Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)




Giêrusalem, 4000 năm lịch sử


Nguyên tác: sách "Les croisades vues par les arabes" - Thập tự chinh dưới mắt người A rập. Nhà Xuất bản: JC Lattès, Paris, 1983
Tác giả : Amin Maalouf
Trích dịch : Lạc Hồ
(coi Đuốc Thiêng từ số 3)

Đuốc Thiêng 97, tháng 10 năm 2008




Chương 51/4 : Hai ngàn ngày trước tripoli

Liên minh Frank và Hồi giáo, chống liên minh Hồi giáo và Franj

Nhưng chuyện không chỉ có thế. Chúng ta sẽ nghe một chuyện ly kỳ không thể tin được, xảy ra 4 năm sau, là chuyện Liên minh Frank và Hồi giáo, chống liên minh Hồi giáo và Franj.

Tháng 10 năm 1108, chúng ta chứng kiến một cảnh tượng đặc biệt, nơi một cánh đồng trồng cây mận, mận vừa chín tới. Xung quanh cánh đồng, là những ngọn đồi nối tiếp nhau đến tận chân trời. Trên một ngọn đồi, là vòng tường thành của thị trấn Tell Bacher, gần vòng tường thành nầy, có hai đạo quân đang dàn trận để đánh nhau.

Một bên là Tancrède đến từ Antioche, gồm 1500 kỵ binh và bộ binh, đầu đội mũ sắt che kín cả mũi, tay cầm gươm, chùi, búa; bên cạnh,là 600 kỵ binh người Turc, do Redwan, vua Alep gởi đến.

Phe bên kia, ta thấy Jawali, chủ thành Mossoul, bên trong mặc áo giáp, bên ngoài khoác áo choàng thêu, cầm đầu 2 ngàn binh sĩ, chia thành 3 đội: bên trái là đội người Ả rập, bên phải là đội người Turcs, ở giữa là đội kỵ binh quân Franj, trong số nầy ta thấy Baudoin2 chủ thành Edesse và người bà con tên là Jocelin, chủ thành Tell Bacher.

Với những ai đã tham gia trận chiến 10 năm trước đây ở cuộc chiến đấu tại Antioche, khó có thể tưởng tượng ra việc vua hồi giáo thành Mossoul lại liên minh với bá tước Franj chủ thành Edesse, để chống lại một liên minh giữa vua hồi giáo thành Alep và tuớng Franj ở thành Antioche. Vì sao có chuyện ngược đời nầy?

Chúng ta còn nhớ rằng tháng 5 năm 1104, tướng Franj Baudouin2, chủ thành Edesse, bị Jekermich bắt và cầm tù ở Mossoul. Đến năm 1107, Jekermich bị lật đổ, quyền hành ở Mossoul về tay tướng Jawali. Jawali rất thông minh, nghĩ rằng nếu 2 tướng franj chống lại nhau thì mình sẽ có lợi nhiều bèn thả Baudouin2 ra, tặng cho y phục khách quý, lại còn lập liên minh với Baudouin2 và nói đại ý: "Địa phận của anh là Edesse bị người ta chiếm, địa phận của tôi là Mossoul cũng không chắc chắn mấy, vậy chúng ta hãy giúp đỡ nhau".

Sử gia Ibn al Athir chép: "Bá tước al Comes Bardawil (tức là Baudouin2) vừa được thả ra, liền đến Antioche gặp Tancrède, để đòi lại Edesse. Tancrède tặng cho Baudouin2 nhiều thứ, nào tiền dinars 30 ngàn, nào ngựa, khí giới, quần áo, nhưng không trả Edesse. Trong khi Baudouin2 bị cầm tù, Tancrède đã chiếm Edesse cho mình, có nghĩa là y đâu có muốn Baudouin2 sớm được thả về; y còn ngầm điều đình với Jekermich cứ cầm tù Baudouin2 càng lâu càng hay. Khi Baudouin2 nổi giận, rời khỏi Antioche, thì Tancrède đi theo, ráng làm cho Baudouin2 đừng liên lạc lại với Jawali. Hai người có đụng độ nhau lai rai, nhưng sau mỗi vụ đụng độ, họ lại ngồi ăn và nói dóc với nhau! Hẳn là họ điên. Họ không chịu nhau, rồi họ yêu cầu thượng phụ của họ (cũng giống như émir cùa chúng ta) làm trung gian hòa giải. Thượng phụ lập một ủy ban điều tra gồm các giám mục và linh mục, ban nầy xác nhận rằng tướng Bohemond là chú của Tancrède, khi xuống tầu về Âu châu, đã căn dặn Tancrède hãy trả Edesse cho Baudouin2 khi nào được thả về. Tancrède chấp thuận sự hoà giải, trả Edesse cho Baudouin2".

