Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)




Xứ Do Thái hồi Chúa Giê Xu sinh ra - Mai Đào


Đuốc Thiêng 96, tháng 8 năm 2008


Tác-giả : Roger CARATINI.
Sách : Jesus, de Bethléem à Golgotha, Ãn bän 2003, nhà xuất bản L’Archipel, Paris.
Trích dịch : Mai Đào.

(Xem từ Đuốc Thiêng 86)



Hiram, anh lý luận như một chính trị gia chuyên nghiệp. Thôi cho rồi, đừng để Rôma dính vô, chuyện làm phước dẹp đi. Nhưng anh biết đủ mọi chuyện, thì kể ta nghe, về anh chàng Joseph nghe tin vợ mình có thai trong khi mình vắng nhà 4 năm, thì anh nầy phản ứng ra sao, và các quan chức ở đền thờ phản ứng ra sao?

Tôi xin kể quan nghe những lời người ta thuật lại cho tôi. Nếu là ở Rome hay là ở Damas, thi việc nầy chỉ là một chuyện tầm thường, không quan hệ gì, vào loại "tin chó chết". Nhưng việc nầy xảy ra ở Jerusalem, gây ra "sì căng đan" lớn, vì cớ trách nhiệm của đền thờ trong việc giáo dục nàng Marie. Cô nầy ở đền thờ liên tiếp từ năm 3 tuổi đến năm 12 tuổi, trong tình trạng tinh sạch hoàn toàn, sau đó đền thờ long trọng trao cô nầy cho thầy Joseph coi sóc. Thầy Joseph cam kết sẽ làm đúng như lời hứa, là giữ Marie hoàn toàn tinh sạch. Thầy vốn có nghề thợ mộc, phải đi làm ăn xa, một bữa kia trở về nhà, thấy cô Marie vợ mình đã có thai 6 tháng rồi! Thầy chưng hửng, thất vọng cùng cực, nhiều người dân trong làng còn nhớ lại thầy thất vọng phát khùng đến cỡ nào, họ kể tôi nghe. Thầy thất vọng, tự đấm vào mặt, nằm lăn ra đất mà khóc, không kể gì đến các bạn đồng nghiệp nghe tin, kéo đến an ủi. Thầy rên siết, vừa khóc vừa nói: "Làm sao tôi có thể ngước mặt lên nhìn Đức Chúa Trời? Đền thờ giao Marie cho tôi hoàn toàn trinh tiết, mà nay tôi không giữ được trinh tiết của nàng! Ai là người đã làm chuyện lộn xộn nầy, đã làm nàng ô uế? Phải chăng là con rắn, như xưa kia nó đã xúc phạm Ađam trong khi ngủ?". Sau đó, thầy đứng dậy, kêu Marie lại: "Em được Đức Chúa Trời yêu dấu chiều chuộng, tại sao em làm như vậy? Tạo sao em phản bội Thượng Đế? Tại sao em chất bùn lên linh hồn em?". Marie vừa khóc, vừa trả lời là nàng vẫn tinh sạch, chẳng hề đến gần một người nam nào. "Vậy của quý ấy trong bụng em, từ đâu mà đến?". "Em thề trước Đức Chúa Trời, là em chẳng biết đến từ đâu". Thầy Joseph suy nghĩ phải đối phó cách nào. Giấu nhẹm ư? Không được, làm thế thầy sẽ bị kể là đồng lõa, vi phạm luật Môise. Trình làng, tố cáo Marie ư? Tố cáo thì Marie chết là cái chắc. Nhưng nếu cái thai là do thiên sứ tác động, thì nàng vô tội, và thế là một người vô tội bị giết, càng thê thảm hơn! Coi cung cách của Marie, thì đúng là nàng vô tội, nàng đang thổn thức trước mặt thầy, thề rằng nàng vẫn tinh sạch, rằng nàng chẳng hề gần người nam nào hết, rằng nàng chẳng hiểu tại sao có chuyện nầy.

