Xứ Do
Thái khi Chúa Jêsus khởi sự
công tác (phần 2/2) - Mai
Đào
Đuốc Thiêng
99,
tháng 02 năm 2009
Tác-giả:
Roger CARATINI.
Sách:
Jesus,de Bethléem à Golgotha, ấn-bản 2003,
nhà xuất-bản L'Archipel, Paris.
Trích-dịch:
Mai-Đào.
Thơ của Hiram.
Năm 758, Marcellus trở lại Palestine, vì hoàng đế
trao công tác mới.
Phương ngôn nói "Xa mặt, xa lòng".
Câu này không đúng
với Hiram. Trong 8 năm xa cách nhau, Hiram vẫn đều
đặn gởi thơ cho Marcellus, mỗi năm một cuộn thơ viết trên
giấy papyrus, chữ nắn nót, cột bằng chỉ vàng,
và Hiram dè dặt nói thêm:
"Những chuyện tôi kể đây, không chắc
là sự thật, vì phần lớn tôi
không thấy tận mắt, nhưng cũng cứ kể tướng công
nghe cho vui".
Xứ Ga-li-lê, năm 751 lịch Rô ma.
Jesus, con của Marie và Joseph, vừa được đầy năm. Người ta
kể rằng, theo lời một thầy tế lễ ở Đền thờ, thì
ngày lên một tuổi, Jesus đã biết
nói khi đang nằm trong nôi: "Mẹ Marie ơi,
tôi là Jesus, là con của Đức
Chúa Trời, được mẹ sanh ra theo như lời thiên sứ
Gabriel. Cha tôi sai tôi xuống đây để cứu
thế gian".
Lời bàn của Hiram: Ông thầy tế lễ đã
"bật mí" câu trên đây,
tôi không biết tên, có thể
là thầy Annas, nhưng tôi không
có chứng cớ. Theo tôi nghĩ, chuyện này
không có thật, trẻ nhỏ mới một năm làm
sao biết nói, giỏi lắm thì bi bô
vài tiếng. Và phải coi chừng những thầy tế lễ đưa
những tin lạ lùng, vì họ hay đặt ra để
lôi cuốn con chiên. Dầu vậy, không lửa
sao có khói, có thể là khi
Jesus được 1 tuổi, Marie đã dẫn con lên Đền thờ,
vậy thôi.
Xứ Ga-li-lê, năm 755 lịch Rô ma.
Năm này Jesus được 5 tuổi, chơi với bọn trẻ bên
một giòng suối. Chúng be nước suối cho chảy
vào một trũng có đất sét, lấy đất
sét nặn thành chim, được khoảng một chục con
chim. Hôm đó là ngày đầu
Sa-bát, một người Pha–ri-si thấy thế
bèn về mách với Joseph:
"Con anh nặn chim trong ngày Sa-bát,
hôm nay cấm làm việc mà".
Joseph bèn đến la con: "Điều cấm trong ngày
Sa-bát, tại sao con làm?". Jesus không
trả lời, nhưng vỗ tay làm mấy con chim đã nặn bay
lên, và bảo chim: "Chim ơi, chúng
mày nay là chim sống, hãy bay đi rồi
nhớ đến tao nhé" (Sự cố này kể trong cuốn
ngoại-kinh "Tin Mừng về thời thơ ấu bằng
tiếng Ả rập". Evangile arabe de l’enfance).
Lời bàn của Hiram: Rất có thể chuyện
không giữ ngày Sa-bát này
có thiệt, người ta thường kể rằng đây
là đứa trẻ rất độc lập, còn chuyện chim đất bay
được thì tôi không tin mấy.
Xứ Ga-li-lê, năm 756 lịch Rô ma.
Năm nay Jesus lên 6. Joseph dẫn đến trường học của thầy
giáo tên là Zachée (Xa
chê).
Thầy giáo đọc mấy chữ đầu của mẫu tự grec: alpha,
bêta, gamma, delta, ..., rồi bảo Jesus lặp lại. Jesus lặp
lại,và đọc tiếp luôn một hơi từ đầu đến cuối mẫu
tự, tức là từ alpha đến oméga.
Sau đó, Jesus hỏi thầy giáo về chữ đầu
tiên alpha: "Tại sao nó có
hình như thế, như là hai cái tam
giác dính vào nhau, cái
trước lớn hơn cái sau? tại sao nó nằm
dài mà không đứng thẳng lên
cao? tại sao một đầu thì nhọn, hướng lên cao,
còn đầu kia thì quặp lại, hướng xuống dưới?"
