Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)

Tin Tức 1/2 - Vinh Bằng

Đuốc Thiêng 102, tháng 05 năm 2010


Tin vắn khắp nơi

*Tìm được con tàu Nôê trên đỉnh núi cao 4000m ở Thổ Nhĩ Kỳ

Theo Anh Vũ của www.hoithanh.com, lấy nguồn từ The Sun.co.uk, đã dịch và đăng trên hoithanh.com ngày 30-4-2010 cho biết như sau:

«Một nhóm các nhà thăm dò Cơ đốc người Trung quốc và Thổ nhĩ kỳ công bố rằng họ đã tìm thấy một số các tàn tích bằng gỗ trên núi Ararát phía đông Thổ nhĩ kỳ. Họ cho biết phương thức xác định niên đại bằng Cácbon đã xác nhận di vật nầy khoảng 4800 năm tuổi, vào khoảng cùng niên đại mà con tàu Nôê được cho là đã được sử dụng.

Yeung Wing Cheung, một thành viên trong đội chức vụ nghiên cứu quốc tế về tàu Nôê, nói rằng: «Chúng tôi không khẳng định 100% đây là con tàu của Nôê, nhưng chúng tôi nghĩ 99,9% đúng là như vậy». Ông nói rằng cấu trúc được tìm thấy nầy gồm có nhiều gian, có những thanh và xà bằng gỗ mà họ nghĩ là đã được dùng để nhốt các loại súc vật.

Nhóm các nhà khảo cổ Cơ đốc nầy đã loại trừ khả năng có một nhóm người đã từng định cư ở đây vì không có nhóm dân cư nào được tìm thấy phía trên cao độ 3400m ở khu vực nầy.

Các quan chức Thổ nhĩ kỳ tại địa phương sẽ kêu gọi chính quyền địa phương tại Ankara yêu cầu tổ chức di sản thế giới của Unessco bảo vệ khu vực nầy trong khi các cuộc khai quật khảo cổ được tiến hành.

Kinh thánh cho biết Đức Chúa Trời đã quyết định dùng lũ lụt để hủy diệt trái đất khi thấy thế gian quá tội lỗi. Sau đó Ngài phán dặn Nôê đóng một chiếc tàu và đem vào tàu mỗi loài một cặp. Sau khi nước lũ rút xuống, Kinh thánh cho biết con tàu bị mắc lại trên một đỉnh núi. Nhiều người tin rằng núi Ararát, ngọn núi cao nhất trong khu vực, là nơi con người và các loài vật đã ra khỏi tàu». (Đuốc Thiêng đăng tin nầy với sự dè dặt, mong được xác nhận thực hư trong những ngày tới ).

*Chứng tích tại Việt Nam chứng tỏ có cơn đại hồng thủy thời Nôê

Các nhà nghiên cứu lịch sử và khảo học Việt Nam, trong đó có tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ, từng là Giám đốc kiêm chủ nhiệm nghiên cứu vẽ bản đồ địa chất Đệ Tứ đồng bằng Việt Nam , đã cho biết về một cơn đại hồng thủy lan tràn tới Việt Nam 4115 năm trước đây, đồng thời gian với cơn đại hồng thủy xảy ra thời Nôê trong Kinh thánh.

Tờ báo Thanh Niên Online ngày 20-4-2010 có ý nói rằng, Việt Nam có chuỗi dài lịch sử 4000 năm văn hiến, khởi đầu từ triều đại Hùng Vương. Cũng trong thời đại nầy, câu chuyện «Sơn tinh thủy tinh» xảy ra, kể Thủy tinh dâng nước cao lên để đuổi theo Sơn tinh, khiến nước ngập cao, còn để lại nhiều vết tích.

Vào khoảng 4115 về trước, theo các nhà khảo học, nước biển bỗng nhiên đột biến dâng cao lên đến 5,5 mét. Người ta khám phá ra những vết tích bào mòn của sóng biển trên các vách đá tạo tành hình chữ V nằm ngang trong đồng bằng ở Kim sơn (Ninh bình), và nhiều nơi khác như Hà nam, Hải dương, Hải phòng, Hà tây, vịnh Hạ long, đảo Cát bà, hoặc trên hòn Trống Mái ở bờ biển Sầm sơn (Thanh hóa), ở Nha trang, Bà rịa, Vũng tàu, đảo Phú quốc v.v... Những vết bào mòn hình chữ V nầy chứng tỏ mực nước ở lại trong một thời gian rất lâu.