Rồi sau đó Joseph và Marie thưa dần khóc lóc, nhưng phải tính chuyện tương lai. Joseph phải trình bày cho Đền thờ, phải thề rằng mình cũng như Marie không hề làm chuyện bậy bạ. Các linh mục ở Đền thờ bèn thử thách, bắt Joseph và Marie uống nước thánh, kẻ nào thề láo mà uống nước thánh sẽ bị vật ngã chết. Không thấy họ hề hấn gì, các linh mục sai họ đi sống trong đồng vắng (sa mạc). Từ đồng vắng, họ trở về bình an, yên ổn. Thầy tế lễ cả đành tuyên bố: "Nếu Đức Chúa Trời không buộc tội hai người, tôi cũng không buộc tội.’’ Hai người vui vẻ trở về nhà mình, tôn vinh danh Đức Giêhôva, Chúa của dân Ysơraên. Hiram thuyết trình xong cho Marcellus, nhìn lại chẳng thấy Joseph, Marie và con lừa đâu nữa. Hiram theo đại lộ tìm dấu vết, tìm hỏi với những dân Do thái từ Galilê đến để làm kiểm tra. Sau cùng, gặp được vài người có biết anh thợ mộc Joseph, họ cho biết rằng mục đích của Joseph là phải đi về Bethlehem, để ghi vào sổ tên mình, tên Marie và tên hai đứa con trai của vợ trước, tên là Jude và Samuel.

Trong hang đá ở Bethléem

Bếtlêhem, thị trấn lịch sử! Theo huyền thoại thì vua David sanh ra ở đây. Nhưng dù là nơi sinh của vua nào mặc kệ, Bethlehem chỉ là một làng nhỏ. Joseph phải rời đại lộ Jerusalem, rẽ vào một con lộ nhỏ, đặt Marie ngồi trên con lừa, Jude giữ cương dắt lừa, Samuel lững thững theo sau, Joseph hăng hái dẫn đầu mặc dầu đã già, chập chập quay mặt lại nhìn Marie. Đôi khi y thấy Marie buồn, chắc là vì cớ mang thai. Đôi khi lại thấy Marie mỉn cười vui. Joseph tò mò muốn tìm hiểu vì đâu mà sắc mặt Marie thay đổi mau như thế. Marie trả lời :
Anh yêu ơi, là tại em quan sát hai người con trai của anh, rồi em hình dung ra hai dân tộc. Một dân tộc khóc lóc và than thở, và một dân tộc vừa vui mừng vừa ca tụng. Dân tộc thứ nhứt, là dân Israel, đang đi xa Đức Chúa Trời. Dân tộc thứ hai, là dân ngoại giáo, họ thong thả tiến gần lại Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời há chẳng hứa với Abraham, tổ phụ của chúng ta là "tất cả các dân tộc trên đất sẽ nhờ Abraham mà được phước?" (Sáng thế 18:18).

Marie nói vậy, nhưng rồi nàng kêu đau bụng.
- "Anh Joseph, mau đỡ em xuống lừa, đứa con trong bụng đang chuyển, nó muốn đòi ra". Joseph đỡ vợ xuống lừa, dẫn nàng vô trong một hang đá của dãy núi ở dọc đường đi, cách con lộ không xa. Hang đá tối om, nhưng khi Marie bước chân vô, hang đá sáng trưng lên như có mặt trời soi tới. Nhiều người còn kể rằng rất lâu về sau, hang đá cứ luôn sáng rực, ngày cũng như đêm. Joseph giao cho hai con trai trông chừng Marie, mình đi ra làng Bethlehem để kiếm cô mụ. Joseph đột nhiên có hiện thấy kỳ lạ. Chàng đi, nhưng có cảm tưởng là chân mình không cất bước. Chàng hướng mắt lên trời nhìn chim bay, chim bay mà không thấy chim vỗ cánh. Nhìn xuống khắp cánh đồng, thấy có một máng cỏ cho bò ăn, thấy có một đám công nhân nằm dài như đang ăn, nhưng chân tay họ không nhúc nhích, có bánh trong miệng mà không thấy họ nhai. Thấy một mục đồng cùng với đàn chiên, nhưng cả chiên và mục đồng cứ đứng yên một chỗ. Thấy mấy con dê nhỏ cắm mũi xuống suối, nhưng không thấy chúng uống.

