Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)




Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng


Đuốc Thiêng 96, tháng 8 năm 2008
(Xin xem từ Đuốc Thiêng 74)



Thế là chiều ngày 13-8-1974, tôi và gia đình rời phi trường Tân Sơn Nhất đi Ai Lao. Phi cơ quá cảnh ở sân bay Pnom Pênh của Cam Bốt không lâu lắm rồi tiếp tục cất cánh. Chúng tôi ai nấy háo hức mong chờ. Chẳng bao lâu, phi cơ đáp xuống phi trường Wattay, thủ đô Vạn Tượng của vương quốc Lào lúc 9 giờ tối, ánh đèn lấp lánh như chào mừng gia đình truyền giáo. Chúng tôi nghĩ là sẽ có nhiều con cái Chúa ra tận phi trường tiếp đón chào mừng, nào ngờ chỉ có một mình Ông Dương Quang Trung, thủ quỹ của Hội thánh ra đón mà thôi. Ông cho biết đã đánh điện tín về Việt Nam cho Ủy Ban Truyền Giáo và yêu cầu đừng đưa gia đình chúng tôi đến Vientiane với chiếu khán nhập cảnh dưới dạng du lịch chỉ có 15 ngày. Ông không có ý định đến phi trường đón chúng tôi hôm nay vì tin rằng khi được điện tín ấy, Ủy Ban Truyền Giáo sẽ cho ngưng chuyến đi ngay. Thế nhưng không hiểu sao, tối hôm ấy ông cảm thấy bồn chồn đứng ngồi không yên như có tiếng thúc giục, dù sao thì nhà mình gần phi trường, chỉ vài cây số thôi, cứ đến xem thử Mục sư và gia đình có tới không? Lòng và tâm trí ông có sự tranh chiến mạnh mẽ liên tục, chẳng thể chống cự được tiếng nói sâu tận trong lòng, cuối cùng ông quyết định lái xe đến phi trường xem sao.

Ngồi trên xe nghe ông kể làm tôi sửng sốt. Một mặt sửng sốt vì Ủy Ban Truyền Giáo nói là đã viết thư báo tin rồi, có thể vì lý do chậm trễ nào đó mà thư chưa tới được hoặc cũng có thể thư đã lạc mất, một mặt nghĩ rằng tôi liều lĩnh quá. Liều lĩnh đến nỗi tới bây giờ nếu nói ra chẳng ai ngờ được. Một gia đình gồm 2 vợ chồng và 4 con ra hải ngoại mà trong túi chỉ có 10 đô la! Tại phi trường Tân Sơn Nhất, tôi đã trao tất cả tiền bạc tôi có cho gia đình hai bên cha mẹ ở lại như một lời cám ơn nuôi nấng dạy dỗ. Tôi còn yêu cầu Ủy Ban Truyền Giáo khi gởi tiền hàng tháng cho tôi xin vui lòng trích ra phân nửa gởi về cho cha mẹ tôi. Ủy Ban Truyền giáo về sau đã làm đúng như vậy theo yêu cầu của tôi. Tôi tin rằng Đấng đã kêu gọi tôi vào con đường chức vụ sẽ nuôi tôi đầy đủ hằng ngày như Ngài đã từng nuôi tiên tri Êli tại khe Kêrít sai chim quạ mang bánh và thịt tới cho ăn (I Các vua 17:1-7).

