Đặc san báo Đuốc Thiêng - Chủ bút Mục sư Nguyễn Văn Bình

Lịch sử 100 năm Tin Lành Việt Nam (2/4) - Mục sư Nguyễn Văn Bình

Đuốc Thiêng 104, năm 2011


II. Giai đoạn mở mang khó khăn (1928-1954)

Từ năm 1928 tới năm 1954 là giai đoạn Hội thánh mở mang trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều giáo sĩ CMA và Mục sư Truyền đạo Việt Nam bị bắt bớ tù đày bởi chính quyền Pháp cũng như bởi triều đình Việt Nam, hoặc vài nơi do sự kỳ thị của Công giáo La mã.  Đây cũng là thời kỳ Việt Nam có nhiều cuộc nổi dậy của các phong trào chống Pháp điển hình là đầu năm 1930 Việt Nam Quốc Dân Đảng do Nguyễn Thái Học đứng đầu, tổng nổi dậy trên toàn Bắc kỳ mưu cướp chính quyền, rồi sự rối loạn chính trị do thế chiến thứ 2 (1939-1945) gây ra, tiếp theo là 9 năm kháng chiến chống Pháp giành độc lập của mặt trận Việt Minh (1945-1954) bùng nổ khiến cho nhiều  nhà thờ bị sập đổ hoặc bị đóng cửa, con cái Chúa nhiều khi phải rời làng mạc tản cư đến vùng an ninh hơn, một số đầy tớ Chúa bị giết chết trong chức vụ.

A. Bị bắt bớ

Người Pháp và triều đình Huế căn cứ vào khoản 9 của Hòa ước Giáp Tuất (1874) và được tái xác nhận trong khoản 13 của Hòa ước Giáp Thân (1884) là: «Đức vua nước An Nam nhận rằng đạo Giatô dạy người làm điều lành nên hủy bỏ hết các chỉ dụ cấm đạo, cho dân trong nước được tự do theo đạo và hành đạo... Dân theo đạo của nước An Nam sẽ được tụ họp trong các giáo đường để hành lễ, số người không hạn chế... Các giám mục, linh mục (người Pháp và người I Pha Nho) được tự do vào trong nước... Họ được giảng đạo Giatô ở mọi nơi, và khi đến, ở, đi, không cần phải khai báo với các quan An Nam... Linh mục người An Nam cũng được tự do truyền giảng như các giáo sĩ Âu Châu... Các giám mục, linh mục người An Nam được quyền mua và thuê đất, nhà, dựng giáo đường, bệnh viện, trường học, nhà nuôi trẻ mồ côi và mọi kiến trúc khác dùng về tôn giáo. Của cải của dân theo đạo vì việc tôn giáo mà bị tịch thu thì sẽ giao trả lại». (trích Việt Nam Pháp Thuộc Sử của Phan Khoang, trang 231-232). Căn cứ vào điều khoản nầy, người Pháp cũng như triều đình Việt Nam chỉ cho giáo hội Công giáo La mã tự do hoạt động mà thôi, nên triều đình Huế ký chỉ dụ ngày 26-1-1928 như sau: «Theo phần thứ 13 của Hòa ước năm 1884, chỉ có giáo hội Công giáo mới có quyền giảng đạo ở Việt Nam mà thôi. Các giám mục, linh mục, giáo chức thuộc giáo hội Công giáo La Mã là những người duy nhất được giảng dạy. Chúng tôi được biết gần đây có một tôn giáo mới, cũng như đạo Cao Đài ở miền Nam. Khi những tôn giáo nầy bành trướng thêm lên, sẽ có nhiều người lợi dụng, tạo các khó khăn trong đất nước và nhiều người có thể bị lường gạt như trường họp của Võ Trụ và Trần Cao Vân trong năm qua. Những người nầy lợi dụng danh nghĩa tôn giáo nhưng sự thật họ chỉ xúi giục dân chúng nổi dậy. Biết bao dân lành đã chịu khổ vì họ. Vì vậy từ nay tôn giáo mới và đạo Cao Đài phải bị cấm truyền giảng tại địa phương hay lưu động ở Việt Nam. Nếu ai bất tuân chỉ dụ nầy, phải trừng phạt người ấy theo luật định. Quan Khâm sứ đã đồng ý về vấn đề nầy. Hội Đồng Cơ Mật truyền chỉ dụ để quý vị rõ và thi hành.

