Đặc san báo Đuốc Thiêng - Chủ bút Mục sư Nguyễn Văn Bình

Người được Chúa sai đi - Mục sư Nguyễn Văn Bình

Đuốc Thiêng 103, tháng 11 năm 2010


*Kinh thánh nghiên cứu: Êsai 6:1-13
*Câu gốc: «Đoạn, tôi nghe tiếng Chúa phán rằng: Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta? Tôi thưa rằng: Có tôi đây; xin hãy sai tôi. Ngài phán: Đi đi!». (Êsai 6:8, 9).

Vào lúc sinh tiền của Êsai, nước Giuđa và thành Giêrusalem được mô tả như một đất nước, một thành phố vô ơn, loạn nghịch, phạm nhiều tội lỗi đối với Chúa. Trong một sự hiện thấy thiên thượng, Êsai được Chúa mặc khải tình trạng của dân tộc Giuđa bằng những lời than thở, quở trách: «Ta đã nuôi nấng con cái, trưởng dưỡng chúng nó, song chúng nó dấy loạn nghịch cùng ta. Bò biết chủ mình, lừa biết máng của chủ, song Ysơraên chẳng hiểu biết, dân ta chẳng suy nghĩ. Ôi! Nước mắc tội, dân mang lỗi nặng nề, tông giống độc dữ, con cái làm bậy bạ kia! Chúng nó đã lìa bỏ Đức Giêhôva, khinh lờn Đấng Thánh của Ysơraên, đã trở nên xa lạ và lui đi» (Êsai 1:2-4). Trước tình trạng suy đồi, bại hoại đó, Đức Chúa Trời muốn tìm kiếm một người có đủ tư cách để sai đi vào giữa lòng dân tộc, nhằm cảnh cáo tội lỗi, truyền rao sứ điệp tình thương của Chúa , kêu gọi mọi người đừng làm điều ác nữa, hãy quay về với Chúa, đi theo con đường chính trực, làm điều thiện để được sự thương xót và tha thứ. Đồng thời Chúa cũng muốn dùng người Ngài chọn như một sứ giả loan báo tin mừng về một Đấng Cứu Thế sẽ từ trời xuống trần gian tìm và cứu kẻ bị hư mất, đem hòa bình cho nhân loại trên trần thế.

Vào khoảng năm 740 TC, đúng vào lúc vua Ôxia băng hà, Êsai có một sự hiện thấy đặc biệt khác, làm thay đổi cả cục diện của cuộc đời ông, và cũng chính lúc nầy, Chúa hài lòng vì đã tìm được một người đủ điều kiện cho Ngài sai đi làm công tác lớn lao cho đường lối kỳ diệu của Ngài.

Vì thế Chúa hỏi Êsai:
«Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?»

Êsai thưa:
«Có tôi đây, xin hãy sai tôi!»

Ngài phán:
«Đi đi!»

Chúng ta tự hỏi lý do nào mà Êsai được Chúa lựa chọn để sai đi làm công tác to lớn như thế? Hay người được Chúa sai đi cần phải có dấu hiệu hoặc điều kiện gì? Đọc Êsai 6:1-13, chúng ta tìm thấy giải đáp cụ thể có tầm quan trọng khích lệ chúng ta chuẩn bị đời sống, nếu muốn mình được Chúa kêu gọi và sai đi cho công tác truyền giáo và xây dựng vương quốc của Ngài.

I. PHẢI LÀ NGƯỜI THẤY CHÚA (Ês 6:1-4)

Điều kiện trước tiên để một người được Chúa chọn sai đi, theo Êsai 6:1-4, phải là người thực sự «thấy Chúa» bằng nhãn quan thuộc linh của mình. Êsai kể lại: «Vào năm vua Ôxia băng, tôi thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang, vạt áo của Ngài đầy dẫy đền thờ. Những sêraphin đứng bên trên Ngài; mỗi sêraphin có sáu cánh, hai cái che mặt, hai cái che chơn và hai cái dùng để bay. Các sêraphin cùng nhau kêu lên rằng: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giêhôva vạn quân! Khắp đất đầy dẫy sự vinh hiển Ngài! Nhơn tiếng kêu đó, các nền ngạch cửa rúng động, và đền đầy những khói».

