TIN LÀNH VIỆT NAM PARIS & PHÁP
"Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời." (Giăng 3:16)
Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)
Đời Chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
Đuốc Thiêng 97,
tháng 10 năm 2008
Ngoài công tác truyền giáo
như trên, Hội thánh Việt Kiều tại Ai Lao
còn chú trọng đến văn hóa
và xã hội. Qua Hội Hoàn Cầu Khải
Tượng, Hội thánh bảo trợ cho trường Việt Kiều tại Vientiane,
hằng tháng trả lương cho tất cả giáo
viên ở trường từ lớp Một tới lớp Năm, đồng thời
liên lạc với những người đỡ đầu ở khắp nơi trên thế
giới, nhất là ở Hoa kỳ, Canada, Úc vận động gởi
tiền bạc, quà biếu hoặc tặng vật cho những học sinh
nghèo. Hội thánh cũng được trường dành
đặc biệt giờ giáo lý dạy Kinh thánh
cho học sinh các lớp. Nhà tôi đảm
trách việc dạy giáo lý cho trường,
còn các con tôi bắt đầu đi học. Khi
còn ở Việt Nam, những tưởng đến Lào
chúng sẽ có cơ hội học tiếng Pháp, như
đã biết từ trước, nào ngờ đúng
vào lúc chúng tôi tới, bộ
giáo dục của chính phủ liên hiệp
Lào bắt buộc các trường phải dạy tiếng
Lào, thành thử các con tôi
tạm thời đến học ở trường Việt Kiều để khỏi mất thời gian, đồng thời
cho kịp thích ứng với môi trường mới. Trường rất
gần nhà thờ, chỉ đi bộ băng ngang qua một công
viên khá rộng và vài con
đường thì đến nơi. Hội Hoàn Cầu Khải Tượng cũng
cung cấp thuốc men cho phòng y tế tòa Đại sứ Việt
Nam để phân phát cho Kiều bào tới
khám bệnh. Nhờ công tác văn
hóa xã hội nầy, Hội thánh
dù nhỏ nhưng tầm ảnh hưởng rất lớn mạnh đến môi
trường truyền giáo.Mọi việc tạm ổn. Đến lúc
chúng tôi phải bắt tay vào việc học
tiếng Lào. Hội Hoàn Cầu Khải Tượng sẵn
sàng giúp trả lương giáo sư dạy tiếng
Lào cho chúng tôi. Nhờ vậy
chúng tôi không phải đến trường mỗi
ngày, song có giáo sư đến tận
nhà theo thời khóa biểu hướng dẫn
chúng tôi học. Cô giáo
là một tín hữu Tin Lành, sinh ra ở
Lào trong gia đình Việt Nam, nói tiếng
Việt rất chuẩn, còn tiếng Lào thì rất
giỏi, do vậy việc học của chúng tôi
không gặp khó khăn. Ban đầu, học từ và
câu căn bản nhằm giao tiếp với người Lào, rồi học
cách đọc chữ và tập viết tiếng Lào.
Nhìn chữ Lào ngoằn ngoèo ta
có cảm giác rất khó học, nhưng việc
kết cấu câu nói lại tương tự như tiếng Việt Nam.
Tỉ như khi chúng ta hỏi: "Có không?",
người Việt Nam trả lời hoặc là "có" hoặc
là "không", còn khi trả lời
"không có", lúc đó chỉ việc
đảo lộn hai chữ "có" và "không" với
nhau thì thành câu trả lời rồi. Tiếng
Lào cũng tương tự như thế. "Mi" (có), "bo"
(Không). "Mi bo?" (có không?). Ta trả
lời hoặc có "mi" hoặc không "bo" hay "bo mi"
(không có). Thế là chúng
tôi bập bẹ nói tiếng Lào
chút ít khi đi chợ hay tiếp xúc với
người Lào. Dù vậy, để nói được tiếng
Lào cần phải có thời gian dài cho việc
học. Điều nầy lại không đến với chúng
tôi, vì chỉ mấy tháng sau
đó, chúng tôi lại phải rời
Lào sau biến cố tháng 4-1975 ở Việt Nam.
