Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)

Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng

Đuốc Thiêng 100, tháng 04 & 06 năm 2009


(Xin xem từ Đuốc Thiêng 74)

Công cuộc truyền giáo, mở mang vương quốc Chúa qua lãnh vực xã hội thăm viếng, giúp đỡ nhu cầu vật chất lẫn tâm linh cho người tị nạn đến Pháp trong những ngày đầu của họ là nhịp cầu tiếp cận kết quả tốt đẹp. Tờ báo Thông Công góp phần thêm mối dây thân ái cùng đem lời Chúa nuôi dưỡng tâm linh cho nhiều người tản mác ở các trại tị nạn, hay một số người có nhà riêng bước vào giai đoạn mưu sinh, khiến an ủi họ những lúc cảm thấy trống vắng bơ vơ nơi đất khách quê người, chỉ dẫn họ biết được đâu là con đường của sự sống vĩnh cửu cho đời sống. Cộng thêm với nhiều chuyến đi thăm viếng chứng đạo, tổ chức các buổi truyền giảng nhỏ tại một số trại tị nạn vùng Paris hoặc ở các tỉnh xa, cũng đưa  nhiều người đến sự nhận biết Chúa và tiếp nhận Ngài. Tại Paris, số tín hữu ngày càng tăng lên. Từ con số vài chục người, các buổi nhóm thờ phượng có khi vượt lên con số 200 hay hơn nữa. Vấn đề nuôi dưỡng đức tin con cái Chúa lớn lên «như cây trồng gần giòng nước» đâm rễ vững nền, «tầm thước vóc giạc» khả dĩ đối đầu với cuộc sống mới nhiều thách thức phải là vấn đề hàng đầu của Hội thánh. Đó là lý do Hội thánh khởi sự nghĩ đến những Hội đồng Bồi linh với qui mô lớn hằng năm tăng cường sinh lực thuộc linh cho con cái Chúa. Mỗi Hội Đồng kéo dài trong hai tuần lễ. Chủ yếu là hai cuối tuần (week-end), từ Thứ Sáu cho đến Chúa nhựt. Những ngày không có các buổi giảng bồi linh là cơ hội cho diễn giả đi thăm các gia đình tín hữu sống rãi rác ở các tỉnh nước Pháp hoặc ở các nước như Đức, Hòa Lan, Thụy sĩ, Đan Mạch. Nhờ các cuộc thăm viếng mục vụ nầy mà lần hồi hình thành được Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại Pháp và Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu như hiện có ngày nay.

Các con cái Chúa từ Việt Nam đến tị nạn tại các nước Âu Châu lúc đầu rất ít, lưa thưa đây đó vài gia đình, chưa có các nhóm tín hữu hay Hội thánh. Họ khao khát những buổi thờ phượng nghe giảng lời Chúa «như con nai cái thèm khát khe nước» nên khi hay tin có Hội Đồng Bồi Linh tại Pháp họ hăm hở khăn gói lên đường không quản ngại đường xa với thời gian dài suốt 2 tuần lễ. Đa số đi bằng xe lửa, bởi cuộc sống chưa ổn định, chưa có bằng lái, nói gì có xe hơi. Tôi nhớ có hằng chục anh em đi xe lửa từ miền Trung nước Đức tới Paris, do mới đi lần đầu, không rành về chỗ ngồi, tưởng như ở Việt Nam, cứ lên toa xe gặp ghế trống là ngồi, hàn huyên vui vẻ. Xe chạy qua nhiều thành phố, băng qua nhiều cánh đồng lúa mì uốn lượn phất phơ theo gió trưa như thảm vàng xanh bát ngát tận chân trời. Lại có những nơi vàng rực bông cải xe lướt nhanh trông tợ tấm lụa mềm trải dài thật đẹp hoặc những vùng bao la hoa hướng dương sừng sững hướng theo mặt trời sắc màu rực rỡ ngút ngàn vui mắt làm sao! Nơi khác, nào là cánh đồng bắp, nào là cánh đồng củ cải đường, nào là khoai tây cao thấp nhấp nhô xanh um trang điểm đất đai thành những vùng phì nhiêu lạ lùng đến phải ngạc nhiên. Thỉnh thoảng còn thấy những đống củ cải đường hay khoai tây chất cao như ụ đất gần bên đường. Các cánh đồng ở Đức hay ở Pháp và cả Âu Châu không ngập nước như ở Việt Nam. Người ta thường xuyên phải tưới nước cho các vụ mùa trồng trọt. Những chiếc xe với giàn phun nước tưới hoa màu mịt mù, vần vũ khác nào mưa phùn đổ xuống. Đây đó, vài cỗ xe gặt lúa hay đào khoai, hoặc thu hoạch củ cải đường di chuyển ngay hàng thẳng lối trong lặng lẽ cô đơn. Nơi khác, những cuộn rơm cuốn tròn như hình bánh xe to tướng nằm rãi rác trên cánh đồng. Bầy bò, bầy cừu, có cả ngựa nữa đứng gặm cỏ như không màng gì với những chuyến xe lửa hay xe hơi qua lại. Anh em mãi miết ngồi nhìn không kịp mắt. Thình lình cánh cửa mở ầm, người soát vé hỏi giấy. Họ đòi mỗi người phải trả tiền phạt vì mua vé hạng hai lại ngồi ở toa hạng nhất. Nói gì cũng không được, trình bày gì họ cũng không tin, đành phải cắn răng móc tiền ra. Bài học khá đắc giá. Người soát vé không chút thương cảm dù biết người ta không biết. Nỗi buồn cho anh em lần đầu lấy xe lửa đến Pháp. Một kỷ niệm đi Hội Đồng Bồi Linh khó quên.

