Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)

Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng

Đuốc Thiêng 99, tháng 02 năm 2009
(Xin xem từ Đuốc Thiêng 74)

Song song với công tác truyền giảng cho kiều bào và đồng hương tị nạn Việt Nam trên khắp nước Pháp, tháng 12 năm 1975, chúng tôi khởi sự phát hành tờ báo Thông Công góp phần vào công tác phổ biến lời Chúa, gây dựng niềm tin tín hữu, truyền bá Phúc âm, thông công liên lạc với người Việt chẳng những ở Pháp mà còn ở các nước khác nữa. Tôi giữ Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút, Ông Dương Quang Đức, Thư Ký Tòa Soạn, sau nầy trở thành Truyền Đạo Tình Nguyện của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu, sau sang Hoa kỳ hành chức vụ Mục sư ở Tampa (Florida, Hoa kỳ), và Ông Trần Albert, một con cái  Chúa sang Pháp lâu năm giữ chức Thủ quỹ. Thỉnh thoảng có Nguyễn Duy Tân, sinh viên y khoa từ Toulouse đến đánh máy, viết bài, làm thơ đăng báo, nay là Mục sư bác sĩ ở San Leandro (California, Hoa kỳ), có kiến trúc sư Nguyễn Hữu Đồng, thương gia của cửa hàng Việt Nam trong siêu thị Europe ở Evry, đối diện ngang nhà ở của chúng tôi, vẽ hình bìa cho các số báo rất đẹp mắt. Đây là tờ báo tiếng Việt đầu tiên của cộng đồng Tin Lành Việt Nam ở hải ngoại. Một tờ báo nghèo nàn không thể tả được. Khởi đầu chỉ có 12 trang A4, đánh máy trên stencil và in ra bằng một dụng cụ có lẽ chẳng ai ngờ được, xuất hiện ở ngay một trong những nước có nền kỹ thuật in ấn sách báo tân tiến nhất hoàn cầu.

Tòa soạn đặt tạm ở phòng khách trong nhà chúng tôi trên lầu 6, tại số 308 Allée du Dragon, 91000 Evry, chỉ vỏn vẹn có một máy đánh chữ xách tay bằng tiếng Việt do ông Albert cho mượn. Máy in là một khuông gỗ do tôi thiết kế rập theo phương tiện in ấn khi tôi còn ở Việt Nam. Thuở ấy, các Hội Thánh ở Việt Nam, nhất là các Hội thánh miền quê, kể cả một số Hội Thánh ở tỉnh thành nữa, làm gì có máy ronéo in chương trình thờ phượng, hoặc khai trình, thông cáo nầy nọ của Hội Thánh hằng tuần. Đem ra nhà in thì tốn kém, ngân sách Hội thánh không đủ sức chi trả. Anh em trong Ban Trị Sự Hội Thánh nghĩ ra cách đóng một khuông gỗ, vừa vặn khổ giấy A4,  trên có khung vải dùng trét mực, mặt dưới khung  đặt tờ stencil đánh máy sẵn ép vào, khung kéo lên đặt xuống được. Một ống tròn có tay cầm lăn  nhẹ và đều trên mặt khung mực sẽ in được một trang giấy ở phía dưới, cứ thế mà làm cho đến khi  đủ số qui định mới thôi. Có khi phải thay stencil vì đẩy tới đẩy lui nhiều lần bị rách hoặc nét chữ bị lệch lạc méo mó hay to phì ra lem luốt. Vậy mà công việc hành chánh của Hội thánh cũng tốt đẹp lắm.

Thế là tôi đem phương cách thô thiển đó áp dụng cho việc làm báo ở Paris.Vạn sự khởi đầu nan, dù cố gắng đến đâu số in lúc đầu có hạn, chỉ trên dưới trăm bản, trông lại thô kệch, chữ đọc phì to, nhưng con cái Chúa và đồng hương vui vẻ đón nhận, thông cảm,  khuyến khích và ủng hộ. Nơi «Bức thư tòa soạn» trong số báo đầu tiên, Ban Biên Tập báo Thông Công viết như sau:

«Kính thưa Bạn đọc, theo đề nghị của một số con cái Chúa và thể theo tinh thần của phiên họp Ban Trị Sự Hội Thánh ngày 23-11-1975, đã đồng ý chấp thuận từ nay Hội Thánh Tin Lành Việt Kiều tại Pháp cần có một tờ báo làm phương tiện thông tin trong tinh thần thông công, gầy dựng đức tin và truyền bá ơn cứu rỗi của Chúa. Chúng tôi, một số người đứng ra nhận lãnh trách nhiệm cho ra đời tờ báo nói trên lấy tên là tờ «THÔNG CÔNG». Thật ra chúng tôi không dám nhận đây là tờ báo, nhưng đấy chỉ là bản tin hằng tháng kèm theo một số ơn phước mà chúng tôi nhận được qua các bài giảng hoặc qua các sách báo Cơ Đốc, chúng tôi ghi lại và kính gởi đến quý độc giả với mục đích thông công, liên lạc với nhau.