Ngoài ra, Thanh Niên Online còn viết: «Những khu vực thực vật bị chôn vùi dưới lớp sét biển với những thân cây chết thẳng đứng rễ còn bám đất đã được tìm thấy tại Hà nội, Hà nam, Bắc ninh, Ninh bình, Hưng yên, Hà tây và nhiều nơi khác. Tiêu biểu là tại huyện Gia lộc, Hải hưng, vào năm 1977 khi khai thác sét để sản xuất gạch ngói, người ta đã phát hiện những cây dừa nước bị chôn vùi, thân cây gồm cành lá và gốc rễ đều còn nguyên vẹn trong lớp sét mịn ở độ sâu 3m, dùng C14 để xác định tuổi, người ta đã xác định niên đại của cây dừa nước là 4115 năm (+-50). Đó chính là niên đại của biển tiến đột biến. Những rừng cây vẫn còn nguyên chết thẳng đứng chứng tỏ chúng đã bị chôn vùi trong môi trường yếm khí nước sâu, do biển tiến đột ngột bao trùm trên diện rộng., biên độ biến đổi lớn với tốc độ nhanh, riêng những cây có đường kính lớn thì nằm ngang do chúng cao hơn mực nước biển nên khi chết đã ngã xuống, quá trình trầm tích đã chôn vùi dưới lớp sét dầy».

Tin tức Việt Nam và Hải Ngoại

*Vĩnh Long (VN): Hội Đồng Gia Tộc lần 3

Sáng ngày 13-11-2009, tại thánh đường Hội thánh Tin Lành Vĩnh Long đã diễn ra chương trình Hội Đồng Bồi Linh gia tộc Cụ Võ văn Điệp với gần 600 con cháu từ khắp nơi tại Việt Nam cũng như trên thế giới trở về tham dự.

Cụ Võ văn Điệp, sinh ngày 29-9-1857, an nghỉ trong nước Chúa ngày 9-7-1938. Quê quán Tân Hạnh, nay là xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Cụ là vị «sơ tổ» khai sáng trên dòng tộc mình, cũng là trái đầu mùa của Tin Lành tại Vĩnh Long. Từ những ngày đầu Tin Lành đến Vĩnh Long, vào năm 1924, chính cố Hội trưởng Mục sư Ông văn Huyên – lúc nầy còn là Truyền đạo sinh, đã dẫn dắt Cụ Điệp đến với Chúa. Con cháu cụ tính đến nay có khoảng 954 con trai, con gái, cháu dâu, cháu rể... nếu tính luôn cả chít chắt thì lên đến hàng ngàn người. Trên 90% con cháu Cụ đi theo đúng con đường thờ phượng Chúa của Cụ.

Chương trình bồi linh Hội Đồng Gia Tộc đã được tổ chức lần thứ nhất vào năm 2006 với chủ đề «Trở về nguồn cội», lần thứ hai vào năm 2007 «Tri ân nguồn cội», và đây là lần thứ ba Hội đồng được diễn ra với chủ đề «Vinh danh nguồn cội». Chương trình được cố vấn bởi Mục sư Nguyễn văn Bình – Nguyên Hội trưởng Tin Lành Âu Châu. Trưởng ban tổ chức chương trình là Mục sư Võ Minh Tâm, hiện đang quản nhiệm Hội thánh Tin Lành Vĩnh Long. Ấy là những con cháu đời thứ tư của Cụ Điệp.

Mục đích của Hội Đồng nhằm cảm tạ Chúa về sự gìn giữ của Ngài, tôn cao danh Chúa, để thấy được sự phước hạnh tuôn tràn Chúa ban trên dòng tộc của Cụ Điệp trong suốt bao nhiêu thập kỷ đã qua và hiện tại. Chính nhờ vào niềm tin ban đầu của Cụ đã giúp cả một dòng dõi được cứu rỗi đến ngày hôm nay. Con cháu Cụ giờ đây đã ra đi và sinh sống khắp nơi ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Đây là cơ hội để các con cháu trong gia tộc gặp gỡ, hiểu biết nhau, liên kết các thành viên và xây dựng tình yêu thương trong một đại gia đình.

