Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)

Phân loại thực vật - Dr Trương Hoàng Lâm

Đuốc Thiêng 102, tháng 05 năm 2010


1. Tại sao con tàu Nô-ê?

Con tàu Nô-ê là một khái niệm cho sự sống còn sau cơn đại hồng thủy do một nhóm người đã được lựa chọn và chỉ định. Một biểu tượng về an toàn cho kẻ nào hy vọng thoát được cơn đại hoại đang tăng cao và được đến bên kia bờ của sự cứu thoát.
Hình ảnh của con tàu Nô-ê ngày hôm nay là sự đe dọa các sinh vật trên Trái Đất. Chúng ta cần phải cứu vớt các sinh vật cùng chung sống đang bị hăm dọa do sự tàn phá cảnh quang thiên nhiên, chất độc và rác thải của nền văn minh và năm này sang năm khác tiếp tục hủy diệt các loài.

Không phải chỉ bảo tồn và cứu vớt mà còn phân biệt, duy trì và đạt sự thỏa mãn tinh thần. Thời Cựu Ước nhiệm vụ của Ông Nô-ê là lựa chọn một cặp cho mỗi loài thú, tuỳ theo loài. Nhiệm vụ nầy gây ra nhiều vấn đề. Làm sao con người lập tiêu chuẩn và định nghiã các loài thú, kê khai trong sự đa dạng của chúng. Vậy loài là gì?

Rộng hơn nữa nhà phân loại học có thể đặt ra câu hỏi là làm thế nào để đưa các sinh vật vào một loài giống nhau để sau đó vào một trật tự cao hơn.

Chúng ta đang sống trong một thế giới hiện hữu và tìm một con đường để đem sự ngổn ngan vào một hình thể rõ ràng để phân chia, nhận định và đặt tên.

Các cây, bụi, chim, cá đòi hỏi một sự xác định, mỗi sinh vật đều có tên gọi.

Bài nầy chỉ giới hạn về thực vật nếu không thì bài sẽ quá dài.

2. Phân loại thực vật

2.1. Lịch sử

Trong giai đoạn đầu mỗi quốc gia phân chia cây cối theo cách khác nhau và người ta cũng chưa biết đề ra các nguyên tắc và phương pháp phân loại do đó phân loại thực vật cũng chưa thành một môn khoa học.

Ở nước cổ Hy lạp Theophraste (371-286 TC) là người đầu tiên mô tả khoảng 500 loài cây phân ra cây lớn, cây nhỏ, cây sống trên cạn, cây sống dưới nước, cây có lá rụng hàng năm hay thường xanh, cây có hoa hay cây không hoa.

Sau đó là Plinius thuộc cổ La mã (79-24 TC) đã mô tả gần 1000 loài cây nhưng chú ý nhìn đến cây làm thuốc, cây ăn trái.
Linné (1707-1778) với bản phân loại được xem là hoàn hảo của các hệ thống phân loại, Linné đề nghị cách gọi tên cây bằng tiếng La Tinh gồm 2 từ ghép lại và ngày nay ai ai cũng đang sử dụng.

Ở Việt Nam nhiều công trình nghiên cứu về phân loại thực vật với một số tác giả như: Tuệ Tĩnh, năm 1417 đã mô tả 579 loài cây làm thuốc. Lê Qúy Đôn (thế kỷ XVI) đã phân chia thực vật thành nhiều loại: cây cho hoa, cho quả, cây ngũ cốc, rau, cây loại mộc, cây loại thảo, cây mọc theo các mùa khác nhau. Thời Pháp thuộc, người Pháp đã đến Việt Nam nghiên cứu và để lại nhiều công trình như Loureiro mô tả gần 700 loài cây; công trình lớn nhứt của H. Lecomte mô tả các cây từ Dương xĩ đến Thực vật Hạt kín của toàn Đông Dương.

Từ 1954 đến nay Phân loại học càng được chú ý với công trình của Phạm Hoàng Hộ: "Cây cỏ Việt Nam", ngoài ra có nhiều nghiên cứu về Rong biển Việt Nam, Tảo học v.v.

2.2. Nguyên tắc Phân loại học

Từ xưa việc phân loại các sinh vật chỉ có mục đích xếp chúng theo một trật tự để có thể dễ dàng tra cứu. Nhưng mục đích nầy quá hạn hẹp nên phát triển mục đích mới đem lại cho khoa học nhiều kiến thức quan trọng cho biết loài nầy gần loài kia, có họ hàng với nhau và cho biết phương hướng tiến hóa của các loài.

