Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)

Đời Chẳng Ai Ngờ - Vinh Bằng

Đuốc Thiêng 101, tháng 07 & 09 năm 2009


        (Xin xem từ Đuốc Thiêng 74)

Đánh dấu bước thành hình rõ nét nhất của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu chính là Hội Đồng Bồi Linh lần thứ 3 được tổ chức tại nhà thờ Tin Lành 10 rue Danton, Kremlin Bicêtre, ngoại ô Paris, trong hai week-end từ ngày 3-12/6/1983 với diễn giả Mục sư Lê Hoàng Phu, đến từ Hoa kỳ, dưới sự chủ tọa của Mục sư Nguyễn văn Bình. Những sứ điệp của Mục sư Lê Hoàng Phu nói về nguyên nhân dân sự Chúa thất bại nặng nề ở Ahi sau khi chiến thắng vẻ vang không hao tốn một viên đạn tại một kinh thành chiến lược kiên cố sức người không tài nào quật ngã nổi, chỉ vì một binh sĩ trong đạo quân Ysơraên bất tuân mạng lệnh Đức Chúa Trời, tham lam cất giấu những vật mà đáng ra theo lệnh phải đốt bỏ và diệt đi. Chỉ một người phạm tội thôi mà vinh quang Chúa lìa bỏ dân sự, cho đến khi nào kẻ có tội được tìm ra và cả Ysơraên ăn năn thống hối mới có đủ quyền năng thiên thượng chiến thắng được. Biết bao cuộc đời khổ đau chỉ vì mình bất tuân mạng lệnh Đức Chúa Trời, biết bao nhiêu gia đình thiếu hạnh phúc, tan vỡ chỉ vì người chồng, người vợ hay một đứa con nào đó trong nhà chìu theo tư dục, ham hố đời nầy, biết bao nhiêu Hội Thánh vắng bóng sự sống sinh động, khao khát sự phấn hưng mà không được, trái lại sa sút, tầm thường đến độ đồng hóa với thế gian, mất niềm tin cậy của nhiều người, chỉ vì một người thôi cũng đủ để vinh quang thánh khiết của Đức Chúa Trời lìa xa. Tất cả thất bại chỉ vì «yêu thế gian», «ham hố đời nầy», không vâng phục Chúa. Gia đình hạnh phúc, Hội Thánh phấn hưng khi nào mọi con cái Chúa hết lòng vâng theo lời dạy của Chúa, nếu không, niềm vui, phấn hưng và hạnh phúc như cánh chim biền biệt trên bầu trời xanh thẳm không quay đầu ngó lại.

Một sứ điệp khác của Mục sư Lê Hoàng Phu trong kỳ Hội Đồng nầy liên quan tới chức vụ của một đầy tớ Chúa, người ấy là tiên tri Giôna, vì không muốn kẻ thù dân tộc Ysơraên của mình thoát khỏi cơn hình phạt của Đức Chúa Trời mà khước từ đi giảng đạo tại Ninive, thủ đô của đế quốc hùng mạnh Assyrie lúc bấy giờ, trái lại xuống tàu trốn Chúa qua một nơi khác, phó mặc họ không có cơ hội ăn năn để được thoát khỏi cảnh hủy diệt bởi cơn thạnh nộ của Chúa. Vị tiên tri nầy phải bị 3 ngày nằm trong bụng cá mới thấm thía được hậu quả của một tiên tri bất tuân mạng lệnh Đức Chúa Trời. Nơi sâu thẳm trong bụng cá, Giôna kêu cầu Chúa, ăn năn thống hối và được Chúa cứu sống đưa lên bờ tiếp tục hành trình kêu gọi dân thành Ninive ăn năn tội lỗi quay về với Đức Chúa Trời để khỏi bị hủy diệt. Kết quả thật lạ lùng, cả Ninive, từ vua quan đến dân chúng đều ăn năn, cơn thạnh nộ hủy diệt được rút lại, cả thành vui mừng khôn xiết. Chúa Cứu Thế Giê Xu cũng sai chúng ta mỗi người: «Hãy đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho mọi người» (Mác 16:15), chúng ta phải vượt qua mọi bất đồng chính kiến, mọi bức tường ngăn cách dân tộc, mọi hàng rào tôn giáo, mọi thành kiến người đời, đem Tin Lành cứu rỗi cho đồng bào, cho mọi người.