Ở Dordrecht (Hòa Lan), có ông Lâm Khắc Phụng và đứa con trai dắt nhau lên xe lửa qua Paris dự Hội Đồng Bồi Linh. Lần nào cũng đi, năm nào cũng đi. Ơn phước Chúa tràn ngập tâm hồn, niềm vui sướng bừng lên trên chuyến về sau khi được cùng anh em thờ phượng và nghe lời Chúa. Thế nhưng lần nào cũng như lần nào, chuyến xe lửa lại không ngừng ở ga Dordrecht, song chạy thẳng đến ga Rotterdam, cách xa thêm hơn 20 cây số mới ngừng cho hành khách xuống. Từ đó, ai đi Dordrecht phải đón xe lửa trở ngược lại, mất thêm cả tiếng đồng hồ nữa mới về tới nhà. Trời về khuya, lại sợ mất thì giờ quay lại. Cho nên có lần khi tới ga  Dordrecht, dù xe không dừng lại, song vận tốc hạ xuống chầm chậm như phòng ngừa bất trắc có thể xảy ra. Hai cha con trong đêm tối thấy vậy hè nhau mở cửa nhảy xuống đường rầy, rồi leo lên đi bộ về nhà. Thật là một hành động gan dạ, nhưng không kém liều lĩnh. May mà bình an vô sự.

Từ Đan Mạch, cách xa Paris hằng ngàn cây số, các anh em thanh niên người sắc tộc Stiêng, đa số vốn là những cô nhi Tin Lành khi còn ở Việt Nam, yêu mến Chúa nhiệt thành lắm. Đầu năm 1975, Hơn 100 anh em được một nhà báo cổ động cho đi du lịch Hoa kỳ. Khi chuyến bay trên đường về tới Đan Mạch thì biến cố 30-4-1975 xảy ra ở Việt Nam. Anh em được ở lại đó. Tất cả đều độc thân. Sống thành cộng đồng kề cận bên nhau, thương yêu đùm bọc nhau như anh em một nhà, như con một Cha. Hằng tuần, anh em cùng nhóm nhau lại học Kinh thánh, và thờ phượng Chúa. Một Hội thánh được thành hình tại Slagelse (Đan Mạch) từ đó, nhờ vậy mà anh em có mục đích sống giữa những ngày tuổi trẻ nơi đất khách quê người. Mỗi lần được tin có Hội Đồng Bồi Linh ở Paris, anh em kẻ lấy xe lửa, người lái xe hơi hăng hái tới dự. Ngôi nhà chúng tôi trở thành trung tâm đón rước đầy ắp mọi người, nói cười vui vẻ hồn nhiên.

