. Xem 30
phút pháo hoa tại Paris mà
tôi nhớ Đà Nẵng da diết!
Hôm nay ngày Quốc Khánh Pháp
(14/7) chương trình vui chơi cho mọi người. Xứ nầy ăn chơi
lè phè hơn Hoa Kỳ. Tôi chuẩn bị đi xem
diễn binh. Tối nay trình diễn đèn hoa
Tháp Eiffel. Sông Seine rộn rịp du thuyền chở đầy
du khách. Người các nơi đổ về Paris, trong khi
người Paris lại đi nghỉ tại các vùng
quê, vùng biển. Quanh Khải Hoàn
Môn đông nghẹt, các nẻo đường chen
chúc người đi chơi. Tôi lấy vé
tàu Métro theo chân đoàn
người vào Trung tâm Thành phố.
Trên bầu trời máy bay chiến đấu các
loại xếp đội hình nhả khói màu cờ
(xanh, trắng, đỏ) trông thật đẹp mắt. Đoàn xe chở
các binh chủng (binh phục riêng) diễn
hành quanh các Đại lộ chính Thủ
đô. Tôi lội bộ mấy tiếng đồng hồ giữa
đám đông, cảm thấy mệt nhoài
nên ghé vào một nhà
hàng thưởng thức món Beefsteak nổi tiếng Paris,
tiếp tục cút bộ đến khu vực Tháp Eiffel, vuờn
Luxembourg, Sông Seine, rồi đáp Métro
về nhà ngủ ngon.
Sáng 15/7 dậy sớm chuẩn bị hành trang gọn nhẹ,
nhờ một con cái Chúa đưa đến Trạm xe Bus rời
Paris, xe xuyên qua những cánh đồng, những khu
rừng
đến Phi trường Beauvais (Cách Paris ước chừng 120 km)
để bay đến Thụy điển. Chuyến bay giá rẻ của Hãng
Ryanair chở đầy khách, trong đó có
tôi, đến Stockholm lúc 11 giờ 45 trưa (sau 2 giờ
bay). Anh Trần Đình Phùng và Mục sư
Trần Minh Đức hân hoan đón tôi tại Phi
trường. Trên đường về nhà, xe hết xăng giữa khu
rừng. Trong khi chờ đợi chị Phùng tiếp liệu,
chúng tôi vào rừng hái
trái Blueberg (giống trái sim xứ mình,
nhiều vô số!). Anh Phùng cho biết một người
hái trái Blueberg, Blackberg nầy có
thể kiếm được 80 USD/ngày. Họ dùng nó
làm rượu, làm mứt ăn bánh
mì. Chị Phùng tiếp cơm trưa chúng
tôi lúc 3 giờ chiều. Mùa hè
tại Bắc Âu mặt trời lặn lúc 11 giờ đêm,
chúng tôi tranh thủ chạy xe qua Thủ đô
Oslo (Na Uy) cách 500 km. Mục sư Trần Minh Đức
lái xe đưa tôi về nhà ông
lúc 10 giờ tối. Tôi lập tức gọi điện thoại về VN
báo cho nhà tôi biết đã đến
Na Uy.
Hôm sau (16/7) trời nắng ấm, ba chúng
tôi (Ms. Tần Minh Đức, Ms. Võ Trí Minh
và tôi) thăm quan Thủ đô Oslo: Bắt đầu
thăm bảo tàng Tàu FRAM (nghĩa là ĐẾN
ĐÍCH). Đây là chiếc tàu chạy
bằng hơi nước đầu tiên đến Bắc Cực và Nam Cực.
Chúng tôi tiếp tục thăm công
viên nổi tiếng thế giới (?) do một người dân thiết
kế, xây dựng tặng cho Vương Quốc Na Uy. Công
viên vừa rộng vừa đẹp, với nhiều công
trình điêu khắc nghệ thuật của thời kỳ Văn
hóa Phục hưng Thế kỷ 18. Hầu hết các Vị
Nguyên Thủ Quốc gia khi đến Na Uy đều đến thăm Công
viên nầy, mấy tháng trước đây Cụ Nguyễn
Minh Triết, Chủ tịch nước VN, cũng đã đến đây. Một
cơn mưa chiều thình lình đổ xuống nên
chúng tôi phải quay về. Nhưng sau đó
trời tạnh mưa nắng ấm, Mục sư Minh mời tôi tham quan
ngôi nhà trao giải Nobels Hoà
Bình hằng năm gần Tòa Đô
Chánh Oslo, thăm Bến Cảng và Hoàng
Cung. Hoàng Cung Vương Quốc Na Uy không nguy nga
tráng lệ như các nơi khác.