Một sứ điệp khác nữa, Mục sư Lê hoàng Phu nói về bài thơ của con cháu Côrê làm được chép trong Thi thiên 42:3-10. Trên đường lưu đày qua Babylôn, họ than thân trách phận tại sao Đức Chúa Trời phó họ vào tay quân thù, khiến danh Chúa bị dân ngoại bang khinh bỉ. Họ bày tỏ lòng khát khao Chúa, như «con nai cái thèm khát khe nước» nhưng tại sao Đức Chúa Trời lại quên họ? Rồi họ học hiểu rằng, Đức Chúa Trời không hề quên dân sự Ngài, tội lỗi của họ mới chính là nguyên nhân khiến mình xa cách Đức Chúa Trời.

Những sứ điệp còn lại, Mục sư Lê Hoàng Phu kêu gọi con cái Chúa hãy quay về cùng Chúa với tấm lòng ăn năn tội và đầu phục Chúa để được uống nước hằng sống từ Thánh Linh hầu có đời sống thánh hóa, tươi mới, phước hạnh, vùng lên chiến thắng nhiều linh hồn hư mất về cho Chúa.

Qua những sứ điệp của Mục sư Lê Hoàng Phu, con dân Chúa đến từ Pháp, Tây Đức, Thụy sĩ, Hòa Lan, Bỉ, nhìn thấy rõ nét hậu quả của cuộc đời theo Chúa mà không vâng lời Chúa của mình. Hết thảy đều trải lòng mình ra thổn thức với Chúa, kêu la xưng tội, ăn năn, hứa nguyện hiến dâng đời mình đứng lên phục vụ Chúa.

Ngay kỳ Hội Đồng nầy, có 12 người cả nam lẫn nữ được Chúa cảm động, nghe tiếng kêu gọi của Thánh Linh, ghi tên gia nhập khởi đầu với chức vụ Truyền Đạo Tình Nguyện quyết đứng lên giảng đạo, thành lập Hội Thánh, gồm: Ông Huỳnh Sển (Toulouse, Pháp), Bà Hà Thị Lan Hảo (Toulouse, Pháp), Cô Le Gardien Colette (Limoge, Pháp), Ông Bùi Tấn Ái (Nancy, Pháp), Ông Hoàng Ái (Troyes, Pháp), Ông Gilbert Nguyễn văn Sang (Paris, Pháp), Cô Vũ Thị Kim Cúc (Bỉ), Ông Nguyễn Công Tiển (Đức), Ông Lê văn Dinh (Đức), Cô Nguyễn Thanh Dung (Đức), Bà Xuân Lộc Slocum (Đức), Ông Lâm Khắc Phụng (Hòa Lan). Buổi lễ đặt tay cầu nguyện cho 12 vị Truyền Đạo Tình Nguyện được cử hành trọng thể do Mục sư Phan văn Hiệu, Mục sư Lê Hoàng Phu và Mục sư Nguyễn văn Bình  đồng cử hành vào lúc 17g00 ngày 12-6-1983 tại nhà thờ Tin Lành Kremlin Bicêtre trong niềm vui sướng của các đương sự và nhiều người. Đức Chúa Trời làm việc lạ lùng tại Âu Châu, không lâu sau đó, qua 12 vị Truyền Đạo Tình Nguyện đầu tiên nầy, nhiều nhóm Tín hữu được thành lập khắp nơi, một số nơi nhờ vậy có Hội thánh vững lập cho đến ngày nay.