Hội Đồng Bồi Linh lần thứ I được tổ chức tại nhà thờ Tin Lành 10 rue Danton, 94270 Kremlin Bicêtre từ ngày 16-25/10/1981, với diễn giả là Mục sư Nguyễn Anh Tài, quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại Lancaster (Hoa kỳ), đương kiêm Nghị viên của Ban Chấp Hành Giáo Hạt Bắc Mỹ. Anh em từ Toulouse, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Tây Đức cùng với con cái Chúa tại Paris đến tham dự rất đông. Qua các buổi giảng sáng, chiều và tối ngày 16, 17, 18 và 23, 24, 25/10/1981 Chúa ban ơn phước rất nhiều cho Hội Đồng. Riêng chiều Chúa nhựt 25-10-1981 có buổi truyền giảng cho đồng hương Việt Nam. Nhà thờ đông nghẹt không còn chỗ ngồi. Nhân dịp Hội Đồng nầy, ngày 19-22/10/1981, Mục sư Nguyễn Anh Tài có cơ hội đến giảng cho Hội Thánh Toulouse, Chúa cho có 3 người tiếp nhận Chúa. Ngày 27-28/10/1981, diễn giả còn được tôi lái xe hướng dẫn đi thăm một vài gia đình bên Bỉ và Thụy sĩ. Chúa cho các cuộc gặp gỡ thông công rất vui vẻ, phước hạnh. Tổng kết Hội Đồng Bồi Linh lần thứ I, theo Ban Biên Tập báo Thông Công số 40 ghi lại: «Hội Thánh Paris đạt được thành công rực rỡ về thành quả tinh thần lẫn vật chất. Hội Đồng đã đem lại nguồn suối mát xanh tươi cho bao vùng đất từ lâu khô hạn, kết chặt mối dây liên lạc giữa vòng tín hữu và báo hiệu cơn phục hưng lớn cho nhà Chúa tại Paris. Với sự ủng hộ tài chánh dồi dào của toàn thể con cái Chúa, quỹ tổ chức Hội Đồng sau khi chi phí vẫn dư được một số tiền. Chúng ta chân thành cảm tạ Chúa đã thi hành việc lớn nơi đây để chúng ta có cớ lớn ngợi khen Ngài».

Bảy tháng sau, Hội Thánh Paris lại tổ chức Hội Đồng Bồi Linh lần thứ hai. Vẫn duy trì Hội Đồng hai tuần lễ như trước, từ ngày 28-5-1982 đến ngày 6-6-1982, với diễn giả Mục sư Trương văn Sáng, Giáo Hạt Trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại Bắc Mỹ, gồm cả Hoa kỳ và Gia Nã Đại (Canada). Thông tín viên của tờ Thông Công số 46, phát hành tháng 6-1982 tại Paris có bài tường thuật ngắn như sau:

«Những ngày nắng tươi đẹp tháng 5 đã sưởi ấm thành phố sau mùa đông lạnh giá, từng giọt nắng reo vui nhảy nhót theo chân những tín hữu đang tìm về Paris để cùng nhau sưởi ấm linh hồn bằng lời Chúa yêu thương. Hội Đồng Bồi Linh lần II do Hội Thánh Paris tổ chức với diễn giả là Mục sư Trương văn Sáng, Giáo Hạt Trưởng Giáo hạt Việt Nam tại Bắc Mỹ, đã khai mạc ngày 28-5-1982 tại nhà thờ Kremlin Bicêtre với sự có mặt của các con cái Chúa tại đây cùng một số tín hữu, Mụcsư, Truyền Đạo đến từ Thụy sĩ, Đức, Hòa Lan. Hội Thánh Paris đã chuẩn bị Hội Đồng từ nhiều tháng trước và thu xếp nơi cư ngụ cho các tín hữu đến từ xa.

Từ lần chia tay năm rồi, tất cả các con cái Chúa đều mong ngóng có dịp gặp lại nhau để thông công trong tình thương của Cứu Chúa. Hội Đồng năm nay là dịp thuận tiện để con cái Chúa tại Âu Châu lại được nhóm họp, chia sẻ cho nhau những tháng ngày xa quê hương.

Ngày khai mạc, Mục sư diễn giả đã chọn lựa một đề tài có ý nghĩa: Sự cám dỗ ngon ngọt của đời sống nơi nầy, và chúng ta là người tín hữu ở hải ngoại có suy nghĩ gì ? Bài giảng rất có ich trong sự xác định thái độ của người tín đồ trong đời sống ở hải ngoại.

Chiều Thứ Bảy 29/5, diễn giả nói đến sự thử thách đối với một số tín đồ được Chúa dùng, sự thử thách hẳn là khó khăn khi ý hướng và chương trình của Chúa thật lạ lùng khác xa trí óc và sự hiểu biết của chúng ta.
Sau khi tạm nghỉ để ăn chiều, các con cái Chúa lại nhóm họp để nghe về cái «Tôi» to lớn mà nhiều người đặt ra trước mặt Chúa. Theo diễn giả, không ai có thể để lòng trống không, vì nếu lòng ta không có Chúa thì ma quỉ sẽ bước ngay vào lòng trống đó mà cái «Tôi» chỉ là một biểu hiện. Khi săn sóc cái «tôi» của mình quá đáng ta sẽ phạm tội thờ tà thần mà ta không biết.