Huế ngày thứ tư, tháng thứ nhất, năm thứ ba của Hoàng đế Bảo Đại. Ấn tín của Hội Đồng Cơ Mật». Đó là lý do Tin Lành bị bắt bớ khắp nơi.

Ở Bắc kỳ, sau cuộc cách mạng chống Pháp của Nguyễn Thái Học bùng nổ, người Pháp gia tăng ngăn cấm các buổi hội họp đông người, nhất là các buổi nhóm ban đêm. Họ thi hành chỉ dụ của Cơ Mật Viện cấm Hội truyền giáo và Mục sư Truyền đạo giảng Tin Lành cho người bản xứ, nên lần kia tại làng Gia Thượng, sau khi giảng, Mục sư Lê văn Thái bị một nhóm người do ông Lý trưởng sai phái thổi kèn vang dội, tay cầm dây và gậy gộc mời đến điếm canh để nhắc lại lệnh cấm giảng đạo Tin Lành, may là  không có gì đáng tiếc xảy ra.

Ở Trung kỳ, các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa là những nơi Tin Lành bị bắt bớ nặng nề mà đứng đầu là quan Tổng đốc Quảng Nam, ông ra lệnh cho con cái Chúa tại Quế Sơn phải dỡ bỏ nhà thờ đang khi họ xây dựng. Đầu tháng 5 năm 1928, Mục sư Ông văn Huyên và Truyền đạo Đặng Ngọc Cầu tới đảo Lý sơn (cù lao Ré) phát sách và làm chứng đạo, bị 3 tháng tù giam. Ở Nha Trang, Mục sư Phan Đình Liệu bị kêu án tù 6 tháng giam trong nhà lao vì giảng đạo. Tin Lành bị bắt bớ tới tai quốc Hội Pháp ở Paris. Chính phủ bị quốc hội chất vấn, cuối cùng ngày 5-12-1929, Khâm sứ Pháp Jabouille và triều đình Huế do quan Nhiếp Chánh Tôn Thất Hân ký chung sắc lệnh thu hồi sắc lệnh tháng 12 năm 1915 và chỉ dụ của triều đình, trong đó có điều khoản: «Các Mục sư Tin Lành Pháp không bị hạn chế trong việc thờ phượng và truyền Tin Lành... Một giấy phép sơ khởi sẽ được cấp cho các Hội truyền giáo ngoại quốc thuộc mọi tín ngưỡng, và các hàng giáo phẩm ngoại quốc thuộc mọi tín ngưỡng», dù vậy dưới áp lực của nhiều phía, sự bắt bớ vẫn thỉnh thoảng xảy ra.

Ở Nam kỳ, những cơn bắt bớ đa số là từ sự kỳ thị tôn giáo và lời tuyên truyền đạo bỏ ông bỏ bà hoặc đạo ngoại quốc, khiến con cái trong gia đình rất khó khăn sau khi đã tiếp nhận Tin Lành. Nhiều người phải trả giá cho niềm tin của mình.