Cũng tại Hội Đồng Bồi Linh Paris lần thứ 3 nầy, TĐ Triệu Thái Sơn (Thụy sĩ) được chính thức thụ phong Mục sư, với thành phần Ban Khảo Hạch và phong chức như sau:

-Trưởng ban: Mục sư Nguyễn văn Bình
-Thư ký: Mục sư Thong Souk
-Ban viên: Mục sư Lê Hoàng Phu, Mục sư Phan văn Hiệu, Mục sư Daniel Bordreuil, Mục sư Georges Irwin và Mục sư D. Dirks.

Để được tấn phong, vị Truyền Đạo cầu phong phải bảo vệ bài tiểu luận của mình trước Ban Khảo Hạch, phải giảng một bài giảng và phải trả lời thông suốt những câu hỏi liên quan tới các môn: Sự kêu gọi, thần học, từng trải chức vụ... Cuộc khảo hạch kéo dài từ 10g00 đến 18g00 ngày 9-6-1983 mới xong. Kết quả sau khi bỏ thăm kín, toàn Ban Khảo Hạch đồng ý tấn phong Mục sư cho Truyền Đạo Triệu Thái Sơn. Buổi lễ được cử hành lúc 14g30 Chúa nhựt 12-6-1983 với thành phần: Mục sư Lê hoàng Phu được cử ban sứ điệp phong chức, Mục sư Phan văn Hiệu đặt tay cầu nguyện cho Tân Mục sư và Mục sư Nguyễn văn Bình cử hành lễ tấn phong, giao tay hữu tiếp nhận vị tân Mục sư vào Mục sư Đoàn của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu.

Cũng tại Hội Đồng Bồi Linh lần 3 nầy, Hội Đồng lãnh Đạo đầu tiên của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu được tổ chức, khai mạc vào lúc 10g00 ngày 10-6-1983 tại Paris, gồm rất đông đầy tớ, con cái Chúa tại Pháp, Tây Đức, Hòa Lan, Bỉ, Thụy sĩ tham dự. Một số con cái Chúa lần lượt làm chứng ơn phước Chúa ban cho mình, sau đó, Mục sư Lê Hoàng Phu ban sứ điệp cho Hội Đồng thúc giục con cái Chúa khắp nơi đứng lên thành lập Hôi thánh mở mang vương quốc Chúa tại Âu Châu. Đến chiều, đại diện các nước họp chung với các vị Truyền Đạo Tình Nguyện để nghe Mục sư Lê hoàng Phu và Mục sư Phan văn Hiệu chỉ dẫn phương cách hầu việc Chúa. Cuối cùng các đại diện bầu cử một Ban Chấp Hành Lâm Thời cho Hội Thánh Tin Lành Viêt Nam Âu Châu, kết quả như sau:

-Chủ tịch: Mục sư Nguyễn văn Bình (Pháp)
-Phó Chủ tịch: TĐ Triệu Thái Sơn (Thụy sĩ)
-Thư ký:  Cô Vũ Thị Kim Cúc (Bỉ)
-Thủ quỹ: Ông Lê văn Dinh (Tây Đức)
-Nghị viên: Ông Lâm Khắc Phụng (Hòa Lan)
-Nghị viên: Ông Huỳnh Sển (Pháp)
-Nghị viên: Ông Nguyễn Công Tiển (Tây Đức)
-Nghị viên: Bà Xuân Lộc Slocum (Tây Đức).

