Đặc san báo Đuốc Thiêng - Chủ bút Mục sư Nguyễn Văn Bình

Vật đổi sao dời - Bà Lê Văn Bắc

Đuốc Thiêng 103, tháng 11 năm 2010


“"Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê Hô Va. Chớ quên các ân huệ của Ngài” " (Thi thiên 103:2)

Bên cửa sổ phòng khách, Yến Phương ngồi đọc sách. Gió thổi mạnh luồng vào phòng gây lạnh. Cái lành lạnh chớm đông New York mới dễ chịu làm sao! Nơi Yến Phương ngồi, từng làn mây trắng cứ dật dờ bay, có lúc như không, có lúc như xà vào phòng. Mây vờn trên các đỉnh building cao chót vót, chờn vờn mãi rồi mới chịu bay đi. Yến Phương ngước nhìn lên bầu trời xanh, màu mà nàng rất yêu thích: “Rồi đây Chúa sẽ đem tôi về trời. Làm sao nói được hết niềm vui! Khi đứng bên các thánh đồ, ngợi ca tôn vinh danh Ngài. Về ơn lớn Ngài đã thương tôi”.

Yến Phương vừa hát, vừa ngắm mây bay nên không hay ông Thăng đã vào trong nhà, vì ông có chìa khoá riêng, muốn thăm Yến Phương lúc nào cũng không trở ngại. Đến khi ông Thăng lên tiếng:
-Con gái của ba hát thật tuyệt!

Yến Phương giật mình quay lại, mừng rỡ chạy đến bên ông Thăng nói:
-Ba đến sao không cho con hay để con ra phi trường đón ba?

Yến Phương vừa nói, vừa đở túi xách nylon trên tay ba, cười hớn hở hỏi:
-Chắc trái vải tươi phải không ba? Ôi ngon quá! Con cám ơn ba...

Ông Thăng nhìn con gái mỉm cười, ông nói giọng thương yêu làm Yến Phương cảm động:
-Mùa Tạ ơn năm nay con không về được, vì thế ba phải đi thăm con đây.

Rồi ông Thăng nhìn con gái thoả lòng khi thấy Yến Phương vẫn như ngày nào, vẫn hồn nhiên như chồi lộc non xanh. Yến Phương không để ý đến ba nàng đang nhìn nàng ăn trái vải ngon lành, ánh mắt hiền từ. Yến Phương ngước lên thấy thế, lòng xúc động, nàng rời chỗ ngồi đến bên ông Thăng thỏ thẻ:
-Hội thánh của con năm nay tổ chức lễ Tạ ơn lớn lắm ba ạ! Có mời các Hội thánh trong vùng đến dự thông công nữa. Ngày mai Chúa nhật đi dự lễ, ba sẽ thấy con ca ngợi Chúa đến 2 bài thánh ca quen thuộc mà hồi còn nhỏ, ba thường hát cho con nghe đó.

Ông Thăng không giấu được vẻ vui mừng khi nghe con gái nói những lời mà ông hằng mơ ước. Ông chưa kịp nói thì Yến Phương nói tiếp làm ông Thăng không khỏi bật cười:
-Ba vào tắm đi cho mát. Con sang nhà dì Năm lấy thêm phần cơm cho ba nhe. Biết ba đến, chắc dì ấy vui lắm. Dì năm thường nhắc ba luôn. Ba à! Nếu thấy được, ba lấy dì Năm đi để ba có bạn...

Yến Phương đang thao thao nói thì ông Thăng ngắt lời con gái sang chuyện khác, làm Yến Phương cụt hứng, phụng phiệu:
-Ba chưa đầy 50 tuổi, vẫn còn trẻ, có danh vọng... Có người bên cạnh lo lắng, săn sóc ba, con mới an tâm học hành hơn...

Thấy ông Thăng yên lặng, không nói gì, Yến Phương lay nhẹ tay ông Thăng nói lớn:
-Ba! Hay là ba chuyển trường cho con về học ở Boulder, nơi ở của mình khi trước, vừa đở tốn tiền, vừa được ở gần ba, tiện bề chăm sóc khi ba về già nhe ba?