B. Bị chiến tranh

Năm 1939 Thế chiến Thứ hai bùng nổ cho tới năm 1945 mới kết thúc. Phe Trục gồm Đức, Ý, Nhật đánh chiếm khắp nơi chống lại Liên minh Anh, Pháp, Hoa kỳ. Nhật chiếm thế thượng phong ở Viễn đông, trong khi Đức làm bá chủ Âu Châu. Ngày 14-6-1940, Paris thất thủ vào tay quân Đức, quân Nhật trong phe Trục tiến vào Việt Nam áp lực trên quân đội Pháp đòi hỏi quyền lợi. Đêm 9-3-1945, Nhật đến Phủ Toàn quyền ở Sàigòn đưa tối hậu thư đòi Pháp giao quyền cai trị Việt Nam cho Nhật, từ đó cả nước Việt Nam , quân Nhật bắt giữ các nhà chức trách văn võ của Pháp và tước chính quyền. Ngày 10-3-1945, cờ Nhật phất phới từ Ải Nam Quan cho tới mũi Cà Mau. Vua Bảo Đại hủy bỏ các hòa ước đã ký với Pháp và tuyên bố Việt Nam độc lập trong khối Đại Đông Á của Nhật.

Suốt thời gian quân Nhật chiếm đóng Việt Nam, người Nhật dùng kinh tế Việt Nam phục vụ cho chiến tranh, lấy lúa gạo cung cấp cho quân Nhật trên khắp các chiến trường, khiến đời sống người Việt thiếu ăn đói khổ. Ở Bắc kỳ có khoảng 2 triệu người chết đói, còn ở Trung và Nam kỳ không khắm khá gì hơn, vải sồ, xăng dầu không cho nhập cảng khiến phải dùng trái mù u quấn bông gòn làm rọi mà đốt, dân chúng thành phần nghèo, nhất là ở thôn quê mặc quần áo khâu bằng bao bố, có cảnh hai vợ chồng chỉ có một cái quần thay nhau mà mặc. Bìết Nhật sẽ gây khó dễ với các giáo sĩ Mỹ, Hội Truyền giáo Trung ương ở New York ngày 2-8-1941 kêu gọi các giáo sĩ ở Đông dương hoặc về nước hoặc qua lánh nạn ở Phi luật tân. Ai ở lại phải tìm cách tự túc. Có 68 gia đình giáo sĩ trong số 74 gia đình ở Đông dương lúc bấy giờ quyết định ở lại, hậu quả là tháng 4 năm 1943, tất cả gia đình giáo sĩ đều bị Nhật bắt giam ở Mỹ tho. Bên ngoài chỉ còn có giáo sĩ Jean Funé mang quốc tịch Pháp không bị quản thúc. Hội thánh Tin Lành Việt Nam bấy giờ phải hoạt động một mình, hoàn cảnh khó khăn vô cùng. Song nhờ ngay từ buổi ban đầu, Hội thánh được Chúa soi dẫn với đường lối tự đứng trên chân mình, tự trị, tự lập, nên dù hoàn cảnh nào con cái Chúa vẫn hết lòng lo cho các đầy tớ Chúa duy trì Hội thánh.

Năm 1944, quân Đồng Minh đổ bộ lên Normandie đẩy lui quân Đức để giải cứu Pháp, trong khi Nga trực chỉ tiến vào Bá Linh, quân Đức đầu hàng vô điều kìện ngày 7-5-1945. Riêng Nhật dù được kêu gọi đầu hàng, nhưng nhất quyết chiến đấu cho đến khi Hoa kỳ dội hai trái bom nguyên tử xuống Quảng Đảo (Hiroshima) và Trường Kỳ (Nagasaki) mới chịu đầu hàng vào ngày 14-8-1945. Thế chiến thứ 2 kết thúc, Pháp trở lại tiếp tục đặt nền đô hộ ở Việt Nam, thế là Việt Nam phải đối diện với  9 năm  kháng chiến  chống Pháp kéo dài từ 1945-1954 giành độc lập. Bom đạn cày nát quê hương, chết chóc khổ đau suốt từ Nam tới Bắc. Nhiều nhà thờ sụp đỗ, một số khác đóng cửa vì con cái Chúa tản cư, một số  Mục sư Truyền đạo bị bắn chết. Do các cuộc chiến tranh liên tục xảy ra, Hội thánh Chúa bị thiệt hại rất nhiều.