Thầy giáo kinh ngạc vì quá nhiều
câu hỏi sắc bén như thế, la lên:
"Ôi chao, các ông bà ơi, đem
đứa trẻ này về đi. Chỗ của nó đâu phải
ở trần gian này. Nó thông minh hơn cả
tôi, tôi là ông già
mà thua đứa trẻ. Phải chăng nó là
thiên sứ? là Chúa? tôi chẳng
biết".
Mấy ngày sau, Jesus chơi với một bọn trẻ trên một
sân thượng khá cao. Bọn trẻ xô đẩy nhau,
một đứa bị rớt xuống đất, chết. Bọn trẻ chạy trốn, rồi bảo nhau đi tố
cáo với quan: Jesus giết nó đấy.
Quan liền sai bắt Joseph, Marie, Jesus về tội giết người. Bọn trẻ đồng
lòng làm chứng nghịch cùng Jesus,
và quan dẫn ra luật pháp Hê-bơ-rơ: "Mắt
đền mắt, răng đền răng", sai dẫn Jesus đi cho đao phủ xử tử. Jesus
nói với quan:
-Thưa quan, nếu tôi bảo đứa trẻ này sống lại, rồi
nó nói rằng tôi không giết
nó, thì những đứa cáo gian
tôi sẽ ra sao?
-Thì cậu sẽ là vô tội, những đứa kia
có tội.
Jesus bèn nói với xác chết nằm dưới
đất: "Touza, Touza, tao có đẩy mày rớt
không?". Touza sống lại, trả lời: "Không,
không, Chúa Jesus ơi, Ngài
không ở cạnh tôi lúc đó. Đẩy
tôi rớt xuống là Addai, Rabbi, Wardi, Mardi,
Mousa". Jesus bước đến, kéo Touza dậy, đưa cho bố mẹ
nó, ai nấy đều lấy làm lạ.
Lời bàn của Hiram: Đấy là chuyện kể
lại, chắc
gì có thật. Nhưng có thể Jesus sớm
thông minh, và đã được Joseph dạy cho
biết mẫu tự grec từ trước.
Xứ Ga-li-lê, năm 757 lịch Rô ma.
Năm nay Jesus lên 7. Một bữa kia, Marie sai Jesus đem
vò ra giếng lấy nước. Có quá
đông người ở nơi giếng, họ xô đẩy làm
vò của Jesus bị bể. Jesus bèn cổi áo
khoác ngoài, hứng nước đầy áo, bưng về
cho mẹ, làm mẹ kinh ngạc.
Xứ Ga-li-lê, năm 758 lịch Rô ma.
Năm nay Jesus 8 tuổi, thân hình càng
lớn, khôn ngoan càng thêm. Khi Joseph đi
qua các tỉnh lân cận, nó cũng đi theo
để giúp cha nó làm công việc
thợ mộc, như ráp cửa, đóng thùng đựng
rượu, ráp giường. Khi Joseph có tấm
ván nhỏ quá, hoặc lớn quá, Jesus đưa
tay ra thì tấm ván trở nên vừa
đúng cỡ, Joseph không cần cưa cắt gì
hết.
Một ngày kia, Archélaus, vua Jerusalem, đặt
Joseph làm một cái ngai cho vừa đúng
với thân hình vua. Sau hai năm chế tạo, Joseph
mang ngai nộp cho vua, thì quá nhỏ, thiếu hai
gang mỗi bề, vua ngồi vào không được. Vua nổi
giận, làm Joseph cả đêm không ngủ. Jesus
hỏi tại sao, và khi biết lý do, nói
với cha: "Cha đừng lo, để con sắp đặt. Bây giờ cha nắm tay
ngai một bên, con nắm bên kia, rồi ta
cùng kéo". Hai người cùng
kéo, rốt cuộc ngai lớn ra vừa đúng với
thân vua.
Cũng trong năm này, một hôm Jesus ra
ngoài nhà, thấy một bọn trẻ bằng tuổi
mình, chơi vui với nhau. Sau đó bọn trẻ
kéo nhau đi, Jesus đi theo đến trước một nhà, bọn
trẻ đi vô, nhưng Jesus không theo vô. Chờ
một chập lâu, không thấy bọn trẻ trở ra, Jesus
gõ cửa. Khi có mấy bà mở cửa bước ra,
Jesus hỏi là bọn trẻ đâu rồi, các
bà trả lời là không có trẻ
nào vô đây hết. Jesus nói:
"Vậy bọn trẻ nằm trong lò kia, chúng
là thế nào?"