Diễn giả của Hội Đồng là Mục sư Lê Cao Quý, Tổng thư ký Tổng Liên hội Hội thánh Tin Lành Việt  Nam (miền Nam). với câu gốc chủ đề: «Mão triều thiên của ông già ấy là con cháu, còn vinh hiển của con cái, ấy là ông cha» (Châm 17:6). Mục sư có dùng lời Chúa để khích lệ, dạy dỗ cũng như củng cố niềm tin của các thành viên trong dòng tộc. Đây chính là một ân phước lớn mà Chúa đã đổ nhập trên dòng dõi của Cụ Điệp.

Trải qua nhiều năm khá dài, con cái của Cụ Điệp lớn lên, sinh sản ra thêm nhiều trên đất. Hiện tại có nhiều ngưòi đang hầu việc Chúa trong các hệ phái khác nhau, người có nhiều công tác khác nhau trong nhà Ngài. Nhưng cũng có một số người bỏ qua niềm tin và sự tin kính của mình. Vào phần cuối chương trình, Mục sư Lê Cao Quý có lời kêu gọi cho những thân hữu thuộc con cháu Cụ Điệp là những ai chưa tin Chúa trở về nhà Ngài.

Chương trình đã diễn ra tốt đẹp trong niềm vui và sự phước hạnh từ nơi Chúa. Con cháu của Cụ Điệp cũng như diễn giả, các Mục sư thân cận, khách mời đều được khích lệ từ một dòng họ Tin Lành được phát triển như gia tộc của Cụ Điệp. Trong những năm tiếp theo, con cháu Cụ sẽ còn sinh sản thêm nhiều, mang hạt giống Tin Lành đi khắp đất. Con cháu đời sau, dù không thấy được Cụ Điệp nhưng tin chắc rằng họ sẽ thấy được tấm gương và giữ trọn đức tin của mình. Như Kinh thánh có chép: «Cũng vì đó mà chỉ một người, lại là một người già yếu, sanh ra muôn vàn con cháu, đông như sao trên trời, như cát bãi biển, không thể đếm được. Hết thảy những người đó đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều hứa cho mình; chỉ trông thấy và chào mừng những điều đó từ đằng xa, xưng mình là kẻ khách và bộ hành trên đất» (Hê 11:11-13).

Đây là một minh chứng sống động về phước hạnh to lớn và truyền thống tốt đẹp của một gia đình Cơ đốc, cũng để chúng ta hiểu rõ hơn câu Kinh thánh «một người tin cả nhà được cứu».

(Trích bản tin của Huy Hồ, đăng trên «hoithanh.com» ngày 14-11-2009, Đuốc Thiêng có chỉnh sửa vài con số và một số từ ngữ cho thích hợp).

*Minh Lương (Việt Nam):

Thư kêu gọi

Kính chào quý tôi tớ Chúa & con dân Chúa,

Thưa quý vị, tôi là MSNC Lê An Viên, quản nhiệm chi hội Minh Lương (HTTLVN) nay kính bày tỏ cùng quý vị đôi điều về công việc Chúa.

Tạ ơn Chúa vì Ngài đã thiết lập Hội thánh tại Minh Lương từ năm 1971 cho đến nay. Cám ơn Chúa gần suốt 40 năm qua, trải bao thăng trầm nhưng Chúa vẫn cho Hội thánh được đứng vững và từng bước phát triển. Và thật vui mừng vì mỗi ngày có nhiều người được cứu thêm vào Hội thánh.

Dù có nhiều ngăn trở nhưng điều đó không cản được sự phát triển của Hội thánh, các tổ nhóm được hình thành và trung tín trong sự thờ phượng Chúa. Đặc biệt trong số đó, tại ấp Tân Thành, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang công việc Chúa đã phát triển cách đáng tạ ơn Chúa. Từ một gia đình trước đây nhưng đến nay đã có hơn 100 tín hữu. ngoài việc đến nhà thờ tại Minh Lương để thờ phượng Chúa mỗi Chúa nhật thì cứ mỗi thứ tư các con cái Chúa đều nhóm lại thường xuyên tại khu vực với số lượng từ 20-30 người.

Từ năm 2008, chúng tôi đã đặt vấn đề cầu nguyện cho việc thành lập chi hôi và từng bước Chúa cho chúng tôi những dấu hiệu đáng khích lệ. có những anh chị em đã được dấy lên trong tinh thần phục vụ Chúa, những người yếu đuối đã từng bước trở lại thờ phượng Chúa.