Phân loại đơn giản: dựa theo những đặc tính bên ngoài dễ nhận biết:

số tiểu nhụy (Staubblatt, étamine), hình dạng tiểu nhụy cây dạng gỗ lớn, nhỏ, cây 1 năm, 2 năm hay nhiều năm.

Phân loại tự nhiên: xếp gần nhau các loài giống nhau: không lá mầm, một lá mầm, hai lá mầm. Hai lá mầm có thể chia ra: hoa không cánh, hoa cánh rời, hoa cánh dính.

Các đơn vị phân loại: loài, giống, họ, bộ, lớp, ngành.

Loài (Art, espèce): đơn vị cơ bản, toàn bộ các cá thể sinh vật được phát sinh từ một tổ tiên chung, có khả năng phối với nhau tạo ra các thế hệ con cháu với những dấu hiệu sinh thái-sinh lý chung, sống trong những khu phân bố nhất định và có sự phân biệt giữa loài nầy với loài khác nhờ tính không lai tạo được.

Trong một loài ta có nhiều thứ (Varietät, variété): thí dụ loài chuối ta có các thứ chuối cau, chuối xiêm, chuối lá v...v...

-Giống (Gattung, genre): các loài giống nhau, như là anh với em, thuộc về cùng một giống.
-Họ (Familie, famille): bao gồm các giống có đặc tính giống nhau nhất.
-Bộ (Ordnung, ordre): là đơn vị phân loại cao hơn, bao gồm các họ gần nhau.
-Lớp (Klasse, classe): bao gồm nhiều bộ có những đặc tính giống nhau nhất.
-Ngành (Stamm hoặc Abteilung, race): là đơn vị phân loại lớn hơn, bao gồm nhiều lớp.

2.3. Danh pháp khoa học

Theo Linné mỗi loài thực vật có danh pháp đôi bao gồm tên giống (Gattung, genre) ở phần đầu, tiếp đến là tên loài (Art, espèce) sau cùng là tên tác giả (người đã phát hiện và đặt tên loài cho cây đó).

Thí dụ: Cây cẩm chướng có tên là Dianthus caryophyllus L.

-Tên giống: Dianthus
-Tên loài: caryophyllus
-Tên tác giả: Linné (tên tác giả được viết tắt, sau đó có dấu chấm: Linné được viết tắt là L.).

2.4. Thời kỳ sau Linné

Phân loại theo Linné rất đơn giản, rõ ràng và khoa học nên các nhà thực vật theo đó mà xếp loại. Mỗi người có quyền tự do đặt tên theo ý cá nhân mình thí dụ Aristotelia (theo Aristotales, một triết gia Hy lạp) là tên của 1 cây hoa lài ở Chí lợi giống Elaeocarpaceae, Goethiea theo Goethe (một thi sĩ người Đức) thuộc giống Malvaceae, Bismarckia theo Bismarck (một chánh trị gia người Đức) cho cây cọ ở Madagascar giống Palmae, Napoleona theo Napoleon (hoàng đế nước Pháp) cho cây bông đẹp ở Tây Phi Châu thuộc giống Lecythidaceae, Darwinia theo Darwin (một nhà khoa học người Anh) cho cây thuộc giống Lepto-sparmaceae, Halleria theo Albrecht von Haller (thi sĩ, bác sĩ, thực vật học tại Göttingen) cho cây thuộc giống Scrophulariaceae, Hertia theo Hert (thực vật học người Đức) cho cây thuộc giống Compositaceae, Salvinia theo Salvini Antonio Maria (thực vật học người Ý) cho giống Salviniaceae, Victoria reginae theo Victoria (nữ hoàng người Anh) cho loại  nong tằm giống Nymphaceae, cúc Zinnia theo Johann Gottfried Zinn (bác sĩ và thực vật học) cho cây thuộc giống Asteraceae v...v... Ernst Haechel (sinh thái học) đặt tên cho 1 loài thủy mẫu (Qualle, méduse) mà ông phát hiện là Annasetkia (theo tên vợ của mình Anna Sethe), một loài thủy mẫu khác tên Rhopilema frida, tên của 1 phụ nữ rất gần ông là Frida von Uslar-Gleichen v...v...