Tôi cám ơn Chúa, vì nếu Ông Dương Quang Trung không nghe tiếng thần cảm thúc giục đặc biệt trong đêm ấy, thì cả gia đình tôi bơ vơ nơi xứ lạ quê người biết phải làm sao? Mười đô la có lẽ chưa đủ thuê hai chiếc taxi về đến nhà thờ. Rồi nếu không gặp ai trong đêm tối đó làm sao vào nhà thờ được? Thời ấy chưa có điện thoại di động thì làm sao liên lạc kêu cứu với ai? Quả đúng như lời tôi lo nghĩ. Ông Dương Quang Trung đón gia đình tôi về tới nhà thờ. Cánh cổng hàng rào nhà thờ khóa chặt. Ngôi nhà thờ im lìm sang sáng dưới mấy ngọn đèn đường. Tư thất nơi Mục sư ở tối tăm không một ánh đèn. Mọi người chung quanh dường như đã ngủ hết, lưa thưa vài kẻ lầm lũi qua lại không tiếng động. Trời đêm vẫn còn hừng hực nóng. Đứa gái nhỏ bồng trên tay vẫn điềm nhiên ngủ như không hay biết gì. Ba đứa con khác ủ rủ ngồi cạnh vách nhà thờ như mong chờ tin vui đến. Những con muỗi từ ống cống bay lên vo ve như vừa chào mừng vừa xin xỏ miếng ăn. Hai đứa con của ông Bạc Cầm Hưng (người Thái Đăm) có phận sự giữ nhà thờ đâu được thông báo gì về Mục sư từ Việt Nam tới, nên đã về nhà tận làng Nong Boua Thong ở ngoại ô thành phố. Nhà tôi và từng đứa con nhỏ trèo rào vào bên trong sân, còn tôi và ông Dương quang Trung lên xe phóng về hướng làng Nong Boua Thong.Đường vào làng khác nào những lối mòn nhỏ gập ghềnh. Đêm tối dầy đặc, những hàng cây san sát bên đường cành lá trơ trơ không thấy gió lay động như chẳng chút động lòng trắc ẩn cảm thông ai. Đèn xe rọi sáng ngời thấy rõ từng con thiêu thân ập vào cửa kính, trong khi vô số những côn trùng có cánh khác hoảng hốt bay rẽ sang hai bên khi thấy ánh đèn pha sáng trưng chĩa thẳng vào, sau đó mất dạng trong các lùm cây. Xe trồi lên sụp xuống nghiêng ngã, may mà không có sình lầy nên cũng không khó khăn lắm. Xe dừng lại. Nghe tiếng kêu, ông bà Bạc Cầm Hưng vội thức dậy mở cửa. Ông bà quá ngạc nhiên vì chuyện xảy ra chẳng ai ngờ, vội vàng trao chìa khóa nhà thờ cho chúng tôi. Mười hai giờ khuya hôm đó chúng tôi mới vào được nhà.

Nhà thờ Tin Lành Việt Nam Vientiane nằm ngay góc đường, mặt tiền hướng ra đường Pnom Pênh, cách sân vận động thủ đô chừng vài trăm thước, song rất yên tịnh. Phía sau là con đường Samsenthai ồn ào xe cộ qua lại, nhưng nhờ có dãy phố nối phía sau tiếp giáp với tư thất, nên tiếng động như có bức tường cản lại. Khuôn viên nhà thờ không lớn lắm, vừa đủ xây một nhà thờ nhỏ, đủ cho 100 người tham dự các buổi thờ phượng. Phía sau nhà thờ là tư thất Mục sư với đầy đủ tiện nghi. Tư thất kéo dài từ bề nầy qua hết bề kia, nằm lọt trong khuôn viên, có hai cửa trông ra khoảng trống hai bên hông nhà thờ. Không biết các vùng khác thì sao nhưng khuôn viên nhà thờ thì muỗi nhiều lắm. Tôi nghe Năm Căn (Cà Mau) xưa nổi tiếng muỗi nhiều quơ tay có thể hốt bắt được, trời vừa chập tối ai nấy phải vào mùng rồi, có khi phải ăn cơm ngay trong mùng để tránh muỗi cắn nếu không bữa ăn sẽ bị chi phối mất ngon. Tôi đã từng sống ở vùng quê Việt Nam, muỗi cũng rất nhiều, nhưng so với nơi nầy, phải nói là chưa thấm vào đâu. Dù tư thất Mục sư có cửa lưới cản muỗi đột nhập, thế nhưng không biết có kẽ hở nào, trời chỉ vừa chập tối, chúng đã tràn vào cả lũ, phải sử dụng đến thuốc xịt mới bớt đi được phần nào. Lại còn nạn mối đục khoét kèo cột nhà thờ và tư thất. Hàng tháng nhân viên diệt trừ mối được ký hợp đồng xịt thuốc, thế mà không tài nào diệt hết được. Thuốc chỉ diệt được những con ở bên ngoài, còn những con rúc sâu vào kèo cột, mấy ngày sau ngoi lên làm tổ tiếp. Con nầy chết, con khác tiến lên. Tai họa có thể xảy đến nếu không có đội ngũ diệt mối hằng tháng như thế. Vậy mà nhà thờ và tư thất vẫn trơ trơ từ năm nầy qua năm khác không hề sụp đổ. Quả là ơn Chúa gìn giữ.