-Trong lò đâu có trẻ nào,
chỉ có mấy con dê con, bỏ vào để nướng
thịt.
Jesus nói: "Để coi". Nói rồi nó
kêu lớn: "Mấy con dê con ở trong
lò kia, tụi bay có nghe tiếng người chăn
kêu bay không?"
Mấy con dê đang bị nướng ở trong lò chạy vội ra,
nhảy nhót quanh Jesus. Mấy bà thấy vậy, vừa kinh
ngạc vừa sợ hãi, quỳ xuống lạy Jesus, xin đừng phạt họ,
vì chính họ đã làm
phép thuật kéo bọn trẻ đến và biến
hình chúng nó ra dê con.
Jesus nói với lũ dê con: "Nào, ra
đây ta lại chơi". Mấy con dê trở lại
hình người, chúng kéo nhau đi trước
mắt mấy bà chết đứng vì sợ.
Lời bàn của Hiram: Những chuyện dị-kỳ kiểu
này kể
cho trẻ con nghe, không thiếu. Nhưng không lửa, sao
có khói. Nếu họ kể những chuyện dị-kỳ về đứa trẻ
này, thì chắc nó cũng dị-kỳ.
Xứ Ga-li-lê, năm 759 lịch Rô ma.
Năm nay Jesus lên 9. Xứ Judée bắt đầu
có rối loạn, nhưng ở Ga–li-lê, mọi người
vẫn sống bình an, dân làng vẫn ngưỡng
mộ cậu Jesus, các dân làng xung quanh
cũng thế. Có một trẻ trong làng lân
cận, tên bé là Simon, bị rắn độc cắn.
Mẹ nó đem nó đến chữa với một thầy thuốc nổi danh
ở Jerusalem, nhưng chữa không được. Mẹ nó
khóc lóc, đem nó lại gặp Jesus . Thấy
bà này khóc, Jesus động
lòng thương, nắm tay Simon, nói: "Mai sau Simon
sẽ là đệ tử của tôi". Vừa nói xong, thi
Simon được lành (Sự cố này kể trong cuốn
ngoại-kinh "Sự-tích thời thơ-ấu Chúa Jesus" -
Histoire de l’enfance de Jesus).
Lời bàn của Hiram: Tướng công
có tin
hết thảy những chuyện tôi kể không?
(đến đây chấm dứt loại chuyện do Hiram kể)
-----------------------------
Marcellus trở lại
Palestine
Mùa xuân năm 758 Rô ma, hoàng
đế Auguste triệu Marcellus vô cung:
-Anh viết lịch sử Hérode đến đâu rồi, gần xong
chưa?
-Thưa hoàng đế, gần xong, nhưng càng về cuối
càng rắc rối, không có ai rắc rối như
anh Hérode này, chắc giờ này ở địa
ngục nó cũng đang gây chuyện nhức đầu.
-Thôi gác chuyện Hérode ra
bên, ta mời anh vô, vì ta cần anh đi
Palestine. Ở đó đang có rắc rối, rắc rối lớn, bạo
động ở xứ Judée, cả ở xứ Samarie, anh đến đó gởi
báo cáo gấp về cho ta hay tình
hình chính trị.
-Vậy tôi đi ngay ngày mai, phải không?
-Càng sớm càng tốt. Anh sẽ dùng đường
bộ đến cảng Brindisi, từ đó anh sẽ dùng du thuyền
của ta đi Palestine. Nay là cuối tháng 3, biển
Điạ -trung lúc này im gió, với 200 tay
chèo, anh chỉ mất 3 tuần là đã đến hải
cảng Césarée
(Xê–sa–rê).Ta cũng
đã gởi thơ hoả tốc cho Hiram, bạn anh, để nó chờ
anh ở Césarée.
-Tôi có phải đi gặp tiểu vương
Archélaus không?
-Hết tiểu vương rồi, nhưng Archélaus chưa hay...
Đây là công văn mang dấu ấn của ta ra
lịnh truất phế Archélaus, anh sẽ đưa cho khâm sai
Varus, y cũng sẽ chờ anh ở Césarée.
-Hoàng đế sẽ đặt ai lên thay?
-Chưa biết là ai. Hiện nay thì khâm sai
Varus sẽ xử lý thường vụ cho đến khi ta quyết định.