Đến tháng 10 năm 1983, với lòng hăng say phục vụ Chúa và lòng khao khát ơn thiên thượng, Hội Thánh Chúa tại Paris lại tổ chức Hội Đồng Bồi linh lần thứ 4, do Ông Bà Mục sư Phạm văn Năm từ Hoa kỳ đến giảng cho Hội Đồng trong 2 week-end từ ngày 14-23/10/1983. Các đầy tớ con cái Chúa khắp nơi dồn dập đổ tới. Hội thánh Paris ngập tràn trong ân sủng thiên thượng, mối thông công giữa anh em tăng cao vùn vụt. Đây là Hội Đồng đa diện, vừa có Hội Đồng Bồi linh, Hội Đồng Phụ Nữ và cả Hội Đồng Huấn Luyện Chứng Đạo Sâu Rộng do Ông bà Mục sư Phạm văn Năm phụ trách. Bà Mục sư Phạm văn Năm giảng đặc biệt cho Phụ nữ, còn Mục sư Phạm văn Năm giảng cho Hội Đồng chung và huấn luyện Chứng Đạo Sâu Rộng. Khóa huấn luyện có 22 người tham dự trong số có 7 người nhận được Chứng Chỉ. Cũng có thêm hai người: Ông Võ Hữu Đức (Tây Đức) và Ông Nguyễn Vinh Hiển (Pháp) được đặt tay làm Truyền Đạo Tình Nguyện, nâng tổng số Truyền Đạo Tình Nguyện lên 14 người.

Sau Hội Đồng, từ ngày 25/10/1983, Ông Bà MS Phạm văn Năm, Ông Bà MS Nguyễn văn Bình , MS G. Irwin, TĐTN Vũ Thị Kim Cúc, TĐTN Võ Hữu Đức có cơ hội lên đường thăm viếng các Hội thánh Chúa tại Âu Châu, tổ chức các buổi truyền giảng Tin Lành ở Hagen (Đức) kết quả 11 người cầu nguyện tiếp nhận Chúa. Phái đoàn sau đó tới thăm Hòa Lan, anh em vui vẻ mừng đón cùng hướng dẫn đi thăm viếng chứng đạo cho đồng hương Việt Nam, Chúa cho có thêm một người nữa tin Chúa. Rời Hòa Lan, ngày 28-10-1983, phái đoàn tới Đan Mạch. Nơi đây vừa giảng bồi linh vừa huấn luyện cho anh em người sắc tộc Stiêng trong 2 ngày, anh em vui thỏa vô cùng. Và cũng tại đây, vào Chúa nhựt 30-10-1983, sau bài giảng về đời sống Đanìên của MS Phạm văn Năm, có 3 anh em xin dâng mình cho Chúa làm Truyền Đạo Tình Nguyện, gồm: Điểu Huynh, Điểu Nơh và Điểu Bun. Kể từ đây, số Truyền Đạo Tình Nguyện nâng lên con số 17 người. Chỉ trong vòng có 4 tháng thôi, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu có 17 người tình nguyện bước vào chức vụ  phục vụ Ngài. Thật là một con số bất ngờ làm nức lòng mọi người có nhiệt tâm lo cho công việc Chúa. Trên đường về, Phái đoàn ghé lại Bruxelles (Bi) để thăm công việc Chúa, mở cuộc tiếp tân và truyền giảng Tin Lành cho đồng hương Việt Nam tại đó rất được phước.