Theo các câu Kinh thánh nầy, Êsai thấy Chúa như thế nào?

A. Thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang

Trước tiên, Êsai nói: «Về năm vua Ôxia băng, tôi thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang» (Ês 6:1). Đọc câu Kinh thánh nầy, chúng ta tự hỏi: Tại sao phải đợi tới lúc vua Ôxia băng Êsai mới Thấy Chúa? Tại sao trước đó Êsai không thấy được Chúa? Có phải vua Ôxia là bức màn che khuất nhãn quan thuộc linh của Êsai chăng? Đây là những nghi vấn cần làm sáng tỏ để chúng ta kinh nghiệm được thế nào tiến trình theo Chúa của mình. Có thể có hai lý do khiến Êsai không thấy Chúa trong suốt thời trị vì của Ôxia. Hoặc là Ôxia là một vị minh quân, tài giỏi về nhiều lãnh vực trở thành thần tượng tôn sùng của Êsai, khiến Êsai không thấy ai khác ngoài vua, hoặc Ôxia là một vị vua có nhiều khuyết điểm lỗi lầm gieo thất vọng khiến Êsai vấp phạm ngăn trở con mắt thuộc linh của ông nhìn xa hơn.

Sách II Sử ký chương 26 viết, Ôxia vua Giuđa, lên ngôi lúc 16 tuổi khi vua cha là Amaxia qua đời. Vua là một minh quân, một anh hùng dân tộc, một vị vua được nhân dân tôn kính.

Về phương diện tôn giáo, vua là người kính sợ Đức Chúa Trời, làm điều thiện trước mặt Ngài, rắp lòng tìm kiếm Chúa và được Ngài ban cho nhiều may mắn.

Về chính trị, quân sự, vua Ôxia có một đạo quân hùng mạnh ba mươi vạn bảy ngàn năm trăm người thiện chiến sẵn sàng đối phó với cừu địch bất cứ lúc nào. Vua từng oanh liệt chiến thắng dân Philitin, Gát, Giápnê, Árập và các dân Maôn, Ammôn cũng phải chịu thần phục. Danh tiếng vua vang vội đến cả cõi Êdíptô, uy danh vua ai nghe tới cũng nễ sợ.

Về mặt kinh tế, vua cho cải cách canh nông, chăn nuôi, trồng tỉa, đào giếng nước, đất nước phồn vinh, nhân dân làm ruộng, trồng nho trên đồng, trên núi, người người an cư lạc nghiệp.

Về kỹ thuật, thời vua Ôxia, các kỹ sư chế tạo được máy bắn tên và máy bắn đá đặt trên các tháp cao xung quanh Giêrusalem và nhiều nơi khác làm cho quân thù muốn tấn công phải sợ hãi thối lui.

Tuy nhiên, vua Ôxia cũng có vài việc xấu. Khi được cường thịnh, vua sinh kiêu ngạo, «đến đổi làm điều ác, phạm tội cùng Giêhôva Đức Chúa Trời của người» Có lần vua tự ý vào đền thờ xông hương là việc chỉ có thầy tế lễ mới được phép làm. «Thầy tế lễ Axaria vào sau người, có tám mươi thầy tế lễ, đều là người mạnh dạn, đồng đi theo. Chúng cản cự vua Ôxia mà rằng: Hỡi vua Ôxia, chẳng phải phần vua xông hương cho Đức Giêhôva đâu, bèn là phần của thầy tế lễ, con cháu Arôn, đã được biệt riêng ra thánh đặng xông hương vậy» (II Sử 26:16-18). Rồi họ can vua: «Hãy đi ra khỏi đền thánh, vì vua đã phạm tội, lại vì việc nầy, Đức Giêhôva sẽ chẳng làm cho vua được vinh hiển đâu» (II Sử 26:18). «Ôxia bèn nổi giận, người cầm nơi tay một cái bình hương, toan xông hương, và đang khi người nổi giận cùng các thầy tế lễ, phung bèn nổi lên trán người» (II Sử 26:19). Thấy vua bị bệnh phung, các thầy tế lễ đuổi vua ra khỏi đền thờ. Kể từ đó, vua bị biệt lập cho đến khi băng hà.

