Đặc san báo Đuốc Thiêng - Chủ bút Mục sư Nguyễn Văn Bình

Hãy cảm tạ Chúa - Mục sư Nguyễn Văn Bình

Đuốc Thiêng 104, năm 2011


«Hãy cảm tạ Đức Chúa Trời của các thần, vì sự nhơn từ Ngài còn đến đời đời. Hãy cảm tạ Chúa của muôn chúa, vì sự nhơn từ Ngài còn đến đời đời» (Thi thiên 136:2-3).

Có một câu chuyện kể rằng: Một ngày kia Đức Chúa Trời sai hai thiên sứ xuống trần gian, một vị được giao phó đi thu những lời cầu xin, và vị thứ hai đi thu góp những lời cảm tạ của con cái Chúa trong khắp các Hội thánh. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, vị thiên sứ thứ nhứt trở về với một bao đầy ắp những lời cầu xin, ra mắt Chúa.

Chúa hỏi:
-Sao ngươi trở về nhanh thế?

-Thưa Chúa, con mới chỉ đi qua vài Hội thánh thôi, mà những lời cầu xin đã đầy bao rồi, vác nặng quá, con phải về sớm trình lên Chúa.

Nhưng vị thiên sứ thứ hai đi từ Hội thánh nầy tới Hội thánh khác, ngày nầy qua ngày kia, suốt cả tuần lễ mà chỉ thu góp được vài ba chục lời cảm tạ, buồn bã trở về thưa với Chúa:

-Lạy Chúa, con cái Chúa ở trần gian nơi nào cũng cầu xin, cầu xin và cầu xin, dù Ngài ban cho họ rất nhiều, song họ rất ít cảm tạ những gì Ngài ban cho họ quá. Xin Chúa sai đầy tớ Ngài ở trần gian hết lòng dạy cho họ biết  «Hãy cảm tạ Chúa».

Ý thức sự cảm tạ Chúa là bày tỏ sự biết ơn và lòng tôn cao Chúa, không thể thiếu được nơi cộng đồng con dân Chúa, nên trước giả Thi thiên 136 đã viết lên những lời nhằm khuyên con dân Chúa «Hãy cảm tạ Chúa». Ngay ở câu đầu, trước giả viết: «Hãy cảm tạ Đức Giêhôva» và ở câu chót trước giả lại viết: «Hãy cảm tạ Đức Chúa Trời». Toàn bộ Thi thiên 136, từ đầu tới cuối, trước giả khuyên hết thảy con dân Chúa «Hãy cảm tạ Đức Chúa Trời của các thần» (Thi 136:2), «Hãy cảm tạ Chúa của muôn Chúa» (Thi 136:3), «Hãy cảm tạ Đức Chúa Trời của các từng trời» (Thi 136:26). Lý do tại sao chúng ta phải cảm tạ Chúa? Thi thiên 136, trước giả nêu lên cho chúng ta thấy có 4 lý do mà mọi con dân Chúa phải cảm tạ Chúa:

I. Hãy cảm tạ Chúa, vì Ngài là thiện (c.1)

Lý do thứ nhứt chúng ta phải cảm tạ Chúa, vì Chúa là thiện. Thi 136:1 viết: «Hãy cảm tạ Đức Giêhôva, vì Ngài là thiện». Chúng ta cảm tạ Chúa, vì Chúa là thiện.

Trong thần học, khi luận về Đức Chúa Trời, có hai phân biệt rõ ràng. Trước tiên nói về các thuộc tánh của Đức Chúa Trời và sau đó nói về các mỹ đức của Ngài. Các mỹ đức của Đức Chúa Trời gồm có đức thánh khiết, đức công nghĩa, đức nhân ái, đức chân thật và sự thành tín của Ngài. Đây là những mỹ đức mà Kinh thánh khuyên con dân Chúa phải đạt đến cho kỳ được dù với mức độ tương đối để trở nên càng giống như Ngài hơn. Trong khi đó, các thuộc tánh của Đức Chúa Trời là bản tánh thuộc riêng về Ngài mà không người trần nào có thể sở hữu được. Các thuộc tánh đó là: Đức Chúa Trời là Đấng thần linh, là Đấng tự hữu hằng hữu, là Đấng vô hạn vô lượng, là Đấng vô sở bất năng, vô sở bất tri, vô sở bất tại, là Đấng vô thời biến cải, là Đấng thuần nhất vô phân. Ngài là Đức Chúa Trời  của các thần, là Chúa của muôn chúa, là Đức Chúa Trời của các từng trời, đúng như Thi thiên 136 đã đề cập tới. Giữa các thuộc tánh và mỹ đức của Đức Chúa Trời đó, có một bản tánh mà chúng ta cần phải lưu ý, đó là bản tánh thiện lành của Ngài. Kinh thánh nhấn mạnh: «vì Ngài là thiện».