Ngày đầu tiên tôi được sống ở Vientiane. Ánh nắng buổi sáng ngày 14-8-1974 dù có nhẹ nhàng, song cái nóng vẫn hừng hực. Vừa mở cửa ra, ông bà Dương Quang Trung cũng vừa lái xe tới. Tôi chưa hề tỏ cho ông biết chúng tôi chỉ có 10 đô la. Thế mà ông bà đã mang tới nào gạo, nào nước mắm, nào bơ, nào sữa, có cả thịt bò, thịt heo, rau cải, trái cây chất đầy tủ lạnh. Chúng tôi không cần phải mua gì thêm nữa. Con cái Chúa hay tin lần hồi cũng tới chào hỏi trong niềm sung sướng vui mừng. Người mang tới vật nầy vật khác, chẳng bao lâu chúng tôi không thấy còn thiếu vật gì cho các bữa ăn hằng ngày và những đồ dùng cần thiết khác. Tình thương của con cái Chúa rất lớn. Tôi đã từng thấy Ban Chấp Sự Hội Thánh Long Xuyên yêu mến đầy tớ Chúa là thể nào. Không có ngày nào mà không có vài nhân viên Ban Chấp Sự đến thăm và trò chuyện với Mục sư, ngay cả khi Mục sư Phan văn Tranh, Mục sư Đoàn văn Miêng hay Mục sư Nguyễn văn Xuyến ở đó hay các Mục sư tiếp nối sau nầy cũng vậy. Có khi họ cùng ngồi với Mục sư trong tư thất uống trà, thăm hỏi về sinh hoạt của Hội thánh cùng tình hình con cái Chúa trong Hội thánh địa phương hay các nơi khác trong nước. Có khi họ cùng đi uống cà phê sáng với Mục sư hay ăn cháo tối trong nhà lồng chợ. Bất cứ lúc nào họ xong việc hay có thì giớ là tới thăm Mục sư dù sáng, trưa hay tối. Đời sống họ nối liền với nhà thờ và với đầy tớ Chúa.