Vì vậy việc học tiếng Lào dang dở không
tới đâu cả.
Có một điều phải nói, người Việt ở Lào
diễn tả tiếng Việt theo cách nói của người
Lào nghe thật dễ thương, là lạ làm
sao. Họ chế biến câu nói theo khuôn mẩu
của người Lào khiến ta thấy có cái
gì mang sắc thái đột phá mà
người Việt ở quê nhà hoặc bất cứ nơi đâu
đều không có. Cả trong tự điển tiếng Việt cũng
không hề biết tới. Tỉ như khi ăn món gì
ngon, thay vì nói "ngon quá hay ngon
lắm", họ nói: "ngón ngon", kéo
dài chữ đầu một chút rồi mới nói chữ
sau, thanh âm phát ra khiến ta có cảm
giác món ăn thật tuyệt vời. Cũng như khi
nói một chiếc xe hay một cô gái đẹp,
người Việt ở Lào nói: Chiếc xe "đép
đẹp", hay chị hôm nay "đép đẹp", vần điệu
phát ra dễ thương, dễ mến làm sao! Khi
làm việc mệt nhọc, họ cảm thấy "mết mệt" hoặc "đứ đừ".
Lúc đi đường xa, họ than "xá xa", lúc
vui quá họ mừng rỡ thốt lên "vúi vui",
lúc no quá lại nói "nó no",
khi ngọt quá, thì nói "ngót
ngọt", khi cay quá thì kêu
lên "cáy cay", gặp người ốm yếu, thì
mô tả "gấy gầy", người cao nghều nghệu thì
"cáo cao", người thấp bé thì
"lún lùn", giàu có
thì nói "giáu giàu",
còn nghèo lại nói "nghéo
nghèo"... Người Việt ở Lào thêm dấu sắc
ở chữ đầu để diễn tả một điều gì tăng nhiều hơn
lên, trong khi người Việt ở quê nhà
trái lại, thì dùng "không
dấu" hay thêm "dấu huyền" ở chữ đầu có
ý diễn tả một cái gì bình
thường, tàm tạm, không thể đạt tới mức cao hơn hay
thấp hơn được. Tỉ như ngon ngon, beo béo, cay cay, cao cao,
ngăn ngắn, nong nóng, lành lạnh, hoặc lập lại
ngay chữ đó, thấp thấp, gầy gầy, lùn
lùn... cũng đều có nghĩa như thế.
Tết ở Lào "vúi vui" nhưng đối với những người mới
tới Lào lần đầu thì "sớ sợ". Tết không
tổ chức vào đầu năm âm lịch như bên ta,
nhưng trễ hơn mấy tháng. Một trong những phong tục
ngày Tết Lào có "Hốt nạm", nghĩa
là "xối nước". Người Lào theo Phật
giáo, cứ Tết đến đều có tục nấu nước thơm bằng
cách nấu bông thơm hay đổ dầu thơm vào
nước mang tới chùa xối vào các tượng
Phật gọi là "tắm Phật" cho sạch bụi bặm dơ bẩn
bám vào trong năm qua, rồi lấy nước rữa tượng
đó xối lên đầu các Phật tử để lấy
phước. Phong tục lễ nghi nầy dần dần khuếch đại thành phong
tục dân gian, dân chúng xối nước nhau cả
bình, cả thùng, có khi lấy
vòi nước phun ướt hết cả người lẫn quần áo. Loại
nước dân gian đó dĩ nhiên
không phải nước thơm gì cả, chỉ là nước
thường thôi. Đôi khi họ còn bỏ
màu xanh đỏ vào nước, chở cả thùng to
trên xe mui trần chạy qua khắp đường phố, gặp ai cứ xối
vào khiến quần áo mặt mày
tèm lem màu mè kỳ dị thật
khó coi, một số cô gái lâm
vào tình cảnh nầy vừa "vúi vui" vừa
"thén thẹn". Nhiều người đi đường vì
không muốn áo quần bị uớt hay bị nước
màu làm hoen ố, cố tránh khi đi xe đạp
hay xe gắn máy gặp phải xe vượt ngang qua xối nước, bị
té thương tích "đáu đau",
vài trường hợp làm chết người. Tôi biết
phong tục như thế, nên cố gắng hạn chế tối đa ra đường trong
mấy ngày Tết. Thế nhưng vì công việc
cấp bách của Hội thánh bắt buộc phải
lái xe gắn máy ra đi. Tôi
tìm những đường nhỏ, mong không bị "hốt nạm" dọc
đường. Thế nhưng đầu đường nào, góc hẻm
nào cũng có người đứng chặn giữa đường chực sẵn
đổ nước. Lúc đầu tôi cố tránh, nhưng
thấy không còn lối nào tránh
cho khỏi, đành phải dừng xe lại cho họ đổ xối xả từ đầu tới
chân, áo quần ướt cả họ mới chịu thôi.