Ngay khi Ôxia băng, bức màn che khuất bị rớt xuống không còn nữa, bấy giờ Êsai «thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang» một cách rõ ràng. Ông thấy Chúa là Đấng Tạo Hóa Toàn Năng, là Vua cao Cả, đang ngồi trên ngôi tể trị trời đất muôn vật, thế giới loài người, và đặc biệt giờ đây cuộc đời và tấm lòng ông có Chúa làm chủ. Chúa cũng đang ngồi trên ngôi lòng của ông và biến tấm lòng ông thành «ngôi cao sang» của Ngài, để từ đó, cơ hội cao quý được mở ra, Chúa chuẩn bị sai ông đi cho công tác vĩ đại của Ngài. Có điều gì làm che khuất đôi mắt thuộc linh chúng ta thấy Chúa chăng? Có thần tượng hay tội lỗi nào làm cản trở nhãn quan thiêng liêng của chúng ta chăng? Tiền bạc, danh vọng, việc làm, thú vui, tình ái hoặc việc tốt, việc xấu của cá nhân nào đó chăng? Đừng để bất cứ ai hay điều gì tác động tâm trí, tấm lòng chúng ta, phủ trên chúng ta bức màn che kín tầm nhìn của chúng ta tới «ngôi cao sang» của Chúa. Chỉ khi nào ngôi lòng của chúng ta mở ra dành cho Chúa là Vua cao Cả tể trị, lúc đó chúng ta mới có điều kiện được Chúa sai đi cho công việc lớn của nhà Ngài. Ai chưa mời Chúa làm Chúa, làm Chủ, làm Vua Cao Sang quản cai ngôi lòng mình, sẽ không hề có hy vọng được Chúa sai đi cho công tác của nhà Ngài đâu. Nếu có, đó chỉ là ý riêng của mình thôi. Chúa chẳng hề sai những người như thế. Biết bao con dân Chúa rất lâu năm theo Ngài, nhưng chưa hề được Chúa sai đi, chỉ vì chưa hề thấy Chúa «ngồi trên ngôi cao sang» cai quản cõi lòng của mình.

B. Thấy vạt áo Chúa đầy dẫy đền thờ

Khi bức màn che Ôxia rớt xuống, Êsai «thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang», song ông còn thấy «vạt áo Ngài đầy dẫy đền thờ» nữa (Ês 6:1). Không phải một đền thờ, cũng không phải nhiều đền thờ, mà là «đầy dẫy đền thờ», nghĩa là vô số không thể đếm được trên vạt áo Ngài. Sự hiện thấy ấy có nghĩa gì? Đền thờ là biểu tượng, là hình ảnh, là nơi của sự thờ phượng. Sự hiện thấy ấy dạy cho Êsai biết Chúa là Chúa của muôn Chúa, là vua của muôn vua, là Đấng mà chính ông và toàn thể nhân loại đáng phải thờ phượng Ngài. Ngài là Đấng duy nhất và xứng đáng nhất cho mọi người cúi xuống tôn vinh và thờ phương.

Khải huyền 14: 7 chép rằng: «Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và tôn vinh Ngài, vì giờ phán xét Ngài đã đến, hãy thờ phượng Đấng dựng nên trời đất, biển và các suối nước». Sứ đồ Giăng trong một sự hiện thấy quang cảnh các Trưởng Lão thờ phượng bên ngôi Đức Chúa Trời kể lại rằng: «Khi các sinh vật lấy sự vinh hiển, tôn quý, cảm tạ mà dâng cho Đấng ngự trên ngôi, là Đấng sống đời đời, thì hai mươi bốn Trưởng Lão sắp mình xuống trước mặt Đấng ngự trên ngôi, và thờ lạy Đấng hằng sống đời đời, rồi quăng mão triều thiên mình trước ngôi mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh hiển, tôn quý và quyền lực, vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý muốn Chúa mà muôn vật mới có và đã được dựng nên» (Khải 4:9-11). Trước giả Thi Thiên chắc đã từng nhìn thấy «vạt áo Ngài đầy dẫy đền thờ» nên lớn tiếng kêu gọi: «Hỡi các con của Đức Chúa Trời... Hãy mặc trang sức thánh mà thờ lạy Đức Giêhôva» (Thi 29:1-2). «Hỡi các họ hàng của muôn dân, hãy tôn vinh hiển và năng lực cho Đức Giêhôva, hãy tôn vinh xứng đáng cho danh Đức Giêhôva, hãy đem lễ vật vào trong hành lang Ngài, hãy mặc trang sức thánh mà thờ lạy Đức Giêhôva. hỡi cả trái đất, khá run sợ trước mặt Ngài». (Thi 96:7-9).