Ông Thăng đứng lên đi vào phòng tắm. Đến trước cửa phòng, ông quay lại nói làm Yến Phương reo lên như con nít:
-Khỏi lấy phần ăn cho cha con mình. Chuẩn bị đi, ba đưa con đi ăn nhà hàng có được không con gái? Đừng ngồi đó mà nói vẩn vơ  đấy nhé!

Nói xong, ông Thăng bước vào phòng tắm. Đến khi nghe thấy tiếng nước chảy từ phòng tắm. Yến Phương vội về phòng mình, lòng vui sướng...
................................................

Thành phố NewYork về đêm như một vòm trời đầy sao với những ngọn đèn nhấp nhánh hằng hà sa số tại đô thị khổng lồ nầy. Đường phố quá sáng. Sáng như ban ngày dưới ánh dương quang. Đêm càng về khuya, nếp sống càng tưng bừng rộn rịp. Với muôn ngàn xe cộ đủ loại, nối đuôi nhau trên những đại lộ thênh thang, ngợp ánh sáng muôn màu sắc của thành phố thương mại lớn nhất thế giới. Đấy cũng là Hiệp chủng quốc nho nhỏ. Đủ mọi sắc dân trên hoàn vũ, tụ tập quây quần nơi “đất lành chim đậu“ nầy. Thiên hạ ở đây sống về đêm như kinh đô ánh sáng ở Paris. Người đầy nghẹt trên vĩa hè...

Đứng trên từng 40 của cao ốc nhìn xuống đường sáng choang, ông Thăng thấy ngờm ngợp. Định quay vào thì thấy Yến Phương đã đứng bên ông từ lúc nào, đến khi thấy ông Thăng quay lại, Yến Phương sụt sùi nói:
-Ba tha lỗi cho con! Con thương ba lắm! Ý con không muốn sau nầy con có đi làm xa... lúc đó ba già rồi thì ai lo lắng cho ba? Con sợ lắm...

Yến Phương nghẹn ngào... Những giọt nước mắt mặn chát chảy vào lòng, vào trái tim non nớt của đứa con gái rất mến yêu cha không ai chia xẻ được. Ông Thăng cay mắt, lấy tay gạt nhẹ những giọt nước mắt Yến Phương rồi giục:
-Thôi, khuya rồi, con vào ngủ đi, sáng mai còn đi thờ phượng Chúa... đấy con gái!

Nhìn theo dáng con, trong tiềm thức của ông, quá khứ không bao giờ chết. Vì thế, buổi tối hôm nay, đứa con gái duy nhất của ông, tức là trái tim ông, cũng là lý do khiến ông hy sinh tất cả để có một cuộc sống vững vàng trên xứ người hầu lo cho con, nó làm thức dậy những cảm xúc, những nỗi buồn thương về quá khứ mà 20 năm qua ông đã cất giữ kín...

Bầu trời đã trở vào đêm tối. Gió tung bay ngoài trời. Bỗng những ánh chớp loé lên báo hiệu một cơn mưa không nhỏ. Bên ngoài lạnh lắm, nhưng không bằng cái lạnh bên trong lòng người...
..............................................

Trong cuộc đời, có nhiều lúc thấy ray rức, hối hận, không phải vì một lỗi lầm, mà chỉ vì một ước muốn mà sau nầy ông Thăng cho rằng không nên có. Ông nghĩ như thế khi đã đi hết nửa đời mình. Bây giờ mỗi lần thấy dáng con gái hao hao giống mẹ... Ông buồn đau, thương người vợ hiền đã ngủ yên trong Chúa 20 năm qua rồi. Hai mươi năm với một đời người. Và kỷ niệm đã có lúc được trân trọng, nâng niu... Tuy nhiên, buổi tối hôm nay, với lời chân thành thương yêu của Yến Phương, nhắc nhở ông tục huyền, không phải là một lần mà nhiều lần con gái của ông đều nói như thế mỗi khi gặp lại ba. Vì tình thương con gái vô bờ bến, khiến ông chắt chiu để lo cho con có một tương lai tươi sáng, rồi ông có qua đời về với Chúa, ông cũng mãn nguyện... Rồi ký ức ùa về đông đầy nỗi nhớ...
................................................