Chúa nhựt 30/5 là buổi truyền giảng đặc biệt cho đồng hương Việt Nam, có hơn 100 người tham dự. Hai ngày tiếp theo, phái đoàn Paris cùng tháp tùng với Mục sư Trương văn Sáng đi Toulouse giảng lời Chúa ở đó. Ngày Thứ Tư phái đoàn đi Thụy sĩ thăm con cái Chúa, nhân tiện liên lạc với Mục sư người bản xứ tại thành phố Bern bàn thảo về việc thành lập Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại Thụy sĩ, trước nhất là tại thành phố Bienne.

Thứ Sáu 4-6-1982, Hội Đồng Bồi Linh tiếp diễn với đề tài: «Sự biết ơn của người tín đồ». Diễn giả nhấn mạnh rằng con người thường kêu van lúc hoạn nạn nhưng khi được sung sướng thì lại quên ngay. Một người có lòng biết ơn Chúa thật sự và sâu xa, không phải lòng biết ơn «phô diễn bằng nghi thức tôn giáo» sẽ đứng vững mãi trong Chúa.

Buổi nhóm chiều hôm sau, diễn giả kêu gọi sự hiệp một của con cái Chúa để có đủ ơn, đủ sức mạnh dắt đưa nhiều người đến với Chúa. Cũng trong ý hướng đó, buổi nhóm tối được xoay quanh vấn đề trách nhiệm của người được cứu đối với người chưa được cứu. Toàn thể mọi người có mặt đều cảm động rơi nước mắt cầu nguyện thiết tha với Chúa.

Ngày bế mạc 6-6-1982, Mục sư Trương văn Sáng có bài giảng đặc biệt cho các bạn Thanh Niên Hội Thánh Paris vào lúc 14 giờ. Sau đó Hội thánh cử hành lễ bế mạc trong bầu không khí rộn ràng, tin yêu, dù không khỏi vương vấn đôi chút quyến luyến của buổi chia tay với sứ điệp kêu gọi con cái Chúa đứng lên xây dựng nhà Chúa.

Sau phần trao quà kỷ niệm, toàn thể cử tọa nắm tay nhau thành vòng tròn ca hát ngợi khen Đấng Toàn Năng. Tổng kết, phần bồi linh của Hội Đồng bao gồm các vấn đề gần gũi và thực tế nhất mà mỗi tín đồ phải đối diện trong đời sống hằng ngày, do đó đem lại lợi ích thuộc linh lớn lao. Sự gặp gỡ, nhóm họp lần nầy của anh chị em trong Chúa sống rãi rác trên toàn Âu Châu là suối phước ngọt ngào sẽ lưu chảy trong mỗi người cho đến mãi mãi...».

Hội Đồng Bồi Linh lần II tại Paris đã trở thành một Hội Đồng lịch sử vì liên quan tới việc thành lập Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại Âu Châu với văn bản lịch sử sau đây:

«Thể theo lời yêu cầu của các đầy tớ và con cái Chúa ở các nước Pháp, Thụy sĩ, Tây Đức và Hòa Lan, một phiên họp đặc biệt được diễn ra tại tư gia của Mục sư Nguyễn văn Bình lúc 9 giờ sáng ngày 5 tháng 6 năm 1982. Hiện diện có:

-Mục sư Trương văn Sáng, Giáo Hạt Trưởng Hội Thánh Tin lành Việt Nam Bắc Mỹ, cố vấn cho buổi họp.
-Mục sư Giáo sĩ Johan (Hòa Lan)
-Mục sư Nguyễn văn Bình, Quản nhiệm Hội thánh Paris.
-Truyền Đạo Triệu Thái Sơn, đại diện Hội thánh Tin Lành Việt Nam tại Thụy sĩ.
-Ông Lê văn Dinh, đại diện Hội thánh Tin Lành Việt Nam tại Tây Đức.
-Ông Lâm Khắc Phụng, đại diện Hội thánh Tin Lành Việt Nam tại Hòa Lan.
-Bà Auguste Nguyễn văn Sang, tín hữu Paris.
-Bà Lê Hoàng Ân, tín hữu Paris.
-Bà Phan Thị Ba, tín hữu Paris.

