Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)

Tiểu Sử Thánh Ca - Fanyia

Đuốc Thiêng 101, tháng 07 & 09 năm 2009


Những thông tin trên đây được Fanyia trích và chuyển ngữ từ tài liệu THEN SINGS MY SOUL của nhà xuất bản THOMAS NELSON PUBLISHERS.


GIÊ-XU LÀ BẠN THẬT

“Ôi, Giê-xu Chúa ta là bạn thật, bằng lòng gánh tội tỗi chúng ta.
Ban ơn chúng ta hôm mai thân mật.
Trình lên Chúa bao tâm sự ta. Bao lần ta bối rối gặp sầu tư,
lắm lúc tâm hồn bỗng bồi hồi.
Nguyên do chúng ta chẳng đem tâm sự,
trình ra trước Giê-xu mà thôi…”


“Giê-xu Là Bạn Thật” là tựa đề bài thánh ca trong tuyển tập Thánh Ca của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Miền Nam (bài số 253), được dịch lời từ bài thánh ca mang tựa đề Anh ngữ: “What A Friend We Have In Jesus” của tác giả Joseph M.Scriven viết lời.

Joseph Scriven hoảng hốt khi nhìn thấy người vợ sắp cưới của mình bị kéo xuống hồ nước. Ngày mai theo kế hoạch sẽ là đám cưới của họ, thế nhưng cô dâu kiều diễm và lộng lẫy không còn nữa, mà thay vào đó là một đám tang buồn thê thảm. Lúc bấy giờ Joseph Scriven khoảng chừng hai mươi lăm tuổi; bị quay cuồn trước bi kịch, thế rồi anh quyết định di cư sang Châu Mỹ để sống. Mang vác lê thê những hành lý, bước vào Bublin, Irland một cách buồn bã, anh lấy tàu thủy để đi đến Canada, để lại sau lưng bóng dáng người mẹ kính yêu, với ánh mắt đăm chiêu dõi theo từng bước chân của người con trai bất hạnh.

Mười năm sau, vào năm 1855, anh đã nhận được tin tức về người mẹ của anh; bà đang phải đối diện với khủng hoảng trong đời sống. Thế là Joseph lập tức viết bài thờ “What A Friend We Have In Jesus”  và gởi cho người mẹ của mình. Rõ ràng, không ai khác là Bà Scriven đã đưa một bản copy cho một người bạn của mình, và người bạn này đã cho xuất bản một cách vô danh; sau đó bài thơ này đã trở nên một bài thánh ca nổi tiếng, mặc dầu không ai biết tác giả của bài thánh ca này là ai.

Trong khi ấy, Joseph bắt đầu và tìm lại cho mình một tình yêu mới. Nhưng đau buồn thay, thảm kịch cũ lại tái hiện. Vị hôn thê của anh, Eliza Catherine Roche bị mắc chứng bệnh lao phổi và đã qua đời vào năm 1860, trước khi lễ thành hôn của họ diễn ra.
Để thoát khỏi nỗi buồn thảm tưởng chừng như không thể nào vượt qua được, Joseph đã dốc đổ chính mình vào trong chức vụ làm công việc từ thiện cho The Plymouth Brethren và rao giảng lời Đức Chúa Trời trong vòng những người thuộc Hội Thánh Báp-tít. Anh đã sống một cuộc đời đơn giản, ẩn dật đốn củi để đốt lò sưởi giúp các góa phụ, cấp phát áo quần và tiền bạc cho những người túng thiếu tại Port Hope, Canada. Anh được người ta miêu tả như là “Người đàn ông thấp bé, với mái tóc xám bạch kim, bộ râu được cắt xén đâm ra tia tỉa, đôi mắt xanh sáng và nhấp nháy khi anh trò chuyện.” Ira Sankey sau này có viết lại thế này:

“Chỉ có một thời gian ngắn trước khi Joseph Scriven qua đời, người ta mới biết rằng ông có ân tứ trong thơ ca. Một người hàng xóm, đứng cạnh ông khi ông nằm trên giường bệnh, xảy ra vào lúc đó, có một bản copy “What a Friend We Have in Jesus”, người hàng xóm này đọc lên và hỏi ông Joseph Scriven về bài thánh ca đó, ông nói rằng ông đã sáng tác bài thơ này để tặng cho người mẹ của ông, để an ủi bà khi bà buồn thảm; ông cũng không có ý định cho bất cứ người nào biết bài thơ này. Sau này có một người bạn láng giềng khác tại Port Hope cũng hỏi ông rằng, có phải thật sự ông đã viết bài thánh ca này không? ông trả lời rằng “Phải”, “Đức Chúa Trời và Tôi đã làm bài thánh ca đó ở giữa chúng ta”.

Vào ngày 10 tháng 10 năm 1896, Joseph Scriven đã lâm bệnh rất nặng. Trong cơn mê sảng, ông chồm dậy khỏi giường và bước đi lảo đảo ra khỏi cửa, thương thay, ông đã ngã vào một dòng suối nhỏ, chìm xuống nước và đã qua đời ở tuổi 66. Ngôi mộ của ông được sắp đặt gần bên vị hôn thê Eliza Catherine Roche; với mong ước rằng trong ngày Chúa tái lâm, thân thể được sống lại và họ có thể được nhìn thấy mặt của nhau trong sự vui mừng. 



CHIM SẺ MẮT CHÚA VẪN CHÚ VÀO

“Khi có Giê-xu bạn vô đối, ngày đêm khăng khít với tôi.
Sao tôi còn chán, còn nghi ngờ. Sao tôi còn e mây mờ.
Sao thấy lòng những quạnh hiu nay. Mong ước về cõi trời ngay?
Chim sẻ mắt Chúa vẫn chú vào, về phần tôi Giê-xu bỏ sao?
Chim sẻ mắt Chúa vẫn chú vào, thì Ngài há quên tôi khi nào?...”