Hai bà Zabel và Salomé

Và đột nhiên, thấy tất cả mọi thứ có sự sống linh động, đúng lúc đó thấy một phụ nữ từ trên núi đi xuống, hỏi :
- Ông đi đâu?
- Tôi đi kiếm một phụ nữ hộ sanh người Do thái.
- Ông có phải là dân Israel không?
- Phải, tôi là dân Do thái.
- Người đàn bà sắp sanh con ở trong hang đá là thế nào với ông?
- Là vị hôn phu của tôi.
- Không phải vợ sao?
- Không. Cô Marie nầy sống từ nhỏ trong Đền thờ Đức Chúa Trời cho đến năm 12 tuổi. Đền thờ rút thăm nhằm tôi để cô ấy làm vợ tôi, nhưng vẫn chưa làm vợ. Đứa con mang trong bụng cổ là trái của Thánh Linh.
- Đúng như lời ông nói sao?
- Bà vô mà coi.
Phụ nữ hộ sanh nầy tên là Zabel, đi theo Joseph tới hang, bao bọc ngoài hang lúc nầy là một vầng mây sáng. Khi hai người tới cửa hang, vầng mây rút đi, có ánh sáng rực rỡ từ trong hang chiếu ra, sáng rực rỡ đến nỗi Joseph và Zabel phải nhắm mắt lại để khỏi bị lóa mắt. Đột nhiên ánh sáng biến đi, thấy một em bé đang bú vú mẹ là Marie. Joseph tiến tới nói :
- Tôi đưa về đây bà Zabel, phụ nữ hộ sanh, bả đang đứng trước hang, vì sợ bị lóa mắt.
Marie nghe nói vậy, thoáng mỉm cười.
- Đừng vội cười, Zabel đến để khám nghiệm em, và coi em có cần bả giúp gì không?
Marie miệng không ngừng mỉm cười, mời Zabel bước vô khám nghiệm.
Zabel khám nghiệm rồi hét lên :
- Lạy Chúa tôi! Chưa hề có thầy thuốc nào từng thấy chuyện nầy, hay là từng tưởng tượng ra. Coi nầy, mẹ mới sanh con, mà vú đã đầy ăm ắp sữa, em nhỏ vừa mới sanh ra mà chẳng nhơ bẩn, chẳng vướng máu, mẹ sanh con ra mà chẳng đau đớn gì! Đây là gái đồng trinh đã sanh con, sanh con rồi mà vẫn còn đồng trinh!
Zabel quá xúc động, bước khỏi hang, gặp bà Salomé, một phụ nữ hộ sanh khác, bà nầy thấy cửa hang có vầng mây sáng nên tiến đến coi có chuyện gì kỳ lạ.
- Salomé, Salomé, nghe chuyện kỳ lạ nầy: một gái đồng trinh vừa mới sanh con, nhưng vẫn là đồng trinh!
- Làm gì có, tôi tin sao được, trừ phi chính tôi khám nghiệm.
Salomé lại gần Marie: Xin cho tôi khám nghiệm vì chuyện chị Zabel kể rất là quan trọng.
Marie vẫn mỉm cười, cho phép Salomé khám nghiệm. Salomé đưa bàn tay mặt vô để khám, như thông lệ của các phụ nữ hộ sanh Do thái, nhưng khi rút tay ra, bàn tay đột nhiên khô queo lại, như thể vừa bị lửa đốt cháy. Salomé kêu lớn quỳ xuống, và cầu khẩn Đức Chúa Trời :
- Lạy Đức Chúa Trời của tổ phụ con, xin Chúa thương xót con, cứu giúp con. Con vẫn luôn luôn kính sợ Chúa, con vẫn chăm sóc những người nghèo mà không hề đòi họ phải trả tiền công, con không bao giờ lấy tiền bà góa và trẻ mồ côi, con không bao giờ để kẻ đói khát vô nhà con mà phải ra đi tay không, hôm nay con bị tàn tật vì con không tin, xin Chúa trả lại bàn tay cho con, trả con cho những người nghèo, để con chăm sóc họ.

Người ta kể lại rằng lúc đó trước mặt Salomé giáng xuống một thiên sứ đầy dẫy ánh sáng, thiên sứ nói :
-Salomé ơi, Chúa Toàn năng đã dựng nên mọi vật, Ngài đã nghe lời chị cầu xin và nhậm lời chị. Chị hãy đưa bàn tay khô lại gần em nhỏ, ẵm nó trong tay. Em nhỏ nầy là Đấng Cứu Thế, là Jesus của tất cả mọi người đang trông chờ.
Salomé tới bên em nhỏ, đụng vào vải bọc em, bồng em trong tay và nói :
- Tôi thờ lạy Ngài cho đến khi tôi chết, vì Ngài được sanh ra để làm vua Israel.
Nói xong thì tay Salomé được lành.
Người ta cũng kể rằng trong đêm ấy, là đêm Cứu Chúa sanh ra, có một ngôi sao thần thật lớn, chiếu sáng rực rỡ cả đêm từ đầu hôm tới sáng, sáng đến nỗi làm mờ hết mọi sao xung quanh.

Các mục đồng. Các bác sĩ phương đông. Siméon và Anne.

Trong đêm ấy, có các mục đồng được thiên sứ báo tin rằng Cứu Chúa đã sanh ra (xin coi Kinh thánh, sách Luca đoạn 2).