Nói chung tên của các loài phải được Ủy Ban Danh Pháp (Nomenclature Commission) đồng ý.
 
3. Phân chia thực vật

Hiện nay thế giới chia thực vật làm 2 nhóm lớn: thực vật bậc thấp (Thallobionta) và thực vật bậc cao (Kormobionta) với một số ngành (Abteilung; race) chính. Sự phân chia đó dựa vào sự có mặt của tản (Thallus) và chồi (Kormus). Thực vật hạ đẳng là một nhóm cổ hơn cả xuất hiện cách đây 1.500 triệu năm còn thực vật thượng đẳng xuất hiện cách đây 500 triệu năm và phát sinh ra từ thực vật hạ đẳng.

Bản tra đơn giản các ngành lớn:

I. Thực vật không có rễ, thân, lá phân hóa (Thallus): thực vật bậc thấp.

1/ Đơn bào, không diệp lục: đó là vi trùng (Bakterien). Đây là nhóm sinh vật tiền nhân (Procaryota). Vi trùng có hình tròn, que hay xoắn, sinh sản theo cách phân đôi tế bào, một vài loài di chuyển bằng roi. Vi trùng đâu đâu cũng có mặt nhưng chúng hoạt động ở nơi ẩm ướt và gắn liền với các chất hữu cơ để sống, đó là sinh vật dị dưỡng (heterotroph), nhưng một vài loài sống độc lập (tự dưỡng, autotroph) nhờ các chất vô cơ. Dưới tư cách sinh vật phân hủy (Destruente, décompositeur) chúng giữ một vai trò quan trọng trong nhiều hệ sinh thái.

Ngành khuẩn lam (Cyanobakterien) có vị trí đặc biệt, nhờ chất diệp lục chúng làm quang hợp như các loài cây. Khuẩn lam thường sinh ra độc tố, chỉ có một số ít cá sử dụng một số khuẩn lam để ăn.

2/ Đơn bào hay đa bào, có diệp lục: nhóm rong (tảo, alge). Rong sống khắp nơi, chỗ nào có nước, ánh sáng và chất khoáng. Nhờ năng lượng mặt trời chúng tạo ra thức ăn và cũng chính thức ăn nầy là lương thực cho các sinh vật khác. Có khoảng 20.000 loài, từ loài nhỏ nhất là ngành rong silic (Diatomae), 6.000 loài đến rong biển dài  trên 100 m. Rong thường sống ở trong nước mặn hoặc nước ngọt, trôi nổi tự do trong lớp nườc ở trên mặt, có trong thành phần của các sinh vật phù du gọi là sinh vật nổi (Plankton), các sinh vật giống như thực vật được gọi là thực vật nổi (Phyto-plankton), các sinh vật giống như thú được gọi là động vật nổi (Zooplankton). Thực vật nổi dùng năng lượng mặt trời qua quang hợp để tạo thức ăn, thực vật nổi là móc đầu tiên của nhiều chuỗi thức ăn.

Các nhà sinh học xếp rong đơn bào thuộc về sinh vật đơn bào (Protesta) còn các rong đa bào thuộc về thực vật. Nhiều loài rong sống bám hay nằm tự do dưới đáy nước hay hồ. Nhiều rong sống trên cạn (trên đất, lá hay thân cây v.v...), nhiều loài vừa sống trong môi trường cạn vừa sống trong môi trường nước. Theo màu sắc và cấu trúc cơ thể khác nhau các nhà khoa học chia ngành tảo thành một số ngành riêng biệt, hiện nay vẩn chưa thống nhất.

Người ta có ngành rong nâu (Phaephyta) 1.500 loài, ngành rong đỏ (Rhodophyta), ngành rong lục (Chlorophyta), 8.000 loài và các ngành khác.

3/ Đa bào không diệp lục: nhóm nấm (Fungi), chúng giống như các loài cây nhưng sống khác biệt. Nấm không có lá và không sử dụng ánh sáng mặt trời nhưng chỉ lấy thức ăn từ những chất chết hay sống. Nhóm nấm có 100.000 loài. Cơ thể của nấm, trừ một số ít là đơn bào (thí dụ men bia) còn đa số là những sợi nấm (Mycel). Các loài nấm có hệ sợi nằm trong cơ chết (đất, gỗ mục, xác thực vật...), chỉ có cơ quan sinh sản mang bào tử (Spore, spore) mới ở trên mặt cơ chết. Ngành nấm có thể được chia ra làm 6 lớp: lớp nấm cổ (Chytridiomycetes), lớp nấm trứng (Oomycetes), lớp nấm tiềp hợp (Zygomycetes), lớp nấm túi (Ascomycetes), lớp nấm đảm (Basidiomycetes), lớp nấm bất toàn (Deuteromycetes).

