Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)

Thiên đàng - ĐTPÂ

Đuốc Thiêng 100, tháng 04 & 06 năm 2009


Để trả lời câu hỏi: Theo quan niệm của quý vị thì thiên đàng là gì? Nhà văn Stanley Elkin đã trả lời rằng: «Theo ý tôi, thiên đàng là nơi con người có thể hưởng vui thú trong một thời gian ngắn». Kịch sĩ Ruth Gordon nói rằng: «Theo tôi thì thiên đàng là chỗ người nầy không can thiệp vào công việc của người khác và cũng là nơi có nhiều bữa ăn thật ngon». Kịch sĩ Michael Caine, người Anh, lại nói rằng: «Theo tôi thiên đàng là tòa lâu đài Leeds ở xứ Kent, là lâu đài xung quanh có hào sâu và nằm giữa một cái hồ rất đẹp».

Nếu có ai đem câu hỏi nầy hỏi người Á Đông, chắc có người sẽ trả lời: «Thiên đàng là miền cực lạc, ở đó không bao giờ khổ sở», «Thiên đàng là nơi non bồng nước nhược, người ta sống mãi không già», hoặc câu trả lời phản phất không khí «Lưu Nguyễn nhập thiên thai»: «Thiên đàng là cõi tiên, nơi có các tiên nữ xinh đẹp».

Nhưng thiên đàng cũng được Thánh Kinh gọi là Nước Trời, hay Vương Quốc của Thượng Đế, có thực sự giống như người ta tưởng tượng không? Mặc dù trí tưởng tượng của các nhà văn, kịch sĩ Tây phương, và của người Á Đông chúng ta có khác nhau về hình thức, vì có người thích thú vui, có người thích món ăn ngon lành, người khác lại thích lâu đài lộng lẫy hay các tiên nữ xinh đẹp, nhưng chung quy lại tất cả những điều người ta tưởng tượng và ưa thích đều hướng về lòng dục cố hữu của con người, dù con người đó là người Đông phương hay Tây phương, người đời thượng cổ hay hiện kim. Những ước muốn thầm kín của con người, cũng như những lời họ bộc lộ về thiên đàng đã chứng tỏ rằng tâm trí con người chỉ loanh quanh lẩn quẩn trong ba cái vòng tội lỗi mà Thánh Kinh đã nói đến là: «tham dục của xác thịt, đam mê của mắt và kiêu ngạo của đời».

Như vậy, thiên đàng hay Nước Trời là gì và ai có đủ điều kiện vào đấy? Ngay trước khi tình nguyện chịu chết để đền tội cho nhân loại, Chúa Cứu Thế có phán bảo môn đệ rằng: «Ta đi chuẩn bị chỗ ở cho các con. Khi chuẩn bị xong, Ta sẽ trở lại đón các con về với Ta, để các con ở cùng Ta mãi mãi». Mấy chữ cuối cùng của câu nầy đã định nghĩa thiên đàng cách rõ rệt: «Thiên đàng là chỗ ở của Thượng Đế và con cái Ngài». Đã là chỗ ở vĩnh viễn của Thượng Đế, thiên đàng chắc chắn phải phản ảnh tất cả các bản tính của Thượng Đế, trong số các bản tính đó chúng ta có thể kể bản tính thánh thiện tuyệt đối. Thánh Kinh xác nhận điểm nầy, vì khi mô tả về thiên đàng, sách Khải Thị có cho biết ở đó các vị thiên thần luôn luôn ca: «Thánh thay, Thánh Thay, Thánh thay là Thượng Đế Toàn Năng, Đấng đã có, hiện có và còn có».

Thiên đàng cũng tràn ngập tình thương, vì yêu thương cũng là bản tính của Thượng Đế, và vì yêu thương nhân loại, Thượng Đế đã hy sinh Con Một của Ngài để những người tin nhận Con Thượng Đế đều được sống vĩnh viễn ở thiên đàng.