Và sách Mathiơ đoạn 2 kể về các bác sĩ từ phương đông đến thờ lạy "vua dân Israel mới sanh". Về các bác sĩ nầy, tác giả nói là họ đến từ xứ Perse (Ba tư). Và tác giả chép sự cố sau đây :
Khi đã thờ lạy Chúa Jesus rồi, trước khi từ giã, Marie tặng cho họ làm kỷ niệm một cái tã lót đã bọc em nhỏ. Khi các bác sĩ về tới xứ Perse, họ trình tã lót nầy cho vua xứ Perse và các thầy tế lễ. Mọi người làm lễ long trọng đón nhận món quà, và theo tục lệ cổ truyền, họ đốt lửa, quăng chiếc tã vô lửa. Khi lửa đã tàn, họ thấy chiếc tã còn nguyên, không bị đốt và dân Perse kính trọng giữ gìn chiếc tã nầy như một báu vật.

Tác giả cũng kể chuyện đến ngày thứ tám sau khi sanh, Joseph và Marie đem dâng Chúa Jesus nơi Đền thờ, gặp ông Siméon và bà Anne (coi sách Mathiơ).

(Chú thích: tác giả kể tỉ mỉ những chuyện nầy, nhưng vì đã được chép trong Kinh Thánh nơi các sách Mathiơ và Luca, nên dịch giả thấy không cần nói thêm)

Marcellus băn khoăn

Trong dinh thự ở Jerusalem, Marcellus quan khâm sai của hoàng đế Rôma, chắp tay sau lưng, đi đi lại lại. Hiram, vẫn được Marcellus giữ Hiram làm cố vấn cho mình, đang ngồi gần cửa.

Marcellus băn khoăn về các bác sĩ đến từ Perse. Phải chăng họ là thám tử? Lại khó hiểu về tin đồn có một Đấng Cứu thế mới sanh ra cách lạ lùng, sanh bởi người nữ cứ còn đồng trinh. Y là ngoại đạo, chẳng tin có Đức Chúa Trời, chẳng tin phép lạ, nhưng y nghĩ rằng không có lửa thì làm sao có khói. Y nói toạc ra những điểm băn khoăn thắc mắc trong lòng :
- Hiram ơi, những truyện tích về điềm báo trước, về trẻ em sanh cách lạ lùng, ta cho qua hết và anh chàng Joseph chỉ là kẻ quá ngố, bị lừa mà không biết. Nhưng điểm làm ta phải suy nghĩ, là tên mà họ đặt cho con trẻ mới sanh ra. Danh từ nầy nghe như là một mật hiệu để quy tụ nhau. Cứu Chúa, Cứu Chúa, nghĩa là thế nào? Dân Do thái cần được cứu khỏi cái gì, khỏi tay ai? Khỏi tay người Perses? người Arabes nabatéens? người Rôma? Và tại sao họ bắt đầu kêu em nhỏ ấy là "dòng đõi David", hoặc là "vua dân Do thái"? Phải chăng là ở xứ Giuđê đang có một tổ chức quốc gia kín giấu, tổ chức nầy kiếm cách quấy đảo dư luận, lôi kéo quần chúng chống lại Rôma, nhân lúc nầy vua Herode sắp chết?
- Không phải là điều không thể có. Từ khi Hérode đau nặng, có rất nhiều người ngấp nghé nắm chính quyền. Trước hết là Archelaüs, kẻ kế tự chính thức. Bên cạnh đó là các em y. Rồi có các thầy tế lễ, các địa chủ giàu, các chủ ngân hàng, ...
- Ta không phản đối anh, vì đúng là có những người nầy. Nhưng nắm chính quyền ở Palestine đâu phải là chuyện dễ, chỉ cần vài nhát dao là đủ đâu! Phải có một đạo quân, tối thiểu là để chống lại quân binh từ Rôma đến. Quân Rôma vẫn sẵn sàng đến, nếu có đại sự. Bổn phận của ta là lo đoán trước đại sự, nên ta băn khoăn về các danh từ ấy, nào Cứu Chúa, nào Jesus, nào... - Quan cũng sợ một đứa bé mới sanh 8 ngày hay sao?