Tôi không thể nào quên được bà cụ Đào Thiện Mưu, mà con cái Chúa gọi biệt danh bà Phán Mưu, một tín đồ Hà Nội, sang Lào sống với con cái. Mỗi tuần chẳng những bà tới thăm chúng tôi mà còn trả tiền mướn một người Tày đến giặt giũ quần áo cho chúng tôi nữa. Sau năm 1975, bà về Sàigòn sống với con cái. Vài lần bà sang Paris thăm con, có tới Hội thánh Paris thờ phượng Chúa. Tôi cũng vài lần ghé thăm bà ở Sàigòn. Dù trăm tuổi, nhưng bà còn khỏe lắm, có thể ngồi xe ôm tới thăm chúng tôi khi hay tin chúng tôi về Sàigon. Bà được Chúa tiếp về hưởng hạnh phước đời đời trong Nước Ngài ngày 3-11-2005 tại Sàigòn, hưởng thọ 103 tuổi. Gương yêu Chúa và phục vụ Chúa của bà tôi nhớ mãi không quên. Gương ấy khích lệ tôi nhiều hơn bất cứ bài giảng hay nhất nào mà tôi đã nghe. Bà tận tụy phục vụ Chúa cho tới hơi thở cuối cùng. Con trai của bà ngày nay đã theo gương bà phục vụ Chúa không ngừng nghỉ. Tôi muốn nói tới ông Đào Thiện Tằng, hiện đang ở Hội Thánh Paris. Khi tôi đến Lào, lúc ấy ông là đương kim Thư ký hội thánh. Ông sốt sắng lo cho công việc Chúa, yêu thương người phục vụ Ngài. Ông có tâm tình nâng đỡ đầy tớ Chúa. Tôi ít khi thấy con cái Chúa nào có một sự bảo trợ đầy tớ Chúa như ông. Ngoài việc cung lương của Hội thánh, ông còn dành tiền riêng của mình trao cho đầy tớ Chúa dùng khi hữu sự, lúc gia đình con cái đau yếu cần thuốc men, hoặc khi không đủ tiền chợ búa. Thỉnh thoảng tới thăm ông trao cho nhà tôi mỗi lần 20 ngàn đồng Kíp (tiền Lào) để dành cho những khoảng chi bất thường đó. Ông sang Pháp năm 1975 và trung tín thờ phượng Chúa với Hội thánh cho tới bây giờ. Ông có tài làm thơ, viết kịch, soạn lời cho những bài thánh ca, viết và dịch những bài nghiên cứu về lịch sử như "Giêrusalem 4000 năm lịch sử", "Huyền thoại Môise", "Mari mẹ Giê Xu", "Xứ Do Thái hồi Chúa Giê sanh ra"... và nhiều bài vở giá trị khác mà báo Thông Công của Hội thánh Paris (1975-1992), báo Đuốc Thiêng xưa nay đã đăng tải góp phần nghiên cứu hữu ích cho nhiều người.

Tôi không bao giờ quên được ông Tạ Duy Chiên, một Chấp Sự của Hội Thánh Việt Kiều tại Vientiane. Hầu như ngày nào khi nghỉ việc nấu ăn cho gia đình công chức Mỹ ông đều lái xe gắn máy tới thăm gia đình chúng tôi. Ông bỏ tiền ra mua hoa kiểng trồng trước cửa nhà thờ. Ông thích nhất là cây bông bụp với nhiều loại nhiều màu. Cành lá xanh tươi điểm tô trắng vàng đỏ, lòng thòng như những cái chuông treo ngược lắc lư dưới ánh nắng gay gắt mới vui mắt làm sao! Ông vun trồng, ông bón phân, ông tưới nước hầu như hằng ngày. Từ khi ông biết Chúa Cứu Thế Giê Xu, ông đem hết lòng hết ý yêu thương Chúa và tận tâm tận lực phục vụ Ngài. Ông dìu dắt các con mình trung tín với Chúa trong việc thờ phượng, sinh hoạt thanh niên và thiếu nhi hằng tuần của Hội thánh. Ông và tôi như hai anh em thân thiết, sát cánh bên nhau như anh em cùng cha cùng mẹ. Có những sáng tôi chưa thức dậy đã nghe tiếng gõ cửa của ông rồi. Chúng tôi trò chuyện thân ái, có khi đi ăn phở uống cà phê sáng với nhau. Ông thường mời chúng tôi đến nhà đãi ăn trong mối thông công vui vẻ, thân mật.