Đức Chúa Giê Xu chẳng những dạy loài người phải thờ phượng Đức Chúa Trời: «Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật  lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: Ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy. Đức Chúa trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy» (Giăng 4:23-24), nhưng Ngài còn ra lệnh cho ma quỉ phải thờ phượng Đức Chúa Trời nữa. Ngài phán cùng ma quỉ: «Hỡi quỉ Satan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi» (Mathiơ 4:10-11). Chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất xứng đáng khiến mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất đều phải thờ phượng Ngài. Vì vậy, trong thời Cựu ước, Chúa ban điều răn cho con dân Chúa dành một ngày đặc biệt để thờ phượng Ngài: «Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày, nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi; trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi trai tớ gái, súc vật của ngươi, đều chớ làm công việc chi hết; vì trong sáu ngày Đức Giêhôva đã dựng nên trời, đất, biển và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ. Vậy nên Đức Giêhôva ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh» (Xuất 20:8-11). Đến thời Tân ước, con cái Chúa thấy «vạt áo Ngài đầy dẫy đền thờ» nên không chỉ dành một ngày thờ phượng Chúa mà thôi, song «Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến đền thờ» (Công vụ 2:46) và khuyên lơn nhau: «Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì phải càng làm như vậy chừng ấy» (Hê 10:25).

Người trung tín thờ phượng Chúa mới xứng đáng được Đức Chúa Trời sai đi cho công tác quan trọng nhất của Ngài. Những ai thờ ơ, hay bỏ qua sự nhóm lại thờ phượng Chúa nói lên sự thiếu kính sợ Chúa của mình, họ chưa thấy «vạt áo Ngài đầy dẫy đền thờ» bao giờ. Chỉ có người thật sự nhìn thấy «vạt áo Ngài đầy dẫy đền thờ » người ấy mới trung tín thờ phượng Chúa. Đức Chúa Trời trọng dụng Êsai và sai ông đi, vì ông đã thấy «vạt áo Ngài đầy dẫy đền thờ» và thờ phượng Ngài. Các sứ đồ và môn đồ xưa, gồm 120 người nhóm lại một chỗ thờ phượng Chúa nhằm ngày lễ Ngũ Tuần, vì vậy Đức Chúa Trời ban Thánh Linh Ngài ngự đến và sai họ ra đi giảng Tin Lành, kết quả có 3 ngàn người tin Chúa trong ngày đó (Công vụ 2). Hội thánh đầu tiên tại Antiốt, xứ Syrie «Đương khi môn đồ thờ phượng Chúa, kiêng ăn, thì Đức Thánh Linh phán rằng: Hãy để riêng Banaba và Saulơ đặng làm công việc ta đã gọi làm. Đã kiêng ăn và cầu nguyện xong, môn đồ bèn đặt tay trên hai người, rồi để cho đi» (Công vụ 13:2-3). Rõ ràng Chúa sai người nào ra đi cho công việc Ngài, những người đó đều là người có tấm lòng thờ phượng Ngài, hay đang khi họ thờ phượng Ngài.