Rồi từ ngày 1-15/5/1984, Paris lại tổ chức tiếp Hội Đồng Bồi Linh lần thứ 5 nữa. Cộng đồng con dân Chúa tại Âu Châu cảm thấy đến lúc phải tổ chức Đại Hội Tin Lành Việt Nam Âu Châu lần I cho toàn thể con cái Chúa tại khắp các quốc gia Âu Châu đến tham dự, để bầu cử một Ban Chấp Hành chính thức điều hành công việc Chúa chung, soạn thảo Bản Điều Lệ và thực thi việc truyền giáo, mở mang Hội Thánh. Vì thế, Ban Chấp Hành Lâm Thời có những buổi họp liên tục nghiên cứu xúc tiến cho việc ra đời Đại Hội Tin Lành Việt Nam Âu Châu nhằm bồi linh nâng cao đời sống đức tin con cái Chúa, đẩy mạnh công cuộc truyền giáo và làm vững mạnh các Hội Thánh và nhóm Tín Hữu khắp nơi trên các quốc gia Âu Châu. Cuối cùng quyết định tổ chức Đại Hội Tin Lành Việt Nam Âu Châu lần I từ ngày 12-17/8/1985 tại cơ sở Viện Thần Học ở thành phố Louvain (Bỉ) với chủ đề: «Hãy vùng dậy» theo câu Kinh thánh trong Êphêsô 5:14 «Cho nên có chép rằng: Ngươi đương ngủ, hãy thức, hãy vùng dậy từ trong đám người chết, thì Đấng Christ sẽ chiếu sáng ngươi». Được tin, lòng con cái Chúa khắp nơi trên lục địa Âu Châu vui sướng hưởng ứng, có đến 250 người tới tham dự Đại Hội đầu tiên nầy. Anh em được ở chung với nhau, được ăn chung mỗi ngày, được thông công chia sẻ, được du ngoạn, thể thao như một gia đình thánh, hạnh phước ngập tràn. Mục sư Lê Hoàng Phu và Mục sư Nguyễn Bá Quang là hai diễn giả đem lại cho Đại Hội những sứ điệp bồi linh nóng cháy, thâm thúy cùng những bài huấn luyện, dạy Kinh thánh sống động sâu sắc khiến nhiều tấm lòng được biến đổi hứa nguyện theo Chúa và vùng dậy phục vụ Ngài. Tại đây, có thêm 4 con cái Chúa được đặt tay cầu nguyện để trở thành Truyền Đạo Tình Nguyện nữa: Ông Lê Hoàng Ân (Pháp), Ông Phan văn Chương (Pháp), Ông Bùi Quốc Phụng (Hòa Lan), Ông Trần Chiến (Pháp), nâng tổng số Truyền Đạo Tình Nguyện lên 21 người.. Kể từ đó, năm nào vào mùa hè, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam cũng đều tổ chức Đại Hội Tin Lành Âu Châu tạo cơ hội cho con cái Chúa gặp gỡ, thông công cùng học hỏi lời Chúa. Cũng tại Đại Hội lần I nầy, Đại Hội Lãnh Đạo đã bầu cử chính thức Ban Chấp Hành Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu nhiệm kỳ 1985-1986 năm như sau:

-Chủ tịch: Mục sư Nguyễn văn Bình
-Phó Chủ tịch: Mục sư Phạm Xuân Bahnar Trung
-Tổng Thư ký: Mục sư Triệu Thái Sơn
-Tổng Thủ quỹ: TĐ Lê văn Dinh
-Nghị viên: TĐTN Vũ Thị Kim Cúc, TĐTN Bùi Quốc Phụng, TĐTN Điểu Huynh.

Trong một bài tường trình, Mục sư Nguyễn văn Bình, Chủ Tịch Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu (lúc nầy chưa đổi thành Giáo Hội Trưởng) viết «Vài nét về Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu» như sau:

«Một trong những nơi ở hải ngoại có sự thiết lập Hội Thánh Tin Lành Việt Nam trước tiên phải kể là Âu Châu. Từ năm 1970, một nhóm tín hữu Việt Nam ở Paris (Pháp) đã kết hiệp với nhau thành một tổ chức, với tên: «Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại Pháp» (Eglise Evangélique vietnamienne de France) dưới sự hướng dẫn của Mục sư Daniel Bordreuil, một giáo sĩ từng phục vụ Chúa tại Việt Nam. Tới năm 1973, tổ chức nầy có tư cách pháp nhân và hoạt động thường xuyên mỗi Chúa nhựt tại nhà thờ ở Boulogne Billancourt, ngoại ô nằm sát cạnh Paris.