Đuốc Thiêng 96

1 Thuốc của tâm linh - ĐTPÂ
2 Diễn văn khai mạc Đại Hội Tin Lành Việt Nam Âu Châu lần 24 - MS Nguyễn Văn Bình
3 Thơ : Giờ này mình xa nhau - Vân Giang
4 Tất cả vì vinh hiển Đức Chúa Trời - MS Nguyễn Văn Bình
5 Miên man mùa thu - Nguyễn Đình Bùi Thị
6 Thơ : Chỉ có Giê-xu - Thu Thảo
7 Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
8 Thơ : Khuyên tin thờ Chúa - Bình Tú Ngọc
9 Xứ Do Thái hồi Chúa Giê Xu sinh ra - Mai Đào
10 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
11 Kỷ niệm một mùa hè - Bà Lê Văn Bắc
12 Nhật ký chuyến đi Âu Châu - MS Lê Cao Quý
13 Thơ : Đừng lo lắng - Tú Ngọc Phô
Ông có gì đều cùng chia xẻ cho chúng tôi. Có những chiếc cà vạt thật đẹp của ông tặng tôi, tôi còn giữ đến bây giờ, dù tính ra đến nay đã ba mươi mấy năm, như một kỷ vật cao quý của tình thương trong Chúa. Chẳng bao giờ tôi nghĩ là có lúc phải rời xa người thân mến ấy, chúng tôi mong ước mãi mãi được sống gần gũi bên nhau để khích lệ nhau trên con đường theo Chúa và hầu việc Ngài. Nếu có đi đâu, chúng tôi cùng đi chung với nhau. Thế nhưng ngày 30-4-1975 xảy ra làm thay đổi tất cả. Tôi và ông có ý định cùng ra đi. Buồn thay, ngày chúng tôi sắp chuẩn bị rời Ai Lao sang Thái Lan để đi Pháp, chính là lúc ông bị bệnh nặng không thể đi được. Tôi tới bệnh viện thăm ông, cầu nguyện và giã từ. Nước mắt ông tuôn trào vì không thể nào cùng đi với tôi được. Ngay cả bà và con cái cũng phải ở lại chăm sóc cho ông. Không thể nào nán lại lâu hơn được nữa, tôi và một số con cái lên đường. Chẳng bao lâu sau đó, ông được Chúa tiếp đón về hưởng phước hạnh của Ngài trên trời, bà và các con mới đến Pháp sau. Chúng tôi vượt gần 400 cây số đến tận Nancy trong trung tâm tiếp đón người tị nạn thăm bà và các con để cùng nhắc lại những kỷ niệm yêu thương đầm ấp nhất trong những ngày ở Lào.