Sau khi Mục sư Nguyễn văn Bình trình bày lý do buổi họp, Mục sư Trương văn Sáng cầu nguyện để Chúa soi sáng hầu buổi họp được sự dẫn dắt, đạt kết quả tốt đẹp, làm sáng danh Chúa và cứu đồng bào. Toàn ban thảo luận và biểu quyết các điểm sau:

-Biểu quyết 1: Cử Truyền Đạo Triệu Thái Sơn làm thư ký viết Biên bản cho buổi họp.

-Biểu quyết 2: Thành lập một tổ chức lấy tên: «Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại Âu Châu» với mục đích liên kết các Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại các nước trong Âu Châu.

-Biểu quyết 3: «Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại Âu Châu» giữ đúng giáo lý thuần túy và tinh thần của Hội Thánh Tin Lành tại Việt Nam.

-Biểu quyết 4: Cử Ban Chấp Hành Lâm Thời của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại Âu Châu như sau:

-Cố vấn: Mục sư Giáo sĩ Johan (Hòa Lan).
-Trưởng ban: Mục sư Nguyễn văn Bình.
-Phó ban: Truyền đạo Triệu Thái Sơn
-Thư ký: Ông Lê văn Dinh
-Thủ quỹ: Ông Lâm Khắc Phụng
-Ủy viên: Bà Auguste Nguyễn văn Sang
-Ủy viên: Bà Lê Hoàng Ân
-Ủy viên: Bà Phan Thị Ba.

-Biểu quyết 5: Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại Âu Châu lo nghiên cứu để bổ nhiệm người Truyền Đạo Tình Nguyện và phong chức Mục sư cho Truyền Đạo.

Sau khi Mục sư Nguyễn văn Bình cầu nguyện, buổi họp kết thúc lúc 11 giờ kém 10 cùng ngày ».

Ít lâu sau, Mục sư Nguyễn văn Bình, Đại diện Ban Chấp Hành Lâm Thời của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu soạn Bản Quy Chế Truyền Đạo Nguyện chuẩn bị kêu gọi con cái Chúa gia nhập vào Đoàn Truyền Đạo Tình Nguyện đứng lên thành lập Hội Thánh như sau:

I. Nhu cầu:

Tại Âu Châu có hàng trăm ngàn người Việt Nam sinh sống, nhưng thiếu người lo chăm sóc đời sống thuộc linh cho họ. Một số người có tâm tình hầu việc Chúa nhưng không có đủ thì giờ và phương tiện  đến các Thần học viện để tu học. Vì nhu cầu cấp bách trong việc truyền rao Tin Lành cho đồng hương và lo cho đời sống thuộc linh của các tín hữu hiện đang sống rãi rác tại các nước Âu Châu, nay, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu đặc biệt thu nhận các Truyền ĐạoTình Nguyện.

II. Mục Đích:

Làm chứng về ơn cứu rỗi cho đồng hương, thành lập và gây dựng Hội Thánh giữa những người Việt tha hương, giúp cho con cái Chúa có tâm tình hầu việc Chúa, có phương tiện trao dồi, học hỏi để có đủ ân tứ, đức độ và khả năng phục vụ Chúa cách tình nguyện giữa những người đồng hương nơi mình sinh sống.

III. Điều Kiện:

1. Phải là tín hữu đã chịu báp têm ít nhất hai năm trở lên.

2. Phải có phẩm hạnh hiệp với Kinh Thánh:

«Ví bằng có kẻ mong được làm giám mục, ấy là ưa muốn một việc tốt lành, lời đó là phải lắm. Vậy, người giám mục cần phải không chỗ trách được, là chồng chỉ một vợ mà thôi, có tiết độ, có tài trí, xứng đáng, hay tiếp khách và khéo dạy dỗ. Đừng mê rượu, cũng đừng hung bạo, nhưng phải mềm mại hòa nhã, lại đừng ham tiền bạc, phải khéo cai trị nhà riêng mình, giữ con cái mình cho vâng phục và ngay thật trọn vẹn, vì nếu có ai không biết cai trị nhà riêng mình, thì làm sao cai trị được Hội Thánh của Đức Chúa Trời? Người mớ tin đạo không được làm giám mục, e ngưòi tự kiêu mà sa vào án phạt của ma quỉ chăng. Người giám mục lại phải được người ngoại làm chứng tốt cho, kẻo bị sỉ nhục và mắc bẫy ma quỉ» (I Timôthê 3:1-7).