Sân Hoàng Cung trải cát
vàng, đội Ngự Lâm Quân nghiêm
trang diễn hành theo nghi lễ Hoàng gia, nhưng ai
muốn đến gần chụp hình chung với họ cũng được. Sân
cung đình có tượng vị Quốc Vương tiền bối cởi
ngựa, bên dưới có tấm bảng đồng ghi
dòng chữ: PHẦN THƯỞNG CỦA TÔI LÀ
LÒNG YÊU MẾN CỦA NGƯỜI DÂN.
Tôi nói với Mục sư Minh đây
là một câu ngắn mà đầy ý
nghĩa đáng cho chúng ta suy gẫm học hỏi. Na Uy
là Vương Quốc giàu có. Tin
Lành là Quốc giáo của Na Uy, chiếm
95%. Với dân số 4, 5 triệu, diện tích rộng hơn
Việt Nam, đất nước đẹp đẽ, tài nguyên phong
phú (Nhất là dầu hỏa). Được biết khi Quốc Vương
lên ngôi, Lễ đăng quan do một Mục sư xức dầu đặt
tay cầu nguyện. Quốc Vương chuẩn y chức vụ các Thủ Tướng do
Quốc Hội tuyển chọn. Thủ tướng lập Nội Các điều
hành đất nước. Người dân kính
yêu Quốc Vương, tôn trọng pháp luật.
Quốc gia nầy rất kỷ cương, trật tự! Thu nhập bình
quân và phúc lợi của người
dân cao nhất thế giới.
Ngày 18/7 tôi muốn lấy vé
tàu thủy đi Đan Mạch ban đêm nhưng hết
vé vì mùa hè du
khách quá đông! Chúng
tôi đành thay đổi chương trình đi thăm
Thành phố Kristiansand (cách Oslo 350 km), tại
đây có một nhóm Tín hữu Việt
Nam. Xe chúng tôi vượt qua nhiều đường hầm (2
lines, một chiều) xuyên qua núi non
hùng vĩ. Phong cảnh hai bên đường đẹp như bức
tranh. Đến Kristiansand chúng tôi nghỉ
đêm tại nhà Anh Gulleik Vatbryn, vợ anh
là chị Miên Trang người Tam Kỳ, Quảng Nam. Anh chị
có một bé gái 2 tuổi rất dễ thương,
gia đình tiếp đãi chúng tôi
nồng hậu! Chỉ trong thời gian ngắn cháu Bé
đã thân thiện vui chơi với tôi, khiến
tôi nhớ các cháu tôi đang
sống tại Mỹ, tại quê nhà. Ngôi
nhà Anh Gulleik nằm trên một ngọn đồi
núi đá trông ra biển, sơn thủy hữu
tình và tĩnh lặng. Buổi tối anh chị em
tín hữu được tin tôi đến thăm TP. Kristiansand họ
nhóm lại xin tôi chia sẻ lời Chúa.
Tôi dùng Rôma 16:3-16 giải
bày lời chào thăm của Phaolô với Hội
Thánh Rôma. Sau khi nhóm thờ phượng
chúng tôi đàm đạo về công
việc Chúa tại đất nước Na Uy cho đến 12 giờ khuya anh chị em
Tín hữu mới ra về.
Tôi ngủ say cho đến 8 giờ sáng hôm sau,
tiếng chim kêu cu gáy đánh thức
tôi dậy tưởng chừng như mình đang ở trong một thế
giới thần tiên! Anh Gulleik là người yêu
mến Chúa, nói tiếng Anh tiếng Pháp lưu
loát, đã từng đến Việt Nam làm
công tác từ thiện. Hai chúng
tôi trò chuyện vui vẻ, tự lo điểm tâm,
anh chào từ giã tôi đến sở
làm, trong khi mọi người còn ngủ say.
Không khí tĩnh lặng, chập chùng đồi
núi, nước biển trong xanh đẹp tuyệt vời! Tôi đọc
Kinh Thánh (Dân 10:) cầu nguyện cho quê
hương Việt Nam và đất nước Na Uy. Theo lời mời của
tín hữu (đêm qua) chúng tôi
tranh thủ thăm viếng vài gia đình, ăn trưa tại
nhà một tín hữu. Ai nấy hậu đãi
chúng tôi như thượng khách. Sau bữa cơm
trưa chúng tôi đi thăm ngôi
Giáo đường Lutherian cổ kính nhất vùng
nầy (trên 300 năm). Điều tôi ngạc nhiên
là trong vườn Giáo đường có nhiều
tượng của các vị mục sư phục vụ Chúa với Hội
Thánh. Trên đường về Oslo buổi chiều nắng
vàng phủ trên cánh đồng xanh, đẹp
vô cùng! Chúng tôi dừng xe
tại một trạm nghỉ để chụp hình kỷ niệm. Gần đến Oslo
chúng tôi ghé thăm một Chủng viện Tin
Lành và một trường Cao đẳng sinh ngữ
(cách Oslo 12 km). Chúng tôi về đến
nhà tiếp tục đàm đạo về việc đào tạo
sinh viên giữa cộng đồng người Việt tại Na Uy.