-Khi nào hoàng đế quyết định?
-Khi nhận được báo cáo của anh.
Ba tuần lễ sau, Marcellus gặp lại Hiram nơi một quán ăn nhỏ
ngoài trời hải cảng Césarée:
-Bạn thân Hiram ơi, gặp anh ta thấy trẻ lại 10 năm, mới
đây mà ta xa nhau đã 10 năm.
-Thưa tướng công, 9 năm thôi mà.
-Ờ ờ, anh nói đúng, khi hồi ta nhìn
thấy anh từ xa, ta nhận không ra, vì
cái bụng anh khá lớn.
-Quan nói đúng, bây giờ tôi
đã đổi nghề, tôi có vợ, bà
vợ suốt ngày làm bánh ngọt,
cà rem, thịt quay,... thành ra thế, khổ
thân tôi quá.
-Anh vẫn là "vua đùi chiên" đấy chứ?
-Vẫn thế, nhưng nay tôi có 4 nhân
viên lo việc bán chiên, họ di chuyển
giữa Sidon và Jerusalem, nên tôi bớt
phải đi Jerusalem. Bớt thời giờ trong việc bán
chiên, thì tôi buôn
bán nhiều thứ khác: tượng cổ bằng đá
hoa cương cuả Hy-lạp, đồ sứ của Rhodes, đồ trang sức cổ của
Phénicie; khách hàng mua những thứ
này đa số là các nhà giầu ở
Rô ma. Còn về phần quan, sao không ở
Rô ma mà viết cho xong lịch sử vua
Hérode, lại đến đây thì chắc
là có công tác gì
quan trọng lắm?
-Khi chúng ta từ biệt nhau trước đây, ta về
Rô ma một lượt với tiểu vương Archélaus, hồi
đó y đi Rô ma để cãi cho
mình, chắc anh còn nhớ. Trong khi y đi khỏi,
thì có rối loạn trong xứ Judée,
nào quân lính Rô ma cướp kho
tiền của vua Hérode để lại, cướp kho tiền của Đền thờ, người
dân Do thái chống lại, bao vây
các đồn lính Rô ma, rồi khi
Archélaus trở về, sai giết hết những người chống đối.
Hoàng đế nghi là những lộn xộn ấy là
do lỗi lầm của khâm sai Varus, và của
toàn quyền Sabinus ở Syrie, nay sai ta đi điều tra.
Bạo động ở xứ Do thái khi Archélaus vắng mặt.
-Thưa tướng công, chuyện này thật là
cực kỳ rắc rối, và gây đổ máu nhiều,
nhưng quý vị ở Rô ma không thể hiểu được.
-Giảng cho ta nghe đi, ta đã ở Jerusalem khá
lâu, nhưng thú thiệt là ta chẳng hiểu
nổi chuyện ly khai này.
-Chuyện ly khai này cũng bắt đầu như mọi cuộc ly khai
khác, bắt đầu bằng một vụ biểu tình. Năm 750
Rô ma, năm Jesus sanh ra (quý vị độc giả sẽ nhận
ra rằng có sự tròng tréo về thời gian,
khi so sánh chuyện đang kể đây với chuyện
Archélaus đi Rô ma đã kể ở đầu chương
này. Dịch giả cũng không hiểu vì sao),
ở Jerusalem có lễ Pentecôte. Với người ngoại đạo,
đây là lễ mùa gặt, để vui chơi khi
đã gặt lúa xong. Pentecôte, theo tiếng
grec, nghĩa là 50. Tính 50 ngày sau lễ
Pâque. Nếu tính tuần lễ, thì
là sau lễ Pâque 7 tuần lễ. Cũng như vào
dịp lễ Pâque, khách hành hương về
Jerusalem rất đông. Đột nhiên có xung
đột xẩy ra giữa khách hành hương và
đội quân Rô ma đang đóng ở trong
thành phố, dưới quyền chỉ huy của Sabinus, quan
toàn quyền xứ Syrie, có trách nhiệm
giữ an ninh trong khi Archélaus ở Rô ma.
-Tại sao có xung đột? Hoàng đế được
báo cáo rằng Sabinus lợi dụng khi
Archélaus còn ở Rô ma, mà
mình lại có trong tay một đội quân, y
cướp kho tiền của vua Hérode cất ở trong các đồn
lính, nhứt là trong 2 hay 3 tháp canh
sát bên Đền thờ.