Chúng tôi cũng ước ao tìm được một khu đất để trù bị cho việc cất nhà thờ và Chúa đã cho chúng tôi nhìn thấy. Một người anh em nghe biết công việc nầy đã đồng ý để nhượng lại đúng giá gốc một miếng đất với diện tích 20x60m mà anh đã mua hơn 10 năm trước với giá 08 lượng vàng.

Thưa quý tôi tớ Chúa và con cái Chúa, vì nhu cầu công việc nhà Chúa tôi xin nêu lên nhu cầu nầy để chúng ta cùng hiệp lòng cầu nguyện xin Chúa tiếp trợ cho vấn đề nầy. Cầu Chúa cảm động và ban ơn để mỗi người trong chúng ta với ân tứ mình có sẽ cùng góp phần dâng hiến để chúng ta sớm có một khu đất chuẩn bị cho công việc mở mang Hội thánh Chúa tại Tân Thành.
Thưa quý vị, 08 lượng vàng với thời giá hiện nay quy ra khoảng 160.000.000 đồng VN (Một trăm sáu mươi triệu đồng) tương đương 8200USD. Tôi nhận thấy đây là điều mà Chúa sẽ làm qua mỗi chúng ta để công việc Chúa được thành tựu và danh của Chúa được vinh hiển tại Tân Thành nói riêng và trên cả đất nầy nói chung. Ước ao nhận được sự dự phần của quý vị.

MSNC Lê An Viên
Hội thánh Tin Lành Chi Hội Minh Lương
55 khu phố Minh Long, thị trấn Minh Lương
Huyện Châu Thành, tỉnh iên Giang.
Tel: 077 3836 293.
Email: httlvnchminhluong@gmail.com

*Akron (Hoa kỳ): Giảng bồi linh

Ông Bà MS Nguyễn văn Bình, đã đến thăm Hội thánh Tin Lành VN tại Akron (Ohio) do Ông Bà MS Đặng Ngọc Cang quản nhiệm. Ông Bà MS được gia đình Ông Bà MS Đặng Ngọc Cang và con cháu đón tiếp cách nồng ấm trong tình thương của Chúa. Và đặc biệt MS được mời giảng bồi linh cho Hội thánh vào Chúa nhựt 24-1-2010 và cũng có dịp đi làm chứng đạo cho gia đình từ VN mới định cư trong khu vực. Chúa cho có 3 người cầu nguyện tiếp nhận Chúa.

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại Akron từ con số vài chục tín hữu trước đây, nay số người đế n thờ phượng Chúa mỗi Chúa nhựt lên tới gần 200 người, nơi nhóm thờ phượng  trở nên nhỏ hẹp và chật chội, dù rất lớn và rất tiện nghi. Chúa ban phước cho tôi tớ Chúa và con cái Chúa tại đây rất nhiều, số người tin Chúa mỗi ngày càng đông, lòng con cái Chúa vui thỏa ngập tràn, mọi người đều hết lòng yêu mến và phục sự Chúa. Chúa đã phấn hưng và phát triển Hội thánh Ngài tại đây. Mấy ngày viếng thăm và chứng kiến một Hội thánh phát triển, thật thỏa nguyện vô cùng.

*Wuppertal (Đức): Hội Đồng Lãnh Đạo

Hội Đồng Lãnh Đạo của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu được tổ chức tại nhà thờ Tin Lành Việt Nam Wuppertal (Đức) từ ngày 26-28/3/2010, với thành phần gồm các Mục sư, Truyền Đạo, TĐTN và các đại biểu đến từ các Hội thánh ở Âu Châu, nhằm mục đích bồi linh, thảo luận các đề nghị kiện toàn và phát triển công việc Chúa. Mục sư Triệu Thái Sơn được mời giảng cho lễ khai mạc Hội Đồng và MS Nguyễn văn Bình giảng cho lễ bế mạc Hội Đồng. MS Phạm Xuân Bahnar Trung, Giáo Hội Trưởng điều khiển chương trình thảo luận nhằm mục đích kiện toàn tổ chức và phát triển Giáo Hội. Chúa cho Hội Đồng thu đạt nhiều thành quả tốt đẹp và khích lệ.