Ngoài ra, Thánh Kinh cũng cho biết rằng thiên đàng là nơi có sự hiểu biết và kính sợ Thượng Đế. Khi còn sống trên trần gian, chúng ta nhờ Thánh Kinh mà biết Thượng Đế và các công việc Ngài đã làm, như công cuộc sáng tạo vũ trụ và loài người, công cuộc cứu rỗi nhân loại do chính Thượng Đế chuẩn bị và Chúa Cứu Thế thực hiện. Nhưng các hiểu biết của con người về Thượng Đế sẽ gia tăng, vì ở thiên đàng chúng ta được tiếp xúc trực tiếp với Thượng Đế và được học biết về Ngài suốt cả cõi đời đời.

Thánh Kinh cũng cho biết rằng danh hiệu của Chúa Cứu Thế được dùng ở thiên đàng là «Chiên Con Thượng Đế». Danh hiệu nầy nhắc nhở chúng ta một điểm rất quan trọng, điểm đó là: Chúng ta được Thượng Đế tiếp nhận vào thiên đàng không phải nhờ làm lành lánh dữ, ép xác khổ tu, lập công chuộc tội, hay nhờ bất cứ một việc gì của chúng ta đã làm, nhưng hoàn toàn nhờ vào cái chết đền tội của Chúa Cứu Thế trên cây thập tự. Đời xưa người Do Thái cứ mỗi năm giết con chiên một tuổi để lấy máu chiên bôi trên cửa nhà cho nhớ rằng, nhờ máu chiên họ được thoát khỏi hình phạt của Thượng Đế lúc còn ở Ai Cập. Con chiên một tuổi của người Do Thái tượng trưng cho Chúa Cứu Thế vì Chúa đã chịu chết và lấy chính huyết của Ngài rửa sạc tội lỗi chúng ta, để chúng ta được Thượng Đế tiếp nhận vào thiên đàng.

Với lòng nặng tham dục của trần gian, con người chẳng những không thể nào có một khái niệm đúng đắn về thiên đàng mà cũng không thể nào tự tìm ra con đường để về nơi cực lạc đó. Nhưng Chúa Cứu Thế, là Chiên Con của Thượng Đế đã dùng huyết Ngài mở rộng cửa thiên đàng và đang chờ đón quý vị đến cầu nguyện với Chúa rằng: «Kính lạy Chúa Cứu Thế, con là người có tội với Thượng Đế, nhưng bây giờ con quyết tâm hối cải và cầu xin Thượng Đế tha tội con trong giòng huyết của Chúa Cứu Thế, để con được bảo đảm hưởng thiên đàng hạnh phúc đời đời».




Đuốc Thiêng 100

01 Thiên đàng - ĐTPÂ
02 Hát nói: Ngày phán xét - Trần Nguyên Lam Bửu
03 Chúa Giê-xu chịu thương khó - Quyền Linh
04 "Các ngươi phải yêu nhau" - H4
05 Thơ: Cảm tạ Chúa Giê-xu - Linh Quyền
06 Áp-ra-ham theo lời Chúa gọi - Mục sư Trần Hữu Thành
07 Tiểu sử Thánh ca - Fanyia
08 Thơ: Lời Chúa - Đức Huy
09 Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
10 Thơ: Hè về - Đức Huy
11 Đọc "Biển rộng hai vai" của Lữ Thành Kiến - Nguyễn Đình Bùi Thị
12 Quanh ta ngậm ngùi - Bà Lê Văn Bắc
13 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
14 Xứ Do Thái khi Chúa Jêsus khởi sự công tác - Mai Đào
15 Đuốc Thiêng - Người bạn đồng hành đáng yêu - Bình Tú Ngọc
16 Vài nét về Hội Đồng Giáo Hạt Pháp lần thứ 21 - TĐTN Trương Đức Huy
17 Tin Tức - Vinh Bằng