Đối với con người nấm đóng một vai trò quan trọng: một số nấm tiết ra chất kháng sinh, được sử dụng trong y học (nấm Penicillium, Aspergillus), một số khác được dùng làm thuốc như nấm cựa gà (Claviceps purpuria) có alcaloid chữa cầm máu tử cung, đông trùng hạ thảo (Cordiceps sinensis) được dùng chữa ho trong Đông y, đau xương mõi gối, thuốc bổ, nấm phục linh (Poria cocos) làm thuốc bổ, lợi tiểu. Một số loài là thức ăn ngon như nấm hương, nấm rơm, nấm mối, men bia... Nấm chứa 30-40% protein, 1-2% lipít, 10-15% hydratcacbon.

Tác hại của nấm cũng rất lớn. Những nấm ký sinh gây bệnh ở động vật, người và các cây trồng như lúa, bắp, bông, trà, cao su, cà phê, cam, quýt. Nhiều loài nấm làm hư thức ăn, phá hại gỗ, quần áo. Một số nấm rất độc, khi ăn phải có thể bị rối loạn tiêu hoá, tê liệt thần kinh. Ngộ độc nhiều có thể gây chết. Vậy không nên ăn nấm lạ.

Địa y (Flechten, lichens) là cộng sinh giữa nấm và rong, chung sống với nhau thành một cơ thể thống nhất có những đặc tính hình thái, sinh lý, sinh thái riêng. Nấm trong địa y là những nấm sợi thuộc lớp nấm túi, chỉ một số ít là nấm đảm; còn rong là rong lam hoặc rong lục đơn bào. Nấm có nhiệm vụ cung cấp nước và các chất vô cơ để rong làm quang hợp tạo thành chất hữu cơ dùng cho tập thể, ngược lại nấm bảo vệ cho rong khỏi bị khô. Nhờ hình thức cộng sinh nầy địa y có thể sống trong mọi điều kiện khác nhau, từ các vùng cực lạnh Trái Đất đến các vùng sa mạc nóng cháy.

Người ta thường thấy địa y trên thân cây, trên các tảng đá trong hình thức những lớp da, những vảy hay sợi có màu xanh xám hay nâu xám. Địa y có 3 dạng: địa y dạng vỏ, địa y hình lá và địa y hình cành. Về cấu tạo địa y gồm những sợi nấm kết chằng chịt với nhau xung quanh các tế bào nấm.

Địa y được dùng làm vật chỉ thị (Indikator) cho độ ô nhiểm môi trường; địa y có khả năng hấp thụ các loại kim loại nặng. Địa y dùng để chế rượu, làm thuốc trị ho, đau bụng, bệnh phổi, được dùng để chế thuốc nhuộm (đỏ, xanh, vàng, lục ). Địa y còn là thức ăn (Cladonia rangiferina) của các loài hươu Bắc cực.

II. Thực vật có rễ, thân lá (Thực vật bậc cao).

Đây là thực vật không còn sống dưới nước và chuyển lên cạn, cho nên có một sự hình thành những đặc điểm mới tiến hoá hơn so với thực vật bậc thấp. Phần lớn cơ thể thực vật bậc cao có sự biến đổi rõ ràng các cơ quan như rễ, thân, lá. Mỗi cơ quan có chức năng riêng, phù hợp với đời sống mới. Trong môi trường nầy thức ăn đi từ đất (nước và các chất hòa tan) được đưa vào trong cây nhờ hệ thống rễ (trong khi ở môi trường nước, thức ăn hoà tan trong nước có thể được trực tiếp đưa vào cơ thể thực vật). Rễ còn giúp cây đứng vững trong đất. Lá làm quang hợp biến chất vô cơ thành hữu cơ. Thân làm nhiệm vụ nâng đỡ lá và vận chuyển thức ăn. Cơ thể phân chia thành nhiều cơ quan khác nhau, mỗi cơ quan đều có cấu tạo khác biệt với nhiều loại mô (Gewebe, tissu), quan trọng nhất là mô dẫn.  Mô dẫn đem nước và chất hoà tan từ rễ lên lá và dẫn các chất hữu cơ do lá chế tạo đưa đến các bộ phận của cây để nuôi cây. Ngoài mô dẫn thực vật còn có mô bì và mô cơ: mô bì che chở, bảo vệ cây khỏi những tác động của môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, gió, ánh sáng v.v... Mô cơ nâng đỡ cây. Tất cả các cơ quan và loại mô ngày càng phát triển giúp cho thực vật bậc cao thích ứng với môi trường trên cạn, trong khi đó các đặc điểm nầy gần như chưa có hay chưa hoàn thiện ở thực vật bậc thấp.

