Đặc san báo Đuốc Thiêng - Chủ bút Mục sư Nguyễn Văn Bình

Lịch sử 100 năm Tin Lành Việt Nam (3/4) - Mục sư Nguyễn Văn Bình

Đuốc Thiêng 104, năm 2011


III. Giai đoạn tăng trưởng (1954-1975)

Giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1975 là giai đọan tăng trưởng của Hội thánh Miền Nam. Năm 1954, quân Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ phải đầu hàng quân kháng chiến Việt Nam. Ngày 20-7-1954, hiệp định Genève ký kết tại Thụy sĩ giữa Pháp và Việt Minh phân chia Việt Nam thành hai miền Nam Bắc với hai thể chế khác nhau, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới, chiếc cầu Bến Hải trở thành chiếc cầu ngăn đôi hai miền đất nước. Miền Bắc từ tỉnh Quảng Bình trở ra, theo chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, còn Miền Nam từ tỉnh Quảng Trị trở vào, theo chính thể Cộng Hòa. Có gần 1 triệu người từ Miền Bắc di cư vào Nam, gồm có 676.348 người Công giáo, 182.817 người Phật giáo, còn Tin Lành chỉ có 1041 người, trong số có gần 10 Mục sư Truyền đạo. Hội thánh Tin Lành Việt Nam kể từ thời điểm nầy cũng bị chia ra làm hai. Hội thánh Tin Lành Miền Bắc, sau đổi thành Tổng Hội Tin Lành Miền Bắc và Hội thánh Tin Lành Miền Nam được gọi là Hội Thánh Tin Lành Việt Nam như tên của Hội thánh chung từ trước tới nay.

A. Hội thánh Miền Bắc

Sau hiệp định Genève, một số tín hữu Tin Lành  di cư vào Miền Nam, Hội thánh Tin Lành Miền Bắc chỉ còn khoảng 3 Mục sư, 12 Truyền đạo trông coi 13 Hội thánh với số tín đồ trên dưới 1000 người dưới sự trông coi và điều hành của Mục sư Dương Tự Ấp, Chủ Nhiệm Bắc Hạt. Đến năm 1958, Hội Thánh tổ chức Đại Hội Đồng, đổi tên chính thức là Hội thánh Tin Lành Việt Nam Miền Bắc, phong chức cho 9 truyền đạo và đến Đại Hội Đồng lần thứ 8 họp tại Hà Nội từ ngày 13-15 tháng 3 năm 1962, bản điều lệ dành riêng cho Hội thánh Tin Lành Miền Bắc được Đại Hội thông qua gồm có 20 phần, 49 điều với hệ thống tổ chức gồm Tổng Hội và Chi Hội (không có Địa Hạt) cùng với Bản Tin Kính của Hội thánh. Mục sư Dương Tự Ấp giữ chức Tổng Hội trưởng cho đến năm 1966, tiếp theo là Mục sư Hoàng Kim Phúc (1966-2001). Cùng năm nầy, chính quyền Miền Bắc cho phép Hội thánh mở Trường Kinh thánh ở Hà Nội đào tạo người hầu việc Chúa. Khóa học kéo dài trong 2 năm (1962-1964), mỗi năm chỉ học có 3 hoặc 4 tháng mà thôi, do Mục sư Lê Khắc Lưu và Mục sư Bùi Hoành Thử giảng huấn. Số học viên theo học chỉ có 10 người mà trong số đó có 2 nữ và suốt từ 1954 đến 1975 chỉ có một khóa học duy nhất đó mà thôi.

Hội thánh Tin Lành Miền Bắc theo đường hướng «Sống Phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ tổ quốc và dân tộc» cho nên các Mục sư Truyền đạo cũng phải tham gia chính trị và thi hành bổn phận yêu nước. Do đó, ta thấy Mục sư Hội trưởng Dương Tự Ấp cũng như Mục sư Hội trưởng Hoàng Kim Phúc và sau nầy  Mục sư Bùi Hoành Thử (quyền Hội trưởng) vừa là Hội trưởng của Hội thánh mà cũng vừa là đại biểu quốc hội và có tên hội viên trong  Mặt trận tổ quốc nhà nước. Cũng có nhiều Truyền đạo sau khi tốt nghiệp trường Kinh thánh phải đi nhập ngũ cung cấp cho chiến trường Miền Nam, trong số có Truyền đạo Âu Trọng Cù bị chết trong chiến tranh.