-Báo cáo chánh thức thì như
thế, nhưng thưa tướng công, tôi biết chắc
là báo cáo láo. Cũng
có khi hoàng đế muốn giấu sự thật không
cho tướng công biết, vì một lý do
nào đó. Hoặc vì người báo
cáo không được thông tin đầy đủ. Ta
hãy suy nghĩ kỹ. Có bao giờ tướng công
tưởng tượng rằng khách hành hương lên
Jerusalem dự lễ Pentecôte lại giấu sẵn khí giới
trong vạt áo, nào dao găm, nào kiếm,
nào búa hay không ? Chắc là
không.Vậy mà có đấy, khách
hành hương năm đó làm vậy đấy. Cuộc
xung đột trên hè phố hồi đó
là giao chiến thực sự, đã có chủ
tâm sắp đặt từ trước.
-Anh căn cứ vào đâu mà nhận
xét như thế?
Vào hai điều. Một là dân
hành hương - phải kêu là dân
biểu tình, hơn là dân hành
hương - đã gởi thơ cho quan toàn quyền,
yêu cầu rút quân ra khỏi
thành phố, đừng cản đường một dân tộc
ngày nay ra tay "thâu hồi độc lập". Hai
là chính dân hành hương
đã ban lịnh khởi đầu cuôc giao chiến, họ
đã sắp đặt chiến thuật chiến lược như sau: khi họ đến
chân đồi Đền thờ, họ chia ra ba đoàn. Một
đoàn đến chiếm vòng đài
khán giả (amphithéâtre),
đoàn thứ hai đến chiếm mặt phía bắc và
mặt phía đông Đền thờ, đoàn thứ ba
chiếm chỗ giữa khoảng phía tây Đền thờ
và hoàng cung. (coi bản đồ đính
kèm). Rõ ràng là phong
trào nhân dân hôm
đó đã được tính toán kỹ từ
trước, và họ nói đến "độc lập của quốc gia",
chứng tỏ rằng những người lãnh đạo phong trào
là những phần tử theo chủ nghĩa quốc gia.
-Anh giải thích như thế rất đầy đủ. Hoàng đế
tưởng rằng khi không xẩy ra đụng độ đột biến, vì
cớ Sabinus thưà dịp Archélaus vắng mặt
mà ăn cướp kho tiền của vua Hérode.
-Báo cáo như thế cho hoàng đế
là hoàn toàn sai. Tệ hơn nữa, cũng
trong thời kỳ đó, vua Archélaus chưa về,
có bạo động cùng kiểu đó xẩy ra ở
nhiều thành phố khác, vụ quan trọng nhứt
là ở thành phố Sepphoris trong xứ
Ga-li-lê. Tướng công còn nhớ chăng anh
Ezéchias mà vua Hérode đã
sai treo cổ vì cớ làm khủng bố? Judas, con anh
này cầm đầu một đoàn người xâm nhập
lâu đài Hérode, cướp đi khí
giới và tiền bạc. Quan khâm sai Varus
bèn đưa 2 đội quân Rô ma đi
đánh bọn Judas, phe ly khai bị giết chết cả ngàn
trong cuộc giao tranh trên hè phố, và
hai ngàn bị bắt đi đóng đinh.
Bạo động vì đâu ?
Lý do bạo động, theo Marcellus.
-Nghe anh nói, ta bắt đầu suy luận, ta nói thử
anh nghe đúng hay không. Khi vua Hérode
còn sống, y cai trị bằng bàn tay độc
tài, nhưng y chỉ tiêu diệt những kẻ lớn để
không có ai cạnh tranh với mình
và chỉ khi đặc biệt lắm y mới sai tàn
sát dân chúng. Thành ra
trong đầu dân chúng, y là vua cao
quý không bắt họ phải đóng thuế nặng,
ghét vua thì chỉ là bọn người
có quyền thế và giầu có. Y lại
còn khôn khéo là o bế giới
thầy tế lễ, bởi thế nên ngai vàng y bền vững. Nay
y chết rồi, thì mọi người thức tỉnh, ào
ào đòi quyền lợi cho mình. Bọn con y
thì muốn cai trị. Giới tôn giáo
thì muốn được tôn trọng. Rất nhiều kẻ muốn chiếm
kho tiền bạc, kể cả người Rô ma. Mọi chuyện đó
gây ra rối loạn, Palestine như một trái
mít chín mùi, chỉ nay mai sẽ rớt
vào tay người ngoại quốc, hoặc là người
Rô ma, hoặc là người Ascarides. Mỗi khi ta
vào chầu hoàng đế, ta vẫn đề nghị là
chế độ bảo hộ hiện nay nên hủy bỏ, mà đặt
Palestine thành một tỉnh của vương quốc, thì mới
nắm chắc được cái vùng chìa
khoá trên đường đi Egypte này.