Đuốc Thiêng 96

1 Thuốc của tâm linh - ĐTPÂ
2 Diễn văn khai mạc Đại Hội Tin Lành Việt Nam Âu Châu lần 24 - MS Nguyễn Văn Bình
3 Thơ : Giờ này mình xa nhau - Vân Giang
4 Tất cả vì vinh hiển Đức Chúa Trời - MS Nguyễn Văn Bình
5 Miên man mùa thu - Nguyễn Đình Bùi Thị
6 Thơ : Chỉ có Giê-xu - Thu Thảo
7 Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
8 Thơ : Khuyên tin thờ Chúa - Bình Tú Ngọc
9 Xứ Do Thái hồi Chúa Giê Xu sinh ra - Mai Đào
10 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
11 Kỷ niệm một mùa hè - Bà Lê Văn Bắc
12 Nhật ký chuyến đi Âu Châu - MS Lê Cao Quý
13 Thơ : Đừng lo lắng - Tú Ngọc Phô
- Nầy đừng ngạo ta, anh hiểu rõ ta mà. Ta không sợ gì đứa nhỏ, nhưng ta thắc mắc về danh hiệu, danh hiệu được Đền thờ đồng ý, vì sao đồng ý? Trong những năm tới, Jerusalem phải có một chính quyền cứng rắn. Chẳng phải đấy là ý nghĩ của một mình ta. Cả Hérode cũng nghĩ như thế, anh có thấy chăng chỉ mới cách đây vài tuần lễ, y cho thủ tiêu hết những người cầm đầu các đại tộc ở Jerusalem?
- Ôi, Hérode, kẻ bạo chúa sát nhân...
- Đúng vậy, cuộc thảm sát nầy ở Jericho cho thấy là y chẳng nương tay với ai, và y đang lo ngại chuyện gì.
- Y làm vậy, quan có tán thành không?
- Không, ta chẳng tán thành, dầu là với tư cách cá nhân hay là với tư cách khâm sai của hoàng đế. Nhưng đây là vấn đề liên miên của tất cả mọi chánh quyền trên đất: diệt trừ từ trong trứng một cuộc nổi loạn, bằng cách giết một vài trăm, vài chục kẻ cầm đầu, hay là chờ cuộc nổi loạn bùng ra, sẽ giết hàng ngàn hàng vạn?
- Trình diễn lực lượng của mình để chẳng phải dùng đến, há chẳng phải là điều tốt nhứt sao? - Đấy là phương sách hiện nay của Rôma trong khắp cả đế quốc, trừ xứ Palestine. Ở đây chẳng có quân binh Rôma, và từ đời hoàng đế Pompée, Rôma chỉ gởi đến vài nhân viên hành chánh. Mọi sự trông nhờ ở tay Hérode, anh nầy chẳng phải người Rôma, mà lại là một anh Do thái.
- Anh ta là Do thái mới gần đây thôi, gốc tích y chẳng là một đại tộc nào trong 12 đại tộc ở Israel, gốc tích y là xứ Idumée.
- Ở đâu thây kệ, không có vấn đề, vì nay y sắp chết. Palestine sẽ không còn là vương quốc của Hérode, mà sẽ trở thành vùng Rôma cai trị trực tiếp. Ta chỉ mong sao cuộc thay đổi thể chế nầy sẽ không gây ra đổ máu. Nhưng nầy Hiram, về mấy bác sĩ người Perse mà trong cả vùng người ta đang nói đến, anh có tin gì không?
- Bác sĩ nào?
- Những người đã hứa với Hérode là sẽ trở lại cho tin về Jesus, mà mới đây đuợc làm lễ dâng trẻ ở đền thờ. Perse là một nước có mức độ nghệ thuất cao nhứt trong việc ám sát về chánh trị. Khi Hérode căn dặn các bác sĩ hãy trở lại Jericho để cho tin, là họ giựt mình ngay, họ cảnh giác, đoán chừng có bẫy giò gì đây, họ trở về xứ Perse theo đường khác xuyên qua Damas, không theo đường xuyên qua Jericho. Hérode thấy vậy, nổi giận lôi đình, sai quân lùng bắt khắp xứ, nhưng giờ đây, chắc họ đang ở xứ Syrie.
- Ouf!
- Sao quan nói "ouf"?
- Bởi vì họ trốn thoát, thì đỡ cho hoàng đế những rắc rối ngoại giao với xứ Perse. Nhưng ta e ngại cho số phận của Jesus, Hérode sẽ chẳng khỏi trả thù, làm tội làm tình đứa trẻ, hoặc cha mẹ nó.
- Dạ, đã có như thế. Hérode đã sai bộ hạ tới Jerusalem để bắt "gia đình thánh", như y kêu ngạo, để đem ra tra tấn Joseph, Marie và Jesus cho đến chết, để cho hết ai muốn tự xưng là "vua dân Do thái".
- Đúng là cung cách của Hérode. Vái thần Jupiter đừng cho bắt được.
- Bắt không được, chắc chắn là Joseph đã được báo trước, và vào giờ nầy, đang ẩn náu đâu đó.
- Đoán chừng họ trở về vùng Galilê.
- Không, tôi không tin như thế. Chắc là Hérode đã sai ngăn chặn trên mọi ngã đường lên phía bắc. Theo tôi, thì giờ nầy Joseph đang lo tiến vào thương lộ Maris, con đường lớn dọc theo biển Địa trung dẫn xứ qua Egypte, ở xứ đó có nhiều nguời dân Do thái, nhứt là ở các thành phố Alexandrie và Leotopolis. Những cơn giận của Hérode thường vẫn tàn khốc, nếu không bắt được mấy kẻ kia, thì sẽ có đổ máu cách nầy cách khác tiếp theo... Kìa, có giao thông viên tới, anh nầy thở hổn hển, chắc là có tin. Marcellus vội đứng lên, móc vội tờ thư từ trong tay giao thông viên, đọc rồi tái mặt, nói giọng run run :
- Hiram, anh đoán đúng. Hérode tàn ác vô cùng: y đã ra lịnh giết hết mọi bé trai từ 2 tuổi trở xuống ở Bethlehem và vùng phụ cận.
Ấy đấy, Hérode làm ứng nghiệm lời của tiên tri Giêrêmi. Hiram nói vậy rồi ngâm nga :
Từ Rama,
Người ta nghe tiếng kêu la,
Tiếng than, tiếng khóc rộn xa, vang gần.
Tiếng của nữ tổ phụ Rachên
Lòng bà đang đau đớn như điên,
Khóc các con trai minh đã chết,
Và chẳng chịu an ủi hết,
Bởi vì chúng đã tan thây,