C. Thấy Chúa là Đấng cực thánh

Êsai chẳng những thấy Chúa là vua cao cả, là Đấng mọi dân, mọi nước, mọi người phải phủ phục, quăng mão triều thiên mình trước ngôi như các Trưởng Lão được chép trong sách Khải huyền, vì không mão triều thiên nào xứng đáng dành cho Chúa khi đến thờ phượng Ngài, nhưng Êsai còn thấy Chúa là Đấng cực thánh đầy vinh hiển nữa. Êsai nhìn thấy quang cảnh các sêraphin, là các thiên sứ hộ giá Đức Chúa Trời cùng nhau kêu lên rằng: «Thánh thay, thánh thay, thánh thay, là Đức Giêhôva vạn quân!» (Êsai 6:3). Ba lần lập lại từ ngữ «thánh thay, thánh thay, thánh thay!» ngoài ý nghĩa nói lên Tam Vị Nhất Thể Thánh của Ba Ngôi Đức Chúa Trời, còn mô tả theo cách dùng tỉ cấp của từ ngữ Hêbơrơ nói về sự lủy tiến của sự thánh khiết tuyệt đối, vinh hiển uy linh của Đức Chúa Trời: Thánh, Chí thánh và Cực Thánh. Sự thánh khiết của Chúa cực kỳ vinh hiển, khiến «khắp đất đầy dẫy sự vinh hiển Ngài» (Êsai 6:3). Sự cực thánh chói rạng đến nỗi không ai lấy mắt trần mà nhìn được. Các sêraphin chỉ nhắc lại mấy chữ «thánh thay» thôi cũng làm cho «các nền ngạch của cửa rúng động, và đầy dẫy những khói» (Êsai 6:4). Riêng các sêraphin là các thiên sứ thánh túc trực bên ngai Chúa cũng phải sợ hãi lấy hai cánh che mặt và hai cánh che chân lại, vì không thể trực diện với sự thánh khiết quá tuyệt đối vinh hiển của Chúa.

Xưa Môise có lần cầu xin: «Tôi xin Ngài cho tôi xem sự vinh hiển của Ngài!» (Xuất 33:18), nhưng Chúa phán: «Ngươi sẽ chẳng thấy được mặt ta, vì không ai thấy mặt ta mà còn sống» (Xuất 33:20). Rồi Ngài bảo: «Đây có một chỗ gần ta, ngươi hãy đứng trên hòn đá, khi sự vinh hiển ta đi ngang qua, ta sẽ để ngươi trong bộng đá, lấy tay ta che ngươi, cho đến chừng nào ta đã đi qua rồi. Ta sẽ rút tay lại, và ngươi thấy phía sau ta; nhưng thấy mặt ta chẳng được» (Xuất 33:21-23). Không ai có thể lấy mắt trần mà nhìn thấy Chúa cực thánh được. Phaolô trên đường Đamách, chỉ thấy ánh sáng vinh quang thánh khiết của Chúa Cứu Thế Phục sinh thôi mà phải té xuống bất tỉnh, mắt bị mù ba ngày, cho tới khi Chúa sai Anania đến cầu nguyện ông mới thấy lại được (Công vụ 9:3-9).

Êsai trong khải tượng đã thấy sự thánh khiết cực kỳ của Chúa, nên có lời khuyên dân sự Chúa: «Hãy tôn Đức Giêhôva vạn quân là thánh, các ngươi chỉ nên sợ Ngài và kinh hãi Ngài» (Êsai 8:13). Phierơ cũng khuyên con cái Chúa: «Hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình» (I Phi 3:15), cùng tìm và bước đi theo sự nên thánh nữa, vì Kinh thánh chép: «Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh nữa, vì không nên thánh thì chẳng ai được thấy Chúa» (Hê 12:14). Người được Chúa tuyển chọn sai đi bao giờ cũng thấy dấu hiệu tôn Chúa là thánh trong lòng của người đó và sống cuộc đời thánh khiết trước mặt Chúa.

Tóm lại, người mà Chúa sai đi cho công tác vĩ đại của Ngài phải là người thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang, mời Ngài làm Chúa làm Chủ, làm Vua cho cuộc đời mình, phải thấy vạt áo Ngài đầy dẫy đền thờ, để hết linh hồn, hết lòng, hết trí, hết sức mà thờ phượng Ngài, và phải thấy Chúa là Đấng Cực Thánh mà tôn Chúa làm thánh trong lòng mình và bước đi với Chúa trong sự nên thánh. Chúa đang tìm người đó để sai đi. Chúng ta đã kinh nghiệm được ba điều nầy chưa? Chúa vẫn còn hỏi: «Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?». Chúng ta có nghe tiếng Chúa hỏi chăng? Chúng ta có đáp ứng được điều kiện của Ngài không?