Sau buổi ra mắt Hội thánh trong ngày Chúa nhựt đầu tiên, chúng tôi cần phải gấp rút giải quyết vấn đề xin gia hạn giấy tờ ở lại Lào truyền giáo. Một số người nghe tôi qua Lào với hộ chiếu nhập cảnh với diện du lịch 15 ngày đều lắc đầu tỏ vẻ vô hy vọng. Bên ngoài người ta chạy chọt tiền bạc may ra có thể ở lại được, còn Mục sư và Hội thánh không thể làm điều nầy. Nhưng lời hứa của Chúa: "Há có điều chi Đức Giêhôva chẳng làm được chăng?" Cả chúng tôi và Hội thánh cầu nguyện trông cậy vào ý chỉ và sự can thiệp đến từ Chúa. Ông Bà Dương Quang Trung lo viết văn thư, tiếp xúc với mọi giới liên hệ vận động giúp đỡ, các con gái của ông, Simone và Michelle giúp lái xe ô tô đưa tôi đi đây đi đó để lo giấy tờ khi cần thiết. Mọi việc rất khẩn trương. Ông Đào Thiện Cảnh, một tín hữu Tin Lành, nhân viên tòa Đại Sứ Việt Nam được Đại sứ Hoàng Cơ Thụy ủy quyền dành thì giờ giúp chúng tôi can thiệp giấy tờ gia hạn. Ông chở tôi đến gia hạn lần đầu. Họ cho thêm được 15 ngày nữa. Lần thứ hai, họ cũng không cho thêm hơn được ngày nào, cũng chỉ được 15 ngày. Những tưởng lần sau họ sẽ chấp thuận cho định cư lâu dài, nào ngờ lần thư ba, lần thứ tư cũng chỉ được mỗi lần 15 ngày thôi, không hơn các lần trước. Giấy tờ gia hạn làm mất nhiều thời giờ và rất phiền phức, ai nấy cảm thấy như không còn hy vọng gì. May ra mỗi lần được 15 ngày và không biết lần gia hạn tới họ tiếp tục gia hạn thêm hay sẽ có lệnh trục xuất. Đám mây mù vẫn còn dày đặc che kín bầu trời. Ông Đào Thiện Cảnh nhân danh Đại sứ Việt Nam nào viết văn thư, nào trực tiếp gặp gỡ Bộ Nội vụ xin cứu xét trường hợp đặc biệt của một giáo sĩ Việt Nam được Hội thánh Tin Lành Việt Nam cử đến truyền giáo tại Lào. Ông nói rõ cho họ biết người Việt ở Lào rất cần một Mục sư Việt Nam chăm sóc đời sống tâm linh cho họ. Những cố gắng của ông Đào Thiện Cảnh đến thời điểm thu gặt được kết quả mong muốn, Bộ Nội Vụ Lào đã đồng ý cấp giấy định cư cho cả gia đình chúng tôi được ở lại Lào truyền giáo và chăm sóc Hội thánh Việt Kiều tại Vientiane và truyền giáo cho người Thái Đăm sống ven đô Vientiane. Cả Hội thánh Chúa tại Vientiane dâng lời cảm tạ ơn Chúa. Ủy Ban Truyền Giáo ở Việt Nam thở phào vì mọi khó khăn đã qua. Bàn tay quyền năng diệu kỳ của Chúa khi can thiệp thì mọi khó khăn trở nên dễ dàng, mọi lo âu tan biến. Chúng tôi càng tin cậy Chúa hơn, một lòng phó thác tương lai trong tay Chúa và bắt đầu tiến bước phục vụ Ngài.

Tôi viết thư về cho Ủy Ban Truyền giáo được đăng trên Thánh Kinh Nguyệt San của Hội thánh Tin Lành Việt Nam, số 422, tháng 1&2 năm 1975, nguyên văn như sau :
"Ba tháng trôi qua thật nhanh. Nhớ ngày nào tôi còn bỡ ngỡ bước từng bước đầu tiên trên những đường phố Ai Lao xa lạ, nhưng đôi mắt đăm chiêu nhìn về tương lai mà rụt rè, e sợ. Lúc đó trước mặt tôi toàn là chông gai và khó khăn... Những kế hoạch, những dự định ẩn hiện như những ánh nắng trưa chập chờn làm tối tăm đôi mắt. Tôi cứ lủi thủi đi để cho tương lai trải dài thêm ra hầu tạo cơ hội cho các dự định tự do nhảy múa quay cuồng. Rồi một ý tưởng vượt qua trong cảnh hỗn độn: "Làm sao tôi có thể đảm trách nổi công việc nặng nề khi mà toàn cõi Ai Lao chỉ một mình đơn độc?". Tôi nghĩ đến "đồng lúa đã chín vàng, nhưng con gặt thì ít". Ngót 231.000 cây số vuông nhưng chỉ có một mình "con gặt" làm việc trong thầm lặng. Tôi vụt nghĩ đến một ý nghĩ thần thánh, chỉ còn có cách như Giôsuê, phải cầu nguyện cho mặt trời dừng lại mới có thể làm kịp trước khi những bông lúa vàng nặng trĩu ngã lần xuống sình lầy hay nước sâu làm ung thối. Tôi ngẩng đầu lên, nhìn một vài vì sao lấp lánh mà hướng lòng về Đấng Chí Cao như van xin, như cầu khẩn: "Xin Chúa cho con làm được những gì mà Ngài muốn con làm". Rồi như một tia chớp lòe sáng, một lời êm dịu thỏ thẻ: "Và nầy, Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến lúc tận thế". Tôi nhanh bước trở về, quì dưới chân Chúa phó thác mọi tương lai cho Ngài. Từ đó đến nay, ba tháng trôi qua, tôi biết tôi chưa làm được gì cả, nhưng Chúa đã làm những việc lạ lùng cho công việc Ngài tại Ai Lao.