Đức Chúa Trời chúng ta là Đấng chí thiện, chí thánh, chí công, thiện tâm, thiện lành, thiện mỹ, thiện hảo. Trong Ngài không hề có điều ác nào, cũng không hề có tội lỗi nào, không có sự sai quấy, lầm lạc nào, không có  bất công thiên lệch nào và cũng không hề có bất hảo hay sơ xuất nào. Ngài là thiện, chí thiện, trọn lành và toàn hảo. Tất cả những tuyệt hảo, toàn thiện đều ở trong Ngài. Ngài là tuyệt đỉnh của những toàn thiện và toàn hảo mà không ai đạt đến hay thần nào có được. Loài người chúng ta, ngay cả các giáo chủ của các tôn giáo đều là vật thọ tạo của Đức Chúa Trời, do hậu quả của tội lỗi từ Ađam, làm cho «mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời» (Rô 3:23), đến nỗi Kinh thánh phải thất vọng kêu lên: «Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không…chúng nó đều sai lạc cả, chẳng có một người làm điều lành, dẫu một người cũng không» (Rô 3:10,12). Do đó loài người, trong đó có chúng ta đều là những phàm nhân bất toàn, bất thiện, song Đức Chúa Trời chúng ta là Đức Chúa Trời toàn thiện, chí thiện. Trước ngôi Ngài tất cả các sêraphin đều phải kêu lên: «Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giêhôva vạn quân» (Êsai 6:3), để tôn vinh và cảm tạ Ngài. Trước vinh quang của Chúa, mỗi chúng ta ngày đêm đều phải luôn luôn ngợi khen, tôn vinh và cảm tạ Ngài. Chúa là thiện, không ai là thiện, nên chúng ta «hãy cảm tạ Chúa». Nếu Ngài không phải là thiện, không phải là chí thiện, chúng ta sẽ là nạn nhân của Ngài. Chúng ta sẽ kêu la, than thở, oán trách Ngài, song vì Ngài là thiện, là chí thiện, nên chúng ta phải phủ phục dưới chân Ngài mà cảm tạ Ngài. Chúng ta phải cực lực chống cự các thần dữ ở các miền trên trời, chúng ta phải mang mọi khí giới để địch cùng mưu kế của ma quỉ (Êph 6:11-12), nhưng đối với Đức Chúa Trời, chúng ta phải hết lòng cảm tạ Ngài, vì Ngài là Đấng thiện lành. Trước giả Thi thiên 136:1 cũng nói thế: «Hãy cảm tạ Đức Giêhôva, vì Ngài là thiện». Chúng ta cũng nên nói như thế hôm nay: «Hãy cảm tạ mà vào các cửa Ngài, hãy ngợi khen mà vào hành lang Ngài, khá cảm tạ Ngài, chúc tụng danh của Ngài. Vì Đức Giêhôva là thiện» (Thi 100:4-5).

II. Hãy cảm tạ Chúa, vì sự nhân từ Ngài còn đến đời đời (c.2-3)

Lý do thứ hai mà trước giả Thi thiên 136 nhắc nhở chúng ta «hãy cảm tạ Chúa», là «vì sự nhân từ Ngài còn đến đời đời» được ghi trong Thi thiên 136:2-3 như sau: «Hãy cảm tạ Đức Chúa Trời của các thần, vì sự nhân từ Ngài còn đến đời đời. Hãy cảm tạ Chúa của muôn chúa, vì sự nhân từ Ngài còn đến đời đời». Rồi kể từ câu 4 trở đi cho tới hết đoạn, tức từ câu 4 đến câu 26, cụm từ «vì sự nhân từ Ngài còn đến đời đời» trở thành điệp khúc cho mỗi câu nhắc đi nhắc lại mãi để kêu gọi chúng ta «hãy cảm tạ Chúa». Chúng ta phải cảm tạ Chúa, lý do tại sao? «Vì sự nhân từ Ngài còn đến đời đời». Đức Chúa Trời chúng ta là Đấng nhân từ. Sự nhân từ Ngài không bị giới hạn bởi không gian hoặc thời gian. Sự nhân từ Ngài bất biến song song với sự thực hữu của Ngài, nghĩa là còn đến đời đời. Sự nhân từ của Chúa không phải là sự nhân từ cơ hội, hoặc tạm thời hay giai đoạn, mà là sự nhân từ đời đời không hề gián đoạn, không hề chấm dứt, «Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng» (Giăng 13:1).

Nhơn từ là lòng thương người, nhưng không phải là thứ tình thương lý thuyết, mà là tình yêu biến thành hành động sẵn sàng làm ơn, sẵn sàng cứu giúp, đồng thời có lòng quảng đại, độ lượng tha thứ những lỗi lầm của kẻ khác. «Từ» là lòng thương, nhưng «nhân» trong từ ngữ nầy không phải là người nằm hay ngồi, mà «nhân» trong Hán Việt là chữ «nhân đứng, và thêm chữ nhị nằm bên phải như hai bàn tay giơ ra chia xẻ và cứu giúp người khác». Yêu thương mà không cứu giúp không phải là nhân từ. Cứu giúp mà không có từ tâm, cũng không phải là nhân từ. Hiền lành mà thiếu làm ơn cứu giúp cũng không được kể là nhân từ. Yêu thương mà không độ lượng, tha thứ những lỗi lầm của người khác cũng không phải nhân từ. Nhân từ là tình yêu thương sẵn sàng hy sinh cứu giúp kẻ khác không phân biệt ai với tất cả từ tâm của mình đồng thời độ lượng tha thứ những lỗi lầm mà người khác xúc phạm đến mình. Đức Chúa Trời là Đấng nhân từ, vì Ngài yêu thương độ lượng tha thứ tội lỗi cho những ai ăn năn, và làm ơn cho loài người không phân biệt ai cả. «Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác» (Mathiơ 5:45), Ngài «làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến Ngài và giữ các điều răn Ngài» (Xuất 20:6).