II. PHẢI LÀ NGƯỜI THẤY ĐƯỢC CHÍNH MÌNH

Người muốn được Chúa sai đi là người trước tiên phải thấy Chúa, nhưng chưa dừng ở đó, người ấy còn phải là người nhìn thấy được chính mình nữa. Cho đến khi nhìn thấy Chúa cực thánh, Êsai mới thật sự nhìn thấy rõ mình.

A. Thấy mình tội lỗi

Trước khi thấy Chúa, có lẽ Êsai tưởng mình là người có địa vị trong xã hội và giáo hội, là người công chính hơn những người khác. Có thể danh vọng, truyền thống đạo đức và  sự tự cao là bức màn che  đưa ông tới chỗ không nhìn thấy con người thật của mình. Cho đến một ngày ông nhìn thấy Chúa, vinh quang của sự thánh khiết Ngài làm tan biến bức màn che, ông thấy rõ chính mình, ông nói: «Chúng tôi hết thảy đã trở nên như vật ô uế, mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp; chúng tôi thảy đều héo như lá, và tội ác chúng tôi như gió đùa mình đi» (Êsai 64:6). Êsai kể: «Bấy giờ tôi nói: Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy , ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giêhôva vạn quân» (Êsai 6:5).

Êsai giờ đây thấy mình là một tội nhân đáng chết. Một trong những tội lỗi mà ông nêu ra là tội về lời nói: «có môi dơ dáy». Những lời nói ô uế, nói hành, nói xấu người khác, nói gây hiểu lầm, chia rẽ, những lời nói dối nhằm bảo vệ uy tín mình, những lời nói vu oan, giáng họa làm phương hại đến biết bao nhiêu người khác. Không tội lỗi nào xảy ra hằng ngày nhiều bằng tội từ miệng lưỡi con người. Có thể chúng ta không thấy, có thể chúng ta thấy mà chưa nhận ra đó là tội lỗi. Thánh Giacơ nói: «Chúng ta thảy đều vấp phạm nhiều cách lắm. Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn vẹn, hay hãm cầm cả mình» (Giacơ 3:2). Rồi Giacơ phân tích: «Cái lưỡi cũng như lửa, ấy là nơi đô hội của tội ác ở giữa các quan thể chúng ta, làm ô uế cả mình, đốt cháy cả đời người» (Giacơ 3:6), Giacơ nói tiếp: «Cái lưỡi không ai trị phục được nó, ấy là một vật dữ người ta không thể hãm dẹp được, dầy dẫy những chất độc giết người» (Giacơ 3:8).

B.Thấy mình được Chúa tha thứ

Trước vinh quang cực thánh của Chúa, Êsai thấy tội lỗi mình thật đáng chết. Ông kêu la tự trách và tự rủa sả mình: «Khốn nạn cho tôi!  Xong đời tôi rồi». Song tiếng kêu đó cũng hàm chứa cả một lòng ăn năn thống hối trước dung nhan thánh khiết của Chúa. Ông nhớ lời Chúa phán: «Kẻ ác khá bỏ đường mình, người bất nghĩa khá bỏ các ý tưởng, hãy trở lại cùng Đức Giêhôva, Ngài sẽ thương xót cho, hãy đến cùng Đức Chúa Trời chúng ta, vì Ngài tha thứ dồi dào» (Êsai 55:7). Rồi ông nghe tiếng thỏ thẻ: «Hãy tìm kiếm Đức Giêhôva đang khi mình gặp được; hãy kêu cầu đang khi Ngài ở gần» (Êsai 55:6), tức thì  ông tìm «thấy Vua, tức Đức Giêhôva vạn quân» (Êsai 6:5). Ngài phán: «Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên» (Êsai 1:18), Êsai liền phủ phục dưới chân Chúa ăn năn thống hối tội lỗi mình.