-Tôi đồng ý với tướng công. Chương
trình của tướng công thế nào?
-Việc trước mắt, là loại ra ngoài vòng
chính trị ở Judée, những con cái vua
Hérode. Trong tay ta, có chiếu chỉ của
hoàng đế truất phế Archélaus, ngày mai
ta sẽ đưa cho khâm sai Varus, vị này sẽ nắm quyền
cai trị cho đến khi có người mới.
-Người mới là ai? là tiểu vương? là
đại tiểu vương? là toàn quyền Rô ma?
-Hoàng đế chờ ta điều tra xong thì ta cho
ý kiến để hoàng đế quyết định. Nhưng chẳng cần
chờ kết thúc điều tra, ta đã tính rồi.
-Quan tính thế nào?
-Muốn phục vụ đắc lực Rô ma, đất Judée phải
là một tỉnh của Rô ma, do một vị tổng trấn cai
trị, vị này trực thuộc hoàng đế, không
phải ở dưới tay các vị khâm sai. Rồi điều thứ nhứt
ta sẽ căn dặn vị tổng trấn, là phải canh chừng
các giáo phái, nhứt là
phái zélotes.
-Tại sao canh chừng zélotes, mà không
canh chừng esséniens?
-Phái esséniens không có chủ
nghĩa quốc gia, ho không có chủ trương
bán linh hồn mình cho các vua Parthes
đang cai trị xứ Perse. Phái zélotes
thì ngược lại, họ có thể. Nếu các vua
Parthes đề nghị làm cho họ độc lập,với điều kiện
quân đội Parthes được tự do kéo đi băng ngang, họ
sẽ nhận lời ngay. Lúc đó thì
Rô ma phải "ô rơ voa" vùng
Đông phương.
-Xin bái phục, bái phục lời nhận xét
chín chắn và xác đáng của
tướng công. Tướng công cần tôi
giúp gì không?
-Những nhận xét trên, ta cần báo
cáo về hoàng đế, mà không
qua đường công văn thường lệ, sợ bị "bật mí".
Làm cách nào đây?
-Thưa tướng công, dễ lắm. Tôi có một
chuyến tầu hoả tốc chở hàng đi Rô ma
ngày mai, chỉ huy trưởng và nhân
viên đều không ai biết đọc tiếng latin. Đưa
báo cáo đây tôi, hết sức một
tháng sau là nó sẽ ở trong tay
hoàng đế.
-Sáng mai ta đưa cho anh. Đêm nay ta viết.
Mà đêm nay chúng ta ngủ đâu?
-Tôi đã dành cho tướng công
một biệt thự ở cảng Césarée này.
Và bây giờ thì chúng ta phải
uống và ăn tối, ngày đã quá
dài.
Sáng hôm sau, Marcellus trao cho Hiram một cuộn
giấy đóng ấn của mình, cuộn giấy là
báo cáo gởi về hoàng đế Auguste.
Đuốc Thiêng 99
01
Bao
lâu? - ĐTPÂ
02
Thơ:
Chúc Tết
- Tiền Đăng
03
Năm mới:
người mới - Mục sư Nguyễn Văn Bình
04
Thơ:
Xuân về
- Bình Tú Ngọc
05
Cuộn chỉ thời
gian
- Nguyễn Đình Bùi Thị
06
Mùa
Xuân của Anh Hai Mít - Mai
Đào
07
Thơ: Tết về
thăm
quê hương
- Linh Quyền
08
Đời chẳng ai
ngờ
- Vinh Bằng
09
Thơ:
Sống kết quả
- Bình Tú Ngọc
10
Thương lắm
quê hương tôi
- Bà Lê Văn Bắc
11
Thơ: Cảm
thương -
Võ Chánh Tiết
12 Xứ Do Thái khi
Chúa Jêsus khởi sự công tác
-
Mai Đào
13
Tiểu sử
Thánh Ca - Phan Gia
14
Giêrusalem,
4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
15
Sinh ra từ
phần mộ
- Mỹ Khánh Fleckner
16
Tin Tức
- Vinh Bằng