Hai năm sau đó, do biến cố Việt Nam, làn sóng di tản của người Việt tràn lan đông đảo sang Mỹ Châu, Âu Châu và Úc Châu. Rất đông Mục sư, Truyền Đạo và tín hữu đến Mỹ, Gia Nã Đại (Canada) thành lập một Giáo Hạt lấy tên: Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Giáo Hạt Bắc Mỹ ngay từ năm 1975. Sau đó Úc Châu cũng tạo thành tổ chức hẳn hoi, trong khi Âu Châu vẫn chưa được hình thành. Lý do dễ hiểu là số tín hữu từ Việt Nam đến Âu Châu quá ít. Số Mục sư, Truyền đạo dường như chưa có ai ngoài Mục sư Nguyễn Duy Xuân ở Toulouse (Pháp), Mục sư Nguyễn văn Bình, Giáo sĩ từ Ai Lao đến Pháp vào cuối tháng 8-1975 đã được Mục sư Daniel Bordreuil giới thiệu và trao quyền cai quản Hội thánh Paris. Sau những năm dài, với những cố gắng gầy dựng, Hội Thánh Paris trở thành Hội Thánh tự trị, tự lập đầu tiên ở hải ngoại (1977), tự đứng trên chân mình đảm trách mọi sinh hoạt, kể cả tài chánh, với khải tượng mở mang công việc Chúa tại Pháp và một số nơi khác ở các nước Âu Châu. Liên tiếp nhiều năm từ 1981-1985, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Paris mỗi năm đều tổ chức các Hội Đồng Bồi Linh, mỗi lần 2 cuối tuần (week-end). Các Hội Đồng nầy chẳng những có tính cách địa phương, nhưng còn mở rộng cho các tín hữu tại các nước Âu Châu khác đến tham dự, nhờ đó dọn đường cho sự khởi đầu hình thành một Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu ngày nay.
Cơ hội đã đến. Hội Đồng Bồi linh lần 2 của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Paris được khai diễn từ 25-5-1982 đến ngày 6-6-1982, nhân sự có mặt của Mục sư Trương văn Sáng, Giáo Hạt Trưởng Giáo Hạt Tin Lành Việt Nam Bắc Mỹ đảm trách giảng dạy cho Hội Đồng, anh em tín hữu tại Pháp và một số các nước Âu Châu khác quyết định tổ chức một cuộc họp đặc biệt bàn về sự thành lập Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu. Cuộc họp đầu tiên đó mọi người đều tán thành cần có một tổ chức chung tại Âu Châu nhằm liên kết và mở rộng hoạt động, giữ đúng giáo lý thuần túy và tinh thần của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại quốc nội. Thế là một Ban chấp Hành Lâm Thời của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu ra đời từ đó. Tới Hội Đồng Bồi Linh Paris 3 (3-12/6/1983), với sự có mặt của Mục sư Tiến sĩ Lê Hoàng Phu, người nặng lòng với Âu Châu, đã tổ chức tấn phong cho một Mục sư và chính thức đặt tay cầu nguyện sai phái 12 vị Truyền Đạo Tình Nguyện cho Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu. Đức Chúa Trời khởi làm việc lớn của Ngài qua những người tận hiến nầy, nên chỉ 6 tháng sau, một số Hội Thánh được thành lập làm phấn khởi lòng các con cái Chúa. Đến Hội Đồng Bồi Linh Paris 4 (14-23/10/1983), Hội Đồng Paris 5 (1-13/5/1984) số Truyền Đạo Tình nguyện tăng lên 17 người. Nhận thấy nhu cầu cấp thiết, các Mục sư, Truyền đạo và Truyền đạo Tình Nguyện quyết định việc tổ chức hằng năm Đại Hội Âu Châu, vì vậy Đại Hội Tin Lành Việt Nam Âu Châu I được tổ chức tại Louvain (Bỉ) từ 12-17/8/1985, và Đại Hội Tin Lành Âu Châu II được tổ chức tại Wuppertal (Đức) từ 28-7-1986 đến 2-8-1986. Hai Đại Hội Âu Châu nầy đã đi vào lịch sử của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu với số tín hữu tham dự đông đảo, Chúa Thánh Linh thăm viếng, nhiều tấm lòng tan vỡ, nhiều cuộc đời biến đổi và nhiều người quyết định dâng hiến cuộc đời phục vụ Chúa.