Tờ Thông Công đến với quý độc giả mỗi tháng một lần. Đây là tờ báo ra đời trong đức tin và cũng sẽ sống bởi đức tin. Với số phát hành đầu tiên, không có một đồng trợ cấp bất cứ từ đâu, không có dụng cụ cần thiết, kể cả phải tự in ronéo bằng tay vì không có máy. Dĩ nhiên từ hình thức đến nội dung không thể nào tránh khỏi những sơ xuất và thiếu sót. Chúng tôi mong quý độc giả thông cảm hoàn cảnh của chúng tôi mà tiếp nhận trong tinh thần rộng lượng tha thứ. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận những ý kiến xây dựng, những bài vở đóng góp, kể cả sự ủng hộ dụng cụ, giấy in và tài chính, ngỏ hầu tờ THÔNG CÔNG có thể sống lâu dài làm gạch nối thông công, liên lạc giữa chúng ta.

Nhân dịp nầy, chúng tôi thành thật tỏ lòng cám ơn Ông bà Gilbert, Ông bà François đã ủng hộ chúng tôi một số giấy in và Ông Albert Trần đã đóng tặng chúng tôi một bàn in bằng cây, Ông bà Vũ Đức Anh tặng chúng tôi một agrafe (dụng cụ dùng đóng báo). Cầu xin Chúa xuống phước dư dật trên quý ông bà. Xin quý vị cầu nguyện cho chúng tôi và hằng ủng hộ chúng tôi. Thành thật cám ơn quý vị».

Tờ báo số 1, số 2 gởi đi, nhiều con cái Chúa khắp nơi cũng như đồng hương chúc mừng, hoan nghinh đón nhận, viết thư khuyến khích, nâng đỡ, có người còn gởi tiền ủng hộ nữa. Ông Phan văn Chương, một con cái Chúa du học ở Pháp lâu năm, có bằng tiến sĩ vật lý, hóa học nhận đưọc tờ báo Thông Công in bằng tay đã cảm động mua tặng cho Thông Công một máy quay ronéo điện gởi ngay đến cho kịp số báo Tết Bính Thìn vào tháng 2 năm 1976, nhờ vậy mà bắt đầu từ Thông Công số 3 trở đi tờ báo in đẹp hơn nhiều, và số phát hành cũng tăng lên đến cả 500 số. Từ đó bài vở từ các tác giả đóng góp mỗi ngày càng nhiều, tờ báo mang nôi dung phong phú hơn, số trang báo thêm nhiều hơn, từ 12 trang lúc đầu dần dần đến tới 26 trang A4.

Cuối tháng 11 năm 1978, khi chúng tôi sắp dời nhà về địa chỉ mới ở 5 Villa du Maine, 77186 Noisiel, Cơ quan truyền giáo của Hội Thánh Hòa Lan biếu tặng chúng tôi một máy Stencil électronique, tối tân nhất trong thời đó, chụp những bài bào đánh máy trên giấy, cả hình ảnh mà không phải đánh máy trực tiếp vào giấy stencil, công việc báo chí có bề thanh thản hơn. Chúng tôi cũng bắt đầu mua một số máy photocopie in báo thay cho quay ronéo. Mỗi thứ bảy anh em tự nguyện tới Noisiel giúp đánh máy bài vở, mà  anh em gọi tắt  là «đánh bài». Người đánh bài, người in, người đóng báo, người  xếp báo rộn rịp vui vẻ vô cùng. Mãi tới năm 1989, công tác báo chí mới đạt tới kỷ thuật tân tiến, do máy vi tính mang tới, lúc đó gọi là máy điện toán (Computer) dù rất mắc tiền, được chúng tôi sử dụng vào công tác báo chí. Việc đánh máy, xếp trang do máy vi tính đem đến có phần dễ dàng lắm, do đó tờ báo đổi khổ lớn thành khổ nhỏ gọn gàng, đẹp hơn, số trang tăng lên 52, số in lên đến 1000 số mỗi kỳ, lại giao cho nhà in ấn loát, kể từ đó tờ báo mang nét mới mẻ, ai nấy đều thích. Thông Công sống được tới 14 năm, đến số 113 mới chấm dứt mà không hề bị thiếu hụt tài chính. Việc Thông Công đình bản không phải vì thiếu tiền bạc, cũng không phải vì thiếu nhân lực hoặc thiếu bài vở. Đang lúc tờ báo phổ biến rộng rãi khắp nơi từ Pháp đến Âu châu, Mỹ châu, Úc châu, Việt Nam, cả đến một số đồng bào ở các trại tị nạn Đông Nam Á lúc bấy giờ cũng nhận được, thì chính lúc ấy tờ báo được mời gọi hy sinh cho công tác lợi ích hơn của Hội thánh.