Đức công chính của Chúa không dung tha tội lỗi, nhưng đức yêu thương nhân từ của Ngài sẵn sàng tha thứ và cứu giúp những kẻ khổ đau, đầy tội lỗi biết ăn năn thống hối quay về với Ngài.

Sách Giôna là một sách đặc biệt ký thuật về lòng nhân từ của Đức Chúa Trời. Một lần kia, Đức Chúa Trời quyết định hủy diệt thành Ninive từ vua quan đến dân chúng cùng cả loài súc vật trong thành nếu dân thành không chịu ăn năn  tội lỗi của họ. Bởi lòng nhơn từ, Đức Chúa Trời liền sai tiên tri Giôna đến Ninive rao giảng về sứ điệp ăn năn kêu gọi dân thành hối cải. Thế nhưng Giôna vì danh dự cá nhân và dân tộc, muốn dân thành bị tiêu diệt để trừ hậu hoạn, nên không muốn đi tới đó giảng đạo, trái lại xuống thuyền trốn đi nơi khác. Song Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời nhân từ đã bắt Giôna phải đến đó với sứ điệp «còn 40 ngày nữa Ninive sẽ bị đổ xuống». Ông không muốn giảng, dù có giảng cũng là miễn cưỡng. Ông không muốn dân thành ăn năn để được tha thứ, để được giải cứu. Thế nhưng, khi nghe sứ điệp ấy, «Dân thành Ninive tin Đức Chúa Trời. họ rao ra sự kiêng ăn và mặc bao gai, từ những người rất lớn trong đám họ cho đến những kẻ rất nhỏ. Tin ấy đồn đến vua Ninive, vua đứng dậy khỏi ngai, lột áo bào mình ra, quấn bao gai và ngồi trong tro. Đoạn vua truyền lệnh nầy ra trong thành Ninive như là lời dụ của vua cùng của các kẻ tôn trưởng : Không luận người ta hay thú vật, không luận bầy bò hay bầy chiên, đều chớ nếm chi hết. Không được để cho nó ăn, cũng không uống nước, nhưng người ta và thú vật đều phải quấn bao gai. Mọi người khá ra sức kêu cùng Đức Chúa Trời, phải, ai nấy khá bỏ đường lối xấu mình và việc hung dữ của tay mình» (Giôna 3:5-8). Vậy là tất cả đều năn năn thống hối kêu cứu cùng Đức Chúa Trời. Và Đức Chúa Trời nhân từ đã cứu họ, thành không bị hủy diệt. Họ được thoát chết.

Thế nhưng Giôna, vị tiên tri giảng đạo không hài lòng, trái lại giận dữ. Có lẽ ông nghĩ, tại sao một dân tộc hung dữ, gian ác, hành hạ dân Ysơraên của Ngài  như vậy mà Ngài không hủy diệt mà lại cứu họ? Ông tức giận đến nỗi xin Đức Chúa Trời cho mình chết đi để khỏi thấy kẻ thù được sống. Trong cơn nóng bức, không chịu nỗi, Đức Chúa Trời cho một dây dưa mọc lên che bóng mát, Giôna thích lắm. Thế nhưng hôm sau, một con sâu chích vào dây dưa làm cho nó héo đi. Mặt trời mọc lên, gió cháy rọi xuống đầu làm ông chịu không nỗi, ông lại càng tức giận hơn, rồi bị ngất đi. Khi tỉnh lại, ông tiếp tục đòi chết. Đức Chúa Trời bèn phán cùng Giôna rằng:
-Ngươi nổi giận vì cớ dây nầy có nên không?

Người thưa rằng:
-Tôi giận cho đến chết cũng phải lắm.

Đức Giêhôva lại phán:
-Ngươi hối tiếc một dây mà ngươi chưa hề khó nhọc vì nó, ngươi không làm cho nó mọc, một đêm thấy nó sanh ra và một đêm thấy nó chết. Còn ta há không đoái tiếc thành lớn Ninive, trong đó có hơn 12 vạn người không biết phân biệt tay hữu và tay tả, lại với một số thú vật rất nhiều hay sao? (Giôna 4:9-11).