Cám ơn Chúa, Ngài đã thăm viếng và dứt dấy con cái Ngài trong Hội thánh việt Kiều, dầu với tổng số hiện hữu chỉ có 63 người kể cả nam phụ lão ấu, nhưng mỗi tuần số nhóm trung bình lên đến hơn 40 người. Hầu hết đều sốt sắng lo công việc Chúa, dâng hiến khá nhiều thì giờ và tiền bạc mình có để hầu việc Chúa. Ngoài sự thờ phượng Chúa vào sáng Chúa nhựt, Hội thánh còn dành tối thứ Tư để học Kinh thánh và cầu nguyện. Một Ban Thanh Thiếu Nhi được thành lập, mỗi chiều Chúa nhựt có khoảng 20 người nhóm lại thờ phượng Chúa, sinh hoạt cộng đồng và tập hát trong tinh thần vui vẻ.

Song song với Hội thánh Việt Kiều, nhà thờ làng Hong Seng dành riêng cho người Thái Đăm đã được mở cửa. Mỗi chiều thứ Bảy hằng tuần có chừng 5 người Thái Đăm nhóm lại thờ phượng Chúa. Đặc biệt chiều Chúa nhựt mỗi tuần còn có 2 lớp dạy đạo cho thiếu nhi người Thái Đăm. Một ở nhà thờ Hong Seng, có khoảng 100 thiếu nhi tham dự và một lớp khác dạy ngay trong nhà Ông Bạc Cầm Hưng ở làng Nong Boua Thong, lớp nầy đông hơn, lên đến hơn 100 em mỗi tuần. Trường Kinh thánh Ai Lao đã giúp cho chúng tôi 4 sinh viên mỗi tuần chia nhau dạy hai lớp trên thật tốt đẹp. Ngoài các buổi vừa kể, chúng tôi còn tổ chức các buổi truyền giảng Tin Lành cho người Thái Đăm mỗi chiều Chúa nhựt đầu tháng. Đức Chúa Trời đã mở cửa Tin Lành cách lạ lùng giữa vòng người Thái Đăm. Chiều Chúa nhựt 30-11-1974, người Thái Đăm đến chật cả nhà ông Bạc cầm Hưng ở làng Nong Boua Thong để nghe giảng. Kết quả có 30 người gồm 5 ông và 25 bà đứng lên ăn năn tội, cầu nguyện tin nhận Chúa.

Chẳng những thế thôi, Đức Chúa Trời còn làm những việc lạ lùng hơn để Tin Lành Ngài được rao giảng. Ngày 1-11-74, trong buổi lễ cầu nguyện quốc thái dân an, gần 80 thân hào nhân sĩ và nhân viên Sứ quán được nghe giảng lời Chúa. Rồi tối thứ bảy 9-11-74, Hội thánh lại tổ chức một buổi tiếp tân trình diễn Ca nhạc Thánh và Truyền giảng Tin Lành. Ngót 200 quan khách đa số là Việt kiều đến tham dự chật cả nhà thờ. Các Ban hợp ca Việt Nam, Ai lao và Mỹ lần lượt trình bày những bản Thánh ca rất đặc sắc khiến những tràng pháo tay tán thưởng vang dội cả nhà thờ. Tiếp theo là bài giảng và sau hết là bữa tiệc trà thân ái đã gây được nhiều chú ý và cảm tình của đa số Việt kiều. Hột giống Tin lành có cơ hội được gieo ra và chắc chắn không lâu sẽ mọc đúng kỳ.