Ở miền Bắc, năm 1940 có 57 nhà thờ, trong số có 34 Hội thánh tự trị tự lập, nhưng đến năm 1941, có tới 23 nhà thờ bị đóng cửa. Từ năm 1946-1947, hầu như 90% nhà thờ bị phá hủy, có lúc chỉ còn lại 3 Mục sư quản nhiệm Hội thánh. Nhiều Mục sư Truyền Đạo bỏ chức vụ vì đau ốm hoặc quá cực khổ, một số khá lớn khác chết trong chức vụ, một số chuyển vào Nam. Năm 1951, có 16 nhà thờ nằm trong vùng kiểm soát của Việt Minh.

Ở miền Trung, năm 1945 trường Kinh Thánh Đà Nẵng bị đóng cửa liên tiếp 3 khóa, sinh viên một số phải nhập ngũ.  Có lúc cơ sở trường Kinh thánh bị quân đội Pháp chiếm dụng. Ông bà Truyền đạo Lê Thiện Thị và con trai đầu lòng bị sát hại khi chiến tranh xảy ra tại Thanh Quít (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Năm 1947, Mục sư Phan Lang (thân sinh MS Phan Minh Tân) cùng với 3 nhà lãnh đạo Hội thánh: Cụ Đặng Ngọc Hồ (thân sinh MS Đặng Ngọc Cang), Cụ Phan Phụng Chánh (thân sinh MS Phan Phụng Phục) và Cụ Mã Phúc Diên,  từ Hội Thánh Phong Thử cầm Kinh thánh đi Đà Nẵng thờ phượng Chúa, dọc đường bị phục kích bắn chết. Năm 1948, Mục sư Trịnh An Mẹo trên đường từ Sàigòn đến nhiệm sở truyền giáo ở Đà Lạt trên xe bị tấn công và tử nạn. Về các Hội thánh, năm 1947, có 16 nhà thờ và nhà nguyện bị đóng cửa, đến năm 1951, miền Trung hầu như tất cả nhà thờ bị đóng cửa, chỉ còn lại 8 nhà thờ mà thôi.

Ở miền Nam, ngoài cuộc chiến chống Pháp của Việt Minh, còn có các nhóm vũ trang của các giáo phái Hòa Hảo, Cao Đài, Bình Xuyên gây trở ngại rất nhiều cho sự phát triển Hội thánh. Năm 1946 và năm 1947, có 30 nhà thờ ở vùng nông thôn bị đóng cửa, nhiều nhà thờ khác bị bom đạn hủy phá, tuy nhiên, nhiều hội thánh mới được thành lập thêm. Truyền đạo Trần Mỹ Bê ở Hội thánh Châu Đốc và Mục sư Nguyễn văn Tài ở Ma Lâm (Bình Thuận) bị giết chết. Tính đến năm 1953, miền Nam chỉ còn lại 61 nhà thờ.

Dù trong hoàn cảnh chiến tranh chết chóc, nghèo đói, khá nhiều nhà thờ bị đóng cửa hay bị hoang phế vì nằm trong vùng chiến sự, song Hội thánh Tin Lành Việt Nam vẫn đứng vững, không chùn bước. Tính đến năm 1954, Hội thánh Tin Lành Việt Nam trên toàn quốc có 154 chi hội, 132 Mục sư Truyền Đạo và 44 giáo sĩ của Hội Truyền giáo Phước Âm Liên Hiệp (CMA), có chừng 15.000 tín đồ. Trong thời gian 26 năm nầy (1928-1954), Hội thánh tổ chức được 17 Hội Đồng Tổng Liên Hội, ngoại trừ 6 năm (từ 1944-1949) không thể tổ chức vì chiến tranh khốc liệt, với các vị Hội Trưởng: MS Dương Nhữ Tiếp (1928-1930), Mục sư Trần Xuân Phan (1931-1932), Mục sư Lê Đình Tươi (1933-1941), Mục sư Lê văn Thái (1942-1960) liên tiếp được Chúa dấy lên lãnh đạo Hội thánh. Dù trong giai đọan cực kỳ khó khăn, nhưng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam trong khoảng thời gian nầy thực hiện được các công tác hệ trọng sau đây:

