Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)

Tiểu sử Thánh Ca - Phan Gia

Đuốc Thiêng 99, tháng 02 năm 2009



NGỢI GIÊ-HÔ-VA THÁNH ĐẾ

Ngợi Giê-hô-va Thánh Đế,
Là Chân Chúa Áp-ra-ham,
Từ xưa cho đến vĩnh viễn độc tôn, bác ái siêu phàm.
Trời đất thảy thảy chứng minh,
Tự hữu, vĩnh hữu duy Ngài.
Quỳ đây tôi tung hô Đấng chí Thánh, hiển vinh lâu dài!

“NGỢI GIÊ-HÔ-VA THÁNH ĐẾ” là bài hát thứ ba trong bộ sưu tập Thánh Ca của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, từ lâu đã được chuyển lời sang Việt ngữ. Những bài thánh ca này đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống thuộc linh của những người tín hữu Việt Nam, đồng thời cũng là người bạn đồng hành với các cơ đốc nhân người Việt trong suốt nhiều thập niên qua trên con đường bước đi theo Chúa Giê-xu mỗi ngày.

“NGỢI GIÊ-HÔ-VA THÁNH ĐẾ” có lẽ là một bài hát mang âm hưởng Do Thái nhất trong các bài thánh ca Cơ Đốc. Bài hát  này đã trải qua nhiều thế kỷ, và được chuyển sang nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Nguồn gốc của nó xuất phát từ một học giả người Do Thái thời trung cổ Moses Maimonides (1135-1204), là người đã viết nên lời xưng nhận đức tin chứa đựng 13 tín điều.

Các thế kỷ sau đó, vào năm 1404, một học giả người Do Thái khác là Daniel Ben Judah, một thẩm phán, một nhà thơ chuyên về lễ  nghi thờ phượng tại Rome đã thật sự bị cuốn hút bởi bài tín điều của Maimonides, nên ông đã sáng tác bài hát tôn vinh có tên là “Yigdal”; bài hát này gồm 13 bài tứ tuyệt, được sử dụng một cách rộng rãi cho đến ngày nay trong trong các nhà hội Do Thái.

Nhiều thế kỷ sau, vào năm 1770, có một giọng ca opera nổi tiếng tên là Meyer Lyon đã hát bài Yigdal ở tại nhà hội London’s Great Synagogue, ở Duke’s Place. Không ngờ trong đêm hôm đó, trong phòng thích giả có sự tham dự của Thomas Olivers. Tôi thiết nghĩ cũng nên dành vài dòng để miêu tả gia cảnh của ông, để thấy được điều gì đã xảy ra với con người này, đồng thời để thấy được quyền năng nhiệm màu của Đức Chúa Trời trong việc tái tạo cuộc đời của những con người bị bỏ rơi giữa vòng đời.

Thomas Olivers (1725-1799) sinh ra tại Tregynon xứ Wales, bị mồ côi từ lúc lên bốn tuổi. Ông đã học nghề làm giày da theo cách thủ công, nhưng ông học hát thì giỏi hơn nhiều. Nhiều người biết về cậu bé này và xác nhận rằng “Cậu bé tồi tệ nhất này được biết đến tại Tregynon trong ba mươi năm.”

Vào lúc Thomas 18 tuổi, ông đã bị ném ra ngoài phố, thế là ông đi lang thang xuống Bristol, Anh Quốc. Xảy ra, tại đó có một nhà truyền giáo tên là George Whitefield đang giảng về Xa-cha-ri 3:2 "... Chớ thì nầy há chẳng phải là cái đóm đã kéo ra từ lửa sao?"

Thomas nhớ lại rằng “Khi bài giảng bắt đầu, tôi là một trong những người thanh niên bị ruồng bỏ, phóng đãng, và trác táng nhất trong những người trẻ tuổi đang sống hiện thời, và khi bài giảng kết thúc thì tôi là một tạo vật mới. Thế giới này đối với Thomas thật sự đã thay đổi”. Sau đó ông đã trở thành một nhà truyền giáo lưu động, một người tham gia vào công tác hội thánh một cách nhiệt thành hơn bao giờ hết.