*Slagelse (Đan Mạch): Hội Đồng giáo Hạt Đan Mạch

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại Đan Mạch vừa tổ chức Kỷ Niệm 20 năm thành lập Giáo Hạt, qua hội Đồng Giáo Hạt lần thứ 20, tại Ostre Skole, 10 Skovsogade, 4200 Slagelse, từ ngày 1-4/4/2010 với chủ đề: «Chúa Biết» theo câu Kinh thánh: «Khi ăn rồi, Đức Chúa Giê Xu phán cùng Simôn Phierơ rằng: «Hỡi Simôn, con Giôna, ngươi yêu ta hơn những kẻ nầy chăng? Phierơ thưa rằng: Lạy Chúa, phải, Chúa biết rằng tôi yêu Chúa. Đức Chúa Giê Xu phán rằng: Hãy chăn những chiên con ta» (Giăng 21:15). Diễn giả: Mục sư Bùi văn Chí (VN) và MS Nguyễn văn Bình (Pháp). Số người tham dự nhỏ lớn khoảng 150 người, trú ngụ,  ăn uống, thờ phượng Chúa cùng sinh hoạt trong một ngôi trường của người Đan Mạch thật tiện nghi vô cùng. Một cơn phấn hưng đã đến với Hội Đồng, ai nấy dốc đổ tấm lòng mình trước Chúa, làm chứng lại những công việc mà Chúa đã làm cho đời sống mình, đồng thời có thêm 3 người ăn năn tiếp nhận Chúa nữa. Một điểm đáng ngợi khen Chúa là hai cộng đồng người sắc tộc Stiêng và người Khơme, sau 35 năm ở Đan Mạch, lúc đầu chỉ có một số ít tin Chúa, nhưng bây giờ những anh em đi lưu lạc lần lượt trở về ăn năn tiếp nhận Chúa. Thật là một phép lạ cho Hội Thánh Chúa tại Đan Mạch.

*Uddel (Hòa Lan): Trại bồi linh

Hội thánh Tin Lành Việt Nam tại Arnhem (Hòa Lan) nhân dịp lễ Ngũ Tuần tổ chức một trại giảng bồi linh cho con cái Chúa và các buổi trình bày quan điểm thần học liên quan tới thần học, gia đình, hôn nhân, với chủ đề:  «Hầu việc Đức Chúa Trời» theo câu Kinh thánh: «Đức Chúa Trời phán rằng: Trong những ngày sau rốt, ta sẽ đổ thần ta khắp trên mọi xác thịt» (Công vụ 2:17a), tại Uddel, nằm giữa Apeldoorn và Harderwijk, từ ngày 22-24/5/2010.  Diễn giả: Mục sư Nguyễn văn Bình (Pháp).

Ngoài ba bài giảng bồi linh, các trại viên còn thuyết trình và thảo luận 3 câu hỏi quan trọng:

1. «Có người nói rằng: Satan không cần lừa phỉnh chúng ta, hắn chỉ cần giữ cho chúng ta luôn bận rộn» (II Tê 3:11b, Lu 10:38-42, Thi 46:10a).

2. «Có người nói: Tình yêu trong đời sống vợ chồng là đồng nghĩa với sự tôn trọng nhau» (I Phi 3:7, Rô 12:10).

3.  «Hôn nhân là môi trường thực tế tốt nhất để huấn luyện một người muốn hầu việc Chúa» (I Phi 3:7b, Rô 12:11, Châm 27:17a).

Một trại bồi linh rất được phước hạnh và hữu ích, tạo cho con cái Chúa tiếp cận lời Chúa và sự hiểu biết nhiều hơn về thần học, hôn nhân và gia đình.

*Berlin (Đức): Đại Hội Tin Lành Vìệt Nam Âu Châu

Đại Hội Tin Lành Việt Nam Âu Châu lần thứ 26 sẽ tổ chức từ ngày 1-6/8/2010 tại: Jugendgastehaus Lehrter Strabe, số 68 Lehrter Strabe, 10557 Berlin (Đức). Chủ đề của Đại Hội: «TA SẼ SAI AI ĐI?» theo câu Kinh thánh: «Tôi nghe tiếng Chúa phán rằng: Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta? Tôi thưa rằng: Có tôi đây, xin hãy sai tôi» (Êsai 6:8). Diễn giả của Đại Hội: MS Nguyễn văn Huệ (Hoa kỳ) và MS Lê Hồng Phúc (Hoa kỳ).

Ghi danh nơi: TĐTN Đỗ Hữu Ban, Haerdtleweg 5, 72085 Lichtenstein (Đức), Tel: (49) 71 29 92 24 78.
Email: banhuudo@online.de trước ngày 31-5-2010.

