Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)

Giêrusalem, 4000 Năm Lịch Sử - Lạc Hồ

Đuốc Thiêng 101, tháng 07 & 09 năm 2009



Tác-giả: Roger CARATINI.
Sách: Jesus,de Bethléem à Golgotha, ấn-bản 2003, nhà xuất-bản L'Archipel, Paris.
Trích-dịch: Mai-Đào.


Nhật ký của Marcellus

Mới có khoảng 4 tháng từ khi Marcellus trở lại Jerusalem, mà đã có bao nhiêu sự cố quan trọng xẩy ra, làm cho Marcellus quên cả Rô ma, quên cả căn phòng êm ái lịch sự của mình trong lâu đài hoàng đế. Nào là những người Do thái chẳng biết khôn hay dại, chỉ vì cớ một thần tượng vô tích sự, tỉ như con Đại bàng bằng vàng mà đi giết người khác hoặc bị người khác giết. Nào là những người Do thái cứ khăng khăng rằng Đức Chúa Trời là Chúa duy nhứt của họ, Ngài ở khắp mọi nơi. Nào là những âm mưu hất cẳng nhau nơi Đền thờ, ly kỳ không kém những âm mưu ở triều đình Rô ma. Marcellus bắt đầu yêu mến cái dân tộc không biết gì về tranh giành bầu cử, về mua chuộc chính trị, không sợ nghèo, không sợ chết mà chỉ sợ không tuân theo đúng kinh Torah; đây là từ bác chủ ngân hàng quỷ quái tinh ma đến anh nghèo mạt rệp từ chối không lấy đồng tiền vàng, nếu trên đồng tiền thấy có hình người; kia là anh ăn xin đói đã hai ngày mà vẫn từ chối thức ăn, nếu là đồ không tinh sạch! 

Marcellus thấy muốn nghiên cứu thêm về văn hoá Đông phương, bèn ở låi Jerusalem 8 năm nữa, cho đến khi hoàng đế Auguste chết, năm 767 Rôma. Suốt 8 năm, y du hành qua xứ Syrie, xứ Phénicie, cả đến xứ Perse, nơi đây y viếng thăm di tích của thành phố Persepolis, xưa kia bị đốt cháy bởi tay một vị thần trẻ mắt xanh tóc vàng cuả dân Macédoine. Sau mỗi cuộc viễn du, y trở về Jerusalem, quan sát tình hình, thấy cũng chẳng có bao nhiêu thay đổi, có thay đổi chăng là tên quan tổng trấn, và tên thầy tế lễ cả. Các thành viên zélotes đã rút cả lên vùng núi xứ Ga-li-lê, đất nước thanh bình, các tổng trấn thi nhau truất phế thay đổi thầy tế lễ cả, chính mình cũng bị truất phế thay đổi bởi tay toàn quyền Syrie là Quirinius, chỉ có vị này không nhúc nhích. Mời quý độc giả theo dõi tình hình xứ Do thái qua vài trang nhật ký của Marcellus.

Năm 760 Rô ma.

Sau những sự cố tai hại cuối năm ngoái, thanh bình đã trở lại trên Jerusalem và toàn thể xứ Judée. Từ Damas, toàn quyền Quirinius đã cố vấn cho tổng trấn Coponius, chia tỉnh Judée thành nhiều quận, mỗi quận gồm một thành phố và vùng ngoại ô, theo tiếng grec đang thịnh hành ở đây quận kêu là toparchie.

Mới đây Quirinius yêu cầu tổng trấn truất phế Joazar, thầy tế lễ cả, vì cho là anh này có phần nào trách nhiệm về những biến cố năm ngoái. Vụ truất phế này xác nhận năm ngoái có âm mưu thành lập chính quyền tôn giáo ở Judée. Thầy tế lễ mới là Annas, anh này là phụ tá tế lễ cả đã 2 năm nay, hồi đó chính anh này đã chỉ bảo tôi về những giáo phái.

Trong giới thần học hiện nay có ba danh từ grec được ưa chuộng, ghi lại đây mà chẳng hiểu nguyên do: nazer, nghiã là "nhánh", là  "hậu duệ"; nosri, nghĩa là "kẻ canh gác",  "kẻ quan sát", nazir, nghiã là "thánh", "được dành riêng".

Năm 762 lịch Rô ma.

Chuyện kế tự vua Hérode vẫn chưa hết gây ra những rối rắm, những tội ác, những bạo động cùng một kiểu cũ. Tôi vừa mới dẹp xong một hồ sơ kỳ quặc, hoàng đế gởi cho tôi điều tra, chuyện này xẩy ra ít lâu sau khi vua Hérode chết, tức là đến nay đã... 12 năm. Chuyện một anh Do thái, tên là Alexandre, quê quán ở Sidon, đến trình diện hoàng đế Auguste 2 năm sau khi Hérode chết, tự xưng là con trai đầu của Hérode. Với cương vị này, anh ta xin được hưởng gia tài cha mình, tức là cả xứ Judée lớn, mà tổng trấn Coponius đang cai trị cách chật vật.

Ai cũng biết la Hérode có trước sau 10 bà vợ, có vô số con, 3 đứa con trai đầu bị thắt cổ chết (chắc là do lịnh vua cha), trong số này có Alexandre và Aristobule, con của bà Marianne l’Asmonéenne, vợ thứ nhì. Anh chàng Do thái đến Rô ma kêu ca này, tự xưng mình là Alexandre, kể rằng hồi đó may mắn thoát chết khi bị treo cổ. Hoàng đế biết ngay đây là giả mạo, phạt y phải đi làm nô lệ chèo thuyền, sau đó yêu cầu tôi điều tra có bao nhiêu người đã bị lừa gạt bởi anh chàng Alexandre giả này: có khoảng 100 người!

Cũng năm này, tổng trấn Coponius bị mất chức, triệu hồi về Rô ma. Triệu hồi là phải, y không đủ khả năng, và chỉ lo tắm nắng để chữa bịnh mòn xương. Tuy nhiên, y là người hiền lành, không làm hại ai. Kẻ thay thế y, là Marcus Ambivius, mà tôi không hề biết.

Người Do thái làm lễ Pâque

Năm 762, tôi có niềm vui, là vào dịp lễ Pâque, tôi có tin về con trai của Joseph và Marie. Năm này nó 12 tuổi, chuyện nó thật lạ lùng như sau. Joseph và Marie, cũng như cả hàng ngàn hàng vạn người Do thái, vào dịp này là ngày lễ lớn nhứt trong năm, họ "lên" Jerusalem để làm lễ. Họ làm lễ thế nào? Chiều ngày 14 tháng Nissan, Joseph vô sân Đền thờ, chọn và mua con chiên để dâng làm của lễ. Theo luật Torah, chiên này phải là "không tì không vít". Joseph đem chiên đến sân các thầy tế lễ, trình chiên với các thầy. Một tiếng kèn nổi lên, rồi một thầy cắt cổ chiên, hứng máu chiên vào trong tô, đem máu rảy trước bàn thờ, máu sẽ theo cống rãnh chảy tới khe Cédron (Xết rôn). Sau đó, đốt ruột và mỡ của chiên, phần còn lại thì Joseph đem đi để sẽ quay (chiên) nơi lều đã dựng sẵn phía bên ngoài tường thành Jerusalem. Thịt chiên quay này dành cho bữa ăn seder của lễ Pâque, Joseph tối hôm đó sẽ ăn cùng với những gia đình khác từ Ga-li-lê đến. Suốt cả ngày hôm đó, họ đã đặt lò đặt bếp để quay, đặt cho khéo để rồi quay chiên mà không gẫy một cái xương nào, theo như luật Thorah. Các phụ nữ tinh sạch (nghĩa là những phụ nữ nào không có kinh) lo đặt bàn lưu động, sắp ra bánh không men, rau đắng, các thứ rau thơm, rồi đến giờ ăn bữa lễ, kêu là cena (bữa ăn tối, theo tiếng latin), chiên quay rồi đem chặt ra, mỗi người dự lễ nhúng môi vào ly nước muối, để nhớ lại những giọt nước mắt của tổ phụ họ hồi xa xưa khi ra khỏi xứ Egypte, sau đó họ bắt đầu ăn seder, tràn ngập cười vui. Bắt đầu là nhúng bánh không men vào chén nước chấm mầu đỏ. Tiếp theo, uống ly thứ nhứt rượu vang đỏ, đọc một lời chúc phước. Tiếp theo là hai ly rượu nữa, chuyền tay nhau. Đến ly rượu thứ tư, tất cả hát bài Hallel, là bài thi thiên tạ ơn lễ Pâque:
"Lạy Đức Chúa Trời của chúng tôi ở trên trời. Ngài làm hết tất cả những điều Ngài muốn. Những thần tượng (của các dân tộc khác) bằng vàng và bạc, chúng là công việc của tay người, chúng có miệng mà chẳng nói, chúng có mắt mà không thấy, chúng có mũi mà không ngửi, chúng có tay mà không rờ, chúng có chân mà không bước, cổ họng chúng không sanh ra tiếng nào… Đức Giê hô va là sức mạnh của tôi, là đầu đề mọi lời tôi ca tụng, chính Ngài đã cứu tôi. Từ lều những người công bình, vang lên tiếng reo về cứu rỗi và chiến thắng. Tay Đức Giê hô va bầy tỏ quyền năng của Ngài" (xin xem chú thích).

Suốt đêm họ ăn lễ, rồi sáng hôm sau họ bắt đầu các lễ nghi chính, kéo dài suốt 7 ngày. Khi lễ chấm dứt, họ trở về nhà, ta thấy trên các nẻo đường vùng Palestine, người Do thái kết thành từng nhóm nhỏ trở về quê ; Joseph và Marie cũng thế, họ trở về Ga-li-lê. Tuy nhiên, theo người ta kể, Jesus ở nán lại Jerusalem, nhưng cha mẹ không biết, tưởng rằng con mình cùng đi với những đứa trẻ khác trong nhóm. Mãi một hay hai ngày sau, họ không thấy Jesus, bèn trở lại kiếm ở Jerusalem.

Jesus ở Đền thờ

Sau ba ngày tìm kiếm, họ ngạc nhiên thấy Jesus trong Đền thờ, ngồi giữa các thầy dạy Luật, nói chuyện với họ, lắng tai nghe họ, và mạnh mẽ chất vấn họ. Theo như kể lại, mọi người chứng kiến cuộc hội đàm bất ngờ này đều lấy làm lạ về đứa trẻ thông minh này, đã sửa các thầy tế lễ và thầy dạy Luật, giảng giải những ẩn dụ của các tiên tri và Kinh Thánh, giải thích Luật pháp về những chỗ không rõ nghĩa và có vẻ trái ngược nhau. Khi nghe người ta kể lại như thế, tôi lên ngựa để đến coi tận mắt, vì trong thành phố này không thiếu những chuyện ba hoa và bịa đặt. Khi tôi đến Đền thờ, thì cuộc hội đàm - nếu có, chắc gì đã có - đã chấm dứt, chỉ còn hai ba thầy tế lễ và một thơ ký nói chuyện với Joseph, và tôi nghe Marie rầy con mình:

-Jesus, sao con làm cho cha mẹ lo lắng quá chừng? Cha và mẹ kiếm con đã ba ngày rồi!

Jesus bình tĩnh trả lời: Cha me kiếm tôi làm chi? Cha mẹ há chẳng biết rằng tôi phải lo việc Cha tôi sao?

Cả Marie lẫn Joseph chẳng ai hiểu Jesus nói thế là có nghĩa gi, cả tôi nữa cũng chẳng hiểu. Nhưng có mấy thầy thông giáo và mấy thầy Pha-ri-si, chắc là đã dự cuộc hội đàm với các thầy tế lễ, đến gần Marie mà nói:

-Có phải bà là mẹ đứa trẻ này không? Bà đã sanh nó ra, thật có phước thay! Chưa từng khi nào chúng tôi được nghe những lời khôn ngoan như thế ra từ miệng người.

Marie bỡ ngỡ, lụng bụng lời cám ơn,rồi cùng với Joseph đến chào tôi. Bà kể rằng con trai mình lớn lên cả về thể xác, cả vể khôn ngoan; rằng trong làng quê ở Ga-li-lê, người ta đặt biệt danh cho Jesus là Nazir, một tiếng latin nghĩa là quá khôn. Và Marie vừa cười vừa kể giai-thoại về tên này: biệt danh này lan ra khắp chốn, mọi làng ở Ga-li-lê đều biết, đến nỗi những du khách ngoại quốc, từ Samarie, từ Syrie, họ đến thăm vùng núi xứ này, họ tưởng rằng xóm nghèo chúng tôi ở có tên là Nazareth hay là Nazara, khi nghe nói "Jesus người Nazir". Tôi vẫn cố gắng giải thích rằng tôi sanh nó ở Bethlehem, rằng ở khắp xứ Ga-li-lê chẳng có làng nào tên là Nazareth, nhưng mà họ chẳng tin! (phụ dẫn của dịch giả: như thể cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm của chúng ta. Khi nghe nói về cậu Khiêm người thần đồng, du khách nghĩ rằng cậu Khiêm quê ở làng Thần đồng!)
Năm 763 lịch Rô ma.

Hoà bình có vẻ đã thực sự trở lại trên vùng Palestine, do tay toàn quyền Quirinius. Viên quan này đã chu toàn chuyện kế tự vua Hérode. Đã kết thúc cuộc kiểm tra dân số mở ra 13 năm trước, khi Marie sanh con ở Bethlehem. Đã bán và sung công tài sản của Archélaus, anh này nay đang bị lưu đầy ở Vienne, gần Lyon. Đang kiểm soát chặt chẽ Philippe và Antipas, 2 người con vua Hérode được làm tiểu vương trong vùng. Về nguyên tắc, họ được phong là "tiểu vương" (ethnarque), nhưng Antipas tự xưng là "đại-tiểu-vương" (tétraque), chắc là vì muốn làm oai. Họ chẳng phải lo chuyện cai trị, vì đã có quan tổng trấn Rô ma lo giùm. Các vua chúa khi không phải lo cai trị, lo chiến-tranh, thì khoái xây cất. Tôi vừa mới về từ nguồn sông Jourdain, nơi mà 13 năm trước đây tôi ngủ ngoài trời với Hiram. Nơi đây tôi thăm thành phố mà Philippe mới xây xong, đặt tên là Césarée (Xê-xa-rê) để vinh danh hoàng đế César, thật là lộng lẫy xinh đẹp. Nghe nói y có chương trình khuếch trương thành phố Bethsaide (Bết-sai-đa) ở ven hồ Ga-li-lê, sẽ cải tên là Juliade, để vinh danh cô Julia, con gái hoàng đế Auguste.

Năm 765 lịch Rô ma

Hoàng đế Auguste không có con trai, phải nuôi con nuôi, nhưng người cuối cùng là Caïus César đã chết cách đây 8 năm. Hoàng hậu Livie bèn tìm cách đẩy lên điạ vị tột cùng người con riêng của mình, tên là Tibère, năm nay 54 tuổi. Tibère rất xứng đáng, sáng chói trong sự nghiệp chính-trị và quân-sự. Năm 29 tuổi, đã là tổng kiểm tra ngân sách của quân đội; năm 37 tuổi, đã cầm quân chiến thắng quân Germains; năm 39 tuổi đã làm lãnh-sự; năm 45 tuổi, là tổng chỉ huy toàn thể quân đội Rô ma; và hiện nay là thành viên ban quản trị toàn quốc (tribun), tức là nhân vật số 2 trong vương quốc. Tất cả mọi người đều quả quyết rằng kẻ kế vị hoàng đế Auguste phải là Tibère.

Ở Judée, quan tổng trấn Ambivius bị kêu về, Annius Rufus đến thay. Cho tới chừng nào, ai biết, vì Quirinius có thói quen cách chức tổng trấn mà chẳng công bố lý do.

Năm 767 lịch Rô ma


Hoàng đế Auguste chết rồi, hôm 19 tháng 8. Kế vị là Tibère.

Antipas "đại tiểu vương" (như y vẫn tự xưng) ra sức lấy lòng hoàng đế Tibère. Y xây một thành phố lộng lẫy bên ven hồ Ga-li-lê, y đặt tên là Tibériade (Ti-bê-ri-át). Y khởi công xây một thành phố khác, sẽ đặt tên là Livias, để vinh danh bà Livie, mẹ của hoàng đế Tibère. Và hồ Ga-li-lê, thắng cảnh đặc biệt này từ nay có tên là hồ "Tibériade".

Thời gian trôi sao quá mau... Tôi tưởng lịch sử đã ngừng ở Jerusalem từ khi tôi trở lại sống ở Palestine. Tuy nhiên, có tin mới : sang năm, sẽ đổi quan tổng trấn, người này tên là Valerius Gratus. Phải chăng năm nay 767 lịch Rô ma, sẽ bắt đầu một thời đại mới cho xứ Judée?

Lời kết

Marcellus đâu nghĩ rằng câu kết luận của mình quá đúng. Chẳng những đúng cho xứ Judée, mà đúng cho cả trái đất, cho tất cả các dân tộc trên trái đất, nhưng điều này quan khâm sai chẳng tiên đoán được. 

Hết chương 8

-----------------------------------------------

Chú thích: Trên đây là trích đoạn của Thi thiên 115 và 117. Marcellus chỉ viết trích đoạn, đoán chừng y không muốn hoàng đế phải đọc nhiều. Ðộc giả của Ðuốc Thiêng không sợ phải đọc nhiều mà còn thích ca tụng Ðức Giê-hô-va, vậy chúng tôi chép dưới đây toàn bộ Thi-thiên 115 và 117.

Thi-thiên 115:


Kính lạy Ðức Giê-hô-va, nhơn vì sự nhơn từ Ngài và sự chơn thật Ngài, sự vinh hiển chớ về chúng tôi; chớ về chúng tôi, bèn là đáng về danh Ngài.

Vì sao các ngoại bang nói rằng: Ðức Chúa Trời chúng nó ở đâu? Ðức Chúa Trời chúng tôi ở trên các từng trời; phàm điều gì vừa ý Ngài, thì Ngài đã làm.

Hình tuợng của chúng nó bằng bạc và vàng, là công việc tay người làm ra. Hình tượng có miệng, mà không nói; có mắt, mà không thấy; có tai, mà chẳng nghe; có lỗ mũi, mà không ngửi; có tay, nhưng không rờ rẫm; có chơn, nào biết bước đi; cuống họng nó chẳng ra tiếng nào. Phàm kẻ nào làm hình tượng, và nhờ cậy nó, đều giống như nó.

Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy nhờ cậy nơi Ðức Giê-hô-va, Ngài là sự tiếp trợ và cái khiên của các ngươi. Hỡi các người kính sợ Ðức Giê-hô-va, hãy nhờ cậy nơi Ðức Giê-hô-va, Ngài là sự tiếp trợ và cái khiên của các ngươi.

Ðức Giê-hô-va đã nhớ đến chúng tôi, Ngài sẽ ban phước, ban phước cho nhà Y-sơ-ra-ên, cũng sẽ ban phước cho nhà A rôn. Ngài sẽ ban phước cho những kẻ kính sợ Ðức Giê-hô-va, hoặc nhỏ hay lớn đều được cả.

Nguyện Ðức Giê-hô-va gia thêm phước Ngài cho các ngươi và cho con cháu các ngươi.

Ðức Giê-hô-va, là Ðấng dựng nên trời đất, đã ban phước Ngài cho các ngươi.

Các từng trời thuộc về Ðức Giê-hô-va; nhưng Ngài đã ban đất cho con cái loài người.

Kẻ chết hoặc kẻ xuống cõi nín lặng chẳng ngợi khen Ðức Giê-hô-va. Nhưng chúng tôi sẽ ngợi khen Ðức Giê-hô-va, từ bây giờ cho đến đời đời. Ha-lê-lu-gia!

Thi-thiên 117:

Hỡi các nước, hãy ngợi khen Ðức Giê-hô-va; hỡi các dân, khá ca tụng Ngài. Vì sự nhơn từ Ngài rất lớn cho chúng ta; sự chơn thật Ðức Giê-hô-va còn đến đời đời. Ha-lê-lu-gia!


Đuốc Thiêng 101

01 Càng nhiều càng tốt - ĐTPÂ
02 Thơ: Kỷ niệm Đại Hội Tin Lành Âu Châu- Đức Huy
03 Thơ: Đại Hội Tin Lành Âu Châu Hòa Lan - Đức Huy
04 Kiếp phù sinh - TC Hừng Đông
05 Phục vụ Chúa - Mục sư Nguyễn Văn Bình
06 Cao đẹp tình Cha - Nguyễn Đình Bùi Thị
07 Tình mẫu tử - Bà Lê Văn Bắc
08 Thơ: Phụng sự Chúa - Đức Huy
09 Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
10 Tiểu sử Thánh Ca - Fanyia
11 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
12 Xứ Do Thái khi Chúa Jêsus khởi sự công tác - Mai Đào
13 Đức Giêhôva là Đấng chăn giữ tôi: Tôi sẽ chẵng thiếu thốn gì - MSNC Lê Văn Thể
14 Cục gạch - Thanh Nguyên
15 Phát triễn và bảo tồn thực vật - Dr Trương Hoàng Lâm
16 Tin Tức - Vinh Bằng