Giôna là một tiên tri thiếu nhân từ, đáng ra phải nói rằng, ông là một người không có lòng nhân từ. Giảng đạo mà không nhân từ thì chết còn hơn sống. Đó là lý do ông cứ đòi chết. Biết lời Chúa nhưng thiếu nhân từ chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Yêu thương mà không làm ơn, không cứu giúp kẻ khốn cùng thiếu thốn là thứ tình thương giả hình mà thôi. Song chúng ta phải lớn tiếng cảm tạ Chúa, vì Đức Chúa Trời chúng ta là Đấng nhân từ chí nhân chí ái. Sự nhân từ Ngài còn đến đời đời không hề phai tàn. Ngài cung cấp mọi cần nhu cho chúng ta hằng ngày, bồng ẵm, nuôi nấng chúng ta khác nào người cha chăm sóc con yêu dấu của mình, Ngài gìn giữ chúng ta như con ngươi của mắt Ngài, và sẵn sàng tha thứ, sẵn sàng ban ơn cho bất cứ ai ăn năn thống hối quay về với Ngài. Ngài đã làm việc đó cho dân thành Ninive, và chắc chắn Ngài cũng sẽ làm việc đó cho mỗi chúng ta. Tiên tri Michê nói: «Ai là Đức Chúa Trời giống như Ngài, tha thứ sự gian ác và bỏ qua sự phạm pháp của dân sót của sản nghiệp Ngài? Ngài không cưu giận đời đời, vì Ngài lấy sự nhân từ làm vui thích. Ngài sẽ còn thương xót chúng tôi, dập sự gian ác chúng tôi dưới chân Ngài, và ném hết thảy tội lỗi chúng nó xuống đáy biển. Ngài sẽ làm ra sự chân thật cho Giacốp và sự nhân từ cho Ápraham, là điều Ngài đã thề hứa cho tổ phụ chúng tôi từ những ngày xưa» (Michê 7:18-20). Đôi lúc chúng ta thấy dường như Đức Chúa Trời lìa bỏ chúng ta, không còn yêu thương chúng ta nữa, nhưng thực ra Chúa nhơn từ vẫn thương yêu, chẳng hề bỏ chúng ta bao giờ. Êsai 54:7-8 Chúa phán: «Ta đã bỏ ngươi trong một lát, nhưng ta sẽ lấy lòng thương xót cả thể mà thâu ngươi lại. Trong cơn nóng giận, ta ẩn mặt với ngươi một lúc, nhưng vì lòng nhân từ vô cùng, ta sẽ thương đến ngươi, Đấng cứu chuộc ngươi là Đức Giêhôva phán vậy». Rồi Ngài xác quyết ở trong Êsai 54:10 : «Dầu núi dời, dầu đồi chuyển, nhưng lòng nhân từ ta đối với ngươi chẳng dời khỏi ngươi, lời giao ước bình an của ta chẳng chuyển, Đức Giêhôva là Đấng thương xót ngươi, phán vậy». Dù chúng ta thể nào, Đức Chúa Trời vẫn luôn luôn nhân từ đối với chúng ta, và «Vì sự nhân từ Ngài còn đến đời đời», nên chúng ta ai nấy «hãy cảm tạ Chúa».

III. Hãy cảm tạ Chúa, vì Ngài làm nên những phép lạ lớn lao (c.4)

Lý do thứ 3 mà chúng ta phải cảm tạ Chúa là vì Ngài làm những phép lạ lớn lao. Thi thiên 136:4 chép: «Chỉ một mình Ngài làm nên các phép lạ lớn lao». Rồi từ câu 5 đến câu 22, trước giả Thi thiên 136 đã kể ra rất nhiều phép lạ lớn lao mà Chúa đã làm. Nào là Đức Chúa Trời nhờ sự khôn sáng mà dựng nên các từng trời (c.5), Ngài trương đất ra trên các nước (c.6), Ngài dựng nên những vì sáng lớn (c.7), Ngài dựng nên mặt trời đặng cai trị ban ngày, mặt trăng và các ngôi sao đặng cai trị ban đêm (c.8-9), Ngài dùng cánh tay quyền năng Ngài cứu dân Ysơraên ra khỏi Êdíptô (c.10-12), Ngài phân Biển Đỏ ra làm hai, khiến Ysơraên đi qua khỏi biển ấy, và xô Pharaôn cùng cả đạo quân người xuống biển đỏ (c.13-15), Ngài dẫn dân sự qua đồng vắng, đánh bại các vua lớn (c.17-20), Ngài ban xứ Canaan cho Ysơraên làm sản nghiệp (c.21-22). Tất cả đều do phép lạ lớn lao Chúa làm, chẳng ai có thể làm được những việc như thế. «Chỉ một mình Ngài làm nên các phép lạ lớn lao». Đó là lý do trước giả Thi thiên cảm tạ Chúa.

Có một giáo viên nọ không tin vào phép lạ. Một lần kia trong lúc giảng bài, cô nói:
-Ở trên đời nầy không hề có phép lạ. Chẳng hạn như dân Ysơraên vượt qua Biển Đỏ, làm gì có ai làm cho nước biển vẹt ra làm đường cho dân Ysơraên đi qua, chỉ vì chỗ họ đi qua đó nước cạn chỉ sấp sỉ vài ba tấc thôi, không sâu lắm.

Nhưng có một em học sinh giơ tay lên có ý kiến. Em nói:
-Cảm tạ Chúa vì đã có một phép lạ.

Cô giáo hỏi:
-Phép lạ gì?

Em bình tỉnh trả lời:
-Thưa cô, vì theo cô nói nước chỉ sấp sỉ vài ba tấc thôi mà đã làm cho cả đoàn quân của Pharaôn gồm người, ngựa, xe cộ đuổi theo chết chìm dưới biển. Đó chẳng phải là một phép lạ lớn lao nữa sao?

Cô giáo vô tín nầy không tin Đức Chúa Trời có thể làm nên những phép lạ lớn lao, nhưng chúng ta cảm tạ Chúa, vì Ngài quả thật đã làm nên những phép lạ lớn lao, chẳng những qua công cuộc tạo hóa và qua dân Ysơraên của Ngài, nhưng Ngài cũng làm những phép lạ lớn lao qua mỗi cuộc đời chúng ta và qua Hội thánh Ngài tại Việt Nam và tại Âu Châu nầy.