Nhìn chung, giai đoạn 1954-1975, Hội thánh Tin Lành Miền Bắc rất èo uột, không tăng trưởng được. Mọi công tác truyền giáo hầu như bị đình chỉ, nếu có thì chỉ hạn hẹp trong nhà thờ không thể truyền giảng hay làm chứng đạo bên ngoài nhà thờ được. Theo báo cáo của Ban Tôn Giáo các tỉnh, thì tính đến năm 2000, toàn Miền Bắc chỉ có 14 chi hội, 4 Mục sư, 10 truyền đạo, số tín đồ vào khoảng 6.370 người, nếu tính lui lại 5 năm về trước, tức vào thời điểm năm 1975, số tín đồ có lẽ chỉ chừng 5.000 người, trong khoảng thời gian 21 năm (1954-1975), thật là một con số quá ít ỏi.

B. Hội thánh Miền Nam

Trong khi Hội thánh Miền Bắc tăng trưởng rất chậm, thì Hội thánh Tin Lành Miền Nam trong khoảng thời gian từ 1954-1975 lại tăng trưởng rất nhanh, dù phải đối diện với cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử bởi súng đạn tối tân từ hai phía. Sau hiệp định Genève, đất nước thanh bình được chừng 6 năm, thì tiếp theo sau đó, suốt 15 năm, chiến tranh bùng nổ. Từ Quảng Trị tới Cà Mau, từ thành thị tới thôn quê, đâu đâu bom đạn cũng ầm vang ngày đêm không ngừng cày nát quê hương. Chết chóc tang thương diễn ra hằng ngày. Thảm hại nhất là Tết Mậu Thân (1968) và Mùa Hè Đỏ Lửa ở An Lộc, Bình Long, Phước Long và Quảng Trị (1972). Dù Hiệp định Paris 27-1-1973 ký kết đình chiến, nhưng chiến tranh lại diễn ra còn ác liệt hơn trước. Suốt thời kỳ chiến tranh nhiều nhà thờ bị sụp đổ, một số Mục sư Truyền đạo bị chết, con cái Chúa nhà tan cửa nát, chết chóc rất nhiều, số còn lại  phải tản cư khỏi ruộng đất, nhà cửa của mình tới thành phố hoặc nơi an toàn hơn. Tính đến năm 1975, có khoảng 3 triệu người chết do thảm cảnh chiến tranh gây ra gồm cả quân lính hai bên và  thường dân, trong số có Mục sư Chung Khâm Lộc, TĐ Đoàn văn Sua, TĐ Nguyễn Hoàng Sinh, TĐ Phạm Hữu Tồn, Bà Mục sư Đặng văn Diệp. Tết Mậu Thân năm 1968 ở Ban mê thuột lại có 6 giáo sĩ của Hội Truyền giáo Phước Âm Liên Hiệp (CMA): Giáo sĩ Ziemer, Ông bà giáo sĩ Thompson, cô Willting, cô Grisword và cô Olsen bị bắn chết tại cơ sở truyền giáo, và 3 giáo sĩ khác là ông Michel, cô bác sĩ Vietti và ông Mike Benge bị bắt đi biệt tích, còn bà giáo sĩ Ziemer thì bị thương rất trầm trọng.  Cuối năm 1974, Mục sư Đặng văn Sung, truyền giáo cho người Stiêng cũng bị bắt đi biệt tích. Quả là một thời kỳ kinh hoàng khủng khiếp. Song máu của những người tử đạo vì danh Chúa Giê Xu chắc chắn sẽ tưới nhuần cánh đồng truyền giáo, không lâu đồng ruộng sẽ đơm hoa kết trái.

Dù trong thời kỳ chiến tranh khói lửa tàn khốc, thế nhưng, công cuộc truyền giáo mở mang Hội thánh tại Miền Nam lại được tự do hơn bao giờ hết kể từ khi Hội thánh được thành lập. Sáu năm đầu kể từ năm 1954, tận dụng đất nước thanh bình, Hội thánh nỗ lực cứu trợ đồng bào Miền Bắc di cư, thiết lập các Hội thánh thuộc khu dinh điền, các vùng khai hoang lập ấp. Hàng chục nhà thờ được dựng lên tại các khu vực đó. Liên tục các năm sau, các nhà truyền giáo Việt Nam và giáo sĩ CMA đẩy mạnh công tác truyền giáo cho các sắc tộc miền Cao nguyên, thành lập Ủy Ban Truyền Giáo Trung Ương yểm trợ các nhà truyền giáo, thu gặt nhiều thành quả đáng kể. Các Mục sư truyền giáo mới lần lượt được cử đến Tây nguyên : Mục sư Nguyễn Quang Thuận, MS Nguyễn Đình Chương đến Phước Đức lo cho người Rơlai, Mục sư Hồ Hiếu Hạ đến Daksong, Quảng Đức,  lo cho người M’Nông, Mục sư Lê văn Tôi, Mục sư Huỳnh văn Kiểm và Mục sư Tạ Xù đến Phước Đồng truyền giáo cho người Chàm. Mục sư Samuel Ông Hiền đến Đơn dương lo cho người Chru. Mục sư  Nguyễn Anh Tài, MS Trần văn Sang đến vùng Đà lạt, Di Linh, Bảo lộc lo cho các sắc tộc Kơho, Chil, Sơrê, Mạ, Trinh, Rơlai. Truyền giáo Đặng Phước Thành lo cho người Stiêng ở Phước long. Truyền giáo Lê Thế Đinh đến Khe sanh lo cho người Bru, Mục sư Nguyễn Hậu Lương đến Túc trưng lo cho sắc tộc Chrau, sắc tộc mà trước đây Mục sư Lê văn Trầm đến Xuân Lộc truyền giáo. Ủy ban Truyền giáo Trung ương còn cử Mục sư Nguyễn Hậu Nhương đến Vientiane truyền giáo cho người Thái Đen ở Lào (1961), đến năm 1974 thì Mục sư Nguyễn văn Bình đến thay thế.

Năm 1967, Hội thánh Tin Lành Việt Nam thành lập Ủy Ban Truyền Đạo Sâu Rộng nhằm huấn luyện và khuyến khích các Hội thánh địa phương và con dân Chúa đi làm chứng nhân cho Chúa với khẩu hiệu «Tất cả cho người chưa được cứu» với mục tiêu đem10 triệu người trở về với sự cứu rỗi của Chúa mà Mục sư Hội trưởng Đoàn văn Miêng đề ra. Các Địa Hạt như Trung Hạt, Đông Nam Hạt, Tây Nam Hạt mỗi nơi đều có Xe Lưu Hành trang bị loa phóng thanh đi khắp chợ búa, dựng tòa giảng trên mui xe ca hát và truyền giảng Tin Lành cho đồng bào. Các phòng thông tin của các tỉnh, các quận cũng cho phép Hội thánh địa phương giảng đạo ít nhất mỗi tuần một lần cho đồng bào qua lại vào buổi tối. Đài phát thanh Manila vẫn liên tục phát thanh về Việt Nam, trong khi Hội thánh tại Việt Nam cũng được các đài phát thanh của các địa phương cho phép giảng đạo mỗi tuần nửa giờ hoặc 1 đến 2 giờ. Ngoài đài phát thanh Sài gòn và đài quân đội, còn có các đài địa phương khác như : Tân an, Mỹ tho, Kiến hòa, Ba xuyên, Đà lạt, Nha trang, Qui nhơn, Quảng ngãi, Tuy hòa, Ban mê thuột, Đông hà, Huế, Hội an v.v... Sau nầy còn có giảng đạo trên đài truyền hình nữa. Từ năm 1955, chính phủ còn cho phép Hội thánh thành lập Đoàn Tuyên Úy chăm sóc tín hữu Tin Lành trong quân ngũ khắp bốn vùng chiến thuật, đồng thời truyền bá Phúc âm cho quân nhân thuộc mọi thành phần khác nhau trong quân đội. Hội thánh cũng thành lập Đoàn sinh viên Tin Lành (1959) và cùng năm ấy, Hội thánh mở một trung tâm thanh niên ở Sàigòn, giúp đỡ các sinh viên và thanh niên hiểu biết về Chúa. Thánh Kinh Hội cử nhân viên đi khắp các vùng đất nước bán những sách Tin Lành với giá rẽ để đồng bào tiếp cận với lời Chúa. Tổ chức Truyền giảng Tin Lành cho mỗi gia đình (CTG) cử hằng trăm nhân viên được cấp lương bổng chỉ đi phân phát truyền đạo đơn cho mỗi gia đình trong nước và làm chứng cho đồng bào từ Quảng Trị tới Cà Mau, trong khi Ủy Ban Cứu Tế Xã Hội ủy lạo và phát sách chứng đạo thường xuyên cho đồng bào tản cư. Tổng Đoàn Thanh Niên Cơ Đốc Xã Hội do các thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết vận đồng tài chính và áo quần, thuốc men, đồ ăn khắp nơi trên thế giới góp phần cứu trợ cho các nhân nạn thiên tai bão lụt và nạn nhân chiến tranh. Một số khác đi vào thăm hỏi, an ủi và nói về Chúa cho các bệnh nhân tại các bệnh viện cũng như Quân y viện. Hội thánh còn thành lập Chẩn y viện ở Nha Trang và Pleiku (1960) khám bệnh và phát thuốc cho đồng bào. Ngoài ra, các Hội thánh địa phương còn được phép đến giảng Tin Lành cho những tù nhân trong các trung tâm cải huấn ở các tỉnh thành.

Hội Hoàn Cầu Khải Tượng (World Vision) bắt đầu từ thập niên 60, giúp Hội thánh Việt Nam mở 90 trường Trung Tiểu Học, có 800 giáo viên và 90 nhân viên đảm trách 800 lớp học với số học sinh chừng khoảng 30.000, mỗi lớp đều có giờ  giáo lý dạy đạo cho học sinh. Ngoài ra Hội thánh còn có Tổng Đoàn Thanh Niên toàn quốc và Đoàn Thanh Niên ở các Địa Hạt lo cho thanh niên và cũng có Ủy Ban Truyền Đạo cho Thiều nhi nữa. Hội  thánh còn có tờ Thánh Kinh Báo (1931) sau nầy đổi  thành Thánh Kinh Nguyệt San cung cấp tin tức và những bài dưỡng linh hàng tháng cho tín đồ và tờ Hừng Đông, sau nầy đổi thành Rạng Đông nhằm truyền giáo cho người chưa biết Chúa. Trường Kinh thánh Đà Nẵng tiếp tục vai trò đào tạo và huấn luyện người hầu việc Chúa. Năm 1954 chỉ có 30 sinh viên theo học, nhưng năm 1955 lên đến 82, đến năm 1958 tăng lên đến 100, vì vậy trường trở thành chật hẹp, nên năm 1960, trường được thiên di vào Nha Trang, đổi tên thành Thánh Kinh Thần Học Viện do Mục sư Ông văn Huyên làm Viện trưởng. Cơ sở mới đầy đủ tiện nghi cho 200 sinh viên nội trú, ăn ở và theo học. Ngoài ra, ở các Địa Hạt hằng năm còn mở khóa Tiểu Học Đường dạy Kinh thánh cho con cái Chúa. Các Hội đồng Tổng Liên Hội và các Hội đồng Địa Hạt hằng năm đều được tổ chức đều đặn, vừa bồi linh, vừa  kiện toàn hành chánh vừa chỉ đạo việc mở mang bờ cõi nước Chúa. Năm 1970, Hội thánh mở nhà in Tin Lành tại Sài gòn in sách báo của Hội thánh giúp cho sự gây dựng đức tin tín đồ và phổ biến Tin Lành rộng rãi hơn.