«Mỗi người trong vòng Trưởng Lão đó phải cho không chỗ trách được, chỉ chồng của một vợ, con cái phải tin Chúa, không được bị cáo là buông tuồng hoặc ngỗ nghịch. Vì người giám mục làm kẻ quản lý nhà Đức Chúa Trời thì phải không chỗ trách được. Chẳng nên kiêu ngạo, giận dữ, ghiền rượu, hung tàn, tham lợi, nhưng phải hay tiếp khách, bạn với người hiền, khôn ngoan, công bình, thánh sạch, tiết độ, hằng giữ đạo thật y như đã nghe dạy, hầu cho có thể theo đạo lành mà khuyên dỗ người ta và bác lại kẻ chống trả» (Tít 1:6-9).

3. Phải chăm chỉ học lời Chúa (I Ti 4:13) và lấy Kinh thánh làm nền tảng cho lời giảng dạy của mình (II Ti 3:13-16).

4. Phải có tâm tình phục vụ Chúa, chịu sự cực khổ của người truyền giảng Tin Lành (II Ti 4:1-5).

5. Sẵn sàng tuân giữ mọi kỷ luật của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu và kỷ luật của người đầy tớ Chúa.

IV. Nhiệm Vụ:

1. Chăm sóc đời thuộc linh cho tín hữu.

2. Mở mang Hội Thánh.

3. Truyền giảng Tin Lành cho đồng hương.

4. Duy trì và phát triển tinh thần Kính Chúa, Yêu người và thực thi sự thánh khiết của Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

V. Quyền Hạn:

Vị Truyền Đạo Tình Nguyện được quyền:

1. Giảng dạy lời Chúa.

2. Thi hành các thánh lễ: Tiệc Thánh, An táng, dâng con trẻ và xức dầu cầu nguyện cho người bệnh.

3. Đương nhiên là Đại biểu chính thức trong các Hội Đồng của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu hay Giáo Hạt, Giáo Sở liên hệ.

VI. Cơ Hội Cho Chức Vụ:

Sau hai năm thi hành chức vụ Truyền Đạo Tình Nguyện, nếu người Truyền Đạo Tình Nguyện được:

1. Lời chứng tốt

2. Học hết chương trình thần học, Lịch sử Hội thánh và một số môn căn bản cho chức vụ, tổng cộng được 24 tín chỉ trở lên.

3. Có khả năng chăn dắt Hội thánh hoặc đang phục vụ Chúa với các cơ quan của Hội thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu.

4. Sau khi qua một cuộc khảo sát về thần học, sự kêu gọi và kinh nghiệm truyền đạo, nếu thấy vị Truyền Đạo Tình Nguyện có đủ ân tứ và khả năng sẽ được bổ nhiệm chức vụ «Truyền Đạo Thực Thụ».

VII . Bị Giải Chức:

Vị Truyền Đạo Tình Nguyện được Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu bổ nhiệm vi phạm một trong những điều ghi trong điều ba (III) của Bản Quy Chế nầy, sẽ bị Ban Chấp Hành Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu giải chức. 



Đuốc Thiêng 100

01 Thiên đàng - ĐTPÂ
02 Hát nói: Ngày phán xét - Trần Nguyên Lam Bửu
03 Chúa Giê-xu chịu thương khó - Quyền Linh
04 "Các ngươi phải yêu nhau" - H4
05 Thơ: Cảm tạ Chúa Giê-xu - Linh Quyền
06 Áp-ra-ham theo lời Chúa gọi - Mục sư Trần Hữu Thành
07 Tiểu sử Thánh ca - Fanyia
08 Thơ: Lời Chúa - Đức Huy
09 Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
10 Thơ: Hè về - Đức Huy
11 Đọc "Biển rộng hai vai" của Lữ Thành Kiến - Nguyễn Đình Bùi Thị
12 Quanh ta ngậm ngùi - Bà Lê Văn Bắc
13 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
14 Xứ Do Thái khi Chúa Jêsus khởi sự công tác - Mai Đào
15 Đuốc Thiêng - Người bạn đồng hành đáng yêu - Bình Tú Ngọc
16 Vài nét về Hội Đồng Giáo Hạt Pháp lần thứ 21 - TĐTN Trương Đức Huy
17 Tin Tức - Vinh Bằng