Năm 17 tuổi, gia đình ông Thăng bị phá sản. Ba của ông buôn bán thua lỗ. Vì quá tin người, ba ông bị lừa mất tất cả. Nhà ông phải trả một món nợ khổng lồ tưởng đến truyền kiếp. Lần đầu tiên, ông Thăng đau xót hiểu được uy lực của đồng tiền, gia sản bị tịch thu phải đến tá túc trong nhà vợ chồng người quản gia tốt bụng. Vì quá uất ức, ba ông sau 3 tháng qua đời, rồi 6 tháng sau mẹ ông cũng qua đời. Chỉ trong vòng 6 tháng ông Thăng mất cả cha lẫn mẹ. Buồn quá, ông làm đơn tình nguyện đi Đoàn Thanh Niên Chí nguyện Việt Nam, nhưng sau 2 năm thì đất nước bước sang giai đoạn mới. Trở về ngôi nhà người quản gia định ít bửa rồi đi. Nhưng định mệnh đã buộc chặt đời ông với người con gái của người quản gia đã thay đổi cuộc đời ông. Đôi lúc ông nghĩ: “Người nghèo khổ vì miếng cơm manh áo, nhưng người giàu cũng khốn khó vì tiền bạc, của cải. Người có quyền hành thì lo nghĩ từng giây phút, chẳng lúc nào ăn ngon ngủ yên, người thứ dân cũng có những thao thức về thân phận trong cõi đời. Đời là thế đấy! Rồi ông Thăng nghĩ đến gia đình mình, gia đình người quản gia và chính ông, mà lòng buồn vu vơ... Nhưng có một điều lạ là, sống trong cảnh cơ hàn, thế mà gia đình người quản gia lúc nào cũng vui vẻ...

Là con cái Chúa, vợ chồng người quản gia nầy không bao giờ bỏ nhóm thờ phượng Chúa, cũng như một buổi tối cầu nguyện đều có mặt. Họ rất trung tín trong công việc nhà, siêng năng và làm tốt mọi việc ba má ông Thăng giao phó. Ba má ông Thăng rất vui lòng và thương họ như người thân. Họ có một đứa con gái tên là Phương Yến. Phương Yến có chứng bệnh đau tim bẩm sinh từ nhỏ, dễ xúc cảm, hay ngất xỉu khi có việc vui quá hay buồn quá. Vì thế, vừa học xong cấp II, Phương Yến phải nghỉ học theo lời khuyên của bác sĩ. Để vợ chồng người quản gia yên tâm làm việc, ba má ông Thăng chu cấp tiền thuốc hằng tháng, bồi dưỡng cho Phương Yến lâu dài. Cho đến một ngày không may xảy đến, người quản gia trung tín nầy bàn hoàn kinh hãi trước biến cố của gia đình chủ. Họ tha thiết mời gia đình ông Thăng về ở chung với họ. Tuy nghèo, trong những bữa cơm thanh đạm cùng sự hết lòng an ủi, chăm sóc thật tình của họ làm nỗi buồn khổ của gia đình chủ cũng vơi đi ít nhiều. Ông Thăng nhớ rất rõ, tại nhà người quản gia, đêm đêm dưới ánh đèn vàng, mọi người quây quần hát Thánh ca, đọc Kinh thánh và cầu nguyện tha thiết, cầu xin Chúa giải toả nan đề của gia đình chủ trong cơn bối rối, làm ba má ông Thăng tuôn dài nước mắt. Với lời làm chứng về Chúa Jêsus, đơn sơ, mộc mạc, bởi Chúa Thánh Linh cảm động, an ủi, nâng đở gia đình ông Thăng đã ăn năn tiếp nhận Chúa trước một tháng ông chủ qua đời về với Chúa.

Trở về sau 2 năm xa cách, ông Thăng xao xuyến trước vẻ đẹp tuyệt vời của Phương Yến, một nét đẹp thuỳ mị, dịu dàng ẩn dấu trong sự yếu đuối... làm rung động tâm hồn ông không sao quên được. Ông linh cảm đã tìm được người cần tìm cho quãng đời mình, và Phương Yến cũng đáp lại tình yêu của ông. Ông Thăng đã chứng kiến nhiều lần Phương Yến ngất, nhưng đều ấy không là trở ngại trong tình yêu đôi lứa. Một đám cưới đơn sơ, cảm động được tổ chức trong nhà thờ. Bề ngoài ai cũng khen đẹp đôi, ông là người sung sướng nhất đời, được số phận ưu đãi. Nhưng họ có biết đâu, mỗi người đều có nỗi lo riêng của mình. Người ta sinh ra ở đời, lo lắng nhiều hơn vui sướng. Theo lời bác sĩ, Phương Yến không nên có con trong lúc nầy... nhưng niềm hạnh phúc vô biên làm ông quên đi lời dặn ân cần của bác sĩ. Ông ước muốn một đứa con, chỉ một đứa thôi...Và rồi chắc chắn đứa con gái sẽ chào đời, chắc chắn rồi!