Có thể nói, trước năm 1911, người Việt Nam chưa hề biết Tin Lành. Giữa một xã hội thờ hình tượng, bái vật giáo mê tín dị đoan, vây kín bởi tam giáo: Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo và tập tục thờ cúng tổ tiên ăn sâu vào đất nước dân tộc ngót gần 2000 năm dẫn dân tộc xa cách Chúa, làm sao Tin Lành cứu rỗi của Chúa có thể phá thủng bức tường kiên cố ấy được? Dưới con mắt loài người không ai nghĩ sẽ có Hội Thánh Tin Lành trên đất nước Việt Nam. Nhưng cảm tạ Chúa, khởi từ năm 1911, một số giáo sĩ ít oi trong Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp (CMA) đến Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam. Công tác truyền giáo lúc bấy giờ phải đối đầu với muôn vàn khó khăn. Họ phải học tiếng Việt, phải đối diện với sự cấm giảng đạo của người Pháp và triều đình Việt Nam, cấm không cho đạo mới nào rao giảng ngoài giáo hội Công Giáo La Mã theo các hòa ước ký giữa Pháp và triều đình Việt Nam. Ngoài ra, trong 2 cuộc thế chiến thứ nhất (1918-1919) và thứ hai (1939-1945), các giáo sĩ còn bị nghi kỵ làm gián điệp cho Đức vào thế chiến thứ nhất, một số bị trục xuất, hầu hết những người còn lại vào thế chiến thứ hai bị bắt tập trung tại Mỹ Tho như những tù nhân chiến tranh, cuối cùng buộc phải lìa Việt Nam về xứ mình. Chưa hết, các giáo sĩ cùng Hội thánh sơ khởi sau nầy còn trải qua những cuộc chiến khác: 9 năm kháng chiến chống Pháp giành độc lập của mặt trận Việt Minh (1945-1954), và  cuộc nội chiến dằn dai chết chóc lớn nhất lịch sử (1954-1975) giữa miền Bắc với Miền Nam, bom đạn tàn phá đất nước, tang thương khổ đau chưa từng thấy, hằng triệu người chết cả hai bên chiến tuyến, nhiều nhà thờ bị sập đỗ, nhiều đầy tớ con cái Chúa bị chết. Chỉ kể qua thôi, không ai nghĩ Hội thánh Tin Lành Việt Nam làm sao có thể tồn tại được? Thế nhưng Đức Chúa Trời đã làm nên những phép lạ lớn lao. Năm 1911, có một người tên Nguyễn văn Phúc đầu tiên cầu nguyện tin Chúa tại Đà Nẵng. Lần lần có thêm những người khác tin Chúa nữa. Hội thánh Đà Nẵng được thành lập, rồi lan ra tới Hội An. Chẳng bao lâu Tin lành được truyền đến Miền Bắc, Miền Trung và Miền Nam. Hội thánh được thành lập khắp nơi. Tới năm 1975, số tín hữu Tin Lành Miền Nam vào khoảng 146.089 người, với 530 chi hội, và có 512 Mục sư, Truyền đạo, Truyền đạo sinh, còn Hội thánh Miền Bắc chỉ có vào khoảng trên dưới 5.000 người với 14 nhà thờ và khoảng 14 Mục sư và giảng sư.

Kể từ khi đất nước thoát khỏi chiến tranh đến nay (1975-2011), trải qua 36 năm, không một giáo sĩ nào được phép trở lại Việt Nam phục vụ Chúa nữa, nhiều nhà thờ và cơ sở của Hội thánh bị đóng cửa hoặc bi tịch biên, nhiều đầy tớ con cái Chúa bị tù đày hoặc đi học tập cải tạo, công cuộc truyền giáo chỉ còn tồn tại trong nhà thờ, việc phổ biến Tin Lành bên ngoài nhà thờ đều bị nghiêm cấm. Các đầy tớ Chúa phải hy sinh và can đảm chịu đựng mọi khó khăn, thiếu thốn, con cái Chúa liều mình giữ vững đức tin theo gương khổ nạn của tín đồ dưới thời đế quốc La Mã xưa. Đây là thời kỳ khó khăn hơn tất cả các thời kỳ mà Hội thánh Tin Lành Việt Nam gặp phải. Thế nhưng bởi quyền phép lớn lao của Chúa không thế lực nào có thể cản ngăn được. Biển đỏ còn phải vẹt ra làm thành hành lang khô cạn cho dân Ysơraên đi qua, bao vua chúa ngăn bước tiến Ysơraên trên đường vào đất hứa cũng không sao ngăn cản được. Lạ thay, đây là thời kỳ mà Tin Lành Việt Nam phát triển nhất trong các thời kỳ tại Việt Nam. Nếu Chúa không làm nên những phép lạ lớn lao, thì Tin Lành không thể nào tồn tại được.Tính đến thời điểm nầy, Hội thánh Chúa tại Miền Nam có trên 1.000.000 tín đồ, với 2.000 chi hội và chi hội nhánh, có 800 Mục sư, Truyền đạo, còn ở Miền Bắc do phép lạ của Chúa có 200.000 người Hmong tin Chúa qua đài phát thanh Nguồn Sống nâng số tín đồ lên hơn 200.000 người với 14 nhà thờ và 14 Mục sư, Truyền đạo, cùng 981 điểm nhóm do 981 quản nhiệm chăm sóc.

Chỉ với Hội thánh Tin Lành Việt Nam thuộc Hội Truyền giáo Phước Âm Liên Hiệp thôi, số tín đồ lên đến hơn 1.200.000 người, trong 100 năm, thật là phép lạ lớn lao của Chúa. Nếu có ai về Việt Nam tham dự Đại Lễ Kỷ Niệm 100 Năm Tin Lành Truyền Đến Việt Nam trong tháng 6-2011 vừa qua, chứng kiến đoàn dân Chúa về dự lễ tại Đà Nẵng, tại Hà Nội và tại Sàigòn, sẽ cảm tạ Chúa về việc Chúa làm cho Tin Lành tại Việt Nam. Hàng chục ngàn con dân Chúa vui mừng dự lễ. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi của những ngày lễ nầy thôi mà có hơn 3.000 người tin Chúa thêm vào Hội thánh. Thật, chỉ một mình Chúa dã làm nên những phép lạ lớn lao, như Thiên thiên 136 đã nói đến.

Trước năm 1975, ở hải ngoại chưa có Hội thánh Tin Lành người Việt nào, ngoại trừ một nhóm tín hữu nhỏ ở Paris (Pháp) vào năm 1973. Thế mà từ năm 1975, Đức Chúa Trời làm nên những phép lạ lớn lao, Hội thánh Tin lành Việt Nam tràn lan qua Hoa kỳ, Gia Nã Đại thuộc Mỹ Châu, qua Âu Châu, qua Úc Châu, qua Á Châu, có hơn 500 Hội thánh được thành lập, hơn 30.000 tín đồ và khoảng 600 Mục sư, Truyền đạo chăm sóc bầy chiên của Chúa ở hải ngoại. Thật là một phép lạ không ngờ đối với mọi người.

Riêng tại Âu Châu, kể từ năm 1982, Hội thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu khởi sự được thành lập, Đại Hội Tin Lành Việt Nam Âu Châu lần đầu tiên được tổ chức tại Louvain (Bỉ) vào năm 1985, và kể từ đó tới nay liên tục mỗi năm đều có Đại Hội Tin Lành Việt Nam Âu Châu như đã thấy hôm nay, với số tín hữu khoảng 3.000 người gồm trong các hệ phái, có khoảng 42 Hội thánh lớn nhỏ và Mục sư, Truyền đạo gần 50 người. Thật là phép lạ lớn lao Chúa làm. Đó là lý do khiến chúng ta «hãy cảm tạ Chúa».

IV. Hãy cảm tạ Chúa, vì Ngài nhớ đến bực hèn hạ chúng ta (c.23)

Lý do thứ tư cũng là lý do chót theo Thi thiên 136 mà chúng ta phải cảm tạ Chúa, là vì Ngài nhớ đến bực hèn hạ của chúng ta, như được chép trong Thi thiên 136:23 như sau: «Ngài nhớ đến bực hèn hạ chúng tôi».

Đavít khi nghĩ đến địa vị hèn hạ của mình trước oai nghi cao cả của Đức Chúa Trời, đã phải thốt lên: «Loài người là gì mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi, mà Chúa thăm viếng nó» (Thi 8:4). Đavít cũng như chúng ta, đều là những phàm nhân, phạm nhiều tội lỗi trước mặt Chúa. Chúng ta là những kẻ hèn hạ, không xứng đáng để được Chúa nhớ đến. Địa ngục và lửa đời đang chờ chúng ta. Nhưng cảm tạ Chúa, Ngài nhớ đến bực hèn hạ của chúng ta, đã sai Con độc Sanh  Ngài đến trần gian tìm và cứu chúng ta. Đức Chúa Giêxu bởi tình thương Ngài sẵn sàng gánh hết tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài, và chịu chết thay cho chúng ta trên thập tự giá. Ngài đem hết tôi lỗi chúng ta chôn vào âm phủ với Ngài, và rồi Ngài sống lại để xưng công chính cho chúng ta, khiến chúng ta là những kẻ tin Ngài trở thành con cái Đức Chúa Trời hưởng phước hạnh đời đời của Ngài cả hiện tại lẫn tương lai cho đến khi chúng ta bước vào thiên đàng hưởng phước hạnh vĩnh sinh của Ngài. Chỉ ân điển cứu rỗi nầy thôi cũng đủ khiến cho chúng ta phải hết lòng cảm tạ Ngài rồi.