1. Truyền giáo cho đồng bào Thượng du

Năm 1929, giáo sĩ A.H Jackson đến Đà Lạt thăm dò và khởi sự truyền giáo cho các sắc tộc vùng Cao nguyên, trong khi ở Bắc Việt, Mục sư Lê văn Thái chú ý đến công tác truyền giáo cho các sắc tộc thiểu số ở miền Bắc. Năm 1931, giáo sĩ C.E Travis đến Phan Rang truyền giáo cho người Chàm. Năm 1934, giáo sĩ P.E Carlson đến Xuân Lộc truyền giáo cho người Chru, trong khi Giáo sĩ G.H Smith đến truyền giáo cho người Rađê (Êđê) ở Ban Mê Thuộc, MS Trịnh An Mẹo đến Đà Lạt. Năm 1935, Mục sư Ngô văn Lái đến Khe Sanh truyền giáo cho người Bru. Năm 1940, TĐ Lê Khắc Cung tới truyền giáo cho người M’Nông, TĐ Kiều Toản giảng cho người Katu ở Quảng Nam, và cùng năm nầy ở miền Bắc, Hội thánh đem Tin Lành đến cho người Dao ở Bắc Sơn (Lạng sơn). Năm 1941, Mục sư Phạm Xuân Tín đến truyền giáo cho người Jơrai và Bahnar ở Pleiku, và năm 1952 thì đến Đơn Dương truyền giáo cho người Chru. Năm 1941, Mục sư Phạm văn Năm đến Đà Lạt truyền giáo cho người Kơho, trước đó đã có  Mục sư Nguyễn văn Tầm đến đây truyền giáo rồi. Năm 1942, Mục sư Bùi Tấn Lộc đến truyền giáo cho người Bru ở Khe Sanh. Năm 1951, MS Chung Khâm Lộc đến Di Linh truyền giáo cho người dân tộc Sơrê. Mục sư Trương văn Tốt (1952) đến Fi Yan (La Ba) cho sắc tộc Riôn. Mục sư Trương văn Sáng đến Pleiku cho người Jơrai và Bahnar. Mục sư Đặng văn Sung đến Ban Mê thuộc phụ tá truyền giáo với Mục sư Nguyễn Hậu Nhương giảng Tin Lành cho người Rađê, đến năm 1953, Mục sư Đặng văn Sung tới Bình Long truyền giáo cho người Stiêng, TĐ Phan văn Xuyến tới Di Linh giảng cho người Mạ. Năm 1954, còn có Mục sư Phạm Xuân Hiển đến Đà Lạt học tiếng Kơho. Năm 1949, trong buổi họp tại Ban Mê Thuộc, Ban Bào Ngoại Bố Đạo Đoàn đổi thành «Đoàn Truyền Giáo Tin Lành Việt Nam» do Mục sư Phạm Xuân Tín làm trưởng đoàn. Công tác truyền giáo làm nức lòng con cái Chúa, hàng ngàn người sắc tộc đủ mọi chi phái từ bỏ bùa chú, mê tín dị đoan trở về tin Chúa, nhiều Hội thánh được thành lập, về sau trở thành một địa hạt thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam vào năm 1951 với tên: Thượng Hạt, do Mục sư Hà Sol làm Chủ nhiệm.
 
