Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)

Sinh ra từ phần mộ - Mỹ Khánh Fleckner

Đuốc Thiêng 99, tháng 02 năm 2009



Tác giả : Paul Tillich
Chuyển ngữ: Mỹ Khanh Fleckner
Nguyên-tác : sách "In der Tiefe ist Wahrheit"

"Đến chiều tối, có một người giàu, ở thành A-ri-ma-thê, tên là Giô-sép, chính là một môn đồ của Đức Chúa Jêsus, đến nơi Phi-lát mà xin xác Đức Chúa Jêsus. Phi-lát bèn truyền cho. Giô-sép lấy xác Ngài mà bọc trong tấm vải liệm trắng, và đưa để trong một cái huyệt mới mà người đã khiến đục cho mình trong hòn đá; đoạn, lăn một hòn đá lớn đến trước cửa mồ, rồi đi. Có Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri khác ở đó, ngồi đối ngang huyệt. Đến ngày mai (là ngày sau ngày sắm sửa), các thầy tế lễ cả và người Pha-ri-si cùng nhau đến Phi-lát mà nói rằng: Thưa chúa, chúng tôi nhớ người gian dối nầy, khi còn sống, có nói rằng: Khỏi ba ngày thì ta sẽ sống lại. Vậy, xin hãy cắt người canh mả cẩn thận cho đến ngày thứ ba, kẻo môn đồ nó đến lấy trộm xác đi, rồi nói với chúng rằng: Ngài đã từ kẻ chết sống lại. Sự gian dối sau đó sẽ tệ hơn sự gian dối trước. Phi-lát nói với họ rằng: Các ngươi có lính canh; hãy đi canh giữ theo ý các ngươi. Vậy, họ đi, niêm phong mả Ngài lại, cắt lính canh giữ, lấy làm chắc chắn lắm". Ma-thi-ơ 27:57-66

Tại phiên tòa xử tội phạm chiến tranh (Toà án Nuremberg (Đức), 1945-1946, xử các tội-phạm Đức quốc-xã đã gây ra trong thế-chiến 1941-1945), có một người ra làm chứng. Người nầy đã sống rất lâu trong một ngôi mộ ở nghĩa trang Do Thái tại Wilna. Đây là chỗ trốn duy nhất của người nầy và nhiều người khác, sau khi thoát khỏi các phòng hơi ngạt. Trong thời gian sống ở đây, anh ta đã làm thơ, trong đó có một bài diễn tả em bé chào đời, sự-cố như sau: Trong ngôi mộ sát bên nấm mộ làm chỗ trốn của anh, có một người đàn bà sinh được một đứa con trai. Đỡ đẻ cho bà, là một phu đào huyệt già 80 tuổi, mặc đồ tang. Lúc đứa bé cất tiếng khóc chào đời, người phu đào huyệt này đã cầu nguyện như sau: "Lạy Chúa, phải chăng thế là nay Ngài đưa Đấng Mê-si đến với chúng con? Vì có ai có thể chào đời trong mồ mả ngoài Đấng Mê-si!" Ba ngày sau, nhà thơ của chúng ta thấy đứa bé uống những giọt lệ của mẹ nó vì bà mẹ không có sữa để cho con bú.