May mà lúc đó Vientiane trời
nóng hừng hực, nóng không chịu nổi,
"hốt nạm" vừa mát lại áo quần cũng mau
khô, chừng năm mười phút thấy như không
còn ướt nữa. Vừa về tới cửa nhà, thấy mấy đứa con
tôi khóc nức nở. Té ra có
một số người bên ngoài xô cửa
vào, nào thùng, nào
sô, ùa rượt chúng nó
vào tới phòng khách xối nước
ào ào khiến ướt cả nhà và
mình mảy, chúng hoảng sợ không biết tai
họa gì sẽ xảy đến cho chúng.
Tết Lào vừa qua không bao lâu, biến cố
30-4-1975 lại xảy đến tại Việt Nam và đương nhiên
cũng ảnh hưởng tới Lào. Người Việt ở Lào
tâm trạng hoang mang sợ hãi. Họ đối diện với một
thứ tương lai mờ mịt chưa bao giờ thấy. Ai nấy hầu như âm
thầm tìm đường vượt biên qua Thái Lan
dù chưa biết ở đó làm gì
và rồi đi đâu. Tòa Đại sứ Việt Nam
đóng cửa, việc tìm một chiếu khán
(visa) qua Thái Lan không phải dễ, tốn
kém nhiều tiền bạc lắm. Đường phố Vientiane ngày
càng đậm nét u buồn dưới mắt người Việt.
Không ai muốn lìa khỏi thành phố
thân yêu dáng vẻ hiền hòa với
bao kỷ niệm không hề quên, thế mà
ngày nào cũng thấy vắng bóng một số
người. Họ lặng lẽ ra đi. Một số con cái Chúa cũng
sắp xếp hành trang cho một ngày nào
đó vượt qua bên kia bờ sông
Mékong đến Thái Lan. Nhà thờ từ từ
vắng người. Dù vậy, còn nhiều con cái
Chúa chưa có lối thoát, vừa đi
làm việc vừa chuẩn bị bán bớt đồ đạc hầu
có tiền cho việc sẵn sàng ra đi bất cứ
lúc nào cơ hội mở ra. Chúng
tôi đang hồi bị thử thách. Con đường trước mặt
dường như rất hẹp. Tiền bạc không có, phương tiện
cũng không. Ở lại hay ra đi lúc bấy giờ chỉ
còn chờ đợi thời gian thuận tiện và do sự
dìu dắt của Chúa. Một con cái
Chúa lập nghiệp lâu năm ở Lào,
có đất đai nhà cửa đề nghị tặng chúng
tôi vài công đất canh tác nếu
trường hợp không đi được phải ở lại. Một bà
tín đồ với một đứa con trai có tiệm
bán tạp hóa ở Vientiane trước khi rời
nhà ra đi mời chúng tôi đến giao
nhà và tiệm tạp hóa nói
là để cho chúng tôi ở lại có
phương tiện hầu việc Chúa. Thế nhưng thời sự dầu
sôi lửa bỏng lúc đó không ai
có thể bảo đảm được điều gì.
Vientiane hôm nay buổi sáng trời thật đẹp. Vầng
thái dương chiếu rạng sáng ngời. Khí
trời nóng hừng hực. Như thường lệ hằng tuần, giáo
sĩ G. Wood đem xe tới chở tôi đi đánh tenis tại
sân chơi trong thành phố. Khi đã thấm
mệt, chúng tôi ngồi giải khát,
giáo sĩ G. Wood hỏi: