Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)




Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ


Đuốc Thiêng 95, tháng 6 năm 2008


Nguyên-tác : sách "Les croisades vues par les Arabes"
(Thập-tự-chinh dưới mắt người Ả-rập)
Tác-giả : Amin Maalouf.
Nhà xuất-bản : JC Lattès, Paris, 1983.

Chương 51/3 : Quân Franj ăn thịt người (tiếp theo)
(coi Đuốc Thiêng từ số 3)



Tripoli khôn mà lo

Trong số các phái đoàn theo chân nhau vô các phòng rộng mênh mông mà không có bàn ghế ở Hosn al Akrad, phái đoàn Tripoli (Tripoli nói đây là hải cảng của xứ Liban, nằm trên ven biển phía đông biển Méditerranée, đừng lộn với Tripoli, nằm trên ven biển phía nam, là thủ đô xứ Libye) hào phóng hơn hết. Phái đoàn Tripoli lần lượt đưa ra những nữ trang đẹp tuyệt vời, do các nghệ sĩ Do thái ở Tripoli chế tạo, với lời nồng nhiệt chào thăm của chủ thành Tripoli, là cadi Jalal el Moulk. Anh nầy là dòng dõi của gia đình Banou Ammar, nhờ tay gia đinh nầy mà Tripoli trở thành "hòn ngọc quý" của dân Arabe. Danh tiếng của gia đình nầy, không phải là do đường lối thông thường như trăm ngàn các địa phận nầy khác trong vùng, dùng võ lực mà chiếm đoạt rồi cai trị. Đây là gia đình trí thức, sáng lập viên là một quan toà, với chức tước cadi, và từ đó, các chủ tỉnh Tripoli liên tiếp mang chức cadi.

Nhờ đường lối khéo léo của chủ tỉnh, khi quân Franj đến gần, Tripoli và vùng phụ cận được sống bình an, thạnh vượng, làm các vùng lân cận thèm thuồng. Tripoli có một báu vật, là thư viện Dar el Ilm, một "nhà văn hoá" rộng mênh mông với 100 ngàn cuốn sách, một trong những thư viện nổi tiếng của thời đó. Bao quanh thành phố, là những cánh đồng đầy cây trái đủ thứ, bến tàu hoạt động mạnh mẽ.

Chắc chắn rằng sự trù phú của thành phố nầy gây cho Tripoli bắt đầu có rắc rối với quân xâm lăng. Trong thông điệp gởi tới chào thăm tướng Saint Gilles, Jalal el Moulk đề nghị Saint Gilles gởi tới Tripoli một phái đoàn để ký thỏa ước thân thiện. Đây là lỗi lầm căn bản. Khi phái đoàn quân Franj đến Tripoli, họ bị lóa mắt bởi sự giàu có của Tripoli, nào lâu đài, nào vườn cây trái, đồng ruộng, hải cảng, chợ, kho hàng, tất cả đều quá tốt, họ chẳng để vào tai nữa những đề nghị thân thiện của cadi. Họ chỉ nghĩ đến chuyện những gì sẽ vào tàu họ nếu chiếm Tripoli. Và chắc hẳn khi trở về gặp chủ tướng, họ đã làm đủ cách để gợi lòng tham. Còn Jalal el Moulk cứ ngây thơ chờ Saint Gilles trả lời, cho đến ngày 14 tháng 2, quân Franj tới vây hãm thành phố Arqa, là thành phố lớn thứ nhì của địa phận Tripoli. Y thất vọng đã đành, mà lại kinh hoàng, trong bụng chắc chắn rằng đây là bước đầu của quân Franj tới chiếm thủ đô của mình. Mình sẽ chung số phận với Antioche sao? Jalal el Moulk đã hình dung ra mình giống như Yaghi Sivan, cúp đầu cưỡi ngựa chạy để chết, để người ta quên. Ở Tripoli, người người lo rằng sẽ có cuộc vây hãm dài dài, vậy phải lo tích trữ lương thực, và mọi người hỏi nhau là thành phố Arqa sẽ cầm cự được bao lâu. Mỗi ngày trôi qua là thêm một ngày thấp thỏm chờ đợi.

Tháng 2, tháng 3 đã qua, nay là tháng 4. Như mọi năm, bao quanh Tripoli các vườn cây ăn trái trổ bông thơm lừng cùng với tin tức phấn khởi : quân Franj vẫn không lấy được Arqa, chuyện nầy gây ngạc nhiên không ít cả về phía quân giữ thành và phía quân xâm lăng. Dĩ nhiên là Arqa có tường thành kiên cố, nhưng cũng chỉ một tầm cỡ với những thành khác mà quân Franj đã chiếm được. Sức mạnh của Arqa ở chỗ tất cả dân chúng tin quyết ngay từ phút đầu bị vây, rằng nếu chỉ để hở một chút xíu là hết thảy sẽ bị cắt cổ như thể dân chúng ở Maara và Antioche. Họ thức canh ngày đêm, đẩy lui tất cả mọi vụ tấn công, ngăn cản mọi hình thức xâm nhập. Quân xâm lăng riết rồi nản lòng, lại còn chia rẽ nhau, tiếng họ cãi nhau vang tới trong thành. Ngày 13 tháng 5 năm 1099, họ cụp tai rút đi. Sau ba tháng chiến đấu rã rời, Arqa thoát nạn, reo lên sung sướng.

Quân Franj lại tiến về phía nam. Họ đi ngang Tripoli, nhưng đi chậm, chậm cách đáng lo ngại. Jalal el Moulk hiểu là họ đang bực mình, vội vàng gởi tới họ lời cầu chúc thành công cho cuộc hành trình, kèm theo lương thực, vàng, và vài con ngựa, lại cho cả hướng đạo viện để dẫn họ trên con đường hẹp ven biển đưa đến Beyrouth. Góp sức với các hướng đạo viên nầy, là một số cơ đốc nhân phái maronites từ xứ Liban đến, Quân Franj vượt qua sông Nahr el Kab, nghĩa là "sông con chó", và bước qua sông nầy, có nghĩa là quân Franj ở trong tình trạng gây chiến với xứ Egypte.

Chia rẽ trong nội bộ chúng ta

Chúng ta trở ngược lại 2 năm trước. Người mạnh nhứt ở xứ Egypte (Ai cập) lúc nầy dưới quyền vua, là vizir Afdal Chahinchah, một người cao lớn, oai vệ Anh nầy vốn là nô lệ, nay đứng đầu một nước Egypte trù phú với 7 triệu dân. Tháng 4 năm 1097, anh nầy không giấu sự thỏa lòng khi tiếp phái đoàn do vua Alexis từ Constantinople sai đến, báo tin rằng đoàn quân đông đảo các hiệp sĩ cơ đốc tây phương đã tới Constantinople, và nay bắt đầu lên đường sang vùng Tiểu Á. Thoả lòng thiệt hay không, chúng ta cũng nghĩ như sử gia Ibn al Athir: "Có người kể rằng các lãnh tụ Egypte lo sợ khi thấy triều đại Seljoukide phát triển bờ cõi, nên họ yêu cầu quân Franj tiến vào xứ Syrie, lập một vùng trái độn giữa họ và dân hồi giáo. Tin nầy thiệt hay không, chỉ có Allah biết".

Cách giải thích trên đây của sử gia Ibn al Athir cho ta thấy rõ trong dân hồi giáo có sự chia rẽ giữa hai phe. Một phe là các xứ sunnites, thần phục vua giòng Abbaside ở Bagdad (thủ đô xứ Perse). Phe kia là các xứ chiites, thần phục vua giòng fatimide ở Caire (thủ đô xứ Egypte). Chia rẽ bắt đầu từ thế kỷ thứ 7, nguyên do là tranh chấp trong gia đình của tiên tri Mahomet, và không ngừng gây ra những trận chiến gay go trong vùng hồi giáo. Phe nầy coi phe kia là "phản giáo", cho nên ngay cả Saladin, lừng lẫy về tài ngoại giao và chính trị, cũng coi việc chống lại phe chiites là quan trọng không kém việc chống lại quân Franj. Có thể là chuyện phe fatimide kêu gọi quân Franj chỉ là giả thuyết, nhưng chuyện họ thỏa lòng khi quân Franj đến là chuyện có thiệt.

Seldjoukides : kẻ thù chung

Khi quân Franj chiếm được Nicée, vizir al Afdal đã nhiệt liệt chúc mừng Alexis. Và 3 tháng trước khi quân xâm lăng chiếm Antioche, một phái đoàn Egypte mang đầy tặng phẩm đến thăm viếng quân Franj, chúc họ sẽ thành công (chiếm Antioche), cùng đề nghị ký hiệp ước hữu nghị với nhau.



Đuốc Thiêng 95

1 Những gì không rúng chuyển - ĐTPÂ
2 Thơ : Chúa toàn năng - Trần Nguyên Lam Bửu
3 Uy quyền của Đức Chúa Giê Xu - MS Nguyễn Văn Bình
4 Thơ: Loài người quý nhất - Trần Nguyên Lam Bửu
5 Phải chăng đạo Tin Lành là đạo bỏ ông bỏ bà - H4
6 Hồn ở đâu bây giờ? - Bình Tú Ngọc
7 Nhớ cha - H4
8 Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
9 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
10 Xứ Do Thái hồi Chúa Giê-xu sinh ra - Mai Đào
11 Đêm nhớ về quê cũ - Bà Lê Văn Bắc
12 Thơ : Tất cả vì vinh hiển Đức Chúa Trời - Trần Nguyên Lam Bửu
13 Đọc truyện ngắn của Bà Lê Văn Bắc - Nguyễn Đình Bùi Thị
14 Đôca ngày nay - H4
15 Ước ao của tôi - Bình Tú Ngọc








Tại sao? Vì cá nhân Afdal vốn đã chẳng có thiện cảm với người Turc, y là gốc Arménie, và y cũng lo cho quyền lợi của xứ Egypte nữa. Từ khoảng giữa thế kỷ, bọn người Turcs Seldjoukides đã tiến bước, xén mòn dần đất của Egypte cũng như của Constantinople. Hai thành phố Damas và Jerusalem đã thuộc về Egypte từ khoảng 100 năm, mới đây bị mất vào tay Seldjoukides, còn Constantinople thì mất Antioche, mất Tiểu Á. Cùng bị thiệt hại, nên có tình thân thiện chặt chẽ nảy sinh giữa Afal (lãnh tụ Egypte) và Alexis (lãnh tụ Constantinople). Họ luôn luôn hỏi ý kiến nhau, trao đổi tin tức, thiết lập chương trình hành động chung. Thời gian gần đây trước khi quân Franj tới, họ vui vì thấy có chia rẽ trong đế quốc Seldjoukides, có nhiều vùng trong đế quốc nầy thoát ra và tự lập, cả ở Syrie, cả ở Tiểu Á, Phải chăng là giờ phản công lại bọn Turcs đã điểm? Phải chăng đến lúc Egypte và Constantinople thâu lại những vùng bị mất trước đây? Afdal mơ đến một cuộc hành quân liên hiệp, và khi Afdal nghe tin rằng Alexis đã có viện quân hùng hậu đến từ các xứ quân Franj, y thấy là cuộc trả thù đã ở trong tầm tay.

Phái đoàn của Afdal đến gặp những kẻ bao vây Antioche, không nói gì đến chuyện ký thỏa ước không gây cấn với nhau. Trong ý Afdal, đấy là chuyện dĩ nhiên. Y đề nghị chia đôi những vùng quân Franj sẽ chiếm, là xứ Syrie. Về tay quân Franj là nửa phía bắc, còn về tay y là phía nam, tức là xứ Palestine, là thành Damas, và các thành phố ven biển cho tới Beyrouth. Y tin chắc là quân Franj sẽ vui vẻ nhận lời ngay.

Nhưng không phải như y tính. Quân Franj chỉ trả lời cách hờ hững. Họ muốn được giải thích kỹ càng về số phận tương lai của Jerusalem. Dầu họ tỏ ra thân thiện với phái đoàn Egypte, mời dự cảnh chặt đầu 300 xác quân Turc đã chết ở trận Antioche, nhưng họ từ chối, không ký thỏa ước nào hết. Afdal ngơ ngác, không hiểu. Lạ chưa! Đề nghị của mình há chẳng thực tế, lại có phần lợi cho họ nữa. Phải chăng Alexis, và đoàn quân viện trợ nầy (tức là quân Franj) nhứt quyết tiến chiếm Jerusalem, như cảm nghĩ của phái đoàn khi trở về?

Chiếm được Jerusalem, có ngon không?

Afdal còn đang không biết tính sao, thì tháng 6 năm 1098, nhận được tin là quân Franj đã làm chủ Antioche, và 3 tuần sau đó, tin về cuộc thảm bại của Karbouka. Afdal quyết định phải ra tay cấp tốc, phải làm cho cả hai phe địch và đồng minh đều hụt cẳng (chú thích của dịch giả: đồng minh, là Alexis và quân Franj, địch là quân Turc Seldjoukides hiện đang làm chủ Jerusalem). Sử gia Ibn al Qalanissi chép: "Đại tướng Afdal dẫn một đoàn quân đông đảo tới vây Jerusalem, ở trong Jerusalem lúc nầy là 2 lãnh tụ turc Sokman và Ilghazi, con của Ortok. Afdal sai đặt máy bắn đá, ra lịnh tấn công". Hai anh em người turc chịu không nổi, vì họ vừa mới ở phương bắc về, sau khi tham gia chiến đấu ở Antioche bên cạnh Karbouka, rồi phải thảm hại tháo chạy. Sau 40 ngày, họ đầu hàng Afdal, được Afdal đối xử tử tế, cho ra đi thong thả cùng với bọn tùy tùng.

Nhiều tháng trôi qua sau đó, tình hình cho thấy là Afdal có lý. Đúng là quân Franj không tiến xa hơn nữa trước sự việc đã rồi. Ở Le Caire (thủ đô Egypte), các thi sĩ không ngừng khen ngợi chủ tướng Afdal đã cứu vùng Palestine thoát khỏi tay quân sunnites "phản giáo".

Nhưng Afdal sửng sốt và lo ngại, khi đến tháng giêng năm 1099, quân Franj nhứt quyết tiến về phía nam. Afdal bèn sai một người thân tín đến Constantinople chất vấn Alexis, thì vua nầy viết thơ trả lời, thú thiệt rằng mình không còn kiểm soát được quân Franj nữa; rằng từ nay quân Franj chỉ làm theo ý họ; rằng họ không làm như đã hứa là trả Antioche cho Alexis; rằng chương trình của họ là chiếm đất, thành lập cơ sở quốc gia; rằng họ nhứt quyết chiếm Jerusalem bằng mọi cách. Giáo hoàng đã kêu gọi họ đi thánh chiến để chiếm lấy mộ Đấng Christ, không có gì có thể chuyển hướng họ được. Alexis nói thêm rằng mình không tán thành hành động của quân Franj, rằng mình vẫn là đồng minh với Le Caire.

Mặc dầu Alexis đoan chắc như thế, Afdal vẫn thấy kẹt, thấy nguy hết sức. Y cũng là dân cơ đốc, nên y hiểu dễ dàng rằng quân Franj với đức tin đơn sơ và nhiệt thành, sẽ sống chết thực hiện cho được cuộc hành hương võ trang nầy. Bây giờ y hối tiếc là đã dấn thân vào chuyện nầy, đi chiếm xứ Palestine, để rồi nay bị kẹt. Cứ để cho quân Franj và quân Turc giao chiến với nhau vì Jerusalem chẳng tốt hơn sao? Tại sao khi không mình chen vào giữa, đối đầu với các chiến sĩ vừa can đảm vừa cuồng tín kia?

Afdal tính rằng phải mất thời gian nhiều tháng mới thành lập được đoàn quân đủ sức chống lại quân Franj, y bèn viết thơ cho Alexis, yêu cầu phải làm đủ cách để quân Franj tiến chậm chậm. Tháng 4 năm 1099, khi quân Franj đang bao vây thành Arqa, họ nhận được thơ của Alexis, yêu cầu họ đừng vội đi về xứ Palestine, viện lẽ là chờ quân của Alexis tới cùng đi.

Afdal cũng cử phái đoàn đến gặp quân Franj, đưa ra những đề nghị mới. Ngoài việc đề nghị chia nhau xứ Palestine, y nói rõ thêm về đường lối của y với Jerusalem: tự do tín ngưỡng hoàn toàn cho hết thảy mọi người, các khách hành hương được ra vô thong thả, chỉ có một điều kiện là phải vô từng nhóm nhỏ, và không được mang vũ khí. Quân Franj trả lời ngay bon: "Chúng tôi sẽ vô Jerusalem, tất cả đi thành một đoàn duy nhứt, thảy đều vác giáo gươm!".

Đấy là trả lời, mà cũng là tuyên chiến. Ngày 19 tháng 5 năm 1099, như đã nói ở trên quân Franj không ngần ngừ vượt qua sông Nahr el Kalb, biên giới phía bắc của lãnh thổ fatimides.
(còn tiếp)