Ngoài ra, quý vị Mục sư, Truyền đạo, Truyền đạo Tình Nguyện còn tổ chức các Hội Đồng Hành Chánh (sau đổi thành Hội Đồng Lãnh Đạo) nhằm bàn thảo các vấn đề thiết yếu liên quan tới tổ chức một Hội Thánh Tin Lành Việt Nam phù hợp với tầm vóc của nó. Qua các Hội Đồng Hành Chánh tổ chức ở Paris, ở Bỉ, ở Đức, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu đã kiện toàn tổ chức với mục tiêu truyền bá Tin Lành, gây dựng niềm tin, đào tạo người phục vụ và thực hiện các hoạt động văn hóa, xã hội cho Hội thánh nói riêng và cho cộng đồng người Việt tại Âu Châu nói chung. Đây là một tổ chức không thuộc vào một giáo phái nào, nhưng sẵn sàng tương giao và hợp tác với các giáo phái Tin Lành thuần túy.Vào thời điểm đó, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu có 32 Mục sư, Truyền đạo và Truyền đạo Tình nguyện hoạt động khắp các nước Âu Châu như Pháp, Bỉ, Đức, Hòa Lan, Thụy sĩ, Đan Mạch, Na Uy, Hy Lạp. Các nước khác như Anh, Thụy Điển, Ý v.v... dù có một số tín hữu, nhưng chưa có người lãnh đạo. Các chi hội sau đây đã được tổ chức, có sự hội hiệp thờ phượng Chúa thường xuyên mỗi Chúa nhựt hay cứ hai Chúa nhựt một lần: Paris (Pháp), Toulouse (Pháp), Troyes (Pháp), Bruxelles (Bỉ), Liège (Bỉ), Heerlen (Hòa Lan), Dordrecht (Hòa Lan), Hagen (Đức), Ratingen (Đức), Bienne (Thụy sĩ), Saint Gallen (Thụy sĩ), Athenes (Hy Lạp), Slagelse (Đan Mạch), Kristiansand (Na Uy), Oslo (Na Uy) và một số trung tâm truyền giảng khác, với số tín hữu trên dưới 1.000 người.

Các chi hội địa phương tổ chức những buổi truyền giảng hoặc các trại truyền giảng, Chúa cho thu gặt được nhiều kết quả. Khá đông đồng hương Việt Nam  được nghe sứ điệp cứu rỗi, một số tiếp nhận Chúa, gia nhập vào Hội thánh địa phương. Ban Truyền Giáo của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu nỗ lực mở các cuộc hành trình truyền giáo xuyên suốt các nước Âu Châu mỗi lần một tháng, thăm viếng từng Hội thánh, giảng bổi linh, truyền giảng, làm vững đức tin con cái Chúa, nhiều linh hồn được cứu gia nhập Hội thánh.

Hằng năm Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu tổ chức Đại Hội Âu Châu không có tính cách nặng về hành chánh, nhưng chú trọng vào việc bồi linh, gây dựng đức tin cho tín hữu. Những Đại Hội trong các năm qua đáp ứng đúng nhu cầu nầy, Chúa cho những kết quả lớn lao. Tại chi hội, nhiều nơi tổ chức lớp Cơ Đốc Giáo Dục, dạy lời Chúa theo từng hạng tuổi. Các lớp học đó thường tổ chức vào Chúa nhựt, tạo điều kiện cho con cái Chúa theo học lời Chúa, giúp đời sống thuộc linh họ lớn lên. Ngoài ra, Mục sư Chủ tịch hằng tháng có dịp thăm viếng các Hội Thánh, dùng lời Chúa gây dựng niềm tin cho anh em tín hữu sống ở các nước Âu Châu.