Tiền ăn ở suốt những ngày Đại Hội (5 ngày trọn):

-Từ 0 đến 2 tuổi: Miễn phí
-Từ 3 đến 6 tuổi: 140 Euros
-Từ 7 đến 12 tuổi: 170 Euros
-Từ 13 đến 17 tuổi: 180 Euros
Từ 18 tuổi trở lên: 190 Euros.

Vài nét về nơi tổ chức Đại Hội:

«Từ 25 năm qua, cứ mỗi lần mùa hè nắng ấm trở về, con dân Chúa người Việt Nam tại Âu Châu lại tìm về với nhau. Những cánh chim hải âu phi xứ đó tung bay đến khắp các vùng trời Âu, khi thì núi rừng hùng vĩ Schwarzwald Feldberg ở Đức, lúc thì bờ hồ thơ mộng của Thụy sĩ, rồi cánh đồng bát ngát hoa thơm của Hoà Lan, hoặc kinh đô ánh sáng Paris, rồi bờ biển xanh Kiel, hòn đảo Texel... Hai mươi lăm năm tung cánh hẹn hò... hai mươi lăm năm đấy ắp kỷ niệm và tâm tư tình cảm của con dân Chúa định cư tại xứ người.

Năm nay, con dân Chúa hẹn nhau tìm đến một thành phố có những di tích lịch sử và thắng cảnh nổi tiếng thế giới, biết bao người ao ước một lần đến đó tham quan, tìm hiểu một địa điểm đã từng một thời ảnh hưởng đến vận mệnh của toàn nhân loại: Berlin... Bá Linh... thủ đô Đức quốc.

Đến Paris, du khách không thể không leo lên tháp Eiffel, ở London thì không thể không đến Tower Bridge... Còn đến với Berlin thì sao? Ở Berlin có thắng cảnh nào được liệt vào hàng kỳ quan lôi cuốn được hàng triệu du khách?

Với khẩu hiệu «Không có thủ đô nào mà không có danh lam thắng cảnh», Berlin có nhiều nơi để du khách tham quan: Tháp truyền hình của Đông Đức, Bảo tàng Giữa sông, Đại thánh đuờng Berlin Dom, nhà thờ Cụt Đầu (Gedachtniskirche), đài tưởng niệm người Do thái (Holocaust Mahnmal), Nhà hội Do thái, bảo tàng viện Do thái, cổng thành Brandenburger Tor, quốc hội Reichstag... và bức tường Bá Linh (Berlin Mauer).

Có lẽ đâu đâu cũng có đại thánh đường và Viện bảo tàng, tháp truyền hình và vườn thú... Nhưng riêng bức tường Bá Linh thì chỉ có một. Thế giới có hai bức tường nổi tiếng: Vạn lý trường thành ở Trung quốc và bức tường Bá Linh. Nếu đem bức tường Bá Linh so với Vạn lý trường thành thì thật là vô cùng khập khiễng. Trong khi Vạn lý trường thành dài vạn dặm, cao chục mét và rộng vài mét, thì bức tường Bá Linh «chỉ» dài 155 cây số, «chỉ» cao 3,60 mét và «chỉ» rộng vài chục phân. Nhưng về phương diện chính trị, xã hội, lịch sử, bức tường Bá Linh là một di tích rất quan trọng. Vạn lý trường thành «chỉ» chỉ để bảo vệ ranh giới Trung quốc, còn bức tường Bá Linh ngăn đôi một thành phố, ngăn đôi một quốc gia, ngăn đôi một thế giới, là ranh giới hai chế đột, ranh giới hai chủ nghĩa, từng là ngòi lửa một thế chiến thứ ba có thể bùng nổ bất cứ lúc nào... Còn bức tường Bá Linh, còn chiến tranh lạnh. Bức tường Bá Linh sụp đổ, toàn bộ một chủ nghĩa thống trị nửa thế giới bị sụp đổ.

Về kiến trúc thì bức tường Bá Linh được liệt vào hàng cực kỳ kiên cố. Đi dọc theo bức tường con dân Chúa không khỏi ngậm ngùi trước số phận của những người đã từng hy sinh tính mạng để tìm tự do. Bức tường là mồ chôn của ít nhất 136 dân Đông Đức vì họ đã tìm cách vượt qua bức tường trong khoảng thời gian bức tường nầy tồn tại từ năm 1961 đến 1989. (Còn Chúa chúng ta thì khác hẳn, Ngài đã hy sinh tính mạng của mình để con dân Chúa được tự do. cảm tạ Chúa!).