Thực vật bậc cao gồm những ngành sau: ngành Rêu (Bryophyta), ngành Dương xĩ (Pteridophyta), ngành Hạt trần (Gymnospermatophyta)

Ngành Hạt kín (Angiospermatophyta). Hai ngành đầu thuộc nhóm có bào tử (Spore, spore), 2 ngành cuối (Hạt trần và Hạt kín) thuộc nhóm có hạt.

1/ Không có mạch dẫn: ngành Rêu (Bryophyta): ngành thực vật cấu tạo rất đơn giản, chưa có mô dẫn để hút nước. Đại diện cho ngành rêu là lớp Rêu sừng (Anthro-ceropsida) cơ thể là một bản dẹp, rễ giả để bám vào đất ẩm, lớp Rêu tản (Marchan-teopsida) thường mọc ở chỗ ẩm, bờ sông, bờ suối, chân tường ẩm; rêu sừng, rêu tản thuộc về nhóm rêu địa tiền (Lebermoose; liverwort), có 6.000 loài. Lớp Rêu (Bryopsida) trên 14.000 loài, phân bố rộng rãi khắp nơi, thường là chỗ ẩm ướt, thân gồm 1 trục ngắn mang nhiều lá dẹp xếp xoắn.

2/ Có mạch dẫn

a/ Không có hạt, đó là ngành Khuyết (Pteridophyta) gồm Thông đá (Bärlapp; lycopode): cây không bông, lá mọc theo vòng tròn xung quanh cây, thông đá giống như rêu, mọc nơi ẩm ướt, thông đá thuộc ngành Lycopophyta, thân bò trên mặt đất với nhánh thẳng đứng, có 1.000 loài; Thông đất (Lycopodiella cernua) dùng làm thuốc trị ho trong Đông y; ngành Cỏ tháp bút (Schachtelhalme, prèle): cây không hoa, nhánh mọc theo vòng tròn quanh thân cây, cây giống như bàn chải, mọc nơi ẩm ướt; ngành Sphenophyta sinh sản bằng bào tử hay rễ. Đọt không nhánh, có ít hoặc không có diệp lục, 15 loài. Dương xĩ: cây không nhánh, 11.000 loài, thuộc ngành Pteridophyta, lá được chia ra nhiều lá nhỏ hơn, phía dưới lá có bào tử. Thường dương xĩ mọc nơi ẩm ướt vùng nhiệt đới.

b/ Có hạt, gồm ngành thực vật hạt trần và ngành thực vật hạt kín. Ngành hạt trần là thực vật đầu tiên (Gymnospermatophyta), ngày nay nhiều loài đã chết chỉ còn khoảng 600-700 loài, hầu hết tập trung trong lớp Thông, tuy vậy chúng đóng vai trò quan trọng trong thảm thực vật của vùng ôn đới. Thực vật mà hạt không được che kín trong noản (Samenanlage, ovule). Hạt nằm lộ ra ngoài nên gọi là Hạt trần. Do đó khả năng thích nghi với môi trường vẫn chưa hoàn thiện, dễ bị tác động của nhiệt, độ ẩm, ánh sáng v.v... Thực vật hạt kín (Angiospermatophyta) phân bố khắp cùng Trái Đầt từ sa mạc cho đến vùng núi cao lạnh lẽo. Cơ quan sinh sản là hoa, hạt được giữ trong quả phát triển từ bầu hoa (Fruchtknote, ovaire) nên gọi là Hạt kín. Như vậy Hạt kín hoàn toàn thích ứng với điều kiện bên ngoài nên có mặt khắp nơi trên thế giới và có số lượng rất lớn với 250.000 loài gồm 2 lớp (Klasse,classe): lớp 1 lá mầm và lớp 2 lá mầm.