Chẳng còn nằm gọn trong tay của bà (Giêrêmi 31:15).
- Đây là tội ác cuối cùng của Hérode. Nếu nó không chết vì bịnh, thì lưỡi gươm của ta đây sẽ thanh toán nó. Quả là tàn ác tột cùng tàn ác! Vái trời cho Joseph và em nhỏ mới sanh thoát được.
- Joseph thoát hiểm rồi, tôi chắc như thế.
- Đúng thế, "gia đình thánh" như lời Hérode, đã qua được tới xứ Egypte, là một thuộc địa của Rôma, nằm dưới tay quan tổng trấn Aphrodisus. Theo lời những người kể lại chuyện di tản nầy, thì Joseph đã được thiên sứ báo mộng. Trong đêm trước ngày tàn sát, một thiên sứ đã hiện ra với Joseph trong giấc chiêm bao, nói: "Hãy đem Marie và con trẻ, lấy con lộ đồng vắng mà qua xứ Egypte, rồi ở đó cho đến chừng nào ta kêu về, vì hiện nay Hérode đang tìm giết con anh". Joseph tuân lịnh, đi ngay. Chỉ ít lâu sau đó, khoảng đầu năm 750 (năm 4 TC), Hérode chết vì bịnh ở trong lâu đài Jericho, nhưng kẻ tàn ác nầy vẫn còn gây thêm tội ác trước khi chết: Có 2 người Pharisi cuồng tín, tên là Judas ben Mariohée và Matthias bên Margalothe, cầm đầu một bọn khoảng 40 thanh niên, đi gây rối ở Đền thờ, phá huỷ một công trình kiến trúc mà Hérode đã kiêu hãnh dựng nên, tát cả đều bị Hérode sai giết chết.

Phá đại bàng ở Đền thờ

Hai người Pharisi nói trên là hai giáo sư dạy luật, rất kỉnh kiền, được giới thanh niên ở Jerusalem rất kính trọng. Khi họ được tin là Hérode mang bịnh trầm trọng, chắc sẽ chết, họ vận động các sinh viên hãy theo họ, phá hủy các công trình kiến trúc mà Hérode đã cho dựng nên ở Đền thờ, những công trình nầy dựa theo ngoại giáo Rôma, làm ô uế Đền thờ, vì nghịch lại kinh Torah và nghịch lại phong tục tập quán Do thái. Họ khéo léo kích động các sinh viên, nói rằng không có gì vinh quang hơn là bảo vệ Do thái giáo, rằng gia đình Hérode lâu nay bị nhiều tai vạ là tại vì họ vi phạm luật Môise, chà đạp những luật lệ xưa, đặt ra luật lệ mới.