Số là từ tháng 7 năm 1987, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu do tôi giữ chức vụ Chủ Tịch (1982-1991), (sau nầy đổi thành Giáo Hội Trưởng) có tờ báo Đất Mới, tiếng nói của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu. Chính tôi lại là Chủ Nhiệm tờ báo, có lúc còn giữ cả Chủ nhiệm kiêm Chủ bút. Vừa đảm trách tờ báo Đất Mới của Hội Thánh Âu Châu, vừa điều hành tờ báo Thông Công của Hội Thánh Paris, một mình không tài nào gánh vác nổi, đành phải ngưng tờ báo Thông Công chờ đợi đến khi có người thay thế hoặc sau nầy lúc nào có cơ hội sẽ tiếp tục tái bản. Tờ báo Đất Mới lúc đầu cũng in khổ lớn với 40 trang A4, nhờ giao cho nhà in nên có bìa màu, có hình ảnh rất đẹp, bài vở, tin tức khá phong phú. Về sau Đất Mới cũng lại đổi thành khổ nhỏ cho thích hợp và tiện lợi hơn cho độc giả. Tuy nhiên tờ báo Đất Mới cũng sống không được lâu, kéo dài tới số 60 thì chấm dứt, nguyên nhân cũng chỉ vì hy sinh qua lại với nhau mỗi khi cần thiết. Sự việc diễn biến như sau:

«Thưa quý độc giả, từ cuối năm 1975, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại Pháp đã cho ra đời tờ báo Thông Công làm cơ quan bồi linh, truyền giảng Phúc Âm và liên lạc với đồng hương Việt Nam sống rãi rác khắp nơi trên thế giới. Tờ báo đã phát hành đến số 113, đã được nhiều độc giả trong ngoài Hội Thánh tiếp đón và ủng hộ nồng hậu. Đến tháng 9 năm 1989, vì nhu cầu của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu lúc bấy giờ, nhất là đang lúc tờ báo Đất Mới của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu vừa đến số 2 phải đình bản vì thiếu nhân lực và tài chánh, do đó Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Paris đã vui chịu tạm ngưng báo Thông Công trong một thời gian để dồn nhân và tài lực giúp cho Đất Mới hồi sinh. Ba năm qua, tờ báo Đất Mới đã vững vàng và hiện có Ban Biên Tập Mới.

Trong phiên họp vào tháng 4 năm 1992, Ban Chấp Hành Giáo Hạt Tin Lành Việt Nam tại Pháp và Ban Chấp Hành Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Paris quyết định tái bản tờ Thông Công để tiếp tục tiếng nói của Hội Thánh. Nhận thấy tại Hoa kỳ có tờ Thông Công, dù ra đời sau Thông Công tại Pháp, để tránh trùng tên, Ban Biên Tập quyết định đổi tên THÔNG CÔNG ra ĐUỐC THIÊNG với niềm ao ước tờ báo sẽ chiếu sáng vinh quang Chúa như ngọn đuốc cho mọi người qua những bài dưỡng linh, truyền giảng, qua văn thơ, khảo luận và nhiều bài viết khác của những cây viết quen thuộc, nhất là những bài đóng góp của độc giả để cùng xây dựng một cuộc sống lành mạnh, yêu thương, thánh thiện, chiếu sáng như đuốc giữa thế gian mờ tối hiện nay.