Ngay giờ phút ấy, ông nói: «Bấy giờ một sêraphin bay đến tôi, tay cầm than lửa đỏ mà đã dùng kềm mà gấp nơi bàn thờ, để trên miệng ta mà nói rằng: Nầy, cái nầy đã chạm đến môi ngươi; lỗi ngươi được bỏ rồi, tội ngươi được tha rồi» (Êsai 6:6-7). Sung sướng quá, Êsai được Chúa tẩy rữa tội lỗi, được tha thứ hoàn toàn bằng thứ lửa thánh lấy ra từ bàn thờ.

Kinh thánh chép: «Vì mọi người đếu đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời» (Rôma 3:23), và «tiền công của tội lỗi là sự chết» (Rôma 6:23). Cũng giống như Êsai, chúng ta là những tội nhân đáng chết đời đời trong hỏa ngục bởi những tội lỗi của mình, trong đó cũng có những tội làm cho «môi dơ dáy». Nhưng phước hạnh thay cho chúng ta, Đức Chúa Trời lấy huyết thánh của Đức Chúa Giê Xu, Con độc sanh Ngài đổ ra trên thập tự giá rữa sạch mọi tội của chúng ta (I Giăng 1:7), nhờ đó chúng ta được cứu chuộc và được Ngài giao phó trọng trách «Hãy đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho mọi người» (Mác 16:15). Chúng ta biết mình có tội, nhưng chúng ta cũng phải kinh nghiệm thế nào mình được tha tôi.

Có chuyện thuật rằng, lần kia ma quỉ đến với Martin Luther, nhà cải chánh giáo hội, trong tay cầm một cuộn giấy lớn viết cả hai mặt.

Luther hỏi:
-Cái gì đó?

Satan đáp:
-Đây là bản ghi chép tội lỗi của ngươi!

Luther xem xét bản ấy tường tận, thấy rằng câu đáp của ma quỉ rất đúng. Quả thật những tội lỗi mà ông quên từ lâu đều ghi chép ở đó, và ông phải nhận rằng mình có tội.

Luther hỏi Satan:
-Nầy, chỉ có chừng đó thôi sao?

Satan đáp:
-Ồ, không! Còn nữa. Còn một cuộn giấy nữa!

Luther nói:
-Ngươi hãy đem đến đây cho ta!

Một lúc sau, ma quỉ trở lại, đem theo một cuộn giấy giống như cuộn trước. Luther thừa nhận mình có tội y như đã chép.

Luther hỏi tiếp:
-Hết chưa?

Satan đáp:
-Chưa, còn một cuộn nữa!

Luther bảo:
-Ngươi hãy đem đến đây cho ta luôn thể!

Chẳng mấy chốc ma quỉ trở về, đem đến một cuộn giấy thứ ba. Luther xem kỹ càng, rồi thú nhận:
-Phải, hết thảy là tội của ta. Ta đã phạm từng mỗi tội đó. Có còn tội nào nữa chăng?

Satan hớn hở đáp:
-Không, chỉ có thế thôi!

Luther bình tỉnh đi đến bàn giấy, lấy bút chấm vào bình mực đỏ, rồi cầm lấy từng cuộn giấy chép tội mình, viết ngang qua từng mỗi cuộn giấy, như sau: «Huyết của Đức Chúa Giê Xu, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta» (I Giăng 1:7).

Martin Luther viết như thế vì đã thấy mình được huyết Chúa đụng chạm xóa hết mọi tội rồi. Ông hoàn toàn được tha thứ. Và bởi kinh nghiệm ấy, Chúa sai ông đi cho công tác trọng đại của Ngài. Kêu gọi con dân Chúa khắp mọi nơi trở về với sự cứu rỗi bởi đức tin và với lời hằng sống của Chúa.

III. PHẢI LÀ NGƯỜI THẤY ĐƯỢC TÌNH CẢNH ĐẤT NƯỚC VÀ DÂN TỘC MÌNH

Êsai sau khi thấy Chúa, thấy mình, Chúa cho ông thấy khải tượng về đất nước và dân tộc mình. Một dân tộc «chẳng hiểu chi, chẳng thấy chi», một dân tộc bị «héo lòng, nặng tai, nhắm mắt» (Êsai 6:9-10), nghĩa là cứng lòng, bội nghịch, không chịu nghe lời Đức Chúa Trời, không chịu trở lại cùng Ngài.