Sau đây là một thí dụ về phân loại thực vật:



4. Kết luận

Đức Chuá Trời dựng nên loài người như hình Ngài, Ngài dựng nên người nam cũng như người nữ... Bởi vậy cho nên người nam sẽ lià cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình (Sáng 1:27; 2:24 ).

Vậy tín hữu Tin lành có tổ tiên là Adam và Eva, 2 người nầy do Đức Chúa Trời tạo dựng, chúng ta là con của Đức Chúa Trời. Phước cho người nào biết kính sợ Đức Giê-hô-va (Thi Thiên 112:1).

Vào muà hè chúng ta mua một bó bông đem về chưng trong phòng khách; hoa tỏa ra mùi thơm và màu sắc làm đẹp căn phòng. Nhưng sự huy hoàng sẽ nhanh chóng qua đi: lá sẽ tàn úa, màu sắc mất vẻ hào nhoáng, bông sẽ cụp xuống, cành hoa sẽ gãy và cuối cùng bó bông đi vào thùng rác. Cũng giống như vậy, một tấm hình đang đầy sự sống và bây giờ là cảnh khốn cùng. Cành gãy không những chỉ gặp ở các bông tàn héo mà cũng thấy ở con người, với nhiều lý do: chương trình đi vào bế tắc, hi vọng tiêu tan, người khác gây tổn thương, bất hạnh, mất sức lực v...v...

Kinh Thánh cũng có nhiều đoạn giống như vậy. Phần đông các đoạn đó xuất phát từ nhiều thời gian khó khăn và do nhiều nhân vật diễn tả. Một nhà tiên tri có nói: Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã giập và chẳng dụi tim đèn còn hơi cháy (Ê-Sai 42:3). Cái gì đã rớt mọi người cũng hay chà đạp lên nhưng Người không giập cây sậy và không dụi tim đèn còn hơi cháy. Đó là hành động của Đức Chúa Trời đối với chúng ta và Ngài cũng muốn chúng ta làm như vậy đối với kẻ khác.

5. Tài liệu tham khảo

1/ Rainer Flindt: Biologie in Zahlen. Spektrum Akademischer Verlag, 2000
2/ Genaust Helmut: Etymologisches Wörterbuch der botanischen Pflan-zennamen. Birkhäuser Verlag, 1983
3/ Hoàng Kiến Dân, Trường Phong: Chuyện hay thực vật. NXB Trẻ, 2000
4/ Phạm Hoàng Hộ: Cây cỏ Việt Nam. Mekong Printing, 1991
5/ McKeever Susan: Wunder der Natur. Ravenburger Buchverlag, 1998.


Đuốc Thiêng 102

01 Kho tàng vô giá - ĐTPÂ
02 Thơ: Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời - Tam Hải Trình Hữu Lân
03 Kinh Thánh là gì ? - Thánh Thơ Công Hội
04 Kinh Thánh nói về tái lâm và tận thế - Mục sư Nguyễn Văn Bình
05 Điều gi là quan trọng nhất trong cuộc đời - Bình Tú Ngọc
06 Thơ: Đi với Chúa - Tuyết Vân
07 Đấng ban sự sống - Mục sư Trần Hữu Thành
08 Thơ: Ấm áp - Võ Chánh Tiết
09 Tiểu sử Thánh Ca: "Vì Giê-xu sống" - Fanyia
10 Thơ: Cẩn thận làm theo lời Chúa - Trần Nguyên Lam Bửu
11 Phục vụ Chúa - Mục sư Nguyễn Văn Bình
12 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
13 Xứ Do Thái khi Chúa Jêsus khởi sự công tác - Mai Đào
14 Phân loại thực vật - Dr Trương Hoàng Lâm
15 Tôi là mẹ - Bà Lê Văn Bắc
16 Tin Tức 1/2: Tin Vắn Khắp Nơi & Việt Nam và Hải Ngoại - Vinh Bằng
17 Tin Tức 2/2: Hội Thánh Paris và Giáo Hạt Pháp & Liên Quan tới Đuốc Thiêng - Vinh Bằng