Từ ngày mang thai, Phương Yến yếu hơn. Ông Thăng lo lắm. Và việc xảy đến đã đến, Phương Yến đã trút hơi thở cuối cùng sau giây phút sinh đứa con gái. Ôm xác vợ, Ông Thăng khóc ngất, bầu trời như sụp xuống dưới chân ông. "Khổ thân Phương Yến. Tôi đã làm cho vợ tôi chết, tôi rất hối hận, bây giờ thì đã quá muộn. Phương Yến ơi! Anh đã được đều mong ước, nhưng người anh thương đã bỏ anh đi rồi, không có em làm sao anh sống nỗi!"

Khi Yến Phương lên 5 tuổi, ông bà ngoại Yến Phương gởi cha con ông vượt biển. Với số tiền góp nhặt từ bấy lâu nay được cất giữ cẩn mật dùng làm phương tiện cho cha con ông ra nước ngoài. Tạ ơn Chúa, mặc dù không ít nguy hiểm khó khăn trên biển cả, Chúa đã ban ơn, dìu dắt cha con ông đến nước Mỹ bình an vào năm 1985 như lời cầu xin Chúa của ông bà gia. Nơi xứ người, một mình nuôi con còn nhỏ, khó khăn mọi bề, nhưng nhờ lời Chúa trong Kinh thánh đã an ủi, đã cầm giữ hơi thở của ông trên xứ người, Ngài đã đồng hành, thêm sức để ông vượt qua mọi cám dỗ hầu lo cho con gái thành nhân, còn ông ra sao cũng được.

Yến Phương lớn lên thừa hưởng sắc đẹp dịu dàng của mẹ, bộ óc thông minh của người cha. Trông nó đĩnh đạc khác thường. Chính con gái ông đang lớn lên giữa sự bối rối của hai dòng suy nghĩ, một thứ suy nghĩ của ông và một thứ suy nghĩ của con. Con ông đã Mỹ hoá rồi chưa? Biết trả lời sao cho đúng. Con ông đi học trường Mỹ, bạn bè đa số là Mỹ... Nhưng tạ ơn Chúa xiết bao, khi Yến Phương về nhà, nó không sống xa gia đình, nó vẫn nói tiếng Việt Nam, vẫn thích ăn cơm Việt Nam và thường xuyên thăm viếng, sinh hoạt với các bạn Việt Nam trong Chúa. Hôm nay, với số tuổi chưa quá 50, với kiến thức kỹ sư cao cấp, ông đã làm ra tiền bạc chưa hẳn là mục đích cuộc sống của ông, mà niềm hy vọng lớn lao của ông là Yến Phương thành danh, theo gương ông bà ngoại hết lòng kính yêu Chúa và đem tài năng Chúa ban cho mà phục vụ Ngài là ông mãn nguyện lắm rồi.

Ông Thăng bần thần ngồi dậy, mắt hướng về người thiếu phụ trong ảnh gắn trên tường. Đó là người vợ dấu yêu của ông. Nàng đã vĩnh viễn xa ông đã 20 năm rồi, lúc Yến Phương vừa mở mắt chào đời. Tiếng khóc của con lúc đó như xé lòng, như những mũi dao đâm vào tim ông rướm máu. Trong phút lâm chung, ông nhớ rất rõ, vợ ông cầm tay ông thều thào: “Em yêu anh biết bao nhiêu. Tiếc là em không sống bên anh và con. Chờ con lớn, anh hãy bước thêm bước nữa. Em rất mãn nguyện trong tình yêu anh cho em”. Có những đêm mưa, tuyết trên xứ người, tứ bề quạnh quẽ, lòng ông bồi hồi, dạt dào ngàn cơn sóng ngầm, sự nhớ thương vợ càng lâu nỗi đau càng thấm, cộng thêm nỗi cơ cực “gà trống nuôi con“ nhiều lúc dường như muốn ngả quỵ. Nhưng nhờ ơn Chúa, vì Ngài là thiện, sự nhân từ Ngài còn đến đời đời. Có lời Chúa ông được an ủi nhiều trong cơn hoạn nạn, khó khăn tưởng như không chịu nỗi.