Chẳng những thế thôi, trước giả Thi thiên 136 nói, dù ông hèn hạ, đáng bị bỏ, không đáng được quan tâm, không cần phải được bênh vực, đáng phó mặc cho số phận khổ đau, đáng để cho ma quỉ và loài người hiếp đáp, nhưng «Ngài giải cứu chúng tôi khỏi kẻ cừu địch» (c24) mà còn «ban đồ ăn cho mọi loài xác thịt» nữa (c25) trong đó có chúng ta là con cái Ngài. Năm 1945, Pháp bị Nhật tước khí giới, kinh tế khó khăn, khiến cho 2.000.000 người Việt ở Bắc kỳ chết đói thảm thương, thế nhưng không có một người Tin Lành nào ở miền Bắc chết vì đói. Đức Chúa Trời ban đồ ăn cho họ. Sau năm 1975, chúng ta trở thành những người Việt tha hương, nhưng Đức Chúa Trời nuôi chúng ta đầy đủ có khi còn hơn anh em chúng ta ở Việt Nam nữa. Đức Chúa Trời ban đồ ăn dư dật, tràn đầy cho chúng ta cả phần thuộc thể lẫn thuộc linh, Ngài  nuôi nấng chúng ta lớn lên, tầm thước vóc giạc trong Ngài, thỏa vui suốt cả cuộc đời mình. Vì vậy trước giả Thi thiên 136 kêu lên «Hãy cảm tạ Đức Chúa Trời của các từng trời» (Thi 136:26). Chúng ta cũng phải nói như vậy hôm nay: «Hãy cảm tạ Chúa», «vì Ngài nhớ đến bực hèn hạ chúng tôi, giải cứu chúng ta khỏi kẻ cừu địch và ban đồ ăn cho mọi loài xác thịt» trong đó có chúng ta.

Luca 10:25-37 ký thuật cho chúng ta thấy hình ảnh thế nào Chúa là Đấng nhớ đến bực hèn hạ của loài người chúng ta.

Một lần kia, khi Đức Chúa Giêxu giảng dạy, có một thầy dạy luật đứng dậy hỏi đặng thử Đức Chúa Giêxu rằng:
-Thưa thầy, tôi phải làm gì để hưởng được sự sống đời đời?

Ngài phán rằng:
-Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó?

Thưa rằng:
-Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi và yêu người lân cận như mình.

Đức Chúa Giêxu phán rằng:
-Ngươi đáp phải lắm. Hãy làm điều đó thì được sống.

Song thầy ấy muốn xưng mình là công bình, nên thưa cùng Đức Chúa Giêxu rằng:
-Ai là người lân cận tội?

Đức Chúa Giêxu liền kể cho thầy dạy luật câu chuyện sau đây:
Có một người từ thành Giêrusalem xuống thành Giêricô, dọc dường lâm vào tay kẻ cướp. chúng cướp lột hết đồ đạc, tư trang, tiền bạc, lại còn đánh cho mình mãy bị thương, máu me đầy mình, nửa sống nửa chết, quăng bên vệ đường, rồi bỏ đi không hề thương tiếc.

Một chặp sau, có một thầy tế lễ đi ngang qua, thấy một người máu mê đầy mình rên la thảm thiết. Nhưng ông nghĩ: Đây không phải là đền thờ, không có tế lễ, không có trầm hương nghi ngút, không có hội chúng quì mọp thờ phượng, đây không phải là phận sự của ta. Rồi lặng lẽ bỏ đi.

Chặp sau nữa, có một người Lêvi, vốn là những người được chọn lo cho đền thờ đi ngang qua. Khá hơn một chút, ông đến gần nhìn thấy rõ hơn. Nhưng ông lại nghĩ: Đây chỉ là vệ đường chớ không phải đền thờ. Đây không có ban hát rập ràng, không có của dâng, không có hội chúng đông đúc. Đây không phải là phận sự của ta. Rồi người Lêvi cũng nhanh bước rời xa.

Cuối cùng, Đức Chúa Giêxu kể, có một người Samari, một người thuộc dân tộc mà người Do thái khinh khi miệt thị, coi như một giống dân không xứng đáng, đi ngang qua. Nhìn thấy nạn nhân là một người Do thái rên la oằn oại trên vũng máu, động lòng thương xót,  xuống lừa, áp lại lấy dầu và rượu rửa và xức vết thương, băng bó cẩn thận, rồi đỡ lên lưng lừa chở đến nhà quán, săn sóc thêm. Đến bữa sau, vì công việc phải ra đi, người Samari nhơn lành lấy 2 đơniê trao cho chủ nhà quán nhờ săn sóc cho, lại còn hứa nếu có tốn bao nhiêu, khi trở về sẽ trả thêm.

Kẻ cướp trong câu chuyện nầy chinh là ma quỉ gieo khổ đau, thương tích, chết chóc cho loài người, kẻ bị cướp chính là nhân loại nói chung và mỗi chúng ta nói riêng. Thầy tế lễ và người Lêvi không ai khác hơn là những kẻ hầu việc Chúa nhưng chẳng hề đoái hoài đến những kẻ khốn cùng, khổ đau, thiếu thốn, chẳng chút nhớ đến bực hèn hạ của con người, không muốn giúp ai cả, ngay cả thăm viếng kẻ mồ côi người góa bụa, hoặc cứu giúp kẻ bị đùa đến sự chết bằng cách nói về Chúa cho họ. Còn người Samari trong chuyện nầy chính là Đức Chúa Giêxu. Ngài đã gởi gắm hình ảnh Ngài vào chính nhân vật người Samari nhơn lành nầy. Ngài là Đức Chúa Trời ở trên trời, nhìn thấy loài người tội lỗi, đau thương dưới xích xiềng ma quỉ, oằn oại rên siếc bên vệ đường. Ngài nhớ đến bực hèn hạ của chúng ta. Với tình thương cao cả, Ngài đã lìa ngôi trời giáng thế xuống trần gian, có lúc bị người ta coi khinh che mặt chẳng thèm xem, để tìm và cứu kẻ bị hư mất. Ngài cúi xuống thật gần, nhìn thấy hết nỗi khổ đau của loài người, ôm ấp họ vào lòng, băng bó vết thương, thoa dầu chữa lành nhân loại, lấy công sức chăm sóc nhân thế, Ngài nếm trải hết nhọc nhằn chúng ta, và rồi Ngài sẵn sàng chịu chết trên thập tự giá gánh tất cả tội lỗi cho chúng ta. Ngài hy sinh tất cả để đưa những kẻ bị ma quỉ hãm hại vào «nhà quán» trên trời hưởng lấy phước hạnh đời của Ngài. Nhờ sự đoái hoài của Chúa mà chúng ta thoát khỏi bàn tay ác độc của ma quỉ, được trở thành con cái Đức Chúa Trời, được hưởng sự sống đời đời viên mãn trên trời. Đó chính là lý do chúng ta «hãy cảm tạ Chúa».