Câu chuyện trên đây vượt quá sự tưởng tượng của con người. Nó đã làm cho chúng ta vô cùng xúc động, mà còn có một ý nghĩa biểu tượng rất lớn. Lần đầu tiên sau khi đọc xong, tôi ý thức mạnh mẽ hơn bao giờ hết một điều, đó là trong những câu chuyện Phúc Âm kể, những biểu tượng Cơ đốc giáo đã mất đi phần lớn năng quyền, bởi vì đã được lập đi lập lại quá nhiều và sử dụng một cách hết sức hời hợt. Người ta không nhớ nữa rằng máng cỏ chào đời của Chúa mô tả sự nghèo hèn, cùng khổ, trước khi trở thành nơi có thiên sứ hiện đến và ngôi sao hướng tới. Người ta không nhớ nữa rằng nấm mộ của Chúa Giê-xu là chỗ kết thúc cuộc đời và công trình của Ngài, trước khi trở thành chỗ Ngài chiến thắng vĩnh viễn. Chúng ta không còn xúc cảm trước sự căng thẳng tột độ trong những chữ "chịu thương khó..., bị đóng đinh trên thập tự giá, chịu chết và chôn..." trong bài Tín Điều Các Sứ Đồ. Vì vừa nghe xong mấy chữ đó, chúng ta đã biết ngay câu kế tiếp "Đến ngày thứ ba, Ngài từ kẻ chết sống lại..." Với nhiều người, đương nhiên sự kiện Chúa sống lại là một cái kết thúc có hậu  Ông già đào huyệt người Do Thái biết xúc cảm đó rõ hơn chúng ta. Đối với ông, sự hồi hộp trông đợi Đấng Mê-si đã trở thành hiện thực, hiện thực đó xảy đến trong tương phản lớn giữa điều ông thấy và hy vọng trong ông.

Cao điểm sự hồi hộp của câu chuyện được mô tả trong phần cuối. Sau ba ngày, đứa bé không được đưa lên vinh hiển thiên đàng, nó uống những giọt lệ của mẹ nó vì không có gì khác để uống. Rất có thể đứa bé đó đã chết và hy vọng của người đàn ông Do Thái lại một lần nữa bị đánh lừa, như những lần lầm tưởng trước đó. Không có một chút an ủi nào trong câu chuyện - vì kết thúc không vui -nhưng hoàn toàn tương ứng với sự thật trong đời sống. Trong quyển "Credo" của Karl Barth, có một chỗ nói về chữ "chôn" trong bài Tín Điều Các Sứ Đồ rất đáng chú ý: "Chắc chắn trước mắt mọi người và hiển nhiên, khi một người bị chôn - dù có vẻ như vẫn còn, nhưng thật sự đã khuất mặt - người đó không còn hiện tại và không còn tương lai nữa. Kẻ đó chỉ là dĩ vãng. Chỉ còn nhờ kỷ niệm người ta mới nhớ tới, và chỉ được nhớ tới khi người ta có thể nhớ và sẵn lòng nhớ, cho đến khi cả kỷ niệm đó cũng bị chôn vùi. Và tương lai mà toàn thể nhân loại đang theo đuổi, đó chẳng qua là: để bị chôn." Ba chữ này mô tả đúng tình trạng lúc ông già người Do Thái cất lời cầu nguyện: "Chúa ôi! Phải chăng nay Ngài đưa Đấng Mê-si đến với chúng con?"

Thông thường, chúng ta không coi trọng cho lắm chữ "chôn", kể cả việc Đấng Christ bị chôn cũng như chúng ta bị chôn-vì nghĩ rằng không phải chúng ta bị chôn hoàn-toàn, mà chỉ có một phần không quan trọng nào đó của mình hay của thân thể mình mà thôi. Nhưng đó không phải là điều hàm chứa trong bài Tín Điều. Trong đó ta đọc được chính Đức Chúa Giê-xu đã "chịu thương khó, chịu chết và chôn" và "đã sống lại" Ngài đã bị chôn, cả con người Ngài bị đất lấp vùi. Chúng ta cũng thế, cũng sẽ chết và cả con người mình, cái con người mà thân xác không thể tách ra như một bộ phận tình cờ, sẽ bị chôn.