Baudouin được thắng lợi, nghĩ rằng thắng lợi chẳng phải vì Tancrède có lòng tốt, nhưng vì sợ Jawali can thiệp. Tất cả mọi tù nhân hồi giáo trong địa phận mình, Baudouin cho giải phóng hết, lại còn xử tử một nhân viên cơ đốc, vì đã công khai chửi hồi giáo. Chuyện liên minh kỳ quặc nầy giữa một tướng Franj với một vua hồi giáo (Baudoin với Jawali) làm cho Tancrède bực tức đã đành, mà còn làm bực mình các lãnh tụ khác nữa. Redwan, vua thành Alep, viết thơ cho Tancrède hãy coi chừng lòng tham và sự quỷ quyệt của Jawali. Rằng Jawali muốn chiếm Alep. Rằng nếu Alep bị Jawali chiếm, thì quân Franj sẽ chẳng còn được ở lại xứ Syrie. Một vua hồi giáo bận tâm đến chuyện an ninh của quân Franj, có vẻ là chuyện ngược đời, nhưng trong lĩnh vực chánh trị, chuyện thứ nầy không thiếu. Thế là có hai liên minh chống nhau, và do đó, tháng 10 năm 1108, có hai đoàn quân đối diện nhau dưới tường thành Tell Bacher.

Trận chiến Tell Bacher và quân Franj thắng thế

Phe nào thắng trong trận chiến Tell Bacher? Phe Antioche và Alep. Phe kia chưa đánh đã chạy. Jawali trốn mau. Rất nhiều quân hồi giáo chạy về phía Tell Bacher, được Baudouin và Jocelin săn sóc tử tế, chữa những kẻ bị thương, cho họ quần áo mới, đưa họ về xứ. Nhưng dân cơ đốc Arménien trong thành không thuận với bá tước Baudouin. Họ được tin là Baudouin thua trận, và chắc họ tin là Baudouin đã chết trận, họ tính chuyện thoát khỏi ách của tây phương, họ thành lập một ủy ban hành chính để cai trị thành phố. Baudouin về tới nhà, thấy vậy, sai chọc cho mù mắt các thành viên ủy ban, gồm nhiều trưởng lão và linh mục trong thành.

Jawali, kẻ liên minh với Baudouin, cũng gặp trường hợp tương tự. Dân chúng trong thành Mossoul nghe tin y thua, họ chống lại y. Y muốn làm như Baudouin, nhưng không được, mất hết, mất địa phận, mất quân đội, mất kho bạc, lại còn bị Sultan Mohammed ra lịnh truy tầm. Nhờ y khôn khéo, đến năn nỉ, rốt cuộc sultan Mohammed tha tội, rồi cử y đi cai trị một thành phố khác ở xứ Perse.

Về phần Tancrède, chiến thắng 1108 đưa y đến tột đỉnh vinh quang. Antioche nay là "cường quốc", tất cả mọi vùng lân cận đều sợ, hoặc Turc, hoặc Arabe, Arménien, Franc. Vua Redwan chỉ kể là một chư hầu sợ hãi. Cháu của Bohemond (Tancrède) tự xưng là "émir lớn" (grand émir).

Trận chiến Tell Bacher làm nổi danh quân Franj đến nỗi chỉ vài tuần sau đó, vương quốc Damas ký hòa ước với Jerusalem: lợi tức các vùng canh nông ở giữa hai thủ đô nầy, từ nay chia làm ba, một phần cho quân Turc, một phần cho quân Franj, một phần về người nông dân, sử gia Ibn al Qalanissi chép như thế. Vài tháng sau, Damas còn ký một hiệp ước nữa về một vùng rộng lớn hơn, là cánh đồng phì nhiêu Békaa, ở phía đông núi Liban, cũng đem chia lợi tức với Jeusalem. Trên thực tế, Damas hoàn toàn bất lực, lợi tức về canh nông thì chia cho quân Franj như nói trên, lợi tức về thương mại thì nằm trong tay những thương gia người Ý ở hải cảng Acre. Tất cả xứ Syrie, từ bắc đến nam, có thể nói là dưới tay quân Franj.

Nhưng quân Franj đâu có ở yên sau chiến thắng 1108. Họ khởi đầu một chiến dịch xâm lăng mới, nhắm vào tất cả mọi thành phố nơi bờ biển và chẳng ai có gan đối đầu.