Nhờ những sinh hoạt năng động như thế, cho nên dù trong giai đoạn chiến tranh tàn khốc diễn ra, Hội thánh Tin Lành Việt Nam lại tăng trưởng cách lạ lùng. Trước năm 1954, số tín đồ chỉ vào khoảng 15.000 người, nhưng 21 năm sau, vào thời điểm của năm 1975, Hội thánh Tin Lành Việt Nam có khoảng 146.089 tín đồ, tăng gần gấp 10 lần, gồm có 530 chi hội, 190 Mục sư, 167 Truyền đạo và 155 Truyền đạo sinh. Tổng cộng người hầu việc Chúa lên tới 512 người. Riêng tại vùng Cao nguyên, số tín đồ các sắc tộc lên đến con số 57.768 người, với 216 chi hội và 183 Mục sư, Truyền đạo, Truyền đạo sinh. Các Địa Hạt không thể kham nổi trong việc thăm viếng, điều hành với sự tăng trưởng như thế, nên từ 3 Địa hạt: Trung Hạt, Nam Hạt, Thượng Hạt, mỗi hạt được Hội đồng Tổng Liên Hội chấp thuận chia làm 2 hoặc nhiều hơn. Trung Hạt năm 1962 chia ra Bắc Trung Hạt và Nam Trung Hạt. Năm 1969, Nam Hạt khởi đầu chia ra Đông Nam Hạt và Tây Nam Hạt. Về sau, năm 1973 Tây Nam Hạt lại chia thành Địa Hạt Tiền Giang và Địa Hạt Hậu Giang. Năm 1969, Thượng Hạt cũng chia ra làm 2: Trung Thượng Hạt và Nam Thượng Hạt. Như vậy, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam) từ 3 địa hạt trước năm 1954 tới năm 1975 có 7 địa hạt tất cả, dưới sự lãnh đạo của hai vị Hội trưởng đầy ơn: Mục sư Lê văn Thái (1942-1960) và Mục sư Đoàn văn Miêng (1960-1975).

Ngoài Hội thánh Tin Lành Việt Nam ra, trong giai đoạn nầy, tại Việt Nam cũng có một số hệ phái khác đến truyền giáo, mở mang Hội thánh, thành lập các cơ sở từ thiện, tính đến năm 1975: Hội Mennonite, đến Việt Nam bắt đầu năm 1954, chỉ có hai cơ sở ở Sài gòn và Cần thơ với số tín hữu khoảng 500 người. Cơ Đốc Truyền Giáo Hội do giáo sĩ G.H Smith thành lập năm 1956 chủ yếu hoạt động ở Đà Nẵng cùng các sắc tộc Cao nguyên, có 35 chi hội, trong số có 17 chi hội người sắc tộc, tổng cộng có16.350 tín đồ. Hệ phái Báp Tít Nam Phương, bắt đầu hoạt động từ năm 1959, có 16 chi hội và khoảng 10.000 tín đồ. Hội Thánh Đấng Christ (Church of Christ) bắt đầu hoạt động năm 1963, có 500 tín đồ và 3 cơ sở từ thiện. Hệ phái Ngũ Tuần khởi sự từ năm 1970 ở Sài gòn và Vũng Tàu, có được 500 tín đồ. Riêng Cơ Đốc Phục Lâm giảng đạo ở Việt Nam từ năm 1930, có 42 chi hội với số tín hữu khoảng 30.000 người.

Như vậy tổng cộng số tín hữu Tin Lành cả Miền Bắc lẫn Miền Nam cùng các hệ phái, tính đến năm 1975, có tất cả gần 210.000 người.



Đuốc Thiêng 104

01 Khắc phụng bản năng - ĐTPÂ
02 Hãy cảm tạ Chúa - Mục sư Nguyễn Văn Bình
03 Thơ: Kỷ niệm 100 năm Tin Lành Việt Nam - Trần Nguyên Lam Bửu
04 Lịch sử 100 năm Tin Lành Việt Nam (1/4) - Mục sư Nguyễn Văn Bình
05 Thơ: 100 năm kỷ niệm Tin Lành đến Việt Nam - Đức Huy
06 Lịch sử 100 năm Tin Lành Việt Nam (2/4) - Mục sư Trần Hữu Thành
07 Thơ: Tạ ơn Chúa 100 năm Tin Lành đến Việt Nam - Đức Huy
08 Lịch sử 100 năm Tin Lành Việt Nam (3/4) - Mục sư Nguyễn Văn Bình
09 Người nữ khôn ngoan - Bà MS Nguyễn Văn Bình
10 Lịch sử 100 năm Tin Lành Việt Nam (4/4) - Mục sư Nguyễn Văn Bình
11 Nỗi lòng người đầy tớ Chúa - Bà Lê Văn Bắc
12 Một trăm năm Tin Lành đến Việt Nam - Mục sư Trần Hữu Thành
13 Thử hình dung con tàu Nôê của những ngày sắp đến - Dr Trương Hoàng Lâm
14 Tin Tức - Vinh Bằng
15 Thơ: Không tiếc, mãi yêu - Võ Chánh Tiết