TIN LÀNH VIỆT NAM PARIS & PHÁP
"Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời." (Giăng 3:16)
Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)
Tất cả vì vinh hiển Đức Chúa Trời - MS Nguyễn Văn Bình
Đuốc Thiêng 96,
tháng 8 năm 2008
"Vậy anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là
làm sự chi khác, hãy vì sự
vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm"
(I Côrinhtô 10:31)
Khi viết thư cho Hội Thánh Côrinhtô,
Phaolô tạ ơn Đức Chúa Trời vì Hội
thánh Côrinhtô: về thuộc linh,
là những người "được nên thánh trong
Đức Chúa Giê Xu, được gọi là
thánh đồ" (I Côrinhtô 1:2); về
ân tứ, con cái Chúa trong Hội
thánh được "Đức Chúa Trời ban ơn trong Đức
Chúa Giê Xu... không thiếu ơn
nào" (I Cô 1:4, 7); về tri thức, "Anh em
đã được dư dật về mọi điều ban cho cả lời nói lẫn
tri thức" (I Cô 1:5). Thế nhưng khi đọc hết thư I
Côrinhtô, Phaolô đã cho
chúng ta thấy, Hội thánh
Côrinhtô là một Hội thánh
chưa làm vinh hiển Đức Chúa Trời. Giữa
vòng anh em tín hữu, có phe
phái chia rẻ, gây cãi lẫy trong Hội
thánh (I Cô 1:10-31); phạm tội dâm loạn,
loạn luân (I Cô 5); kiện cáo nhau ra
chính quyền thế tục (I Cô :); ăn của
cúng tế thần tượng và tà thần
làm vấp phạm kẻ khác (I Cô 8); dự tiệc
thánh và bữa ăn thông công
có người ăn uống quá độ trong khi nhiều người
khác bị đói (I Cô 11); lại
còn có tiếng lạ xuất hiện không
đúng cách làm ồn ào mất
trật tự Hội thánh. Vì vậy, trong I
Côrinhtô 10:31, Phaolô kêu gọi
toàn thể con cái Chúa trong Hội
thánh phải làm "tất cả vì vinh hiển
Đức Chúa Trời" (I Cô 10:31) "Vậy anh em hoặc ăn,
hoặc uống, hay là làm sự chi khác,
hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời
mà làm". Trong câu Kinh
thánh nầy, Phaolô kêu gọi con
cái Chúa phải sống sao cho "tất cả vì
vinh hiển Đức Chúa Trời" qua ba chữ quan trọng mà
tôi muốn cùng quý anh chị em học hỏi
trong bài nầy.
I. Ăn
Chữ thứ nhất là chữ 'ăn': "Ăn vì vinh
hiển Đức Chúa Trời". "Vậy anh em hoặc ăn... hãy
vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà
làm" (I Cô 10:31).
Người Việt mình thường nói: "Cái ăn
là cái tồi tàn", song có
điều trái ngược, người ta ai nấy đều đặt cái ăn
trước mọi nhu cầu khác.
Ăn trước uống = ăn uống
Ăn trước quần áo = ăn mặc
Ăn trước nhà cửa = ăn ở
Ăn trước ngủ = ăn ngủ
Ăn trước chơi = ăn chơi
Ăn trước trang điểm = ăn diện
Ăn trước nằm = ăn nằm
Ăn trước học = ăn học
Nhưng dù ai "lấy bụng mình
làm chúa mình, lấy sự xấu hổ
mình làm vinh hiển" (Phil 3 :19)
thì chúng ta là con cái
Chúa quyết một lòng một dạ "ăn vì vinh
hiển Đức Chúa Trời".
Thế thường người ta ăn làm mất vinh hiển Đức Chúa
Trời nhiều hơn ăn làm vinh hiển Đức Chúa Trời.
Bà Êva vì ăn mà
làm mất vinh hiển Đức Chúa Trời, rước tội lỗi
vào mình mà còn đưa cả hậu
tự đi vào con đường tối tăm tội lỗi chịu dưới cơn
đoán phạt của Đức Chúa Trời. Êsau
vì một miếng ăn mà bán quyền con
trưởng trở thành người làm mất vinh hiển Đức
Chúa Trời. Dân Ysơraên, sau 430 năm
làm nô lệ tại
Êdíptô, Đức Chúa Trời tỏ
lòng thương xót, sai Môise đến giải
cứu. Với quyền phép của Đức Chúa Trời, họ vượt
qua biển đỏ như đi trên đất khô. Rồi trong suốt
hành trình lang thang trong sa mạc, thực phẩm
không có, Đức Chúa Trời ban mana từ
trời rơi xuống cho họ ăn mỗi ngày đầy đủ, dư dật. Thế
mà họ còn hướng lòng về quê
cũ, thèm củ kiệu, dưa hành của xứ
Êdíptô, đòi Môise
phải đưa họ trở về, dù làm nô lệ
còn có các thứ đó
mà ăn. Họ nổi loạn làm mất vinh hiển Đức
Chúa Trời trong khi Đức Chúa Trời cung ứng mọi
nhu cầu cấp thiết cho họ nơi đồng vắng nắng cháy
khô khan, chỉ vì miếng ăn. Chưa hết , họ
còn nổi loạn đòi ăn thịt nữa. Đức Chúa
Trời bèn đưa chim cút theo gió thổi
rớt xuống cao ngất cho họ tự do bắt lấy làm thịt
mà ăn. Họ ăn đến nỗi thịt tràn ra lỗ mũi
mà chết, chết rất nhiều. Họ ăn không
làm vinh hiển Đức Chúa Trời.