Vào trong đêm Sa-bát năm 1770, khi Thomas nghe Meyer Lyon hát bài Yigdal, ông thật sự bị cảm thúc đến nỗi sau đó ông tiến sát đến với âm nhạc của Meyer Lyon và phỏng theo bài hát tôn vinh của người Do Thái để làm thành một bài thánh ca Cơ Đốc gồm 13 bài tứ tuyệt, bắt đầu bằng bài hát: “NGỢI GIÊ- HÔ-VA THÁNH ĐẾ” trong tiếng Anh là: “THE GOD OF ABRAHAM PRAISE”
Thomas đã chú thích cho hầu hết các dòng của bài hát bằng cách trích dẫn một số tham khảo trong Thánh Kinh. Trích dẫn đầu tiên trong bài hát này là Xuất 3:6 “Ta là Đức Chúa Trời của tổ phụ ngươi, Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, và Đức Chúa Trời của Gia-cốp...” Bài hát này xuất hiện vào năm 1785 trong bộ sưu tập thánh ca có tên là “Pocket Hymnbook” của John Wesley. 


NGÀY NAY CHÚA PHỤC SANH

Ngày nay Chúa phục Sanh phước bấy, Ha-lê-lu-gia!
Người, thiên sứ reo lên như vậy, Ha-lê-lu-gia!
Cùng dâng khải hoàn ca chúc khánh, Ha-lê-lu-gia!
Thiên cung hát, địa hạ ứng thanh, Ha-lê-lu-gia!

Bài hát thánh ca số 104 có tựa đề “NGÀY NAY CHÚA PHỤC SANH” trong tiếng Anh là “CHRIST THE LORD IS RISEN TODAY” do Charles Wesley sáng tác, và được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1739. Ông sinh năm 1708 và qua đời vào năm 1788, để lại rất nhiều con cháu thuộc linh, cùng với những tác phẩm thánh ca Cơ Đốc bất hủ mà ngày nay được sử dụng rộng rãi trong hầu hết các hội thánh trên thế giới. Không ai biết được bối cảnh cụ thể khi ông sáng tác bài thánh ca này, dầu vậy chúng ta cũng nên dành vài phút để đọc lại một số những lời chứng về những sự kiện trong cuộc đời của Charles Wesley, để có thể hiểu phần nào tác phẩm thánh ca mà ông đã viết nên.

John và Charles Wesley đã sớm đã nhận thấy chính mình không được những mục sư đồng nghiệp Anh Giáo tạo điều kiện thuận lợi trong việc giảng dạy. Những mục sư này, thời bấy giờ tìm cách hất bỏ những người truyền giáo phúc âm bốc lửa và nhiệt thành. Và thế là nhiều bục giảng của John và Charles đã bị đóng lại.

Tuy vậy, có một người bạn của ông tên là George Whitefield ở tại Oxford, lúc bấy giờ 22 tuổi, cũng có cùng một nan đề tương tự, nhưng George Whitefield đã bắt đầu giảng dạy ngoài trời. Tại London, ông đã đề nghị Charles cộng tác với ông khi ông giảng Phúc Âm cho hàng ngàn người ngoài trời tại Blackheath, đối với  Charles cũng vậy, ông cũng có một khải tượng giảng Tin Lành cho đông đảo quần chúng nhân dân.

Ông đã thực hiện sự cố gắng lần đầu tiên tại một vùng ngoại ô London. Charles đã kể lại rằng: “Franklyn, một người nông dân đã mời tôi giảng Phúc Âm trong cánh đồng của ông ta”. Ông đã viết lại rằng: “Vậy là tôi đã thực hiện được một cuộc rao giảng cho khoảng 500 người. Hôm đó tôi đã trở về nhà với tinh thần thật sự vui mừng hớn hở biết bao”. Và thế là sau đó không lâu, ông đã giảng dạy cho hàng ngàn người. Ông kể lại rằng: “Lo lắng, ngờ vực và những ngại ngùng của tôi đã tan biến. Đức Chúa Trời đã soi sáng lối đi tôi; và tôi biết được ý chỉ của Ngài đang quan tâm đến tôi”.