Để đào tạo người phục vụ Chúa, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu tổ chức «Chương trình Nghiên cứu Phúc âm» (về sau trở thành Viện Thần học Âu Châu) nhằm hướng dẫn các học viên học hỏi lời Chúa. Chương trình học viên theo học 4 năm. Có hai cấp: Cao Đẳng và Chuyên Khoa. Các khóa học hằng năm, có lúc mỗi năm hai lần lúc đầu tổ chức tại Wetzlar (Đức) có khóa lên đến cả trăm người, trong đó hầu hết các Truyền Đạo Tình Nguyện và Truyền đạo bắt buộc phải theo học.

Về phương diện văn hóa, từ lâu Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại Paris có tờ báo Thông Công (sau đổi thành Đuốc Thiêng), Tây Đức có tờ Tâm Giao, Toulouse có tờ Mối Dây Thân Ái, Hòa Lan có tờ Tin Lành, Hy Lạp có tờ Nhã Điển. Các tờ báo ấy đóng góp một phần nào bồi linh, truyền giảng và phát huy nền văn hóa Việt tại Âu Châu. Trong kỳ họp Hội Đồng Mục sư, Truyền đạo tổ chức tại Hagen (Đức) từ ngày 29-12-1986 đến ngày 1-1-1987, Hội Đồng quyết định cho ra đời tờ báo Đất Mới làm tiếng nói chính thức của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu, và tờ báo đó mắt độc giả khắp nơi vào tháng 7-1987.

Dù đã được hình thành từ năm 1982, nhưng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu thực sự có tầm vóc khởi từ năm 1985 qua Đại Hội Âu Châu I. Bước chuyển mình nầy thật quan trọng, nhưng không tránh khỏi những khó khăn trước mắt. Đa số Mục sư, Truyền đạo, Truyền đạo Tình Nguyện đều tự túc hầu việc Chúa, vừa đi làm, vừa lo cho Hội Thánh, nên chưa đủ thì giờ đáp ứng nhu cầu công việc Chúa đòi hỏi. Vả lại, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu  Châu thiết lập Hội Thánh trên căn bản địa phương tự trị tự dưỡng, tự đứng trên chân mình về mọi phương diện cả xây dựng Hội Thánh, truyền giáo, đào tạo, huấn luyện người hầu việc Chúa và tài chánh, lúc đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng về lâu về dài, Chúa đã ban phước cho Hội Thánh vững lập suốt gần một phần tư thế kỷ nay vẫn còn tồn tại và phát triển, đời chẳng ai ngờ được».

Đuốc Thiêng 101

01 Càng nhiều càng tốt - ĐTPÂ
02 Thơ: Kỷ niệm Đại Hội Tin Lành Âu Châu- Đức Huy
03 Thơ: Đại Hội Tin Lành Âu Châu Hòa Lan - Đức Huy
04 Kiếp phù sinh - TC Hừng Đông
05 Phục vụ Chúa - Mục sư Nguyễn Văn Bình
06 Cao đẹp tình Cha - Nguyễn Đình Bùi Thị
07 Tình mẫu tử - Bà Lê Văn Bắc
08 Thơ: Phụng sự Chúa - Đức Huy
09 Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
10 Tiểu sử Thánh Ca - Fanyia
11 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
12 Xứ Do Thái khi Chúa Jêsus khởi sự công tác - Mai Đào
13 Đức Giêhôva là Đấng chăn giữ tôi: Tôi sẽ chẵng thiếu thốn gì - MSNC Lê Văn Thể
14 Cục gạch - Thanh Nguyên
15 Phát triễn và bảo tồn thực vật - Dr Trương Hoàng Lâm
16 Tin Tức - Vinh Bằng