Nhằm hải cảng Tripoli. Tướng Saint Gilles chết

Điểm thứ nhứt họ nhắm, là hải cảng Tripoli.Ngay từ năm 1103, tướng Saint Gilles đã đem quân tiến tới sát Tripoli, xây một pháo đài, dân trong thành đều kêu là pháo đài Saint Gilles ; đến thế kỷ 20, còn thấy "Qalaat Saint Gilles" nằm giữa thành phố Tripoli hiện đại. Hồi đó, hầu hết hoạt động của dân chúng là ở bán đảo trên biển, pháo đài kia kiểm soát lối vào bán đảo. Bất cứ đoàn thương mại nào ra vào hải cảng đều phải qua tay pháo đài Saint Gilles.

Chủ thành phố là cadi Fakhr el Moulk, tìm đủ cách để triệt hạ pháo đài nầy, vì nó bóp nghẹt thành phố. Đêm đêm y cho quân phá hoại, hoặc giết lính canh, hoặc phá đổ một bức tường. Tháng 9 năm 1104, có hành động đáng kể nhứt, họ giết nhiều quân Franj, đốt cháy một phần pháo đài, chính tướng Saint Gilles bị kẹt trong lửa, bị phỏng nặng gây nhiều vết thương, do đó chết 5 tháng sau. Trong khi hấp hối, y mời đại diện của Fakhr el Moulk, đưa đề nghị: nếu quân Tripoli thôi không phá hoại pháo đài, thì quân Franj thôi không làm phiền các đoàn thương mại. Đề nghị nầy được Cadi chấp thuận.



Đuốc Thiêng 97

1 Tôi phải làm gì để được cứu rỗi - ĐTPÂ
2 Thơ : Chúa yêu con - Emmanuel
3 Phierơ - Mục sư Nguyễn Văn Bình
4 Thơ : Vết chân trên cát - Vũ Quý Hảo
5 Hình ảnh Ðức Chúa Trời - Mục sư Vũ ngọc Văn
6 Ân tứ Thánh Linh - Mai Đào
7 Thơ : Mau về sống cảnh hiển vinh - Trần Nguyên Lam Bửu
8 Đời Chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
9 Cầu Nguyện không nói ra được - Mỹ Khanh Fleckner
10 Xứ Do thái hồi Chúa Giê Xu sanh ra - Mai Đào
11 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
12 Xây nhà tình thương - Nguyễn Đình Bùi Thị
13 Ngày xưa nỗi nhớ - Bà Lê Văn Bắc







Thỏa thuận gì mà kỳ quặc! Mục đích chính của pháo đài, há chẳng phải là để làm khó cho việc lưu thông? Thế mà cả hai bên dường như sống vui với nhau, hải cảng Tripoli tấp nập hoạt động trở lại, các đoàn hàng hóa đến đông đảo, từ nay chỉ phải trả thuế cho quân Franj, các quan chức hồi giáo được cấp giấy thông hành để đi ngang qua pháo đài.

Trên thực tế, cả hai phe đều chờ đợi. Quân Franj chờ một đoàn chiến thuyền sẽ đến từ Gênes hoặc từ Constantinople, nhờ đó sẽ tiến đánh và chiếm Tripoli. Quân Tripoli cũng biết thế và họ chờ một đoàn quân hồi giáo đến tiếp tay họ tống khứ quân Franj. Nơi có thể trông chờ nhứt, là Ai cập (Egypte), có đoàn chiến thuyền hùng mạnh, nếu đoàn chiến thuyền nầy tới, ắt quân Franj phải chạy xa. Tuy nhiên việc nầy không thể làm được: hai chủ tướng Tripoli và Le Caire (thủ đô Ai cập) chẳng thuận nhau, và có thể nói là hiềm khích nặng. Trước kia, cha của al Afdal, chủ tướng Le Caire, từng bị chủ tướng Tripoli cầm giữ làm nô lệ. Al Afdal vẫn hận thù chuyện nầy, vẫn tuyên bố là sẽ kiếm cách rửa nhục. Fakhr, chủ tướng Tripoli thì cũng tuyên bố là thà bỏ thành cho Saint Gilles còn hơn là thần phục Le Caire. Cả trong xứ Syrie, không ai có thể giúp Tripoli được. Tìm đâu bây giờ?