Một người nam tên là Joseph Williams đã nghe Charles giảng tại Bristol. Ông kể lại rằng: “Tôi thấy Charles đứng trên một cái bàn trên sân khấu, trong một tư thế thẳng đứng... tôi đoán là hơn một ngàn người bao quanh ông; một số người trong số ấy là những người ăn mặc sang trọng và hợp thời trang, nhưng phần lớn là những người thuộc vào hạng loại dân đen. Ông đã cầu nguyện với Chúa bằng những lợi nguyện cầu tha thiết và sôi sục lạ thường... Và sau đó ông giảng khoảng nửa giờ đồng hồ theo phong cách rất đặc biệt mà hiếm khi tôi được nghe bất kỳ một người nào rao giảng... Tôi nghĩ rằng tôi chưa bao giờ được nghe một người nào rao giảng tha thiết và sốt sắng đến nỗi có thể chinh phục các thính giả, là những con người có bản chất tội lỗi, xấu xa, bị hư mất, và đang ở trong một trạng thái bị hủy hoại, bị bỏ dở; thế nhưng họ lại có khả năng nhận được sự cứu rỗi thông qua đức tin nơi Đấng Christ... Ông đã trích dẫn nhiều phần Thánh Kinh để làm nền tảng, để giải thích và để minh họa, và sau đó ông dùng lời tâm tình thúc dục, cùng với những lập luận đầy sức thuyết phục, đồng thời vạch ra những chổ sai trái một cách thân mật và chân tình; và thế rồi ông mời gọi, lôi cuốn, kích thích, và dường như nếu có thể được, ông thúc ép tất cả mọi thính giả tiếp nhận Đấng Christ để nhận được sự cứu rỗi cho linh hồn.”

Cũng cùng phong cách như vậy, ngày nay Charles Wesley tiếp tục rao giảng qua những bài thánh ca không bao giờ lỗi thời, chúng được hát lên với phạm vi toàn thế giới vào mỗi sáng Chúa Nhật, cũng như vào những giờ thờ phượng khác của cá nhân, của gia đình và của hội thánh. Có lẽ đây là bài hát thánh ca hồ hởi nhất, mà đơn giản tác giả gọi là “Hymn for Easter Day”, tạm dịch là “Bài Thánh Ca Cho Ngày Phục Sinh”, được xuất bản vào năm 1739. Nguyên thủy bài này gồm có 11 khổ thơ tứ tuyệt. Phần “Alleluia’s” được thêm vào sau này; nhưng nói tóm lại thì đây là bài thánh ca mà các tín hữu Cơ Đốc trên thế giới, cũng như các Cơ Đốc nhân người Việt thường xuyên dùng để ca ngợi Chúa mà không bao giờ cảm thấy chán chút nào.

Những thông tin trên đây được trích và chuyển ngữ từ tài liệu THEN SINGS MY SOUL của nhà xuất bản THOMAS NELSON PUBLISHERS.





Đuốc Thiêng 99

01 Bao lâu? - ĐTPÂ
02 Thơ: Chúc Tết - Tiền Đăng
03 Năm mới: người mới - Mục sư Nguyễn Văn Bình
04 Thơ: Xuân về - Bình Tú Ngọc
05 Cuộn chỉ thời gian - Nguyễn Đình Bùi Thị
06 Mùa Xuân của Anh Hai Mít - Mai Đào
07 Thơ: Tết về thăm quê hương - Linh Quyền
08 Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
09 Thơ: Sống kết quả - Bình Tú Ngọc
10 Thương lắm quê hương tôi - Bà Lê Văn Bắc
11 Thơ: Cảm thương - Võ Chánh Tiết
12 Xứ Do Thái khi Chúa Jêsus khởi sự công tác - Mai Đào
13 Tiểu sử Thánh Ca - Phan Gia
14 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
15 Sinh ra từ phần mộ - Mỹ Khánh Fleckner
16 Tin Tức - Vinh Bằng