Bên ngoài bóng đêm dày đặc. Khối lá thông lắc lư theo gió đêm. Bây giờ đang chớm đông, lá vàng đỏ ối trên cây như lùa mùa đông về. Giờ đây, cha con ông đã có Chúa, Ngài là Đấng thành tín, Đấng nhân từ, đầy lòng thương xót, luôn dắt dìu cha con ông. Và tình người tha thiết, thân ái của các đầy tớ, con cái Chúa trong Hội thánh đã giúp ông vượt qua khó khăn được bình an, không còn lo âu, cô đơn trên đất khách như ngày nào.
Quì xuống sàn nhà, ông Thăng dâng lời tạ ơn Chúa về sự quan phòng kỳ diệu của Ngài trên đời sống cha con ông. Đã 20 mùa Tạ ơn rồi, nhưng mùa Tạ ơn năm nay đến với ông thật trọn vẹn. Bỗng tiếng hát thật hay của Yến Phương từ phòng con gái vang ra, thật dịu dàng, êm ái:

Ngợi ca Chúa từ ái ban ơn lạ lùng. Đời con vốn tràn những lệ đắng. Con đã hư mất bao ngày, lầm than trong nơi tội đày. Mà ơn Chúa còn đoái thương con. Đời con rất nhiều nỗi gian lao u sầu. Buồn lo đã làm vắng niềm tin. Nhưng Chúa đã cứu con về, nghỉ yên trong tay nhiệm mầu. Thật ơn Chúa rộng lớn vô biên...“" (TC 158). Những giọt nước mắt cảm động, vui mừng chảy dài trên má ông Thăng trong khi tiếng hát vẫn vang ra, vang ra mãi trong đêm vắng...

Đêm nay, từ vùng đất Mỹ xa xôi, lắng lòng nhớ về dấu xưa, nhớ ông bà gia kính yêu cùng những người thân thương còn ở lại trên quê hương nghìn trùng xa cách. Dù sống nơi xứ người có còn nhiều gian lao, thử thách... nhưng ông không bao giờ quên những giọt nước mắt tuôn chảy trong đêm nay hết lòng biết ơn Chúa không thôi. Chờ tiếng hát dứt, ông Thăng thốt: “Yến Phương, dù cho VẬT ĐỔI SAO DỜI, lòng ba vẫn mãi không bao giờ quên được hình ảnh mẹ con, người vợ mà ba hằng yêu quý!”

Đêm ngã dần sáng. Cái lạnh chớm đông đang lăm le rớt xuống trần gian những giọt tuyết long lanh. Lại hết một mùa thu, lá vàng đỏ ối. Màu sắc chan hoà trên cây cối... chẳng mấy chốc ánh nắng ban mai lại về khắp nơi nơi, vui tươi, phước hạnh trong ngày lễ Tạ Ơn...


Đuốc Thiêng 103

01 Tâm trí con người; - ĐTPÂ
02 Thơ: Xin Chúa sai con đi - Đức Huy
03 Người được Chúa sai đi - Mục sư Nguyễn Văn Bình
04 Người đàn bà ở Thêcôa - Bà Mục sư Nguyễn Văn Bình
05 Tiểu sử Thánh ca: "Giê-xu Đấng hằng yêu thương tôi" - Fanyia
06 Thơ: Yêu Chúa - Trần Nguyên Lam Bửu
07 Tìm hiểu cuộc cải chánh của Martin Luther - Diệp Dung
08 Điều rất cần cho chúng ta - Mục sư Trần Hữu Thành
09 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
10 Một vài loài cây có độc tính - Dr Trương Hoàng Lâm
11 Vật đổi sao dời - Bà Lê Văn Bắc
12 Xứ Do Thái trước khi Chúa Jêsus khởi sự cộng tác - Mai Đào
13 Tin Tức - Vinh Bằng