Tháng 6 năm 1104, khi nghe tin Emir Sokman cầm đầu phe hồi giáo chiến thắng ở Harran, Fakhr đã gởi ngay lập tức sứ giả đi gặp émir Sokman, yêu cầu thừa thắng tiến đến giải toả Tripoli, kèm theo thơ là một số tiền vàng lớn và hứa gánh chịu hết phí tổn nếu Sokman đến đánh quân Franj. Sokman chấp thuận, gom được một đoàn quân hùng mạnh đi cứu Tripoli, nhưng khi chỉ còn cách Tripoli 4 ngày đường, Sokman chết vì bị bệnh tim. Đoàn quân giải tán, Fakhr và cả quần thần thất vọng.

Cầu cứu khắp nơi

Dầu vậy, qua năm 1105, một tia hy vọng loé lên. Sultan Barkyaruq chết vì bệnh lao phổi, thế là chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ đã làm tê liệt đế quốc Perse từ thủa quân Franj mới bắt đầu cuộc xâm lăng. Từ nay, toàn vùng, xứ Irak, xứ Syrie, xứ Perse sẽ thống nhất dưới tay một vua duy nhất, là Mohammed Ibn Malikshah, "vị sultan cứu tinh của thế giới và tôn giáo". Fakhr nghe tin, mừng quá, gởi thơ cầu cứu, nhưng bao nhiêu thơ đều chỉ nhận được trả lời hứa suông, chẳng thấy đoàn quân nào hết.

Trong thời gian nầy, quân Franj bóp nghẹt thêm Tripoli. Người thay thế Saint Gilles, là một người anh em họ, tên là bá tước Cerdagne, sử gia hồi giáo kêu là "al Cerdani". Lương thực ít đến được bằng đường bộ. Giá cả hàng hóa tăng vọt phi mã: trước đây, một đồng dinar tiền vàng có thể nuôi sống cả một gia đinh trong nhiều tuần lễ, nay một đồng nầy chỉ mua được nửa kilô trái chà là (datte). Rất nhiều dân trong thành di tản đi các thành phố khác như Tyr, Homs, Damas. Nạn đói gây ra phản bội. Có những viên chức trong thành tới gặp Al Cerdani, để được giúp đỡ, mách cho y những khe hở trong cuộc bao vây do đó lương thực còn vô được trong thành. Chủ thành Fakhr El Moulk đề nghị một số tiền lớn nếu Al Cerdani giao lại những kẻ phản bội. Bá tước không chịu, nhưng sáng hôm sau thấy những kẻ phản bội bị cắt cổ ở ngay trong trại quân địch.

Tình hình mỗi ngày một tồi tệ, lại có tin đồn là một đoàn chiến thuyền Franj sắp tới, mà chẳng thấy viện binh hồi giáo nào. Quá tuyệt vọng rồi, Fakhr el Moulk quyết định chính mình sẽ đi Bagdad cầu cứu với sultan Mohammed và với Calife al Moustazhir billah. Việc quản trị thành phố giao cho một người anh em họ, lương cho binh sĩ được trả trước 6 tháng. Fakhr sắp đặt đoàn tùy tùng gồm 500 kỵ binh và bộ binh, nhiều đầy tớ chở theo những tặng vật quý giá đủ loại: gươm có chạm trổ, ngựa giống tốt, áo choàng thêu và đồ bằng bạc, là sản phẩm đặc chế ở Tripoli. Phái đoàn dài lê thê nầy ra đi cuối tháng 3 năm 1108, rời Tripoli bằng đường bộ, sử gia Ibn al Qalanissi nói chắc chắn như thế, y là sử gia duy nhứt đã sống thời đó và câu nầy ngầm nói là quân Franj đã đồng ý để Fakhr lên đường kiếm viện quân về đánh mình. Nghe thì vô lý, nhưng ai biết đâu, vì vẫn có những giao thiệp lạ kỳ giữa kẻ bao vây và kẻ bị vây. Tuy vậy, điều có lý nhứt, là Fakhr đã dùng đường biển tới Beyrouth, rồi từ Beyrouth dùng đường bộ.

Trên đường đi Bagdad, Fakhr dừng chân ở Damas. Fakhr vẫn hiềm khích với Doukak, vua của Damas, nhưng vua nầy mới chết không lâu, chắc là bị đầu độc. Quyền hành ở Damas nay nằm trong tay Toghtekin, anh nầy tiếp đón Fakhr cách nồng hậu, mở tiệc linh đình.