*Kết luận

Luca 17:11-19 ký thuật rằng, một lần kia, Đức Chúa Giêxu trải qua bờ cõi xứ Galilê và xứ Samari để lên thành Giêrusalem. Nhằm khi vào làng kia, có 10 người phung đến đón rước Ngài, đứng từ đằng xa, lên tiếng rằng:
-Lạy Giêxu, lạy thầy, xin thương xót chúng tôi cùng.

Khi Ngài thấy họ, liền phán rằng:
-Hãy đi, tỏ mình cùng thầy tế lễ.

Họ đương đi thì phung lành hết thảy. Có một người trong bọn họ thấy mình đã được sạch, bèn trở lại, lớn tiếng ngợi khen Đức Chúa Trời, lại đến sắp mặt xuống đất, nơi chân Đức Chúa Giêxu, mà tạ ơn Ngài. Vả, người đó là người Samari.

Đức Chúa Giêxu bèn cất tiếng phán rằng:
-Không phải 10 người đều được sạch cả sao? Còn 9 người kia ở đâu? Chỉ có người ngoại quốc nầy trở lại ngợi khen Đức Chúa Trời ư?

Câu chuyện nầy cho chúng ta thấy nhiều người hưởng được ơn huệ của Chúa nhưng ít người biết cảm tạ Ngài quá. Trong 9 người không cảm tạ Chúa có ai trong chúng ta không? Phải chăng chúng ta là người cảm tạ Chúa vì những việc Chúa làm cho mình, như người Sammari trong câu chuyện nầy? Mong rằng không ai nằm trong số 9 người vô ơn đối với Chúa, nhưng hết thảy chúng ta đều là những người biết ơn Chúa và cảm tạ Ngài. Đavít khuyên: «Hỡi linh hồn ta, khá ngợi khen Đức Giêhôva, mọi điều gì ở trong ta, hãy ca tụng danh thánh của Ngài. Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giêhôva, chớ quên các ân huệ của Ngài» (Thi 103:1-2).

Chúng ta cảm tạ Chúa, vì Đức Chúa Trời chúng ta là thiện, sự nhân từ Ngài còn đến đời đời, chỉ một mình Ngài làm nên các phép lạ lớn lao trên đời sống chúng ta và Hội thánh  của Ngài, Ngài luôn luôn nhớ đến bực hèn hạ chúng ta, cung cấp mọi nhu cầu đầy đủ cho chúng ta và giải cứu chúng ta khỏi những cừu địch mình. Vậy chúng ta hãy cùng nhau «cảm tạ Chúa». Chúng ta hãy đồng thanh với Đavít trong Thi thiên 30:12 cùng nhau nói với Chúa rằng:  «Hỡi Giêhôva Đức Chúa Trời tôi, tôi sẽ cảm tạ Chúa đến đời đời». Amen.


Đuốc Thiêng 104

01 Khắc phụng bản năng - ĐTPÂ
02 Hãy cảm tạ Chúa - Mục sư Nguyễn Văn Bình
03 Thơ: Kỷ niệm 100 năm Tin Lành Việt Nam - Trần Nguyên Lam Bửu
04 Lịch sử 100 năm Tin Lành Việt Nam (1/4) - Mục sư Nguyễn Văn Bình
05 Thơ: 100 năm kỷ niệm Tin Lành đến Việt Nam - Đức Huy
06 Lịch sử 100 năm Tin Lành Việt Nam (2/4) - Mục sư Nguyễn Văn Bình
07 Thơ: Tạ ơn Chúa 100 năm Tin Lành đến Việt Nam - Đức Huy
08 Lịch sử 100 năm Tin Lành Việt Nam (3/4) - Mục sư Trần Hữu Thành
09 Người nữ khôn ngoan - Bà MS Nguyễn Văn Bình
10 Lịch sử 100 năm Tin Lành Việt Nam (4/4) - Mục sư Nguyễn Văn Bình
11 Nỗi lòng người đầy tớ Chúa - Bà Lê Văn Bắc
12 Một trăm năm Tin Lành đến Việt Nam - Mục sư Trần Hữu Thành
13 Thử hình dung con tàu Nôê của những ngày sắp đến - Dr Trương Hoàng Lâm
14 Tin Tức - Vinh Bằng
15 Thơ: Không tiếc, mãi yêu - Võ Chánh Tiết