Từ Câu 11-13 của Êsai đoạn 6, mô tả đất nước thì tiêu điều, các thành hoang vu. Dân sự sắp bị đày đi xa, một số còn lại trên xứ sở thì bị đàn áp, bốc lột, thiêu nuốt. Đó là tình trạng của dân tộc Ysơraên. Êsai có sự hiện thấy như thế. Vì vậy, ông sẵn sàng nói với Chúa: «Có tôi đây, xin hãy sai tôi» (Êsai 6:8).

Là người được cứu rỗi trong danh Chúa Cứu Thế Giê Xu, chúng ta đã thấy Chúa, thấy mình, nhưng chúng ta có thấy tình cảnh của đất nước, của đồng bào, của các dân tộc trên thế giới nầy không? Họ sống trong tội lỗi, mê tín dị đoan, thờ ma lạy quỉ, xa cách Đức Chúa Trời, chối bỏ Ngài, cứng lòng, bịt tai, nhắm mắt không nghe, không thấy Ngài, thậm chí họ không biết có Ngài, phủ nhận Ngài, và nếu có ai biết Ngài thì liền bị họ trù dập, bắt bớ, tù đày, giết chết. Đức Chúa Trời muốn những người thấy Chúa, thấy mình, hãy hướng về đất nước, dân tộc mình, đồng loại mình mà nghe tiếng kêu gọi của Chúa: «Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?» mà đáp với Chúa: «Có tôi đây, xin hãy sai tôi».

Có người thuật chuyện rằng, một bữa nọ Mục sư Hedding ở New York hỏi một chàng thanh niên muốn xin đi truyền giáo ở nước ngoài:
-Anh có biết rằng anh phải lìa xa nhà cửa, xa cha mẹ, xa bạn bè đi sống với những người xa lạ thù nghịch với Chúa ở nước ngoài chăng?
-Thưa, tôi biết rõ.
-Anh có xét thấy mình phải từ giã quê cha đất tổ luôn với các đặc quyền của mình, phải kiều ngụ ở ngoại quốc là nơi mỗi người nhìn anh với con mắt nghi kỵ, thiên lệch chăng?
-Thưa, tôi đã xét thấy hết tất cả rồi.
-Anh đã xét thấy trong xứ đó, sức khỏe anh có lẽ sẽ kém sút, và anh có thể bị sốt rét cùng nhiều chứng bệnh khác làm phương hại tới mạng sống anh chăng?
-Thưa, tôi đã xét rõ. Nếu có một ngàn mạng sống, tôi sẽ dâng hết cho Chúa Cứu Thế Giê Xu tôi. Thưa ông, xin đừng hỏi tôi câu nào khác nữa, xin hãy cử tôi đi, xin hãy sai tôi đi!

Xin Chúa cho chúng ta nghe được tiếng gọi của Ngài để trở thành người được Chúa sai đi đem Tin Lành cứu rỗi của Chúa đến chẳng những cho dân tộc mình mà còn cho nhiều dân tộc khác trên thế giới nữa.


Đuốc Thiêng 103

01 Tâm trí con người; - ĐTPÂ
02 Thơ: Xin Chúa sai con đi - Đức Huy
03 Người được Chúa sai đi - Mục sư Nguyễn Văn Bình
04 Người đàn bà ở Thêcôa - Bà Mục sư Nguyễn Văn Bình
05 Tiểu sử Thánh ca: "Giê-xu Đấng hằng yêu thương tôi" - Fanyia
06 Thơ: Yêu Chúa - Trần Nguyên Lam Bửu
07 Tìm hiểu cuộc cải chánh của Martin Luther - Diệp Dung
08 Điều rất cần cho chúng ta - Mục sư Trần Hữu Thành
09 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
10 Một vài loài cây có độc tính - Dr Trương Hoàng Lâm
11 Vật đổi sao dời - Bà Lê Văn Bắc
12 Xứ Do Thái trước khi Chúa Jêsus khởi sự cộng tác - Mai Đào
13 Tin Tức - Vinh Bằng