Trong những công trình kiến trúc nói trên, thứ làm người dân Do thái ghê tởm nhứt là con đại bàng khổng lồ bằng vàng, gắn trên vành cao của cổng chánh vô Đền thờ, thế mà luật Môise đã nói chắc chắn rằng không được chế tạo, không được trưng bày những hình ảnh kiểu nầy. Mấy năm trước, họ đã dùng lưỡi rìu phá hình đại bàng nầy, nhưng không kết quả gì nhiều. Đại bàng năm đó bị mấy lưỡi rìu liền được thay thế bằng đại bàng lớn hơn, rực rỡ hơn, như là cố ý làm cho nơi thánh bị ô uế nhiều hơn. Hai giáo sư Judas và Matthias động viên các sinh viên :
-Huỷ diệt đại bàng đúng là việc nguy hiểm, nhưng các bạn ơi, nguy hiểm không làm chúng ta thối chí. Ta chết, mà chết trong vinh quang muôn đời sau sẽ ghi công chúng ta đã ra sức bảo vệ luật pháp, hơn là đời nay sống mà sống trong tủi nhục. Người hèn nhát hay người can đảm ai cũng sẽ chết, nhưng ta chết mà có vinh quang đời đời để lại cho con cháu.

Lời động viên nầy chưa hẳn đem lại kết quả mong muốn, nếu trong thành phố không có tin đồn là Hérode đang hấp hối. Thế là 2 giáo sư cùng với các sinh viên lên Đền thờ, tới cổng chánh, giữa trưa nắng chói, gỡ đại bàng quăng xuống đất, đập vụn thành từng mảnh nhỏ, trước mắt đám đông vô số hoan nghinh họ rầm trời. Viên chỉ huy quân sự nơi Đền thờ nghe tin, đem quân lính đến, đám đông mau lẹ giải tán, nhưng khoảng 40 sinh viên với 2 giáo sư cứng cổ chống lại, liền bị bắt, giải đến Hérode.

Trái với tin đồn, Hérode chưa chết, mà còn có lúc sáng suốt, Hérode hỏi :
- Đại bàng nầy dựng ở cổng Đền thờ, đã có thầy tế lễ cả cầu nguyện chúc phước, sao chúng bay to gan dám huỷ diệt? Ai sai chúng bay?
Judas và Matthias, nhân danh mình và các người bị bắt, trả lời cách cương quyết, rắn rỏi, không thể bảo là lời họ trái với con tim :
- Chẳng có ai sai, đây là chúng tôi quyết định đã từ lâu. Vua đã làm điều sỉ nhục Đức Chúa Trời, sỉ nhục Luật Thánh, vậy chúng tôi phải hành động, nếu không hành động thì chúng tôi là kẻ hèn nhát. Chúng tôi bảo vệ Luật Thánh, Luật đã do Môise truyền lại khi nhận từ tay Đức Chúa Trời, tại sao chúng tôi lại không quý trọng Luật Thánh hơn những luật lệ do vua đặt ra? Vua tưởng rằng chúng tôi sợ bị tra tấn, sợ bị giết chết ư? Không, không, chúng tôi không sợ, chúng tôi chết chẳng phải vì làm điều ác, nhưng là vì chúng tôi bày tỏ lòng trung thành với Thượng Đế.

Xử án những tội phạm

Hérode hiểu rằng mấy tên cuồng tín nầy, tra hỏi thêm nữa cũng vô ích, bèn sai xiềng tay chân và giải họ đến hí trường Jericho, đồng thời triệu tập tất cả các trưởng lão, các quan chức ở Jerusalem, ở cả xứ Giuđê. Khi mọi người đã nhóm lại đông đủ, Hérode nằm kiệu cho người khiêng đến, bởi vì y đau, không ngồi lên được. Y nhắc lại cho họ nhớ, y đã khó nhọc ra sao để làm cho toàn dân sung sướng. Y đã cho tái kiến thiết Đền thờ. Đền thờ nầy trước đây đã bị người Assyrie huỷ phá, rồi truớc khi y làm vua, có các đời vua Hasmonéens suốt một trăm hai chục năm, có ai dám xây lại Đền thờ đâu? Nay y cho xây lại để làm vinh hiển Đức Chúa Trời, rồi y xây dựng nhiều thành phố, làm nhiều công sự lớn khắp nơi, y mong rằng dân chúng sẽ biết ơn y và sau khi y chết, sẽ nhớ mãi công lao. Y kết luận : thế mà những người nầy vô ơn, chờ y sắp chết, hành động xúc phạm Đền thờ mà y đã dâng cho Đức Chúa Trời.

Nghe y nói xong, các trưởng lão bào chữa rằng họ chẳng hề về phe với mấy người đó và mấy người đó đáng bị xử tội. Hérode nguôi cơn giận, đặt Zoazar vào chức vụ thấy tế lễ cả để thay thế thấy tế lễ cả hiện nay đã không biết ngăn ngừa trước việc xúc phạm Đền thờ. Và sai dựng đài ở hí trường để đốt thiêu 2 giáo sư cùng 40 đồng bọn, đốt ngay chiều hôm đó, y nằm chứng kiến. Đêm hôm đó, trên trời có nguyệt thực, tưởng đâu trăng cũng muốn che mặt lại trước những cảnh man rợ, nào kẻ gây chuyện xúc phạm, nào kẻ dựng hình phạt gớm ghê mà rồi cũng chết vài ngày sau đó.

Phiếm luận của người dịch : Thưa quý độc giả, người Do thái còn phải học người Việt nam trong việc hủy phá kiến trúc của kẻ thù mà không gây thiệt hại. Quý vị có còn nhớ lịch sử, khi tướng Trung quốc là Mã viện đã diệt xong hai bà Trưng, y cho dựng một cột đồng ở biên giới Việt nam phía bắc, ở chỗ kêu là "ải Nam quan" và khắc nơi cột đồng sáu chữ "Đồng trụ chiết, Giao chỉ diệt", nghĩa là Mã viện truyền lịnh rằng nếu để cột đồng nầy đổ, thì cả dân Việt nam sẽ bị diệt. Người dân Việt đã hủy diệt cột đồng nầy cách êm ái, mà không mất lòng Mã viện. Cách nào mà kỳ diệu vậy? Mỗi người dân quê Việt nam, buổi sáng đi lên phía bắc làm việc, khi đi ngang cột đồng, quăng vào chân cột đồng một hòn đá nhỏ cỡ nắm tay. Buổi chiều cũng làm thế, khi đi trở về nhà ở phía nam. Phương ngôn có câu "kiến tha lâu cũng đầy tổ", đá nhỏ quăng lâu ngập cả cột đồng, đến nỗi về sau bên Trung quốc cho người sang Việt nam kiếm, mà kiếm không ra chỗ dựng cột đồng!

Thời đại mới

Thế là chết rồi tên bạo chúa, bạo chúa nhưng cũng có công suốt ba chục năm đã làm cho xứ Do thái được tương đối độc lập với Rôma và được sống trong hoà bình. Ai cũng thở ra nhẹ nhõm, nói rằng nay là thời đại mới, những người Do thái đã di tản ra ngoại quốc để thoát khỏi tay Hérode tàn ác, nay có cơ hội trở về quê hương, kể cả gia đình Joseph mới di tản cách đây không lâu, có khi còn đang nằm trong sa mạc, nhưng chẳng ai quan tâm đến.

Nhưng Marcellus rất quan tâm. Y chẳng quên cô gái ngây thơ ngồi bên vệ đường, úp mặt khóc trên vai ông già, để đem con nhỏ mới sanh đi trốn. Liệu chừng cổ có đến được Egypte chưa? Đến Egypte rồi có ở yên chăng, hay là đã bỏ mạng trong sa mạc Egypte? (Chi tiết về sự cố "Di tản qua Egypte" được chép trong cuốn Tin Mừng ngoại thư "Tin Mừng thứ nhì của Mathiơ") Marcellus thổ lộ tâm tình với Hiram, anh nầy vẫn thường xuyên di chuyển giữa Sidon với Jerusalem trong mùa nầy, vì như Marcellus nói, y là "vua đùi chiên".

- Nầy Hiram, họ đi ở Egypte. Họ có trở lại Israel chưa?
- Dạ, không biết. Nhưng nếu quan muốn biết thì tôi sẽ tìm hiểu, ngày mai tôi có việc đi qua vùng biển Galilê, thế nào mà chẳng đụng phải một ngư phủ người Naxarét.
- Cám ơn anh. Tôi thương đôi vợ chồng ấy và muốn giúp họ.
- Tôi sẽ trở về khoảng sau hai tuần. Quan có cần gì tôi không?
- Không. Trong khi anh chưa về, ta sẽ lập báo cáo lên hoàng đế, ngài muốn gấp rút thiết lập cho xứ Giuđê có thể thức hành chánh mới và muốn liên lạc với Archélaus, vua mới người Do thái. Ta cứ ở Jerusalem, vì đã sang mùa nóng, ta muốn nằm mát trong bóng cây ở biệt thự của người bạn anh, hơn là lang thang ngoài lộ.

(Hết chương 6)