Ban Biên Tập mong ước quý độc giả tiếp đón Đuốc Thiêng như là người bạn trìu mến, thân thương, hy sinh cho đại cuộc nay trở về với một chức vị mới, làm Đuốc Thiêng soi rọi vào lòng nhân thế. Ban Biên Tập cũng ước mong trước kia quý độc giả hết lòng ủng hộ Thông Công thể nào, thì nay cũng nâng đỡ và ủng hộ Đuốc Thiêng thể ấy. Toàn Ban Biên Tập Đuốc Thiêng thành thật cám ơn mọi sự nâng đỡ của quý độc giả. Cầu xin Chúa Toàn Năng ban dư dật mọi nguồn ân phúc sung mãn của Ngài trên quý độc giả » (Chủ Nhiệm kiêm Chủ bút: Mục sư Nguyễn văn Bình).

Thời gian trôi qua 7 năm, bỗng dưng tương lai của Đất Mới lại phải đối diện với hoàn cảnh éo le mới. Số là từ năm 1999-2008, tôi lại được Đại Hội Tin Lành Việt Nam Âu Châu lần thứ 15 đến 23 bầu cử vào chức vụ Giáo Hội Trưởng liên tiếp 3 nhiệm kỳ, tổng cộng 9 năm. Tới lúc nầy tôi đảm trách Đuốc Thiêng 7 năm rồi, bây giờ lại giữ thêm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Đất Mới trở lại nữa. Một mình một lúc phải điều hành hai tờ báo. Trước kia đã hy sinh báo Thông Công cho Đất Mới rồi, bây giờ có nên hy sinh tờ báo Đuốc Thiêng để tiếp tục tờ báo Đất Mới nữa không? Thế nhưng lần nầy thì khác, Đuốc Thiêng được duy trì, còn Đất Mới phải tạm ngưng cho đến khi có một Giáo Hội Trưởng mới thay thế. Tờ Đuốc Thiêng tạm giữ vai trò vừa là tiếng nói của Hội Thánh Tin Lành Âu Châu vừa là tờ báo của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Paris.

Nội dung tờ báo Đuốc Thiêng gồm những bài truyền giáo, những bài giảng bồi linh, những bài nghiên cứu thần học hoặc lịch sử như Thánh Kinh Nhân Địa Sử, Giêrusalem 4000 năm lịch sử, Mẹ Mari con Giê Xu, Xứ Do Thái thời Chúa Giê Xu sinh ra, văn chương Việt Nam, khoa học và đời sống, hồi ký «Đời chẳng ai ngờ», những bài thơ mới sáng tác, đặc biệt còn có truyện ngắn mỗi kỳ. Phần tin vắn  khắp nơi cùng những tin tức sinh hoạt của Hội Thánh cũng là những tiết mục nhiều người ưa thích. Một số độc giả thương yêu Đuốc Thiêng đến nỗi mỗi tháng đều ủng hộ tài chánh dù tờ báo chỉ phát hành hai tháng môt số, lại còn viết thư khích lệ khiến tinh thần ai nấy đều phấn chấn dấn thân làm việc ngày đêm dù không hề hưởng một thù lao nào. Người gởi bài đóng góp cho báo chẳng những không hề có một xu nhuận bút, trái lại còn dâng hiến thường xuyên cho tờ báo được sống để có cơ hội viết bài thêm.

Gần 34 năm liên tục làm báo ở hải ngoại, với ba tờ báo: Thông Công, Đất Mới, Đuốc Thiêng, tổng cộng gần 250 số báo, nhớ lại những gian khổ, những vui buồn, những tình cảm, quả là những kỷ niệm không phải tìm đâu cũng có.






Đuốc Thiêng 99

01 Bao lâu? - ĐTPÂ
02 Thơ: Chúc Tết - Tiền Đăng
03 Năm mới: người mới - Mục sư Nguyễn Văn Bình
04 Thơ: Xuân về - Bình Tú Ngọc
05 Cuộn chỉ thời gian - Nguyễn Đình Bùi Thị
06 Mùa Xuân của Anh Hai Mít - Mai Đào
07 Thơ: Tết về thăm quê hương - Linh Quyền
08 Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
09 Thơ: Sống kết quả - Bình Tú Ngọc
10 Thương lắm quê hương tôi - Bà Lê Văn Bắc
11 Thơ: Cảm thương - Võ Chánh Tiết
12 Xứ Do Thái khi Chúa Jêsus khởi sự công tác - Mai Đào
13 Tiểu sử Thánh Ca - Phan Gia
14 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
15 Sinh ra từ phần mộ - Mỹ Khánh Fleckner
16 Tin Tức - Vinh Bằng