Hópni và Phinêa, hai con trai của thầy
tế lễ thượng phẩm Hêli, dù cha là thầy
cả Thượng phẩm, nhưng hai con trai không kính sợ
Chúa, coi việc Chúa như nghề nghiệp, chứ
không biết Chúa và để Chúa
quản cai đời mình, không có đời sống
thuộc linh xứng đáng. Hai người phạm tội rất lớn trước mặt
Chúa vì tham ăn. Mỗi khi có người
dâng tế lễ, theo qui định, người ta lấy thịt tế lễ
đó nấu dành cho các nhân sự
trong đền thờ ăn. Đang khi thịt còn nấu trong nồi, hai con
của Hêli lén lấy chĩa ba chích
vào lấy thịt mà ăn riêng. Có
khi hai đứa nầy còn đòi người ta đưa thịt sống,
viện lẽ là thầy tế lễ không thích ăn
thịt luộc, cũng không muốn ăn thịt nấu chung chung như thế,
mà chỉ muốn nấu riêng đặc biệt cho mình
ăn thôi, mọi lý do đòi hỏi chỉ nhằm
thỏa mãn riêng cho mình (I Sa 2:12-17).
Kinh thánh lên án hai đứa con ấy: "Tội
lỗi của hai người trai trẻ nầy lấy làm rất lớn trước mặt Đức
Giêhôva, vì họ gây cho người
ta khinh bỉ các của tế lễ dâng cho Đức
Giêhôva" (I Sa 2:17). Chỉ vì ăn
mà hai con của Hêli làm mất vinh hiển
Đức Chúa Trời.
Đối với Hội thánh Côrinhtô,
Phaolô cảnh báo: "Đồ người ngoại đạo
cúng tế là cúng tế các quỉ,
chớ không phải cúng tế Đức Chúa Trời,
vậy, tôi không muốn anh em thông đồng với
các quỉ. Anh em chẳng có thể uống chén
của Chúa và cũng uống chén của
các quỉ, chẳng có thể dự tiệc của
Chúa, lại dự tiệc của các quỉ. Hay là
chúng ta muốn trêu lòng Chúa
ghen chăng? Chúng ta há mạnh hơn Ngài
sao?" (I Cô 10:20-22). Thế mà trong I
Cô 8:1-13, cho thấy một số người ở Hội thánh
lý luận: thần tượng là hư không, do
đó của cúng tế cho các thần tượng cũng
hư không, cho nên mình ăn của
cúng thần tượng cũng chẳng hại gì.
Phaolô nói những người ăn của cúng thần
tượng như thế không ăn vì vinh hiển Đức
Chúa Trời. Ông nói: "Một
đôi người vì nghĩ thường có thần tượng,
nên khi ăn của cúng tế đó cho
là của cúng tế thần tượng, thường lương
tâm yếu đuối của họ bởi đó ra ô uế. Vả,
ấy chẳng phải là đồ ăn làm cho chúng
ta đẹp lòng Đức Chúa Trời. Nếu chúng
ta ăn, chẳng được ích gì, bằng không
ăn, cũng chẳng tổn gì. Nhưng hãy giữ lấy, kẻo sự
tự do mình làm dịp cho kẻ yếu đuối vấp phạm. Bởi
vì, nếu có kẻ lương tâm yếu đuối thấy
ngươi là người có sự hay biết ngồi ăn trong miếu
tà thần, thì há chẳng cũng bắt chước
mà ăn của cúng tế sao? Thế thì ngươi
lấy sự hay biết mình mà làm sự hư mất
kẻ yếu đuối, là người anh em mà Đấng Christ chết
thế cho! Khi nào mình phạm tội cùng
anh em như vậy, làm cho lương tâm yếu đuối của họ
bị thương, thì phạm tội cùng Đấng Christ. Cho
nên nếu đồ ăn xui cho anh em tôi vấp phạm,
thì tôi sẽ chẳng hề ăn thịt, hầu cho khỏi
làm dịp vấp phạm cho anh em tôi." (I
Cô 8:7-13).
Ở I Cô 11:17-22, Phaolô nói đến bữa ăn
khác. Đó là bữa ăn Agapé.