“Chim Sẻ Mắt Chúa Vẫn Chú Vào” là đề tựa của bài thánh ca số 390 trong tuyển tập Thánh Ca của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Miền Nam, được dịch lời từ bài thánh ca mang tựa đề Anh ngữ: “His Eye Is On The Sparrow” của tác giả Civilla D. Martin viết lời.

Theo như ký thuật trong Thánh Kinh sách Ma-thi-ơ 10:29 “Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý muốn Cha các ngươi, thì chẳng hề một con nào rơi xuống đất.” Đây chính là lời phán dạy của Đức Chúa Giê-xu khi Ngài sai mười hai môn đồ đi ra rao giảng về Nước Trời, kêu gọi sự ăn năn, trừ tà ma và chữa lành các thứ bệnh tật. Thế là họ đã ra đi trong sự tể trị của Đức Chúa Trời; đời sống của họ phó thác trong trong bàn tay dắt đưa, nuôi nấng quyền năng của Ngài.

Lấy cảm hứng từ sự quan phòng, chăm nom đặc biệt của Đức Chúa Trời trên dân sự của Ngài, một năm sau khi viết lời bài thánh ca “God Will Take Care of You” tức là bài thánh ca số 49: “Chúa Sẽ Lo Toan”, tác giả Civilla Durfee Martin lại tiếp tục viết một bài thơ khác cũng được nhiều người biết đến và thật sự đã đem lại nhiều khích lệ trong đức tin, đó chính là lời bài thánh ca: “His Eye Is On The Sparrow”, trong bản thánh ca Việt Ngữ chính là bài “Chim Sẻ Mắt Chúa Vẫn Chú Vào”.

Civilla Durfee Martin là một người quốc tịch Canada, sinh vào ngày 21 tháng 08 năm 1869 tại Nova Scotia. Lớn lên, bà đã trở thành một giáo viên âm nhạc, nhưng khi bà kết hôn với Tiến Sĩ Walter Martin, một nhà truyền giáo, bà đã từ bỏ nghề dạy âm nhạc, để sánh vai cùng người chồng và giúp đỡ ông trong công tác phục vụ Chúa.

Sau đây là phần ký thuật của bà Civilla Durfee Martin khi bà viết bài thánh ca này:

Vào những ngày đầu mùa xuân năm 1905, chồng  tôi và tôi đang lưu trú lại tại Elmira, New York. Chúng tôi đã thật sự gắn bó với một cặp gia đình, ấy là ông bà Doolittle, là những người thánh thật sự của Đức Chúa Trời. Gần hai mươi năm bà Doolittle nằm liệt giường. Chồng bà cũng là một người tàn tật không phương chữa trị. Ông phải tự mình đẩy tới, đẩy lui trên chiếc xe lăn tay để làm công việc kinh doanh sinh sống hằng ngày. Bất chấp những nỗi đau buồn, họ vẫn sống một đời sống Cơ Đốc vui mừng, đem lại nhiều cảm hứng và niềm an ủi cho hết thảy những ai biết về gia đình ông bà.

Một ngày nọ, trong khi chúng tôi đang ngồi chuyện trò với gia đình Doolittles, chồng tôi đã đề cập đến niềm hy vọng sáng chói của họ và hỏi rằng: “Bí quyết nào làm cho ông bà sống đầy hy vọng và tràn ngập niềm vui mừng?” Bà Doolittle liền trả lời ngay rằng: “Mắt Chúa đang dõi theo những cánh chim sẻ; tôi biết rằng Ngài cũng đang quan phòng đời sống tôi.” Vẽ đẹp của một sự biểu lộ đơn sơ, thành thật, trên một đức tin vô hạn kẹp chặt những tâm hồn và đốt cháy lên trí tưởng tượng của tiến sĩ Martin và tôi. Thế là bài thơ “Chim Sẻ Mắt Chúa Vẫn Chú Vào” đã ra đời từ chính kinh nghiệm cảm xúc thật sự này.

Sau khi viết xong, bà Civilla D. Martin đã gởi bài thơ này đến cho nhà soạn nhạc Gospel nỗi tiếng Charles Gabriel. Và từ đó bài thánh ca này được xuất bản và đã đem đến những lời nâng đỡ, khích lệ đức tin cho dân sự Đức Chúa Trời ở các nơi trên thế giới và giúp họ biết đến sự quan phòng, sự tể trị của Ngài trên đời sống con dân thiên quốc.


Đuốc Thiêng 101

01 Càng nhiều càng tốt - ĐTPÂ
02 Thơ: Kỷ niệm Đại Hội Tin Lành Âu Châu- Đức Huy
03 Thơ: Đại Hội Tin Lành Âu Châu Hòa Lan - Đức Huy
04 Kiếp phù sinh - TC Hừng Đông
05 Phục vụ Chúa - Mục sư Nguyễn Văn Bình
06 Cao đẹp tình Cha - Nguyễn Đình Bùi Thị
07 Tình mẫu tử - Bà Lê Văn Bắc
08 Thơ: Phụng sự Chúa - Đức Huy
09 Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
10 Tiểu sử Thánh Ca - Fanyia
11 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
12 Xứ Do Thái khi Chúa Jêsus khởi sự công tác - Mai Đào
13 Đức Giêhôva là Đấng chăn giữ tôi: Tôi sẽ chẵng thiếu thốn gì - MSNC Lê Văn Thể
14 Cục gạch - Thanh Nguyên
15 Phát triễn và bảo tồn thực vật - Dr Trương Hoàng Lâm
16 Tin Tức - Vinh Bằng