Chỉ khi chúng ta chân thành tiếp nhận sự "chôn mình" theo Phúc Âm, chúng ta mới nhận ra giá trị của sự kiện Phục Sinh của Chúa, và lời nói của ông già đào huyệt: "Ngoài Đấng Mê-si ra, ai có thể sinh ra từ trong mộ phần?" Câu hỏi nầy có hai mặt. Chỉ có Đấng Mê-si mới có thể làm cho sự sống bừng dậy từ cõi chết. Đây không phải là chuyện thường ngày xảy ra, cũng không phải là một hiện tượng thiên nhiên. Mà là một sự kiện chỉ xảy ra trong ngày của Đấng Mê-si. Là sự-kiện sâu nhiệm lạ lùng nhất và nghịch lý nhất trên đời. Sự sống đi ra từ mộ phần không thể xảy đến để làm chứng rằng có một phần tốt hơn trong bản thân chúng ta bất tử. Sự sống đời đời chỉ xuất phát qua một "cuộc đời mới" mà theo đức tin của chúng ta, đã hiện ra trong Đức Chúa Giê-xu Christ.

Nhưng cho rằng ngoài Đấng Mê-si ra, không ai có thể sống lại từ trong cõi chết được, còn có một mặt khác mà có thể người đào huyệt Do Thái tin kính không ý thức được. Đấng Christ phải được chôn rồi mới thật sự là Đấng Christ, Đấng chiến thắng sự chết. Câu chuyện phục sinh mà Phúc Âm ghi lại là bằng chứng của một cái chết không chối cãi được và Ngài đã bị chôn. Những người đàn bà, các thầy tế lễ cả, những người lính canh, hòn đá niêm phong là những thứ Phúc Âm dựa vào để chứng tỏ Ngài thật đã chết. Dù được người ta nói cho nghe với giọng hờ hững hay với giọng đắc thắng, chúng ta cũng nên quan tâm hơn, rằng Chúa đã được chôn, rằng Ngài vĩnh viễn rời trần thế và không còn dấu vết nào để lại trên dương trần. Và cũng nên để tâm nhiều hơn đến những người nghi ngờ thất vọng, bảo: "Thế mà chúng tôi đã tin rằng Ngài là Đấng phải đến, đến để giải cứu dân Y-sơ-ra-ên". Ngày nay, không mấy khó nghe cả hai tiếng nói đó trong thế gian có quá nhiều chỗ giống cái nghĩa địa Do Thái ở Wilna. Kể cả trong lòng chúng ta, của mỗi con người. Khi nghe được rồi, ta phải trả lời ra sao? Chúng ta phải tìm ra câu trả lời, vì những gì ta thấy trong ngày lễ Phục Sinh không có được câu trả lời ta cần. Trong thực tế, mọi việc không đương nhiên dẫn đến một kết thúc có hậu như kết thúc các chuyện phim mà con người làm ra. Đấng Christ có chết đi và được chôn thì mới có sự Phục Sinh. Cuộc đời mới không thật sự là đời mới nếu không đi ra từ sự tận cùng của cuộc đời cũ. Nếu không, phải đem chôn nó một lần nữa. Nhưng khi cuộc đời mới từ mồ mả bước ra thì thật chính Đấng Mê-si đã hiển hiện.





Đuốc Thiêng 99

01 Bao lâu? - ĐTPÂ
02 Thơ: Chúc Tết - Tiền Đăng
03 Năm mới: người mới - Mục sư Nguyễn Văn Bình
04 Thơ: Xuân về - Bình Tú Ngọc
05 Cuộn chỉ thời gian - Nguyễn Đình Bùi Thị
06 Mùa Xuân của Anh Hai Mít - Mai Đào
07 Thơ: Tết về thăm quê hương - Linh Quyền
08 Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
09 Thơ: Sống kết quả - Bình Tú Ngọc
10 Thương lắm quê hương tôi - Bà Lê Văn Bắc
11 Thơ: Cảm thương - Võ Chánh Tiết
12 Xứ Do Thái khi Chúa Jêsus khởi sự công tác - Mai Đào
13 Tiểu sử Thánh Ca - Phan Gia
14 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
15 Sinh ra từ phần mộ - Mỹ Khánh Fleckner
16 Tin Tức - Vinh Bằng