2. Phân chia Địa Hạt

Năm 1931, Hội Đồng Tổng Liên Hội lần thứ 8, họp ở  Hà Nội biểu quyết phân chia Hội thánh toàn quốc thành 3 địa Hạt: Bắc Hạt từ Bắc vào đến Thanh Hóa. Trung Hạt từ Vinh đến Ninh Thuận, và Nam hạt từ Bình Thuận đến Cà Mau. Đến năm 1951, có thêm Địa Hạt Thượng Du nữa, về sau được gọi là Thượng Hạt, tổng cộng có 4 địa hạt. Mỗi hạt có một vị Chủ Nhiệm đứng đầu cùng một Ban Trị Sự điều hành và lãnh đạo công việc Chúa, mỗi năm đều có Hội Đồng Địa Hạt nghe giảng bồi linh và bàn luận công việc Chúa cùng bầu bán phần Ban Trị Sự Địa Hạt. Tính đến năm 1950, Nam Hạt có 7759 tín đồ, Trung Hạt tính đến năm 1951 có 3257 tín đồ, sinh hoạt trong 33 Hội thánh, trong khi 7 Hội thánh vẫn còn bị đóng cửa. Bắc Hạt tính đến năm 1951, có 1110 tín đồ nhận báp têm trong 12 Hội thánh chánh và 7 Hội thánh nhánh. Thượng Hạt tính đến năm 1954, thành lập được 70 Hội thánh, có 47 Mục sư Truyền đạo và khoảng 6000 tín đồ.

3. Thành lập Ban Chứng Đạo

Từ ngày 28-5 đến ngày 3-6 năm 1938, Hội Đồng Tổng Liên Hội lần thứ 16 tổ chức tại Vĩnh Long, dười sự chủ tọa của Mục sư Hội Trưởng Lê Đình Tươi, đã mời tiến sĩ Tống Thượng Tiết từ Trung Hoa đến giảng bồi linh, đã đem lại một cơn phấn hưng lớn cho Hội thánh Tin Lành Việt Nam. Mọi người tham dự được Chúa thăm viếng đặc biệt, mọi tấm lòng tan vỡ ăn năn thống hối, nhất tề đứng lên theo lời kêu gọi phất cờ chứng đạo ra đi khắp nơi giảng Tin Lành, làm chứng nhân cho Chúa. Hàng trăm Hội thánh sau Hội đồng thành lập Ban chứng đạo, Tổng Liên Hội cũng lập Tổng Trưởng Ban Chứng Đạo nhằm chỉ đạo, khuyến khích con cái Chúa nổ lực giảng Tin Lành. Từ Hội Đồng lịch sử nầy, tiếng kêu gọi truyền giáo cho miền Thượng Du đã được đáp ứng mạnh mẽ, nhiều Mục sư Truyền Đạo đứng lên dâng mình đi truyền giáo.

4. Các hoạt động khác

Cũng trong giai đoạn khó khăn nầy, Hội thánh Tin Lành Việt Nam được Chúa ban phước, bàn tay của Chúa đỡ nâng và dẫn dắt Hội thánh được kiện toàn về mặt tổ chức và mở mang trong nhiều lãnh vực khác nhau, góp phần cho sự phát triển đa diện của Hội thánh. Năm 1936, Bản Điều Lệ 1928 được tu chính, năm 1941 Toàn quyền Đông Dương  Decoux  cấp tư cách pháp nhân cho Hội thánh, kể từ đây, Hội thánh được chính thức công nhận là một tổ chức tôn giáo có quyền tự do truyền bá Tin Lành. Niềm vui mừng phấn khởi tràn ngập lòng con dân Chúa.  Năm 1947, trường Kinh thánh Ban Mê Thuộc dành cho người sắc tộc được xây dựng do giáo sĩ G.H Smith phụ trách, năm sau, năm 1948, trường Kinh thánh Đà Nẵng được mở cửa trở lại, do Mục sư Ông văn Huyên làm đốc học đào tạo Mục sư Truyền đạo cung ứng cho cánh đồng truyền giáo rộng lớn đang đối diện với chiến tranh, nghèo khổ và chết chóc. Năm 1949, trường Kinh thánh dành cho người sắc tộc được mở ở Đà Lạt do giáo sĩ H.A Jackson điều hành. Năm 1950, Hội thánh chính thức được đổi tên từ Hội Tin Lành Đông Pháp thành Hội thánh Tin Lành Việt Nam, cũng năm nầy, một quyển Thánh ca gồm 455 bài hát có khung nhạc với âm vận lời hát hoàn chỉnh cùng bài đọc Kinh thánh đối đáp cặp theo được xuất bản thay thế quyển Thơ Thánh dùng cho con cái Chúa tôn vinh Ngài trong các buổi thờ phượng của Hội thánh. Ngoài ra, Hội thánh còn có bài học Trường Chúa Nhựt cho con cái Chúa học lời Chúa mỗi tuần, Hội thánh có tờ Thánh Kinh Báo vừa dưỡng linh vừa có tin tức để con cái Chúa đọc hàng tháng. Có đoàn thanh niên lo cho giới trẻ. Ở miền Nam, Hội thánh còn có xe lưu hành truyền giảng do Mục sư Bùi Tự Do điều hành và một tàu Tin Lành do Mục sư Huỳnh văn Ngà đi khắp các giòng sông giảng đạo nhờ vậy mà nhiều Hội thánh ở miền quê sông nước được thành lập. Năm 1951, Hội thánh khởi sự giảng Tin Lành qua hệ thống truyền thanh phát đi từ Manila (Phi luật tân) cho đồng bào tại Việt Nam, đồng thời góp phần công tác văn hóa xã hội bằng cách xây dựng một bệnh viện bài cùi ở Ban Mê Thuộc (1951), và một Cô Nhi Viện cùng một Trường Trung Tiểu học Tin Lành ở Nha Trang (1953).