Mỗi khi nhóm thờ phượng Chúa, dự tiệc
Thánh, con cái Chúa ở Hội
thánh Côrinhtô có bữa ăn
chung với nhau "cách vui vẻ thật thà". Thế
mà người giàu lại ăn riêng, thỏa
mãn các món ngon vật lạ, trong khi
người nghèo phải ăn những món đạm bạc, lắm khi
không đủ phải chịu đói. Phaolô
nói: "Anh em há chẳng có
nhà để ăn uống sao? Hay là anh em khinh bỉ Hội
thánh của Đức Chúa Trời, muốn làm cho
những kẻ chẳng có gì phải bị hổ thẹn?
Tôi nên nói chi với anh em?
Có nên khen anh em không? Trong việc nầy
tôi chẳng khen đâu!" (ICô 11:17-22).
Hội thánh Côrinhtô không ăn
vì vinh hiển Đức Chúa Trời. Là con
cái Chúa chúng ta ăn gì
và ăn cách nào, ăn ở đâu,
phải để cho danh Đức Chúa Trời được vinh hiển.
Sách Đaniên đoạn 1 kể rằng: "Trong thời
dân Ysơraên bị bắt làm phu tù
tại xứ Babylôn, vua chọn một số người trẻ tuổi,
khôi ngô tuấn tú của Ysơraên
nuôi ăn học tạo cơ hội sau nầy cho họ dự phần lo việc triều
đình và đất nước. Trong số những chàng
trai được tuyển chọn có Đaniên và ba
bạn của ông tên Hanania, Misaên
và Axaria. "Vua định mỗi ngày ban cho họ một phần
đồ ngon vua ăn và rượu vua uống, hầu cho khi đã
nuôi họ như vậy ba năm rồi, họ sẽ đứng chầu trước mặt vua" (Đa
1:5). Thuở đó, theo phong tục Babylone, đồ ăn vua ăn thường
cúng tế thần tượng trước khi đem ra dọn ăn. Do
lòng kính sợ Đức Chúa Trời,
Đaniên và ba bạn nhất quyết chẳng "đá
động đến đồ ô uế" của tà thần. Họ khẩn cầu,
nài xin người làm đầu hoạn quan đặc
cách dọn cho mình rau để ăn, nước để uống
mà thôi. Họ ước ao "Đói ăn rau,
khát uống nước" miễn thế nào giữ được
lòng trung kiên với Chúa,
không phản bội niềm tin của mình. Hoạn quan nghe
lời xin, sợ lắm, với trách nhiệm vua giao phó,
không nuôi họ mạnh khỏe bổ dưỡng chẳng những
không thoát khỏi bị quở trách
mà còn có thể bị hình phạt
nặng nề nữa, trong đó không loại trừ mất chức hoặc
vào tù. Dù biết vậy, song với
lòng tin quyết Đức Chúa Trời Toàn Năng
mà họ thờ phượng sẽ cứu giúp, Đaniên
và ba bạn bạo dạn đề nghị xin hoạn quan thương
xót cho mình được thử ăn rau trong 10
ngày, nếu không khỏe mạnh sẽ tuân theo
lệnh vua cũng không muộn. Đức Chúa Trời
làm phép lạ vượt quá điều hoạn quan
và họ suy tưởng, dù họ chỉ ăn rau, uống nước, thế
mà: "thấy mặt họ lại có vẻ xinh tươi
hơn mọi kẻ trai trẻ khác đã ăn đồ ngon vua ăn".
Khi vua nói chuyện với những người được tuyển chọn, vua ngạc
nhiên nhận thấy hết thảy mọi người trong số họ
không ai bằng Đaniên và ba bạn của
ông về sự khôn ngoan thông biết. Cuối
cùng, họ được chọn đứng chầu trước mặt vua (Đa 1:14-20).
Đaniên và ba người bạn của ông nhất
quyết "ăn vì vinh hiển Đức Chúa Trời".
Ở Việt Nam mấy năm gần đây, người ta chú trọng rất
nhiều về văn hóa, cái gì cũng phải đạt
tới "văn hóa". Làng văn hóa, gia
đình văn hóa... thậm chí ăn cũng
có "văn hóa ẩm thực" mục đích
làm sao có những món ăn đặc sản ngon
miệng. Trong Hội thánh của Đức Chúa Trời, con
dân Chúa chẳng những có văn
hóa ăn, nhưng còn phải ăn thế nào để
làm vinh hiển Đức Chúa Trời. Xin Chúa
cho chúng ta kính sợ Chúa,
tuân giữ lời dạy dỗ của Ngài, bất cứ
lúc nào trong khi ăn, ăn ở đâu, ăn
gì, chúng ta nhất quyết "ăn vì vinh
hiển Đức Chúa Trời". Đừng để chỉ vì miếng ăn
mà làm mất vinh hiển Ngài.