Vì bức tường Bá Linh có ý nghĩa đặc biệt như thế nên các chính trị gia lãnh đạo các nước ngoài đều từng tham quan bức tường nầy. Riêng tổng thống Obama, khi còn là ứng viên tổng thống cũng đã phấn đấu đến Bá Linh và tham quan bức tường. Còn Kennedy, tổng thống Mỹ vào đầu thập niên 60, tuy «đóng đô» ở Washington DC, nhưng chẳng bao giờ tuyên bố: Tôi là người dân thành phố Washington DC, thế mà khi đến tham quan Bá Linh, Kennedy đã hãnh diện tuyên bố: «Ich bin ein Berliner» (Tôi là người dân thành phố Berlin). (Còn chúng ta thì khác hẳn, chúng ta hãnh diện là công dân Nước Trời).

Hội thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu chưa từng tổ chức Đại Hội tại Bá Linh. Có lẽ nhiều tôi tớ, con cái Chúa tuy định cư tại Châu Âu vẫn chưa có cơ hội đặt chân tới bá Linh. Năm nay là cơ hội để chúng ta tham quan Bá Linh.

Địa điểm tổ chức Đại Hội nằm sát cạnh trung tâm thành phố. Từ địa điểm Đại Hội, quý vị chỉ mất 15-20 phút là có thể tham quan được hầu hết các thắng cảnh đặc trưng của Bá Linh. Phương tiện di chuyển công cộng trong Bá linh có lẽ cũng thuộc vào hàng thuận tiện nhất thế giới. Ở Bá Linh khách bộ hành không cần đi bộ quá 5 phút để đến một trạm xe công cộng. Mỗi năm các loại xe công cộng như xe buýt hay xe điện chạy tổng cộng 250 triệu cây số. Tính trung bình mỗi ngày khoảng 18 lần vòng quanh trái đất, hoặc bằng một lần từ trái đất lên mặt trăng và trở về ! Muốn đến Bá Linh, tốt nhất quý vị nên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như máy bay hoặc xe lửa, vì có xe buýt chạy thẳng từ sân bay về địa điểm Đại Hội, còn bến xe lửa chính của thành phố (Hauptbahnhof) thì chỉ cách địa điểm Đại Hội 5 phút đi bộ.

Đặc biệt năm nay, con dân Chúa tham dự Đại Hội được thưởng thức món ăn Việt Nam tuần túy (trừ điểm tâm) thay vì thức ăn của ngưới bản xứ như những năm qua.

Thật tuyệt vời! Chúng ta không những chứng kiến tận mắt những di tích lịch sử mà còn thưởng ngoạn một Bá Linh đổi mới, tráng lệ và tân kỳ. Hãy về Bá Linh trong kỳ nghỉ hè nầy, để tham quan, để nghỉ ngơi, để bồi dưỡng tâm linh mình». (Trích Cẩm Nang Đại Hội).


Đuốc Thiêng 102

01 Kho tàng vô giá - ĐTPÂ
02 Thơ: Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời - Tam Hải Trình Hữu Lân
03 Kinh Thánh là gì ? - Thánh Thơ Công Hội
04 Kinh Thánh nói về tái lâm và tận thế - Mục sư Nguyễn Văn Bình
05 Điều gi là quan trọng nhất trong cuộc đời - Bình Tú Ngọc
06 Thơ: Đi với Chúa - Tuyết Vân
07 Đấng ban sự sống - Mục sư Trần Hữu Thành
08 Thơ: Ấm áp - Võ Chánh Tiết
09 Tiểu sử Thánh Ca: "Vì Giê-xu sống" - Fanyia
10 Thơ: Cẩn thận làm theo lời Chúa - Trần Nguyên Lam Bửu
11 Phục vụ Chúa - Mục sư Nguyễn Văn Bình
12 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
13 Xứ Do Thái khi Chúa Jêsus khởi sự công tác - Mai Đào
14 Phân loại thực vật - Dr Trương Hoàng Lâm
15 Tôi là mẹ - Bà Lê Văn Bắc
16 Tin Tức 1/2: Tin Vắn Khắp Nơi & Việt Nam và Hải Ngoại - Vinh Bằng
17 Tin Tức 2/2: Hội Thánh Paris và Giáo Hạt Pháp & Liên Quan tới Đuốc Thiêng - Vinh Bằng