Từ ngày 7 đến 12-11-74, Chúa cho tôi có dịp đi thăm Việt kiều ở các nơi như: Luang-Brabang, Savanakhet và Paksé. Các nơi nầy đồng lúa đã chín vàng rồi theo thời gian đã ngã sang đen xám, nhưng chưa bao giờ có con gặt đến đó. Do sự đài thọ lộ và phạn phí của TĐS. Đoàn Trung Tín, tôi đã cùng thầy vượt qua quãng đường dài ngót gần 1 000 cây số để có thể nhìn rõ tận mắt tình cảnh "chiên không có người chăn".

Tại đế đô Luang-Brabang nằm phía Bắc, có gần 1 000 Việt kiều sống trong thành phố chưa hề nghe Tin Lành. Trong số đó có ba gia đình tín hữu. Chúng tôi chỉ mới tìm được hai gia đình và đã có dịp họp học Kinh thánh và cầu nguyện chung với họ. Chúng tôi chưa từng thấy người nào tỏ vẻ mừng rỡ như hai tín hữu nầy khi họ biết chúng tôi là Mục sư đến tìm họ. Rời Luang-Brabang, chúng tôi vượt ngót 600 cây số về phía nam để đến thăm Savanakhet, một thị trấn khá rộng. Có gần 5 000 Việt kiều sống trong những khu đặc biệt giữa thành phố. Từ năm nầy qua năm khác, họ chưa hề nghe Tin Lành. Tại đây chúng tôi tìm gặp hai gia đình tín đồ Việt nam. Tôi có dịp học Kinh thánh và cầu nguyện chung với họ trong bầu không khí thông công hết sức thân mật và đầm ấm.

Rời Savanakhet, chúng tôi lại vượt gần 300 cây số nữa sâu tận về phía nam để tới Paksé. Tại đây Việt kiều khá đông, chừng 8 000 người sống quây quần với nhau trong thành phố. Tôi và thầy Tín được nhân viên Tòa Lãnh Sự hướng dẫn đi thăm một số gia đình Việt kiều. Chúng tôi nhìn họ mà lòng như se thắt. Họ bơ vơ như chiên không có người chăn, họ chưa hề biết Tin Lành là gì. Giữa nhóm Việt kiều đông như thế, vỏn vẹn chỉ có một tín đồ mà thôi. Nhưng người tín đồ đơn độc nầy chưa hề được ai hướng dẫn và cũng chẳng hề được nhóm thờ phượng Chúa. Tình cảnh cảm động vô cùng.

Hành trình chấm dứt, tôi rời Paksé một mình trở về Vientiane. Ngồi trên phi cơ, tôi tự hỏi : "Tại sao chỉ có một mình?" Liền đó tôi cảm thấy gánh nặng về linh hồn đồng bào Việt kiều đè nặng trên vai. Tôi rùng mình và bắt đầu lo sợ. Tôi nghĩ, nếu có thể kêu la trong lúc nầy, tôi sẽ la lên : "Chúa ơi, xin cứu hơn 30000 Việt kiều tại Ai lao. Xin sai nhiều con gặt đến lo cho đồng lúa đã chín vàng" và nếu còn kêu la được nữa, thì chắc tôi phải xin thêm : "Xin toàn thể con cái Chúa cả quốc nội lẫn quốc ngoại vui lòng cầu nguyện và ủng hộ để có thể có đủ tài chánh hầu tôi được trở lại nơi vừa thăm để tổ chức các buổi Truyền giảng Tin lành cho Kiều bào!"

Phi cơ vừa hạ cánh làm tôi giựt mình, trời vừa tối, ánh đèn phi trường Wattay sáng rực, tôi trở về trong niềm tin và hy vọng".