Nhìn chung, dù trong giai đoạn khó khăn, bị bắt bớ, bị nghi kỵ, bị chiến tranh tàn phá không ngừng, bị nghèo khổ cùng cực, song le, trong vòng 26 năm kể từ năm 1928 đến năm 1954, số tín đồ Hội thánh Tin Lành Việt Nam không bị sút giảm, trái lại tăng lên gấp 3, công cuộc truyền giáo mở rộng từ thành thị tới thôn quê bằng nhiều phương tiện, cả đường bộ lẫn đường thủy, nhiều Hội thánh mới được thành lập thêm, nền hành chánh của Hội thánh được kiện toàn, nhiều Hội thánh tự trị tự lập về cả mặt tổ chức, điều hành lẫn tài chánh. Dù Hội thánh mở mang trong khó khăn nhưng kết quả rất lớn, đúng như lời Chúa đã nói trước: «Kẻ nào gieo giống mà giọt lệ, sẽ gặt hái cách vui mừng. Người nào vừa đi vừa khóc đem giống ra rải, ắt sẽ trở về cách vui mừng, mang bó lúa mình» (Thi thiên 126:5-6).



Đuốc Thiêng 104

01 Khắc phụng bản năng - ĐTPÂ
02 Hãy cảm tạ Chúa - Mục sư Nguyễn Văn Bình
03 Thơ: Kỷ niệm 100 năm Tin Lành Việt Nam - Trần Nguyên Lam Bửu
04 Lịch sử 100 năm Tin Lành Việt Nam (1/4) - Mục sư Nguyễn Văn Bình
05 Thơ: 100 năm kỷ niệm Tin Lành đến Việt Nam - Đức Huy
06 Lịch sử 100 năm Tin Lành Việt Nam (2/4) - Mục sư Nguyễn Văn Bình
07 Thơ: Tạ ơn Chúa 100 năm Tin Lành đến Việt Nam - Đức Huy
08 Lịch sử 100 năm Tin Lành Việt Nam (3/4) - Mục sư Trần Hữu Thành
09 Người nữ khôn ngoan - Bà MS Nguyễn Văn Bình
10 Lịch sử 100 năm Tin Lành Việt Nam (4/4) - Mục sư Nguyễn Văn Bình
11 Nỗi lòng người đầy tớ Chúa - Bà Lê Văn Bắc
12 Một trăm năm Tin Lành đến Việt Nam - Mục sư Trần Hữu Thành
13 Thử hình dung con tàu Nôê của những ngày sắp đến - Dr Trương Hoàng Lâm
14 Tin Tức - Vinh Bằng
15 Thơ: Không tiếc, mãi yêu - Võ Chánh Tiết