Đến Bagdad, Fakhr còn được đón tiếp nồng hậu hơn nữa, vì danh tiếng của Tripoli vang khắp thế giới hồi giáo. Vua Bagdad sai chiếc thuyền của mình đến đón Fakhr qua sông Tigre. Vô hoàng cung, Fakhr được đưa đến phòng tiếp khách, cuối phòng là tấm nệm thêu của vua Bagdad ngồi. Họ đưa Fakhr đến ngồi chung nệm với vua, nhưng Fakhr từ chối, đi ngồi chỗ của khách. Hai viên chức bèn cầm hai cánh tay y, kéo đến ngồi vô nệm bên vua, vì vua muốn thế. Từ cung điện nầy qua cung điện kia, họ hỏi thăm Fakhr về cuộc chiến, về chuyện bị bao vây, về chuyện Fakhr đã dũng cảm chống lại, cả thành phố khen ngợi.

Nhưng khi bàn đến giải pháp và cứu trợ, sử gia Ibn al Qalanissi chép: sultan Mohammed ra lịnh cho vài émir đi với Fahkr đến Tripoli để giúp y đánh quân Franj, ra lệnh cho đoàn quân đi cứu Tripoli, nhưng trước khi đến Tripoli, đoàn quân phải đi đánh Jawali ở Mossoul, xong rồi thì đi cứu Tripoli.

Fakhr nghe vậy, kinh hoàng như trên trời rớt xuống. Giải quyết chuyện Mossoul, có khi phải cả năm. Mossoul lại nằm ở phía bắc Bagdad, còn Tripoli ở phía tây. Chờ xong việc ở Mossoul thì Tripoli đã mất, vì mất Tripoli là chuyện nay mai. Fakhr năn nỉ, nhưng vua Bagdad không đổi ý, vì quyền lợi ngay trước mắt của đế quốc là giải quyếr vấn đề Mossoul. Fakhr lấy vàng bạc mua những cố vấn của vua, nhưng vô ích. Sau 4 tháng, Fakhr buồn bã ra về, lần nầy chẳng có nghi lễ rình rang. Trong lòng y, chắc chắn là không thể bảo vệ được Tripoli, nhưng điều y chưa biết, là y đã mất Tripoli rồi. Về đến Damas vào tháng 8 năm 1108, y được tin dữ nầy.

Y mất hết, mất cả gia đình, mất hết cận thần, kho tàng, đồ đạc, mất cả đồ dùng quần áo nữa. Không phải mất về tay quân Franj.

Trong khi y ở Bagdad, các trưởng lão ở Tripoli quyết định cầu cứu với Al Afdal, vua Ai cập (Egypte), xin trao thành phố cho vua nầy. Al Afdal sai nhiều tầu chở lương thực tới, cùng với một vị tổng trấn để cai trị, vị nầy tuân lịnh vua, chở hết mọi thứ của Fakhr xuống tầu, đem về Ai cập.

Đợt tấn công cuối cùng

Trong khi số phận diễn ra khốn nạn như thế cho Fakhr, quân Franj sửa soạn đợt tấn công cuối cùng vào Tripoli. Lần nầy thấy có mặt đủ các tướng lãnh Franj. Cao hơn hết, chúa của cả bọn, là Baudoin, vua Jerusalem. Rồi có Baudouin ở Edesse, có Tancrède ở Antioche, hai anh nầy tạm thời thuận với nhau trong vụ nầy. Có hai anh cùng một nhà mà là thù địch nhau, một anh là al Cerdani, anh kia là Ibn Saint Gilles, con của Saint Gilles mới chết vì phỏng lửa. Hai anh nầy đều muốn làm chủ Tripoli, tranh chấp nhau, nhưng vua Jerusalem ra lịnh phải dẹp mọi tranh chấp khi chiến đấu chưa xong. Ibn Saint Gilles chờ cho xong cuộc chiến rồi cho ám sát anh kia.

Tháng 3 năm 1109, mọi việc sắp đặt đã xong để tiến công hòa hợp hai mặt biển và bộ. Dân trong thành Tripoli thấy vậy, kinh hoàng, nhưng họ không tuyệt vọng. Vua Ai cập há chẳng hứa là sẽ sai đến một đoàn chiến thuyền mạnh hơn hết mọi đoàn họ từng thấy, sẽ gởi cho họ đủ lương thực và khí giới để cầm cự ít nhứt một năm? Và họ tin chắc rằng khi thấy đoàn chiến thuyền Ai cập đến, thì đoàn chiến thuyền quân Franj sẽ biến đi gấp. Tuy nhiên, còn chờ coi đoàn chiến thuyền Ai cập có đến kịp hay không!